Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 1 – Chương 4

07/05/2019

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

*****************

TẬP 1 – CHƯƠNG 4

Ý NGHĨA SỰ KIỆN ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI LA VANG

A. TỪ Ý NGHĨA SỰ KIỆN ĐỨC MẸ HIỆN RA TRÊN THẾ GIỚI…

Vai trò của Đức Mẹ trong Giáo hội cũng như vai trò của người mẹ trong gia đình.Thiếu mẹ, con cái sẽ mồ côi. Thiếu Đức Mẹ, Giáo hội sẽ mồ côi.

Đức Mẹ – Người Mẹ, luôn là hình ảnh người hiền mẫu. Trong gia đình con cái muốn gì không dám nói với cha mà chỉ thủ thỉ với mẹ, qua mẹ. Mẹ là tình thương, là sự che chở, là sự gần gũi. Dù nghèo, nhưng lòng mẹ luôn là kho tàng vô tận. Đức Mẹ là nguồn vô tận của mọi ân sủng.

Mọi Giáo hội Công giáo địa phương đều sùng kính Đức Mẹ, và ngược lại Đức Mẹ cũng yêu thương con cái, thường đến với các Giáo hội địa phương qua sự hiển linh, tức là những cuộc mạc khải riêng tư mà tại Việt Nam là tiêu biểu.

Loại trừ một số sự kiện về Đức Mẹ, vô tình hay hữu ý, mang nặng lòng mê tín, có hại cho đức tin Công giáo, thì những sự kiện còn lại về Đức Mẹ Maria hiện ra không phải là ít, và đặc biệt là mỗi sự kiện mang một ý nghĩa riêng.

I. ĐIỂM QUA CÁC SỰ KIỆN ĐỨC MẸ HIỆN RA TRÊN THẾ GIỚI

1. Tại Gadalupê nước Mêhicô

Juan Diego, một thổ dân gốc Aztec da đỏ, có vợ là bà Maria Lucia, một tín đồ tân tòng ngoan đạo. Bà bị bệnh mất năm 1527. Diego vô cùng buồn khổ.

Ngày 9-12-1531 Đức Mẹ hiện ra an ủi Diego, Đức Mẹ tỏ lòng thương yêu, bảo vệ đức tin những người theo Chúa. Đức Mẹ dạy Diego đến báo với Đức Giám mục rằng Mẹ muốn xây dựng tại đây một giáo đường để danh Mẹ được cả sáng và để con cái Mẹ tới lui kề cận Mẹ tại chốn này.

2. Tại Paris nước Pháp, số 140 Rue Du Bac

Ngày 18-7-1830, rồi ngày 27-11-1830, rồi tháng 12-1830, và tháng 3-1831… Đức Mẹ hiện ra với Catherine Labouré, 24 tuổi, vừa gia nhập Dòng Nữ tử Bác ái. Đức Mẹ đã mạc khải về “hiện tình và tương lai nước Pháp cũng như về những khó khăn của Giáo hội Pháp”.

Nữ tu Catherine qua đời ngày 31-12-1876, đã được Tòa Thánh tôn phong hiển thánh ngày 27-7-1947.

3. Tại Lourdes (Lộ Đức) Miền Nam Tây Nam nước Pháp

Ngày 11-2-1858, Đức Mẹ cầm tràng chuỗi Mân Côi, hiện ra với cô Bernadette Soubisou, 14 tuổi. Khi Bernadette lần hạt, Đức Mẹ đã dạy: “Hãy sám hối, hãy cầu xin cho kẻ có tội ăn năn trở lại”.

Ngày 25-3-1858 Đức Mẹ lại hiện ra với Bernadette và phán bảo: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Một điều hoàn toàn xa lạ, khó hiểu đối với trí óc non nớt của một cô bé 14 tuổi.

4. Tại Fatima, nước Bồ Đào Nha

Ngày 13-5-1917, và ngày 13 mỗi tháng cho đến 13-10-1917, Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ Lucia Dos Santos (9 tuổi), Francisco Marto (8 tuổi) và Jacinta Marto (6 tuổi), chỉ dẫn cho ba em cầu nguyện, hãm mình, lần hạt Mân Côi. Đức Mẹ truyền dạy: “Hãy thống hối, cải thiện đời sống, hãy năng lần hạt Mân Côi và tôn sùng trái tim vẹn sạch Đức Mẹ”.

5. Tại Banneux, nước Bỉ, một làng gần thành phố Liège. Đức Mẹ trong y phục Đức Mẹ Lộ Đức, đã 8 lần hiện ra với bé gái 11 tuổi Mariette Béco, từ 15-1-1933 đến 2-3-1933.

“Đức Mẹ từ trên trời hiện xuống giữa những hàng thông. Người dừng lại gần nhà một người thợ, trong mảnh vườn nhỏ trước căn nhà ấy. Rồi Đức Mẹ dẫn đường cho em nhỏ Mariette Béco đi theo Người trên một con đường mòn dẫn vào rừng. Tại đó, Đức Mẹ đã ban cho nhân loại một dòng suối – một dòng suối dành riêng cho Người, cho các dân tộc và cho những người đau yếu… Và Người đã về trời, đi qua cây sồi và những hàng thông xanh…[1]”.

6. Tại Medjugorie (Mễ Du), nước Bosnia Herzêgôvina, giáo phận Mostar, giáo xứ thánh Giacôbê.

Từ ngày lễ thánh Gioan Tiền Hô, 24-6-1981, kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, Đức Mẹ hiện ra với 6 trẻ em: 4 gái (Vicka, Mirjana, Ivanka, Marija) và 2 trai (Ivan, Jacov). Ngoài 6 trẻ em thị nhân trên, còn có một số người khác, cảm nghiệm lời Mẹ, hình Mẹ trong lòng. Họ là những dân nghèo làng quê của một giáo xứ miền núi Mễ Du. Họ là những sứ giả được chọn mang Sứ điệp Hòa bình của Đức Mẹ đến cho toàn thế giới.

7. Tại các nơi khác

+ Nhật Bản, tại Akita 1973 – 1981.

+ Uganda, tại Kibeho 1981 – 1989.

+ Achentina, tại San Nicolas 1983 -1990.

+ Vénézuéla, tại Bêtania 1984…

+ Tại Việt Nam, ngoài La Vang, Đức Mẹ còn hiện ra nhiều nơi khác: Trà Kiệu 1885, Bến Tre 1950, Bình Triệu 1975, Thủ Đức 1994…

II. Ý NGHĨA SỰ KIỆN ĐỨC MẸ HIỆN RA TRÊN THẾ GIỚI

Điểm qua các sự kiện Đức Mẹ hiện ra trên thế giới để có thể nhận thấy, nơi này nơi khác, mỗi sự kiện đều mang một ý nghĩa riêng, đúng hơn, một mạc khải riêng: Tình thương của Mẹ, ước muốn của Mẹ, lời tiên báo của Mẹ, sứ điệp của Mẹ.

1. Đức Mẹ Gadalupê muốn có một Đền thờ dâng kính Mẹ, qua đó con cái đến với Mẹ và danh Mẹ được cả sáng.

Nhưng từ một túp lều nhỏ trên đỉnh đồi Têpêyac vào năm 1531, phải mất 178 năm mới có một đền thờ khang trang dâng Mẹ vào năm 1709, và phải mất 201 năm nữa, năm 1910, Đức Mẹ Gadalupê mới là bổn mạng toàn Châu Mỹ La Tinh, trước khi ở đó, thành phố Mêhicô City, có Vương cung Thánh đường vào năm 1976, và mỗi năm có chừng 15 triệu người hành hương viếng Mẹ.

Năm 1990, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn phong người được diễm phúc thấy Đức Mẹ hiện ra, ông Juan Diego, lên bậc hiển thánh.

2. Ở Paris, Đức Mẹ Rue du Bac đã hiện ra tiên báo về tình hình nước Pháp và những khó khăn mà Giáo hội Pháp đang và sẽ gặp phải.

Nước Pháp trước thế kỷ XVIII được xem là trung tâm của nền văn minh thế giới, cũng là cái nôi phát triển ơn gọi truyền giáo cho các dân tộc châu Phi, châu Mỹ và phương Đông. Nhưng thời kỳ hoàng kim đang lui dần vào quá khứ. Con dân nước Pháp, những người được chọn đã trở chứng, muốn quay lưng lại với những hồng ân, sứ vụ mà Chúa đã trao ban. Cách mạng 1789 và giấc mộng bá chủ hoàn cầu của Napoléon đại đế đã triệt hạ mọi lợi ích của Giáo hội Công giáo Pháp.

Điều tiên báo của Đức Mẹ Rue du Bac đã trở thành hiện thực khi ngày nay người ta nhìn thấy cảnh thưa thớt trong các đại giáo đường Pháp nguy nga. Cái nôi Pháp, nơi ngày trước hàng vạn đấng thừa sai sẵn sàng dấn thân đến các nước châu Phi, châu Á… để được cống hiến, chấp nhận đổ máu đào vì ơn gọi truyền giáo nay bỗng hiếm hoi ơn thiên triệu!

3. Đức Mẹ Lộ Đức nhiều lần hiện ra, mang đến:

+Một mạc khải: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

+Một sứ điệp: “Hãy dốc lòng sám hối, hãy cầu xin cho kẻ có tội ăn năn trở lại”.

4. Đức Mẹ Fatima hiện ra truyền ban:

+Một mạc khải: “Ta là Đấng Nữ Vương Mân Côi”.

+Một sứ điệp: “Hãy ăn năn sám hối, canh tân đời sống, lần hạt Mân Côi và tôn sùng Trái Tim Mẹ”.

5. Đức Mẹ Banneux, trong 8 lần hiện ra với Mariette Béco thì, ngoài những lần Mẹ dạy cầu nguyện, hết 5 lần Mẹ ban thông điệp [2]:

+ Ngày 18-1-1933, Mẹ phán với M.Béco: “Con hãy ngâm tay vào dòng suối này – Dòng suối của Mẹ!”.

+ Ngày 19-1-1933, Mẹ phán: “Ta là Đức Trinh Nữ của những người nghèo khó. Dòng suối này để xoa dịu đau khổ của những người bệnh tật”.

+ Ngày 20-1-1933, Mẹ phán: “Ta ao ước có một nhà nguyện”.

+ Ngày 11-2-1933, Mẹ phán: “Ta đến để xoa dịu sự đau khổ”.

+ Ngày 2-3-1933, Mẹ xưng danh: “Ta là Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ Thiên Chúa”.

6. Đức Mẹ Mễ Du hiện ra để một lần nữa[3]:

+ Làm chứng về vai trò Đấng Thông Ơn và Đấng Bàu Chữa mà Người Nữ Khoác Áo Mặt Trời chiếm giữ trong lịch sử cứu độ.

+ Thông báo Sứ điệp Hòa bình của Nữ Vương Hòa Bình. Đó là những sứ điệp đơn sơ, lập đi lập lại, nhưng lại là lời kêu gọi buồn đau của một bà mẹ không ngừng lên tiếng qua thời gian. Mẹ cảnh báo các dân tộc hãy trở về với những chân lý thiết yếu mà Giáo hội hàng rao giảng.

+ Đưa người lầm lạc trở về giữa lòng Hội Thánh trong tư cách những quốc gia được hòa giải với người Cha Cả là Đấng Tạo Hóa của mình.

B. …ĐẾN Ý NGHĨA SỰ KIỆN ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI LA VANG

Riêng tại Việt Nam, nơi được mệnh danh là quê hương của Đức Mẹ và các Thánh Tử Đạo, theo tương truyền Đức Mẹ hiện ra nhiều nơi, và mỗi nơi Đức Mẹ ban cho một hồng ân đặc biệt: Ơn che chở, ơn lành bệnh, ơn an ủi, ơn khỏi tật nguyền, ơn trở lại… Nhưng truyền thuyết không lắng đọng, ý nghĩa không hàm súc, sự kiện không qui mô như ở La Vang.

Tại La Vang, sự kiện Đức Mẹ hiện ra mang nhiều ý nghĩa:

I. SỨ ĐIỆP ĐỨC MẸ LA VANG

1. Sứ điệp “Cậy Tin Phú Thác[4]”:

“Nơi cánh rừng âm u, giữa một hồi đen tối của Giáo hội Việt Nam,cuối triều Tây Sơn, một số tín hữu còn non yếu trong đức tin của Châu Hoan – Ái, đi tìm chỗ dung thân lánh nạn…

Bà Mẹ quyền năng, ‘Ơn phù trợ của người Kitô hữu’ đã hiện ra ban những lời khích lệ: ‘Hãy giữ vững lòng tin, hãy phú thác nơi con Mẹ, rồi đây sẽ có những ngày yên ổn hơn mà giữ đạo’.

Sứ điệp La Vang được vang lên từ hôm đó.

Ra về khỏi rừng núi, giáo hữu được đặc ân nghe thấy, làm sao quên được tiếng nói của người Mẹ dịu hiền, và mệnh lệnh của bà ‘Thái hậu quyền năng’: Giữ vững Cậy, Tin, Phú dâng vào Con Mẹ…

Từ miệng này qua miệng khác, câu chuyện La Vang được truyền đi… Các tín hữu, dưới sự dạy bảo của các Giám mục, linh mục, nhắc nhủ nhau:

Tin vào Mẹ, phú thác vào Đức Giêsu, vững vàng giữ đạo…

Có những ngày xem như dễ dàng tươi đẹp lắm! Nhưng cũng đã có biết bao nhiêu ngày đen tối! Có những cơn lùng bắt chém giết dễ sợ dưới thời Minh Mạng! Có những cảnh tù đày phân sáp dưới thời Tự Đức! Có những cảnh đốt phá nhà thờ, thiêu sinh từng loạt hàng trăm giáo hữu dưới thời Văn Thân. Họ ôm chầm lấy nhau, ôn lại sứ điệp của Mẹ La Vang: Cậy Tin Phú Thác!Cam đành chết cho lòng tin, chờ ngày huy hoàng sống lại.

Và thật họ đã sống lại!

Mẹ La Vang đã làm bừng dậy biết bao họ đạo Châu Hoan – Ái, vùng Dinh Cát cực nghèo và nhiều thử thách. Mẹ La Vang đã làm mọc lên biết bao ơn gọi tận hiến trong hàng linh mục, tu sĩ và bao nhiêu cán bộ tông đồ giáo dân anh dũng… Vì thế, mỗi lần có thể là đoàn con bốn phương lũ lượt đem nhau về nơi ban hành sứ điệpđể dâng lời cảm tạ, để ôn lại lời nguyền, để vững tâm ‘Cậy Tin Phú Thác’… Rừng hoang vu đã nhường chỗ cho xóm làng trù phú, cho nhà thờ khang trang, cho các cơ sở tiếp đón con cái từ phương xa… Những Đại hội kỳ tiền chiến (1935, 1938), giáo dân Bắc Trung Nam quây quần bên bóng Mẹ La Vang, trong một niềm hân hoan khôn tả.

Nhưng rồi lửa dậy, khói bay…

Từ nơi đây, Linh đài của Người Nữ đạp nát đầu con rắn hỏa ngục vẫn vang lên sứ điệp an ủi những đứa con hoảng sợ: ‘Vững tin lên các con. Cải thiện lại đời sống, đoàn kết với nhau, hòa giải thật sự với Con Mẹ, Hòa bình thống nhất sẽ được ban cho các con’. Cho những đứa con núp bóng Phú Nhai, Phát Diệm, Cầu Rầm… Mẹ vẫn thật gần gũi và luôn nhắc lại lời Cậy Tin Phú Thác.

Những mùa hành hương 1955, 1958, 1961, sứ điệp của Mẹ vẫn vang lên như hồi nào, dịu dàng mà đanh thép: ‘Tin và sám hối, đoàn kết và yêu thương…, góp tay xây dựng. Tương lai bao giờ cũng tươi sáng cho những ai có Chúa, cùng làm với Chúa và Mẹ’.

Nhưng giang sơn vẫn còn nhiều can qua! Giáo hội còn vẫn mãi là một Giáo hội ‘trên đường lữ thứ trần gian, nhiều hận thù và xảo trá’. Đức tin còn phải nhiều thử thách… vất vả còn nhiều trên bước đường của người con Chúa giữa đất Việt… Sứ điệp của Mẹ vẫn vang lên vào tai, đánh vào lòng và nhập thật sâu vào sự xác tín.

Tin mà tìm, tin mà tiến, mà hành động, mà chiến đấu và phú thác để thắng.

Có người ngồi chờ phép lạ từ La Vang! Có người về La Vang để mong phép lạ! Vâng, phép lạ đã có từ lâu nơi Người Mẹ gồm phúc lạ bồng Con đầy phúc lạ hiện ra cho những người ẩn náu chốn La Vang xưa. Phép lạ vẫn còn khi sứ điệp của Người vẫn được ban hành giữa u tối, giữa rối ren hận thù qua bao nhiêu năm nay.

Ai ơi! Về La Vang năm nay hãy lắng nghe sứ điệp, hãy mở mắt mà nhìn phép lạ… Và ra về khỏi La Vang, dốc quyết làm một cái gì để bớt đi những cái ngăn chận phép lạ của Mẹ, và làm sao chóng thực hiện điều mà Mẹ nhiều lần loan báo: Trái Tim Mẹ sẽ thắng!”

2. La Vang – Sứ điệp hy vọng[5]

Nhân dịp Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, 1998, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã tóm lược và giới thiệu: Sứ điệp Đức Mẹ La Vang. Theo Ngài:

+“Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra, là để tiếp nhận một sứ điệp quan trọng cho Giáo hội và dân tộc Việt Nam.Nếu ta chỉ mừng kỷ niệm ấy với một cuộc Đại hội, thì dù đông đảo, tốt đẹp mấy cũng chưa đủ.Chúng ta phải đào sâu, suy niệm và thực hiện Sứ điệp Đức Mẹ La Vang mới thực sự là một Mùa xuân mới cho Giáo hội và đất nước Việt Nam”.

+“Dựa vào những sự kiện được rao truyền về Đức Mẹ đã hiện ra cách đây 200 năm tại vùng rừng núi hẻo lánh La Vang, nơi ẩn lánh của những người Công giáo Việt Nam đang ‘chịu khốn nạn vì đạo ngay’. Dựa vào những lời kinh của ông bà ta ngày xưa cầu nguyện cùng Đức Mẹ La Vang, và cách ông bà ta hiểu biết và sống sứ điệp ấy”…

Đức Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã chia Sứ điệp Đức Mẹ La Vang làm 10 điểm: 5 điểm (1 – 5) thánh hóa bản thân và 5 điểm (6 – 10) phục vụ Giáo hội và xã hội:

2.1/ Bí quyết cầu nguyện

“Cha ông chúng ta trong những ngày chịu bắt bớ đã cùng nhau cầu nguyện, kết hợp liên lỉ với Chúa. Trong bầu không khí cầu nguyện đó, Đức Mẹ đã đến cầu nguyện với họ, khích lệ họ…

Năm 1961, khi nhà thờ La Vang được nâng lên bậc Vương cung Thánh đường, bề trên Giáo phận Huế đã tổ chức chầu Mình Thánh Chúa suốt ngày tại Trung tâm Thánh Mẫu La Vang. Trung tâm Thánh Mẫu La Vang trước hết là Trung tâm cầu nguyện. Cầu nguyện là nguồn sức mạnh mãnh liệt nhất trên trần gian này, đưa chúng ta đến gần bên Chúa, nối kết chúng ta với mọi người. Chuyên tâm cầu nguyện, tham dự các phép bí tích là Sứ điệp đầu tiên của Mẹ La Vang”.

2.2/ Tinh thần thơ ấu

“Đức Gioan Phaolô II đã tuyên bố Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêse là Tiến sĩ Hội Thánh vì linh đạo tinh thần thơ ấu rất được mến mộ trong thời đại này. Linh đạo đó thấm nhuần cuộc sống đạo của cha ông chúng ta, đặc biệt trong những ngày tháng gặp thử thách…

Lạy ơn Đức Mẹ La Vang

Xin nghe con mọn thở than mấy lời.

Tâm hồn trẻ thơ ở đây không phải là thơ ngây, nhưng là yêu thương không giới hạn, phó thác cho cha mẹ tất cả. Cha mẹ bảo gì làm tất cả, theo cha mẹ bỏ tất cả, tin tưởng cha mẹ hơn tất cả. Hùng dũng, vững vàng xứng đạo làm con của người Kitô hữu…”.

2.3/ Mầu nhiệm Thánh Giá

“Đức Mẹ La Vang dạy ông bà ta: ‘Các con hãy vui lòng chịu gian khổ’.

Thánh giá, khổ đau của Chúa chuyển khổ đau con người chúng ta trở nên sức mạnh thần thánh. Thánh Giá là nguồn hy vọng độc nhất của chúng ta, vì khổ nạn gắn liền với phục sinh. Do đó người Công giáo không bao giờ thất vọng.

Mẹ ở dưới chân Thánh Giá, Mẹ ở bên cạnh cha ông chúng ta trong những ngày bị bắt bớ cách đây 200 năm tại La Vang.Mẹ đem Chúa lại cho chúng ta trong cuộc đời vất vả của Kẻ Lữ hành trên đường Hy vọng”.

2.4/ Phó thác cho Mẹ

“Rày con dâng tấm lòng này,

Một niềm mến Mẹ từ rày về sau.

Ông Thoàn và 30 giáo dân bị bắt xin được đưa đến xử và chết trên nền nhà thờ Đức Mẹ vừa bị đốt cháy. Đức tin của họ đi đôi với lòng mến Đức Mẹ.

Lòng con rày chỉ ước ao

Chết trong tay Mẹ phước nào lớn hơn”.

2.5/ Phục vụ người nghèo

“Chúa Giêsu đã nói ‘Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ’.

Đức Mẹ đã đến với ông bà ta, những người nghèo khổ nhất, không nhà cửa, không của cải chạy vào La Vang.

Mẹ Maria hiện ra để an ủi những người gặp cơn thử thách, khốn đốn, tị nạn tại La Vang cách đây 200 năm, như Mẹ đã từng xin Chúa Giêsu, Con Mẹ giúp cho gia đình mở tiệc cưới Cana đang thiếu rượu. Mẹ đã tiếp đón những mục đồng nghèo khổ đến lạy Chúa mới sinh ra tại Bêlem. Mẹ vừa hay tin chị họ là Elisabeth vào tuổi già, đang gặp khó khăn vì vừa có thai, liền cấp tốc lên đường giúp đỡ…

Mẹ La Vang là Mẹ của những người túng thiếu, tật nguyền, là người Mẹ dẫn đoàn con Kitô hữu Việt Nam đại độ thực thi liên đới, phục vụ người nghèo”…

2.6/ Xây dựng Giáo hội

“Khi con cái Việt Nam, vì đức tin Con Mẹ mà gặp phải cảnh khốn đốn, Mẹ đã đến ủi an. Mẹ đã làm cho La Vang thành nơi tụ họp của những người con của Giáo hội Việt Nam. Tụ họp để tôi luyện lại cuộc sống đức tin, thực thi các ơn ích của phép Rửa Tội, nhắc nhở nhau bổn phận làm nên Giáo hội, canh tân cuộc sống cộng đồng, phục vụ người nghèo khổ.

Hãy trở nên ‘những viên gạch sống động’ của một Giáo hội luôn tin tưởng vào Đức Kitô và được thúc đẩy bởi ân sủng nơi Mẹ Maria và thánh cả Phêrô, một Giáo hội luôn cầu nguyện và tìm kiếm những dấu chỉ của thời đại và ưu tiên phục vụ người nghèo khổ”.

2.7/ Thánh hóa gia đình

“Gia đình là thách đố lớn lao nhất của thời đại chúng ta. Chúng ta hãy biến gia đình trở nên mái ấm của nguyện cầu và tình thương. Ở đó, Mẹ Maria là mẫu mực và là Người trung gian.Gia đình chúng ta phải là cái nôi, nơi đó sự sống và tình yêu được nuôi dưỡng, thăng tiến và ấp ủ.

Mẹ La Vang, Mẹ đã đưa Chúa Kitô Con Mẹ vào dân nước chúng ta. Noi gương Mẹ, mỗi một Kitô hữu tận tâm yêu thương đồng bào mình, phát triển văn hóa dân tộc, đóng góp sức lực của mình, dấn thân phục vụ công ích để thăng tiến cuộc sống người dân, tạo phú cường, thịnh vượng và an vui cho cộng đồng xứ sở”…

2.8/ Đoàn kết hiệp nhất

“Chúng ta hãy lắng nghe Sứ điệp Đoàn kết Hiệp nhất của Đức Mẹ La Vang. Mẹ đã quy tụ mọi người lương giáo về nơi rừng núi ấy để kiến tạo lại quê hương và canh tân Giáo hội. Gương đoàn kết của người xưa là tấm bia không bao giờ mòn: Bô lão các làng lân cận dâng hiến đất đai (ngôi chùa tranh) để làm nhà thờ bên đạo.

Dập dìu kẻ tới người lui,

Trong Nam ngoài Bắc mọi người giáo lương”.

2.9/ Sứ điệp Tin Mừng

“Xin cho nước trị dân an,

Nơi nơi nghe thấy Phúc Âm giảng truyền.

Mẹ đã dẫn lối những vị truyền giáo đến với cha ông chúng ta.Mẹ đã hiện diện trong những lời cầu xin của những thầy giảng, những cộng đồng Kitô hữu Việt Nam đầu tiên.Mẹ thúc đẩy nhiều thanh niên, thiếu nữ qua nhiều thế hệ hiến thân vì Phúc Âm.

Vào năm 1961, Bề trên Giáo phận Huế đã dành khoảng đất bên trái đền thờ La Vang để khởi công xây dựng Trung tâm Truyền giáo Mẹ La Vang, và chương trình gởi các nữ tu Việt Nam qua truyền giáo ở quốc gia Lào cũng đã bắt đầu thực hiện lúc ấy: Hôm nay chúng ta phải hoàn thành sứ mệnh đem Tin Mừng đến cho thế giới. Chúng ta phải cam kết sống vai trò chứng tá tình yêu của Đức Kitô, cộng tác với tất cả anh chị em chúng ta để biến đổi xã hội xứng đáng với phẩm giá con người”.

2.10/ Chứng nhân hy vọng

+“Phép lạ La Vang là cảnh hoang vu, rừng núi nay trở thành nhà tinh thần của những Kitô hữu Việt Nam. Chúng ta quay về đó để hâm nóng lòng nhiệt thành sống đạo, đi đến đó để cầu nguyện, nhớ đến để tin tưởng, hy vọng và lên đường phục vụ quê hương và Giáo hội.

Chúng ta tuyên xưng với mọi người Sứ điệp Hy vọng của Mẹ La Vang: Hãy tin tưởng vào Mẹ, hãy chịu đựng thử thách trong hoan hỷ vì Mẹ đã nhậm lời các con. Từ nay ai đến chốn này kêu cầu Mẹ, sẽ được toại nguyện”.

+“Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp,

Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.

Đường Hy vọng do mỗi chấm hy vọng,

Đường Hy vọng do mỗi phút hy vọng”.

                 (Đường Hy vọng.Chương 36: Hy vọng)

II. LA VANG – NGAI TÒA TÌNH THƯƠNG

La Vang là Ngai tòa Tình thương, Đức Mẹ La Vang là Đức Mẹ Tình thương. Vì vậy hơn bao giờ hết, người tín hữu hôm nay đến La Vang để xin Mẹ được “cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống[6]”. Và mãi mãi tin tưởng vào tình thương của Mẹ La Vang, tình thương vô vàn vô tận:

Còn trời, còn nước, còn non,

Con còn cầu khẩn, Mẹ còn đoái thương.

                                         (Thơ JMT)

Trong niềm tin yêu vời vợi ấy, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã “Phó thác toàn thể cộng đồng Công giáo Việt Nam dưới sự bảo trợ của Mẹ La Vang, Ngài là Mẹ yêu thương…[7]”.

Thiên Chúa là tình yêu.Đức Giêsu là tình yêu.

“Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ ơn cứu độ thì cũng là Mẹ tình yêu mỹ diệu, Mẹ của lòng thương xót. Trái tim trinh trong vô nhiễm nguyên tội của Mẹ là đại dương ân sủng, đại dương tình yêu và lòng thương xót do cả Ba Ngôi Thiên Chúa đổ tràn vào để Mẹ ban phát cho con cái là loài người vì danh Thiên Chúa, như Cha trên trời cho ‘Mặt trời mọc lên cho kẻ lành và kẻ dữ’ (Mt 5,44) thế nào thì lòng thương xót của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Thiên Chúa cũng bao trùm mọi người dương thế như vậy. Cho nên bất kể màu da hay sắc tộc, dù lương hay giáo, phàm ai chạy đến cùng Đức Mẹ với lòng chân thành và tin cậy đều được Mẹ ban ơn cứu giúp, che chở, theo mức độ lòng tin của mình[8]”.

Vì tình thương hải hà ấy, Đức Mẹ đã đến với các tín hữu, con cái Mẹ đang chịu thử thách tại La Vang để ban cho họ:

1. Một lời an ủi, vỗ về: “Các con hãy tin tưởng, hãy cam lòng chịu khổ…”.

Vâng, con cái Mẹ đang chịu khổ, trăm bề khổ cực, tiến thoái lưỡng nan. Không lên núi trốn thì bị bắt bớ, roi đòn, tù ngục, gông cùm, chém giết… mà lên núi trốn thì đói khổ, bệnh tật, thú dữ, rét lạnh…

Trong hoàn cảnh trăm đắng ngàn cay, mình trần thân trụi, không biết kêu ai, thì Mẹ Thiên Chúa từ trời cao đến viếng thăm, an ủi: “Hãy cam lòng chịu khổ, Mẹ đã nhậm lời các con”.

Làm sao diễn tả hết được nỗi vui mừng, lòng hân hoan, cảm xúc diệu vợi trên khuôn mặt phấn khích của người giáo tội khi chính họ, không phải ai khác, trực tiếp thị kiến người Mẹ Thiên Đình đang đối diện, trực tiếp nghe lời Mẹ tâm tình, dạy bảo, an ủi, vỗ về.

Một dòng thánh được hòa tan trong châu thân người giáo tội. Họ cảm nghiệm sâu xa ân sủng tình thương của Mẹ. Một nguồn thần lực thiêng liêng vô hình tràn ngập con tim yếu đuối. Họ biết rằng sự đau khổ họ chịu không phải là vô ích. Họ hân hoan đón nhận đau khổ – con đường gần nhất đến với Đức Kitô, Con Mẹ: “Ai theo ta thì hãy vác thập giá mà theo”. Họ hân hoan đón nhận đau khổ, vì qua con đường này họ được bơi thỏa trong đại dương tình yêu của Mẹ.

2. Một lời nhắn nhủ, bảo ban: “Các con hãy hái lá quanh đây nấu uống sẽ lành các bệnh tật”.

Người giáo hữu đến lánh nạn ở La Vang phải đối mặt với 3 nỗi lo lớn: Thú dữ, đói lạnh và bệnh tật. Trong 3 nỗi lo ấy thì “bệnh” là nỗi lo lớn nhất.

Cọp beo tuy dữ, hại người, ăn thịt người, nhưng cũng chỉ rình bắt, ăn lẻ. Vả lại, đối với thú dữ con người còn biết cách đề phòng, xua đuổi: đêm đốt lửa, ngày la vang. Hơn nữa, cọp beo còn biết sợ, dễ đối phó: gài mồi, đánh bẫy.

Đói khổ cũng đáng sợ, nhưng để chống đói con người còn biết bươi móc, đào bới kiếm cái ăn: Nhặt rau, hái quả, giăng câu, bẫy thú. Lâu dài có thể trồng rẫy sắn, rẫy khoai, cây mè, cây đậu…

Còn dịch bệnh là nỗi kinh hoàng của những người đi lánh nạn. Cách đây 2 thế kỷ, y học chưa phát triển, nơi rừng vắng La Vang làm gì có Đông, Tây y dược, làm gì có vắc xin phòng dịch, hay y tá, bác sĩ? Ở La Vang mọi người cùng cảnh ngộ, thân mình lo chưa nổi, còn giúp ai?

Duy nhất, hễ có ai ốm đau, bệnh tật thì giáo hữu tìm tới cây thuốc Nam. Mà đã là thuốc, dù thuốc Nam cũng phải có người chỉ dẫn, kê toa, bốc thuốc mới hiệu nghiệm, sử dụng thuốc bừa bãi có khi hậu quả ngược lại.

Mẹ nhân ái trên thiên đình khắc biết nỗi lo chết người của con cái Mẹ. Mẹ dời gót đến La Vang vừa với tình thương của người từ mẫu, vừa với lòng từ mẫu của người lương y. Một lời chỉ dẫn bảo ban của Mẹ có giá trị cứu mạng cải tử hoàn sinh trong tình cảnh ngặt nghèo, vô phương: “Các con hãy hái lá quanh đây nấu uống sẽ lành các bệnh tật”.

“Lá quanh đây” là những loại lá thông thường, đâu cũng có, dễ kiếm, dễ hái.“Lá quanh đây”, vì là loại lá thông thường nên không mang dược tính cao, không phải là loại thảo dược có thể cải tử hoàn sinh. Nhưng với tình thương của Mẹ, qua tay Mẹ “lá quanh đây” đã trở thành linh đơn, diệu dược.

“Lá quanh đây” chính là niềm tin nơi Mẹ, là tấm lòng con thảo cậy trông, qua 200 năm đã trở thành thác nguồn ân sủng từ Ngai tòa Tình thương chảy mãi, vô cùng vô tận, cho mọi người lương giáo, gần xa.

3. Một lời Mẹ hứa: “Mẹ đã nhậm lời các con kêu xin. Từ rày về sau hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện”.

Lịch sử 200 năm Đức Mẹ La Vang là lịch sử 2 thế kỷ thác nguồn ân sủng. La Vang hoang vu trước đây, từ ngày gót chân Mẹ bước đến đã trở thành Ngai tòa Tình thương, nơi phân phát phúc lộc cho con cái. Biết bao ơn lành hồn xác nơi này, người dân lương giáo nhận được, qua bao thế hệ, từ lòng Mẹ nhân ái.

Mười kẻ bại liệt trong Tân ước được Đức Giêsu chữa lành, chỉ có một người trở lại cảm ơn. Trăm người nhận được ơn lành từ mạch La Vang có bao nhiêu người trở thành nhân chứng? Có bao nhiêu người phản hồi tạ ơn Đức Mẹ La Vang? Có bao nhiêu người phúc trình cho giáo quyền Địa phận Huế để được đưa vào truyền thống? Đã thế, nạn chiến tranh kéo dài đã hủy hoại phần lớn chứng tích của gia sản thiêng liêng này. Vì vậy những ơn lành hồn xác Đức Mẹ ban xuống La Vang này không còn được lưu giữ bao nhiêu. Không bao nhiêu nhưng nếu gom góp cũng có thể thành sách. Như thế đủ thấy ơn Mẹ nơi đây là hằng hà sa số[9].

Hoa vằng nở trắng đất xưa,

Phúc lành ơn Mẹ còn lưa tới chừ.

                             (Thơ Lê Trung Thành)

Từ Ngai tòa Tình thương này, Mẹ dang tay đón nhận con cái Mẹ về từ muôn phương vạn nẻo. Từ muôn phương, vạn nẻo người người nô nức kéo nhau về nhà Mẹ, vui đoàn tụ, thỏa nhớ mong, nhận ơn lành…

Họ là ai?

Là con cháu của những người được diễm phúc thấy Mẹ? Là con cháu của các anh hùng tử đạo? Là những giáo dân Địa phận Huế? Là những giáo dân Việt Nam trong và ngoài nước? Là khách nước ngoài hành hương viếng Mẹ?

Vâng. Họ là tất cả!

Nhưng những gì tốt đẹp của Ngai tòa Tình thương La Vang, không chỉ dành trọn cho con cháu “bên nội” – bên đạo, mà bình đẳng, Mẹ ban phát đồng đều cho cả “bên ngoại” – bên lương. Mẹ La Vang là Mẹ chung. Vì thế không chỉ bên giáo, mà cả bên lương cũng nhận được nhiều ơn lạ do bởi lòng thành kính của họ đối với Đức Mẹ La Vang. Để đáp lại, họ đã có một hành động đẹp: dâng kính Mẹ ngôi chùa tranh để làm chỗ thờ Mẹ – Ngôi nhà thờ tranh La Vang đầu tiên.

Cao cả hơn, La Vang hơn, Đức Mẹ còn ban ơn lành cho hậu duệ của những người bắt bớ, giết hại con cái Mẹ. Một vua Khải Định, trong cơn bệnh thập tử nhất sinh đã hai lần sắm lễ vật khấn cúng Mẹ, được Mẹ ban ơn lành. Những Hường Thuyền, Hường Chức, Hường Tế và những Mệ Hường, Mệ Khứ Bệnh[10]… trở thành những chiến sĩ Phúc Âm thời Đức cha Allys Lý. Hơn thế nữa, hậu duệ của họ là những linh mục tài năng, nhiệt thành: cha Bửu Dưỡng, Bửu Đồng, Bửu Hiệp, Tôn Thất Phái… và rất nhiều nữ tu gốc hoàng phái.

Tại sao vậy? Phải chăng, từ Ngai tòa Tình thương, Đức Mẹ La Vang muốn nhắn nhủ mỗi người hãy vâng nghe lời Đức Giêsu, con Mẹ: Các con hãy tha thứ cho nhau. “Thầy không bảo là đến bảy lần nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21).

III. ĐỨC MẸ LA VANG – THÁNH MẪU VIỆT NAM

Qua truyền thuyết, qua tư liệu thử phác họa lại hình ảnh Đức Mẹ khi hiện ra tại La Vang:

“Đức Mẹ hiện ra rực rỡ, tươi đẹp vô ngần.Người mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng. Có hai thiên thần hầu cận”.

“Bỗng nhiên họ thấy một Bà đẹp đẽ mặc áo choàng, hiện ra gần một cây đại thụ mà họ nhận biết ngay là Đức Mẹ vì có bồng Chúa Hài Đồng, hai bên có hai thiên thần cầm đèn chầu”.

“Một Bà ăn mặc toàn trắng, đầy hào quang bao quanh bất ngờ hiện ra, có hai trẻ cầm đuốc quì chầu hai bên. Ai nấy đều nhận ra chính là Mẹ Maria”.

Nhìn chung, các sách vở, báo chí, tài liệu viết về hình ảnh Đức Mẹ La Vang đều không đi xa hơn nội dung truyền thuyết. Từ truyền thuyết, có thể rút ra 5 nét chính diễn tả Đức Mẹ La Vang:

+ Đẹp đẽ, xinh tươi vô ngần.

+ Đầy hào quang rực rỡ.

+ Tay bồng Chúa Hài Đồng.

+ Có hai thiên thần hầu cận.

+ Mặc áo choàng rộng, toàn trắng.

Năm điểm này, nếu gộp lại sẽ làm thành một điểm chung, đó là hình ảnh Đức Mẹ mà ta thường thấy qua các ảnh tượng. Tuy nhiên, hình ảnh này chung chung không giới thiệu nét gì riêng về Đức Mẹ La Vang.

Vậy nét riêng về Đức Mẹ La Vang là gì ?

1. Đức Mẹ La Vang – Đức Mẹ Việt Nam

+Ngày về nhận tòa lãnh đạo Tổng Giáo phận Huế, 12-4-1961, Đức Tổng Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục đã nhấn mạnh trong phần kết thúc bài diễn từ chào mừng các giới:

“Trong giây phút này, đứng trước một nhiệm vụ mới, lòng tôi không thể không hướng về La Vang.Đức Mẹ La Vang là Đức Mẹ của tổ tiên. Đức Mẹ La Vang là Đức Mẹ của những ngày đạo thánh bị bách hại, là Đức Mẹ của toàn dân Việt Nam…[11]”.

Không phải từ bây giờ, mà hàng chục năm vể trước hình ảnh Đức Mẹ La Vang – Đức Mẹ Việt Nam đã in đậm trong ánh mắt, tâm khảm và nếp nghĩ của mọi người dân bất luận lương giáo, chỉ cần họ có chút tín ngưỡng tâm linh.

+ Linh mục thi sĩ JMT (Joseph Marie Nguyễn Văn Thích) trong bài tạp trở La Vang đã xác định như một chân lý:

“Đức Mẹ là Mẹ Đức Chúa Giêsu, là Mẹ chung loài người, vì loài người đã nhờ ơn Đức Chúa Giêsu cứu chuộc. Mà Đức Mẹ La Vang thì nói được là Đức Mẹ của nước Nam ta, cũng như Đức Mẹ Lộ Đức (Lourdes) là Đức Mẹ của nước Pháp[12]”.

Nơi khác, rất thi sĩ, đầy xác tín, linh mục JMT đã viết về Đức Mẹ La Vang một cách rất Việt Nam, rất Đông Nam Á:

“Kìa Đức Mẹ đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao, chân đạp vầng trăng, mắt nhìn xuống nước Việt Nam, tay đưa ra che chở non sông. Trước mặt là biển Thái Bình, sau lưng là núi Tuyết Sơn Hy Mã Lạp. Biển sâu nhất, rộng nhất, núi cao nhất, lớn nhất của thế giới. Đức Mẹ La Vang là Đức Mẹ Đông Nam Á. Ta biết nương nhờ ai nữa? Khẩn cầu đâu nữa?Chạy đến cùng sức mạnh nào khác nữa?… Lạy Mẹ, Mẹ đã đến và Mẹ còn ở với nước Việt trên đất Việt chúng con tại La Vang. Chúng con được Đức Mẹ yêu thương thế này, lẽ nào chúng con không tin, cậy, mến Mẹ? Lẽ nào chúng con không lo sửa mình, giữ đạo, mến Chúa, yêu người?…[13]”.

+ Dịp Đại hội La Vang 14 (1958), trên làn sóng điện của đài phát thanh tỉnh Quảng Trị, có phát đi bài La Vang, vài dòng lịch sử của linh mục Giuse Trần Văn Tường, cha sở La Vang kiêm trưởng ban tổ chức Đại hội La Vang 14, trong đó, linh mục tác giả cũng so sánh La Vang với Lộ Đức hay với Israel Phục sinh. Ngài nói:

“Nếu Lộ Đức đã trở nên nguồn muôn ơn cho nhân loại qua một thế kỷ nay, thì La Vang cũng đã là Lộ Đức của dân Việt chúng ta gần hai thế kỷ rồi… La Vang là Giêrusalem Sống lại của Israel Phục sinh… La Vang! La Vang! Lạy Mẹ La Vang! Mẹ là sự vui mừng, là niềm vinh dự của đất Việt chúng con[14]”.

+ Trong sách Tuần lễ Cửu nhật Đức Mẹ La Vang, cha Giacôbê Nguyễn Linh Kinh cũng đã giới thiệu:

“Đức Mẹ La Vang là Mẹ riêng của nước Việt Nam ta, vì Ngài đã khấng chọn một nơi trong nước ta làm chốn riêng của Ngài để ở giữa chúng ta và ban phát mọi ơn lành cho chúng ta, tỏ tình thương dân nước ta cách riêng.Chẳng phải là khắp các nước trên thế giới đều đặng Đức Mẹ hiện ra và ban nhiều ơn lạ cả đâu. Song Ngài chỉ chọn ít nơi mà thôi và dạy phải lập đền thờ, phải thành kính, cậy trông, cầu khẩn cùng Ngài ở các nơi ấy cho đặng nhờ các ơn phước Ngài ban.

Vậy nước Nam ta đã đặng phước Đức Mẹ chọn chốn La Vang mà thi ân giáng phước cho ta, là dấu chỉ Đức Mẹ thương dân nước ta cách riêng, nên Đức Mẹ La Vang là Đức Mẹ riêng của ta cũng như Đức Mẹ Lộ Đức là Đức Mẹ riêng của nước Pháp[15]”…

+ Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong Sứ điệp Đức Mẹ La Vang, tlđd, đã viết:

– “Khi con cái Việt Nam, vì đức tin vào Con Mẹ mà gặp phải cảnh khốn đốn thì Mẹ đã đến ủi an. Mẹ đã làm cho La Vang thành nơi tụ họp những người con của Giáo hội Việt Nam. Tụ họp để tôi luyện lại cuộc sống đức tin, thực thi các ơn ích của phép Rửa tội, nhắc nhở nhau bổn phận làm nên Giáo hội, canh tân cuộc sống cộng đồng, phục vụ người nghèo khổ”.

– “Mẹ La Vang là Mẹ của những người túng thiếu, tật nguyền, là người Mẹ dẫn đàn con Kitô hữu Việt Nam đại độ thực thi liên đới, phục vụ người nghèo”.

– “Đức Mẹ đã đến với ông bà ta, những người nghèo khổ nhất, không nhà cửa, không của cải, chạy vào La Vang:

Những người nghèo khổ tật nguyền

Cầu liền đặng đã, xin liền đặng vui.

Mẹ Maria đã hiện ra để an ủi những người gặp cơn thử thách, khốn đốn, tị nạn tại La Vang cách đây 200 năm, như Mẹ đã từng xin Chúa Giêsu, con Mẹ giúp cho gia đình mở tiệc cưới Cana thiếu rượu…”.

+ Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể, một người rất gần gũi với Đức Mẹ La Vang, người con cưng quý của Đức Mẹ La Vang, người tiên phong hội nhập văn hóa lễ hội La Vang và cũng là người có công lớn đem Đức Mẹ La Vang đến với Giáo hội toàn cầu, đã từng gợi mở hình ảnh “Mẹ La Vang – Mẹ Việt Nam”:

– “Khung cảnh La Vang rất đượm tình quê hương, như dòng nước, như vườn cây, Mẹ La Vang, Mẹ rất Việt Nam, Mẹ yêu dấu của mỗi người Việt Nam chúng ta. Sống với Mẹ, cầu nguyện với Mẹ – Mẹ chúng ta. Sống với Mẹ, cầu nguyện với Mẹ – Mẹ La Vang, như ca dao, tục ngữ, như bài hát ru con:

Cảnh đời một mảnh chiếu nan,

Mẹ lăn bên ướt con nằm bên khô.

… Đêm nay, chúng ta cùng canh thức với Mẹ, thức nhờ Mẹ! Mẹ La Vang – Mẹ Âu Cơ Việt Nam[16]”.

-“Ca ngợi tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta một người Mẹ thiêng liêng cao cả, gần gũi với một dáng dấp rất dân tộc, rất Việt Nam. Đó là Đức Mẹ La Vang hiển linh dịu dàng trên đám cỏ dưới gốc cây đa đại thụ, cách đây 200 năm và luôn ở cạnh con cái, đồng hành với con cái trên mọi nẻo đường dương thế[17]”.

2. Người Mẹ của phong tục tập quán.

+ Có người Việt kiều học hành đỗ đạt sau nhiều năm xa cách nay có dịp về thăm quê hương. Anh được thân nhân, bạn bè quý mến, mời ăn bữa cơm, mời uống ly nước… Anh đáp lại tình cảm ấy bằng những ý tưởng rất “Tây”: “Sao ở mình đâu cũng lo ăn lo uống?” Đó là thái độ thiếu hiểu biết, hay muốn quay lưng với phong tục tập quán? Vào nhà ai, chủ nhà mời ly nước, không vì mục đích “giải khát” mà là thói quen biểu lộ sự thân thiện. Đến bạn bè được mời bữa cơm, không vì mục đích “đỡ đói” mà chỉ là hành vi tỏ lòng quý mến.

Cái ăn, cái uống trong tập quán Việt Nam, từ bao đời, không phải là cái trọng thực của kẻ phàm phu, của người tục tử. Vì thế người quê ta mới có sự thân tình: mời bữa cơm rau, bữa cơm mắm, bữa cơm muối…

+ Trong khi đó có vị giảng viên sử học người nước ngoài, công tác thiện nguyện tại Việt Nam lấy làm thích thú khi được bạn bè, đồng nghiệp người Việt mời về nhà ăn bữa cơm thân mật. Theo vị giảng viên này thì đây là một tập quán đẹp mà các nước khác không có.

+ Từ bó lá vằng, lá quanh đây, giếng Đức Mẹ… gợi lại cho ta hình ảnh rất thân thuộc: ly nước mời khách trong mỗi gia đình Việt Nam, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Ly nước đơn sơ nhưng là tập quán biểu lộ tính hiếu khách, sự hiếu hòa của cả một dân tộc.

+ Ngày nay thông dụng người ta dùng trà, đủ loại trà để mời khách, nhưng ngày xưa trà là thứ giải khát cao cấp dành cho quan quyền, nhà giàu có, không đến được với dân nghèo. Bù lại, giới bình dân, người thôn dã đã có các loại lá dễ tìm, đâu cũng có: lá chè xanh, lá vối, lá bướm bạc, lá mắm nêm, lá vằng…

+ Sau bao năm chiến tranh, số đông con cái Giáo phận Huế phải ly tán, tha phương cầu thực. Nay có dịp về hành hương viếng Mẹ, lòng cảm khái vô biên trước cảnh vườn quê nghèo nàn, cây đa, giếng nước năm xưa. Vẫn mấy ngọn đồi hoang mùa thu úa lá, điểm điểm sim tím, muồng đen. Vẫn những hàng quán bình dân với đọi cơm măng kho, đĩa rau luộc, bát nước chè xanh. Thật khiến lòng người cảm khái chừng mô!

Cây đa, giếng cũ, vườn quê,

Hoa sim lại tím, nước chè lại xanh.

                 (Dư vị – thơ Trần Quang Chu)

3. Nữ Vương uy linh – Người Mẹ từ ái

Truyền thuyết kể rằng Đức Mẹ hiện ra nhiều lần, các thị nhân được chứng kiến nhiều lần, mỗi lần hiện ra Đức Mẹ đều tỏ vẻ “nhân từ và âu yếm”. Ngược lại, truyền thuyết cũng không nói đến sự hốt hoảng hay khiếp sợ của thị nhân. Họ nhận ra ngay là Đức Mẹ, tiến lại gần, nghe lời Mẹ an ủi, bảo ban.

Vậy có thể nói, Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, ngoài hình dáng uy nghi cao cả, Nữ Vương trên các Nữ Vương, Đức Mẹ La Vang còn là một người hiền mẫu, một người Mẹ rất dân dã, rất gần gũi:

+ “Mẹ La Vang là Mẹ rất quê hương, rất dân dã. Mẹ của cây đa bến cũ, Mẹ của trầu cau, của ca dao tục ngữ.

Mẹ La Vang hiện xuống trên đám cỏ, dưới tán cây đa cổ thụ, để an ủi đoàn con đang đọc kinh cầu nguyện trong nơm nớp lo sợ.

Thật là hiền dịu, gần gũi, khả ái biết bao[18]”.

+ Bài hát Đức Mẹ La Vang đầu tiên được phép lưu hành năm 1938, tác giả – linh mục JM Thích, đã tán tụng Đức Mẹ La Vang là Nữ Vương Thiên Đàng. Mẹ hiện đến La Vang, thăm nhơn hoàn chỉ vì lòng Mẹ từ ái:

Lạy Đức Mẹ La Vang

Ôi Nữ Vương Thiên Đàng

Vì tấm lòng từ ái

Đến viếng thăm nhơn hoàn[19].

+ Không phải không hợp lý, trong hơn một thế kỷ, qua các mẫu thánh tượng Đức Mẹ La Vang, các Đức Giám mục tiền nhiệm và các vị thừa sai đã chọn theo mẫu thánh tượng Đức Bà Thắng Trận (Notre Dame des Victoires) tại nhà thờ Notre Dame de Paris. Các Ngài luôn cầu mong và tin tưởng Đức Mẹ La Vang sẽ chiến thắng kẻ nghịch và đem lại vinh quang cho Giáo hội Việt Nam.

Lịch sử diễn biến như lòng mong muốn của Giáo hội. Những cuộc bắt đạo ác liệt đã đi vào dĩ vãng, kẻ chống báng Giáo hội không còn nghênh ngang thách thức, nhân tâm được thu phục bằng sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, bằng những ơn lành hồn xác qua bàn tay Mẹ. Lương giáo tôn sùng Mẹ hơn một bà hoàng, bà chúa, bà tiên, bà thánh.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn Đức Mẹ La Vang qua thánh tượng cũ thì chưa đủ.Còn thiếu một cái gì đó rất cơ bản, rất dân tộc, rất Việt Nam. Đó là hình ảnh một Người Mẹ từ ái.

Vì thế trong dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, trong phiên họp ngày 24-2-1998 tại Hà Nội, Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam quyết định chọn một mẫu tượng Đức Mẹ La Vang vừa là Nữ Vương uy linh vừa là Người Mẹ từ ái:

“Đức Mẹ từ ái vận trang phục hoàng hậu, áo trong trắng ngà, áo ngoài xanh thiên thanh viền vàng, tương ứng với đôi hài màu vàng nhạt. Vương miện diễn tả Đức Maria vừa là Người Mẹ nhân từ vừa là Nữ Vương uy linh…”.

IV. LA VANG – QUÊ MẸ ĐẤT LÀNH

Đức Mẹ đến La Vang không mang theo châu báu ngọc ngà, cũng không tặng đồ dùng đắt giá, quý phái, vương phủ, hoàng cung. Đức Mẹ chỉ mang đến cho mọi người một món quà dân dã, thích hợp cho giới bình dân, kẻ nghèo hèn. Đó là toa thuốc Nam: “Các con hãy hái lá quanh đây nấu uống sẽ lành các bệnh tật”.

Vì là người hiền mẫu, một người Mẹ quê, hơn ai hết Mẹ La Vang hiểu con mình đang cần gì. Con cái Mẹ đang phải trốn tránh, đói khát, bệnh tật. Đói không có cơm ăn, bệnh không có thuốc uống.Thuở Mẹ đến La Vang, năm 1798, là lúc dịch bệnh đang hoành hành, người chết như rạ. Quà Mẹ cho kịp thời kịp lúc, toa thuốc Nam căn bản mà dân gian thường dùng, đâu cũng có, dễ tìm, dễ hái, ai uống cũng được. Loại lá mà Mẹ dạy “hái nấu uống” không phải là loại lá thần dược, sâm ngàn năm, mà chỉ là loại “lá quanh đây”, lá gì cũng được, quơ tay là có, mọc nhiều ở La Vang.

Hơn ai hết, Mẹ biết rằng cây, lá, cỏ, cả hoa, củ, rễ… ở La Vang nếu không phải là loài có dược tính thì cũng là loài cỏ bình thương, không độc tố, vô hại. Vậy nếu không phải là người chủ vườn quê thì làm sao có thể hiểu biết và chỉ bảo cho con cái những điều vốn rất chân quê, rất dân dã, rất Việt Nam?

Thuở còn sống gần bên Mẹ La Vang, cũng như bây giờ, mỗi lần có dịp về thăm La Vang, chúng tôi để ý tìm hiểu về những loài cây cỏ mang dược tính ở đây, kết hợp hỏi thăm một số người lớn tuổi tại địa phương, đồng thời được sự chỉ dẫn của một vị lương y lão thành, từng sống gần Mẹ, hiểu biết đất Mẹ, xác định ở La Vang có rất nhiều cây thuốc. Để cho khoa học, chúng tôi đối chiếu sách Sổ tay cây thuốc Việt Nam và rút ra một số kết quả như sau:

1. Các loại cây thuốc ở La Vang là cây thuốc Nam, chữa các bệnh: giải nhiệt, tiêu chảy, kiết lỵ, mụn nhọt, điều kinh, sát trùng, nước ăn chân, cảm cúm, xổ sán, phù thủng, đái buốt, viêm ruột, viêm họng, sốt, tê thấp, vàng da, ứ huyết, sưng tấy, mưng mủ, hư thai, dưỡng thai, nhuận trường, sởi, ban, ho suyển, rắn cắn, côn trùng cắn…

2. Dựa vào cách dùng, có thể phân loại thuốc, như sau:

+ Lá xông: cúc tần, chanh, bưởi, tre, bạc hà, sả, é tía, tràm, chổi…

+ Dùng thân, rễ, củ: riềng, sắn dây, thổ phục linh, gừng, hà thủ ô, long não, cát sâm (sâm Nam), rễ cau, rễ dong…

+ Dùng bôi, đắp, thoa: thuốc dấu, xương rồng, thông hai lá, dâm bụt, hoa ngũ sắc, càng cua…

+ Dùng vỏ, quả, hạt: sa nhân, thảo quả, thầu dầu, xoang rừng, sung, cà na, mận rừng, mơ rừng, cau rừng, đu đủ rừng…

3. Các loại thuốc trong Toa căn bản thuốc Nam đều có ở La Vang: Rau má, muồng trâu, cỏ mần trâu, rễ tranh, cam thảo Nam, ké đầu ngựa, cỏ mực, gừng tươi, sả, vỏ quít.

4. Đặc biệt, “lá quanh đây nấu uống” theo lời Mẹ dặn thì rất nhiều: khế, khế rừng, hoắc hương, trang đỏ, dứa dại, rau ngót, dền đỏ, dâu tằm, tía tô, cỏ hôi, cỏ xước, cỏ sữa, ngọc trúc, ngải cứu, ổi, na (mảng cầu), cỏ mực, rau sam, tre, hoa trinh nữ (cây mắc cở), cơm rượu, cứt ngựa (tía tô dại), cỏ may, tỏi rừng (bách hợp), bàng, bứa, chè đắng, cam thảo Nam, cam thảo dây, cỏ gà, cỏ gừng, cỏ cứu, lá me, kinh giới núi… và những cây lá thông dụng: mua, sim, muồng, bướm bạc, lá vằng…

5. Vườn Mẹ có loài độc tính hữu ích:

+ Cây mã tiền: Có chứa độc tố nhưng chữa được suy nhược thần kinh, tê bại, cần cho người luyện võ.

+ Đại phong thử (chùm bao lớn) có chứa độc tố nhưng quả chín ép dầu trị ghẻ rất công hiệu.

6. Vườn Mẹ không có loài toàn độc:

Không có bà Mẹ nào lại cho con uống nước được nấu từ các loại cây toàn độc. Mẹ muốn thông qua toa thuốc Nam để chỉ cho mọi người biết rằng vườn quê của Mẹ không có mầm độc, và mầm độc cũng không thể phát sinh trên đất Mẹ.

Nhưng Mẹ từ bi sẵn sàng đón nhận những đứa con có nguồn gốc “độc”, miễn là họ có chút lòng thành. Ai có lòng thành sẽ được Mẹ cứu, toa thuốc Nam của Mẹ sẽ giải độc cho họ.

Qua hơn hai thế kỷ, nếu có nhiều con thảo được ơn lành của Mẹ, thì cũng có nhiều “đứa nghịch tử” quay về với Mẹ, đã được giải độc, được Mẹ trị độc, lành bệnh.

Đất Mẹ là đất lành.Đất lành chim đậu. La Vang là nơi hội ngộ của tình Mẹ hiền, con thảo. Những kẻ ác tâm thì không thể hội ngộ nơi vườn Mẹ, họ không có đất sống, cũng như nơi vườn Mẹ cây dữ, lá độc không thể sinh sôi nẩy nở, đơm hoa kết trái. Và Mẹ, người chủ vườn cũng sẽ không để cho loài độc thảo tồn tại nơi vườn mình. Chỉ có người chủ vườn mới hiểu rõ ngọn ngành vườn quê sành sỏi và tường tận như vậy.

Ngày nay, qua việc khai hoang lập làng, nhiều cây thuốc đã không còn nữa, kể cả cây lá vằng.Và, trước sức mạnh của tân dược, các loài thuốc Nam La Vang đã dần dần mai một đi.

V. ĐỨC MẸ LA VANG – NỮ VƯƠNG CHIẾN THẮNG

Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã dạy rằng:

“Mỗi lần Đức Mẹ hiện ra ở nơi nào là để báo trước một biến cố sắp xảy đến cho nhân loại. Mẹ đến để củng cố đức tin cho con cái và để an ủi họ. Sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang vào năm 1798, thời Tây Sơn Cảnh Thịnh, là để an ủi con cái trong cơn bách hại và để củng cố đức tin cho họ. Nhờ đó mà sau này, trải qua thời kỳ bắt đạo ác liệt trong thế kỷ 19, dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức hay thời Văn Thân (1883,1885), người Công giáo Việt Nam đã chấp nhận hy sinh tính mạng, cam chịu mọi khốn khó, cam chịu mọi khổ hình mà không chối đạo.

Tin về Đức Mẹ hiện ra đã được loan truyền cho con cháu, được loan truyền cho tất cả mọi người, đời này qua đời khác.Những ơn lạ Đức Mẹ ban cho tất cả mọi người không phân biệt lương giáo đã làm cho người Công giáo thêm lòng tin tưởng, thêm lòng cậy trông và hằng sốt sắng chạy đến cùng Mẹ[20]”.

1. Cuộc đối đầu thiện ác

Ba thập kỷ rưỡi sau, kể từ ngày Đức Mẹ hiện ra tại La Vang để nhắn nhủ: “Các con hãy cam lòng chịu khổ…”, điều Đức Mẹ loan báo đã ứng nghiệm.

Minh Mạng Thánh Tổ hoàng đế đã thổi bùng cơn bão táp bách hại với thượng dụ ngày 6-1-1833:

“Đã từ lâu nhiều Tây Dương đến nước ta giảng đạo Giatô, lừa dối ngu dân. Chúng dạy có một thiên đàng và một hỏa ngục… Vì vậy trẫm truyền lệnh cho tất cả mọi người, từ quan chí dân đã lỡ tin theo tà đạo, nếu còn biết sợ uy quyền của trẫm thì hãy thật lòng trở về đường ngay nẻo chính. Các quan trong địa hạt mình có trách nhiệm giám sát đạo đồ xem có kẻ nào bất tuân thượng lệnh không. Phải bắt giáo dân đạp thánh giá ngay trước mặt mình. Các nhà thờ, nhà xứ, hội trường phải triệt hạ hết.Từ nay về sau hễ ai còn tin theo đạo ấy thì phải bị nghiêm phạt để triệt gốc tà đạo[21]”.

Đúng 6 năm sau, sau khi đã ra tay giết hại hàng chục ngàn người Công giáo, tín hữu Việt Nam vẫn “tin tưởng, cam lòng chịu khổ…”, Giáo hội Việt Nam trong phong ba vẫn đứng vững, làm cho Minh Mạng hoàng đế càng thêm căm ghét. Ông trút giận lên đầu người Công giáo qua giọng điệu đầy thách thức, mạt sát của thượng dụ ngày 18-1-1839:

“…Phải giữ đạo Giatô để được lên thiên đàng ư? Hãy xem Tây dương đạo trưởng Marchand Du[22], Cornay Tân[23], Trùm Hiển[24] và Trùm Hai[25] có lên thiên đàng sau khi chết không? Hay là các ông đã chết một cách nhục nhã và thủ cấp các ông đã được bêu ở đầu đường xó chợ? Hay đó là số phận của bọn người thường rêu rao có một cuộc sống đời sau? Cái chết thảm khốc của bọn này chứng minh lời rao giảng của chúng là dối trá…[26]”.

Tương tự, trong vụ án Thánh Micae Hồ Đình Hy, trước khi bị xử trảm, vị chứng nhân đức tin còn phải chịu một hình phạt dã man sau cùng, theo án lệnh của vua Tự Đức:

“Trẫm truyền lệnh cho 5 quan triều đình và 15 binh sĩ dẫn y đi vòng quanh thành phố 3 ngày. Khi đi qua chỗ chợ búa, nơi công cộng hoặc giao lộ phải rao tội nó lên cho dân biết rồi đánh 30 trượng. Sau 3 ngày mới chém đầu. Có thể bọn Giatô sẽ lấy làm tủi nhục mà lo sửa mình…Bọn Giatô tin rằng chết vì đạo sẽ được phúc Thiên Đàng! Điều đó đúng hay sai chẳng ai biết. Chỉ có tên Hồ Đình Hy bị tra tấn cực hình! Giêsu của nó đâu sao thấy nó khổ mà không đến cứu nó?[27]

Có thể vua Tự Đức chưa bao giờ đọc Kinh Thánh, mặc dù câu nói của ông có hơi hám của kẻ gian phi bên tả thập giá Chúa Giêsu: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi với!”(Lc 23,39).

Vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, vua Tự Đức qua các thượng dụ bắt đạo đều sử dụng lối nói thách thức đại loại như thế. Riêng trường hợp vua Tự Đức, ít ai biết rằng, chỉ ít năm sau đó, nhà vua bị dằn co bởi những xung đột nội tâm dữ dội. Mái tóc ông bạc trắng ở độ tuổi 30! Do nhiều nguyên nhân, mà một trong những nguyên nhân, dư luận thời bấy giờ cho là ông bị quả báo do lạm sát người Công giáo (?). Điều này mãi mãi còn là một nghi vấn, nhưng sự thân thiện và tín nhiệm mà vua Tự Đức dành cho các Giám mục, thừa sai là điều hiển nhiên, mang tính lịch sử. Chín tiếng đại bác chào mừng Đức cha Sohier Bình, Giám mục Địa phận Huế, trở về từ châu Âu đã đủ trọng lượng để nói rằng vua Tự Đức biến kẻ thù của mình thành vị thượng khách quốc gia. Trong cuộc ngoại giao và canh tân đất nước, chính vua Tự Đức đã tín nhiệm Đức cha Sohier Bình vào những vai trò quan trọng.

Trí tưởng tượng đã cho phép dư luận đồn thổi rằng vua Tự Đức sẽ là một thánh Phaolô Tông đồ, ngã ngựa và hồi tâm sau cơn bắt đạo và Công giáo sẽ là quốc giáo?

Nhưng dư luận đã không thành hiện thực, lịch sử đã sang trang, vua Tự Đức đã ra đi với tâm trạng ngổn ngang về những điều đã làm và chưa làm đối với đạo Công giáo. Những gì ông đã làm, có hại thì con cháu ông sẽ đền bù, những gì ông chưa làm thì được con cháu ông sẽ làm thay như diễn biến lịch sử và tôn giáo ghi nhận về sau.

2. Chân lý (Thiện) lên ngôi

2.1/ Dấu ấn từ các vị vua

+ Vua Hàm Nghi

Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Tân Sở, Quảng Trị. Tại đây, vua ban hịch Cần Vương, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Tất nhiên trong số họ vẫn có những thành viên cực đoan. Những thành viên cực đoan này, năm 1885 đã khởi xướng cuộc thảm sát 60.000 giáo dân, trong đó có 8.500 giáo dân địa phận Huế (đa số là giáo dân Quảng Trị), với cuộc hiến lễ toàn thiêu của 30 giáo dân Trí Bưu tại nền nhà thờ La Vang vừa bị đốt.

Vua Hàm Nghi bị bắt, bị đày đi Alger năm 1889.Nhà vua qua đời tại Alger năm 1947.

Một thông tin mới nhất được công bố trên tập san Người xa Huế, ông Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà Huế học, sau chuyến đi Pháp, trả lời phỏng vấn nhà văn Trần Hữu Lục cho biết: “Hiện nay thi hài Vua còn nằm ở Alger trong một nghĩa trang của người Công giáo[28]”.

Không chỉ nhà văn Trần Hữu Lục, người hỏi, mà cả nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, người trả lời, đều lấy làm ngạc nhiên và bất ngờ về việc này, nhưng không giải thích lý do vì sao thi hài vua Hàm Nghi lại được an táng trong một nghĩa trang Công giáo?

Dựa vào thông tin này, theo thiển ý của chúng tôi, đây chắc chắn không phải là một việc làm tùy tiện. Được biết, hậu duệ của vua Hàm Nghi gồm2 công chúa và 1 hoàng tử.Công chúa Như Mai và công chúa Như Lý là hai người học hành thành đạt, có tiếng tăm trên đất Pháp. Công chúa Như Mai “nổi tiếng về cốt cách con gái Việt Nam29” và nhất là nổi tiếng về trình độ học vấn của bà, một nữ sinh viên Việt Nam học tại Pháp. Bà đỗ thủ khoa Bác vật với văn bằng thạc sĩ của trường Đại học Nông lâm khóa tháng 7-1927.“Bà là người Việt Nam đầu tiên đạt kết quả cao nhất trong nền học vấn châu Âu[29]”.

Còn công chúa Như Lý, em công chúa Như Mai, sau thành bà Bá tước De La Besse, người chủ của tòa lâu đài De La Nauche, vùng Corrèze[30].

Với địa vị, danh tiếng và sự giàu có của hai bà, và cả hoàng tử Minh Đức nữa, họ không thể cẩu thả trong việc an táng vua cha được. Nếu vua Hàm Nghi, cho tới lúc mất vẫn còn mang nặng đầu óc “sát tả” như hịch Cần vương 60 năm trước thì liệu nhà vua có chịu yên nghỉ trong nghĩa trang đất thánh của người Công giáo? Và ngược lại liệu những người Công giáo có chịu để cho một kẻ “phá đạo”, “giết đạo” có đẳng cấp nằm trong nghĩa trang đất thánh của mình?

Thật khó có thể tìm được lời giải đáp, nếu không giả thiết về một quan hệ thân thiện nào đó giữa cựu hoàng Hàm Nghi lúc tuổi già xế bóng với Giáo hội Công giáo địa phương.

+ Vua Thành Thái

Vua Thành Thái lên ngôi năm 1889.Bị Pháp đày đi Réunion năm 1907.Dưới triều vua Thành Thái, chính phủ Nam triều kịch liệt chống đạo, đề xướng phong trào “Cải giáo hoàn lương”.

Được sự hậu thuẫn của các quan Pháp – đứng đầu là ba viên công sứ Bình Trị Thiên, là những người của chế độ Đệ tam Cộng hòa, theo tư tưởng Tam điểm, chống Giáo hội. Chính phủ Nam triều kêu gọi giáo dân, nhất là tân tòng, nếu đã lỡ theo thì hãy bỏ đạo Công giáo, quay về với đạo ông bà (lương).

Để yểm trợ cho phong trào đạt kết quả tốt, các quan triều đình đã chỉ thị cho các quan địa phương vừa kêu gọi vừa khủng bố. Vì thế ở một số nơi, người Công giáo bị bắt giam vì những lý do vu vơ, phi lý, hoặc bịa đặt. Cao tay hơn, các quan xúi lương dân kiện giáo dân rồi chẳng cần biết phải trái bắt giáo dân giải giao ở lao Thừa Phủ, hoặc đưa ra tòa. Tại trại giam, có người bị hành hạ, có người chỉ bị lý hình lòe cho thấy các dụng cụ tra tấn, mục đích làm sợ hãi mà thối chí.

Vụ án Hường Chức, Hường Tế, ngoài mục đích chính trị còn là sự “dằn mặt” tôn giáo khiến cho phong trào tòng giáo, nhất là trong giới hoàng tộc mất đà, ngán ngại.

Việc làm của ma quỷ không phải là không có kết quả. Nhiều con cái giáo phận Huế, con cái Mẹ La Vang đã thối chí, âm thầm bỏ đạo. Người khác đến gặp các cha, xin trả tượng ảnh.

Năm 1947, cựu hoàng Thành Thái đã 68 tuổi, với tư cách là một công dân Việt Nam, ông được hồi hương, sinh sống ở Vũng Tàu.

Đầu năm 1954, ở tuổi 75, độ tuổi mà mọi lợi lộc, quyền thế ở trần gian hầu như đã trở nên vô nghĩa, cựu hoàng được hạnh ngộ người bạn vong niên, ông Ngô Đình Diệm. Cảm nghĩa tri âm, một luồng ánh sáng chân lý chiếu dọi tâm hồn. Một vị vua chống Pháp nhưng lại đặc biệt thiện cảm với đạo Công giáo. Nghe đâu cựu hoàng đã nhận bí tích Thánh Tẩy trước khi qua đời vào năm 1954?

Điều này có thể chỉ là một giai thoại, nhưng điều chắc chắn, hiển nhiên là kể từ ngày đặt chân đến đảo Réunion, nơi lưu đày, cựu hoàng đã vui lòng cho các con theo học trường dòng, và một trong các con của cựu hoàng, hoàng tử Vĩnh Quỳnh, đi tu làm linh mục. Về sau, kể từ ngày về nước năm 1947, một con trai khác của cựu hoàng, hoàng tử Vĩnh Giu, đã gia nhập đạo Công giáo vào năm 1955[31].

+ Vua Khải Định

Vua Khải Định lên ngôi năm 1916, khi đã 32 tuổi.

Vua Khải Định được xem là vị vua “có thiện cảm” với đạo Công giáo, nhưng ông lại là một tín đồ sùng mộ đạo Phật.

Năm 1924, chưa tới tuổi 40, nhà vua ngã bệnh. Các ngự y triều đình cũng như các bác sĩ Pháp, Việt đều bó tay. Lại sắp đến ngày Tứ tuần Đại khánh, thiệp mời đã phát đi, yến tiệc đã chuẩn bị mà bệnh tình nhà vua ngày càng nặng. Những cơn đau hành hạ khiến long thể như cái xác không hồn.

Nghe Đức Mẹ La Vang linh thiêng, nhà vua truyền Thượng thư Nguyễn Hữu Bài cầm đầu phái đoàn, sắm sửa lễ vật ra La Vang khấn Mẹ. Lòng thành của đức vua được Mẹ nhậm lời, cơn bệnh không thuốc mà thuyên giảm.

Việc này, sách Đức Mẹ La Vangđã ghi lại như sau:

“Mấy tháng trước ngày định mừng lễ Tứ tuần, hoàng thượng lâm bệnh nặng, các ngự y đều chạy, những bác sĩ danh sư xuất tài lực cũng vô hiệu. Bệnh tình càng thêm trầm trọng, nan phương cứu chữa. Hoàng thượng đau nhức nhối quá, hằng ngày phải tiêm thuốc mê cho đỡ và mỗi ngày phải tiêm thêm (tăng liều)… Ngày lễ đã gần đến, bệnh càng thúc tới, cố gắng đến ngày lễ chăng?

Khi ấy có quan cận thần tâu Đức Mẹ La Vang linh lắm, xưa nay đình thần lâm bí việc gì ra khấn xin đều được cả. Hoàng thượng cho vời cụ Quận công Phước Môn vào cung truyền cho cụ đi La Vang khấn xin cùng Đức Mẹ.

Cụ phụng mệnh ra khấn và bệnh tình nhà vua thuyên giảm. Đến lễ Tứ tuần, hoàng thượng ngự triều tiếp kiến các quan văn võ và các phái đoàn, dự các yến tiệc, ngự ra các nơi…

Lễ Tứ tuần vừa qua, một chiều nọ cố Trung (Morineau) dạy ông từ Lê Hộ dọn nhà thờ, chưng hoa đèn bàn thờ và nơi khấn Đức Mẹ, trải nệm, dọn mấy bàn quỳ đặc biệt. Đến nửa đêm, có tiếng còi xe điện xa xa, cố dạy ông Từ mở hai cánh cửa cho rộng, thắp hết các đèn. Cố ra trước lầu chuông chực rước khách. Hai xe điện đến nơi dừng lại, những khách sang trọng bước xuống. Cố chào kính, rước khách vào nhà thờ đến các bàn quỳ đã dọn sẵn. Khách quỳ hồi lâu, đoạn cố đưa khách lên xe, ấy là một lễ Tạ ơn sau lễ Tứ tuần…[32]”.

Theo những người hiểu biết câu chuyện hi hữu này thì ngoài một số tiền lớn dâng cúng vào đền thờ, hoàng đế còn truyền dâng một cây nến rất to để tỏ lòng biết ơn Đức Mẹ La Vang.

Trước khi nhà vua băng hà ở tuổi 41 (1885 – 1925), cụ Nguyễn Hữu Bài, với tư cách là bề tôi tín cẩn khuyên nhà vua đến với bí tích Thánh Tẩy. Nhưng vua Khải Định với “nghĩa như vua tôi, tình như huynh đệ”, tâm sự: “Ta là một tín đồ Phật giáo đã qui y từ nhỏ…”. Cụ Bài xúc động nắm tay vua, cảm thông, không nói gì.

Gần đây nhân việc cựu hoàng Bảo Đại chịu Phép Rửa, theo những tiết lộ đáng tin cậy, vua Khải Định, qua sự giúp đỡ của cụ Phước Môn Quân công Nguyễn Hữu Bài đã nhận phép Thánh Tẩy trước lúc lâm chung[33].

+ Vua Bảo Đại

Vua Bảo Đại lên ngôi năm 1932.

Năm 1934, vua Bảo Đại cưới vợ.Sẽ là chuyện bình thường, nếu cô dâu Nguyễn Hữu Thị Lan không phải là người đạo dòng.Một bà hoàng hậu Công giáo chính thức được phong lập trong một chế độ quân quyền kịch liệt chống đạo. Càng không bình thường khi bà Nam Phương hoàng hậu tỏa hương thơm miền Nam thanh khiết chinh phục nhân tâm hoàng gia. Không những bà là người ngoan đạo mà còn là một nàng dâu hiếu thảo trong vương triều họ Nguyễn, là bậc mẫu nghi thiên hạ, trong triều ngoại nội không ai là không nghe hương thơm từ tâm miền Nam lan tỏa từ nơi bà. Trên hết, bà là con dâu cưng quý của Giáo phận Huế, là đứa con cưng quý của Đức Mẹ La Vang.

Đáng tiếc, tình duyên vương giả của bà lại không mấy êm xuôi. Vua Bảo Đại, một người Tây học, chán cảnh vương vị bù nhìn đã giải sầu bằng sự phóng đãng đầy tai tiếng.

Năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị. Trước cửa Ngọ Môn ông tuyên bố: “Thà làm công dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”, chấm dứt một triều đại huy hoàng nhưng luôn dị ứng với đạo Công giáo.

Ở tuổi xế chiều, nỗi buồn lưu vong nơi đất khách quê người khiến ông không thể không hồi tưởng lại quá khứ thời xa xưa, nơi quê hương có một triều đại rực rỡ mà tổ tiên ông đã gian nan gầy dựng nên. Đến ông, vị hoàng đế cuối cùng… Cũng nơi đó, tiền nhân của ông đã gây đau thương cho một tôn giáo, mà sự mất mát, sự thiệt hại, những thế hệ sau, cả ông nữa, chưa ai nghĩ đến việc đền bù! Ông nghĩ đến người vợ hiền, bà Nam Phương hoàng hậu, tục danh Mariette Jeanne Nguyễn Hữu Thị Lan, người được Đức Thánh cha Piô XII ban bội tinh Pro Ecclesia et Pontifice. Ông ao ước được về đoàn tụ nơi mà vợ ông đã đến trước. Ông biết nơi ấy chỉ có thể đến được qua bí tích Thánh Tẩy. Thế rồi ngày 17-4-1988, hơn 2 tháng trước lễ tôn phong hiển thánh 117 Đấng Tử Đạo Việt Nam, cựu hoàng Bảo Đại nhận bí tích Rửa Tội. Cựu hoàng trở nên một thành viên trong đoàn tín đồ hành hương cầm cành vạn tuế đi đón rước 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam trong ngày các Đấng hiển vinh, 19-6-1988[34].

2.2/ Dấu ấn từ hoàng gia

+ Hường Chức, Hường Tế

Mệ Chức tức Hường Chức, Mệ Tế tức Hường Tế là cháu nội vua Minh Mạng. Sau vụ án vua Dục Đức bị Tôn Thất Thuyết bức tử (1883) hai ông Hường Chức, Hường Tế được lệnh ám hại quan Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành.

Vua Thành Thái, con vua Dục Đức, lên ngôi (1889 – 1907) hai ông bị buộc tội “khi quân”, “Tùng thuyết phản loạn”. Lúc này hai ông ở Phủ Cam, đã theo đạo, bị bắt. Để trả thù chính trị và để dằn mặt tôn giáo hai ông bị kết án tử hình. Nhờ sự can thiệp của cha sở Phủ Cam Allys Lý, hai ông được giảm án, bị đày đi Nghĩa Định sơn phòng.

Cuối thế kỷ XIX, hai ông được trả tự do, trở thành hai chiến sĩ truyền giáo, mở đầu phong trào tòng giáo trong giới hoàng tộc.

+ Hường Thuyền

Hường Thuyền hay Mệ Thuyền là con của hoàng tử Miên Thanh, cháu nội vua Minh Mạng. Hường Thuyền cũng như Hường Chức, Hường Tế đều là các bậc vị vọng trong hoàng tộc.

Về già, chán ngán công danh, Mệ Thuyền lên rừng Quảng Tế, cất một ngôi nhà nhỏ sau chùa Từ Hiếu, ngày đêm tụng kinh niệm Phật.

Năm 1892, cùng với phong trào tòng giáo lên cao trong giới hoàng tộc, Mệ Thuyền xin theo đạo.

Vềviệc này, cha sở Phủ Cam Allys Lý đã cho biết:

“Ngày 31-5-1892, Đức cha Caspar đã đến nhà thờ Phủ Cam ban phép Thánh Tẩy cho 30 tân tòng thuộc giới hoàng tộc. Trong số đó có một hoàng thân tên Thuyền. Ông đến để xin cho cả gia đình theo đạo, dù có chết cũng chỉ trở về nhà sau khi đã được rửa tội.

Bài báo dẫn lời ông: ‘Toute ma famille, beaucoup de mes proches parents et moi, sommes venus chez vous pour nous faire chrétiens, dussions – nous être tous condamnés à mort, nous ne retournerons chez nous que lorsque nous aurons reçu le baptême’.

Từ ngày được rửa tội, ông Hường Thuyền càng đi sâu vào con đường hoàn thiện. Các biến cố buồn vui, kể cả lúc bệnh hoạn cũng không làm giảm bớt lối sống hãm mình, chay tịnh của ông. Ông tin tưởng phó thác hoàn toàn theo thánh ý Chúa. Ngoài việc xưng tội hằng tuần, rước lễ và chầu Mình Thánh Chúa hằng ngày, ăn chay thường xuyên… ông còn tự nguyện khổ chế và nhiều việc đạo đức khác nữa[35]”.

Năm 1907 Mệ Thuyền đến giúp cha Henri Denis Thuận, quản xứ Nước Mặn (Thừa Lưu), truyền giáo ở vùng Nam địa phận Huế. Đồng thời giúp ngài học Việt văn, Hán văn vốn là những lãnh vực ngài yêu thích.

Năm 1918, cha Henri Denis Thuận thành lập dòng Phước Sơn, Mệ Thuyền tình nguyện vào tu khổ hạnh, với tên trong danh sách đứng hàng thứ 9. Tiếc thay, bấy giờ ông đã cao niên, không chịu nổi rừng rú Phước Sơn sơn lam chướng khí, lâm bệnh, phải về gia đình. Trong những ngày cuối đời “ông vui vẻ chịu đựng những đau khổ thể xác và tinh thần mà Thiên Chúa gởi đến, không chút phiền trách[36]”.Ông đã về Nhà Cha năm 1922.

“Tang lễ của ông mang tính chất một cuộc tán dương sùng mộ. Mặc dù trời mưa, hàng ngàn người lương giáo, các chức việc họ đạo, Tôn Nhơn phủ đại thần, hoàng gia, Cơ Mật viện đại thần, Phủ doãn Thừa Thiên đại thần, ngài Lại Bộ Thượng thư Nguyễn Hữu Bài và các vị lãnh đạo tôn giáo… hiện diện trong thánh lễ qui lăng và tiễn đưa người quá cố[37]”.

Hậu duệ của ông Hường Thuyền có nhiều vị đi tu, trong đó có 2 linh mục cháu nội ông, cha Bửu Đồng (1912-1941-1969) và cha Bửu Hiệp (1914-1945-1988), và nhiều cháu gái là nữ tu dòng Thánh Phaolô Thanh Hóa, Dòng Kín Carmel, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm…

+ Bà Tô Cung[38]

Bà Tô Cung tục danh là bà Lê Thị Phẩm, thứ phi của vua Tự Đức, dì ruột vua Thành Thái. Năm vua Tự Đức băng hà (1883) bà mới 28 tuổi, để thủ tiết với chồng, bà vào tu ở chùa Kim Quan, khu Tân Lăng.

Chùa Kim Quan trước có tên là chùa Tường Quan, nhưng người đương thời thường gọi là chùa Hiệp Xoài vì do bà Hiệp Xoài, tục danh Hiệp Lựu, thân mẫu bà Tô Cung lập ra.

Bà Tô Cung Lê Thị Phẩm tu khổ hạnh, ăn chay niệm Phật, giúp đỡ tăng ni, làm việc từ thiện suốt 55 năm. Cuối đời, bà lâm trọng bệnh. Hai người bạn già của bà, bà Ngô Đình Khả và bà Nguyễn Hữu Bài thường lui tới viếng thăm, an ủi. Năm 1938, bà Tô Cung đã 83 tuổi, trên giường bệnh bà muốn theo đạo. Bà ngỏ ý ấy với bà Thượng Ngô (bà Thượng thư Ngô Đình Khả) mà không giải thích được lý do của quyết định kỳ lạ ấy. Có lẽ như nhà báo đương thời, ông Bùi Tuân, nói về bà:

“Cuộc đời của bà ở chùa Kim Quan là cuộc đời của một nữ tu thành thực, muốn tìm chân lý của tôn giáo… Trong thời kỳ tu luyện bà đã thành thực tìm sự an ủi, tìm chốn hạnh phúc. Có lẽ sự thành thực kia đã dẫn linh hồn bà đến cùng Thiên Chúa… Một tia sáng của Chúa, một giọt máu trong quả tim yêu đương vô hạn của Ngài nhỏ xuống, bà đã trở nên một người tin. Bà đã tìm thấy sự sống, sự sống về phần hồn[39]”.

Ngày 21-8-1938, bà Tô Cung nhận Phép Rửa và người bạn của bà, bà Thượng Ngô là vú đỡ đầu.

Ngày 26-8-1938 bà qua đời tại chùa Kim Quan.“Đến lúc thở hơi cuối cùng, bà vẫn ôm cây Thánh Giá trên ngực như người tìm thấy của báu nhứt đời[40]”.

Chính nhờ những hạt nhân đã kể, những năm tiếp theo số người theo đạo trong hoàng tộc không dừng lại ở con số lẻ tẻ mà cao trào, có lúc lên tới hàng trăm.

Những người trong hoàng tộc theo đạo đã kéo theo hàng ngàn người là con cháu, thân nhân, gia nhân, có khi cả bạn bè của họ. Mặc dù họ bị phân biệt đối xử, bị chê bai, bị ghép tội và bị tước đoạt hết mọi quyền lợi vật chất từ hoàng tộc. Nhưng chẳng hề gì, cái giá của ơn gọi là làm Dân Chúa theo họ như thế là quá rẻ.

+ Các linh mục, tu sĩ hoàng phái

Cao hơn cả việc tòng giáo, nhiều người trong giới hoàng tộc đi tu làm linh mục, tu sĩ.Nổi bật trong số những người này là linh mục Thiên Phong Bửu Dưỡng, OP, linh mục Gioan Baotixita Bửu Đồng và linh mục Raphaen Bửu Hiệp.

Theo Lạc tịnh viên liên phổ, cha Bửu Dưỡng sinh năm 1907, thân phụ là Ưng Trình, ông nội là Hồng Khẳng, ông cố nội là Tùng Thiên Vương. Như vậy, ngài là cháu trực hệ 4 đời của vua Minh Mạng.

Người thứ hai, sau linh mục Bửu Dưỡng là linh mục GB Bửu Đồng. Cha Bửu Đồng sinh năm 1912, chịu chức linh mục năm 1941 tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam. Thân phụ là ông Ưng Trạo, con ông Hường Thuyền. Tính theo gia phả, ngài cũng là cháu trực hệ 4 đời của vua Minh Mạng.

Người thứ ba, em ruột cha Bửu Đồng là cha Raphaen Bửu Hiệp (1912 – 1945 – 1988)…

Ngoài ra, trong gia đình hoàng tộc đạo đức này còn có ba nữ tu: Nữ tu Công Tằng Tôn Nữ Thị Luyến, bề trên dòng Đức Bà Phú Xuân – Huế, nữ tu Công Tằng Tôn Nữ Thị Khương và nữ tu Công Tằng Tôn Nữ Tuyệt Diệu.

Và một danh sách linh mục, tu sĩ hoàng tộc, hoàng phái còn dài…

Vua Minh Mạng được mệnh danh là “Nêron Việt Nam”, thế mà có cháu trực hệ làm linh mục, lại là những linh mục tài năng, nhiệt thành, thánh thiện. Thật chuyện đời ít ai dám nghĩ !

Không lạ gì, ngày nay trong tôn thất nhà Nguyễn có đến hàng ngàn người là tín đồ đạo Công giáo, trong đó có nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ. Con cháu của những người chủ xướng bắt đạo và hậu duệ của những người bị ruồng bắt cùng chen vai sát cánh bên nhau xây dựng hạnh phúc đời thường và hạnh phúc đời sau.

(Còn tiếp…)

Ban Truyền Thông TGP Huế cập nhật

————————————————————————————–

[1] Ns. Đức Mẹ La Vang. Số 33, th.5-1964, tr.61.

[2] Ns. Đức Mẹ La Vang.Số đã dẫn, tr.61-62.

[3] Thông điệp “Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình Medjugorie”.

[4] Lm Bảo Lộc Nguyễn Kim Bính: Sứ điệp La Vang. Nội san La Vang. Số 27+28+29, th.5+6-1970, tr.11-13.

[5] Đức Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận: Sứ điệp Đức Mẹ La Vang. 1999, từ trang 4 đến trang 32.

[6] Kinh Thánh Mẫu La Vang.

[7] Huấn dụ của Đức Thánh cha Gioan Phaolô II. Denver, USA, ngày 15-8-1993.

[8] Tòa TGM Huế:La Vang hai thế kỷ – Lịch sử một tình thương.1998, tr.7.

[9] Trong thời gian làm quản xứ La Vang, từ 1946 đến 1955, cha Giacôbê Nguyễn Linh Kinh, đã thu thập tư liệu về ơn lạ Đức Mẹ La Vang khoảng 400 trang bản thảo. Được Đức cha Urrutia Thi ban phép Imprimatur. Tiếc thay, bản thảo này chưa được in thì bị thất lạc trong chiến tranh. Hiện nay, nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân đang âm thầm lặng lẽ tiếp tục công việc tốt đẹp này. Thật đáng hoan nghinh!

[10] Hường Thuyền là ông nội của Lm GB Bửu Đồng và Lm Raphaen Bửu Hiệp. Hai ông Hường Chức, Hường Tế là em ruột ông Hường Thuyền. Mệ Hường (phòng Tùng Thiện Vương – bà con gần của cha Bửu Dưỡng) và Mệ Khứ Bệnh (cô ruột ông Ưng Trạo – thân sinh cha Bửu Đồng), là hai người đàn bà hoàng tộc đầu tiên theo đạo. Dẫn theo Tb. Vì Chúa, số 199, ngày 11-6-1941, tr.2.

[11] Ns. Đức Mẹ La Vang.Số 1, tháng 8-1961, tr.16.

[12] Tb. Vì Chúa. Số 91, ngày 5-8-1936, tr.5.

[13] Ns. Đức Mẹ La Vang.Số 1, tháng 8-1961, tr.5-6.

[14] Ns. Nguồn sống. Số 1, ngày 15-7-1958, tr.31-35.

[15] Lm Giacôbê Nguyễn Linh Kinh: Tuần lễ Cửu nhật Đức Mẹ La Vang. Imprimatur 1946. Maria Lemasle – Vic. Ap. de Huế + Imprimatur 1964. D. Trần Văn Phát – Lm Tổng đại diện Huế.

[16] Trích bài giảng của Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể trong Đại hội La Vang 24 (1996).

[17] Trích bài giảng của Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể trong lễ Khai mạc Năm Toàn xá Đức Mẹ La Vang, ngày 1-1-1998.

[18] Trích bài giảng của linh mục (sau là TGM Huế) PX Lê Văn Hồng, tại La Vang, 1998.

[19] Tb. Vì Chúa. Số 91, ngày 5-8-1938, tr.5.

[20] Trích bài giảng của Đức Hồng y PX Nguyễn Văn Thuận, ngày 22-2-1998, tại Anaheim Convention Center, Orange County, CA. USA.

[21] Louis Eugene Louvet: La Cochinchine religieuse. Paris, 1885.Tome 2, p.57-58.

[22] Thánh tử đạo, linh mục thừa sai Paris, địa phận Tây Đàng Trong, bị xử bá đao tại pháp trường Phường Đúc (Huế) ngày 30-11-1835.

[23] Thánh tử đạo, linh mục thừa sai Paris, địa phận Tây Đàng Ngoài bị xử lăng trì tại pháp trường Năm Mẫu ngày 20-9-1837.

[24] Thánh tử đạo Henares Minh (Xuân), Giám mục dòng Đa Minh, địa phận Đông Đàng Ngoài, bị trảm quyết tại pháp trường Bảy Mẫu ngày 26-6-1838.

[25] Thánh tử đạo Fernandez Hiền, linh mục dòng Đa Minh, địa phận Đông Đàng Ngoài, bị trảm quyết tại pháp trường Năm Mẫu ngày 24-7-1838.

[26] Lm Phêrô Phan Phát Huồn.CSsR. Việt Nam giáo sử.Q.I, tr.260.

[27] Xem chú thích 26, Q.I, tr.299.

[28] Tập san Người xa Huế– Nhớ Huế.Tập 2.NXB Trẻ.1999, tr.90.

[29] Nguyễn Đắc Xuân: Chuyện nội cung các vua. NXB Thuận Hóa, Huế, 1999, tr.81-82.

[30] Xem chú thích 28, tr.91.

[31] Dẫn theo bài Lại nói chuyện những người con vua Thành Thái. Internet.

[32] Lm Matthêô Lê Văn Thành:Đức Mẹ La Vang. Cứu Thế tùng thư. Sài Gòn, 1955, tr.68-69.

[33] Dẫn theo bài Cựu hoàng Bảo Đại hội kiến Đức Thánh cha. Ns. Dân Chúa. Paris. Số 155, tháng 9-1995.

[34] Xem chú thích 33.

[35] Dẫn theo bài Un Prince Annamite Chrétien. Báo Les Missions Catholiques.Số 2764, ngày 2-6-1922, tr.253-254.

[36] Xem chú thích 35 cùng trang.

[37] Xem chú thích 35 cùng trang.

[38] Tb. Vì Chúa. Số 94, ngày 2-9-1938, tr.6-7.

[39] Bùi Tuân: Sau 56 năm tu ở chùa, bà Lê Thị Phẩm, nội cung vua Tự Đức trở về đạo Thiên Chúa . Tb. Vì Chúa. Số 94, ngày 2-9-1938, tr.6-7.

[40] Xem chú thích 39, cùng trang.

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 1 – Chương 4 về máy tính