Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 4 – Chương 21 – Phần 1

19/09/2021

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 4

CHƯƠNG HAI MƯƠI MỐT

HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ(Tiếp theo)

CÙNG MẸ LA VANG TIẾN VỀ NGÀN NĂM THỨ BA

Sau thành công rực rỡ của các cuộc Đại lễ Năm Thánh Mẫu La Vang (Khai mạc Năm Toàn Xá, Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra, Bế mạc Năm Toàn Xá), La Vang đã thay đổi diện mạo: vui tươi hơn, bình yên hơn và cả tự do hơn…

Hầu như không ngày nào là không có những đoàn khách hành hương đến La Vang viếng Mẹ. Bình quân mỗi ngày có năm bảy trăm người (ngày đông một vài ngàn, ngày ít một vài trăm). Đoàn này đi, nhóm khác đến. Ngoài Bắc vào, trong Nam ra. Đồng bằng lên, cao nguyên xuống như một vòng tuần hoàn, liên tục.

Đã qua mùa lễ hội nhưng La Vang vẫn tưng bừng trong không khí lễ hội, dư âm của Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang, cùng Mẹ La Vang hướng đến Năm Cứu Độ 2000, cùng Mẹ La Vang tiến về ngàn năm thứ ba…

Vì thế, tại La Vang, ngoài các cuộc hành hương riêng lẻ, Giáo phận Huế tiếp tục tổ chức những cuộc hành hương theo định lệ, những cuộc hành hương truyền thống quanh năm, hành hương vào các ngày lễ lớn.

I. HÀNH HƯƠNG LA VANG ĐẦU THIÊN NIÊN KỶ.

HUY HIỆU HÀNH HƯƠNG ĐẠI NĂM THÁNH 2000

1. Hành hương La Vang thường niên mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – Giới trẻ hành hương La Vang Năm Thánh 2000 – Thánh lễ truyền chức Phó tế tại La Vang(1).

Từ trưa ngày 14-8-2000, Giới trẻ khắp Giáo phận Huế cùng giáo dân từ mọi miền đất nước đã tề tựu về La Vang hành hương viếng Mẹ, nhân dịp kiệu thường niên mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời.

Dưới sự hướng dẫn của cha Giuse Lê Viết Phục, Bề trên dòng Chúa Cứu Thế Huế, đặc trách Giới trẻ Giáo phận Huế, anh chị em thanh niên nam nữ đã sốt sắng tham gia giờ cầu nguyện hướng về Rôma, nơi đang diễn ra Đại hội Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 15, đồng thời cầu nguyện cho Đức Thánh cha Gioan Phaolô II.

Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể chủ tế thánh lễ đồng tế khai mạc vào đúng 17 giờ 30 cùng với đông đảo linh mục hợp tế. Thánh lễ khai mạc cũng là thánh lễ Truyền chức Phó tế cho 7 thầy: 4 thầy Đại Chủng viện Xuân Bích Huế và 3 thầy dòng Thánh Tâm Huế.

Trong bài giảng, linh mục Tổng Đại diện Giáo phận Huế Stanilaô Nguyễn Đức Vệ nhấn mạnh đến “Mầu nhiệm Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và Mầu nhiệm Đức Maria Hồn Xác Lên Trời”. Ngài cũng nhắc lại lời Đức Thánh cha Gioan Phaolô II trong Sứ điệp Ngày Quốc tế Giới trẻ: “Dâng và phó thác Giới trẻ cho Đức Maria, Mẹ Hội Thánh, để Giới trẻ nhận biết thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống của mỗi người”.

Sáng 15-8-2000, thánh lễ đồng tế thứ hai cũng do Đức TGM Têphanô chủ tế, với sự tham dự của hơn 100.000 giáo dân hành hương đến từ mọi miền đất nước. Trong thời tiết nắng nóng của buổi sáng mùa thu La Vang, mọi người vẫn sốt sắng hiệp dâng thánh lễ, hướng mắt về bàn thánh thông chia niềm vinh dự của 7 thầy Phó tế được rước lên bàn thánh.

Sau thánh lễ là cuộc rước kiệu Đức Mẹ. Không ai bảo ai, 100.000 người tự động vào hàng ngũ. Từ loa phóng thanh, ca đoàn khởi xướng bài Từ bốn phương trời chúng con về bên Mẹ. Từ bốn phương trời chúng con về La Vang… Hòa trong âm thanh thánh thót của những bài ca mừng Mẹ là âm thanh mạnh mẽ, thúc giục của tiếng trống giới trẻ, tiếng trống thiếu nhi, tiếng cồng chiêng của anh em dân tộc…

Thánh tượng Đức Mẹ La Vang ngự trong cỗ kiệu sơn son thếp vàng. Đức TGM Têphanô mặc phẩm phục đi theo hầu kiệu. Tiếp đến, linh mục đoàn, tu sĩ nam nữ và giáo dân từng giới, từng họ… Đoàn kiệu đi theo lộ trình Quảng trường Mân Côi từ từ tiến về Linh đài Đức Mẹ.

Tại điểm đến, Đức TGM Têphanô xướng kinh Thánh Mẫu La Vang. Cộng đoàn hòa theo, vang âm cả bầu trời La Vang rợp nắng.

Đức TGM Têphanô ban Phép lành Toàn Xá Năm Thánh 2000. Bế mạc hành hương La Vang mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm 2000.

2. Kiệu Minh niên mồng ba Tết Tân Tỵ 2001(2).

Theo thông lệ, kiệu Minh niên kính Đức Mẹ La Vang vào ngày mồng ba Tết hằng năm. Hôm nay, thứ sáu, ngày mồng ba Tết Tân Tỵ, hơn bốn ngàn người hành hương có mặt tại Thánh địa La Vang để tham dự cuộc kiệu Minh niên và thánh lễ cầu bình an năm mới.

Trời mát dịu, từ sáng sớm, đoàn người hành hương từ khắp nơi trong Giáo phận Huế lũ lượt tiến về Thánh địa La Vang, một số người đã đến trước từ chiều mồng hai Tết và ở lại đêm dưới chân Mẹ.

Đúng 9 giờ, theo hiệu lệnh của cha Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang, chuông đánh, trống giục, chiêng dồn, báo hiệu đoàn kiệu khởi hành. Đoàn kiệu từ từ tiến về Linh đài Đức Mẹ. Thánh Giá dẫn đầu. Theo sau Thánh Giá là đoàn các bà mẹ gia đình cầm cờ Đức Mẹ, tiếp đến là đoàn giới trẻ, đoàn đồng bào sắc tộc, đoàn giáo dân Giáo phận Huế, đoàn giáo dân Giáo phận Quy Nhơn, đoàn giáo dân Giáo phận Sài Gòn, đoàn nữ tu Mến Thánh Giá, đoàn nữ tu Con Đức Mẹ Đi Viếng, đoàn nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, đoàn nữ tu dòng Thánh Phaolô, đoàn các nam tu sĩ thuộc hai dòng Thiên An và Thánh Tâm, đoàn các đại chủng sinh Huế, cha Đan viện phụ dòng Thiên An, cha Tổng Đại diện Giáo phận Huế, và sau cùng, Đức Tổng Giám mục Huế đi trước bàn kiệu Đức Mẹ, cùng với đoàn các em thiếu nhi vãi hoa tung hô Đức Mẹ.

Khi đoàn kiệu đến Linh đài, tượng Đức Mẹ La Vang được đặt lên chỗ cao. Đức TGM Huế dâng hoa và niệm hương kính Đức Mẹ La Vang. Tiếp đến, cha Tổng Đại diện Giáo phận Huế và cha Đan Viện phụ dòng Thiên An dâng hoa kính Đức Mẹ. Sau đó bắt đầu buổi lần hạt cầu nguyện tại Linh đài với đề tài: “Noi gương Mẹ Maria sống Tin Mừng hòa giải, sống Tin Mừng yêu thương và sống Tin Mừng phục vụ”.

Đức TGM Huế xướng kinh Thánh Mẫu La Vang.

Cao điểm của cuộc hành hương đầu năm mới là thánh lễ Minh niên do Đức TGM Huế chủ tế. Cùng đồng tế có cha Tổng Đại diện Huế, cha Đan viện phụ dòng Thiên An và 30 linh mục.

Trong bài giảng, Đức TGM Huế suy niệm về giá trị của thời gian và khuyên mọi người hãy dùng thời gian Chúa ban cho đúng. Ngài nhấn mạnh Chúa Giêsu không những là trung tâm điểm của thời gian, hôm qua, hôm nay và mãi mãi, nhưng Chúa Giêsu còn hiện diện trong cuộc đời của mọi người. Khi chúng ta gặp được Chúa Giêsu chúng ta được biến đổi một cách lạ lùng như gương của ông Giakêu, của bà Xamaritana, của bà Mađalêna. Và khi sự gặp gỡ với Chúa Giêsu đã biến đổi chúng ta, chúng ta thế nào cũng trở nên những người làm chứng và loan báo Tin Mừng một cách rất hữu hiệu. Đức TGM chủ tế thúc giục mọi người hành hương hôm nay hãy noi gương Mẹ Maria trong việc sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng.

Sau khi Đức TGM chủ tế ban phép lành đầu năm và kết thúc thánh lễ, cha Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang, thay mặt cộng đoàn hành hương, chúc mừng năm mới Đức TGM Huế. Tiếp đó, các em thiếu nhi trình diễn vũ khúc Xuân về, các em thanh tuyển dòng Thánh Phaolô trình diễn vũ khúc Hái hoa xuân và hơn 100 đồng bào sắc tộc Bru Vân Kiều hát bài thánh ca Ngày đầu xuân bằng tiếng Bru để chúc mừng năm mới Đức TGM Huế.

Cuộc lễ Hành hương kiệu Minh niên Tân Tỵ kính Đức Mẹ Maria La Vang tại Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang kết thúc lúc 12 giờ trưa. Cộng đoàn hành hương người về, kẻ còn nán lại quây quần bên Linh đài Mẹ tiếp tục khấn xin, cầu nguyện.

Trời bắt đầu mưa nặng hạt nhưng tất cả mọi người hành hương hôm nay đều hân hoan thỏa mãn như được tắm gội trong hồng ân của Chúa và của Mẹ. Họ biết rằng họ ra về nhưng có Mẹ Maria Thánh Mẫu La Vang đồng hành với họ để giúp họ sống Tin Mừng, làm chứng Tin Mừng và loan báo Tin Mừng cho anh em đồng bào Việt Nam của họ trong thiên niên kỷ mới của ngàn năm thứ ba này.

3. Hành hương La Vang tạ ơn Đức Mẹ – Mừng Đức tân Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

a/ Tâm tình của Đức tân Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

+ Hướng về Giáo hội Việt Nam và Đức Mẹ La Vang(3).

Thứ ba, ngày 20-2-2001, trước lễ tấn phong Hồngy một ngày, Đức tân Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã hướng tâm tình về Giáo hội Việt Nam, về Đức Mẹ La Vang qua lá thư bày tỏ như sau:

“Trọng kính Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam,

Kính thưa các Đức Tổng Giám mục và Giám mục, các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân quốc nội, quốc ngoại,

Trong ngày trọng đại được phong tước hiệu Hồng y và đồng tế với Đức Thánh cha trong thánh lễ Tạ ơn ngày 21 và 22-2-2001, con rất cảm động hướng về Giáo hội Mẹ Việt Nam và quê hương Việt Nam yêu quý.

Con cảm tạ tất cả các đấng bậc và toàn thể cộng đồng Dân Chúa đã hiệp ý cầu nguyện, tạ ơn Chúa thương xót đến phận hèn của con, cho con được phục vụ Giáo hội hoàn vũ bên cạnh Đức Thánh cha.

Mặc dù vạn dặm xa xăm, lòng con không ngừng gắn bó với Giáo hội và quê hương. Con hằng tâm nguyện rằng, nếu mọi người chúng ta sống theo Sứ điệp 10 điểm(4) mà Chúa Quan Phòng đã trao cho Đức Mẹ La Vang ban đến cho ông bà chúng ta trên 200 năm trước đây thì từ Bắc chí Nam mọi người sẽ đồng tâm nhất trí như anh em một nhà, cùng nhau xây dựng một quê hương giàu mạnh trong yêu thương và đoàn kết…

Mỗi ngày con hướng về Đức Mẹ La Vang và sốt sắng cầu nguyện cho Giáo hội và dân tộc với lời kinh mà ông bà ta đã đọc ngày xưa:

Lạy ơn Đức Mẹ La Vang

Xin nghe con mọn thở than mấy lời:

Mẹ là Mẹ thật Chúa Trời,

Mà Mẹ cũng thật Mẹ loài người ta.

Cúi xin xuống phước hà sa

Đoái thương con cái thiết tha khẩn cầu.

Này con quỳ gối cúi đầu

Trước bàn thờ Mẹ xiết bao ước nguyền.

Cho con một dạ kính tin,

Kính thờ một Chúa hết tình thảo ngay.

Rày con dâng tấm lòng này,

Một niềm mến Mẹ từ rày về sau.

Lòng con rày chỉ ước ao

Chết trong tay Mẹ phước nào lớn hơn.

Lại xin Mẹ cũng xuống ơn

Giữ gìn cha mẹ nhà con yên hàn.

Xin cho nước trị dân an,

Nơi nơi nghe tiếng Phúc Âm giảng truyền.

Những người nghèo khổ tật nguyền,

Cầu liền đặng đã, xin liền đặng vui.

Dập dìu kẻ tới người lui,

Trong Nam, ngoài Bắc mọi người giáo lương.

Nay con từ biệt thánh đường,

Thân tuy cách đó dạ thường mến đây.

Chốn này, ngày này, hội này,

Lòng này ghi tạc dám phai đá vàng.

Lạy ơn Đức Mẹ La Vang

Xin nghe con mọn thở than mấy lời.

Với tâm hồn tràn ngập tin tưởng ở tương lai, với lòng tín thác vô bờ bến vào Đức Mẹ La Vang và các thánh Tử Đạo Việt Nam, con xin trân trọng kính chào, cảm ơn các đấng các bậc và toàn thể công đồng Dân Chúa quốc nội và quốc ngoại”.

ĐỨC TÂN HỒNG Y PX. NGUYỄN VĂN THUẬN CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH CÔNG LÝ – HÒA BÌNH

(Ảnh: Lê Thiện Sĩ)

+ Hướng về Tổng Giáo phận Huế và giáo xứ Chính tòa Phủ Cam(5).

Trong điện văn gởi Tổng Giáo phận Huế, sau khi nhắc lại những kỷ niệm với Huế, Đức tân Hồng y đã chia sẻ tâm tình:

“Thường nói đến Huế, người ta nghĩ đến nghèo khó, bão lụt, chiến tranh…, nhưng Huế phong phú và cao quý vì tràn ngập hồng ân Thiên Chúa, nơi Linh địa La Vang, nơi các lăng Tử Đạo rải rác khắp giáo phận, nơi có nhiều truyền thống về lịch sử, văn hóa dân tộc.

Con nhớ đến cội nguồn mà hãnh diện, thương nhớ và tạ ơn Chúa. Con không bao giờ quên những kỷ niệm êm đềm, thân thương của quá khứ, không bao giờ chán nản vì những khó khăn của hiện tại và không bao giờ mất hy vọng ở tương lai của Huế thân yêu”.

Trong điện văn gởi giáo xứ Phủ Cam, Đức tân Hồng y đã nói:

“Trong ngày trọng đại này, trước hết chúng ta cùng nhau cảm tạ lòng thương xót Chúa và lòng từ nhân của Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã chọn tôi làm Hồng y của Giáo hội Công giáo và cũng là Hồng y của Phủ Cam…

Tôi hướng về họ Phủ Cam yêu quý của tôi, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi tôi đã được lãnh phép Thánh Tẩy cách đây 73 năm làm con của Chúa, con của Hội Thánh, được thụ phong linh mục tế lễ Chúa cách đây 48 năm. Nơi đây có nhiều bà con cật ruột, nhiều bạn hữu thân tình. Người còn sống, kẻ đã qua đời, người khác đang ở nơi tha hương… Nhưng mấy tiếng Phủ Cam, làng Phước Quả đã thấm sâu vào tâm khảm của tôi với bao nhiêu kỷ niệm êm đềm và thân thương sâu đậm”…

Để cầu nguyện cho Đức tân Hồng y, tại giáo xứ Chính tòa Phủ Cam, vào lúc 18 giờ chiều ngày 22-2-2001, linh mục niên trưởng đồng hương Phủ Cam Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp đã chủ tế Thánh lễ Tạ ơn cùng với các linh mục đồng hương Phủ Cam và các nghĩa tử của Đức tân Hồng y.

Trước buổi lễ, linh mục Stanilaô Nguyễn Đức Vệ, Tổng Đại diện Giáo phận Huế, đã nói biến cố này là niềm vui của giáo xứ Chính tòa Phủ Cam và Giáo phận Huế.

Trong bài giảng lễ, linh mục Nguyễn Hữu Vịnh, dòng Thánh Tâm Huế điểm lại chặng đường đã qua của Đức tân Hồng y, vị Giám mục Việt Nam đầu tiên được Tòa Thánh bổ nhiệm vào chức vụ quan trọng của Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa Bình.

+ Hướng về Tổng Giáo phận TP.HCM và Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình(6).

Trong điện văn gởi Tổng Giáo phận TP.HCM, nơi ngài đã từng được bổ nhiệm Tổng Giám mục phó kế vị, đề ngày 20-2-2001, Đức tân Hồng y đã viết:

“Trong khung cảnh này, trước hết tôi tưởng nhớ đến Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình với tất cả lòng quý mến. Ngày xưa ngài đã từng tâm sự với tôi nhiều điều – vui có, buồn có, đau khổ có – nhiều nguyện vọng canh tân Tổng Giáo phận mà ngài chưa thực hiện được. Tôi còn nhớ có lần đứng trên sân thượng của trụ sở dòng Tên tại Hồng Kông, nhìn ra sân bay, ngài than thở với tôi: ‘Đi với cha mấy ngày này tôi sung sướng thoải mái vì tôi quên được hay tôi không nhớ tôi là Tổng Giám mục Sài Gòn’. Vị mục tử nhân hiền ấy đã mang gánh nặng trách nhiệm với bao thao thức lo âu cho đến hơi thở cuối cùng. Giây phút này đây, trên thiên đàng, ngài đang nhìn xuống tâm hồn chúng ta. Ngài biết rõ mỗi người và mong muốn chúng ta thực hiện những gì ngài chưa hoàn tất được…

Có câu ngạn ngữ phương Tây nói: ‘Tương lai đẹp hơn tất cả quá khứ’. Chúng ta hãy tin tưởng nhìn về tương lai với tinh thần đoàn kết hiệp nhất. Mọi khó khăn sẽ vượt qua, mọi thách đố sẽ được giải quyết và cùng với toàn dân xây dựng tương lai tốt đẹp. Đó là những nguyện vọng, những lời cầu xin tha thiết dâng lên Thiên Chúa để cầu nguyện mỗi ngày cho Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita, cha Tổng Đại diện và toàn thể Tổng Giáo phận.

Xin chân thành cảm ơn mọi người và mỗi người. Xin Mẹ Maria là Nữ Vương Hòa Bình hằng đứng ở quảng trường trước Vương Cung Thánh Đường gìn giữ và đem lại an vui, hạnh phúc và đạo đức cho tất cả xã hội chúng ta”.

Trong thông báo của Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn đề ngày 15-2-2001, do cha Tổng Đại diện Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh ký, gởi tất cả các giáo xứ và dòng tu, sau khi khẳng định “Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nguyên là Tổng Giám mục Phó với quyền kế vị của Tổng Giáo phận TP.HCM”, đã quyết định cử hành Thánh lễ Tạ ơn tại tất cả các nhà thờ và các tu viện trong ngày 22-2-2001, đồng thời tập trung về nhà thờ Chính tòa trong ngày chính lễ 21-2-2001, lúc 8 giờ 30 để cùng chung lời tạ ơn Thiên Chúa. Đức cha Raphaen Nguyễn Văn Diệp, nguyên Giám mục phó Giáo phận Vĩnh Long chủ tế Thánh lễ đồng tế Tạ ơn với khoảng 100 linh mục. Nhiều tu sĩ nam nữ các dòng và hàng ngàn giáo dân các giáo xứ trong giáo phận cùng thân nhân Đức tân Hồng y tham dự thánh lễ.

Sau bài Tin Mừng, linh mục Tổng Đại diện GB. Huỳnh Công Minh đã đọc lại bài giảng của Đức tân Hồng y khi giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh cha và giáo triều Rôma hồi tháng 3-2000. Bài giảng có tựa đề “Chúa Giêsu trong Hội Thánh của Ngài”.

+ Hướng về Giáo phận Nha Trang(7).

Trong điện văn cảm ơn và chia sẻ tâm tình với Giáo phận Nha Trang, Đức tân Hồng y đã nhắc lại kỷ niệm ngày 9-7-1967 là ngày ngài về nhận tòa trong sự đón tiếp nồng hậu và tràn đầy niềm vui của mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận Nha Trang. Ngài đã viết trong điện văn:

“Tôi đã nói với anh chị em từ đây tôi sẽ là người Nha Trang. Tôi đã giữ lời ấy dù ra đi đã hơn một phần tư thế kỷ, lúc nào giảng dạy tôi cũng nói tiếng Nha Trang”.

Đức tân Hồng y Phanxicô Xaviê đã nhắc lại lời Đức Thánh cha trong Tông thư Khởi đầu ngàn năm thứ ba, nhân ngày Bế mạc Năm Thánh 2000: “Hãy ra khơi”, để chúc mừng Giáo phận Nha Trang. Ngài viết:

“Lời ấy rất xứng hợp với Nha Trang. Lúc chúng ta nhìn ra Thái Bình Dương, chúng ta hãy tin tưởng và ra khơi, nghĩa là thuyền của Phêrô và Phaolô sẽ vượt trùng dương ba đào để tiến đến ánh sáng và bình an”.

Chiều ngày 22-2-2001, tại nhà thờ Chính tòa Nha Trang, Thánh lễ Tạ ơn do hai Đức Giám mục Giáo phận Nha Trang và 28 linh mục đồng tế, với sự tham dự của hơn 1000 giáo dân đến từ các giáo xứ chung quanh thành phố Nha Trang, cùng các chủng sinh và nam nữ tu sĩ.

Trong bài giảng lễ, linh mục Phêrô Phạm Ngọc Phi đã nhắc đến đường lối tu đức của Đức tân Hồng y là phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, phát triển toàn diện cuộc sống con người, loan báo Tin Mừng cho anh chị em đồng loại và thánh hóa trong môi trường làm việc của mỗi người. Linh mục giảng lễ kêu gọi mọi người nên thánh bằng con đường phục vụ, bằng cố gắng thăng tiến bản thân và xã hội bằng cách nói về Chúa cho anh chị em tùy theo bậc sống và công việc hằng ngày của mỗi người.

b/ Hành hương La Vang – Long trọng chào mừng Đức tân Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận(8).

Thứ năm, ngày 22-2-2001, tại Trung tâm Thánh Mẫu La Vang, linh mục Quản nhiệm Giuse Dương Đức Toại cử hành Thánh lễ Tạ ơn và cầu nguyện cho Đức tân Hồng y PX. Nguyễn Văn Thuận, và mời gọi các đoàn hành hương đang có mặt: TP.HCM, Sóc Trăng, Cần Thơ, Mỹ Tho, Phan Thiết, Hải Phòng…, cùng giáo dân giáo phận nhà chung niềm vui với Giáo hội Việt Nam và với Đức tân Hồng y trong dịp trọng đại này.

Cùng đồng tế với linh mục Quản nhiệm có các cha Nguyễn Tự Do (CSsR), Lê Văn Hòa và Phan Đình Lạc đến từ Giáo phận TP.HCM.

Trong bài giảng lễ, linh mục Nguyễn Tự Do đã cùng các đoàn hành hương đến từ ba miền đất nước chia sẻ niềm vui chung trong ngày hồng phúc của Đức tân Hồng y, một người con xuất sắc của Giáo hội Việt Nam, cách riêng của Giáo phận Huế và của Đức Mẹ La Vang. Ngài nói:

“Hôm nay không hẹn mà hò, con cái Mẹ từ ba miền đất nước đã hân hoan gặp nhau bên Mẹ La Vang để cảm tạ ơn Mẹ, cùng chia sẻ niềm vui chung trong ngày hồng phúc của Đức tân Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận và cầu xin Mẹ La Vang ban nhiều ơn phúc lành cho Đức tân Hồng y và cho sứ mệnh phục vụ Giáo hội toàn cầu của ngài”.

4. Đêm Canh thức 30-4-2001(9).

Thứ hai, ngày 30-4-2001, áp ngày đầu tháng 5, tháng kính Đức Mẹ, khoảng 500 giáo dân vùng sâu vùng xa, trong đó có 200 giáo dân người sắc tộc Bru, đã tụ hội về La Vang tham dự Đêm Canh thức và cầu nguyện dưới chân Mẹ, bắt đầu lúc 19 giờ 30.

Sau kinh Chúa Thánh Thần, cha Quản nhiệm Giuse Dương Đức Toại khai mạc Đêm Canh thức 30-4-2001.

Mở đầu, Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể ban huấn từ, chào thăm cộng đoàn hành hương tối nay, gồm anh chị em người kinh cũng như người dân tộc Bru ở Quảng Trị, cùng sự có mặt không hẹn trước của 40 anh chị em giáo lữ đến từ TP.HCM. Đức TGM Huế kêu gọi và động viên mọi người tham dự Đêm Canh thức, noi gương các thánh tông đồ và các môn đệ Chúa Giêsu sau khi biết rằng Thầy mình đã sống lại, không còn nhút nhát, sợ hãi như trước nữa. Đặc biệt là sau khi được ơn Chúa Thánh Thần tràn đầy thì họ tỏ ra can đảm lạ thường và hăng say sống Tin Mừng, loan báo Tin Mừng.

Sau huấn từ khai mạc của Đức TGM Huế, linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang, hạt trưởng Quảng Trị trình bày trước cộng đoàn mục “Thời sự Giáo hội”, theo đó ngài lần lượt trình bày các vấn đề sau:

– Thân thế và sự nghiệp Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

– Thời sự, lược sử, thống kê và hiện tình Giáo hội Việt Nam.

– Những sự kiện trọng đại gần đây của Giáo phận Huế, đặc biệt là sự kiện 200 năm Đức Mẹ La Vang và sự kiện Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được tấn phong Hồng y tại Giáo triều Rôma.

– Hội Thánh trên thế giới: Giáo hội Nam Hàn, Giáo hội Pháp và Giáo hội Hoa Kỳ.

Phần thứ ba cũng là phần kết thúc chương trình Đêm Canh thức bên Mẹ La Vang:Cộng đoàn sám hối, chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa giải.

Mọi người nghỉ đêm dưới chân Mẹ, đợi ngày mai, ngày đầu tháng Mẹ – Tháng Hoa – sẽ tham dự thánh lễ lúc 7 giờ do Đức TGM Huế chủ tế.

Thứ ba, ngày 1-5-2001, ngày đầu Tháng Hoa – tháng Đức Mẹ, những đoàn hành hương từ vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế mới và vùng dân tộc thiểu số thuộc ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tiếp tục hướng về La Vang. Họ hăm hở tiến về nhà Mẹ để được tham dự các sinh hoạt mục vụ và lãnh nhận các bí tích, điều mà từ rất lâu họ không có cơ hội tại địa phương xa xuôi của họ.

Họ hân hoan cùng nhau quây quần bên Mẹ La Vang với những câu kinh, tiếng hát, lời nguyện chân thành và với Đức Tổng Giám mục của mình, họ cùng nhau dâng lên Mẹ những lẵng hoa xinh tươi, biểu trưng những tâm hồn đầy sốt mến.

Mở đầu thánh lễ đồng tế, Đức TGM Huế đã cùng cộng đoàn chung vui niềm vui đoàn tụ. Ngài nhắc nhở mọi người thành tâm sống đạo, giữ vững đức tin, cậy trông và phó thác nơi Mẹ.

Cùng tham dự nghi thức dâng hoa và thánh lễ có linh mục hạt trưởng hạt Quảng Trị, linh mục Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu La Vang, một số linh mục Giáo phận Huế, các cộng đoàn tu sĩ và khoảng 3000 giáo lữ, trong đó có đoàn đến từ TP.HCM.

Trong dịp này, linh mục Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu La Vang Giuse Dương Đức Toại thông báo chương trình hành hương thường niên năm 2001 sẽ diễn ra vào hai ngày 14 và 15-8-2001. Đây cũng là dịp kỷ niệm 100 năm Đại hội La Vang, kể từ Đại hội La Vang lần 1 vào năm 1901.

5. Thông báo chương trình hành hương thường niên tháng 8-2001 – Kỷ niệm 100 năm Đại hội La Vang (1901-2001).

Ngày 15-5-2001, linh mục Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang Giuse Dương Đức Toại, Trưởng Ban Tổ chức hành hương La Vang- Kỷ niệm 100 năm Đại hội La Vang, đã ra thông báo chương trình khái quát như sau:

Ngày 14-8-2001

– 08.00: Sinh hoạt riêng dành cho các hội đoàn, đặc biệt Giới trẻ.

– 16.00: Nghi thức khai mạc hành hương cộng đoàn.

– 16.30: Thánh lễ đồng tế – Lễ Vọng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

– 18.30: Giờ rước và chầu Thánh Thể.

– 20.30: Giờ canh thức bên Mẹ.

– Từ 21.30 đến 22.30:

Chầu riêng tại Linh đài Đức Mẹ.

Giải tội cho cộng đoàn hành hương.

Ngày 15-8-2001

– 05.30: Rước và dâng hoa tôn vinh Mẹ La Vang.

– 06.30: Thánh lễ đồng tế kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

– Sau thánh lễ: Nghi thức bế mạc.

II. LA VANG THÁNG 7 NĂM 2001.

Đầu tháng 7 năm 2001, trong một chuyến hành hương trong khuôn khổ gia đình, tạ ơn và dâng tân linh mục cho Đức Mẹ, chúng tôi có mặt ở La Vang vào những ngày La Vang đang hối hả chuẩn bị cho Đại lễ Kỷ niệm Bách chu niên Đại hội La Vang vào tháng 8 sắp tới.

  1. Một vòng quanh Thánh địa.

a/ Viếng Linh đài Đức Mẹ.

Xuống xe, không ai bảo ai, nơi mà khách hành hương tự động bước đến là Linh đài Đức Mẹ. Tất cả nghiêm trang, thận trọng, thành kính. Mọi người đặt lên bàn thờ Đức Mẹ lỉnh kỉnh nào hương, hoa, lá, bình nước, trái cây, hộp bánh…, rồi chăm chú cầu nguyện, lâm râm khấn vái.

Nhóm chúng tôi có linh mục hướng dẫn nên giờ cầu nguyện có vẻ bài bản hơn. Trước hết là dâng tân linh mục cho Đức Mẹ – Nữ Vương Các Linh Mục. Sau đó ai muốn xin gì thì theo nguyện vọng riêng mà xin. Tôi cũng lớn tiếng xin nhiều ơn riêng cho gia đình, thân nhân và nhất là xin cho con cái đang tuổi ăn tuổi lớn mà trong đó cũng có đứa trái tính trái nết.

Trên Linh đài, chung quanh tôi, nhiều khách hành hương cũng đang chăm chú cầu nguyện. Họ thì thầm, nhỏ tiếng, nên dù có tò mò cũng không thể nào biết được họ đang xin gì? Nhưng, tôi nghĩ, có lẽ cũng như mình thôi, họ xin bình an cho bản thân, may mắn cho công việc, lành bệnh cho người thân, học hành cho con cái, đoàn tụ cho gia đình, hạnh phúc cho hôn nhân, tình yêu cho đôi lứa, ơn gọi cho hội dòng, vân vân và vân vân. Có kẻ rất “người” xin trúng số, có nhiều tiền, mua xe máy, tậu nhà riêng…

Tôi nhớ trong Đại hội La Vang 23 (1993), cha sở Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang thử liệt kê “Lời cầu nguyện của các tín hữu hành hương”, đã có đến 355 người ghi lại ý nguyện của mình dâng lên Mẹ.

Một điều đáng lưu ý, khách hành hương đến La Vang không chỉ toàn là người Công giáo thôi đâu, mà có cả số đông người bên lương. Tôi đã gặp mấy chị phụ nữ người Truồi, tôi hỏi họ: “Sao mấy chị không phải bên đạo mà cũng ra cúng Đức Mẹ La Vang?”. Mấy chị ngạc nhiên hỏi lại sao biết họ bên lương? Tôi thành thật: “Dễ thôi, tại mấy chị lạy rất dẻo, lại cúng Đức Mẹ trái cây. Người bên đạo ít cúng trái cây mà thường hay cúng hoa”. Mấy chị phở lở cho biết: “Đức Mẹ La Vang linh lắm, xin gì được nấy. Mấy năm trước có người thân mắc bệnh nan y, cầu thầy chạy thuốc hung lắm mà chẳng ăn thua. Có người chỉ tụi em ra khấn Đức Mẹ La Vang. Kết quả như ý nhãn tiền. Từ đó tụi em chỉ cho nhau và chỉ cho những gia đình bên đạo nữa, ai cũng được ơn. Vì vậy, theo lời khấn, tháng nào tụi em cũng ra khấn Đức Mẹ La Vang”. Tôi chợt nghĩ, mình mang tiếng con cái Đức Mẹ há được mấy phần như các chị người Truồi?

b/ Vào Nhà nguyện Đức Mẹ.

Nơi thứ hai khách hành hương thường tìm đến, đông không kém chỗ Linh đài là Nhà nguyện Đức Mẹ. Đó là ngôi nhà nguyện tạm bợ lợp tôn thấp nóng, nhưng lại là nơi thu hút khách hành hương. Tại sao vậy? Chỉ có thể giải thích bằng hai nguyên nhân:

+ Vì nơi đó có Chúa Giêsu Thánh Thể.

Bước vào nhà nguyện, hai hàng ghế đơn sơ, có thể không đẹp như những hàng ghế bóng loáng trong nhà thờ giáo xứ tôi, nhưng lạ, có cái gì đó rất linh thiêng, quyến rũ khiến mọi người kính cẩn, nghiêm trang, quỳ gối, cúi đầu… Nhìn lên bàn thờ, một ngọn đèn màu đỏ lù mù, tín hiệu cho biết có đặt Mình Thánh Chúa. Nguyên nhân thu hút mọi người vào đây chầu Thánh Thể. Hoàn cảnh này làm tôi nhớ lại thời niên thiếu thường theo cha linh hướng đi viếng Đức Mẹ La Vang. Cha đưa chúng tôi vào Vương Cung Thánh Đường, chỉ lên ngọn đèn nhỏ, màu đỏ yếu ớt, nói vừa đủ nghe: “Có Mình Thánh Chúa!”. Thế là cả đoàn thiếu nhi chúng tôi quỳ rạp, khấu đầu.

NHÀ NGUYỆN ĐỨC MẸ ẨN MÌNH SAU THÁP CỔ

(Ảnh: Trần Quang Chu, 2001)

Bây giờ, nhìn lên bàn thờ, ngọn đèn nhỏ lù mù ấy vẫn còn (hay tái lập) cũng ở một vị trí gần bàn thờ chính năm xưa. Chúa Giêsu Thánh Thể ngự trong nhà tạm để mọi người thờ lạy. Rất đông các đoàn hành hương, trong đó có cả các đoàn thiếu nhi như chúng tôi năm xưa đến chầu Thánh Thể. Khác chăng là ngôi nhà nguyện đơn sơ núp mình dưới chân Tháp cổ hoang tàn thay cho ngôi đại giáo đường khang trang kỳ vỹ.

BÊN TRONG NHÀ NGUYỆN ĐỨC MẸ. BÊNTRÁI LÀ TƯỢNG THÁNH MẪU LA VANG

(Ảnh: Trần Quang Chu, 2001)

+ Và nơi đó có thánh tượng Đức Mẹ La Vang.

Sau Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, 1998, tượng Thánh Mẫu La Vang kiểu dáng Việt Nam được thay thế tượng Đức Mẹ La Vang kiểu dáng châu Âu xuất hiện khắp nơi, không chỉ trong Giáo phận Huế mà khắp 25 giáo phận Việt Nam, cả Âu châu và Hoa Kỳ. Thế nhưng khách hành hương đặc biệt muốn gặp gỡ, chiêm bái bức thánh tượng Thánh Mẫu La Vang trong Nhà nguyện Đức Mẹ. Vì sao?

TƯỢNG THÁNH MẪU LA VANG ĐÃ ĐƯỢC ĐTC GIOAN PHAOLÔ II LÀM PHÉP

(Ảnh: Trần Quang Chu, 2001)

Chắc chắn không phải vì lý do lịch sử vì bức thánh tượng này chỉ mới được hình thành ba năm, cũng không phải bởi lý do xuất xứ vì được sáng tác tại Hoa Kỳ, hay lý do thẩm mỹ vì màu sắc cũng như đường nét không hơn kém bao nhiêu so với những bản sao được điêu khắc trong nước, như pho tượng Thánh Mẫu La Vang được đặt tại Linh đài Ba cây đa nhân tạo, hay pho tượng được đặt phía trước, trên lầu Nhà Khách Số 1, hoặc pho tượng trước nhà thờ Chính tòa Phủ Cam…, mà theo chúng tôi nghĩ, chỉ vì bức thánh tượng này đã được chính Đức Thánh cha Gioan Phaolô II làm phép tại Rôma trước khi gởi về Việt Nam.

Việc Đức Thánh cha làm phép các pho tượng Đức Mẹ không phải là chuyện hiếm trong sinh hoạt Giáo hội, ví như bức tượng Đức Mẹ Lộ Đức được Đức Thánh cha Piô XII làm phép, được gởi qua Việt Nam năm 1958 và đã thánh du đến La Vang, nhưng mục đích, ý nghĩa không như bức thánh tượng Đức Mẹ La Vang – Thánh Mẫu Việt Nam năm 1998 do Đức Thánh cha Gioan Phaolô II làm phép, được gởi về Việt Nam và được tôn kính vĩnh viễn tại La Vang, thay thế tất cả mẫu tượng cũ đã được tôn kính tại La Vang trước đây.

Tượng Thánh Mẫu La Vang ngự bên trái cung thánh Nhà nguyện Đức Mẹ, được lồng trong khung kính, đặt trên một tòa tứ giác bằng gỗ quý, trước có chưng hoa đèn, tuy đơn giản nhưng được chăm sóc cẩn thận. Kệ lúc nào cũng sạch, tượng lúc nào cũng bóng, hoa ngày nào cũng tươi. Dưới chân tượng, trước khung kính là tấm bảng nhỏ hình chữ nhật, màu đen, khắc hàng chữ vàng: THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG ĐÃ ĐƯỢC ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II LÀM PHÉP TẠI RÔMA NGÀY 1-7-1998.

Quanh tượng Mẹ hầu như lúc nào cũng có người đứng gần, đa số là quý ông lớn tuổi, quý bà cao niên, có cả thanh niên và trẻ em… Như buổi sáng nay, khách đến chầu Mẹ quá đông, phải chờ lâu, thậm chí phải “xin lỗi” mới chụp được tấm hình tượng Mẹ không có người đứng gần. Đã đến chầu Mẹ, ai cũng muốn tiến sát đến gần Mẹ, không chỉ để lâm râm khấn vái mà còn muốn chính bàn tay mình chạm vào chân tượng, đế tượng, khung kính và cả hoa đèn, kệ gỗ… Những cử chỉ không thể diễn tả được bằng lời mà chỉ có thể diễn tả được bằng ngôn ngữ đức tin:

“Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, không ai có thể chữa được. Bà tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người và bà đã được khỏi bệnh” (Lc 8, 40-48).

Hôm nay không may, một khách hành hương tuổi trung niên đang chầu Thánh Thể bị đột quỵ, đầu đập vào góc ghế, máu chảy lênh láng. Mọi người bỏ giờ chầu riêng đưa người bị nạn vào trạm xá. May mà ở Trung tâm có trạm xá. Các chị nữ tu dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân lo chăm sóc bệnh nhân. Vài giờ sau bệnh nhân tỉnh dậy. Tạ ơn Mẹ!

Cảm ơn tình huynh đệ của khách hành hương. Cảm ơn tinh thần phục vụ của các nữ tu. Chúng tôi rất cảm kích, mặc dù phần mình “bị thiệt”, vì sự cố này khiến các nữ tu bận bịu không có thì giờ hướng dẫn chúng tôi tham quan Nhà Truyền Thống như chỉ định của cha Quản nhiệm.

c/ Tham quan Nhà Truyền thống.

Hôm nay là lần thứ hai chúng tôi đến tham quan Nhà Truyền thống. Cả hai lần đều gặp trục trặc. Lần trước vào mùa hè năm 2000, Đức Tổng Giám mục Huế giới thiệu chúng tôi ra gặp cha Quản nhiệm, hẹn 9 giờ sáng, rủi xe hư dọc đường phải gần 11 giờ trưa mới tới nơi. Cha Quản nhiệm vẫn cố đợi, nhưng chỉ trao đổi được chừng 20 phút cha phải đi vì có chương trình hẹn trước với các cha dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Theo chỉ định của cha, một nữ tu giúp chúng tôi làm nhiệm vụ của một hướng dẫn viên. Vì thế, trước khi tham quan lần thứ hai này chúng tôi đã có hiểu biết ít nhiều về Nhà Truyền thống.

NHÀ TRUYỀN THỐNG

(Ảnh: Trần Quang Chu, 2001)

Đó là một ngôi nhà trệt mới xây khang trang kiểu trường học lợp ngói, nhiều phòng. Trước mỗi phòng có gắn một bảng nhỏ ghi chữ KHO SỐ: KHO SỐ 1, KHO SỐ 2, KHO SỐ 3…

Tại sao lại là kho? Chị nữ tu hướng dẫn cho biết vì chưa được phép xây Nhà Truyền thống nên phải xây Nhà Kho. Âu cũng là ý Mẹ, ý bề trên muốn cho mọi người biết La Vang có hằng kho Truyền Thống!

Phải thành thật mà nói những tư liệu trong kho Truyền thống La Vang chưa phải là nhiều, chưa thật là quý, nhưng chỉ riêng việc ý thức xây dựng Nhà Truyền thống thì đã là một việc đáng quý, đáng trân trọng lắm rồi! Hai trăm năm La Vang đã bị cấm cách và chiến tranh tàn phá hết, nay công việc thu thập tư liệu (sách báo, hình ảnh, kỷ vật…) để cất giữ vào Nhà Truyền thống, lưu lại cho hậu thế thật là một việc làm có ý nghĩa lắm thay!

Tôi cảm động đọc những hàng chữ chú thích: 1/ “Cánh tay tượng Thánh Giá Chúa… Một giáo dân rước về nhà riêng ở TP.HCM… Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng, GP Đà Nẵng kính tặng”. 2/ “Mũ triều thiên của thánh tượng Đức Mẹ… Một giáo dân TP.HCM dâng lại…”. 3/ Cửa nhà tạm cùng chiếc hộp đựng Mình Thánh Chúa (Custos) được Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, GP Xuân Lộc gởi ra vào tháng 8-1998”…, và trong tương lai sẽ có biết bao nhiêu người gởi bảo vật La Vang để kính tặng và sẽ được trưng bày trong Nhà Truyền thống.

Như đã nói, lần này các nữ tu bận bịu với công việc cứu thương nên chỉ kịp thì giờ mở cửa… kho cho chúng tôi vào tham quan. Rút kinh nghiệm lần trước tôi chụp nguyên hai cuốn phim về rửa chẳng được tấm nào ưng ý do trong phòng thiếu ánh sáng, lần này, nhiếp ảnh viên đề nghị lấy từng mẫu kỷ vật trong tủ kiếng, tháo từng tấm ảnh treo trên tường đưa ra sân chụp. Một việc làm hơi mạo hiểm – lỡ bể cha la – nhưng lợi dụng lúc các chị bận bịu, cứ làm liều. Nhờ đó tôi có được một số ảnh kỷ vật trong Nhà Truyền thống khá rõ nét để đưa vào tập sách HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG. Cảm ơn Nhà Truyền thống, cảm ơn cha Quản nhiệm Giuse Dương Đức Toại, cảm ơn các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Ngoài một số hình ảnh lịch sử La Vang, chúng tôi còn chụp một vài ảnh kỷ vật trong Nhà Truyền thống đã bị bể nát, hư hỏng, thất lạc trong cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, nay vừa mới tìm lại được:

MŨ TRIỀU THIÊN CỦA THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ. MỘT GIÁO DÂN GỐC HUẾ SỐNG TẠI TP.HCM CẤT GIỮ TẠI GIA ĐÌNH, DÂNG LẠI CHO TRUNG TÂM. ĐƯA VÀO NHÀ TRUYỀN THỐNG NĂM 2000. (H.1)

CỬA NHÀ TẠM VÀ HỘP ĐỰNG MÌNH THÁNH CHÚA (CUSTOS). MỘT GIÁO DÂN CẤT GIỮ TẠI ĐỒNG NAI. ĐGM XUÂN LỘC NGUYỄN MINH NHẬT GỞI VỀ TRUNG TÂM VÀO THÁNG 8 -1998. (H.2)

HÀO QUANG CHẦU THÁNH THỂ ĐƯỢC DÙNG TRONG NHỮNG THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XX TẠI ĐỀN THỜ ĐỨC MẸ LA VANG. (H.3)

CÂY THÁNH GIÁ TRÊN BÀN THỜ CHÍNH TRONGVƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LA VANG ĐƯỢC TÌM THẤY TRONG ĐỐNG GẠCH VỤN, NAY ĐƯỢC CẤT GIỮ NHƯ MỘT BẢO VẬT TẠI NHÀ TRUYỀN THỐNG. (H.4)

CÁNH TAY TƯỢNG THÁNH GIÁ TẠI BÀN THỜ CHÍNH VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG. MỘT GIÁO DÂN CẤT GIỮ TẠI TP.HCM. LM NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG DÂNG LẠI CHO TRUNG TÂM NGÀY 14-6-1998. (H.5)

d/ Đi thăm những nơi khác.

Chỉ có một ngày để đi thăm hết La Vang thì dù có tranh thủ cách mấy cũng không kịp. Chúng tôi tận dụng cả thời gian nghỉ trưa, chiều tối để hoàn thành cuộc du lịch vòng quanh La Vang.

Nhớ năm ngoái cha Quản nhiệm có dặn lần sau ra La Vang ở chơi mấy ngày, nhưng rồi do tật lật đật nên khi nào cũng lật đật. Vả lại ngày mai là một ngày rất quan trọng, ngày cha Gioang hẹn. Cha Gioang là người duy nhất có tài liệu La Vang về giai đoạn “Hai mươi năm (1975-1995) La Vang đầy khó khăn và tế nhị”, cho nên bất cứ cuộc hẹn nào cũng có thể lỡ, trừ cuộc hẹn với cha Gioang! Còn ngày mốt thì đã đặt vé khứ hồi vào Nam.

Tội nghiệp người nhiếp ảnh viên cứ cầm bộ giàn giá máy ảnh đi theo tôi, cơm không kịp ăn, nước không kịp uống, dừng ở đâu thì loay hoay dựng giàn giá, cố chụp cho kịp, chụp cho hết, chụp cho đẹp. Hết Linh đài đến Nhà nguyện, Nhà Truyền thống, Nhà Trung tâm, Nhà khách số 1, phòng cha Quản nhiệm, Trạm xá, Nhà khách số 2, Giếng Mẹ, Quảng trường Mân Côi, Lễ đài, tu viện Mến Thánh Giá, Quầy hàng lưu niệm, và nhiều nơi khác, đặc biệt hai công trường đang thi công: Bảo dưỡng Tháp cổ và Quảng trường Thánh Tâm Chúa Giêsu, hai công trình chuẩn bị chào mừng Hành hương thường niên tháng 8-2001 – Kỷ niệm 100 năm Đại hội La Vang (1901-2001).

Đây, giới thiệu một số hình ảnh La Vang được chụp vào tháng 7 năm 2001:

TOÀN CẢNH LA VANG NĂM 2001. (H.6)

LINH ĐÀI ĐỨC MẸ. (H.7)

QUẢNG TRƯỜNG MÂN CÔI. (H.8)

TƯỢNG ĐÀI MỘT TRONG MƯỜI LĂM MẦU NHIỆM MÂN CÔI. (H.9)

LỄ ĐÀI. (H.10)

NHÀ TRUNG TÂM. (H.11)

NHÀ KHÁCH SỐ 1. (H.12)

NHÀ KHÁCH SỐ 2. (H.13)

QUẦY HÀNG LƯU NIỆM. (H.14)

GIẾNG ĐỨC MẸ LA VANG. (H.15)

TU VIỆN MẾN THÁNH GIÁ LA VANG. (H.16)

(Ảnh 1 – 16: Trần Quang Chu, 2001)

Cảm ơn Mẹ mọi việc suôn sẻ tốt đẹp. Chẳng những thế lại còn dư giờ tranh thủ về giáo xứ Trí Bưu thăm cha sở GB. Lê Quang Quý, ghi được một số hình ảnh về ngôi nhà thờ Thạch Hãn mới khánh thành và ngôi nhà thờ Trí Bưu đường bệ vừa mới được cung hiến.

Thật là một ngày đáng đồng tiền bát gạo!

2. Công trình chuẩn bị chào mừng Hành hương La Vang thường niên tháng 8-2001 – Kỷ niệm 100 năm Đại hội La Vang (1901-2001).

a/ Duy tu Tháp cổ – Bảo tồn di tích.

Đập vào mắt chúng tôi là Quảng trường Tháp cổ đang được khẩn trương duy tu (gia cố, gắn vữa…) nhằm bảo dưỡng một di tích lịch sử tồn tại từ năm 1928, và đã bị tàn phá trong cuộc chiến tranh Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

DUY TU THÁP CỔ

(Ảnh: Trần Quang Chu, 2001)

Trên công trường, những người thợ xây đang cẩn thận đưa lên tháp cao, bằng ròng rọc kéo tay, từng xô hồ, lựa chọn từng viên gạch, lắp trám vào những lỗ hỏng, vết rạn nứt do thời gian và chiến tranh để lại.

Cha Quản nhiệm cho biết nếu không tranh thủ duy tu, gia cố thì Tháp cổ có thể trở thành mới nguy hiểm cho khách hành hương bất cứ lúc nào, vì đã gần 30 năm mưa nắng Tháp cổ đã xuống cấp, chỉ cần một cơn giông gió nguy cơ sụp đổ là không tránh khỏi.

Cha Quản nhiệm cũng đồng thời cho biết, bằng mọi cách tốt nhất, cố gắng không làm thay đổi hình dạng Tháp cổ, giữ gìn nguyên trạng di tích lịch sử độc đáo này. Vì thế thoạt nhìn tưởng công việc đơn giản, nhưng khi bắt tay thực hiện mới thấy hết khó khăn của công tác bảo tồn, và phải chịu tốn kém hơn 350 triệu đồng!

b/ Quảng trường Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Tận dụng buổi trưa nghỉ, tôi và người nhiếp ảnh vòng lui phía sau nhà nguyện, định lên núi tìm di tích còn tồn tại sau gần 40 năm bị vùi dập trong chiến tranh. Thật bất ngờ, một quảng trường rộng lớn, đẹp đẽ như “từ trời rơi xuống”. Đó là Quảng trường Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Trong buổi tiếp xúc đầu giờ chiều, cha Quản nhiệm bật mí: “Đánh du kích tốc hành đấy!”. Vì việc này ngài có bị gọi lên “làm việc” mấy lần, nhưng chuyện đã rồi, xem như qua.

Đập vào mắt chúng tôi, pho tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu màu trắng, cao lớn, uy nghi được đặt trên một đế cao hình trụ màu xám. Tượng đài (đế và tượng) với chiều cao ước lượng năm, sáu mét nổi bật giữa rừng xanh, từ xa nhìn thấy rõ.

Trước tượng đài có bàn thờ lộ thiên hình chữ nhật, bề dài khoảng 2 mét. Dưới bàn thờ, mặt dựng với ba hàng chữ xanh được vi tính xử lý mỹ thuật, rõ nét trên nền một tấm đá cẩm thạch cũng hình chữ nhật 0,70m X 1,40m, trắng bóng, với ba hàng chữ:

THÁNH ĐỊA ĐỨC MẸ LA VANG                                                     

QUẢNG TRƯỜNG

THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

TOÀN CẢNH QUẢNG TRƯỜNG THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

(Ảnh: Trần Quang Chu, 2001)

TƯỢNG ĐÀI CHÚA KITÔ VUA TRONG

QUẢNG TRƯỜNG THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

(Ảnh: Trần Quang Chu, 2001)

Tượng đài Thánh Tâm Chúa Giêsu từ đường nét, kích thước kiểu dáng, màu sắc… chính là sự tái hiện độc đáo tượng đài Kitô Vua tại đồi La Vang 40 năm về trước, thời Đức TGM Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục. (Xem và đối chiếu hình ở Tập 3, Chương 15).

Quanh tượng đài là một hoa viên đang ở giai đoạn hoàn thành. Phía trước, một hồ nước hình chữ nhật, kè đá kiên cố, có hàng rào sắt bảo vệ, an toàn và thẩm mỹ, cao chừng 1,2 mét, sơn màu trắng. Khi chúng tôi đến, những công nhân đang thực hiện công đoạn cuối cùng: bơm nước vào hồ. Một cảm giác trong xanh, mát mẻ chợt đến giữa bầu trời La Vang nắng nóng.

Đầu giờ chiều, cha Quản nhiệm đưa chúng tôi lên hành lang lầu 1 Nhà khách số 1, cạnh phòng cha sở. Từ trên cao nhìn xuống mới thấy hết vẻ đẹp của quảng trường với hai màu nổi bật: trắng – xanh.

Trời xanh, rừng cây xanh, hồ nước xanh…

Mây trắng, hàng rào trắng, tượng đài trắng…

Cha Quản nhiệm cho biết trong cuộc kiệu tháng 8 tới, tại Quảng trường Thánh Tâm Chúa Giêsu sẽ lập một trạm chầu. Đoàn kiệu sẽ dừng ở trạm, chầu Phép lành Mình Thánh Chúa và giảng. Việc này trong các kỳ kiệu ở tiền bán thế kỷ thứ XX cũng hay làm. Trạm chầu bấy giờ gọi là thể lâu. Thể lâu thường được làm bằng gỗ, có khi là một căn lầu bằng gỗ trang hoàng lộng lẫy, cờ xí rợp trời. Hậu bán thế kỷ XX các cuộc kiệu thường không có trạm chầu, có lẽ do số giáo dân tham dự quá đông, đoàn kiệu như con rồng thấy đầu mà chẳng thấy đuôi. Cũng có khi Thánh Giá dẫn đầu đã đi xa vài cây số mà bàn kiệu chưa ra khỏi nhà thờ. Hoặc như Đại hội La Vang 25 – Bế mạc Năm Thánh Mẫu La Vang, với 300.000 giáo dân tham dự, biết lấy đâu chỗ mà lập trạm chầu?

Quảng trường Thánh Tâm Chúa Giêsu cơ bản mới hoàn thành ba hạng mục: Tượng đài, hoa viên và hồ nước. Theo chúng tôi nghĩ, một số công việc khác khó khăn hơn, tốn kém hơn đang chờ đợi cha Quản nhiệm nói riêng, Trung tâm Thánh Mẫu nói chung:

+ Đó là một công viên cây xanh bóng mát cần được mọc lên giữa thửa đất trống trước quảng trường, từ hàng rào hồ nước mới xây dựng, kéo dài tiếp giáp phía sau nhà nguyện.

+ Đó là một hệ thống giao thông đủ tiêu chuẩn, vừa để cải tạo bộ mặt phía sau La Vang, vừa biến khu vực này thành một lộ trình kiệu lý tưởng. Quảng trường Thánh Tâm Chúa Giêsu, để không bị lẻ loi, phải được nối với các công trình tại trung tâm: Linh đài, Tháp cổ, Lễ đài… bằng một hệ thống kiều lộ sạch đẹp, thoáng mát.

+ Trên hết, đó là một Vương Cung Thánh Đường như mơ ước chung của mọi thành phần Dân Chúa.

Về việc này, chúng tôi có xin thỉnh ý cha Quản nhiệm Giuse Dương Đức Toại và được ngài cho biết:

“La Vang là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc, thuộc quyền Hội đồng Giám mục Việt Nam. Cho đến giờ (tháng 7-2001) Hội đồng Giám mục Việt Nam chưa có ý kiến gì cụ thể, cũng như chưa có quyết định gì về việc xây dựng Đền thờ La Vang”.

Cũng như cách đây hai năm, tháng 8-1999, qua báo Công giáo và Dân tộc (số 1222, th.9-1999, tr.17), linh mục Quản nhiệm đã khẳng định:

“Mong ước xây lại Đền thánh Đức Mẹ là ước mong chung của Giáo hội Việt Nam chúng ta. Chúng tôi cũng đã nghĩ đến vấn đề này nhưng đang còn một số cân nhắc về vị trí, mô hình, kinh phí… Tuy nhiên, trong tương lai chắc chắn chúng ta sẽ có một thánh đường ở đây”.

Những năm gần đây, cũng theo linh mục Quản nhiệm, có nhiều mô hình nhà thờ La Vang được trưng bày tại Trung tâm, đặc biệt có hai mô hình được khách tham quan chú ý: Mô hình nhà thờ hình chiếc nón lá của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng và mô hình nhà thờ ngôi sao năm cánh của nghệ nhân Nguyễn Duy Linh. Đó là những đóng góp đáng trân trọng cho La Vang, nhưng tất cả đang còn ở dạng tham khảo. Các đấng có trách nhiệm chưa có ý kiến gì về mô hình nhà thờ La Vang, cũng như chưa có quyết định gì về ngôi Đền thánh La Vang trong tương lai.

MÔ HÌNH NHÀ THỜ CHIẾC NÓN LÁ  CỦA ĐIÊU KHẮC GIA PHẠM VĂN HẠNG

(Ảnh: Mô hình trưng bày tại La Vang)

MÔ HÌNH NHÀ THỜ NGÔI SAO NĂM CÁNH CỦA NGHỆ NHÂN NGUYỄN DUY LINH

(Ảnh: Nghệ nhân Nguyễn Duy Linh)

(Còn tiếp…)

————————————————————————-

(1) Minh Phương: Hành hương La Vang. Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1273, tr.10.

(2) Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang (chủ biên): Kiệu Minh niên mồng ba Tết Tân Tỵ. Nội san Sống Tin Mừng. Số 8, th.2-2001, tr.8-11.

(3) Sài Gòn USA. Vol 5, No 345, Tue, Feb, 27, 2001, tr.11.

(4) Sứ điệp Đức Mẹ La Vang của ĐHY PX. Nguyễn Văn Thuận gồm 10 điểm: 5 điểm thánh hóa bản thân (1/ Bí quyết cầu nguyện. 2/ Tinh thần thơ ấu. 3/ Mầu nhiệm Thánh Giá. 4/ Phó thác cho Mẹ. 5/ Phục vụ người nghèo) và 5 điểm phục vụ Giáo hội và xã hội (6/ Xây dựng Hội Thánh. 7/ Thánh hóa gia đình. 8/ Đoàn kết hiệp nhất. 9/ Loan báo Tin Mừng. 10/ Chứng nhân hy vọng).

(5) Minh Phương – Quốc Trung: Giáo hội Việt Nam cầu nguyện cho Đức tân Hồng y PX. Nguyễn Văn Thuận. Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1297. Từ 2-3 đến 8-3-2001, tr.16.

(6) Tb. Công giáo và Dân tộc. Số đã dẫn, tr. 16-17.

(7) Tb. Công giáo và Dân tộc. Số đã dẫn, tr.17.

(8) Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang (chủ biên): Nội san Sống Tin Mừng. Số 9, th.3-2001, tr.29-30.

(9) Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang (chủ biên): Nội san Sống Tin Mừng. Số 11, th.5-2001, tr.24-39.

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 4 – Chương 21 – Phần 1