Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 3 – Chương 17 – Phần 1

14/04/2021

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 3

CHƯƠNG MƯỜI BẢY

HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHILIPPHÊ NGUYỄN KIM ĐIỀN

(Tiếp theo)

HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI “KHÓ KHĂN VÀ TẾ NHỊ”

I. LA VANG SAU BIẾN CỐ 30-4-1975

1. Nhân sự Địa phận Huế sau 30-4-1975(1).

Sau biến cố Mùa Xuân 1975, nhân sự Địa phận Huế thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt là hàng ngũ các linh mục, vì nhiều lý do, đã rời địa phận ra đi.

a/ Thống kê các linh mục di tản vào Nam.

Cha sở Quảng Trị (Trại định cư hồi hương sau 1972) Phêrô Trần Hữu Tôn di tản vào Nha Trang, được cử làm quản xứ họ Vĩnh An – Cam Ranh; cha Phaolô Trần Công Khôi, quản xứ Thần Phù kiêm trưởng ban Truyền bá Phúc Âm di tản vào Đà Nẵng rồi vào Sài Gòn, phụ tá cha Simon Nguyễn Văn Lập tại giáo xứ Bình Triệu; cha Tôma TrầnVăn Dụ, cha sở Nam Phổ kiêm trưởng ban Truyền giáo vào Sài Gòn công tác mục vụ ở nhà thờ Đồng Tiến, quận 10; cha Gioakim Nguyễn Tư, nguyên Tuyên úy Quân đội, vào Nha Trang, mục vụ tại họ định cư Vĩnh Bình – Cam Ranh; cha sở Bồ Điền Đôminicô Nguyễn Văn Nghĩa di tản vào Đà Nẵng rồi vào Nha Trang, làm mục vụ ở một họ đạo vùng định cư Cam Ranh; cha Giuse Nguyễn Văn Giáo, cha sở Tây Linh di tản vào Nha Trang, làm phó xứ rồi chính xứ họ Vĩnh Cẩm – Cam Ranh; cha sở Mỹ Chánh Giuse Nguyễn Dư Tự di tản vào Đà Nẵng rồi vào Nha Trang, được cử làm cha sở họ Đồng Lát – Nha Trang; Cha Giuse Trần Văn Lộc, giáo sư kiêm quản lý Tiểu Chủng viện Hoan Thiện di tản vào Sài Gòn ở nhà riêng tại quận 3, TPHCM; cha Gioan Hồ Hán Thanh, sáng lập tổ ấm Huynh Đệ di tản đi thẳng lên Banmêthuột; cha GB. Trần Trọn, giáo sư Tiểu Chủng viện Hoan Thiện di tản vào Địa phận Xuân Lộc, được bổ nhiệm quản xứ họ Quảng Biên; cha sở Cầu Hai Antôn Nguyễn Văn Huề di tản vào nhập Địa phận Xuân Lộc; cha Antôn Nguyễn Trọng Quí, giáo sư Tiểu Chủng viện Hoan Thiện di tản vào thẳng Sài Gòn; cha Đôminicô Nguyễn Thanh Lịch, nguyên phó xứ Phủ Cam, nhập Hội Xuân Bích năm 1974, vào thẳng Sài Gòn làm cha sở họ Cao Thái, hạt Thủ Đức; cha Antôn Nguyễn Văn Bình, phó xứ Phù Lương di tản vào Nha Trang được bổ nhiệm chính xứ Vĩnh An – Cam Ranh, rồi Ngọc Thủy – Nha Trang…

b/ Các linh mục vượt biên, đợt I, sau 1975.

Cha Giacôbê Phan Văn Cơ, cha sở Trại định cư Phù Lương, di tản vào Sài Gòn rồi vượt biên sang Hoa Kỳ; cha Giuse Ngô Văn Trọng, cha sở Loan Lý cũng di tản vào Sài Gòn rồi vượt biên sang Hoa Kỳ; cha PX Trần Văn Cần, cha sở Xuân Long di tản vào Sài Gòn làm quản xứ nhà thờ Huyện Sĩ một thời gian rồi vượt biên sang Hoa Kỳ; cha Antôn Nguyễn Văn Trông, Giám đốc trường Thiên Hựu kiêm Tuyên úy trường Pellerin, di tản vào Quảng Biên rồi vượt biên sang Canada; cha Hiêrônimô Nguyễn Ngọc Hàm, Tuyên úy Quân đội kiêm cha sở La Vang di tản vào Sài Gòn rồi theo gia đình vượt biên sang Hoa Kỳ; cha Simon Võ (Hoàng) Y, quản xứ Thanh Hương, vào Sài Gòn chữa bệnh rồi vượt biên sang Na Uy; Cha Elias Đỗ Văn Y, cha sở Thạch Bình di tản vào Nha Trang, bị bắt đi cải tạo một thời gian, rồi vượt biên sang Pháp…

c/ Các linh mục đi học tập cải tạo.

Cha Giuse Nguyễn Văn Trinh, quản xứ họ Phi Trường kiêm quản hạt Phú Bài, di tản vào Sài Gòn ít tháng, đi học tập cải tạo, được trả tự do, vượt biên sang Tây Đức; cha Giuse Đỗ Bá Công, Tuyên úy Quân đội, cùng anh ruột là cha Giuse Đỗ Bá Ái (di tản năm 1972 – thành lập giáo xứ Quảng Thuận – Ninh Thuận) bị tập trung cải tạo 10 năm (1977-1986), đã xuất cảnh theo diện HO; cha Phêrô Đoàn Quang Hàm, phụ tá cha sở Đỗ Bá Ái lập giáo xứ Quảng Thuận, bị bắt học tập cải tạo, được trả tự do, về ở Căn Cứ 3, Giáo phận Xuân Lộc cho đến ngày qua đời; cha Giuse Nguyễn Tiến Huynh, giáo sư Đại học Văn khoa Huế, học tập cải tạo rồi về ở Giáo phận Phan Thiết…

Ngoài những trường hợp trên, còn có một số ít linh mục khác bị quản chế, khiến hàng giáo sĩ Địa phận Huế thiếu hụt trầm trọng, hoạt động mục vụ bị hạn chế.

2. Cơ cấu nhân sự cho La Vang – Quảng Trị.

a/ Cha sở Diên Sanh Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang kiêm nhiệm quản xứ La Vang (1975-1995).

Sau 30-4-1975, số linh mục thường trú hợp pháp tại Quảng Trị chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. La Vang không có cha sở, trực thuộc Trí Bưu với cha sở Trí Bưu Tôma Lê Văn Cầu.

“Tháng 7-1975, được sự đồng ý của Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền, và với sự ưng thuận của cha Tôma Lê Văn Cầu, cha sở Diên Sanh lúc bấy giờ là linh mục E. Nguyễn Vinh Gioang kiêm nhiệm thêm La Vang. Đức TGM Philipphê làm giấy bổ nhiệm linh mục E. Nguyễn Vinh Gioang làm cha sở La Vang kiêm Phú Long, Phước Môn, Khe Khế, Tích Tường và làm cha sở Diên Sanh kiêm Giáp Hậu, Bến Đá, Cây Da, Càng Mỹ Chánh. Vì lúc bấy giờ linh mục Nguyễn Vinh Gioang đăng ký hộ khẩu thường trú tại Diên Sanh nên linh mục tạm trú tại La Vang về mặt hành chánh. Đức TGM Philipphê còn bổ nhiệm linh mục GB Phạm Ngọc Hiệp làm phụ tá linh mục Nguyễn Vinh Gioang tại Diên Sanh để linh mục Nguyễn Vinh Gioang có thì giờ lo cho Linh địa La Vang. Tuy việc bổ nhiệm linh mục Phạm Ngọc Hiệp không thực hiện được vì lý do hành chánh, nhưng điều này nói lên lòng ưu ái của Đức TGM Philipphê đối với Linh địa La Vang trong những năm khó khăn sau 1975”(2).

b/ Giới thiệu linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang – quản xứ La Vang thứ năm và quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang thứ ba.

Linh mục E. Nguyễn Vinh Gioang sinh năm 1933 tại Phú Xuân, Hương Trà, Thừa Thiên. Được linh mục GB. Trần Hữu Quí bảo trợ gởi vào TCV An Ninh năm 1945. Lên ĐCV Phú Xuân năm 1953. Vào học ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, 1954-1956. Du học Genova, Italia, 1956-1959. Thụ phong linh mục ngày 29-6-1959 tại nơi đang du học Genova, Italia. Về lại Việt Nam năm 1959.

LINH MỤC E. NGUYỄN VINH GIOANG TRONG VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LA VANG ĐỔ NÁT

(Ảnh: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)

Từ ngày về Việt Nam, cha Emmanuel đã được bổ nhiệm vào các chức vụ: Phó xứ Phủ Cam (1959-1961), giáo sư trường Thiên Hựu (1961-1964), phó xứ Thạch Hãn (1964-1965), cha sở Bố Liêu (1965-1967), giáo sư Tiểu Chủng viện Hoan Thiện (1967), thư ký Tòa TGM Huế(1967-1973), cha sở Diên Sanh (1973-1975).

Sau 30-4-1975, được bổ nhiệm cha sở Diên Sanh kiêm La Vang. Thôi kiêm nhiệm cha sở La Vang năm 1995.

Hai mươi năm bên Mẹ La Vang. Hai mươi năm nhiều biến động, đầy khó khăn và thiếu thốn đủ mọi thứ. Cha Emmanuel vẫn luôn kiên nhẫn, chịu đựng mọi thử thách do hoàn cảnh khách quan đưa đến. Ngài ra sức bảo vệ và từng bước trùng tu nhà Mẹ. Đặc biệt là giữ gìn truyền thống “Một năm ba lần hành hương, ba năm một lần Đại hội. Nhờ thế mà trong hoàn cảnh “đầy khó khăn và tế nhị”, vẫn thực hiện được 60 cuộc hành hương theo định lệ. Nhưng để thực hiện được trọn vẹn 60 cuộc hành hương theo định lệ và những cuộc hành hương bất thường, cha bổn sở và những người liên quan đã phải chịu phiền toái không phải là ít. Ngài cho biết(3):

“Trong khoảng 10 năm, từ 1978 đến 1988, nhiều sự khó khăn xảy đến cho Linh địa La Vang. Linh mục bổn sở Nguyễn Vinh Gioang thường xuyên phải đi làm việc, nhiều lần bị cấm làm lễ, nhiều lần bị quản thúc tại cơ quan, tại nhà kẻ khác, nhiều lần bị chận bắt dọc đường. Nhiều giáo dân trong địa sở La Vang phải đi làm việc, bị bắt. Chị (nữ tu) Trần Thị An, chị (nữ tu) Lê Thị Sinh cũng nhiều lần phải đi làm việc. Ngoài ra, một số linh mục, chủng sinh, giáo dân trong Địa phận Huế cũng gặp nhiều khó khăn trong những lúc đi hành hương La Vang, đôi khi phải đi làm việc, bị quản thúc, bị bắt giam… Theo sức chịu đựng của con người thì không ai có thể chịu nổi…”.

Cụ thể, trong ba ngày 28, 29 và 30-7-1982 “chính quyền huyện Triệu Hải bắt cha Gioang đi làm việc ba ngày liên tiếp không cho về nhà, để xử 7 tội do Ủy ban xã Hải Phú (địa bàn La Vang) tố cáo. Kết luận: Chính quyền lên án linh mục Nguyễn Vinh Gioang trong những năm vừa qua sau 1975, có những sai phạm có hệ thống và những sai phạm này dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”(4).

Hoặc, “Tuần cuối năm Nhâm Tuất 1982, bảy ngày thì hết năm ngày được mời: Ngày thứ hai, UB Mặt trận Tổ quốc huyện mời, sáng thứ tư UB Mặt trận Tổ quốc tỉnh mời, chiều thứ tư và sáng thứ năm UB xã Hải Thọ mời, chiều thứ sáu UB xã Hải Phú mời”(5)

Sau 20 năm kiêm nhiệm quản xứ La Vang, ngày 16-2-1995, La Vang có cha sở mới – cha Giuse Dương Đức Toại. Linh mục E. Nguyễn Vinh Gioang hết nhiệm vụ ở La Vang. Hiện nay (2003), ngài vẫn tiếp tục cương vị quản xứ Diên Sanh, kiêm quản hạt Quảng Trị. Đồng thời, trong cương vị quản hạt, ngài vẫn tiếp tục đóng góp trong công cuộc xây dựng Nhà Mẹ, nhất là, tận dụng thực học và khả năng ngoại ngữ của mình để truyền bá thánh danh Đức Mẹ La Vang.

Mặc dù với cương vị kiêm nhiệm, nhưng cha E. Nguyễn Vinh Gioang đã được Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền ký giấy bổ nhiệm cha sở La Vang nên ngài được xem là cha sở La Vang thứ năm, sau các cha: Phaolô Võ Văn Thới, Giacôbê Nguyễn Linh Kinh, Giuse Trần Văn Tường và Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đông.

c/ Vận động cho hai cha Giuse Cái Hồng Phượng và PX. Nguyễn Văn Huy nhập vào tỉnh Quảng Trị.

Ngày 27-6-1975, Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền đã gởi cha E. Nguyễn Vinh Gioang một văn bản đánh máy với hai nội dung chính: 1/ Vận động cho hai cha Giuse Cái Hồng Phượng và PX. Nguyễn Văn Huy được nhập vào tỉnh Quảng Trị. 2/ Thông báo về cuộc lễ Thêm Sức tại Diên Sanh sẽ diễn ra vào ngày 29-6-1975.

Về nội dung 1, Đức cha Philipphê đã viết như sau(6):

“Tỉnh Quảng Trị cần có thêm linh mục, nhưng sự đi lại đã khó, ở lại nhiệm sở ‘mới’ càng khó hơn. Cha Lê Văn Cao chẳng biết chừng nào mới được giấy, và được hay không? Cha Cái Hồng Phượng và cha Nguyễn Văn Huy, ra thăm cha hôm nay, đã vui lòng phục vụ tỉnh Quảng Trị. Hôm trước tưởng là để hai cha này ở chung tại La Vang Thượng, chờ dịp đi xa hơn nữa… Tôi cũng để dành cha Lê Quang Quý cộng tác với cha Hoàng Cẩn tại sở Hội Yên. Nhưng nay thì Đức cha Nha Trang nài nỉ xin cho cha Quý phục vụ tại Quảng Thuận một năm, vì lý do chính quyền địa phương bây giờ không thể cho ngài ra Huế. Vì đó, chương trình ở La Vang Thượng của hai cha Phượng và Huy khó thực hiện, cần một cha đến với cha Cẩn thay chỗ cha Quý. Tuy nhiên vấn đề thủ tục giấy tờ nghe nói hình như tại Hội Yên khó hơn là ở Diên Sanh? Tất cả vấn đề là làm sao cho hai cha nói trên được nhập vào tỉnh Quảng Trị (vùng giải phóng 1975), rồi anh em ngoài đó liệu chia sẻ việc làm với nhau.

Vậy xin nhờ cha liệu giùm. Có thể cho hai cha Phượng và Huy tạm nhập tịch nơi cha rồi đi làm việc chung với nhau. Một cha cộng tác với sở Hội Yên và một cha tạm thay cha hay cha Cầu ngày Chúa nhựt để nếu có thể được và vì được dễ dàng hơn thì cha hay cha Cầu đi ra giúp các họ ở vùng giải phóng 1972. Còn nếu thử giải pháp này không được thì buộc lòng hai cha đó trở vào Huế chờ giấy tờ đúng thủ tục… không biết khi nào sẽ có. Nay hai cha ra bàn việc đó với cha rồi trở về nội trong ngày”.

Giải pháp này đã thành công trọn vẹn như ý Đức cha Philipphê mong muốn.

Trong một thư khác gởi cha Gioang, đề ngày 20-9-1975, Đức cha Philipphê cho biết(7):

“Hai cha Cái Hồng Phượng và Nguyễn Văn Huy đã được mọi giấy tờ cần thiết rồi, có lẽ ra Quảng Trị vào tuần tới”.

Quả thật, một tuần sau, cha Cái Hồng Phượng được chính quyền chấp thuận cho thường trú ở giáo xứ Thuận Nhơn với cương vị phó xứ, phụ tá cha Giuse Hoàng Cẩn. Còn cha Nguyễn Văn Huy phó xứ Trí Bưu, phụ tá cha Tôma Lê Văn Cầu.

d/ Vận động cho hai cha GB. Phạm Ngọc Hiệp và Gioan Nguyễn Lợi nhập vào tỉnh Quảng Trị.

Sau đợt một, vận động thành công đưa hai cha nói trên ra nhập thường trú ở Quảng Trị, Đức cha Philipphê tiếp tục vận động đưa thêm hai cha Gioan Baotixita Phạm Ngọc Hiệp và Gioan Nguyễn Lợi ra Quảng Trị: cha GB. Hiệp làm phó xứ Diên Sanh, phụ tá cha E. Nguyễn Vinh Gioang, còn cha Gioan Nguyễn Lợi đi miền Trung Du.

Trong thư đề ngày 20-9-1975 gởi cha Gioang, Đức cha Philipphê viết(8):

“Tôi vừa bổ nhiệm linh mục GB. Phạm Ngọc Hiệp làm phụ tá cho cha trong giáo sở Diên Sanh. Cha Hiệp còn phải học lối hơn nửa tháng nữa mới xong. Nhưng vì thủ tục thường trú nhiều thời gian, nên từ hôm nay ngài đã khởi sự xin giấy tờ, để khi học xong hy vọng sẽ ra ngay giúp cha được… Tôi cũng tin là nhờ cha thì rồi đây cha Lợi và cha Hiệp cũng mau chóng được ra Quảng Trị”…

Tiếc thay, giải pháp này đã không thành công. Cha GB. Hiệp tiếp tục ở lại Đại Chủng viện Huế, còn cha Gioan Lợi vẫn ở giúp giáo xứ Phanxicô Huế.

e/ Vận động cho cha Gioan Nguyễn Lợi ra thường trú tại La Vang làm quản xứ La Vang Chính.

Trong một thư khác, đề ngày 27-10-1975, gởi cha Gioang, Đức cha Philipphê viết(9):

“Về việc cha Lợi đi miền Trung Du, thì theo cha, hình như không được rồi. Vậy nay xin cho ngài làm chánh xứ La Vang Chính và cùng phục vụ các giáo xứ lân cận: Cái Khế (Khe Khế), Phước Môn… Cứ ra được Quảng Trị là tốt rồi. Sau với thời gian và nhu cầu mục vụ địa phương, anh em linh mục ngoài đó sẽ thỏa thuận chia sẻ với nhau.

Tôi biết cha có lòng thương họ La Vang Chính và đang tận tâm phục vụ họ. Nhưng dù sao công việc đã quá nhiều cho cha, sợ chịu lâu không nỗi. Mà cha Lợi là em của cha, nên ngài lo đó cũng như cha lo vậy. Lại nữa, hai anh em có thể cộng chung lại phần trách nhiệm của nhau để cùng chung lo. Vậy xin nhờ cha việc này, cũng gặp chính quyền Quảng Trị để dứt khoát việc không đi được miền Trung Du rồi xin cho cha Lợi đi La Vang Chính.  Nếu họ chấp thuận, thì cha trao ‘đơn xin’ của Toà TGM gởi kèm theo đây”…

Nhưng giải pháp này, một lần nữa, không thành công. Cha Gioan Nguyễn Lợi không được phép thường trú tại La Vang Chính và vẫn ở lại Huế trong chức vụ phó xứ Phanxicô Huế.

3. Cảnh diện La Vang sau 30-4-1975(10):

a/ Nhà thờ tạm bằng tôn.

Tháng 5-1975, chưa đầy một tháng sau ngày đất nước thống nhất, cha sở Trí Bưu kiêm La Vang Tôma Lê Văn Cầu đã cho dời ngôi nhà thờ bằng tôn từ La Vang Thượng, do ngài tu sửa, tái lập từ năm 1973, về La Vang Chính. Ngôi nhà thờ bằng tôn này được dựng ngay trước sân Vương Cung Thánh Đường sập nát, để tạm thời có chỗ cho giáo dân đến đọc kinh cầu nguyện và tham dự các thánh lễ.

b/ Nhà nguyện giáo xứ La Vang.

Trong năm 1975, vườn Đức Mẹ, Linh đài và nhà cha sở đều có đóng quân. Năm sau, bộ đội rút hết, cha sở E. Nguyễn Vinh Gioang bắt đầu sửa lại ngôi nhà lầu cha sở mà tầng lầu đã hoàn toàn sập nát, tầng trệt hư hại nặng nề, để làm nhà nguyện.

Nhiều năm sau, mỗi năm làm một ít, tầng dưới nhà cha sở cũ được dùng làm nhà nguyện giáo xứ La Vang. Bên cạnh đó, một rạp che mưa nắng rộng và dài bao quanh, có phòng cha sở kế nhà nguyện, phòng khách, phòng lưu niệm, phòng nhân viên phục vụ La Vang, nhà bếp, hệ thống nhà vệ sinh. Còn ở tầng trên có hai phòng rộng và một sân thượng.

NHÀ CHA SỞ ĐƯỢC SỬA CHỮA THÀNH NHÀ NGUYỆN

(Ảnh: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)

 

BÊN TRONG NHÀ NGUYỆN TẠM

(Ảnh: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)

c/ Hàng rào sắt bao quanh đài Đức Mẹ.

Tại Linh địa La Vang lúc bây giờ, chỉ có đài Đức Mẹ là còn nguyên vẹn, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn và tế nhị sau năm 1975, đài Đức Mẹ dễ bị xâm phạm. Có kẻ tiểu tâm dọa phá tượng Đức Mẹ, nên cha Nguyễn Vinh Gioang cùng một số giáo dân địa phương tìm đủ mọi biện pháp để canh chừng đài Đức Mẹ. Nhiều đêm phải thay nhau ngủ tại đài để phòng ngừa. Để công việc bảo vệ đài Đức Mẹ được lâu bền, cha Gioang đã cho thực hiện một hàng rào sắt bao quanh đài Đức Mẹ. Hiện nay (2003) vẫn còn.

d/ Khuôn viên vườn Đức Mẹ.

Khuôn viên vườn Đức Mẹ là một công trình dài hơi. Linh mục Nguyễn Vinh Gioang cho biết đã khởi sự từ năm 1975 và phải mất gần 20 năm mới xong. Công trình được thực hiện từng tấc, từng thước. Khi thì làm vào buổi sáng sớm, khi thì làm vào buổi chiều tối, khi làm được một chút rồi nghỉ, khi phải gián đoạn nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm mới tiếp tục lại được.

Đứng ngoài nhìn, đập vào mắt là một khuôn viên không đẹp, không cân đối, lồi lõm, gồ ghề… Nói chung là chẳng xứng đáng gì như lời nhận xét của một số kiến trúc sư đến từ thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng họ sẽ nghĩ khác nếu biết rằng khuôn viên vườn Đức Mẹ này là công trình gian khổ, đồng thời cũng là chứng từ của một thế hệ linh mục, nữ tu và anh chị em giáo dân La Vang, Phước Môn, Diên Sanh, Trí Bưu… đã đổ biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt, trong một hoàn cảnh đặc biệt “đầy khó khăn và tế nhị”, không ngoài mục đích bảo vệ nhà Mẹ.

e/ Tráng xi măng sân, đường trong Vườn Mẹ.

Để bảo vệ, tôn tạo nơi Đức Mẹ hiện ra, cha sở và anh chị em giáo dân La Vang đã tích cực ngày đêm đúc nền xi măng nơi sân đất trước đài Đức Mẹ, tráng xi măng nhiều con đường trong vườn Mẹ, sửa chữa lại giếng Đức Mẹ đã bị hư theo thời gian. Những công việc trên, tuy không lớn lao, nhưng cũng phải làm lần hồi trong nhiều năm.

f/ Làm hàng rào Quảng trường Mân Côi.

Quảng trường Mân Côi vốn bằng phẳng, khoáng đãng, nay bị bom đạn cày nát. Đã thế xe cộ lại tự do qua lại, ra vào như nơi công cộng khiến Quảng trường càng bầy hầy thê thảm hơn, buộc lòng cha sở và giáo dân họp nhau rào lại bằng cách hàn những cột điện bằng sắt lại với nhau để tạm thời ngăn chặn sự phá hoại, bảo vệ công trường được chừng nào hay chừng nấy.

Ngoài ra, công tác vệ sinh, dọn dẹp những đống đổ nát do chiến tranh để lại cũng là một gánh nặng cho người ở lại. Giáo dân đã ít, công việc bề bộn, kinh phí lại không có, bom mìn đe dọa…, cần phải cẩn thận, công phu và thường xuyên.

II. HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI “KHÓ KHĂN VÀ TẾ NHỊ”- HÀNH HƯƠNG LA VANG SAU 30-4-1975.

1. Hành hương La Vang sau 30-4-1975.

a/ Chứng nhân lịch sử về La Vang(11).

Trong những đêm trước ngày hành hương lịch sử 17-8-1975 – Hành hương La Vang đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất 30-4-1975 – cha sở La Vang E. Nguyễn Vinh Gioang, một mình trước Linh đài Đức Mẹ, giữa ba cây đa nhân tạo còn đứng vững sau chiến cuộc 1972, đã tự đặt mình vào hoàn cảnh bi thương của các giáo hữu thời ẩn trốn bắt đạo 1798 tại La Vang, rồi lặng lẽ suy niệm về tự tích và ý nghĩa sự kiện Đức Mẹ hiện ra.

Bài suy niệm chia làm 6 phần:

+ Cơn bắt đạo năm 1798: Vua Cảnh Thịnh hạ lệnh bắt đạo. Bổn đạo Dinh Cát trốn vào La Vang, bấy giờ là chốn rừng thiêng nước độc đầy cọp beo thú dữ.

+ Cơ cực trăm bề: 1/ Núi rừng độc địa. 2/ Thú dữ tứ phía. 3/ Thiếu hụt lương thực. 4/ Cuộc sống héo hon tàn tạ. 5/ Bệnh tật lan tràn. 6/ Tình cảnh bất an.

+ Giữa cảnh bơ vơ: Giữa cảnh bơ vơ, mặc cho trăm bề cơ cực, bổn đạo vẫn đặt hết lòng tin tưởng, cậy trông Đức Mẹ. Ban ngày tìm chỗ ẩn núp, ban đêm tụ họp nhau đọc kinh cầu nguyện: Kính mừng Maria đầy ơn phước

+ Đức Mẹ nhậm lời và hiện ra: Thấy đoàn con trong đêm tối ở núi rừng La Vang quyết một dạ sắt son theo Chúa, Đức Mẹ động lòng đã hiện ra, và ban Sứ điệp. Điểm nổi bật trong Sứ điệp Đức Mẹ La Vang dành cho con cái mình chính là lời Mẹ nhắn nhủ: “Hãy chịu khó vì Chúa! Hãy chịu khó vì đạo! Hãy bền đỗ theo Chúa cho đến cùng! Chúa và Mẹ không bao giờ bỏ rơi những ai đặt hết lòng trông cậy vào các Ngài!”

+ Đức Mẹ ban ơn: Cũng trong Sứ điệp La Vang, Đức Mẹ còn phán dạy lời đặc biệt mà bổn đạo lúc bấy giờ cúi nhận và đã truyền lại cho con cháu đến ngày nay:“Mẹ đã nhậm lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện”.

+ Lời cầu nguyện của người hành hương tại La Vang: Từ lời Mẹ hứa, trong gần 2 thế kỷ qua, khách hành hương tấp nập đổ về La Vang. Họ đến La Vang để làm gì? Chắc hẳn là chỉ để cầu nguyện. Từ lời cầu nguyện chân thành của họ, biết bao nhiêu ơn lành hồn xác Đức Mẹ đã đổ tràn xuống cho họ…

Sau bài suy niệm, linh mục E. Nguyễn Vinh Gioang sấp mình cầu nguyện. Ngài ghi lại lời cầu nguyện quý báu này, dùng làm đề tài hướng dẫn giáo dân cầu nguyện trong những lần hành hương sau đó. Nguyên văn lời cầu nguyện như sau:

“Lạy Mẹ La Vang, xin xuống ơn tràn cho gia đình chúng con. Trong chốn khách đày trần gian này, gia đình nào trong chúng con mà không mang nhiều gánh nặng đau thương, mà không có nhiều Thánh Giá Chúa gởi đến. Xin Mẹ thánh hóa mọi thành phần trong gia đình chúng con, cho tất cả chúng con biết sống vâng theo thánh ý Chúa như Mẹ ngày xưa. Xin Mẹ cho gia đình chúng con biết cầu nguyện mỗi tối trước khi đi ngủ, mỗi sáng sau khi thức dậy, cầu nguyện và cám ơn Chúa trước và sau mỗi bữa ăn, ba lần kinh Truyền Tin sáng trưa chiều tối, để gia đình chúng con vang lên lời cầu nguyện như một nhà thờ kính Chúa. Xin Mẹ giúp cha mẹ, vợ chồng, con cái trong gia đình chúng con siêng năng giữ ngày của Chúa là ngày Chúa nhựt, để gia đình chúng con được phước nghe Lời Hằng Sống của Chúa và để được nuôi dưỡng bằng Bánh Hằng Sống của Chúa.

Lạy Mẹ La Vang, xin xuống ơn tràn cho giáo xứ chúng con. Giáo xứ chúng con là nơi chúng con được chịu phép Rửa Tội để trở thành con Chúa và con Mẹ. Giáo xứ chúng con là nơi chúng con hy vọng sẽ chết tại đó để được chôn vào Đất Thánh của giáo xứ. Nhà thờ của giáo xứ chúng con là thiên đàng trên trần gian này, nơi đây, chúng con gặp được Chúa Giêsu Thánh Thể, Con của Mẹ và là Nguồn Hạnh Phúc trên hết của chúng con. Giáo xứ chúng con là nơi chúng con được nghe dạy về đức tin để chúng con biết không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà nhất là phải sống bằng Lời Hằng Sống của Chúa. Giáo xứ chúng con là nơi chúng con có cha sở, vị cha thiêng liêng mà Chúa thương ban để lo phần rỗi cho chúng con. Chúng con cũng xin Mẹ đoái thương nhiều giáo xứ không có linh mục, nhiều giáo xứ quá xa xôi hẻo lánh, không liên lạc đươc với linh mục, nhiều giáo xứ mà người Công giáo chúng con quá ít ỏi. Xin Mẹ thương ban cho các giáo xứ chúng con sống đức tin mạnh mẽ, sống luôn trông cậy vào Chúa và Mẹ, sống hiệp nhất yêu thương nhau.

Lạy Mẹ La Vang, xin xuống ơn tràn cho Giáo phận Huế chúng con, Giáo phận mà Mẹ đã thương chọn làm nơi hiện ra năm 1798, Giáo phận mà ngay từ đầu, đã được dâng kính cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Từ Mẫu trên trời, Giáo phận được diễm phúc thay mặt các Giáo phận Việt Nam để bảo trì phần hương hỏa Đức Mẹ La Vang trong đại gia đình Công giáo Việt Nam. Cúi xin Mẹ đoái thương ban bình an và ơn hồn xác đầy tràn cho hàng Giáo phẩm trong Giáo phận Huế của Mẹ. Xin Mẹ thương chúc lành và ban nhiều ơn cho những đồng bào không Công giáo trong Giáo phận Huế.

Lạy Mẹ La Vang, xin xuống ơn tràn cho Giáo hội Việt Nam chúng con, Giáo hội mà Tin Mừng Phúc Âm của Con Mẹ đã lan tràn đến cách đây hơn 300 năm, Giáo hội do máu đổ ra của biết bao nhiêu tiền nhân, cha ông Tử Đạo của chúng con, như hạt giống tốt tươi trổ sinh hoa trái, vươn lên mạnh mẽ. Xin Mẹ hãy ban cho Giáo hội Việt Nam chúng con luôn kiên cường trong đức tin, thẳm sâu trong đức cậy, rạng ngời trong đức mến. Xin Mẹ hãy cho đồng bào Việt Nam chúng con biết Chúa và biết Mẹ, để Giáo hội Việt Nam càng ngày càng thêm đông số những người con của Chúavàcủa Mẹ.

Lạy Mẹ La Vang, xin xuống ơn tràn cho Tổ quốc Việt Nam chúng con. Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng con đã có từ hơn bốn ngàn năm nay. Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng con là nơi chúng con được phước sinh ra khi chào đời, là nơi chúng con được hạnh phúc chôn cất khi lìa đời, là nơi chúng con được diễm phúc làm người Việt Nam da vàng, đầu đen. Xin Mẹ hãy cúi xuống chúc lành cho từng bụi cây Việt Nam, từng khóm tre Việt Nam, từng mái nhà Việt Nam, từng luống cày Việt Nam, từng thửa ruộng Việt Nam, từng dòng sông Việt Nam, từng người một đồng bào Việt Nam chúng con.

Lạy Mẹ La Vang!

Xin cho chúng con

Một dạ sắt son,

Trung thành theo Chúa

Như cha ông xưa ở rừng núi La Vang này.

Xin Mẹ nhậm lời đoàn con khẩn nguyện.

Amen!”

b/ Hành hương La Vang sau 30-4-1975.

+ Chúa nhật 17-8-1975 (11-7 Ất Mão). Hành hương La Vang thường niên kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Đây là cuộc hành hương La Vang đầu tiên kể từ ngày đất nước thống nhất (30-4-1975).

Linh mục chủ lễ, người tổ chức cuộc hành hương La Vang này – cha E. Nguyễn Vinh Gioang cho biết(12):

“Các cha Quảng Trị và một số tu sĩ, giáo dân Quảng Trị tiến vào đài Đức Mẹ La Vang, dù lúc đó đang có đóng quân trong vườn Đức Mẹ. Cuộc hành hương diễn ra trong trật tự và sốt sắng. Giữa cảnh hoang tàn đổ nát, không còn gì là hấp dẫn, huy hoàng, Đức Mẹ La Vang mỉm cười và rất vui lòng khi thấy một số con cái mình vẫn còn hiên ngang tiếp tục thông lệ hành hương của cha ông họ”.

+ Chúa nhật 14-12-1975 (12-11 Ất Mão). Hành hương La Vang kính Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội.

+ Chúa nhật1-2-1976 (mồng 2 Tết Bính Thìn). Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ La Vang.

+ Chúa nhật 15-8-1976 (20-7 Bính Thìn). Hành hương La Vang kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

+ Chúa nhật 12-12-1976 (22-10 Bính Thìn). Hành hương La Vang kính Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội.

+ Thứ bảy 19-2-1977 (mồng 2 Tết Đinh Tỵ). Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ La Vang.

+ Chúa nhật 21-8-1977 (7-7 Đinh Tỵ). Hành hương La Vang kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời(13):

“Chiều thứ bảy, 20-8-1977 áp lễ, trời dịu mát, hơi âm u, tưởng mưa nhưng không mưa. Khi có chuyến xe lửa đỗ tại ga Quảng Trị, giáo dân ùn ùn kéo lên La Vang. Đủ mọi hạng người. Có cả những em nhỏ vài tháng tuổi được mẹ bồng theo đến dâng mình cho Đức Mẹ. Khách hành hương không hẹn mà gặp, đến từ nhiều nơi: Đà Nẵng, Tam Tòa, Lăng Cô, Loan Lý, Nước Ngọt, Cầu Hai, Phú Lương, Thần Phù, Phủ Cam, Gia Hội, Tây Linh, Tây Lộc, Phanxicô, Bãi Dâu, Kim Long, Thợ Đúc, Tân Sơn… Có những nơi giáo dân bị khó dễ, xét tàu, chặn xe…, nhưng hầu hết đều đến được La Vang.

Tối đến, có vài trận mưa, nhưng chỉ kéo dài năm mười phút làm cho La Vang dịu mát thêm. Các cha Giacôbê Trần Văn Thời, Đôminicô Phan Phước, PX. Nguyễn Văn Huy ngồi tòa giải tội. Cha Huy dâng thánh lễ tại nhà nguyện. Các thầy Đại Chủng viện tổ chức Đêm Canh thức cầu nguyện. Thanh niên nam nữ Trí Bưu làm giờ thánh. Tại Linh đài, đông đảo giáo dân sốt sắng cầu nguyện với Mẹ.

La Vang đêm hành hương nổi bật lên giữa màn đêm u tối. 23 giờ, điện tắt, thay vào đó là ánh sáng le lói của hàng trăm ngọn đèn bạch lạp, và một thứ ánh sáng không thể tắt: Ánh sáng Đức tin của hàng ngàn trái tim con cái Mẹ, đã và đang được thắp lên giữa lòng đời tăm tối.

La Vang đêm áp lễ, với khoảng 3.000 giáo dân. Có nhóm canh thức cầu nguyện, đọc kinh, hát thánh ca suốt đêm. Có nhóm ngủ chập chờn, ba giờ sáng đã thức dậy lần hột. Tiếng hát, tiếng kinh át cả tiếng mưa. Càng mưa càng đọc lớn. Tiếng đọc dội vang khắp vùng biểu lộ lòng yêu mến, tin tưởng, cậy trông nơi Chúa và Mẹ Maria. Gởi gắm bao hy sinh, vất vả, lo toan nơi Chúa và Mẹ mà thôi… Có nhóm vì ban ngày phải bỏ xe đi bộ, khuya về thấm mệt nằm ngủ quanh Linh đài Mẹ, trong Vương Cung Thánh Đường đổ nát và nhà nguyện giáo xứ. Nhóm khác nằm ngoài trời, trong vườn, trước thềm nhà tu viện, nơi Lễ đài, nhà mẫu giáo…

Nửa đêm, trong lúc giáo dân đang nghỉ đêm, Ủy ban Nhân dân xã Hải Phú có đến thăm, ân cần nhắc nhở vấn đề an ninh và lưu ý bà con giữ gìn sức khỏe.

Sáng Chúa nhật 21-8-1977 chính lễ, Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền ra trễ hơn dự kiến, vì thế chương trình bắt đầu lúc 8 giờ 30 thay vì 8 giờ. Đức TGM đến Linh đài cầu nguyện một lúc rồi đứng lên ban huấn từ khai mạc cuộc lễ.

Giáo dân từ Huế ra, Quảng Trị lên, cộng với số giáo dân từ chiều hôm trước đã lên đến 15.000 người. Theo đội ngũ của mình, làm thành một cuộc kiệu của lòng mến, một cuộc tuyên xưng đức tin trong hoàn cảnh đầy thử thách.

ĐỨC TGM PHILIPPHÊ NGUYỄN KIM ĐIỀN GIẢNG LỄ TRONG HÀNH HƯƠNG THƯỜNG NIÊN 21-8-1977

(Ảnh: Nhà truyền thống La Vang)

Thánh Giá và đèn chầu đi trước, tiếp theo là ban trống thiếu niên của giáo xứ La Vang. Giáo dân theo hàng ngũ tự nguyện tiến vào Vương Cung Thánh Đường, các tu sĩ nam nữ, đoàn đại diện giáo dân dâng lễ vật, đoàn vãi hoa, đoàn dâng hoa, sau hết là Đức Tổng Giám mục Philipphê và các cha trong đoàn đồng tế: E. Nguyễn Vinh Gioang (Diên sanh kiêm La Vang), Giuse Đặng Thanh Minh (phó Phủ Cam), Phêrô Phan Xuân Thanh (An Vân), Phêrô Nguyễn Hữu Giải (Chủng viện Hoan Thiện), Tôma Lê Văn Cầu (Trí Bưu), PX. Lê Văn Cao (Đại Lộc),PX. Nguyễn Văn Huy (phó Trí Bưu),Giuse Hoàng Cẩn (Thuận Nhơn), Giuse Cái Hồng Phượng (phó Thuận Nhơn), Phêrô Hoàng Kính (Mỹ Chánh), Giuse Trần Đức Tuyên (Kẻ Văn)… Thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho Tổ quốc và Giáo hội – Kỷ niệm 16 năm (22/8/1961-21/8/1977) đền thờ La Vang được nâng lên bậc Vương Cung Thánh Đường.

15.000 giáo dân đứng chật ních cả Vương Cung Thánh Đường, tràn cả ra ngoài khuôn viên. Tất cả trang nghiêm, sốtsắng tham dự thánh lễ, nghe Đức TGM Philipphê giảng về đề tài “Anh chị em là đền thờ Chúa ngự”.

Sau lễ, giáo dân tuôn ra Linh đài tham dự nghi thức dâng họa kính Đức Mẹ La Vang. Khi nghe hát câu “Đức Mẹ phù hộ cha ông ngày xưa”,“Mẹ đã nhận lời”…, những người hành hương cầm lòng không đậu, chảy nước mắt.

Chừng 11 giờ, lễ tất, giáo dân trật tự ra về. Thật đáng khen cho tinh thần kỷ luật của giáo dân hành hương mà hầu hết là những người con của Giáo phận Huế. Họ biết, họ đến La Vang chỉ với một mục đích duy nhất: Cầu nguyện với Mẹ. Những việc họ làm đềulà những việc thuần túy tôn giáo: Đọc kinh, lần hột, xưng tội, rước lễ, dâng lễ, rước kiệu… Họ đến trong trật tự và cũng ra về trong trật tự.

Thế nhưng, tại các bến xe đò, ga xe lửa… nhân viên cố tình không bán vé cho họ, không cho họ lên xe, lên tàu. Khi đi đã thế, khi về lại thế. Không có xe về, số lớn nằm lại các bến xe. Đêm về, họ cầu nguyện, đọc kinh lớn tiếng nơi công cộng.Số khác đi bộ lui lại La Vang, nán thêm với Mẹ vài ngày, chờ phương tiện dễ dàng, về sau cũng được.

Chính những người nán lại này cho biết, đã qua lễ, 22-8-1977, mà vẫn còn một số giáo dân đến viếng Đức Mẹ La Vang. Sở dĩ như vậy là vì họ bị “ngăn sông cấm chợ nên “cách trở đò giang”.

Kể từ cuộc hành hương này, khách hành hương La Vang được tặng biệt hiệu là “Dân Bó Lá”.Người ta dễ nhận ra Dân Bó Lá, vì ai cũng cầm bó lá trên tay hay để trong giỏ xách. Dân Bó Lá bị phân biệt đối xử, không cho lên tàu, lên xe…, nhưng không sao, Dân Bó Lá vẫn vui vẻ, tươi cười, thân thiện.

HÀNH HƯƠNG THƯỜNG NIÊN 21-8-1977 (H.1)

HÀNH HƯƠNG THƯỜNG NIÊN 21-8-1977 (H.2)

HÀNH HƯƠNG THƯỜNG NIÊN 21-8-1977 (H.3)

HÀNH HƯƠNG THƯỜNG NIÊN 21-8-1977 (H.4)

(Ảnh 1+2+3+4: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)

Không lên được xe, tàu, Dân Bó Lá tỉnh bơ đi bộ. Một số đông đi bộ từ La Vang vô Huế. Đến đâu, mệt mỏi ăn ngủ tại đó. Cứ tìm hiên nhà thờ mà nghỉ, tránh đố kỵ. Đi cũng hát, nghỉ cũng hát. Hát cho mau đến. Hát cho rút ngắn đoạn đường. Đây đó nổi lên những câu nói vui tươi: “Tôi đi bộ từ đây vào Cam Ranh còn được, huống hồ đi đây lên La Vang hơn chục cây số”, “Hồi trước có xe đâu, tôi đi bộ hàng chục cây số, bới gạo theo, đến đâu ngủ đó, miễn sao đến Mẹ là được”, “Hồi trước, đi bộ hành hương viếng Mẹ La Vang tôi tính là đã lần được 150 chuỗi”, “Biết bị khó dễ thế này thì mình đã bới gạo theo…”, “Lần sau mình đi xe đạp, sáng đạp chiều tới”…

+ Chúa nhật 11-12-1977 (11-11 Đinh Tỵ). Hành hương La Vang kính Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội.

+ Thứ tư 8-2-1978 (mồng 2 tết Mậu Ngọ). Hành hương La Vang. Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ.

2. Đại hội La Vang 18 (Chúa nhật 20-8-1978, nhằm17-7 Mậu Ngọ) – Đại hội La Vang đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975).

a/ Hành hương La Vang -Đại hội La Vang 18 (1978).

+ Sứ điệp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Sau 8 năm (1970-1978) gián đoạn, mặc dù hoàn cảnh đầy “khó khăn và tế nhị”, Giáo phận Huế, đứng đầu là Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền và Đức cha phó Têphanô Nguyễn Như Thể vẫn quyết định tổ chức Đại hội La Vang lần thứ 18, mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời vào ngày Chúa nhật 20-8-1978 (17-7 Mậu Ngọ).

Để chuẩn bị cho Đại hội này, ngày 1-8-1978, Đức TGP Philipphê Nguyễn Kim Điền và Đức cha phó Têphanô Nguyễn Như Thể đồng ban hành “Sứ điệp lễ Đức Mẹ Lên Trời”, nguyên văn như sau:

“Kính gởi các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và toàn thể giáo hữu Giáo phận Huế.

Anh chị em thân mến,

– Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm nay, theo thông lệ của Hội Thánh Công giáo Việt Nam từ năm 1901, lẽ ra là dịp Tam nhật Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc và toàn Giáo phận Huế chúng ta tại La Vang.

Tuy chưa có hoàn cảnh cho một Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc, nhưng dịp lễ này, có lẽ con cái Đức Mẹ khắp Việt Nam, đặc biệt khắp giáo phận nhà đang nô nức hân hoan hướng về Trung tâm Thánh Mẫu La Vang để chung lòng hiệp ý tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời để tỏ tình hiếu kính Đức Mẹ bằng quyết tâm noi gương Người.

-Đem hết tâm tình và ý chí để tạ ơn Thiên Chúa thật là hợp lẽ và chính đáng. Bởi vì Đức Mẹ được chọn làm Mẹ Thiên Chúa Cứu Thế là đặc ân, là tước phẩm cơ bản và cao cả nhất của Đức Mẹ. Các đặc ân khác phục vụ tước phẩm này.

Mẹ Thiên Chúa phải là người trong sạch nên Thiên Chúa đã gìn giữ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và không vương tội lỗi trong suốt cuộc sống trần gian. Đức Mẹ còn được ơn trọn đời đồng trinh như Hội Thánh hằng tuyên xưng. Đức Mẹ đầy ơn phước nghĩa là đầy nhân đức, đầy công nghiệp, như lời kinh Kính Mừng chúng ta dâng lên Đức Mẹ mỗi ngày.

Khi được cộng tác đặc biệt vào công trình Cứu Chuộc của Chúa Kitô, Đức Mẹ, trong bình diện ân sủng, đã trở thành Mẹ thật của những người tin vào Chúa Kitô. Rồi khi mãn cuộc đời dương thế, Đức Mẹ được trở về trời cả hồn cả xác, vinh hiển như Chúa Kitô phục sinh, tức là được hưởng ơn Cứu chuộc trước nhất và trọn vẹn xứng với tước phẩm Mẹ Thiên Chúa – nhờ sự chết và sống lại của Chúa Kitô, con Đức Mẹ.

Giờ đây cho đến tận thế, bên Tòa Thiên Chúa và hiệp với Chúa Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất của Thiên Chúa và loài người, Đức Mẹ được đặt làm Đấng Trung Gian Các Ơn, được tôn phong làm Nữ Vương Trời Đất, vì theo ý định và tình thương nhiệm mầu của Ngài, Thiên Chúa muốn mọi ân sủng Ngài ban, do công nghiệp Cứu Chuộc của Chúa Kitô, đều qua tay Đức Mẹ mà đến với mỗi người chúng ta.

-Ngắm nhìn Đức Mẹ cao sang, phúc hậu dường ấy, chúng ta chỉ còn biết ca tụng và tôn sùng kính yêu Người suốt đời. Việc tôn sùng đích thực và xứng hợp hơn hết chính là noi gương Đức Mẹ.

Đức Mẹ là Trinh Nữ luôn lắng nghe Lời Chúa và hằng cầu nguyện liên lỉ, nhờ đó mà vững tin và đủ nghị lực thực thi thánh ý Thiên Chúa bằng hai tiếng ‘xin vâng’ suốt đời. Đức Mẹ vui lòng hy sinh ý riêng đề chấp nhận cưu mang và sinh Chúa Cứu Thế là việc tông đồ cao cả nhất của Đức Mẹ, cũng như khi Đức Mẹ mau mắn đem Thiên Chúa Làm Người đến cho Gioan Tiền Hô và gia đình. Suốt đời, Đức Mẹ luôn sống tâm tình hiến dâng: hiến dâng chính mình từ khi thơ ấu, và hiến dâng con mình trong đền thờ, nhất là trên Thánh Giá.

Phần chúng ta, để noi gương Đức Mẹ trong việc sống cầu nguyện, thực thi ý Chúa, hoạt động tông đồ và tế hiến toàn thân cho Thiên Chúa, thì chúng ta phải thánh hóa bản thân bằng chuyên cần hôm sớm nguyện kinh trong gia đình, dâng chuỗi Môi Khôi, nguyện kinh Truyền Tin sáng, trưa, chiều, siêng năng học hỏi giáo lý, suy niệm Phúc Âm và sốt sắng tham dự thánh lễ nhất là ngày Chúa nhật và các lễ trọng. Được vậy, gương sáng Đức Mẹ sẽ lay động và thấm nhuần cuộc sống chúng ta, giúp chúng ta theo đúng bậc thang giá trị trong mọiviệc, ngõ hầu chu toàn nghĩa vụ đối với Thiên Chúa và với đồng bào, đồng loại.

-Tất cả các đặc ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ thì cũng sẽ ban cho những ai sống noi gương Người. Vì một đàng, nhờ các đặc ân đó Đức Mẹ có đủ tư cách cứu giúp chúng ta như tước hiệu rất đẹp của Người là Mẹ Hằng Cứu Giúp. Đằng khác, những gì Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ thì cũng muốn ban hết cho những ai tôn sùng Đức Mẹ được lãnh nhận tùy cách sống đạo của mỗi người. Thiên Chúa đã nâng Đức Mẹ lên cao thế nào, thì cũng muốn nâng tất cả con cái Đức Mẹ lên cao thế ấy. Đặc biệt ơn Hồn Xác Lên Trời, mỗi tín hữu đều có thể đạt được một phần trong ngày lìa thế và đạt được trọn vẹn trong ngày tận thế.

Đức Mẹ khi lìa trần, đã được Thiên Chúa cho hưởng trọn vẹn sung mãn ơn Cứu Chuộc là được hồn xác lên trời, đời đời hạnh phúc và vinh quang. Cuộc đời mỗi người chúng ta cũng sẽ được kết thúc vinh phúc như vậy, vì trên đường dương thế chúng ta đã tiến bước theo chân Đức Mẹ với niềm tin chắc chắn loài người ngày sau sẽ sống lại và sống muôn đời.

Mến chúc toàn thể anh chị em biết sống như Đức Mẹ để bây giờ và mãi mãi hạnh phúc với Người”.

+ Đôi nét diễn tiến Đại hội La Vang 18 (1978).

Đại hội La Vang 18 chỉ diễn ra trong một ngày: Chúa nhật 20-8-1978, nhưng để kịp tham dự, giáo dân, hầu hết đi bộ từ Huế ra, từ Quảng Trị lên, đã có mặt từ chiều thứ bảy 19-8, ngủ với Mẹ một đêm chờ sáng tham dự Đại hội.

Theo những người tham dự cho biết khách hành hương có mặt khoảng gần mười ngàn, chưa kể một số người không kịp có mặt, phải đến trễ do bị chặn hỏi dọc đường hoặc bị chặn xét trên tàu xe. Còn theo cha sở La Vang thì “ước chừng hơn mười ngàn giáo dân tham dự Đại hội La Vang 18”.

Đại hội La Vang 18 là Đại hội “nghèo” nhất trong các kỳ Đại hội, không lều bạt, không xe hoa, không cờ quạt, không kèn trống… Cái mới duy nhất mà khách hành hương nhận ra, ngay trước Linh đài Đức Mẹ, là chiếc cổng chào bằng sắt thép tận dụng. Hai cột cổng chào là hai cột điện. Một vài sắt, với độ dốc đều hai bên như vì kèo được gắn vào hai cột. Vài sắt cũng là thứ được tận dụng từ vì kèo của ngôi nhà thờ đổ nát.

Để có vẻ là một cổng chào, cha sở cho cắt tôn bốn chữ ĐỨC MẸ LA VANG gắn vào vài sắt, cân đối mỗi bên hai chữ. Cha sở La Vang tâm sự: “Có mô mần hoài. Mần một lần cho chắc, sau có lễ hoặc Đại hội chỉ sơn lại”. Chính giữa cổng chào, một tấm bảng hình chữ nhật với những hàng chữ nhỏ, đứng gần mới đọc được:

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG 1978

Và câu, dẫn lời tương truyền Đức Mẹ đã nói khi hiện ra: “Mẹ đã nhậm lời các con kêu xin. Từ nay về sau hễ ai chạy đếncầu cùng Mẹ ở chốn này Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện”.

Dưới những dòng chữ nhỏ, một băng-rôn với dòng chữ lớn hơn:

LÒNG MẸ BAO LA NHƯ BIỂN THÁI BÌNH DẠT DÀO

Chỉ có thế thôi! Và đó là tất cả những gì Ban Tổ chức có thể làm được cho Đại hội La Vang 18.

Đã hẳn Đại hội La Vang 18 “nghèo” nhất! Nhưngđó là hiểu theo nghĩa Hành hương La Vang = Lễ hội La Vang. Còn nếu hiểu theo nghĩa Hành hương La Vang = Lữ hành ĐứcTin thì có thể nói Đại hội 18 là cuộc hành hương có ý nghĩa nhất trong lịch sử Hành hương Đức Mẹ La Vang! Chưa bao giờ giáo dân Địa phận Huế có dịp biểu dương đức tin một cách hùng hồn và mãnh liệt như thế. Chưa bao giờ lòng yêu mến Đức Mẹ Maria La Vang lại được bộc lộ một cách tự nhiên đầy tính chất ngoan cường như thế. Bất chấp đe dọa, bất chấp hiểm nguy, bất chấp thiếu thốn, bất chấp cực khổ, bất chấp ngày đó là “mồng năm, mười bốn, hăm ba”… Đúng hẹn lại lên! Hưởng ứng lời kêu gọi của các vị chủ chăn, đúng ngày về với Mẹ là về, không ngán ngại, không sợ sệt. Giáo dân tự đặt hò vè để nhắc nhở, động viên nhau:

“Dù đường đá sỏi, chông gai

Ngày về với Mẹ, một hai ta (cứ) về.

Dù ai chặn lối, ngăn xe,

Tới ngày Đại hội ta (cứ) về La Vang”.

+Hình ảnh Đại hội La Vang 18 (1978):

CỔNG CHÀO TRƯỚC LINH ĐÀI ĐỨC MẸ (H.1)

CỘNG ĐOÀN HÀNH HƯƠNG BÊN THÁP CỔ (H.2)

CỘNG ĐOÀN HÀNH HƯƠNG TRƯỚC LINH ĐÀI (H.3)

ĐOÀN THIẾU NHI THAM DỰ THÁNH LỄ (H.4)

CỘNG ĐOÀN HÀNH HƯƠNG THAM DỰ THÁNH LỄ (H.5)

 (Ảnh 1+2+3+4+5: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)

b/ Hành hương La Vang sau Đại hội 18 (1978).

+ Chúa nhật 10-12-1978 (11-11 Mậu Ngọ). Hành hương La Vang kính Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội, cầu nguyện cho Tổ quốc và Giáo hội.

Trước đó, đúng thủ tục, ngày 19-11-1978, cha sở Diên Sanh kiêm La Vang, thay mặt Ban Tổ chức đã gởi văn thư trình UBND huyện Triệu Hải về việc tổ chức và chương trình lễ. Theo đó, chương trình lễ hành hương như sau:

– Trước 09.30: Giáo dân cầu nguyện ở Linh đài.

– 09.30: Thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho Tổ quốc và Giáo hội do Đức TGM Philipphê chủ tế.

– Sau thánh lễ: Bế mạc.

+ Thứ hai 19-8-1979 (27-6 Kỷ Mùi). Hành hương thường niên kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời(14).

Trước đó, ngày 12-8-1979, chính quyền huyện Triệu Hải thông báo cho cha sở Diên Sanh kiêm La Vang biết quyết định của UBND/BTT buộc phải dời lễ hành hương vào thứ tư 15-8-1979, thay vì tổ chức đúng ngày Chúa nhật 19-8-1979, trùng lễ Cách mạng Tháng Tám thành công. Tuy nhiên, cuối cùng, hành hương La Vang thường niên kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời vẫn được tổ chức vào Chúa nhật 19-8-1979, đúng lịch Phụng vụ Công giáo.

Sáng thứ bảy 18-8-1979 áp lễ, Ban Tổ chức cho trang hoàng đài Đức Mẹ. Chính quyền đến hỏi tại sao mai cấm làm lễ mà chừ lại trang hoàng? Hỏi thì hỏi vậy nhưng không ai gây khó dễ gì.

Càng về chiều giáo dân đến càng đông. Ai nấy tỏ ra mệt nhọc vì đi bộ hoặc đi xe đạp đường dài. Mỗi người lểnh kểnh mang theo, ngoài đồ dùng cá nhân, còn gạo, cơm, muối, mắm, thức ăn khô, bánh trái, ny lông, áo mưa…

Theo lệnh chính quyền, các anh Tâm, Lộc, An, Thông… thuộc giáo xứ La Vang, giúp ghi tên khách hành hương để trình đăng ký tạm trú, chỉ ghi được khoảng 500 người. Giáo dân quá đông, ghi không xuể.

Chuyện ngoài lề: Các gàu múc nước đều rớt xuống giếng hết. Giáo dân xôn xao không có nước uống và sinh hoạt. Ban tổ chức có sáng kiến mua dây ny lông phát cho bà con, tự cột vào lon, bi đông… thả xuống giếng mà múc.

Sáng Chúa nhật 19-8.1979 chính lễ, giáo dân từ Quảng Trị kéo lên, từ Huế ra. Phần đông đi xe đạp hoặc đi bộ. Đi từ tối hôm qua, khuya hôm qua. Mệt nhọc nhưng vui tươi. Họa hiếm mới có người đi Honda, xa xỉ phẩm thời bao cấp. Trong số ít người đi Honda, thấy có một sơ. Do quá mệt nhọc, một bà cụ thuộc giáo xứ Thanh Hương bị ngất. Được cấp cứu tại chỗ.

Theo chương trình đã định:

08.30: Ba đùi. Làm việc Đức Mẹ tại đài.

08.45: Hai Đức cha đến. Quyết định cử hành thánh lễ đồng tế tại Vương Cung Thánh Đường thay tại đài. Ban Tổ chức cho dời chỗ mau cấp kỳ, từ Linh đài qua Vương Cung Thánh Đường. Cùng đồng tế với hai Đức cha có các cha:Tôma Lê Văn Cầu, Phêrô Hoàng Kính, PX. Lê Văn Cao, Giuse Trần Đức Tuyên, Giuse Hoàng Cẩn, Anrê Nguyễn Văn Phúc. Riêng cha Augustinô Hồ Văn Quý bận giải tội không cùng đồng tế.

10.30: Bế mạc. Hầu hết giáo dân tự động ra về. Một số ở lại ăn cơm trưa bới theo.

“Đức Mẹ La Vang nhìn đoàn con ra về, nhìn theo từng người một. Ai đến với Mẹ, Mẹ không nỡ để về không. Ai chưa đến với Mẹ, Mẹ vẫn mong đợi có ngày họ đến với Mẹ”(15).

+ Chúa nhật 9-12-1979 (20-10 Kỷ Mùi). Hành hương La Vang kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

+ Thứ tư 9-2-1980 (Tất niên Kỷ Mùi). Các Đức Giám mục Giáo tỉnh Huế hành hương kính viếng Đức Mẹ La Vang, dâng thánh lễ đồng tế tại La Vang. Trước đó, ngày 1-2-1980, Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền đã gởi thư riêng cho cha Gioang, nhờ cha Gioang chuẩn bị những việc cần thiết cho buổi lễ và một bữa cơm trưa. Đức Tổng viết(16):

“Các Giám mục Giáo tỉnh Huế sẽ về Tòa Giám mục Huế tĩnh tâm những ngày 6, 7 và 8-2-1980. Ngày 9-2-1980 sẽ dâng thánh lễ đồng tế tại Trung tâm Thánh Mẫu La Vang vào lúc 9 giờ.

Vậy xin nhờ cha chuẩn bị cho nhé. Áo lễ sẽ mang đi từ Huế.

Có thể nhờ cha chuẩn bị bữa ăn trưa được không? Sợ nơi hiu quạnh, chợ búa khó khăn. Nếu không được thì xin cho biết để Nhà Chung liệu (mang) bới theo. Xin cha cứ thành thật cho biết ý cha, đừng ngại cha nhé.

Được đến với Đức Mẹ La Vang các Giám mục vui mừng lắm. Sẽ cầu nguyện đặc biệt cho Giáo hội. Tôi đã tính với chính quyền tỉnh rồi, có lẽ cha khỏi báo cáo với địa phương, vì cũng âm thầm thôi”.

+ Chúa nhật 17-2-1980 (mồng 2 Tết Canh Thân). Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ.

3. La Vang – Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc.

a/ Quyết định của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền, sau khi tham dự phiên họp Hội đồng Giám mục Việt Nam lần đầu tiên sau 30-4-1975, với tư cách Phó Chủ tịch HĐGMVN, cho biết:

“Ngày 1-5-1980, toàn thể các Giám mục (33 vị) hiện diện trong phiên họp đã đồng thanh biểu quyết chấp nhận La Vang là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc. Ngay sau khi đồng thanh biểu quyết, các Đức Giám mục đã đứng lên hát vang bài Salve Régina (Lạy Nữ Vương) rất cảm động”.

Trong hoàn cảnh “đầy khó khăn và tế nhị”, tin vui này không những đến với Giáo phận Huế mà còn đến với toàn thể Giáohội ViệtNam. Tiếng hát vang vọng lịch sử ấy đánh động tâm hồn của sáu triệu người Công giáo làm cho họ càng phấn chấn, tin yêu Mẹ La Vang, Nữ Vương Mẹ Nhân Lành.

Tuy nhiên, quyết định sáng suốt này không phải là không gây phiền lụy cho HĐGMVN nói chung, Tòa Tổng Giám mục Huế nói riêng, trong giai đoạn lịch sử mà sự thông cảm từ phía chính quyền còn giới hạn.

HĐGMVN TRONG PHIÊN HỌP ĐẦU TIÊN NGÀY 1-5-1980 TẠI HÀ NỘI, ĐÃ ĐỒNG THANH BIỂU QUYẾT

LA VANG LÀ TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC

(Ảnh: Đức Mẹ La Vang 200 năm)

b/ Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang với các cuộc hành hương theo định lệ.

+ Chúa nhật 17-8-1980 (7-7 Canh Thân): Hành hương La Vang lễ Đức Bà Mông Triệu(17).

Phân công trước lễ:

– Thánh giá: Ba ông Sự, Thành, Hóa.

– Trật tự trên đài Đức Mẹ: Các ông Sĩ, Luyện, Hường, Lựu, Khoa. Dưới đài Đức Mẹ: Các ông Thứ, Dục, Khâm, Lành, Bình. Tại Vương Cung Thánh Đường: Ông Đạt. Tại nhà thờ và nhà cha sở: Ông Cả. Treo cờ sáng thứ bảy: Cấp 2 giáo lý. Liên lạc với chính quyền: Ông Tâm. Hát: Chị An và ca đoàn La Vang.

– Nội dung các khẩu hiệu:

Băng 1: KÍNH CHÀO ĐỨC MẸ MARIA.

Băng 2: MẸ TUY TRONG SẠCH CHẲNG BỎ CON DƠ – ĐOÀN CON XIN MẸ DẪN ĐƯA VỀ TRỜI.

Băng 3: LỜI CHÚA LÀ ÁNH SÁNG DẪN ĐƯA CHÚNG CON VỀ QUÊ TRỜI.

THỨ BẢY 16-8-1980. ÁP LỄ.

Ban Tổ chức thông báo cho giáo dân đừng đi ra khỏi khu vực nhà thờ vào lúc ban đêm. Đồng thời cử thầy Thứ lo việc ghi tên đăng ký tạm trú. Tới 21 giờ, ghi được lối 900 người, đem nộp tại nhà chị Lý, công an thôn Phú Long.

Trong đêm áp lễ, có cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải và cha Tađêô Nguyễn Văn Lý đến. Cha Lý ngồi tòa giải tội.

Vì không có lưới điện quốc gia, nên phải sử dụng máy riêng. Một máy Honda xách tay cung cấp điện cho một tube xanh và một đèn màu, bóng tròn trang trí cho Linh đài. Một máy khác, máy cũ, màu xanh, lớn hơn máy Honda, cung cấp điện cho khu vực nhà thờ. Điện chỉ đủ sáng lù mù. Nơi khác, không có điện.

Một đứa nhỏ giựt xách tay của khách hành hương, trời tối đuổi không kịp, chịu mất. Ban tổ chức luôn nhắc đi nhắc lại: “Coi chừng ăn cướp, mất đồ”. Các thầy ĐCV mới đến cùng chia nhau tham gia vào việc lo trật tự, nhất là ở các khu nhà bếp, nhà vệ sinh, nơi giữ xe…

Buổi tối áp lễ, xảy ra hai sự cố:

  • Cái bảng to để trên đài, cột không kỹ, gió bay rớt làm bể các chai nước để trên bàn thờ chờ làm phép.
  • Ở giếng nước chỉ có hai gàu. Giáo dân sơ ý để cả hai gàu đều rớt xuống giếng. Mọi người lao xao không có nước sinh hoạt. Sáng sớm, ban tổ chức phải đi kiểm tra lại gàu múc nước.

CHÚA NHẬT 17-8-1980. CHÍNH LỄ.

– Trước 09.00: Cầu nguyện riêng.

– 09.00: Dâng hoa. Thánh lễ đồng tế.

Hai Đức cha Philipphê và Têphanô đến chủ tế thánh lễ đồng tế. Cùng hợp tế có các cha Batôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ, Tađêô Nguyễn Văn Lý, Phêrô Nguyễn Hữu Giải, Phêrô Lê Đình Khôi, Giuse Đặng Thanh Minh, Giuse Hoàng Cẩn, Giuse Trần ĐứcTuyên, Augustinô Hồ Văn Quý, Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ, Đôminicô Phan Phước. Riêng hai cha Tôma Lê Văn Cầu và PX. Lê Văn Cao đến sau. Giáo dân tham dự độ 3.000 người. Đặc biệt, có một sốgiáo dân từ Quảng Bình và từ miền Bắc vào. Khách miền trong cũng có ba người (2 bà, 1 chị), đến từ Giáo phận Qui Nhơn, có mặt ở nhà Mẹ đã mấy ngày.

– Sau thánh lễ, Đức TGM Philipphê ban Phép lành Tòa Thánh. Bế mạc.

Theo ghi nhận của cha sở E. Nguyễn Vinh Gioang trong cuộc lễ, cũng như trên đường đi, về đều bằng an vô sự, không có kiểm soát và cũng không ai gây khó dễ như mấykỳ trước.

+ Chúa nhật 14-12-1980 (8-11 Canh Thân): Hành hương La Vang lễ Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Trời nắng tốt, đi lại lễ dàng, nhưng giáo dân Huế ít người ra. Phần đông là giáo dân Quảng Trị lên dự lễ. Đức cha phó cũng vắng mặt.

Đức TGM Philipphê chủ tế thánh lễ đồng tế cùng các cha Phêrô Hoàng Kính, PX Lê Văn Cao, Augustinô Hồ Văn Quý, Giuse Hoàng Cẩn, PX Nguyễn Văn Huy, Giuse Trần Đức Tuyên.

+ Thứ sáu 6-2-1981(mồng 2Tết Tân Dậu): Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ.

Phân công trước lễ:

– Thánh giá: Ba ông Kính, Đào, Lan.

– Bàn Kiệu: Hầu bàn kiệu: các ông Tin, Kính, Đới, Đông. Bảo vệ bàn kiệu: Ông Giáo. Gánh bàn kiệu: các chị Sự, Thương (Cả), Tha, Phu. Hướng dẫn đầu kiệu: Tánh, Sĩ, Dũng, Lành. Cuối kiệu: Đạt, Vọng, Lực, Bình, Luyện. Máy phóng thanh: Tâm.

– Tham dự: Trong kỳ kiệu Minh niên này các nữ tu sĩ từ Huế ra đông. Chia làm 2 đợt: Đợt 1 ra từ 5 giờ chiều áp lễ. Đợt 2 ra từ8 giờ sáng chính lễ.

– Thánh lễ: Giáo dân sắp thành đội ngũ đi kiệu rồi mà chưa thấy Đức cha ra. Cuộc kiệu trễ lại một ít. Hai Đức cha đến, khởi hành kiệu từ sân Vương Cung Thánh Đường về Đài Đức Mẹ.

Thánh lễ đồng tế, ngoài hai Đức cha còn có các cha Phêrô Hoàng Kính, Batôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ, Augustinô Hồ Văn Quý, PX. Lê Văn Cao, Giuse Hoàng Cẩn, Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ, Anrê Ngô Văn Nhơn, Antôn Dương Quỳnh, Micae Nguyễn Đình Lành (CSsR). Cha Nhơn ra từ đêm trước. Cha Lành đi Honda ra trễ.

——————————————————————————

(1)Trần Quang Chu: Hành hương Giáo phận Huế. Tập III, tr.237-240.

(2) Trích Văn Bản Bàn Giao của Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang, cha sở Diên Sanh kiêm La Vang – Dịp lễ nhậm chức Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang của Lm. Giuse Dương Đức Toại, ngày 16-2-1995.

(3)Xem chú thích (2).

(4)Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang: Bản Trình bày về La Vang,ngày 11-11-1992.

(5) Trích bút ký của Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang.

(6)Thư, văn thư của Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền gởi Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang, quản xứ Diên Sanh kiêm La Vang.

(7)Xem chú thích (6).

(8) Xem chú thích (6).

(9) Xem chú thích (6).

(10)Nội dung từVăn bản bàn giao của Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang, cha sở Diên Sanh kiêm La Vang – Dịp lễ nhậm chức Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang của Lm. Giuse Dương Đức Toại, ngày 16-2-1995.

(11) Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang: Chứng nhân lịch sử. Nội san Sống Tin Mừng. Số 14, th.8-2001, tr.53.

(12)Nội dung từ Văn bản bàn giao của Lm. E.Nguyễn Vinh Gioang, cha sở Diên Sanh kiêm La Vang – Dịp lễ nhậm chức Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang của Lm. Giuse Dương Đức Toại, ngày 16-2-1995.

(13) Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang: Ghi chép về cuộc lễ hành hương 21-8-1977. Bản đánh máy.

(14)Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang: Hành hương La Vang lễ Mông Triệu. Bản chép tay, ngày 19-8-1979.

(15)Xem chú thích (14).

(16)Thư, văn thư của Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền gởi Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang, quản xứ Diên Sanh kiêm La Vang.

(17)Bút ký của Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang.

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 3 – Chương 17 – Phần 1