Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 5 – Chương 23 – Phần 2

24/10/2021

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 5

CHƯƠNG HAI MƯƠI BA

HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ (Tiếp theo)

ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 26

(13-8 – 15-8-2002)

Chủ đề: Cùng Mẹ ra khơi

I. CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG LẦN THỨ 26 (2002).

II. TAM NHẬT ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 26(3).

1. Ngày khai mạc 13-8-2002.

Đúng 15 giờ, từ loa phóng thanh, ca khúc Cùng Mẹ Ra Khơi, với giọng ca nữ lảnh lót vang lên: “Cùng Mẹ ra khơi con đi muôn nơi loan báo Tin Mừng. Cùng Mẹ ra khơi con đi muôn nơi gieo rắc bình an…”, loan báo sắp đến giờ khai mạc.

THÁP CỔ TRƯỚC NGÀY KHAI MẠC ĐẠI HỘI LA VANG 26

(Ảnh: Trần Quang Chu, đầu tháng 8-2002)

Người dẫn chương trình – nhà thơ Đình Bảng – với phong cách chững chạc, chất giọng trầm ấm pha chút màu mè đã hấp dẫn, lôi kéo chúng tôi và cộng đoàn Dân Chúa 150 ngàn người vào cuộc. Từng đoàn hành hương đến từ các giáo phận được trân trọng xướng danh chào đón. Đội trống Phú Nhai hùng dũng tiến vào quảng trường với một trăm tay trống và một chiếc trống khổng lồ độc chiếm riêng một cỗ xe. Đội trắc thiếu nhi Thái Bình thật dễ thương cũng lần lượt được giới thiệu. Đội kèn Nam Định với sắc phục toàn trắng, trỗi khúc hoan ca tiến về Lễ đài. Đoàn Nghệ thuật Quan họ Bắc Ninh xinh xắn với trang phục sân khấu cổ truyền. Đoàn anh em sắc tộc Trung Du và Tây Nguyên dập dìu theo nhịp cồng chiêng. Hai đoàn lần đầu tham dự đến từ miền Nam: Đoàn sắc tộc Chăm (Phan Rang – Tháp Chàm) và đoàn Việt gốc Hoa (Chợ Lớn) được giới thiệu như là nét mới, nét thành công của Đại hội La Vang 26, nhằm quy tụ các cộng đoàn Dân Chúa từ các nền văn hóa khác nhau, nguồn gốc khác nhau về nơi hội ngộ duy nhất mang tính toàn quốc của Giáo hội Việt Nam: TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG.

Tiếp đến, không thể quên, là phần giới thiệu đoàn rước 25 giáo phận, mà mỗi giáo phận với cờ và biểu tượng riêng được bốn thiếu niên nam nữ trang nghiêm thỉnh rước.

Cuối cùng, các Đức Giám mục, các Đức Giám quản, quý cha Đan viện phụ, quý cha Bề trên dòng, quý cha Tổng đại diện và quý linh mục… lần lượt tiến lên Lễ đài trong tiếng vỗ tay hoan hô vang dậy.

a/ Nghi thức khai mạc.

16 giờ, bắt đầu nghi thức khai mạc, linh mục Quản nhiệm TTTMTQLV, trưởng Ban Tổ chức Đại hội, trân trọng chào mừng quý vị thượng khách trong Hàng Giáo phẩm và Giáo sĩ Việt Nam cùng cộng đoàn hành hương đến từ bốn phương trời, đang có mặt trong buổi chiều khai mạc này. Linh mục Quản nhiệm cũng đồng thời trình bày ý nghĩa chủ đề Đại hội La Vang 26: CÙNG MẸ RA KHƠI:

“Chia sẻ mối thao thức của ĐTC Gioan Phaolô II, Đức TGM Huế cũng muốn cho lần Đại hội La Vang đầu tiên của thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ ba này trở thành một dịp quy tụ con cái Mẹ từ khắp bốn phương trời về lại bên Mẹ La Vang, để cùng nhau cầu nguyện, học hỏi nơi Mẹ những thái độ, tâm tình và nhân đức cơ bản cần thiết cho cuộc ra khơi, tức là lên đường loan báo Tin Mừng cứu độ”.

Phần trao huy hiệu Đại hội cho các Đức Giám mục, quý cha Đan viện phụ, Bề trên dòng… diễn ra thân tình, ngắn gọn.

Tiếp phần khai mạc, Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể chào mừng Đại hội. Ngài dẫn lời ĐTC Gioan Phaolô II: “Trong cuộc hành trình ra khơi này, chúng ta được Đức Trinh Nữ rất thánh đi cùng. Tôi thường kêu cầu Người như ngôi sao của công cuộc Tân Phúc Âm hóa, như bình minh sáng chói và như người dẫn bước chúng ta thêm chắc chắn…”.

Nhân danh HĐGMVN, Đức TGM Huế tuyên bố khai mạc Đại hội La Vang lần thứ 26.

Cờ biểu tượng của 25 giáo phận được kéo lên.

Bản giao hưởng âm thanh từ các đội trống, kèn, trắc, cồng chiêng… rầm rập vang lên chào mừng giây phút thiêng liêng khai mạc Đại hội. Dưới chân Tháp cổ, các vũ viên thiếu nhi Huế biểu diễn vũ khúc Thuyền về bến Mẹ (một con thuyền lớn chao đảo giữa sóng gió ba đào, 25 thuyền viên hợp quần cố sức chèo bơi vượt sóng đưa thuyền về bến bình an). Ngay lúc đó, hình ảnh một con thuyền được kéo lên Tháp cổ và một rừng bong bóng đủ màu sắc tung bay, kéo theo mười lăm vạn tâm hồn rực tràn lửa mến bay lên cùng Mẹ.

ĐOÀN DIỄU HÀNH VỚI BIỂU TƯỢNG CÁC GIÁO PHẬN TRÊN TOÀN QUỐC

(Ảnh: Trần Quang Chu, 2002)

Các ĐGM tiến về Linh đài Đức Mẹ dâng 25 lẵng hoa có kèm tên 25 giáo phận, rồi cùng niệm hương. Đức TGM Huế xướng kinh Thánh Mẫu La Vang. Cả cộng đoàn hành hương cùng đọc, rập ràng và sốt mến.

17 giờ, đoàn đồng tế được rước từ Tháp cổ lên Lễ đài. Cha Đan Viện phụ Thiên An Têphanô Huỳnh Quang Sanh công bố văn thư và Phép lành Tòa Thánh của ĐTC Gioan Phaolô II, do ĐHY Quốc vụ khanh Toà Thánh Angelo Sodano ký:

“Xin Thánh Mẫu La Vang cầu thay nguyện giúp, phù hộ che chở Giáo hội Việt Nam” và “rộng lòng ban Phép lành Tòa Thánh cho các Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và tất cả giáo dân hiện diện trong dịp hồng phúc này”.

Cha TĐD Huế Stanilaô Nguyễn Đức Vệ đọc thư của ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng chào mừng Đại hội và bày tỏ sự đáng tiếc, do tuổi già và đau yếu, không thể đến tham dự Đại hội.

b/Thánh lễ đồng tế khai mạc – Lễ Truyền Tin.

Đúng lúc phải dọn lòng chuẩn bị tham dự thánh lễ đồng tế khai mạc – Lễ Truyền Tin, do Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, GM Lạng Sơn chủ tế, cùng với các ĐGM, Đan Viện phụ và 120 linh mục đồng tế. 150 ngàn giáo dân ken kín Quảng trường Mân Côi. Yên lặng như tờ. Người dẫn lễ, linh mục Michel Hy Lê Ngọc Bửu, với giọng Huế truyền cảm, rõ ràng, mạch lạc giúp cộng đoàn dự lễ sốt sắng hơn.

Đức cha chủ tế mở đầu thánh lễ:

“Lạy Mẹ La Vang, từ mẫu của chúng con, Mẹ đã quảng đại thưa “Vâng” trước lời mời gọi ra khơi của Chúa. Qua thánh lễ này, xin cho chúng con cũng biết lắng nghe tiếng Chúa đang mời gọi chúng con ra khơi truyền giáo, ra khỏi chính mình để lao vào kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa. Xin cho chúng con đừng ngần ngại, đừng tiếc nuối, đừng cố thủ trong lối sống ích kỷ của riêng mình, nhưng sẵn sàng lên đường cùng Mẹ ra khơi”.

Bài đọc 1: Trích sách tiên tri Isaia (Is 6, 10-14), do một giáo dân Giáo phận Bắc Ninh trong trang phục khăn đóng áo dài tuyên đọc.

Bài đọc 2: Trích thơ gởi tín hữu Do Thái (Hebr 10, 14-10) do một nữ tu dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng – Huế tuyên đọc.

Đức cha chủ tế Giuse Ngô Quang Kiệt giảng lễ, chủ đề “Theo Mẹ Ra Khơi”. Với chất giọng trẻ trung, khỏe khoắn, rõ ràng, ngài đã hướng dẫn cộng đoàn “Ra Khơi”, “Noigương Đức Kitô” và “Như Đức Mẹ”:

“Ra khơi là ra chỗ nước sâu. Chỗ nước sâu có nhiều cá nhưng cũng chứa đầy hiểm nguy. Ra khơi là chấp nhận hiểm nguy, chấp nhận cuộc sống bấp bênh, thiếu thốn, chấp nhận sống chơi vơi giữa đất trời xa lạ, chấp nhận đương đầu với sóng to gió cả…

Thật vậy, Đức Kitô đã từ bỏ bến bờ Quê Trời hạnh phúc để dấn thân vào đại dương nhân loại trầm luân khổ ải. Người đã từ bỏ bản chất Thiên Chúa an toàn, yên ổn để nhận lấy thân phận con người đầy bất trắc, oan khiên. Người đã từ bỏ chính bản thân mình với tất cả ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Hôm nay chúng ta mừng Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Việc mừng lễ có ý nghĩa và đẹp lòng Đức Mẹ hơn cả là ta hãy noi gương Đức Mẹ: RA KHƠI. Hãy ra đi. Ra đi khỏi môi trường cũ. Ra đi khỏi quan niệm cũ. Và nhất là ra đi khỏi con người cũ. Hãy theo chân Mẹ đi đến những chân trời mới, có những suy nghĩ mới và sống cuộc sống của con người mới, con người quên mình để sống cho Thiên Chúa và cho tha nhân”.

Đoàn dâng lễ vật trong thánh lễ khai mạc là đại diện giáo dân khắp ba miền đất nước. Lễ vật kính dâng lên Thiên Chúa là cuốn Kinh Thánh, hương trầm, hoa quả, đèn nến, bánh miến và rượu nho.

Thánh lễ đồng tế kết thúc hơi trễ vì số lượng người rước lễ quá đông. Linh mục dẫn lễ yêu cầu giáo dân rước lễ bằng miệng, không rước lễ bằng tay. Tại mỗi cây dù có đánh số trênnóc là một địa điểm rước lễ. Không thể đếm được có bao nhiêu cây dù như thế, chỉ ước chừng có đến hơn một trăm. Hơn một trăm địa điểm rước lễ cho ngần ấy con người là quá ít.

Cuối lễ, ĐGM chủ tế ban Phép lành Tòa Thánh với ơn Toàn Xá.

c/ Rước kiệu Thánh Thể.

Chưa kịp ăn uống nghỉ ngơi, chúng tôi nán lại tham dự cuộc rước kiệu Thánh Thể bắt đầu vào lúc 20 giờ.

Đoàn kiệu khởi đi từ sân Tháp cổ, theo đường nội bộ trước Nhà Trung tâm đổ ra cổng phụ gần Quầy hàng lưu niệm rồi theo con đường nhựa cặp hông Quảng trường Mân Côi đến cổng tam quan, vào cổng chính, qua Quảng trường Mân Côi đến Lễ đài. Các đoàn thể, các đoàn nghệ thuật, các tu sĩ… lần lượt xếp vào hàng kiệu. Trên xe hoa hình chiếc thuyền ra khơi vượt sóng, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục Quy Nhơn quỳ chầu Thánh Thể. Sau Đức cha có hai linh mục và các thiếu nhi thiên thần. Thánh giá nến cao đã về đến Lễ đài mà đuôi kiệu còn ở chân Tháp cổ. Lộ trình quá ngắn cho một cuộc kiệu vĩ đại. Khoảng một trăm ngàn người có mặt trong đội hình với hoa đèn và nến sáp lung linh theo đoàn kiệu. Số đông những người khác xớ rớ không biết phải nhập đoàn kiệu từ đâu, họ đành đứng tại chỗ chờ xe kiệu đi qua sấp mình thờ lạy Thánh Thể.

Tới 21 giờ, xe hoa về đến Lễ đài, hào quang Mình Thánh Chúa được rước lên bàn thờ. Các đoàn hợp xướng hát vang bài ca chúc tụng. Cộng đoàn sốt sắng lạy chầu Thánh Thể. Đức cha chủ sự hướng dẫn với ‘Bài suy niệm trước Thánh Thể’, theo Tin Mừng thánh Gioan (Ga 19, 25-27):

“Giờ đây, chúng con quỳ trước tôn nhan Chúa, trước là để tôn thờ Chúa, kính yêu Chúa, sau là để tưởng niệm giây phút linh thiêng lúc Chúa giang tay trên đồi Can Vê để ôm ấp nhân loại. Chúa đã làm một nghĩa cử yêu thương tuyệt vời.

Trong giờ phút trang nghiêm trước Mình Thánh Chúa, chúng con vừa nghe Chúa nói với chúng con lời trối trăng khi công trình cứu rỗi sắp hoàn tất: ‘Này là Mẹ con!’.

Từ ấy đến nay, Đức Mẹ tiếp tục lo toan cho Giáo hội là đoàn con quý yêu của mình. Từ La Vang, Lộ Đức, Fatima…, đâu đâu Mẹ cũng không ngớt khích lệ, ủi an, răn nhủ, có lúc phải ngăm đe để cho đoàn con được bảo bọc bằng một tình hiền mẫu bao la, để mỗi người chúng con cảm thấy bàn tay Chúa đang can thiệp vào đời sống của mình, để cho những người con yêu của Mẹ ngày càng trở nên giống Mẹ hơn.

Phúc Âm đã dạy: ‘Từ đó Gioan đón Mẹ về nhà mình’ (Ga 19, 27)… Nhưng chúng con quá nghèo khổ, khô khan, nguội lạnh, có khi mặc cảm vì những lỗi lầm làm sao chúng con xứng đáng đón rước Mẹ Chúa Cứu Thế về với mình, mặc dù Mẹ sẵn lòng làm Mẹ chúng con? Dù vậy chúng con dám căn cứ vào tình Mẹ tự nhiên để nghiệm ra tâm tình hiền mẫu của Mẹ. Trong gia đình, những đứa con nào yếu đuối nhất, đau yếu nhất lại được Mẹ quan tâm, gần gũi nhất.

THÁP CỔ ĐÊM 13-8-2002

(Ảnh: Tb.Công giáo và Dân tộc. Số 1371, th.8-2002. Bìa 1)

Trong niềm xác tín đó, chúng con cả dám xin đón nhận Mẹ về nhà chúng con.

Trước tôn nhan Chúa đây, vào giờ phút trang nghiêm này, chúng con xin chiêm ngưỡng Mẹ Thánh Chúa để noi theo những nhân đức của Người hầu sống cho xứng đáng”…

Hào quang Thánh Thể được giơ cao, toàn thể Dân Chúa quỳ mọp khấu đầu. Ôi! Đạo đức thánh thiện, sốt sắng phi thường! Cảm ơn Đức cha chủ lễ đã hướng dẫn chúng con suy niệm. Cảm ơn cộng đoàn hành hương đã làm nên bầu khí thánh thiện. Cảm ơn các ca đoàn, qua lời ca tiếng hát đã dẫn dắt chúng tôi đến gần Chúa, gần Mẹ. Cảm ơn hai giọng diễn ngâm, rất thơ và rất Huế. Đưa thơ vào phụng vụ, một hình thức mới mẻ, rất La Vang và rất sốt sắng. Chúng tôi vội vã ghi lại mấy dòng để sau làm dấu tích:

Ôi bí tích thật cao vời khôn sánh,

Ta bái thờ Chúa đang ngự nơi đây.

Người cho ta, cho tất cả muôn đời,

Mình Máu Thánh làm thần lương mỹ vị.

Phép lành Mình Thánh Chúa kết thúc chương trình phụng vụ của ngày khai mạc 13-8.

Ban Tổ chức thông báo vào lúc 22 giờ sẽ có chương trình văn nghệ nho nhỏ, đột xuất tại Quảng trường Thánh Tâm Chúa Giêsu, với chủ đề HOAN CA TẠ ƠN. Tuy nhiên, đoànchúng tôi không thể tham dự được vì phải tập trung về lều trại thực hiện phiên chầu Đức MẹLa Vang dưới chân Linh đài, theo chương trình riêng đã vạch. Phiên chầu dự tính không quá 60 phút, sợ anh chị em mệt, nhưng hôm nay ai cũng sốt sắng, chầu một giờ chưa đã, chầu thêm, chầu riêng đến tận khuya.

2. Ngày vọng lễ 14-8-2002.

Ngày thứ hai trong Tam nhật, mới 3 giờ rưỡi khuya, cha Gioang đã bắt loa dựng dậy chuẩn bị kinh sáng. Về nhà Mẹ đêm đầu chỉ ngả lưng được vài tiếng, hơi ít nhưng không sao, hạnh phúc là được sống gần Mẹ, chẳng phải một phút bên Mẹ là muôn trùng hạnh phúc đó sao?

a/Thánh lễ đồng tế sáng 14-8-2002 – Lễ Đức Bà Đi Viếng.

Thánh lễ đồng tế thứ hai – Lễ Đức Bà Đi Viếng, bắt đầu lúc 5 giờ sáng. Đức cha GB. Phạm Minh Mẫn, TGM Tổng Giáo phận Sài Gòn chủ tế và giảng lễ. Cùng đồng tế có các Đức Giám mục, các Đan viện phụ, Bề trên dòng và khoảng hơn 120 linh mục đến từ các giáo phận trên toàn quốc. Số giáo dân tham dự đông hơn thánh lễ khai mạc chiều hôm qua, họ đến vào đầu hôm, vào giữa khuya, từ mọi miền đất nước.

Linh mục Michel Hy Lê Ngọc Bửu dẫn lễ, tái hiện sự kiện Đức Maria đi viếng Bà thánh Isave ngày xưa, liên hệ biến cố Đức Mẹ hiện ra tại La Vang ngày nay:

– “Một ngày mới bắt đầu, ngày thứ hai trong Tam nhật Đại hội Hành hương La Vang năm 2002, chúng ta hân hoan họp nhau dâng Thánh lễ mừng Mẹ Maria Đi Viếng Bà Thánh Isave. Cách đây hơn 2000 năm, Mẹ cất bước ra đi lên vùng đồi núi xứ Giuđêa, đến thăm gia đình ông Zacaria và bà Isave. Bà Isave reo mừng: ‘Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm’. Và cách đây 200 năm, Mẹ đã đến chốn rừng núi hoang vu La Vang này thăm đoàn con cái Mẹ đang đau khổ trăm chiều vì cơn bách hại đạo Chúa.Mọi người reo lên, vững lòng hy vọng! Một bình minh giữa đêm đen gian lao thử thách đức tin: Mẹ La Vang! Mẹ La Vang!”

– “Lạy Mẹ Maria, Mẹ La Vang, xin Mẹ cầu bầu với Chúa, trong thánh lễ này, cho tất cả chúng con nên giống Mẹ, trở thành những con người của Tin Mừng. Xin Mẹ giúp chúng con biết lên đường với Mẹ để đến với mọi người”.

Bài đọc 1: Trích sách tiên tri Sophonia (Soph 3, 14-18a) do một nữ giáo dân GP Đà Nẵng tuyên đọc.

Bài đọc 2: Trích thư thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma (Rom 12, 9-16b) do một chủng sinh GP Huế tuyên đọc.

Bài Tin Mừng: Trích Phúc Âm theo thánh Luca (Lc 1, 39-56) do một linh mục GP Kontum công bố.

Đức TGM chủ tế giảng lễ về đề tài “Ba kho báu”:

“Đức Mẹ đã ra khơi với ba món quà mà Thiên Chúa đã ban tặng cho. Ba món quà đó cũng là ba kho báu mà Thiên Chúa muốn tặng cho loài người:

– Kho báu thứ nhất là ơn Đức Tin. Nơi Mẹ Maria đức tin đó ngày càng lớn mạnh và vững vàng. Một mặt là nhờ Mẹ luôn suy gẫm Lời Chúa, tìm ý Chúa và thi hành ý Chúa. Mặt khác, nhờ Mẹ đã trải qua thử thách từ Bê Lem đến Ai Cập, từ Nazarét đến Giêrusalem và đỉnh đồi Golgotha.

– Kho báu thứ hai là ơn Cứu Độ, là Đức Giêsu Kitô, là Tin Mừng của Người. Đức Giêsu là nguồn ánh sáng chân lý, là nguồn sự sống dồi dào, sự sống muôn đời, là cội nguồn tình yêu vô biên. Ơn cứu độ đó đã đem lại niềm vui và bình an cho gia đình bà Isave.

– Kho báu thứ ba là một con tim đầy tràn Tình Thương, Bác Ái, Vị Tha. Tấm lòng bác ái đó đã được cụ thể hóa ngay trên mảnh đất chúng ta đang đứng đây – Thánh địa La Vang, mà hơn 200 năm về trước Mẹ đã hiện ra an ủi, nâng đỡ các tín hữu trong cơn gian nan”…

Đoàn dâng lễ vật trong thánh lễ này là đại diện các dòng tu Việt Nam: Dòng Biển Đức, dòng Chúa Cứu Thế, dòng Phanxicô, dòng Đa Minh, dòng Salésiens, dòng La San, dòng Thánh Tâm, dòng Mến Thánh Giá, dòng Kín Cát Minh, dòng Thánh Phaolô, dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng… Xin dâng lên Chúa cuốn Thánh Kinh, sách Tu luật, hoa thơm trái ngọt cùng cây nến cháy sáng, hương trầm, bánh miến và rượu nho.

Cuối lễ, Đức cha chủ tế ban Phép lành Tòa Thánh với ơn Toàn Xá.

Thánh lễ đồng tế kết thúc lúc 6 giờ 30. Chúng tôi bắt đầu một ngày mới với thánh lễ sốt sắng như thế. Xong lễ, giáo dân tỏa ra hai bên, trở về các lều trại, tranh thủ kiếm cái gì đó ấm bụng rồi tiếp tục tham dự các chương trình cầu nguyện dành cho các giới trong ngày.

Cũng trong buổi sáng áp lễ này, các đoàn hành hương nối đuôi nhau đổ về như thác lũ, không biết bao nhiêu mà dự đoán. Không đủ lều trại cho người mới đến, họ trải bạt ngay giữa Quảng trường Mân Côi, nơi chỉ dành riêng để giáo dân đứng dự lễ. Trại tôi vốn chật cũng bó mình nhường bớt chỗ cho người mới đến. Hỏi ra mới biết đó là anh chị em giáo xứ Đại Lược, GP Huế.

b/Giờ cầu nguyện dành cho các giới.

Điểm tâm qua loa, chúng tôi phân công người giữ trại rồi tỏa ra Linh đài tham dự “giờ cầu nguyện dành cho các giới”, từ sáng tới chiều. Ôi, hôm nay sao mà đạo đức bất ngờ! Đạo đức thật hay bị cuốn hút bởi khung cảnh và bầu khí thánh thiện đang diễn ra từng giờ từng phút trên mảnh đất được chúc phúc này?

+ Giờ cầu nguyện của Giới cha gia đình.

Sáng, nhiều vị Gia trưởng và nhiều Mẹ Gia đình lặng lẽ về Linh đài Đức Mẹ. Phía trước không đủ chỗ, nhiều người phải tràn lui phía sau, đứng thành nhiều lớp, vòng quanh Linh đài.

8 giờ, cha PX. Lê Văn Hồng bắt đầu chương trình 60 phút cầu nguyện của Giới cha gia đình. Ngài hướng dẫn mọi người ra khơi, theo ý nghĩa ra khơi của mầu nhiệm Mân Côi, với 5 đề tài suy niệm. Sau mỗi đề tài suy niệm, cộng đoàn cùng đọc 10 kinh Kính Mừng:

– Ra khơi đòi hỏi mỗi người chúng ta ra khỏi con người của mình để đi vào tế vật của Thiên Chúa.

– Ra khơi là lên đường ra đi đến với tha nhân.

– Ra khơi là biết nhạy cảm trước nhu cầu của kẻ khác.

– Ra khơi là biết đặt niềm tin vào Chúa chứ không phải vào sức riêng của mình.

– Ra khơi là đồng lao cộng khổ với Chúa Giêsu để mang ơn cứu độ cho tha nhân.

Lời cầu nguyện:

“Lạy Mẹ La Vang! Một giờ bên Mẹ sắp qua đi, chúng con cám ơn Mẹ đã đồng hành cùng chúng con trong giờ cầu nguyện hôm nay. Sốt sắng quá! Đẹp đẽ quá! Con cái Mẹ đang quây quần bên Linh đài Mẹ. Chắc chắn Mẹ đã lắng nghe, đã đón nhận, Mẹ đã chúc lành cho tất cả lời cầu xin của chúng con. Chúng con cảm thấy xác tín một sự thúc đẩy Cùng Mẹ Ra Khơi cho Danh Cha cả sáng, cho Nước Chúa trị đến. Ra khơi để đến với tha nhân, để loan báo Tin Mừng và để phục vụ.

Chúng con ước mong rằng gia đình chúng con cũng ra khơi với Mẹ để xóa đi những bất đồng, khác biệt trong đời sống vợ chồng, để hàn gắn những rạn nứt trong tình yêu hôn nhân, để mỗi người biết chu toàn bổn phận của mình hầu biến gia đình chúng con thành một nhân tố gương mẫu trong môi trường và xã hội chúng con đang sống”.

+ Giờ cầu nguyện của Giới mẹ gia đình.

9 giờ 30, nắng đã lên cao nhưng các mẹ gia đình, vốn là mẫu mực của sự chịu thương chịu khó, đã vây kín quanh Linh đài Mẹ, chờ cha chủ sự – linh mục Gioan Lê Thanh Hoàng – bắt đầu giờ cầu nguyện sám hối cho giới mình.

Một bà mẹ miền Bắc, đại diện Giới mẹ gia đình thân thưa cùng Mẹ:

“Lạy Mẹ La Vang, chúng con là những người mẹ đến từ ba miền đất nước. Chúng con quy tụ về đây, thay mặt cho tất cả các bà mẹ gia đình Công giáo trong cũng như ngoài nước, để cầu nguyện và tôn vinh Mẹ, để học đòi gương Mẹ sống trọn vẹn cho Thiên Chúa”.

Cha chủ sự hướng dẫn Giới mẹ gia đình suy niệm:

“Chúng ta đến đây, tại Linh địa La Vang này là để tôn vinh một người Mẹ: Đó là Đức Trinh Mẫu Maria. Khi Mẹ căng buồm thuyền đời của mình cho luồng gió của Chúa Thánh Thần đưa đẩy, Mẹ đã thực hiện một chuyến viễn du truyền giáo có một không hai trong lịch sử Giáo hội. Mẹ gia đình, hơn bất cứ một giới nào khác, chúng ta có được gương mẫu của Đức Maria thích hợp với hoàn cảnh sống riêng của mình. Cũng như Mẹ, chúng ta phải ‘Xin Vâng’ cho đời sống gia đình, qua bí tích Hôn phối. Đời sống Mẹ gia đình đã mở ra một trang mới như đời sống Đức Maria từ khi truyền tin cũng đã lật qua một trang mới, trên đó Mẹ đã để cho Chúa viết lên lịch sử cứu độ nhân loại…”.

Lời cầu nguyện:

“Lạy Mẹ La Vang, xin dạy cho chúng con biết quảng đại hy sinh cho Chúa và cho gia đình”.

+ Giờ cầu nguyện của Giới trẻ.

Ấn tượng nhất là giờ cầu nguyện của Giới trẻ. Một giờ trưa, hình ảnh cây thánh giá gỗ được khệ nệ mang lên đặt ngay giữa Linh đài Đức Mẹ rồi lần lượt mỗi hồi, mỗi cảnh đóng đinh Chúa Giêsu. Linh mục hướng dẫn, ngoài cha Giuse Lê Viết Phục, bề trên dòng Chúa Cứu Thế Huế, còn được tăng cường thêm ba cha: Matthêu Vũ Khởi Phụng, Giuse Nguyễn Tiến Lộc, Giuse Lê Quang Uy đến từ dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, khiến cho giờ cầu nguyện của Giới trẻ thêm sinh động và sốt sắng.Đã thế, giờ cầu nguyện của Giới trẻ càng thêm hấp dẫn với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật: kèn, trống, dâng hoa, vãi hoa… Tất cả là những đội ngũ chỉnh tề và đẹp mắt, trong tiếng nhã nhạc tiến về Linh đài tôn vinh Mẹ.

Đại diện các đoàn thể Giới trẻ lần lượt giới thiệu lịch sử Giáo hội Việt Nam ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam và lịch sử La Vang. Đây là cách suy niệm mới đầy chất trí tuệ và chiều sâu, qua đó Giới trẻ càng thấm sâu ý nghĩa và giá trị của đức tin mà xưa kia tổ tiên đã đổi bằng máu, mới hiểu thấu cha ông ngày trước đã làm thế nào để “kéo Mẹ” xuống với mảnh đất La Vang này.

Hoàn cảnh ngược đãi, địa bàn rộng lớn, nhân sự ít, cha ông chúng ta vẫn dũng cảm vững tay chèo ra khơi truyền giáo. Còn chúng ta, hỡi Giới trẻ, tương lai Giáo hội là nơi người trẻ, các bạn có can đảm, bất chấp sóng gió hiểm nguy để cùng Mẹ ra khơi, lên đường truyền giáo?

Một điềm lạ, đang khi diễn ra giờ cầu nguyện của Giới trẻ thì trời đổ mưa. Những hạt mưa thu lay bay không ướt đất, chỉ đủ làm mát dịu không khí oi bức mà miền La Vang – Quảng Trị đang phải gánh chịu qua mấy tháng trời khô hạn. Những hạt mưa như những hồng ân từ lượng cả, qua tay Mẹ, ban phát cho đoàn con đang ngóng cổ khát khao. Cảm ơn Mẹ mùa hồng ân! Cảm ơn Mẹ mùa Đại hội La Vang!

+ Giờ cầu nguyện của giáo dân Sắc tộc.

Nói là giờ cầu nguyện của giáo dân Sắc tộc, nhưng quanh Linh đài Đức Mẹ dễ có đến vài ba chục ngàn người tham dự. Giáo dân Sắc tộc đâu mà đông thế? Dễ hiểu thôi, cũng như chúng tôi, các cộng đoàn hành hương tranh thủ tham dự càng nhiều chương trình càng tốt. Ba năm mới có một lần mà! Vả lại, như chúng tôi, những người “mất can đảm” đã bỏ phí một thời gian dài hơn 20 năm, từ 1975, không dám bén mảng về nhà Mẹ, dù biết mình là những đứa con ruột. Bây giờ tranh thủ, bù, tạ lỗi với Mẹ.

Đúng 15 giờ, Đức TGM Têphanô lên máy vi âm khai mạc giờ cầu nguyện của giáo dân Sắc tộc. Ngài phát biểu:

“Tôi, Tổng Giám mục TGP Huế, thay mặt các Đức cha đến thăm hỏi sức khỏe anh chị em. Chúng tôi thật cảm động thấy anh chị em từ xa lặn lội về đây với biết bao khó khăn, nhọc nhằn, vất vả. Đến với Mẹ La Vang, anh chị em hãy cầu xin với Mẹ, không phải xin tiền xin của nhưng xin Đức Mẹ cho đức tin được vững mạnh để trung thành trọn đời theo Chúa”.

Linh mục Phaolô Maria Trần Hữu Dũng, dòng Chúa Cứu Thế Huế, với sự cộng tác của linh mục Giuse Trần Sĩ Tín hướng dẫn cộng đoàn suy niệm:

“Đức Mẹ luôn thực hiện ý muốn của Thiên Chúa là đem Đức Kitô đến cho mọi người, và đặc biệt đem Đức Kitô đến cho những người nghèo khó, cho những người như chúng con là những người vốn sống trong sự thiếu thốn, trong những hoàn cảnh khó khăn và tràn đầy thử thách. Chúng ta có thể gọi đây là chương trình đặc biệt mà Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện giữa anh chị em dân tộc thiểu số”.

Nhiều bài thánh ca mang âm hưởng dân ca Tây Nguyên cộng với nhịp cồng chiêng dập dềnh khiến cho giờ cầu nguyện của giáo dân Sắc tộc mang nét độc đáo riêng.

Trùng với giờ cầu nguyện của giáo dân Sắc tộc, giờ chầu Thánh Thể dành cho tu sĩ, chủng sinh cũng đang diễn ra tại nhà nguyện. Một số anh chị em trong đoàn chúng tôi vốn là cựu tu sĩ, cựu chủng sinh cũng qua đây tham dự giờ chầu Mình Thánh Chúa. Nhà nguyện chật và nóng hầm hập, nhưng hy sinh. Hy sinh vì Chúa thôi!

c/ Thánh lễ đồng tế chiều 14-8-2002 – Lễ Vọng mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

17 giờ 30, đoàn đồng tế được rước lên Lễ đài. Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể chủ tế và giảng lễ. Cùng đồng tế có các ĐGM, các Đan Viện phụ, Bề trên dòng và khoảng 150 linh mục. Quảng trường Mân Côi trở nên chật hẹp, không đủ chỗ cho giáo dân đứng dự lễ phải đứng tràn ra ngoài cổng tam quan. Anh chị em trong đoàn tưởng tôi rành hỏi bao nhiêu? Tôi đoán ẩu, mà sau kiểm tra đúng: khoảng ba trăm ngàn người. Con số kỷ lục qua 26 kỳ Đại hội!

Linh mục Michel Hy Lê Ngọc Bửu dẫn lễ giúp cộng đoàn chuẩn bị tâm hồn sốt sắng tham dự thánh lễ:

– “Vòng tay phước lành La Vang hôm nay rộng mở. Đoàn con Mẹ muôn người như một, nô nức sà vào lòng Mẹ La Vang. Ai cũng gặp chỗ của mình trong lòng Mẹ. Ai cũng có phần hồng ân Mẹ dành sẵn cho… Chiều nay, giữa lòng Đại hội Hành hương La Vang lần thứ 26, chúng ta họp nhau, tâm đầu ý hợp, dâng Thánh lễ Vọng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời”.

– “Lạy Mẹ Maria, Mẹ La Vang là mẫu gương chói sáng của Giáo hội trong cuộc lữ hành đức tin, Mẹ biết chúng con rất dễ bị chao đảo trong đời sống đức tin, nhất là khi gặp cuồng phong bão tố cuộc đời. Cúi xin Mẹ giúp chúng con giữ vững tay lái, bằng cách cậy trông nhìn lên Chúa và thi hành những gì Ngài dạy để con thuyền đời của mỗi người chúng con và con thuyền Giáo hội vững vàng lướt sóng ra khơi”.

Một rừng người lô nhô xao động chú mục nhìn lên Lễ đài, thin thít lắng nghe lời giảng giọng Huế của Đức TGM chủ tế, ngọt ngào như mật rót vào tai. Ngài mở đầu thánh lễ:

“Kính thưa cộng đoàn hành hương,

Trong thánh lễ chiều hôm nay, cộng đoàn phụng vụ chúng ta hướng vọng về mầu nhiệm Đức Maria được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn và xác. Công đồng Vaticanô II dạy rằng Đức Maria, Mẹ Chúa Kitô đã vinh hiển hồn xác lên trời, là hình ảnh Hội Thánh sẽ hoàn thành nay mai…”.

Bài đọc 1: Trích sách Ký sự quyển thứ nhất (1 Chron 15, 3-4. 15-16. 1-2) do một giáo dân dân tộc Giarai, Giáo phận Kon Tum tuyên đọc bằng bản ngữ Giarai. Một giáo dân Kinh đọc lại bằng Việt ngữ.

Bài đọc 2: Trích thư thứ nhất của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Corintô (1 Cor 15, 54-58) do một nữ tu dòng Đa Minh Giáo phận Xuân Lộc tuyên đọc.

Bài Tin Mừng: Trích Phúc Âm theo thánh Luca (Lc 11, 27-28) do một linh mục giáo phận Kon Tum công bố.

Đức TGM chủ tế giảng lễ với đề tài “Ca tụng Thiên Chúa đã làm cho Mẹ biết bao điều kỳ diệu cao cả”:

“ĐTC Phaolô VI nói rằng: ‘Đức Maria là Người Trinh Nữ lắng nghe (Virgo Audiens)’, một sự lắng nghe làm động lòng, thán phục. Một lắng nghe gây ý thức, đặt lại vấn đề và để mình được tra vấn. Một lắng nghe để đem đối chiếu ngay vào bản thân mình: Lời Chúa đang nói với tôi, nói cho tôi hôm nay, trong hoàn cảnh cụ thể này.

Đức Maria lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Ngày truyền tin, Mẹ đon đả lên đường đi thăm người chị họ Elizabeth. Mẹ đem lại niềm vui, tiếng cười và lời chúc tụng cho cả nhà cụ Zacaria. Mẹ ngồi ở bàn tiệc cưới Cana, ngồi nhưng không bất động. Lòng Mẹ vẫn đi, vẫn di chuyển, vẫn quan tâm đến người khác và Mẹ đã làm cho giờ tỏ mình của Chúa Giêsu đến sớm không ngờ.

Đức Maria lên đường với con tim từ mẫu, với tấm lòng người Mẹ. Rồi từ trái tim đến với những trái tim. Con người đến với Chúa và đến với nhau bằng cái tâm là chính.

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Thực đáng mừng là chúng ta được sống trong thời đại của trí tuệ, của thông minh, của nền kinh tế tri thức. Nhưng chúng ta cũng rất lo ngại về nguy cơ của một con người dư óc, thừa trí, mạnh lý mà lại ít tim, nghèo tình, vô tâm, thiếu một tấm lòng.

Mẹ Maria được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn và xác sau một cuộc sống chăm chú lắng nghe và thi hành Lời Chúa, tỏa sáng Tin Mừng tình thương của Chúa trên từng bước đi. Mẹ về trời nhưng lòng Mẹ vẫn ở bên con cái, đồng hành và dắt dìu chúng ta trên bước đường ra khơi.

Hôm nay chúng ta hành hương về bên Mẹ La Vang, hành hương về vùng đất thấm đẫm sự hiện diện đầy yêu thương của Mẹ. Nhưng hằng ngày chúng ta còn phải hành hương đi vào cuộc sống đời thường, đến với những con người là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, đi vào các môi trường sống đang khao khát tình liên đới hiệp thông, đang kiếm tìm lẽ sống và ý nghĩa cuộc đời, đang đón đợi lời giải thoát cứu độ của Chúa Giêsu.

Những chuyến hành hương đời thường như vậy sẽ thăng hoa đức tin, lòng mến, lòng cậy trông nơi người Kitô hữu, và làm cho hương vị Tin Mừng lan tỏa ra chung quanh và thấm vào các ngõ ngách mạch sống ở đời. Amen”.

Phần dâng lễ vật do các giáo dân được tập hợp từ ba miền đại diện cho nhiều thế hệ già trẻ, tân cựu dâng lên bàn thánh hương hoa, đèn nến, bánh miến, rượu nho, chiếc nón Huế cùng bánh chưng bánh dày theo truyền thống dân tộc, tượng trưng niềm tin sắc son, lòng mến chân thành của con cái Giáo hội Việt Nam.

Phần rước lễ hơi lộn xộn một tí, nhưng là sự lộn xộn đáng yêu của hàng vạn con người đang muốn nhanh chóng được dự phần vào lương thực Thánh Thể trong đêm dạ tiệc Mẫu Vương Cung.

Cuối lễ, Đức TGM chủ tế ban Phép lành Tòa Thánh với ơn Toàn Xá.

d/Đêm Diễn nguyện – Canh thức bên Mẹ.

20 giờ 30, đáp lời mời gọi từ loa phóng thanh, hơn mười vạn khách hành hương đã vây kín bốn phía Lễ đài, nơi sẽ là sân khấu Đêm Diễn nguyện.

+ Phần mở đầu.

– Phần biểu diễn văn nghệ của các đoàn nghệ thuật được khai mào ấn tượng với giọng nữ “Hò Huế” lãng đãng trên sông Hương của Giới trẻ nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, có phụ hoa múa nón. Một nhịp cầu dẫn nhập khéo léo thu hút cộng đoàn hành hương ổn định chỗ ngồi, tham dự giờ canh thức bên Mẹ.

Dù ai xuôi ngược trăm bề,

Mười lăm tháng tám nhớ về La Vang.

– Đoàn Quanhọ Bắc Ninh nhộn nhịp “Vào hội” với tiết mục “Mời trầu” điệu đàng, duyên dáng, lãng mạn, trữ tình:

Mấy khi khách đến chơi nhà,

Đốt than, quạt lửa pha trà người xơi.

Trà này quý lắm người ơi,

Mỗi người mỗi chén cho tôi vui lòng.

Òa vỡ cảm xúc, vui tươi hớn hở khi từng diễn viên xúng xính trong trang phục tuồng chèo rời sân khấu xuống tận ghế khán giả “Mời trầu”, “Dâng trà”. Dễ nhìn thấy những nụ cười sảng khoái từ các hàng ghế đầu – các Giám mục, linh mục – nâng niu chung rượu, vân vê miếng trầu.

– Sân khấu bỗng hoành tráng với Trường Ca Mẹ La Vang của ban hợp xướng Trùng Dương đến từ TP.HCM. Trường ca Mẹ La Vang, cảm tác của nhạc sĩ Phật tử Hồ Đăng Tín, qua bài thơ La Vang một ngày, một đời của Đình Bảng.

– Sân khấu lại rực rỡ sắc màu với tiết mục Về với Mẹ La Vang của đoàn Quan họ Bắc Ninh.

Về đây ta lại gặp người

Núi sông liền với biển trời La Vang.

Nguyện xin Đức Mẹ La Vang,

Chúng con biển sóng thuyền nan một mình.

Công phu, điêu luyện và nhuần nhị dân dã vốn là những nét đặc trưng mà đoàn nghệ thuật này, từ miền Bắc xa xôi mang vào góp mặt với La Vang. Về với Mẹ La Vang, dâng lên Mẹ lời ca tiếng hát, điệu múa (múa lụa, múa quạt, múa nón, múa hoa). Phần kết thúc, dâng hoa lên bàn thờ Mẹ và rước ảnh Mẹ thật điệu nghệ được khán giả nhiệt liệt hoan nghinh.

– Cũng với đèn hoa rực rỡ nhưng dịu dàng thanh thoát, hội dòng MTG Thanh Hóa đến với Đêm Canh thức bằng tiết mục Dâng lên Mẹ hiền. Mỗi diễn viên nữ tu hai tay cầm hai chùm đèn hoa (màn hai được thay bằng hai chiếc quạt lụa), nhịp nhàng theo nền nhạc, tạo hình những bông hoa lớn, rực rỡ sắc màu dâng lên Mẹ.

– Dòng thánh Phaolô Đà Nẵng góp mặt với Một thời chưa xa với các tiết mục Múa hoa và hoạt cảnh Hạnh tích La Vang. Khán giả thật sự xúc động được sống lại trong bối cảnh bắt đạo của Một thời chưa xa. Những tràng pháo tay nhiệt liệt tán dương sự thành công của đoàn nghệ thuật khi tái hiện khung cảnh Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Hình ảnh Đức Mẹ La Vang theo mẫu tượng mới đã được lột tả chính xác qua hoạt cảnh này.

Ngoài ra, hoạt cảnh phụ Ông Thoàn và 29 giáo dân bị thiêu sống trên nền nhà thờ La Vang năm 1885 cũng được tái hiện đầy xúc động. Lại một tràng pháo tay tán thưởng khi 30 người bị hỏa thiêu cầm cành vạn tuế đứng lên. Một minh chứng hùng hồn: “Dòng máu thánh Tử Đạo đã thấm trên mảnh đất thiêng liêng này. Dòng máu ấy đã tô điểm cho biết bao thế hệ đức tin như một dòng chảy không ngừng. Rày đây, dòng máu ấy vẫn âm thầm luân chuyển thấm nhuần dải đất khô cằn miền Trung nắng cháy, làm nảy sinh biết bao hạt giống đức tin qua bao nhiêu thời đại”.

Và hôm nay La Vang có sự hiện diện của Mẹ. Chúng con từ muôn phương họp nhau về đây Cùng Mẹ Ra Khơi, tiết mục thứ ba, vũ khúc hoạt cảnh của dòng Saint Phaolô Đà Nẵng, trên nền nhạc Cùng Mẹ Ra Khơi của linh mục Minh Anh, khép lại phần thứ nhất – phần văn nghệ của các đoàn nghệ thuật.

+ Phần thứ hai.

– Phần nghệ thuật văn hóa các dân tộc được mở đầu với tiết mục độc diễn vũ khúc Thái Lan của cô Nuch Boonchuiluca đậm đà màu sắc Thái Lan. Hát nhạc nền cho vũ điệu này là một cô Thái Lan khác, bạn của Nuch, với bài thánh ca Ca tụng Mẹ La Vang bằng tiếng Thái. Được biết, cả hai cô gái Thái Lan này đến Việt Nam theo đoàn du lịch nhằm mục đích thực hiện ước vọng hành hương kính viếng Đức Mẹ La Vang. Hai cô đã để lại cho Đại hội La Vang 26 một ấn tượng sâu đậm.

– Đoàn nghệ thuật của anh chị em Công giáo người  Việt gốc Hoa thật xuất sắc với liên vũ khúc Thánh Mẫu Tràng Châu. Thánh Mẫu Tràng Châu gồm 4 vũ khúc. Ba vũ khúc đầu (Múa hoa, Múa kiếm, Múa lụa, Múa quạt…) diễn tả Mười lăm Mầu nhiệm Mân Côi Vui, Thương, Mừng. Vũ khúc thứ 4 (Múa đèn và Dâng hoa) là sự thể hiện độc đáo lời cầu nguyện trong kinh Kính Mừng.

Bên cạnh sự thành công về nghệ thuật với nhạc nền và vũ điệu thuần túy bản sắc Hoa, tính chuyên nghiệp trong trang phục biểu diễn của 45 thành viên vũ viên cũng là một điểm son rất đáng được biểu dương.

Được khán giả nhiệt liệt hoan nghinh, nhưng đoàn trước sau vẫn chân thành và khiêm tốn: “Chúng con hân hoan được tham dự buổi hội Diễn nguyện này. Xin dâng lời cầu nguyện với các điệu múa dân tộc… Xin dâng lên Đức Mẹ với tâm tình hiếu thảo, kính yêu của chúng con và góp phần cung chúc Đại hội”.

– Đoàn nghệ thuật Chăm tiếp tục chương trình với Lễ dâng đầu mùa gồm 3 tiết mục Múa lửa, Múa nước, Múa hoa độc đáo và đậm đà bản sắc dân tộc mình. Trên nền nhạc cổ truyền gióng giả, các vũ viên với những cử điệu rộn ràng, nhún nhảy vô tư, quên khuấy trên đầu đang đội những vò nước hay mâm hoa. Khán giả nhiều lần “ồ” lên hồi hộp và vỗ tay tán thưởng.

– Cuối cùng, trong tiếng cồng chiêng rộn rã, kết hợp điệu múa cà khêu mang đậm bản sắc truyền thống, đoàn nghệ thuật dân tộc Tây Nguyên với 1200 thành viên “đổ bộ” lên sân khấu. Dưới sự hướng dẫn của các linh mục Tín, Thượng, Phán, Huỳnh, đoàn Tây Nguyên với hai tiết mục hòa quyện Cùng Mẹ ra khơi và Thuyền về bến Mẹ đã thực sự đóng ấn cho Đêm Diễn nguyện. Một hoạt cảnh gợi nhớ đêm tăm tối của các bộ tộc Tây Nguyên xa xưa, nhờ ánh sáng Tin Mừng, nhờ Mẹ Maria, qua các nhà truyền giáo mà anh em sắc tộc Tây Nguyên anh dũng đứng lên, theo đôi cánh chim câu hòa bình, tay dương cao ngọn nến, miệng ca vang Alleluia, hiên ngang sánh vai cùng các dân tộc anh em và bè bạn khắp năm châu bốn bể.

Tâm tư mênh mang, cảm xúc òa vỡ…, linh mục trưởng đoàn Tây Nguyên từ sân khấu bước xuống hàng ghế khán giả đón mời Đức TGM Huế lên diễn đài kết thúc Đêm Diễn nguyện. Đức Tổng ứng khẩu:

“Thật là phong phú, thật là đầy ý nghĩa và rất xúc động. Tại Thánh địa La Vang này chưa có đêm nào tuyệt vời như đêm nay. Bên cạnh vài trục trặc kỹ thuật không đáng kể, còn lại toàn bộ rất dễ thương, dễ thương về phía người diễn và dễ thương về phía cộng đoàn tham dự.

Đêm nay là đêm thánh vì chúng ta đã tôn vinh Đức Mẹ một cách sâu lắng, vui tươi và hồn nhiên. Chính lời ca tiếng hát của các đoàn nghệ thuật đã giúp chúng ta cầu nguyện. Các đoàn nghệ thuật cũng đã nói lên ý nghĩa đạo vào đời và đời chan hòa vào đạo, đồng thời cũng nhắc nhở đến khía cạnh văn hóa nghệ thuật ở trong Công giáo mà chúng ta phải nâng niu, phải khao khát làm viên mãn để đức tin được bén rễ sâu trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Xin cảm ơn và biểu dương tinh thần của tất cả các đoàn nghệ thuật tham gia trong Đêm Diễn nguyện này”.

Kết thúc, Đức TGM Huế xướng bài Lạy Mẹ là ngôi sao sáng. Cả cộng đoàn đứng dậy, hát vang.

Đồng hồ đã chỉ qua thời khắc ngày hôm sau: 0 giờ 10! Đêm Diễn nguyện kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ. Ôi, tuyệt vời! Tuyệt vời cả người diễn lẫn người xem!

Chúng tôi trở về lều trại định ngả lung một tí, giữ gìn sức khỏe cho ngày bế mạc, nhưng dễ gì chợp mắt, đây đó, quanh đài Mẹ, những người “mình đồng da sắt” cầu nguyện, đọc kinh rảng rảng suốt đêm.

3. Ngày bế mạc 15-8-2002.

Khuya nay, chúng tôi dậy sớm, chuẩn bị cho ngày bế mạc.

a/Thánh lễ đồng tế bế mạc – Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

5 giờ sáng, khởi sự rước đoàn đồng tế. Đi đầu, khoảng 160 linh mục với lễ phục trắng. Tiếp đến, các ĐGM và Đan Viện phụ Thiên An với lễ phục vàng. Đoàn đồng tế tiến lên Lễ đài trong tiếng thánh ca nền nã của ban đại hợp xướng gần 400 ca viên, tổng hợp từ các ca đoàn Trùng Dương, Vượt Qua, ca đoàn liên tu sĩ và ca đoàn Giáo phận Huế.

Linh mục Michel Hy Lê Ngọc Bửu dẫn lễ, với giọng Huế ngọt ngào, giúp cộng đoàn dọn lòng sốt sắng:

“Giờ đây, chúng ta được hạnh phúc cùng hiệp dâng Thánh lễ mừng Mẹ Maria Hồn Xác Về Trời, bế mạc Tam nhật Đại hội La Vang lần thứ 26 và tiếp tục cuộc lữ hành đức tin, cùng Mẹ La Vang ra khơi thả lưới.

Lạy Mẹ La Vang, chúng con xin tạ ơn Mẹ và xin được cùng Mẹ ca mừng tạ ơn Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa. Tâm trí tôi mùng rỡ trong Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc tôi”.Ca ngợi mãi bằng cuộc sống chứng nhân, mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh cho đến ngày về Quê Trời”.

Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, GM Bùi Chu, đọc văn thư Phép lành Tòa Thánh của ĐTC Gioan Phaolô II ban cho cộng đoàn hành hương hiện diện trong Tam nhật Đại hội La Vang lần thứ 26.

Linh mục GB Lê Quang Quý, quản xứ Trí Bưu – GP Huế, đọc thư của ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng chúc mừng Đại hội La Vang lần thứ 26 và báo tin ngài lấy làm tiếc, vì đau yếu, không thể vào tham dự Đại hội.

Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, GM Nha Trang, Chủ tịch HĐGMVN, chủ tế và giảng lễ. Ngài mở đầu thánh lễ:

“La Vang hôm nay là nơi có sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa và Đức Mẹ. Nhờ Đức Mẹ, chúng ta được gặp Chúa và nhờ Chúa chúng ta được gặp gỡ nhau. Cuộc gặp gỡ đông đúc và rộng lớn này là cơ hội tốt nhất để chúng ta cầu nguyện, tạ ơn và tôn vinh Chúa qua sự bầu cử của Đức Mẹ.

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta sẽ dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha để tạ ơn Ngài vì đã ban cho Đức Mẹ được hồn xác về trời, tiên báo phần thưởng tốt đẹp mà một ngày kia tất cả chúng ta sẽ được hưởng…”.

Bài đọc 1: Trích sách Khải huyền của thánh Gioan Tông đồ (Apoc 11, 19a. 12, 1-6a. 10b) do một giáo dân sắc tộc Vân Kiều tuyên đọc bằng tiếng Vân Kiều. Một nữ giáo dân Giáo phận Sài Gòn đọc lại bằng Việt ngữ.

Bài đọc 2: Trích thư thứ nhất của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Corintô (1 Cor 15, 20-26) do một đại chủng sinh Giáo phận Đà Nẵng tuyên đọc.

Bài Tin Mừng: Trích Phúc Âm theo thánh Luca (Lc 1, 39-56) do một linh mục Giáo phận Sài Gòn công bố.

Mở đầu bài giảng Thánh lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đức cha chủ tế nhắc lại Bài đọc 1 trong sách Khải huyền: “Một Người Nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao”, và Bài đọc 2 trong thư thánh Phaolô: “Đức Giêsu Kitô đã chiến thắng sự chết, nhưng đây không phải là một cuộc chiến thắng cho riêng Ngài mà còn cho toàn thể Hội Thánh”.

Triển khai tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngài nói:

“Trong tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Hội Thánh khám phá ra giá trị của cái chết theo đức tin. Đức Giêsu đã chết, không phải như một hình phạt vì tội mình nhưng để đền thay tội lỗi muôn dân. Đức Maria cũng đã chết, không phải như một hình phạt vì tội mình nhưng để nên giống Chúa Giêsu hơn. Mọi người chúng ta cũng sẽ chết nhưng đó là hình phạt đi liền với tội nguyên tổ, và cũng để nên giống Chúa Giêsu. Nhờ cái chết của Ngài, nhờ sống liên kết với Ngài trong hy sinh và trong sự chết, liên kết với Ngài trong sự sống lại và lên trời, chúng ta một ngày kia cũng sẽ được hồn xác lên trời vì ‘sự sống thay đổi chứ không mất đi’.

Cuộc hành hương sắp đến hồi kết thúc. Chúng ta đã thực hiện một cuộc hành hương trở về, giúp thanh tẩy tâm hồn để sống thân mật với Chúa trong cầu nguyện và liên kết với nhau trong bác ái yêu thương, để sống sứ mạng của mình giữa đời như là chứng nhân ơn cứu độ và là người xây dựng hòa bình.

Đoàn dâng lễ vật độc đáo với lễ phục và cử điệu cung đình, nhịp nhàng, chậm rãi từng bước một theo nhịp trống tiến dâng lên bàn thờ hương hoa và bánh rượu, cây nến, lư trầm, mâm gạo và khay cau trầu theo phong tục cổ truyền Việt Nam. Đoàn dâng lễ thật ấn tượng qua cử chỉ sấp mình bái lạy thể hiện tính trang nghiêm, sự tôn kính – một hình thức đưa văn hóa lễ hội vào nghi thức tế tự trong tôn giáo rất thành công!

Cộng đoàn hành hương ba mươi vạn con người chăm chú theo dõi, lắng nghe và cùng suy niệm theo lời linh mục dẫn lễ:

“Sau khi hoàn tất cuộc sống ở trần thế. Mẹ Maria được Chúa đưa về trời cả hồn và xác. Mẹ là nguồn sống, nguồn hy vọng của chúng con. Với Mẹ và nhờ Mẹ – Nữ Vương Thiên Đàng – chúng con cung kính tiến dâng lên Chúa…, bánh miến, rượu nho sẽ trở nên Mình Máu Thánh Chúa, của ăn thiêng liêng nuôi sống chúng con muôn đời”.

Phần rước lễ, cũng như các thánh lễ khác, hơi lộn xộn một tí, nhưng là sự lộn xộn đáng yêu của hàng vạn con người đang khao khát dự phần vào bí tích Thánh Thể.

Kết lễ, Đức cha chủ tế ban Phép lành Tòa Thánh với ơn Toàn Xá cho cộng đoàn hành hương.

Đại vũ Cùng Mẹ Ra Khơi hoành tráng, rực rỡ sắc màu nối kết thánh lễ bế mạc với cuộc rước kiệu Đức Mẹ La Vang.

2/ Rước kiệu Đức Mẹ La Vang.

7 giờ 30 bắt đầu cuộc rước kiệu Đức Mẹ La Vang. Thánh giá nến cao và đoàn cờ phướn khởi đi từ Lễ đài. Các đoàn thể lần lượt vào hàng ngũ: Đoàn các giáo phận, đoàn các bà mẹ gia đình Công giáo, đoàn các gia trưởng, quý chức việc họ, thanh niên, thiếu nữ, đoàn thiếu nhi vãi hoa, thiếu niên cầm bong bóng bay, lễ sinh, đoàn các tu sĩ nam nữ. Tiếp đến là các đoàn nghệ thuật: Đoàn Quan họ Bắc Ninh, đoàn Cồng chiêng Tây Nguyên, đội trống, đội kèn, đội trắc…

Đức Mẹ ngự trong cỗ kiệu sơn son thếp vàng do 28 phu khiêng. Phu kiệu trong y phục lính lệ xưa càng làm cho buổi rước tăng thêm phần tôn kính -thêm một bước hội nhập văn hóa, đưa văn hóa lễ hội vào nghi thức tôn giáo thành công.

RƯỚC KIỆU ĐỨC MẸ SÁNG 15-8-2002

(Ảnh: Trần Quang Chu, 2002)

Sau bàn kiệu là đoàn đồng tế với gần 160 linh mục, các cha Giám quản địa phận, các cha Bề trên dòng, Đan Viện phụ và các Giám mục. Cờ xí tung bay, trống kèn tở mở hòa quyện với lời kinh tiếng hát cao rao thánh danh Đức Mẹ La Vang. Nổi bật trong đoàn kiệu, hai bộ liễn cao lêu nghêu, đầy chất nghệ thuật truyền thống, với hai cặp câu đối:

CÙNG MẸ LÊN ĐƯỜNG ĐEM TIN MỪNG CỨU ĐỘ

CHÚNG CON TIẾP BƯỚC ƯƠM TRÁI NGỌT HỒNG ÂN

CÙNG MẸ ĐĂNG TRÌNH TIN MỪNG CÔNG BỐ

TÔNG ĐỒ HÀNH KHỞI NƯỚC CHÚA HIỂN VINH

Lộ trình kiệu không thay đổi so với kiệu MTC đêm 13-8, chỉ đảo ngược điểm xuất phát và đích đến. Cuộc rước kiệu Đức Mẹ La Vang phát xuất từ Lễ đài, thẳng hướng Quảng trường Mân Côi ra cổng tam quan, theo con đường nhựa bên trái, trở lại công viên Thánh địa, băng qua sân Tháp cổ, tiến lên Linh đài.

Giáo dân như chúng tôi, không có đoàn thể, không có đội ngũ, cứ thấp thỏm không biết mình có được dự phần không? Cuối cùng cũng được nhập vào hàng ngũ làm cái đuôi kiệu khi đầu kiệu sắp kết thúc lộ trình, gần đến đài Mẹ. Giáo dân đông quá không tránh khỏi cảnh chen chúc. Đông như kiến, chật như nêm, chân không thể bước đi, chỉ có thể lê bước. Hàng tám, hàng mười, hàng mười hai… Hoàn toàn tự phát, tự ý thức, không ai hướng dẫn cả, nhưng tất cả đều nghiêm phép, dễ thương, không một tiếng ồn ào, không một lời tranh tụng. Có lẽ Ban Tổ chức cũng đã bất ngờ vì lộ trình kiệu quá ngắn không đủ để đội ngũ hóa hết ngần ấy con người đang khao khát theo chân Mẹ, như Mẹ đã từng theo chân Chúa Giêsu lên núi Sọ và đã về tới đích vinh quang.

Bàn kiệu Đức Mẹ về đến Linh đài, đoàn thiếu nhi dâng hoa, vãi hoa tiến lên tung hô chúc tụng Mẹ. Các ĐGM đến trước bàn kiệu dâng hương trong tiếng hát vang lừng của ban đại hợp xướng Đại hội La Vang 26.

3. Nghi thức bế mạc.

Cộng đoàn hành hương cho tới giây phút cuối của Đại hội vẫn dễ thương, vây kín mít Linh đài chờ Nghi thức bế mạc. Tôi cố len lên thật gần, kiếm một chỗ thuận lợi nhưng không thể, đành đứng ở trước Tháp cổ ngóng lên.

Cha Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang phát biểu đúc kết và cảm ơn. Ngài nói:

“Sau ba ngày, cộng đoàn chúng ta sống chan hòa trong vòng tay yêu thương của Mẹ La Vang. Giờ đây chúng ta sắp chia tay để trở về với nơi chúng ta đang sống, trở về với lệnh truyền RA KHƠI của Đức Kitô.

Thánh địa La Vang đã vui mừng đón tiếp 13 vị Tổng Giám Mục và Giám mục(4), hơn 200 linh mục, hơn 1000 tu sĩ nam nữ và 734 đoàn hành hương của các giáo phận.

Đây là dịp mà con cái Hội Thánh Công giáo Việt Nam được đoàn tụ bên nhau với các sinh hoạt phụng tự, hoan ca, các cuộc gặp gỡ giao lưu nghệ thuật thánh và chia sẻ tình hiệp nhất huynh đệ, với một số lượng cộng đoàn tham dự hết sức đông đảo, phấn khởi, nhiệt thành và thánh thiện”.

Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, GM Nha Trang, Chủ tịch HĐGMVN, phát biểu bày tỏ tâm tình và sự cảm phục của ngài về Đại hội La Vang lần thứ 26 này:

“…Cùng với một khí hậu tốt đẹp, chúng ta còn được hưởng một ân huệ khác đó là có một thời gian thoát khỏi những căng thẳng, những ồn ào của đời sống thường nhật để được hưởng những ngày an bình, thanh thản, để sống trong cầu nguyện, trong sám hối, trong yêu thương. Xin cảm ơn Chúa và Đức Mẹ.

Đại hội năm nay, cùng với sự tham dự của các thành phần Dân Chúa thuộc 25 giáo phận, còn có sự tham dự của đồng bào người Chăm, người gốc Trung Hoa và đặc biệt là người Thái Lan. Tất cả đã sống với nhau trong cùng một đức tin, trong tình huynh đệ, vì cũng là con một Cha trên trời.

Đại hội La Vang là ngày đoàn tụ của Dân Chúa, là biểu tượng của sự hiệp nhất toàn Giáo hội Việt Nam cùng với bao con cái ở khắp nơi, và con cái Chúa ở xung quanh. Nơi đây mọi người tìm được sự bảo bọc của tình Mẹ bao la, đầy sức an ủi và tràn ngập yêu thương.

Xin hết lòng cảm ơn Tổng Giáo phận Huế.

Xin cảm tạ Đức Mẹ và xin Đức Mẹ cùng ra khơi với chúng con”.

Tiếp tục chương trình bế mạc, Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể bước lên máy vi âm đọc diễn văn bế mạc:

“Sau ba ngày sống trong yêu thương, sám hối và cầu nguyện với Đức Mẹ La Vang, trước lúc ra về, thiết tưởng chúng ta nên nhắc lại với nhau những vấn đề của Đại hội và cộng đoàn hành hương đã cùng nhau suy niệm suốt ba ngày qua: Cùng Mẹ Ra Khơi.

Nhân danh HĐGMVN, tôi xin công bố LỆNH RA KHƠI. Bế mạc Đại hội La Vang lần thứ 26”.

Lệnh Ra Khơi vừa dứt, bản giao hưởng âm thanh từ các đội kèn, trống, trắc, cồng chiêng… rầm rập vang lên, hàng ngàn bong bóng đủ màu sắc mang theo những chiếc thuyền ra khơi được thả bay lơ lửng giữa bầu trời La Vang ban mai xanh tươi dịu mát. Ai đó quanh tôi nhất loạt “ồ” lên. Đẹp lạ lùng!

Trên Linh đài, tất cả đã đứng dậy đưa tay vẫy chào. Hàng chục chiếc nón lá của những thiếu nữ áo dài cam cũng vẫy theo phụ họa. Tạm biệt! Một kiểu chào tạm biệt rất Huế. Ở một góc khán đài, người dẫn chương trình đưa khăn chặm mồ hôi rồi làm nốt phần việc cuối cùng của mình: Giã bạn. Tạm biệt các giáo đoàn Giáo tỉnh Hà Nội, tạm biệt các giáo đoàn Giáo tỉnh Sài Gòn, tạm biệt các giáo đoàn Giáo tỉnh Huế. Tạm biệt và cảm ơn cách riêng các đoàn nghệ thuật ở ba miền đất nước… Hẹn gặp nhau vào Đại hội La Vang sau – Đại hội La Vang lần thứ 27 (2005).

Tôi lật tay xem đồng hồ: 9 giờ kém. Đại hội La Vang lần thứ 26 bế mạc lúc 9 giờ kém 10 phút ngày 15-8-2002.

III. ÂM VANG ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 26.

1. La Vang, chuẩn bị Đại hội.

Tôi từ miền Nam ra, đi tiền trạm chuẩn bị cho cả đoàn sẽ ra sau, đúng vào ngày khai mạc.

La Vang những ngày này đang trong cơn hạn hán khắc nghiệt với cái nắng El Nino nẻ óc và những trận gió Lào rát mặt, nhưng mọi việc chuẩn bị cho Đại hội La Vang lần thứ 26 hình như đã tươm tất đâu vào đó.

Dấu tích chiến tranh bị đẩy dần vào quá khứ, thay vào đó một La Vang mới mẻ, đẹp hẳn ra. Lễ đài vừa được chỉnh trang với những chiếc ô vàng xanh khổng lồ hiên ngang đội trời đạp đất. Hàng trăm lều trại màu nước biển no tròn mát mắt, san sát, nhấp nhô trải dài từ khu vực Linh đài ra tận sau sườn núi, khác hẳn những lều trại dọc ngang nhếch nhác trước đây. Linh đài Mẹ cũng được chăm chút, phong rêu nhân tạo một cách nghệ thuật, gợi nhớ về truyền thuyết La Vang xa xưa.

Sẽ không còn sự đe dọa nào từ ngôi Tháp cổ bởi trước đó một năm cha Quản nhiệm đã cho trùng tu, bảo dưỡng.

Bây giờ còn sớm so với giờ khai mạc nhưng việc trang trí đã hoàn tất. Bức vẽ phóng lớn từ mẫu logo Đại hội 26 được dựng ngay chính diện, bên dưới, một hàng chữ to CÙNG MẸ RA KHƠI, chủ đề Đại hội. Xuôi từ đỉnh tháp, cờ ngũ sắc phất phới tung bay và đèn hoa được chưng kết công phu, chờ đêm khai mạc.

Lùi xa sau Tháp cổ, Quảng trường Thánh Tâm mới phục hồi năm ngoái được điểm trang lại một màu trắng tinh khiết với tượng đài Kitô Vua hoành tráng, uy nghi và hiền hậu dang tay đón con cái muôn phương về với Mẹ Ngài.

Đi tiền trạm tất phải lựa chỗ. La Vang chỗ nào cũng tốt, nhưng tốt nhất là sau đài Mẹ, vừa mát mẻ vừa dễ thông công, lại gần các tiện nghi cơ bản: nhà vệ sinh, phòng tắm… Ở với Mẹ những ba ngày, không vệ sinh tắm rửa sao được? Tôi đảo một vòng, đâu đã vào đấy. Mấy khu nhà vệ sinh, nhà tắm kiên cố hàng trăm phòng, những hồ chứa nước rửa liên tục được bơm, tràn be té hụ, những hồ chứa nước uống được đậy đằn cẩn thận, có bảo vệ trông coi. Thật quá chu đáo. Tất cả đã sẵn sàng đón khách.

2. Đậm đà sắc thái La Vang.

Xin phép không tường thuật Đại hội, việc này đã có báo chí làm rồi, chỉ xin ghi nhận những sự kiện đậm đà sắc thái La Vang.

a/ La Vang, nơi biểu dương đức tin và lòng mến.

Một giờ trưa Quảng Trị ngày 13 tháng 8, nắng như đổ lửa, sớm ba tiếng đồng hồ so với giờ khai mạc nhưng La Vang đã dày đặc người. Từ đoàn thể, họ đạo đến gia đình, cá nhân; từ ông bà sang trọng đến cháu bé chân đất, từ cụ già đến bạn trẻ… Tất cả đều tay xách nách mang vội vã đổ về Quảng trường Trung tâm, bu quanh bàn đăng ký, chen chúc trong các lều trại.

Chiều tối 13-8 và suốt ngày hôm sau, 14-8, khách hành hương tiếp tục ùn ùn đổ về La Vang, không đủ lều trại họ trải bạt ngay Quảng trường Mân Côi, nơi chỉ dành riêng cho giáo dân đứng dự lễ. Tin từ các báo đài: 350.000 người có mặt đêm vọng lễ và sáng bế mạc. 500.000 lượt người trong Tam nhật. Kỷ lục. Con số kỷ lục qua 26 kỳ Đại hội. Vượt ra ngoài khuôn khổ thông lệ, cuộc Đại hội Hành hương La Vang lần thứ 26 trở thành cuộc biểu dương đức tin và lòng mến của con cái Việt Nam đối với Đức Mẹ Maria. Cuộc biểu dương yên lặng hùng hồn!

b/ La Vang, nơi thể hiện sự hiệp thông cao độ.

Không dư không thiếu với bốn thánh lễ đồng tế trong Tam nhật do bốn Đức cha chủ tế và giảng lễ: 1/ Thánh lễ Truyền Tin khai mạc tối 13-8 – Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt. 2/ Thánh lễ Đức Bà Đi Viếng sáng 14-8 – ĐTGM GB Phạm Minh Mẫn. 3/ Thánh lễ Vọng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tối 14-8 – ĐTGM Têphanô Nguyễn Như Thể. 4/ Thánh lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời sáng 15-8 – Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa.

Ngay từ hai thánh lễ đầu, Quảng trường Mân Côi và khu vực quanh Lễ đài đã chật ních người, chen chân không lọt, nói chi đến hai thánh lễ sau với số giáo dân gần gấp đôi. Sân lễ, tứ phía trở nên quá chật hẹp, người dự lễ phải tràn ra xa, bên ngoài cổng tam quan. Trong vùng tối sáng mênh mông nửa dặm quanh Lễ đài, một rừng người chen vai, ken kín, yên lặng như tờ. Sự yên lặng mang tính hiệp thông cao độ mà ngoại trừ La Vang, hiếm thấy.

Tương tự, Đêm Diễn nguyện nhìn từ phía khán đài (Lễ đài) chỉ thấy một rừng người lô nhô. Suốt gần 4 tiếng đồng hồ (bắt đầu 20.30, kết thúc 00.10), rừng người chỉ có thể chuyển động, không thể xê dịch. Tất cả, qua các tiết mục nghệ thuật, bị cuốn hút vào bầu khí Đêm Canh thức. Xem văn nghệ mà như xem lễ, trang nghiêm, im lặng. Lại một sự yên lặng mang tính hiệp thông cao độ mà ngoại trừ La Vang, hiếm thấy.

c/ Nghệ thuật làm cân đối hài hòa hành hương và lễ hội.

Tất nhiên, chủ đích của hành hương là cầu nguyện, nhưng sẽ rất thiếu sót nếu cho rằng hành hương chỉ là để lễ lạc, kinh sách, rước kiệu… Càng thiếu sót nếu coi hành hương đơn thuần là lễ hội. Thực tế, một cuộc hành hương đúng nghĩa không thể thiếu một trong hai. Vấn đề là làm thế nào cân đối hợp lý hai đại lượng vô hình này như Đại hội La Vang 26 đã làm rất thành công.

Sẽ chán ngấy nếu đến La Vang dịp Đại hội mà không bị choáng ngợp bởi một rừng cờ, không nghe hợp xướng, không được đắm chìm trong ánh sáng lung linh huyền ảo của Linh đài, Lễ đài, Tháp cổ.

Trong Đại hội La Vang 26, hình thức lễ hội hiện diện khắp nơi: lính thú, cờ xí, liễn đối, lọng tàn, trống, kèn, trắc, cồng chiêng, thi ca, vũ, nhạc, kịch…, nhưng không lấn lướt mà chỉ đan xen, hòa quyện, vừa bổ trợ phụng vụ, vừa chấp cánh cho tâm hồn phấn chấn bay cao, ra khỏi con người trần tục, về nơi yêu thương hiệp nhất.

Vậy, hành hương là cầu nguyện đã đành, lễ hội cũng là cầu nguyện. Trong lễ có hội, hội phục vụ lễ (lễ hội), trong nguyện có diễn, diễn phục vụ nguyện (diễn nguyện). Lễ hội còn tái hiện dĩ vãng, phục hồi khung cảnh, hứng khởi lòng người, nung nấu đức tin. Nói như linh mục Anrê Đỗ Xuân Quế: “Đoàn người hành hương tới La Vang, sống trong khung cảnh, nhìn về dĩ vãng, liên tưởng đến tình trạng khốn nguy tuyệt vọng, sẽ luôn nhớ đây là Linh địa, nơi tổ tiên, cha ông mình đã được cứu thoát” (HLMC, số 76).

d/ Nghệ thuật dùng Văn hóa Nghệ thuật làm công cụ chuyển tải đạo.

Như đã nói, trong Đại hội La Vang lần thứ 26, hình thức lễ hội xuất hiện khắp nơi nhưng ấn tượng vẫn là các tiết mục nghệ thuật của các đoàn Văn hóa Nghệ thuật. Sử dụng nghệ thuật siêu đẳng như Đại hội La Vang 26 đã làm thì nghệ thuật sẽ là công cụ chuyển tải đạo lý tưởng. Đơn cử 3 tiết mục:

– Vũ khúc Thuyền về Bến Mẹ của đoàn thiếu nhi Huế, diễn tả một con thuyền ngả nghiêng trong bão tố, 25 tay chèo vẫy vùng cố sức đưa con thuyền về bến bình an. Vở diễn không cần thuyết minh, ai cũng nhận ra đó là con thuyền Giáo hội Việt Nam trong cơn sóng gió ba đào, 25 giáo phận đồng tâm hiệp lực, dưới sự chở che của Mẹ, cứu nguy Giáo hội.

– Hoạt cảnh Hạnh tích La Vang của các nữ tu Saint Paul Đà Nẵng, tái hiện lịch sử La Vang 204 năm (1798 – 2002) về trước, nơi rừng thiêng nước độc chỉ có dân nghèo an phận cuốc đất trồng khoai, tiều phu đốn củi… Nhưng nào có yên, triều đình hạ lệnh bắt đạo, giáo dân Dinh Cát bí thế chạy lên La Vang lánh nạn, đói khát, bệnh tật, cơ cực trăm bề. Trong hoàn cảnh ấy Đức Mẹ hiện ra. Cả quảng trường lặng ngắt ngất ngây! Một sự đồng cảm! Một lời bình vô giá!

– Thả bong bóng bay bế mạc. Đức TGM Huế vừa dứt lệnh Ra Khơi, hàng ngàn bong bóng bay đủ màu sắc mang theo hình những chiếc thuyền ra khơi được thả bay lơ lửng giữa bầu trời La Vang ban mai xanh tươi dịu mát. Khắp quảng trường nhất loạt “ồ” lên. Đẹp tuyệt vời! Tiếng “ồ” nhập cuộc của hàng vạn con người vừa nhận lệnh sẵn sàng Cùng Mẹ Ra Khơi. Tiếng “ồ” sảng khoái của hàng vạn con người rực tràn lửa mến vừa được thông phần đại tiệc La Vang.

e/ La Vang, nơi hội ngộ của các cộng đoàn Dân Chúa.

Nếu trong các kỳ Đại hội, Đại lễ gần đây khách hành hương dễ dàng bị thu hút bởi sự xuất hiện, qua các tiết mục trình diễn lạ lẫm, của đoàn sắc tộc miền Trung Du (K’ho, B’ru), hay bị cuốn theo nhịp cồng chiêng dập dìu của đoàn sắc tộc Tây Nguyên (Giarai, Bana, Sêđăng) thì nay, trong Đại hội La Vang 26 này, mọi người càng ngạc nhiên trố mắt với hai cộng đoàn mới đến từ miền Nam:

– Đoàn sắc tộc người Việt gốc Hoa thuộc giáo xứ Phanxicô Xaviê (nhà thờ Cha Tam), do linh mục người Hoa duy nhất ở Việt Nam Têphanô Huỳnh Trụ dẫn đầu. Họ đến không đơn thuần chỉ để tham dự mà còn để góp mặt, một sự góp mặt đầy ấn tượng với vũ điệu Thánh Mẫu Tràng Châu thuần túy nghệ thuật Trung Hoa trong Đêm Diễn nguyện đã khiến khán giả phải sững sờ.

– Đoàn sắc tộc người Chăm của nhà thờ Phan Rang do cha Cương và cộng đoàn Thừa sai Đức Mẹ phụ trách, hiên ngang sánh vai cùng đàn anh đàn chị với các tiết mục “Múa Lửa”, “Múa Nước”, “Múa Hoa” hết sức thuyết phục.

Đây là nét mới, rất thành công của Đại hội La Vang lần thứ 26 nhằm quy tụ mọi thành phần Dân Chúa Việt Nam về dưới bóng từ bi Mẹ La Vang. Đồng thời với tầm cỡ Đại hội La Vang 26 cho phép quả quyết La Vang từ nay sẽ là nơi hội ngộ lý tưởng của các cộng đoàn Dân Chúa.

f/ La Vang, dấu ấn và ơn lành của Mẹ.

Đoàn hành hương chúng tôi đa số lớn tuổi, lại nhiều người bị say xe nên vừa lên xe mặt mày tái mét, xanh như tàu lá, không biết có chịu nỗi lộ trình hơn 2000 cây số đi về? Có lẽ đó cũng là tình trạng chung của các đoàn hành hương đến từ phương xa. Nhưng rồi, ở La Vang ăn chay nằm đất, cực khổ thiếu thốn mà có ai bị gì đâu? Đi đến nơi về đến chốn bình an vô sự. Tôi đi thăm chừng những người yếu mệt, bất ngờ thấy họ đang rôm rả kể chuyện… La Vang! Thật, không thể không nghĩ đến lòng thương xót của Mẹ.

Trong Tam nhật Đại hội La Vang lần thứ 26 vừa qua, từ giờ khai mạc đến lúc bế mạc trời dịu mát lạ thường. Trưa 14-8 lại có mưa, những hạt mưa lay bay không ướt đất, chỉ đủ làm cho La Vang hết bụi. Thời tiết thật hiếm thấy ở miền Trung mùa nắng hạn. Không thể không nghĩ đến sự can thiệp của Mẹ.

Khuya 14-8, đã hai đêm canh thức bên Mẹ ai cũng mệt, tranh thủ lăn ra ngủ một tí lấy lại sức. Có lều ngủ trong lều, có chiếu nằm trên chiếu, không lều không chiếu ngủ màn trời chiếu đất, trải chiếc áo mưa, lót tấm nylon, tờ báo… Thật dễ dàng đọc được niềm hạnh phúc của ba mươi lăm vạn con người đang nằm ngồi la liệt trong Thánh địa cổ tích. Niềm hạnh phúc đơn sơ có dấu ấn của Mẹ, được sống gần Mẹ (Sống gần Mẹ lòng con hoan lạc biết bao Mẹ ơi! Sống gần Mẹ lòng con êm đềm thiết tha Mẹ ơi!).

3. La Vang, âm vang Đại hội.

a/ Tuyệt vời Đại hội La Vang 26!

Không thể diễn tả, chỉ có thể cảm nhận sự hân hoan của chúng tôi và 35 vạn con người vừa trải qua Tam nhật trong khung cảnh chan hòa yêu thương và bầu khí thánh thiện. Bế mạc Đại hội La Vang 26, đoàn hành hương chúng tôi phấn chấn trở về gia đình, hiên ngang như những chiến sĩ vừa nhận Lệnh Ra Khơi, đem Mẹ về nhà. Gặp bạn bè, người thân nói toàn chuyện La Vang. Chia sẻ Lời Chúa lấy nội dung La Vang. Tĩnh tâm đầu tháng thảo luận đề tài La Vang… Phải chăng sự thành công của Đại hội La Vang lần thứ 26 đã in dấu ấn đậm nét trong tâm trí chúng tôi? Hay đó là dấu ấn của Mẹ, tình thương của Mẹ? Nhiều người gặp gỡ, gọi điện hỏi chúng tôi về Đại hội La Vang vừa qua, chúng tôi cứ theo sự thật: Tuyệt vời! Tuyệt vời Đại hội La Vang 26!

b/ La Vang đã được nâng lên một tầm mức mới.

Ngày 2-8-2002, Bộ Phụng tự đã ký sắc lệnh số 1439/02/1 chấp thuận Thánh lễ kính Đức Mẹ La Vang bằng tiếng La Tinh và tiếng Việt. Sắp tới đây, HĐGMVN sẽ công bố sắc lệnh này đồng thời bổ sung Thánh lễ La Vang, kinh và bài đọc riêng, vào sách lễ và lịch phụng vụ trong nước. “Tương lai, có thể trong lịch Công giáo, sách lễ và phụng vụ toàn cầu cũng sẽ có phần dành riêng để kính Đức Mẹ La Vang”(5).

Như vậy, La Vang sẽ là một trong ba Trung tâm Thánh Mẫu của Giáo hội toàn cầu được hưởng đặc ân này: Lộ Đức (Pháp), Fatima (Bồ Đào Nha) và La Vang (Việt Nam). Từ nay, danh tiếng Đức Mẹ La Vang và Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang sẽ được nâng lên một tầm mức mới: Tầm mức quốc tế!

c/ Một lời cảm ơn sẽ là không khách sáo.

Thuyền về Bến Mẹ bình an. Sẽ không dư thừa và khách sáo nếu được nói lời cảm ơn.

Ba ngày Đại lễ bình yên – Cảm ơn Ban Trật tự. Hân hoan đắm mình trong rừng cờ – Cảm ơn Ban Trang trí. Quang cảnh sạch đẹp – Cảm ơn Ban Môi trường. Xài nước thoải mái – Cảm ơn Ban Vệ sinh. Thánh lễ sốt sắng – Cảm ơn Ban Phụng vụ. Òa vỡ cảm xúc – Cảm ơn Ban Diễn nguyện… Sẽ không dư thừa và khách sáo, một lời cảm ơn dành cho Ban Tổ chức về sự thành công mỹ mãn của Đại hội La Vang lần thứ 26 – Đại hội đầu tiên của thế kỷ XXI và của thiên niên kỷ thứ ba.

Chắc chắn phải có, một lời cảm ơn với lòng kính trọng đối với HĐGMVN, Người chủ trì Đại hội La Vang lần thứ 26. Cảm ơn các giáo phận trên toàn quốc về tấm lòng hào hiệp xem La Vang là công việc không phải của riêng ai. Cảm ơn Giáo phận Huế, cách riêng Đức TGM Têphanô về “nỗi lo cùng gánh nặng”.

Sau hết, không thể quên, cảm ơn 50 vạn lượt người có mặt ở La Vang ba ngày Đại lễ. Chính quý vị và tinh thần hành hương của quý vị là yếu tố quyết định đem lại sự thành công của Đại hội La Vang lần thứ 26.

Một lời cảm ơn sẽ là cần thiết và không khách sáo!

d/ Bài hát Cùng Mẹ ra khơi.

Chuẩn bị Đại hội La Vang lần thứ 26, lấy nội dung từ chủ đề Cùng Mẹ Ra Khơi, linh mục Minh Anh (Phan Văn Anh), phó xứ Phủ Cam, trưởng Ban Thánh nhạc GP Huế đã sáng tác bài hát Cùng Mẹ Ra Khơi, phổ biến rộng rãi trong Tam nhật Hành hương và đã trở thành bài hát ruột của Đại hội La Vang lần thứ 26.

Bài hát đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc, nhất là phần điệp khúc. Xin ghi lại:

Ra khơi với Mẹ La Vang,

Ra khơi với Mẹ Việt Nam.

Dù bão tố, dù phong ba, hãi chi.

Ra khơi với Mẹ La Vang,

Ra khơi với Mẹ Việt Nam.

Ngàn năm mới,

Một tương lai sáng ngời.

Hết Chương 23.

Xem tiếp Chương 24.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

(3) Trần Quang Chu: Đạo đức thánh thiện. Sốt sắng phi thường! Chúng tôi đã tham dự một kỳ Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang như thế! Đã in trong Kỷ yếu Hành hương – Đại hội La Vang 26.

(4) 1/ Đức TGM Sài Gòn GB. Phạm Minh Mẫn, 2/ Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể, 3/ ĐGM Phụ tá Hà Nội Phaolô Lê Đắc Trọng, 4/ ĐGM Phó Phan Thiết Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, 5/ ĐGM Phó Nha Trang Phaolô Nguyễn Văn Nho, 6/ ĐGM Lạng Sơn Giuse Ngô Quang Kiệt, 7/ ĐGM Bùi Chu Giuse Hoàng Văn Tiệm, 8/ ĐGM Vinh Phaolô Cao Đình Thuyên, 9/ ĐGM Đà Nẵng Phaolô Nguyễn Bình Tĩnh, 10/ ĐGM Qui Nhơn Phêrô Nguyễn Soạn, 11/ ĐGM Banmêthuột Giuse Nguyễn Tích Đức, 12/ ĐGM Đà Lạt Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, 13/ ĐGM Nha Trang, Chủ tịch HĐGMVN, Phaolô Nguyễn Văn Hòa và Đức Đan viện phụ Thiên An Têphanô Huỳnh Quang Sanh.

(5) Trích lời Lm. Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang Giuse Dương Đức Toại. Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1371, tr.23.

=> Tài liệu dạng Word, nhấn vào đây để tải Tập 5 – Chương 23 – Phần 2