Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 2 – Chương 8 – Phần III

12/12/2019

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 2

CHƯƠNG TÁM 

THÁNH ĐỊA LA VANG

THỜI ĐỨC GIÁM MỤC ALLYS LÝ

(Tiếp theo)

ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG THEO ĐỊNH LỆ MỚI:

“TAM NHẬT ĐẠI HỘI”

III. ĐẠI HỘI LA VANG 8 (1923)

  1. Hành hương La Vang trước Đại hội La Vang lần thứ 8

a/ Đức Khâm mạng Lécroart kính viếng Đức Mẹ La Vang(13)

Ngày 8-3-1923, sau cuộc kinh lược các giáo phận miền Bắc, Đức Khâm mạng Lécroart đang có mặt ở Hướng Phương, Giáo phận Vinh, chuẩn bị thăm Giáo phận Huế. Đức cha Allys và phái đoàn chờ đón ngài ở họ đạo Bồ Khê, một giáo xứ cực Bắc của Giáo phận Huế (nay đã cắt về Giáo phận Hà Tĩnh), bên bờ Nam sông Gianh. Đức Khâm mạng được đón vào Đồng Hới, nghỉ đêm tại đó, hôm sau, ngày 9-3-1923, trên đường đi, ngài ghé ăn cơm ở Cổ Vưu, chiều đến Huế.

Tại Huế, ngài mở cuộc viếng thăm các nơi trong địa phận: Tòa Giám mục, nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, trường Lý đoán (ĐCV Phú Xuân), dòng Kín Carmel, dòng Frères La San, dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân, nhà thờ Tây (nhà thờ Phanxicô). Phía chính quyền, Đức Khâm mạng đến thăm Tòa Khâm sứ, Chính phủ Nam triều. Tại triều đình Huế, ngài được vua Khải Định tiếp kiến.

Ngày 16-3-1923, Đức Khâm mạng đi ngược ra Quảng Trị, thăm Tiểu Chủng viện An Ninh, sở Đất Đỏ Di Loan. Từ Di Loan, ngài trở vô Quảng Trị thăm họ đạo Cổ Vưu rồi đi Phước Môn chủ lễ mặc áo dòng cho các nữ tu Phước Môn, thăm sở Phước Môn, một trong Ngũ Phước(14) của cụ Nguyễn Hữu Bài, rồi sau đó qua La Vang kính viếng Đức Mẹ.

Đức Khâm mạng cùng phái đoàn vào nhà thờ ngói cổ quỳ cầu nguyện rất lâu trước thánh tượng Đức Mẹ La Vang. Sau đó ngài nhận cuốn sổ vàng từ tay cha sở Cổ Vưu Morineau Trung và viết vào sổ những dòng quý báu để kỷ niệm lần đầu tiên đến kính viếng Đức Mẹ La Vang.

Trở vô Huế, Đức Khâm mạng cử hành thánh lễ ở nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, nhằm ngày Chúa nhật Lễ Lá. Sau đó, ngài vào Đà Nẵng đi thăm Giáo phận Qui Nhơn.

b/ “Đi viếng cung thánh Đức Mẹ La Vang”(15):

(…)

Đường bộ (từ Sài Gòn ra La Vang) chia làm hai khúc như vầy: Từ Sài Gòn tới Nha Trang hơn 400 km thì đi xe lửa, không sang xe. Từ Nha Trang tới Tourane (Đà Nẵng) là Cửa Hàn 600 km thì đi xe hơi, ngoải kêu xe điện. Đi vừa vừa gần ba ngày. Từ Tourane tới Huế 100 km phải đi xe lửa, ai muốn đi xe hơi luôn cũng đặng mà mắc hơn. Từ Huế ra Quảng Trị tới 70 km nữa, đi xe lửa. Tới Quảng Trị xuống, mướn xe kéo lên thẳng La Vang lối 8 km.

Tới Huế có cha Giuse Trang ra rước. Cha đã rước mấy bữa trước rồi mà trật, nay đi họa may vậy mà lại gặp.

Trước hết, lại thăm Đức cha Allys. Nhà Đức cha ở là một nhà Annam thường nên khi đến không dè là dinh Đức cha. Một bên có nhà Procure (Nhà Chung), nhà lầu tốt, mới thấy tưởng Đức cha ở đó, song ngài không ở đó mà cha giữ việc (cha quản lý) ở và dùng làm nơi nghỉ cho mấy cha khách. Đức cha tiếp rước vui vẻ hết sức. Thật Đức cha tốt lành hiền hậu. Người nói chuyện với chúng tôi một cách vui vẻ như kẻ quen biết lâu ngày gặp lại, người tỏ lòng mừng rỡ, vui vẻ thiệt tình. Chúng tôi nói xế chiều sẽ ra Quảng Trị mà đi La Vang thì Đức cha dạy một cha đi coi họ thế cho cha Trang để cha Trang theo dẫn lộ. Ngài bảo chúng tôi đi đâu, bao lâu mặc ý. Chúng tôi đưa thơ Đức cha Sài Gòn gởi gắm hai anh em tôi (cha JB Huỳnh Tịnh Hướng, cha sở họ đạo Ngã Sáu, Chợ Lớn và cha Matthêu Hồ Tấn Đức, cha sở Hạnh Thông Tây, Gò Vấp) cho Đức cha xem thì người vui lắm. Đoạn đâu sẵn trên bàn, người đưa lại cho chúng tôi một phong thư, đó là thư cha Cẩn (cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn, cha giáo TCV An Ninh, sau là Giám mục) ở ngoài trường An Ninh, tỉnh Quảng Trị dặn hễ chúng tôi tới Huế thì đánh dây thép (điện tín) cho người hay đặng vô La Vang mà gặp nhau. Tôi đánh dây thép xin người đừng vô để tôi ra thăm người tại An Ninh, rồi đi Phước Sơn thăm mấy thầy dòng Trappistes luôn thể.

Trước cơm trưa, hai anh em tôi xin qua dinh quan Đông các Nguyễn Hữu Bài mà thăm cụ vì dinh cụ cũng sát bên dinh Đức cha. Quan Thượng thư trông bộ mới về, người tiếp chúng tôi vui vẻ. Người nghe hai anh em tôi muốn đi La Vang rồi đi An Ninh, Phước Sơn, thì người tính với cha Trang chỉ đường chỉ cách đi mau mà khỏi mất giờ. Trưa trở lại nhà cha giữ việc, kế nhà Đức cha mà dùng cơm ở đó. Trước giờ dùng cơm thì gặp cố giữ việc, người tiếp rước vui vẻ lắm. Đang khi dùng bữa, tôi càng ngó Đức cha thì càng trầm trồ khen ngợi trong lòng vì thấy Đức cha ở với các cha một cách thương yêu thâm trầm đáng ngợi đáng mến lắm.

Dùng bữa rồi, chúng tôi từ giã Đức cha ra xe lửa đi Quảng Trị nội ngày đó, có ý đến La Vang chầu Đức Mẹ trước đã, sau dư giờ mới đi mấy chỗ khác. Từ Huế đi xe lửa ra Quảng Trị cũng lối 70 km, từ Quảng Trị qua Phước Môn là sở của quan Đông các lập mà nghỉ, hết 7 km nữa. Tới nơi hơn 8 giờ tối. Có cha Bạch đang ở đó chờ sáng qua La Vang là nơi cung thánh Đức Mẹ mà làm lễ.

Ngày 24-1-1923, lối 6 giờ 30, từ Phước Môn, ngồi xe kéo qua La Vang. Hôm qua, phải cầm xe lại một đêm vì trên chỗ này cách thành thị 8 km không có xe cộ gì. Còn từ Phước Môn là sở của quan Đông các Nguyễn Hữu Bài lập mà qua La Vang cũng lối ba bốn km, rừng chồi vắng vẻ, hôm đó lạnh, muốn đi cho sớm cũng không đi nổi.

Gần đến La Vang, thấy xa xa cung thánh Đức Mẹ thì ai nấy lòng mừng khấp khởi. Đến nơi, lối 7 giờ, chúng tôi vào quỳ gối trước bàn thờ Đức Mẹ, mắt ngó xem Đức Mẹ hình duông đẹp đẽ phương phi, mặt Mẹ đầy sự khoan nhơn dịu dàng, đáng yêu đáng mến là dường nào. Nhìn xem Đức Mẹ, lạy chào Đức Mẹ, tức thì lòng bắt cảm động không tiếng nào nói đặng. Mọi người thảy đều châu lụy tuôn rơi, không cầm lại đặng. Khi chào Đức Mẹ rồi thì như thể thấy Đức Mẹ lấy mặt rất khoan dung hiền hậu nhìn xem chúng tôi mà đáp lại rằng: ‘Mẹ trả ơn chúng con đã chịu khó nhọc ở phương xa mà đến. Chúng con đến đây ắt là bởi lòng tin cùng cậy trông Mẹ thì chúng con chớ ngại, hãy cầu xin cùng Mẹ. Này là Mẹ các con, Mẹ thương chúng con lắm và sẵn lòng nhậm lời chúng con khẩn nguyện…’.

Thật không dè Đức Mẹ có lòng khoan dung từ hậu, có lòng thương con cái như vậy. Khi đó Mẹ xem con, con nhìn Mẹ mà nói khó cùng nhau một cách rất thâm trầm chí thiết. Con tỏ cùng Mẹ mọi nỗi khúc nôi. Nói tới đoạn nào thì thấy Mẹ đều gật đầu và tỏ mặt thương xót cùng an ủi cách rất dịu dàng.

Tôi đã tính trước rồi nên khi đó tôi sắp ra trước mặt Đức Mẹ hết thảy mấy linh hồn thuộc mấy họ tôi coi sóc. Sắp như trong nhà thờ, nam nữ hai bên, đồng nhi trước, người lớn sau, rồi tôi trình cho Đức Mẹ từng linh hồn, xin Đức Mẹ thương xót và ban ơn cần kíp cho các linh hồn ấy, nhứt là những kẻ trễ nãi rối rắm, rồi tới người ngoại giáo, nhất là tại Chợ Lớn. Tôi cũng xin Đức Mẹ cho tôi có tiền đủ mà làm nhà thờ cho có chỗ xứng đáng mà tôn kính Đức Mẹ.

Đang khi đó, ở bàn thờ giữa, cha Giuse Trang rồi tới cha Matthêu Đức làm lễ. Tôi xem hai lễ, cầu nguyện hết sức sốt sắng rồi mới làm lễ sau.

(…)

Tôi làm lễ sau hết mà trọng thể lắm vì khi đó mấy cha làm lễ rồi thì hát trọng thể mà ngợi khen Đức Mẹ. Có cha Trang, cha Bạch, cha Tuần (Phaolô Bùi Thông Tuần) là cha phó Cổ Vưu và có ít cha nữa cũng lên đó. Thật, phải nói mà cám ơn Đức Mẹ, Đức Mẹ thưởng công cùng ban ơn an ủi những kẻ đến viếng Đức Mẹ nên tôi đặng làm lễ sốt sắng lắm. Tôi nhớ hồi ra đi, tôi không ham đi mấy, mà bây giờ tôi nói thiệt đáng đi lắm, phải không đi thì uổng biết chừng nào.

Lòng chúng tôi hết thảy đều quyết phải ở lại với Đức Mẹ ít là ba ngày mới phỉ dạ, nhưng vì còn phải đi ra trường La Tinh An Ninh là trường nhỏ (Tiểu Chủng viện) mà thăm cha Cẩn và các cha, rồi đi thăm các thầy dòng trên Phước Sơn nữa. Vậy tính trở ra Quảng Trị, xuống đò chiều thứ tư đó, đi trọn đêm, sáng thứ năm sẽ làm lễ tại trường An Ninh, rồi lên viếng các thầy dòng Phước Sơn. Tối thứ năm xuống ghe trở về cho kịp ngày thứ sáu làm lễ tại La Vang rồi ở lại qua ngày thứ bảy làm lễ cho đủ ba ngày.

Nội đêm thứ năm ở dưới ghe, tới ngang An Ninh thì cha Cẩn từ giã lên bờ rồi đi thẳng lên Nhà trường, còn chúng tôi đi luôn sáng tới Quảng Trị, mướn xe kéo lên La Vang, lối 10 giờ tới nơi. Bữa đó có cha Sản (Antôn Nguyễn Văn Sản) bên Ngô Xá cũng qua đó. Trót ngày thứ sáu, chúng tôi ở cung thánh Đức Mẹ mà hưởng thêm sự ngon ngọt khoái lạc Đức Mẹ ban. Tôi thì nằm ngủ trong phòng kế bàn thờ Đức Mẹ. Ngủ tại chơn Đức Mẹ đêm ấy lấy làm khoái lạc và phước lớn. Các cha mới có phép ngủ đây. Cả đêm trời cứ mưa lác đác luôn, thật là mát, quá mát. Nằm nghe cả đêm tiếng giọt nước trên mái nhà thờ nhểu xuống bon bon, càng khuya càng mát, từ 3 giờ sáng về sau mát quá khỏi ngủ.

Sáng thứ bảy làm lễ lần thứ ba tại La Vang cũng là lần sau hết vì đã tính phải trở về Huế chiều ngày ấy. Biết chút nữa phải từ giã Đức Mẹ mà đi nên ngùi ngùi cảm cảnh, lo kiếm chút dấu tích Đức Mẹ mà đem về để hậu thân. Có lấy hình mặt tiền nhà thờ để làm dấu tích, vì sau đây sẽ làm nhà thờ mới. Tấm hình có gởi bên Tây(16), thầy Jacques Đức (nhà báo Jacques Lê Văn Đức) xin làm cartes postales (bưu thiếp) sau phát cho thiên hạ đặng nhớ tích xưa chỗ nhà thờ ra làm sao…

Chúa nhật làm lễ ở Phú Ngạn, họ cha Trang, thứ hai về Huế, chiều thứ ba lên xe lửa vô Tourane mà về”.

  1. Đại hội La Vang 8 (1923)

a/ Chuẩn bị Đại hội La Vang lần thứ 8. “Kiệu ảnh”(17):

“Năm nay, cha sở Cổ Vưu nói khoảng thứ ba, sau lễ Đức Bà Mộng Triệu (lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời) sẽ kiệu ảnh trọng thể. Nếu bổn đạo đi đông có lẽ đi tàu dễ hơn. Đi tàu tới Tourane rồi đi xe lửa tuốt tới Quảng Trị. Bữa đó lên La Vang thì thả bộ chứ xe kéo đâu cho đủ. Mấy bữa kiệu ảnh thì có các cha ngồi tòa làm phước (giải tội) đông lắm, từ sớm mai cho tới tối có mười hai, mười lăm cha làm phước luôn.

Năm nay, cha sở Cổ Vưu tính làm nhà thờ Đức Chúa Bà lại cho xinh tốt đẹp đẽ xứng đáng hơn. Lúc kiệu ảnh có khi sẽ thấy nền nhà thờ mới”.

b/ Tường thuật Đại hội La Vang lần thứ 8(18)

“Hội giáo nhơn vui chơn nhẹ bước,

Tới La Vang ao ước phỉ tình.

Đặt gối quỳ hết dạ dâng kinh,

Cầu ơn thánh lòng tin mắt thấy.

Mắt thấy chốn La Vang, lòng tin ơn Đức Mẹ, nên thiên hạ đua nhau tới kỳ kiệu này quá lẽ là đông, phỏng chừng non hai vạn. Từ ngày 20-8-1923 cho đến chính ngày kiệu 22-8-1923, mỗi ngày hai chuyến xe lửa. Lại ngày kiệu cũng có chuyến riêng, chuyến nào cũng có hơn 10 wagons chật ních người, ai đứng đâu yên đó. Có điều này sáng danh Chúa lắm là đang khi xe chạy thì trong mỗi wagon tiếng đọc kinh lần hột chung với nhau nghe vang trời dội đất, làm cho những kẻ đứng dưới bắt mặt ngó lên.

Đi xe đã đông mà đi bộ đi thuyền cũng không ít. Dưới bến Cổ Vưu ghe thuyền đậu uyên thiên, trên bãi người ta lại đông vô số. Chòm thì nấu ăn, nơi thì ngồi nghỉ, ngó vui quá! Đàng bộ lên La Vang thì dập dìu quan khách, người quảy mo cơm, người xách bầu nước. Có người giàu sang lại đi xe điện, xe tay. Sẵn bạc tiền thiếu chi nhà quán. Tới đất La Vang lại càng vui vẻ, thấy đô hội kẻ trẻ người già, người sang kẻ khó chen nhau vào nhà thờ khấn vái khẩn cầu. Ra khỏi nhà thờ thì lo bẻ lá, nhổ cỏ, múc nước để đem về làm thuốc linh đơn.

Ai ngờ chốn sơn lâm mà đông hơn thành thị, đêm như ngày liên lỉ vào ra, tai nghe những kinh nguyện ngân nga, mắt đặng thấy vinh ba Thánh Mẫu. Tối lại, thấy khắp vườn Đức Mẹ người ta nằm ngồi lúc ngúc, dẫu hèn sang chiếu đất màn trời, đêm thanh trăng tỏ, gió thổi mây bay, nằm ngó lên mà suy quyền tạo hóa. Dẫu người đô hội quá ngàn quá vạn, song thảy đều thủ lễ hẳn hoi, không rầy rà, không tranh cạnh, có tranh là tranh cho đặng vào nhà thờ, tranh cho đặng vào tòa giải tội. Có hơn 10 cha làm phúc, song cũng làm không xiết. Dẫu ngồi tòa cả ngày lại thâm đêm cũng không làm sao cho hết.

Rạng ngày 22, vừa tảng sáng, bổn đạo các họ sắp đội ngũ kiệu Đức Mẹ từ nhà thờ Cổ Vưu lên La Vang, coi thật là sướng mắt, nghe thật là vui tai, vui vì những cung hát thanh bai dịu dàng, sướng vì trang hoàng đẹp đẽ.

Khi bàn kiệu tới nơi nhà thờ tạm, vừa quá 8 giờ, liền khởi kiệu làm lễ hát. Cha Chabanon hát lễ, rồi kế Đức cha làm phép lành.

Lễ hoàn thành, mọi người tra về hoan hỉ, song còn nhớ Đức Mẹ ngùi ngùi.

Ra đi mắt muốn ngó lui.

Nhớ đền Đức Mẹ nửa vui nửa sầu.

Vui vì đặng phước đến chầu.

Sầu vì rày phải đem nhau ra về.

… … …

Mẹ ở con về thương chi xiết,

Ơn sâu nghĩa thẳm nhớ nào khuây!”

c/ Xuất bản sách Tự tích tôn kính Đức Mẹ La Vang Linh mục Giuse Trần Văn Trang

Năm 1923, trong làng văn Công giáo xuất hiện sách Tự tích tôn kính Đức Mẹ La Vang. Imprimeriede Qui Nhơn. Tác giả: Cha Giuse Trần Văn Trang, linh mục Địa phận Huế, Đấng sáng lập Dòng Kim Đôi, nay là Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng – Huế.

Cha Giuse Trần Văn Trang sinh năm 1882 tại giáo xứ Phủ Cam, nhưng nguyên quán Nam Bộ. Ngài là cháu nội của thánh Tử đạo Phaolô Trần Văn Hạnh.

LINH MỤC GIUSE TRẦN VĂN TRANG                                   Tác giả sách Tự tích tôn kính Đức Mẹ La Vang

Cha Giuse Trang có tài văn chương, viết lách giỏi từ khi còn đi học. Ngài là tác giả thiên hồi ký Đại hội La Vang 1901. Chỉ riêng đề tài Đức Mẹ La Vang, ngài đã để lại nhiều bài hồi ký, phóng sự có giá trị đăng trên tuần báo Nam Kỳ địa phận, dưới các bút hiệu: Joseph, Joseph Huế, Joseph Huế – prêtre, J. Trang, Joseph Trần Văn Trang… Nổi bật hơn hết là sách Tự tích tôn kính Đức Mẹ La Vang.

Tự tích tôn kính Đức Mẹ La Vang được xem là cuốn sách văn xuôi đầu tiên viết về đề tài Đức Mẹ La Vang. Mặc dù chỉ với 46 trang, nhưng đủ để chứa đựng một nội dung phong phú về nguồn gốc, sự tích, ơn lạ, cảnh diện La Vang vào hai thập niên đầu của thế kỷ XX, rõ ràng đến độ chi tiết, giúp cho hậu thế một pho lịch sử quý giá về Đức Mẹ La Vang thời kỳ khởi sắc – tiền bán thế kỷ XX.

Xin giới thiệu nguyên văn Lời Tựa và những nội dung chính trong thiên ký sự quý giá này:

+ Lời Tựa

“Tôi thấy người ta chẳng những xứ Huế, mà lại nhiều kẻ Đàng Trong, Đàng Ngoài có lòng mộ mến thành kính Đức Mẹ La Vang, mà không rõ tự tích làm sao. Tôi thày lay hiệp cùng một hai cha sở La Vang, chép qua ít lời giúp ai nấy rõ, kẻo đến mỗi kỳ kiệu, nghe từng đoàn lũ người ta năn nỉ rằng: ‘Việc trọng đại như vậy, thiên hạ tuôn đến đô hội mà chẳng thấy ai kể lại tự tích cho hậu sanh đặng tường’. Việc kể gốc tích tuy chẳng ắt thật chứng cớ, song ít nữa là cứ lời truyền khẩu có lẽ tin đặng, mà ít nữa là lòng người ta, từ Nam chí Tây sở mộ Đức Mẹ La Vang, thì làm chứng Đức Mẹ chốn La Vang linh nghiệm hay ban ơn cho ta, đáng cho ta kính thờ Người, hầu đặng nhờ ơn Người hộ vực ta.

Các điều tôi sẽ kể lại sau này thì tôi mượn lấy các lời cha Bonin là cha sở cựu La Vang đã chép trong sử Hội Giảng đạo năm 1901 (Annales de la Propagation de la Foi, 1901), và một ít điều lấy trong Vãn La Vang dân xứ Quảng Trị hay đọc. Lại cũng hỏi thăm các cha, và các kẻ kỳ lão có đạo ở Quảng Trị, gần La Vang, và những điều tôi thấy rõ tường tận”.

+ Tích hạnh La Vang

– Về cảnh diện và gốc tích La Vang xưa thể nào?

“Hết thời Cảnh Thịnh bắt đạo, đến Văn Thân giết đạo, La Vang là nơi ẩn thân của nhiều đoàn lũ bổn đạo từ Cổ Vưu lên tá túc. Trong tai ương khốn khó, các bổn đạo khi ấy làm một nhà tranh nhỏ, xấu xấu tại nơi đó. Trước bàn thờ có chưng một ảnh giấy Đức Mẹ bồng Đức Chúa Giêsu, cùng vài ba chơn đèn cũ, xấu, và hái hoa ngoài đồng trau giồi bàn thờ. Hôm sớm tựu hội lại đọc kinh cầu nguyện cùng Đức Mẹ sốt sắng lắm…”.

– Về truyền thuyết La Vang:

“Có một hôm, khi mọi người đã đọc kinh về đoạn, thì xem thấy một Bà mặt mũi tốt tươi, đẹp đẽ oai nghi, hào quang sáng láng hiện đến. Có hai trẻ mặt mày vui vẻ, lịch sự cầm hai đèn chầu hai bên… Bà đẹp đẽ ấy cũng hiện đi hiện lại nhiều lần. Người ta dầu ngoại, dầu đạo cũng đều xem thấy Người, chơn đứng trên đất, dường như nhận đất La Vang là nơi mình muốn ngự xuống mà ban ơn cho thiên hạ. Bà rất tốt lành ấy nói lời rất êm ái, thanh bai, bổn đạo đều nghe tỏ và còn lưu truyền cho đến rày…”.

– Vì cớ nào người ta đến La Vang đông đảo?

“… Hoặc không sinh con thì xin cho đặng sinh con, hoặc đau ốm vô phương cầu thầy chạy thuốc thì xin cho đặng lành mạnh. Mà phần nhiều xin chi thì liền đặng ơn nấy. Bởi đó càng ngày càng đồn thổi Đức Mẹ La Vang linh nghiệm, nên kẻ xa người gần tuôn đến mà khẩn cầu”.

+ Tích ơn lạ Đức Mẹ La Vang

– Tích Mụ bán vải:

Nhà thờ rách nát, màn trướng không có… Bữa kia, vợ chồng ông Từ chạy đến cùng cha sở ở Quảng Trị mà xin tiền mua ít thước vải. Trong khi ông bà Từ đi vắng có người đàn bà vào nhà thờ bán vải, hẹn ngày mai trở lại lấy tiền. Đúng hẹn, mụ bán vải trở lại đòi tiền, gây ra cuộc cãi vã.

“Mụ Từ rằng: Rứa thì tôi mua vải mụ tôi cất ở đâu trong nhà? Cho mụ soát lấy. Mụ kia rằng: Hôm qua mụ mua vải mụ bỏ trong hòm ni chớ mô! Vợ chồng ông Từ liến mở hòm ra coi bèn thấy năm cây vải và một bó tiền đồng. Cả hai liền sửng sốt, quyết rằng: Hôm qua Đức Chúa Bà nhà thờ hiện ra lấy hình người nữ mà mua vải và để tiền lại đó mà trả”.

– Tích người ta đến hái lá tại La Vang:

Có đôi vợ chồng kia ở gần La Vang. Người vợ đau liệt gần chết, đã cầu thầy chạy thuốc nhiều nơi mà vô phương cứu chữa. Đêm kia, người vợ nằm nửa tỉnh nửa mê, thấy có một Bà đứng ở đầu giường bảo rằng: “Hãy đi hái lá cây nơi La Vang đem về sắc uống”. Người chồng nghe vợ nói vội đến La Vang khấn vái, đoạn hái “Lá cây mọc trước nhà thờ” đem về sắc cho vợ uống. “Càng uống vô, càng thấy trong mình bớt bệnh. Uống thêm một hai lần nữa thì bệnh liền đã ngay lập tức”.

+ Chốn La Vang lúc kim thời

– Nhà thờ ngói thứ nhất:

“ … Dựng lên một tòa nhà kia đẹp đẽ bằng ngói, rộng, chứa đặng 500, 600 người và có xây hai tháp cao. Nhà thờ làm trở hướng một bên, chẳng trở mặt ra tỉnh Quảng Trị, là theo ý bề trên dạy phải làm theo nền nhà thờ cũ là chính nơi Đức Mẹ hiện ra”.

– Giếng Đức Mẹ:

“Một bên nhà thờ, phía trước có đào một cái giếng, hằng năm bổn đạo đến múc nước uống cho thuyên bệnh”.

– Đường lên La Vang:

“ … Rày nhờ công ích các họ lân cận, thì các cha sở dốc sức làm đàng rộng lớn đi đặng hai xe kéo ngang nhau, từ họ Cổ Vưu thẳng lên đến chốn La Vang. Đàng đi bây giờ dễ dàng hơn xưa, vì khỏi mọi điều hiểm trở cọp beo. Lại người ta năng ra vô La Vang, vào rừng làm rẫy đốn củi”.

– Cảnh diện La Vang:

“Còn trong vườn có làm một nhà tranh vừa ba gian hai chái chắc chắn, trong có bàn ghế, chõng giường để khi cha thầy lên đó mà trú ngụ lại, hoặc khi kiệu ảnh đến đông đảo thì tựu hội tại đó mà lo cơm nước… Phía sau có nhà từ, nhà nấu ăn, còn bên kia có một trại để khi bổn đạo đến đó đông đảo mà trú ngụ.

Lại khi nào có kiệu trọng thể thì có làm một rạp lớn trên đồi đất cao đã đắp sẵn và trau giồi trần thiết oai nghi. Ở đó thầy cả làm lễ cho đô hội người ta quỳ chầu giữa trời trống trải dễ xem.

– Cuộc kiệu La Vang 1901

(Xem nguyên bài đã trích đăng ở Chương 6)

d/ Đức Khâm sứ Constantino Ayuti kính viếng Đức Mẹ La Vang(19).

Ngày 20-5-1925 ĐGH Piô XI ban hành tông thư Ex Officio Supremo thành lập Tòa Khâm mạng Đông Dương và Thái Lan, trụ sở đặt tại Việt Nam. Đồng thời ngày 25-5-1925, bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Constantino Ayuti người Ý làm Khâm sứ tiên khởi.

Ngày 25-11-1925 Đức Khâm sứ Ayuti đến Sài Gòn. Ngài đi thẳng ra Hà Nội xem xét tình hình rồi trở về Huế. Tại đây ngài đã đi thăm Chủng viện An Ninh, địa sở Phước Môn và qua La Vang kính viếng Đức Mẹ.

Sau cuộc viếng thăm này Đức Khâm sứ quyết định, theo ý kiến cụ Bài, thiết lập Tòa Khâm mạng ở Phủ Cam.

e/ Vua Khải Định Phụng khấn Đức Mẹ La Vang(20)

Vua Khải Định, dù chưa một lần đến La Vang, song qua ơn Mẹ đã ban cho nhà vua khỏi bệnh vào dịp Tứ tuần Đại khánh năm 1925, đã khiến nhà vua hai lần cử phái bộ triều đình ra La Vang phụng khấn tạ ơn Mẹ:

“Một chiều kia cha Morineau Trung ở Cổ Vưu vào La Vang đột ngột bảo ông từ Lê Hộ dọn dẹp trang hoàng đền thờ. Mãi đến nửa đêm hai chiếc xe hơi đưa những vị khách trọng đến. Ấy là lễ tạ ơn của nhà vua. Năm sau, vua Khải Định lại ngã bệnh nguy cấp. Một lần nữa, vua sai cụ Bài ra La Vang khấn xin Đức Mẹ. Lễ vật vua dâng kỳ này là hai cây sáp ong to lớn cao một thước, vòng lưng ba tấc rưỡi…”.

Hết Chương 8.

Xem tiếp Chương 9.

——————————————————————–

(13) Giuse Trang, prêtre: Cuộc rước mầng Đức Khâm mạng Tòa Thánh viếng Địa phận Huế. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 734, ngày 12-4-1923, tr.219 + Số 736, ngày 26-4-1923, tr.255-257.

(14) Ngũ Phước: Phước Môn, Phước Sơn, Phước Lâm, Phước Sa ở Quảng Trị và Phước Tích ở Quảng Bình (theo Sử ký tỉnh Quảng Trị. Bản đánh máy, tr.13).

(15) Lm. JB Hướng (JB. Huỳnh Tịnh Hướng, cha sở họ đạo Ngã Sáu – Chợ Lớn): Đi viếng cung thánh Đức Mẹ La Vang. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 729, ngày 8-3-1923, tr.137 + Số 734, ngày 12-4-1923, tr.219-220 + Số 737, ngày 3-5-1923, tr.267-268.

(16) Tấm hình “Nhà thờ ngói cổ”này phải chăng là tấm hình hiện đang được lưu giữ trong Phòng Lưu trữ Hội Thừa sai Paris mà chúng tôi đã đăng lại ở chương trước?

(17) Lm. JB. Hướng: Đi viếng cung thánh Đức Mẹ La Vang. Mục: Kiệu ảnh. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 737, ngày 3-5-1923, tr.269.

(18) Lm. Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn: Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 755, ngày 6-9-1923, tr.555-556.

(19)Lm. Sta. Nguyễn Văn Ngọc. Linh địa La Vang, tr.142.

(20)Ns. Đức Mẹ La Vang, số 11, tháng 7-1962, tr.14.

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 2 – Chương 8 – Phần III về máy tính