Lược sử Giáo xứ Phanxicô Xaviê

04/01/2020

Lược sử

GIÁO XỨ PHANXICÔ XAVIÊ

Nhà thờ Phanxicô Xavie

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Phanxicô Xaviê nằm trong phạm vi của các mốc sau đây: a- Đường Lê Lợi: từ chỗ giáp với đường Nguyễn Huy Tự đến Đập Đá. b- Đường Nguyễn Công Trứ: từ Đập Đá đến cầu Vĩ Dạ. c- Đường Bà Triệu: từ cầu Vĩ Dạ đến chỗ giáp với đường Lê Quý Đôn. d- Đường Lê Quý Đôn và đường Đống Đa: từ chỗ giáp với đường Bà Triệu đến chỗ giáp với đường Hai Bà Trưng. e- Đường Hai Bà Trưng: từ chỗ giáp với đường Nguyễn Huệ đến chỗ giáp với đường Ngô Quyền. f- Đường Ngô Quyền: từ chỗ giáp với đường Hai Bà Trưng đến chỗ giáp với đường Nguyễn Huy Tự. g- Đường Nguyễn Huy Tự.

Nhà thờ Phanxicô Xaviê tọa lạc tại 18 đường Nguyễn Tri Phương, thuộc phường Phú Nhuận, thành phố Huế, cách Tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 1.2 km về phía bắc đông bắc.

I- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Thành lập bởi hội Thừa sai Paris cho Pháp kiều (1911)

Lịch sử khai sinh Giáo xứ Phanxicô Xaviê gần như được gói gọn trong thế kỷ 20, một thế kỷ mà hơn hai phần ba thời gian mù mịt khói lửa: hai cuộc đại chiến thế giới 1914-1918, 1939-1945, và các cuộc chiến tranh dai dẳng trong nước 1954 đến 1975 giữa hai miền Bắc Nam.

Tháng Giêng năm 1911, Giáo xứ được thành lập với tên gọi là Giáo xứ Huế. Có thể vì thấy nhiều người Pháp thường lui tới dự lễ ở đây, dân gian còn gọi là “Giáo xứ Tây. Linh mục Quản xứ tiên khởi là cha Jean Léculier (Cố Lựu), một thành viên của hội Thừa sai Paris. Người khai mở sổ Rửa tội tại giáo xứ là Odette Marie-Louise Masson, dân Pháp. Em nầy được rửa tội tại nhà nguyện trường Jeanne d’Arc của các nữ tu dòng Phaolô, đối diện với nhà thờ.

Sau khi Giáo xứ được thành lập, cha quản xứ Jean Léculier mua được một mảnh đất. Năm 1914, ngài khởi công xây dựng nhà thờ. Lúc bấy giờ, Thế chiến Thứ I bắt đầu bùng nổ, tuy nhiên nhà thờ vẫn được khởi công, do ông Hội Nghi đứng chủ thầu công trình. Dưới lòng cung thánh, cha quản xứ dành một phòng dùng làm chỗ để đồ thờ, đồng thời để quàn những người Pháp chết chưa kịp đem về mẫu quốc. Khi xây nhà thờ đợt 2 (năm 1944-1946), phòng hầm nầy bị lấp kín lại. Nhà thờ tọa lạc ở đường Courbet[1], nay là đường Nguyễn Tri Phương, thuộc phường Phú Nhuận, Huế.

Sau 4 năm xây cất, nhà thờ hoàn thành và được Đức cha Eugène-Marie-Joseph Allys (Lý) Giám mục Giáo phận, khánh thành vào lễ Mẹ Lên Trời Hồn Xác ngày 15-8-1918. Trong báo cáo thường niên 1918 gửi hội Thừa sai Paris, Đức cha Allys viết như sau :

Từ trước cho đến mùa hè vừa qua, một ngôi nhà của trường Jeanne d’Arc được tạm sử dụng làm nhà thờ cho cộng đoàn người Pháp ở tại Huế, nhưng vẫn không đủ. Nay nhờ cha Léculier, Quản xứ Giáo xứ Huế và là tuyên úy trường Jeanne d’Arc, với sự trợ giúp của một người Công giáo thầu khoán lành nghề và tận tụy -ông Hội Nghi- các tín hữu đã có được một ngôi thánh đường rộng rãi, đủ chỗ cho cả người Âu lẫn người Việt tham dự phụng vụ. Nhà thờ mới nầy đã được làm phép vào ngày lễ Mông Triệu năm nay, và ai đến thăm thảy đều khen ngợi kiểu kiến trúc của nó…[2]

Mười một năm sau, năm 1922, linh mục François Arsène Lemasle (Cố Lễ)[3] đến kế nhiệm Quản xứ. Ngài rất sùng mộ thánh Phanxicô Xaviê nên đã đổi tên Giáo xứ Huế thành Giáo xứ Phanxicô Xaviê. Hai tên gọi ấy cùng được sử dụng trong một thời gian khá dài. Riêng ngôi “nhà thờ Tây”, nay được dân gian thêm cho tên mới là “Nhà thờ Nhà nước”, vì thấy các nghi lễ lớn của chính quyền bảo hộ đều được tổ chức tại đây.

Năm 1931, linh mục Louis Paul Darbon (cố Triết) được bổ nhiệm về làm vị quản xứ thứ ba. Công tác đầu tay tại đây của ngài là xây nhà xứ: một lầu bằng gỗ, trần cũng bằng gỗ. Ngài cũng chuẩn bị mở rộng thêm nhà thờ. Phải trên 10 năm, công trình mới được thực hiện: trước hết là lấp kín phòng hầm lại, rồi xây thêm hai cánh, phòng thánh và tháp chuông. Nhà thờ lúc nầy mang dáng vẻ nguy nga tráng lệ, được trang trí bằng những hoa văn giản dị nhưng không kém phần mỹ thuật. Lòng nhà thờ được thiết kế theo kiến trúc Tây phương khá đẹp, với hai hàng cột uốn vòm duyên dáng ở hai bên. Trần nhà thờ bằng gỗ, vừa cao vừa thoáng, với những hoa văn giản dị, không chi tiết rườm rà, làm cho tâm hồn dễ lắng đọng. Mỗi Chúa nhật có một lễ bằng tiếng Pháp, cộng đoàn gồm cả người Pháp lẫn người Việt. Ca đoàn toàn người Pháp.

Cha xứ cũng rất quan tâm giới trẻ, qua phong trào hướng đạo. Năm 1934, ngài đã lập tráng đoàn thánh Louis. Tráng đoàn này hoạt động rất có kết quả.

Cha Darbon hưu trí và qua đời tại nhiệm sở, an táng tại đại chủng viện Phú Xuân, Huế.

Một cảnh ra về sau Thánh lễ (năm 1933)

Năm 1947-1948, linh mục Pierre Richard (cố Phan) làm quản xứ. Ngài trang trí nội thất thêm: một Thánh giá nhỏ và 6 đèn chầu bằng đồng bên trong cung thánh.

Năm 1948-1949, linh mục Louis Eynard (cố Nhiệm) thay thế cha Richard đi nghỉ thường kỳ tại Pháp. Ngài kiêm thêm chức tuyên úy bệnh viện và tuyên úy nhà tù.

Những năm 1949-1955, trở lại chức vụ quản xứ, cha Richard tiếp tục trang trí nội thất nhà thờ: bắt đèn huỳnh quang, gắn 14 Chặng đàng Thánh giá.

Từ năm 1954-1955 ngài được linh mục Phó xứ Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận[4] chia sẻ công việc mục vụ. Lúc nầy, ngày thường, cha Richard làm lễ ở nhà thờ, cha phó Thuận kiêm tuyên úy trường Jeanne d’Arc, làm lễ cho các nữ tu dòng Thánh Phaolô tại nhà nguyện của trường. Năm 1955, cha Richard về Pháp, cha phó Thuận được bổ nhiệm làm tuyên úy trường Pellerin.

Cha phó mời thợ điêu khắc từ Giáo xứ Tam Tòa, Quảng Bình vào làm cây Thánh giá gỗ trên Cung thánh. Ngài dâng cho nhà thờ bộ Đàng Thánh giá của gia đình, hiện nay vẫn còn chưng, xây một phòng họp tạo nơi gặp gỡ cho người cao tuổi. Thời gian có cha phó, mỗi Chúa nhật có thêm một lễ cho người Việt vào buổi chiều. Các sinh hoạt Giáo xứ từ từ mở rộng.

Nhà thờ năm 1950

2- Phát triển dưới thời các vị quản xứ người Việt (1955)

Với ngày tháng, giáo xứ phát triển tầm vóc, đạt đến đỉnh cao, về sinh hoạt cũng như về dân số. Vào thời linh mục quản xứ Simon Nguyễn Văn Lập (1955-1958) vị quản xứ người Việt đầu tiên, số giáo dân tăng lên gần 3000 người. Bốn dãy ghế trong nhà thờ đều chật kín. Đúng là “đất lành chim đậu”! Phần đông các giáo sư Công giáo dạy đại học cũng về đây cư ngụ. Các hội đoàn Công giáo Tiến hành hoạt động mạnh mẽ, như Liên Minh Thánh Tâm, Vinh Sơn, Legio Mariae, Hùng Tâm Dũng Chí.

Năm 1958, linh mục quản xứ Giuse Ngô Văn Trọng tiếp nối công trình xây dựng giáo xứ. Nhân kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức (1858-1958), ngài xây hang đá Lộ Đức, khá lớn và đẹp, ngay phía trái sân nhà thờ để giáo dân đến cầu nguyện. Hang đá tọa lạc dưới cây sanh cổ thụ tỏa bóng mát như mời gọi các tín hữu đến tâm sự với Mẹ. Ngài cũng đặt bàn thờ gỗ, quay mặt xuống giáo dân, theo tinh thần phụng vụ mới của Công đồng Vatican II. Để có ngân sách chi dụng hằng ngày, ngài đã đầu tư xây dựng cư xá Phanxicô, một ngôi nhà lầu, ở được 8 hộ, phía góc trái vườn nhà thờ, đường Nguyễn Tri Phương. Về sau, khi kiêm chức vụ Trưởng ban Caritas Giáo phận, ngài còn xây thêm một kho hàng cạnh nhà xứ để làm kho chứa phẩm vật cứu trợ. Hiện giờ, 4 gia đình giáo dân đang tạm mượn làm nơi ở.

Năm 1965, linh mục Phaolô Nguyễn Kim Bính được bổ nhiệm làm quản xứ. Chưa kịp làm gì thì đấng Bản quyền Giáo phận gửi ngài đi du học.

3- Tan hoang trong tết Mậu Thân (1968)

Năm 1966, linh mục Phêrô Trần Hữu Tôn về thay thế. Ngày mùng 1 tết Mậu Thân 1968, bỗng nhiên đất bằng dậy sóng, chiến tranh lan tỏa vào tận các phố thị. Sáng mùng 2 Tết, khoảng 10 giờ, một tiếng nổ chát chúa vang lên, tháp Nhà thờ đổ ào xuống. Bụi gạch tung tóe lên cả một góc trời. Ba quả chuông trên tháp rơi theo. Quả nhỏ nhất rạn bể, hết dùng được; quả thứ nhì may mắn không hề suy suyển vẫn tiếp tục xử dụng cho đến hôm nay; quả thứ ba lớn nhất, được đền thánh Đức Mẹ La Vang mượn. Chiếc đàn ống (orgue) ba tầng vang bóng một thời, cũng bị nát vụn! Tháp sập mà nhà thờ còn nguyên vẹn. Nhưng đúng là họa vô đơn chí! Một giờ sau, máy bay đến bắn phá, đổ nát cả một nửa nhà thờ. Không còn chỗ thờ phượng, cha quản xứ đã lấy nhà kho Caritas tạm dùng làm nơi đọc kinh cầu nguyện.

Nhà thờ Phanxicô Xavie đổ nát trong Tết Mậu Thân năm 1968

Từ ngày ấy, giáo dân bắt đầu di tản, tìm đường chạy trốn bom đạn, lang thang qua nhiều miền đất nước tìm nơi ẩn náu. Một số gia đình vào Nam lập nghiệp, một số khác ra hải ngoại sinh sống. Nhưng “Đôi bàn tay Chúa dẫn con đi… tay hồng ân Chúa đưa con về”, Chúa cũng dẫn đưa một số khác quay về với giáo xứ.                 

Năm 1969-1975, linh mục Philipphê Nguyễn Như Danh làm quản xứ. Công tác đầu tiên của ngài là sửa lại nhà thờ, lợp mái bằng tấm lợp fibro và đóng trần bằng tôn mè. Việc xây dựng lại tháp chuông còn là niềm mơ ước.

Nhà thờ Phanxicô Xaviê năm 1972

Tháng 4 năm 1975, trong cơn hoảng loạn, giáo dân di tản khắp nơi, linh mục Antôn Ngô Văn Vững (dòng Tên, nguyên giám đốc trung tâm sinh viên Xavie cận kề mà lúc đó sắp phải cho nhà nước mượn) tạm thời phụ trách giáo xứ. Cư xá Phanxicô (ngôi nhà lầu ở đường Nguyễn Tri Phương), phương tiện kinh tài của giáo xứ từ thời cha Ngô Văn Trọng, bị nhà nước quản lý.

Đầu tháng 6 năm 1975, linh mục Têphanô Nguyễn Như Thể[5] được bổ nhiệm quản xứ chính thức. Nhưng chẳng bao lâu sau, ngày 7 tháng 9 cùng năm, ngài được Tòa thánh tuyển chọn làm Giám mục phó với quyền kế vị Đức Tổng Giám mục Philípphê Nguyễn Kim Điền.

Năm 1975, linh mục Tanislaô Nguyễn Văn Ngọc, Tổng đại diện (1975-1984), về thay thế làm quản xứ cho đến năm 1992 và qua đời tại đây ngày 24-10-1992. Trong thời gian ở đây, ngài đã in lại cuốn Nhật khóa Giáo phận (gồm những kinh đọc thường ngày dành cho giáo dân).

Năm 1994, linh mục Phaolô Nguyễn Kim Bính, Tổng đại diện, quản xứ Chính tòa Phủ Cam, kiêm nhiệm Giáo xứ Phanxicô. Tháng 4 năm 1996, được bổ nhiệm quản xứ chính thức, ngài tu sửa nhà xứ, thay tầng gỗ bằng tấm đúc bê-tông, xây thành quanh nhà thờ để tạo cho khuôn viên có được bầu khí trang nghiêm cần thiết. Đầu tháng 11 năm 1996, ngài ngã bệnh, rồi ra đi ngày 18, để lại trong lòng giáo dân bao thương tiếc nhớ nhung.

Trong thời gian chờ đợi vị quản xứ mới, giáo xứ được các linh mục sau đây đến phục vụ tạm thời:

Cha Antôn Nguyễn Ngọc Hà, từ tháng 02-1996 đến tháng 10-1996.

Cha Phêrô Nguyễn Văn Linh, từ tháng 11-1996 đến tháng 6-1999.

Cha Giuse Đặng Thanh Minh từ tháng 12-1999 đến tháng 7-2000.

Tháng 8-2000, linh mục Tanislaô Nguyễn Đức Vệ, Tổng đại diện, được bổ nhiệm làm Quản xứ. Ngài đã cho lợp lại mái nhà thờ, xây dựng Nhà Hiệp nhất để dạy giáo lý và mở lớp tình thương. Ngài cũng đã dự định đại tu nhà thờ, khôi phục lại tháp chuông nhưng chưa thực hiện được.

Tháng 6 năm 2005, linh mục Gioakim Lê Thanh Hoàng được bổ nhiệm làm Quản xứ. Với sự cộng tác và giúp đỡ của các phó xứ nhiệt thành và tận tụy: cha Philipphê Hoàng Linh từ tháng 4-2007 đến tháng 10-2008, cha Phêrô Nguyễn Vũ từ tháng 10-2008 đến tháng 8-2010, và của các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, cũng như của Hội đồng Giáo xứ, ngài bắt tay vào việc củng cố và xây dựng đời sống thiêng liêng cũng như cơ sở vật chất cho Giáo xứ.

4- Đại tu nhà thờ và tiếp tục phát triển (2008)

Quả vậy, lúc này nhà thờ đã bị xuống cấp trầm trọng: dột nát, tối tăm, hoen ố, rệu rã! Toàn bộ cần được sửa lại. Công cuộc đại tu bắt đầu từ tháng 8 năm 2007 cho đến cuối năm 2008 mới hoàn thành: lợp mái, xây tháp, tô vách, sơn trần, sơn tường trong ngoài, đóng gạch sàn, chỉnh trang cung thánh, sửa toàn bộ cửa lớn và cửa sổ. Tất cả đều được phục chế dựa trên nguyên mẫu. Khi hoàn tất, Nhà thờ trông như mới.

Nội thất nhà thờ năm 2011

Đầu năm 2009, để được trật tự và thêm phần mỹ quan cho Nhà Chúa, Giáo xứ đã quy hoạch khuôn viên: di dời trụ sở dân phòng của phường ra khỏi vườn nhà thờ; chuyển nhà ông thủ từ vào trong một phòng học, thiết kế hoa viên, non bộ, hồ cảnh, thảm cỏ xanh tươi, dựng tượng đài Chúa Chiên Lành và tượng đài Thánh Giuse. Qua năm 2011, mặt tiền nhà xứ cũng được trả lại dáng vẻ ban đầu của nó.

Ngày 15-07-2015, cha Antôn Dương Quỳnh, Tổng đại diện, về làm Quản xứ, thay thế cha Gioakim Lê Thanh Hoàng nghỉ hưu. Ngài củng cố các lớp giáo lý, các đoàn thể, sửa lại mái nhà xứ, phòng học giáo lý và hệ thống thoát nước của sân nhà thờ. Giữa năm 2018, có tân linh mục Gioakim Trần Ngọc Chương về làm phó xứ cho đến nay.

5- Tổng lược các Linh mục Quản xứ

  1. Cha Jean Léculier (cố Lựu) 1911-1922.
  2. Cha Arsène Lemasle (cố Lễ) 1922-1931. Giám mục tương lai.
  3. Cha Louis Darbon (cố Triết) 1931-1947.
  4. Cha Pierre Richard (cố Phan) lần I: 1947-1948.
  5. Cha Louis Eynard (cố Nhiệm) 1948-1949.
  6. Cha Pierre Richard (cố Phan) lần II: 1949-1955.
  7. Cha Ximong Nguyễn Văn Lập, 1955-1958. Đức ông tương lai.
  8. Cha Giuse Ngô Văn Trọng 1958-1965.
  9. Cha Phaolô Nguyễn Kim Bính, lần thứ I: 1965-1966.
  10. Cha Phêrô Trần Hữu Tôn 1966-1969.
  11. Cha Philipphê Nguyễn Như Danh 1969-1975.
  12. Cha Têphanô Nguyễn Như Thể 1975. Tổng Giám mục tương lai.
  13. Cha Tanislaô Nguyễn Văn Ngọc 1975-1992. Tổng đại diện.
  14. Cha Phaolô Nguyễn Kim Bính, lần thứ II: 1994-1996. Tổng Đại diện.
  15. Cha Stanislaô Nguyễn Đức Vệ, 2000-2005. Tổng Đại diện.
  16. Cha Gioakim Lê Thanh Hoàng 2005-2015.
  17. Cha Antôn Dương Quỳnh, 2015- …. Tổng Đại diện.

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

Giáo dân:

Năm 2010: 435 người.

Năm 2015: 381 người.

Năm 2020: 380 người.

Giáo xứ Phanxicô Xavie hiện có 3 khu vực: khu vực Kitô Vua, khu vực Thánh Giuse và khu vực Đức Mẹ. Năm 2020 thống kê được 380 giáo dân, sống rải rác trong các phường Phú Nhuận, Vĩnh Ninh và Phú Hội.

Hiện nay, tinh thần đạo đức được nâng cao, tình hiệp thông trong giáo xứ được củng cố, nhiều giáo dân siêng năng tham dự phụng vụ, giới trẻ và thiếu nhi hăng say học hỏi giáo lý và suy niệm lời Chúa, các giới trong giáo xứ đặc biệt giới trí thức đều tích cực góp phần làm cho bầu khí đạo đức trong giáo xứ ngày càng sinh động dưới sự hướng dẫn của cha Quản xứ và với sự cộng tác nhiệt thành của các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng và của Hội đồng Giáo xứ.

Giáo xứ cũng có một trang facebook ở https://www.facebook.com/GXPhanxicoXavie

**********************************

PHỤ LỤC

TÂM TÌNH GIÁO XỨ

NHÂN KỶ NIỆM BÁCH CHU NIÊN THÀNH LẬP

Trích diễn văn ngày 21-6-2011 của cha Quản xứ Lê Thanh Hoàng dịp mừng Kỷ niệm Bách Chu niên thành lập Giáo xứ:

“Nhìn lại quá khứ cũng như hiện tại, chúng con ghi nhận:

1. Giáo xứ Phanxicô Xaviê được sinh ra, lớn lên, và từng bước phát triển, nhờ bao mồ hôi, nước mắt của nhiều thế hệ. Một trăm năm với mười bốn đời cha sở. Mỗi người một vẻ, mỗi người một giai đoạn lịch sử đều đã đóng góp công sức kiến tạo và xây dựng Giáo xứ nầy, đúng như tư tưởng của thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Corintô: “Tôi trồng, Apôllô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cor. 3,6). Vâng! chúng con xác tín rằng lao công của con người được tiếp nối thế hệ nầy đến thế hệ khác chẳng là gì, chính Chúa mới làm cho lớn lên, làm cho nẩy mầm, sinh ra nhiều bông hạt mới, có được một mùa bội thu. “Hãy tạ ơn Chúa, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”!

2. Chúng con nhận ra đời sống giáo xứ cũng như đời sống một con người, có những bước thăng trầm. Nhìn toàn cảnh suốt trọn thế kỷ 20, thế sự thăng trầm quả là khủng khiếp. Nhưng có thể nói, đối với Giáo xứ Phanxicô Xaviê không có những bước thăng trầm, mà cho đến hôm nay, chỉ có một bước thăng và một bước trầm. Đúng vậy, từ ngày khai sinh năm 1911 Giáo xứ đi lên mãi cho đến đỉnh cao là thập niên 60: Giáo xứ thật sầm uất, hưng thịnh, vươn cao như ngọn tháp thánh đường. Nhưng qua năm 1968, tháp sập đổ, Giáo xứ từng bước tuột dốc, dân số co lại một cách thê thảm, nhất là vào các năm 1972-75, khi chiến sự dâng cao, một số lớn giáo dân di tản không trở về. Nhưng hôm nay mừng lễ Bách Chu niên chắc chắn lòng mọi người cũng đều rộn lên hướng về đây với chúng con để chung lời tạ ơn Chúa, “vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

3. Chúng con nhận ra, mặc cho thế sự thăng trầm, Giáo xứ vẫn tồn tại. Hai mươi hai cột trụ trong nhà thờ nầy, toàn bằng gạch, không một cây sắt bên trong, nhưng vẫn kiên gan cùng tuế nguyệt là biểu tượng sự trường tồn của Giáo xứ. Giáo xứ Phanxicô đang tồn tại với đầy ắp hy vọng lại vươn lên như tháp nhà thờ. Hết mưa trời lại sáng! Niềm hy vọng bắt nguồn từ cái nhìn đức tin: sự tồn tại bền vững của Giáo xứ bắt rễ ở ngay trung tâm Thánh đường nầy: Chúa Thánh Thể. Chúa ở với Giáo xứ mọi ngày cho đến tận thế. Và cộng đoàn Phanxicô hôm qua cũng như hôm nay đang chuyên cần bẻ bánh như cộng đoàn kitô hữu tiên khởi. 100 năm liên tục, không có Chúa nhật nào mà không có giáo dân đến đây cùng nhau bẻ Bánh. Vâng, chuyên chăm bẻ Bánh Thánh Thể trong ngày của Chúa, ngày Mặt trời (thánh Irênê), đã, đang và mãi mãi nuôi dưỡng tình hiệp thông, nghĩa huynh đệ, sự đoàn kết, mãi mãi là sức sống dồi dào của mọi tâm hồn con dân trong giáo xứ. “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa hảo tâm vì đức từ bi của Ngài muôn thuở

4. Được mừng lễ Bách Chu niên hôm nay, hẳn nhiên là từ tình thương yêu vô biên của Thiên Chúa và Mẹ hiền La Vang, chúng con hằng tâm niệm “ngày lại ngày xin chúc tụng Chúa” (Tv 68,20). Giáo xứ chúng con mãi khắc ghi trong lòng công ơn của các bậc Tiền nhân – lòng nhiệt thành của các linh mục Thừa sai Paris, sự tận tụy chăm sóc của các cha bản địa, như tình yêu thương của một Cha phó đang lớn thành Bậc Đáng kính, Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

5. Thừa kế một di sản tốt đẹp qua mọi đời, chúng con ý thức trách nhiệm hàng đầu không chỉ là phải bảo toàn nguyên vẹn di sản đó qua mọi thế hệ, nhưng còn phải xây dựng và phát triển: “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống[6], bằng những cố gắng canh tân đời sống thiêng liêng cá nhân, gia đình và giáo xứ. Chúng con cố gắng sống làm sao cho cả Giáo xứ trở thành một đại gia đình yêu thương và mỗi gia đình trở thành một mái ấm trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm. Chúng con đã bắt đầu và đang cố gắng xây dựng một “giáo xứ hiệp thông huynh đệ và dấn thân rao giảng Tin Mừng[7]

Một cách cụ thể:

– Mỗi người trong giáo xứ đang lần lượt ghi tên vào các hội đoàn: Mẹ Gia đình, Cha Gia đình, Giới trẻ và Thiếu nhi. Mọi người đều đứng vào hàng ngũ – các Nhóm nhỏ như là Cộng đoàn Cơ bản[8] – thể hiện tình hiệp thông trong mầu nhiệm Giáo Hội.

– Mỗi gia đình cố gắng hết sức sống thân tình với Chúa qua kinh nguyện hằng ngày đặc biệt là kinh tối với việc suy niệm Lời Chúa, vì “Lời Chúa sẽ trở thành nguồn sống dưỡng nuôi, ánh sáng soi đường và sức mạnh củng cố đức tin của các tín hữu trong mọi hoàn cảnh”[9].

– Sau cùng toàn thể Giáo xứ cũng đang động viên nhau chuyên chăm việc cử hành Bẻ bánh ngày Chúa nhật vì “Thánh Thể là trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội[10]. Chúng con hết sức để tâm tổ chức phụng vụ ngày Chúa nhật thật sốt sắng và trang trọng, để mọi thành phần dân Chúa tham dự cách ý thức, tích cực và sống động hơn”[11].

***

Ôn lại nét thăng trầm của Giáo xứ, chúng con rất hân hoan vui mừng vì nhận ra tình thương của Chúa đổ tràn trào trên Giáo xứ.

Số giáo dân hiện nay: 400 (năm 2014) [12].

Vui mừng, nhưng chưa thể hãnh diện vì khi soi chiếu với các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi: “Chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng[13], chúng con phải khiêm tốn nhìn nhận rằng giữa Giáo xứ chúng con và các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi còn một khoảng cách rất xa. Chúng con khát vọng xây dựng bền vững một cộng đoàn yêu thương, một đại gia đình hiệp thông huynh đệ, chứ không chỉ kiến thiết một vài cơ sở vật chất thường vươn lên rồi lại ngã xuống! Chúng con rất mong lời cầu nguyện và sự nâng đỡ tinh thần của Quý Đức Cha, của Quý Cha, Quý Bề trên các Dòng và Quý Tu sĩ nam nữ, Quý Vị Đại biểu các giáo xứ, Quý Ân nhân, Thân nhân cùng toàn thể Anh Chị Em xa gần, để Giáo xứ chúng con được lớn mạnh, trưởng thành, vuông tròn với sứ vụ rao giảng Tin Mừng và xứng đáng phần nào là con cháu các Bậc Tiền Nhân.

“Hãy tạ ơn Chúa vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.

Huế 21-06-2011 

———————————————————

[1] Amédée Courbet (1827-1885) đô đốc Pháp, người cầm đầu nhiều trận đánh tại miền Trung và miền Bắc Việt Nam năm 1883. Đối đầu với ông là tướng Hoàng Kế Viêm, một trong những người kế nhiệm Tổng đốc Nguyễn Tri Phương.

[2] Tài liệu tham khảo :

– Các Báo cáo thường niên của Các Giám mục Huế gởi hội Thừa sai Paris từ 1872 đến 1940, Lê Thiện Sĩ sưu tập và chú thích.

– Tiểu sử các linh mục thuộc hội Thừa Sai Paris (MEP) gia nhập và phục vụ Giáo phận Huế 1850-1975 (cuốn II), Lm Giuse Nguyễn Văn Hội.

– Répertoire des membres de la Société des Missions Étrangères 1659-2004, của Gérard Moussay et Brigitte Appavou.

– Revues: Annales et Bulletin des Missions Étrangères de Paris, 1900-1960.

– Bulletin des Vieux Amis de Huế, Tư liệu của Association des Amis du Vieux Hué,  AAVH.

[3] Linh mục thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại Paris; đến Huế ngày 2.9.1898; tháng 6 năm 1936, làm Giám mục Đại diện Tông tòa coi sóc Giáo phận Huế; qua đời 29-6-1946.

[4] Giám mục 13-4-1967; Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình 24-6-1998; Hồng y 21-2-2001; qua đời 16-9-2002 tại Rôma. Lên bậc Tôi tớ ngày 17-9-2007 ; Bậc Đáng Kính 4-5-2017

[5] Ngài làm Phó Tổng Giám mục Huế, rồi lên Tổng Giám mục, từ 1975 đến 2012.

[6]  Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010

[7]  TC.HĐHDC, số 23

[8] Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại châu Á, số 25. Và Liên Hội đồng Giám mục châu Á, trong Hội nghị về các Thừa tác vụ trong Giáo hội ngày 5.3.1977, các đại biểu của các Giáo hội tại châu Á đã bỏ phiếu tán thành chiến lược xây dựng các Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản cho toàn Giáo hội tại châu Á.

[9]  TC HĐHDC số 11.

[10]  TC HĐHDC, số 12.

[11]  TC HĐHDC, số 12.

[12]  Đây là con số ước lượng, kể cả các giáo dân gốc Giáo xứ Phanxicô Xaviê nay đang ở ngoài địa giới Giáo xứ, nhưng vẫn thường xuyên sinh hoạt tôn Giáo tại Phanxicô Xaviê.

[13]  CVTĐ. 2, 42.

————————————————————————

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.