Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 5 – Chương 24 – Phần 2

22/11/2021

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 5

CHƯƠNG HAI MƯƠI BỐN

HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ (Tiếp theo)

ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 27

ĐẠI HỘI THÁNH THỂ VIỆT NAM

(13-8 – 15-8-2005)

Chủ đề: Đức Maria, Người Nữ Thánh Thể.

I. HÀNH HƯƠNG LA VANG TRƯỚC ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 27(2005).

II. ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 27(14).

1. Thư chung của Tòa TGM Huế về Đại hội Thánh Thể Việt Nam 2005 – Đại hội Thánh Mẫu La Vang lần thứ 27 (13-8 – 15-8-2005).

Kính gởi: Quý linh mục, quý bề trên dòng, quý tu sĩ nam nữ, quý chủng sinh và toàn thể anh chị em giáo dân.

Trước hết, Đức cha Phụ tá và tôi xin gởi đến quý cha, quý tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và toàn thể anh chị em lời chào thân ái trong bình an và tình yêu Chúa Kitô.

Chúng ta đang hướng về Đại hội Hành hương Thánh Mẫu La Vang lần thứ 27 (từ 13-8 15-8-2005) theo định lệ ba năm một lần. Chúng ta vui mừng vì con cái Mẹ khắp nơi có cơ hội quy tụ về Thánh địa La Vang để tôn vinh Mẹ, bày tỏ lòng yêu mến Mẹ, để Mẹ đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu.

Đặc biệt niềm vui của chúng ta năm nay lại càng tràn trào và lớn lao hơn khi HĐGMVN đã quyết định tổ chức Đại hội Thánh Thể Toàn quốc hòa vào Đại hội Hành hương Thánh Mẫu La Vang Lần thứ 27 này.

Đây là một dịp thuận tiện để chúng ta đào sâu tương quan mật thiết giữa mầu nhiệm Thánh Thể và Mẹ Maria, “Người Nữ Thánh Thể”, Đó là danh xưng mà Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gọi Đức Mẹ, trong thông điệp “Giáo hội sống nhờ Thánh Thể”.

HUY HIỆU ĐẠI HỘI LA VANG 27

Chúng ta đã chọn chủ đề: “Đức Maria, Người Nữ Thánh Thể” làm đề tài cho các buổi hội thảo, học hỏi để nhờ Mẹ và cùng Mẹ, chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Giêsu Thánh Thể, theo tài liệu đã được phổ biến đến các giáo xứ và các cộng đoàn, dòng tu trong cũng như ngoài giáo phận.

Trong bức thư này, một lần nữa, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến một vài điểm quan trọng của tài liệu nói trên, và mời gọi mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn, mỗi gia đình tìm hiểu và học hỏi, để chuẩn bị tâm hồn chúng ta cho những ngày Đại hội sắp tới và gia tăng lòng yêu mến bí tích Thánh Thể cùng với Mẹ Maria.

1/ Giáo hội luôn xác tín về sự cao trọng và cần thiết của bí tích Thánh Thể. Công đồng Vaticanô II cũng đã khẳng định rõ ràng: “bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và là chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu” (LG 11). Như thế, đời sống của người Kitô hữu nói riêng và của Giáo hội nói chung phát xuất từ Thánh Thể và quy hướng về Thánh Thể.

Thật vậy, khi định nghĩa Giáo hội như là bí tích phổ quát của Ơn Cứu độ, Công đồng Vaticanô II muốn dạy rằng Giáo hội được sinh ra từ Ơn Cứu độ của Đức Kitô, được thực hiện nhờ mầu nhiệm chết và sống lại của Ngài. Giáo hội phải hoạt động cho Ơn Cứu độ ấy đến được với mọi người. Nhưng hồng ân Cứu độ ấy được hiện tại hóa trong bí tích Thánh Thể. Nói cách khác, Giáo hội lãnh nhận Ơn Cứu độ của Chúa Kitô và có nhiệm vụ hoạt động cho Ơn Cứu độ ấy đến với tất cả mọi người, nhờ bí tích Thánh Thể.

Vì thế, Giáo hội trân trọng bí tích Thánh Thể và kêu gọi mọi người tín hữu hãy sống mầu nhiệm Thánh Thể để thực hiện Ơn Cứu độ của Đức Kitô cho mình và cho tha nhân.

2/ Sống mầu nhiệm Thánh Thể là sống những chiều kích thiết yếu của bí tích này, như đã được trình bày trong tập tài liệu dành cho Đại hội Thánh Thể Việt Nam năm 2005: Đó là chiều kích Đức tin, Hy tế, Hiệp thông, Tạ ơn và Cánh chung.

Khi sống các chiều kích này đời sống người Kitô hữu được biến thành Thánh Thể, nghĩa là được kết hiệp nên một với Đức Kitô trong mầu nhiệm vượt qua có khả năng ban Ơn Cứu độ của Ngài.

3/ Đức Maria là Người Nữ Thánh Thể vì Mẹ đã sống các chiều kích của bí tích này. Mẹ đã mang tâm tình Thánh Thể, Mẹ đã liên kết với Chúa Giêsu để trở thành Thánh Thể với Con Mẹ. Do đó, Mẹ là thầy dạy chúng ta trong việc sống mầu nhiệm Thánh Thể. Mẹ dẫn chúng ta đi vào linh đạo Thánh Thể, để như Mẹ, chúng ta cũng được liên kết nên một với Chúa Giêsu Thánh Thể trong hành vi Vượt Qua của Người.

Để cụ thể hóa cho những tâm tình yêu mến bí tích Thánh Thể và tôn vinh Mẹ La Vang, xin đề nghị mỗi giáo xứ và mỗi cộng đoàn:

– Học hỏi tài liệu theo nội dung và câu hỏi đi kèm theo.

– Tổ chức giờ chầu Thánh Thể chung, ít là mỗi tuần một lần.

– Lễ Mình Thánh Chúa năm nay (29-5-2005) tổ chức rước kiệu Thánh Thể hoặc một hình thức tôn thờ Thánh Thể đặc biệt hơn mọi năm.

– Siêng năng và sốt sắng rước lễ, viếng Mình Thánh Chúa và lần hạt Mân Côi để cầu nguyện cho Đại hội La Vang lần thứ 27 (2005).

– Mỗi ngày, sau thánh lễ, sau giờ kinh chung, hát bài “Lạy Đức Mẹ La Vang” của cha JM. Nguyễn Văn Thích.

Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ La Vang chúc lành cho Đại hội và cho tất cả chúng ta.

Huế, ngày 10 tháng 5 năm 2005.

Têphanô Nguyễn Như Thể, TGM GP Huế.

Lê Văn Hồng, GM Phụ tá GP Huế.

2. Tam nhật Đại hội La Vang lần thứ 27.

THỨ BẢY 13-8-2005 – NGÀY KHAI MẠC

Lễ khai mạc diễn ra lúc 16 giờ ngày 13-8-2005 tại Lễ đài.

+ Diễn văn khai mạc.

Diễn văn khai mạc của Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể:

“Thể theo quyết định của HĐGMVN, Đại hội Hành hương Thánh Mẫu La Vang lần thứ 27 này cũng là Đại hội Thánh Thể Toàn quốc 2005, với chủ đề: ‘Đức Maria, Người Nữ Thánh Thể’.

THÁP CỔ TRONG ĐẠI HỘI LA VANG 27

(Ảnh: Ban Thông tin Đại hội La Vang 27)

Một Đại hội Thánh Thể của Giáo hội Việt Nam ngay giữa lòng Đại hội Thánh Mẫu La Vang trong năm Thánh Thể của Giáo hội toàn cầu…

Cộng đoàn hành hương hôm nay cũng đến bên Mẹ La Vang, xin Mẹ dạy chúng ta biết nghiêng mình cùng Mẹ cung chiêm mầu nhiệm Thánh Thể cao cả, vì như lời ĐTC Gioan Phaolô II đã nói: ‘Khi quay hướng về Mẹ, chúng ta biết được sức mạnh của bí tích Thánh Thể làm biến đổi con người chúng ta. Trong Mẹ, chúng ta nhìn thấy thế giới được canh tân trong tình yêu’ (Thông điệp Hội Thánh sống nhờ Thánh Thể, số 62).

Nhân danh HĐGMVN, tôi long trọng tuyên bố khai mạc Đại hội Thánh Thể Việt Nam 2005 và Đại hội Hành hương Thánh Mẫu La Vang lần thứ 27”.

RƯỚC CỜ VÀ BIỂU TƯỢNG 25 GIÁO PHẬN

(Ảnh: Ban Thông tin Đại hội La Vang 27)

+ Sứ điệp và Phép lành của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, qua ĐHY Sodano, Quốc Vụ khanh Toà Thánh, gởi Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể, nhân dịp Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 27 (13-8 – 15-8-2005).

ĐGM Phụ tá TGP Huế PX. Lê Văn Hồng tuyên đọc sứ điệp và Phép lành của ĐTC Bênêđictô XVI gởi Đức TGM Huế, qua ĐHY Sodano, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Thư Phủ Quốc Vụ khanh Tòa Thánh:

Kính gửi: Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế.

Trọng kính Đức cha, 

Nhân dịp Đại hội Hành hương Tam niên lần thứ 27 và Đại hội Thánh Thể Toàn quốc diễn ra tại Đền thánh Đức Mẹ La Vang, Đức Thánh cha Bênêđictô XVI chung lời cầu nguyện với các tín hữu Tổng Giáo phận Huế đang hiệp một lòng một ý với Đức cha, và chung lời cầu nguyện với các thành phần Dân Chúa từ mọi miền đất nước Việt Nam đang tề tựu về Đền thánh này để tỏ lòng tôn kính Đức Trinh Nữ Maria.

Trong Năm Thánh Thể này, Hàng Giám mục Việt Nam đã muốn rằng Đại hội Hành hương La Vang cũng là dịp cử hành Đại hội Thánh Thể Toàn quốc với chủ đề “Đức Maria, Người Nữ Thánh Thể” (Thông điệp Giáo hội sống nhờ Thánh Thể, số 53). Vì thế Đức Thánh cha hết lòng ước mong rằng các tín hữu, khi thụ giáo nơi trường học của Mẹ, luôn được thêm dồi dào lòng ngưỡng vọng đối với bí tích cực trọng này, và luôn được cảm nghiệm rằng tham dự thánh lễ hằng ngày, đặc biệt thánh lễ Chúa nhật, là niềm vui và là nhu cầu của mình. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria hằng gìn giữ các môn đệ của Con Chí Thánh Mẹ được luôn kiên vững trong đức tin, giữa những vui mừng và những thử thách trong cuộc sống hằng ngày, và ước gì Mẹ giúp họ trở thành những chứng nhân đích thực của Đấng đã trở nên Tôi Tớ giữa anh em mình, Đấng mà họ lãnh nhận Mình và Máu Thánh Người khi rước lễ.

Tin tưởng vào lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ La Vang, Đấng bảo trợ Giáo hội Việt Nam, Đức Thánh cha rộng lòng ban Phép lành Tòa Thánh đặc biệt cho các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và hết thảy giáo dân hiện diện trong dịp lễ này.

Tôi vui mừng kính chuyển sứ điệp trên đây của Đức Thánh cha đến với Đức cha. Xin Đức cha nhận nơi đây lòng quý mến và tận tâm của tôi.

Hồng Y SODANO

Quốc Vụ khanh Tòa Thánh.

+ Thánh lễ khai mạc – Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.

Thánh lễ khai mạc chiều thứ bảy 13-8-2005 do Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể chủ tế. Cùng đồng tế có Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt (Hà Nội), và các ĐGM Phaolô Cao Đình Thuyên (Vinh), Giuse Trần Xuân Tiếu (Long Xuyên), Giuse Vũ Duy Thống (Phụ tá Sài Gòn), PX. Lê Văn Hồng (Phụ tá Huế), cha Đan Viện phụ Thiên An Têphanô Huỳnh Quang Sanh và 126 linh mục.

Thành phần tham dự gồm đông đảo tu sĩ nam nữ, các thầy Đại Chủng viện, nhiều đoàn thể và khoảng 300.000 giáo dân đến từ 25 giáo phận trong cả nước.

Trong bài giảng lễ, Đức TGM Têphanô đã quy hướng nội dung theo chủ đề Đại hội:

– Thánh Thể là bí tích Tình yêu.

“Bí tích Thánh Thể chính là bánh từ trời đích thực, cũng sẽ bổ sức cho chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế…

Tiếp nhận tình yêu Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể mà không biến đổi đời mình thành tình yêu thì chúng ta đã làm cho ân huệ Thiên Chúa ra vô hiệu (x. 2 Cr 6, 2)”.

– Đức Maria là Người Nữ Thánh Thể.

“Trong thông điệp ‘Hội Thánh sống nhờ Thánh Thể’, ĐTC Gioan Phaolô II đã viết:

‘Trong tất cả cuộc sống của Mẹ, Đức Maria là Người Nữ Thánh Thể’ (Ecclesia de Eucharistia, 53). Trong câu trước đó ngài cũng nói rằng mối liên hệ giữa Đức Maria và bí tích Thánh Thể căn cứ vào thái độ nội tâm của Mẹ. Qua đó chúng ta có thể khẳng định rằng Đức Maria là một người phụ nữ thấm nhuần tinh thần Thánh Thể: Mẹ là Người Nữ đầy tính Thánh Thể. Phẩm chất Thánh Thể này được biểu lộ qua thái độ tin yêu, dâng hiến, hiệp thông và tạ ơn. Vì thế, không ai có đủ tư cách và uy thế bằng Mẹ trong việc dạy dỗ chúng ta sống mầu nhiệm Thánh Thể”.

– Thánh Thể là mầu nhiệm Đức tin.

“Đức Maria là Người Nữ đã tin vào Thiên Chúa: Mẹ tin rằng Người Con mà Mẹ đang cưu mang trong cung lòng trinh khiết của Mẹ là chính Con Thiên Chúa”.

– Thánh Thể là mầu nhiệm Hy tế.

“Đức Maria đã sống tinh thần Hy tế Thánh Thể một cách âm thầm dai dẳng. Và khi biến cố đau thương diễn ra trước mắt Mẹ, thì Mẹ đã liên kết với Con Mẹ một cách trọn vẹn, xứng danh là Đấng Hiệp Công Cứu Chuộc”.

– Thánh Thể là Hy lễ Tạ ơn.

“Mẹ đã dâng cả cuộc sống để tạ ơn Chúa. Mẹ đã biến đổi đời mình thành Hy lễ Tạ ơn. Mẹ là Người Nữ đầu tiên đã cảm nghiệm những việc kỳ diệu mà Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu rỗi. Mẹ đã hát lên bài ca tri ân đối với những kỳ công mà Chúa đã làm cho Mẹ, cho dân tộc Mẹ và cho các thế hệ đến muôn đời. Mẹ không chỉ hát bằng lời mà còn bằng cả cuộc sống dâng hiến của Mẹ nữa”.

– Cùng Mẹ Maria, chúng ta tôn thờ Thánh Thể và sống mầu nhiệm Thánh Thể.

“Đức Maria là Người Nữ Thánh Thể: Con người và cuộc sống của Mẹ đầy tính Thánh Thể, vì thế mái trường của Mẹ là một trường học chia sẻ kinh nghiệm sống. Đến học với Mẹ La Vang trong những ngày này, chúng ta noi gương Mẹ để tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể và để biến đổi đời mình trở thành Thánh Thể, bằng một cuộc sống ngợi khen, tạ ơn, dâng hiến và hiệp thông…

Lạy Mẹ Maria La Vang, xin Mẹ dạy chúng con biết sống mầu nhiệm Thánh Thể như Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng con biến đổi đời mình thành Thánh Thể như Mẹ, biết sống tin tưởng sâu xa, hy sinh dâng mình, hiệp thông chia sẻ, yêu thương phục vụ và ngợi khen tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Amen”.

THÁNH LỄ KHAI MẠC ĐẠI HỘI LA VANG 27

(Ảnh: Tb Công giáo và Dân tộc. Số 1521, th.8-2005. Bìa 1)

+ Rước kiệu Thánh Thể.

Từ 19 giờ, bắt đầu cuộc rước kiệu cung nghinh Thánh Thể, kéo dài gần hai tiếng đồng hồ, với quãng đường khoảng 2 km, khởi từ Linh đài Đức Mẹ vòng ra cánh phải Quảng trường Mân Côi, vòng vào cổng cuối Quảng trường rồi đi lên Lễ đài.

Đoàn rước gồm 100 em thiếu nhi trong trang phục thiên thần, trong đó có 25 em ngồi trên xe kiệu, tượng trưng cho 25 giáo phận Việt Nam, ôm mô hình bánh thánh.

Dễ dàng nhận thấy trong đoàn kiệu có các Đức Giám mục, các linh mục, tu sĩ và hàng vạn giáo dân, mỗi người tay cầm nến sáng, di động tạo thành một con rồng lửa giữa màn đêm.

Mặt nhật Thánh Thể được di chuyển từng đoạn ngắn rồi dừng lại cho giáo dân chiêm ngưỡng, tôn thờ.

Về đến Lễ đài, Mặt nhật Thánh Thể được đặt ngay chính diện, trên cao, các thiên thần vây quanh dâng hương và hoa. Tất cả mọi người quỳ gối thờ lạy. Một linh mục hướng dẫn cộng đoàn suy niệm, kêu gọi mỗi người hãy trở nên như tấm bánh bẻ ra cho mọi người.

Sau Phép lành Mình Thánh Chúa, Mặt nhật Thánh Thể được rước vào nhà nguyện. Tại đây, các nữ tu hướng dẫn giáo dân chầu Thánh Thể suốt đêm.

CHÚA NHẬT 14-8-2005

+ Thánh lễ sáng Chúa nhật

Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, TGP Hà Nội, chủ tế Thánh lễ Chúa nhật vào lúc 5 giờ sáng. Cùng đồng tế, ngoài các vị đã có mặt hôm qua, nay có thêm các Đức cha: Micae Hoàng Đức Oanh (Kontum), Giuse Vũ Văn Thiên (Hải Phòng), Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (Đà Lạt), Phêrô Trần Đình Tứ (Phú Cường), Phaolô Bùi Văn Đọc (Mỹ Tho), cùng khoảng 150 linh mục và hơn 300.000 tu sĩ, giáo dân tham dự.

Đức cha chủ tế giảng lễ với đề tài: “Tin yêu sống bí tích Thánh Thể theo gương Đức Mẹ”.

Sau bài chia sẻ về đoạn Tin Mừng “Đức Giêsu chữa con gái người đàn bà Ca-na-an” (Mt 15, 21-23), Đức TGM chủ tế đúc kết:

“Người phụ nữ ngoại đạo này là một bà mẹ hiền, vì thương con đói khổ nên bà đã lặn lội đi tìm tấm bánh về nuôi con. Thiên Chúa đã ban cho bà và con gái của bà được đồng bàn với con cái Chúa. Chúa đã ban cho bà tấm bánh hạnh phúc, đó chính là tấm bánh cứu độ…

THÁNH LỄ SÁNG 14-8-2005 TẠI LỄ ĐÀI

(Ảnh: Trần Quang Chu, 2005)

Đức Maria là người mẹ hiền. Vì thương yêu chúng ta cho nên Đức Mẹ cũng lặn lội đi tìm cho ta tấm bánh hạnh phúc. Mẹ đã trao ban cho chúng ta tấm bánh cứu độ. Đó là chính Chúa Giêsu…

Mẹ La Vang không ngừng yêu thương, giúp người lương dân và ban ơn cho tất cả những người đang chạy đến kêu cầu cùng Mẹ…

Đức Mẹ cũng là thầy dạy về bí tích Thánh Thể cách tuyệt hảo. Chính vì thế cho nên ĐTC Gioan Phaolô II đã khuyên ta hãy đến học nơi trường của Đức Maria, Người Nữ Thánh Thể.

ĐOÀN CÁC LINH MỤC VÀ TÍN HỮU THÁI LAN THAM DỰ ĐẠI HỘI LA VANG 27

(Ảnh: Tb.Công giáo và Dân tộc. Sô1521, th.8-2005. Bìa 1)

Hôm nay, tụ họp đông đảo về đây, chúng ta hãy tạ ơn Mẹ La Vang đã ban cho chúng ta tấm bánh hạnh phúc là Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy xin Mẹ dạy cho chúng ta biết sống bí tích Thánh Thể trong đời mình, và chúng ta cũng thấy Con Đức Mẹ đem bánh Thánh Thể đi đến khắp các nẻo đường, nơi chúng ta đi tới, nơi chúng ta gặp gỡ để ban ơn cứu độ cho mọi người.

Quy tụ tất cả mọi người về bàn tiệc của Chúa, hôm nay Chúa Giêsu cũng đã cho phép người phụ nữ Ca-na được đồng bàn trong việc làm người con cái Chúa.

Lạy Mẹ La Vang, xin giúp chúng con biết sống bí tích Thánh Thể, để múc được tận nguồn Ơn Cứu độ.

Xin Mẹ nhậm lời chúng con. Amen”.

+ Chầu Mình Thánh Chúa luân phiên tại Lễ đài.

Sau thánh lễ sáng, khoảng 7 giờ, Mình Thánh Chúa được đặt vào hào quang mặt nhật, đặt trên Lễ đài. Cộng đoàn Dân Chúa luân phiên chầu Thánh Thể, theo hướng dẫn của các Đức Giám mục, với các chủ đề:

– Mầu nhiệm Vui: Ánh sao bên trời đông.

– Mầu nhiệm Thương: Từ kinh nghiệm vượt qua của Thiên Chúa…

– Mầu nhiệm Sáng: Chúa Giêsu nhập cuộc, rao giảng.

– Mầu nhiệm Mừng: Chúng tôi thấy và chúng tôi tin.

 Và những chủ đề khác:

– Thánh Thể – Quà tặng làm tin.

– Chuỗi Mân Côi – Ân sủng và bình an.

– Đức Maria – Trinh Nữ Thánh Thể.

+ Thánh lễ chiều Chúa nhật – Lễ Vọng Đức Maria Hồn Xác Lên Trời.

ĐGM Phụ tá TGP Sài Gòn Giuse Vũ Duy Thống chủ tế thánh lễ đồng tế – Thánh lễ Vọng Đức Maria Hồn Xác Lên Trời. Cùng đồng tế, có 16 vị TGM và GM. Ngoài các vị đã đồng tế trong thánh lễ sáng, còn có thêm ĐGM Hưng Hóa Antôn Vũ Huy Chương, hai ĐGM Chính và Phụ tá Xuân Lộc Tôma Nguyễn Văn Trâm và Đa Minh Nguyễn Chu Trinh. Các Đan Viện phụ và khoảng 230 linh mục. Số giáo dân tham dự trên 300.000 người.

Đức cha chủ tế giảng lễ, với đề tài: “Người Nữ Hạnh Phúc”.

– Đức Maria hạnh phúc trước hết vì đã cưu mang Con Thiên Chúa làm người.

“Trong kinh nguyện, nhất là trong kinh Mân Côi, Giáo hội không ngớt lập đi lập lại danh xưng hạnh phúc này. Lời kinh Kính Mừng là để tôn vinh Mẹ đã hân hạnh cung cấp chất liệu xác thân cho Con Thiên Chúa đồng hành cứu độ nhân loại trong kiếp phận làm người, nhưng cũng để tôn vinh Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương đổ đầy hồng phúc trên “người thiếu nữ Sion”, và tuyển chọn thiếu nữ ấy làm Mẹ Thiên Chúa. Mẹ Maria là Mẹ hạnh phúc vì trước hết đã là Mẹ đón nhận hồng phúc, được tuyển chọn để cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và làm Mẹ Đấng Cứu Thế, là Mẹ Thiên Chúa”.

– Đức Maria còn hạnh phúc hơn vì đã lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa.

“Tiếng ‘Fiat’ vắn gọn đã một lần vang lên trong buổi Truyền Tin, sẽ ngàn lần vọng lại trong mọi biến cố cuộc sống của Mẹ bên cạnh Đấng Cứu Thế, từ tiếng hát reo vui đêm Giáng sinh đến những phút thê lương chiều Tử nạn. Và nếu được phép diễn tả xa hơn về mầu nhiệm Đức Maria, thì tiếng ‘Fiat’ gắn liền trọn vẹn vận mạng cuộc đời Đức Mẹ với vận mạng của Con Mẹ là Chúa Giêsu Kitô”.

– Hạnh phúc của Đức Maria cho hạnh phúc của tín hữu chúng ta.

“Mẹ Maria không chỉ dẫn đường chỉ lối hạnh phúc mà còn luôn sẵn sàng đỡ nâng, trợ giúp bất cứ ai tìm đến với Mẹ. Đời sống Kitô hữu với những công việc tẻ nhạt lập đi lập lại sáng trưa chiều tối, nhưng nếu chịu khó làm theo hướng dẫn của Mẹ, những tẻ nhạt ấy sẽ biến thành chất liệu để có được phép lạ là hạnh phúc lớn gấp nhiều lần.

Tại Thánh địa La Vang này, Đức Maria còn xuất hiện với con dân Việt Nam như là Thánh Mẫu với tấm lòng ban ơn cứu giúp… Năm 1798, khi hiện ra nơi đây, Mẹ đã dặn dò: “Từ nay về sau, hễ ai đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”.

Tóm lại, Đức Maria là Người Nữ hạnh phúc vì được cưu mang con Thiên Chúa làm người, vì biết cưu mang Lời Chúa, và một cách tâm tình, cũng vì Mẹ sẵn sàng cưu mang hạnh phúc của mỗi chúng ta.

+ Đêm Diễn nguyện. Tối 14-8-2005.

Thánh lễ Vọng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời vừa kết thúc, mọi người vội ăn uống để kịp tham dự Đêm Diễn nguyện, bắt đầu lúc 20 giờ. Đúng là một rừng người dưới ngọn Tháp cổ còn ghi dấu thương đau của những ngày tháng Việt Nam đầy bom đạn.

Mở đầu buổi diễn nguyện, một nghệ sĩ diễn ngâm giọng Huế bài thơ “Bí tích Thánh Thể”:

Ôi Thánh Thể thật cao vời khôn sánh,

Con bái thờ Mình Thánh Chúa Kitô…

– Các nữ tu dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng gây xúc động với hoạt cảnh “Sự tích Đức Mẹ La Vang”, tái hiện thảm cảnh bắt đạo thời vua Cảnh Thịnh đến khi Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.

Các tiết mục tiếp theo:

“Đức Maria, Người Nữ Thánh Thể” – Tiết mục của Hội dòng MTG Gò Vấp, TGP Sài Gòn.

“Thúng bột không vơi, thùng dầu không cạn” – Vũ khúc của Giới trẻ giáo xứ Vinh Sơn, TGP Sài Gòn.

– Hoạt cảnh “Ông Thoàn và 29 giáo dân La Vang bị thiêu sát” trên nền nhà thờ tranh La Vang…

– Nhiều tiết mục khác do các giáo xứ và các hội dòng trình diễn để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem.

– Xen lẫn giữa các tiết mục, Ban Tổ chức giới thiệu chứng từ thứ nhất: Chứng nhân Trần Thị Kim The, Giáo phận Kontum, được ơn lạ Đức Mẹ La Vang chữa khỏi quỷ ám.

Chính tại nơi đây, đêm nay, đông đảo những người con của Mẹ đồng thanh vang vọng: “Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian…”.

LỄ ĐÀI TRONG ĐÊM DIỄN NGUYỆN 14-8-2005 (H.1)

HOẠT CẢNH “THÚNG BỘT KHÔNG VƠI, THÙNG DẦU KHÔNG CẠN” (H.2)

CỘNG ĐOÀN HÀNH HƯƠNG THAM DỰ ĐÊM DIỄN NGUYỆN14-8-2005 (H.3)

(Ảnh 1+2+3: Ban Thông tin Đại hội La Vang 27)

THỨ HAI 15-8-2005, NGÀY BẾ MẠC

+ Thánh lễ mừng kính Đức Maria Hồn Xác Lên Trời – Thánh lễ bế mạc.

4 giờ 30 sáng, chuẩn bị rước đoàn đồng tế lên Lễ đài. Đúng 5 giờ, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, GM Nha Trang, Chủ tịch HĐGMVN chủ tế. Cùng đồng tế có 16 vị TGM, GM, hơn 300 linh mục dòng, triều, đến từ khắp nơi trên mọi miền đất nước và hải ngoại. Số giáo dân tham dự đạt con số kỷ lục: khoảng 500.000 người.

Trước khi thánh lễ bắt đầu, Đức cha Phó GP Cần Thơ Têphanô Tri Bửu Thiên công bố sứ điệp của ĐTC Bênêđictô XVI gởi Đức TGM Huế, qua ĐHY Sodano, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, để khuyến khích tín hữu Việt Nam yêu mến và tôn sùng bí tích Thánh Thể, noi gương Mẹ Maria, Người Nữ Thánh Thể, và ban Phép lành Tòa Thánh đặc biệt cho các Giám mục, Linh mục, tu sĩ nam nữ và mọi giáo dân hiện diện trong Đại hội này.

Đức cha chủ tế giảng lễ (trích đoạn lời chia sẻ):

“Chúng ta từ các giáo phận trong nước cũng như nước ngoài hành hương về Linh đia La Vang để tham dự Đại hội Thánh Thể Việt Nam năm 2005, Đại hội Thánh Mẫu La Vang lần thứ 27, và hôm nay long trọng mừng kính Lễ Đức Mẹ khải hoàn Hồn Xác Lên Trời.

Như Đức Mẹ đã tin rằng Đấng mà Mẹ cưu mang “nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Lc 1, 35) là Con Thiên Chúa, thì chúng ta cũng tin rằng trong mầu nhiệm Thánh Thể có chính Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và Con Đức Maria đang hiện diện dưới hình bánh rượu”.

– Mẹ Maria là gương mẫu cho việc đem Chúa tới cho người khác.

“Trong khi mang thai Ngôi Lời làm người, Đức Maria đã đi thăm bà Elizabeth. Dù Chúa Giêsu chưa sinh ra nhưng đã chiếu tỏa ánh sáng và sức mạnh qua cái nhìn và lời chào của Đức Maria. Khi rước lễ, chúng ta có Chúa trong lòng, hãy đem Chúa đến với người xung quanh. Lời nói và việc làm của chúng ta hãy phản ánh sức sống và tình yêu Chúa nơi những người mà chúng ta tiếp xúc”.

– Mẹ là gương mẫu về tâm tình ngợi khen và tạ ơn.

“Có Chúa Giêsu trong lòng, Đức Mẹ ca tụng: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả” (c. 49). Ngài liền cất tiếng ngơi khen và cảm tạ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa và lòng trí tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (c. 46-47).

Chúng ta hãy nhận biết các ơn cao cả mà Đấng Toàn Năng đã làm cho chúng ta khi được Chúa Giêsu Thánh Thể ngự trong lòng. Chúng ta hãy dùng chính tâm tình của Đức Maria đã diễn tả trong bài ca “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” mà ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa.

CỘNG ĐOÀN THAM DỰ THÁNH LỄ BẾ MẠC ĐẠI HỘI LA VANG 27 (15-8-2005)

(Ảnh: Tb.Công giáo và Dân tộc. Số 1521, th.8-2005. Bìa 1)

Mẹ quả thật là Người Nữ Thánh Thể, mà Thánh Thể là bảo chứng của bàn tiệc Nước Trời, nên Đức Mẹ đã được tham dự bàn tiệc này, khi hồn xác Mẹ lên trời.

Chúng ta hãy nuôi mình bằng Đức Kitô Thánh Thể, để Ngài bảo đảm cho chúng ta bàn tiệc Thiên Quốc”.

+ Rước kiệu Đức Mẹ.

Sau thánh lễ bế mạc, khoảng 7 giờ 20 sáng, bắt đầu cuộc rước kiệu Đức Mẹ, do Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, GM Long Xuyên chủ sự.

Mở đầu cuộc rước kiệu là đại vũ hướng về Phép Thánh Thể, với hai phần: “Thánh Thể – Suối nguồn Cứu độ” và “Thánh Thể – Suối nguồn Yêu thương”, do dòng MTG Huế trình diễn.

RƯỚC KIỆU ĐỨC MẸ SÁNG 15-8-2005

(Ảnh: Ban Thông tin Đại hội La Vang 27)

Các ĐGM, các linh mục, tu sĩ nam nữ và các đoàn thể đi trước bàn kiệu Đức Mẹ La Vang. Sau bàn kiệu là đoàn giáo dân hành hương. Không ai bảo ai, mỗi người tự động trật tự đi vào hàng ngũ.

Đoàn kiệu về tại Lễ đài lúc 8 giờ 30 và bắt đầu nghi lễ tôn vinh Mẹ. Ba hồi chiêng trống vang lên, Đức cha chủ sự dâng hương rồi xướng kinh Thánh Mẫu La Vang. Gần nửa triệu người quy hướng về Mẹ, hợp lòng, hợp tiếng đọc kinh tung hô, cầu khẩn Mẹ.

3. Tâm tình về Đại hội La Vang lần thứ 27.

Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, GM Quy Nhơn, Tổng Thư ký HĐGMVN, chia sẻ tâm tình về Đại hội La Vang lần thứ 27:

“Hôm nay là lần thứ 27, Giáo hội Công giáo chúng ta mở Đại hội La Vang.

Cứ ba năm một lần, các con cái của Mẹ từ khắp nơi trên đất nước và ngay cả từ hải ngoại, long trọng nhóm họp tại đây. Mọi người cảm thấy mình đang ở nhà mình, về với Mẹ thân yêu của mình, bất chấp mọi trở ngại, mặc cho trời mưa hay trời nắng, không quản ngại đường sá xa xuôi, hiểm nguy rình rập… Thật đúng như ca dao Việt Nam miêu tả: ‘Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua’.

Trong những ngày kỳ diệu vừa qua, chúng ta ai cũng phấn khởi vui mừng, tràn ngập niềm trông cậy dưới sự chở che đầy tình hiền mẫu của Đức Mẹ La Vang. Bắc Trung Nam chia nhau đảm nhiệm những tiết mục để tôn vinh Mẹ, tỏ lòng yêu mến Mẹ. Những thánh lễ sốt sắng dâng lên, những buổi chầu Mình Thánh Chúa trang nghiêm, đạo đức, sốt sắng kết hợp hài hòa giữa lòng sùng kính Thánh Thể với lòng hiếu thảo đối với Đức Mẹ, tạo nên một bầu khí đầm ấm, đậm đà tình Cha, chan hòa nghĩa Mẹ, thiết tha tình con cái trong đại gia đình Thánh Mẫu. Qua Mẹ đến với Chúa Giêsu, Mẹ đã nêu gương tuyệt vời cho chúng ta biết tôn kính như thế nào cho phải đạo.

Xin hết lòng tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban muôn ơn cho chúng ta suốt ba ngày Đại hội vừa qua.

Xin cám ơn Mẹ Maria, linh hồn của Đại hội.

Xin cám ơn tất cả mọi thành phần Dân Chúa đã góp phần trong sự thành công rực rỡ của Đại hội, làm vinh danh Mẹ Maria và làm dấu chứng đức tin sáng ngời cho đạo Chúa.

Mến chúc tất cả ra về trong hân hoan dưới sự phù giúp của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh và là Mẹ thân thiết nhất của tất cả mọi người chúng ta”.

4. Tổng kết Đại hội La Vang lần thứ 27.

“Trong 3 ngày Đại hội, quy tụ về bên Mẹ La Vang có 18 vị TGM và GM(15),300 linh mục triều và dòng, trong số này có 1 linh mục Trung Quốc và 4 linh mục Thái Lan, hàng ngàn tu sĩ nam nữ và chủng sinh, số giáo dân khoảng nửa triệu người, đủ mọi đoàn thể và thuộc nhiều sắc tộc, có cả Trung Quốc và Thái Lan”(16).

Cũng cần nói đến một nét đẹp trong Đại hội La Vang lần thứ 27 này, đó là nét đẹp hội nhập văn hóa trong mọi nghi thức và thánh lễ. Lễ đài được thiết kế như đàn tế trời, tiếng cồng chiêng, tiếng trống, tiếng trắc nghe quen thuộc như lễ hội dân gian, đoàn dâng lễ trong trang phục truyền thống như lễ hội cung đình, và cả những giai điệu thánh ca cũng đậm chất dân ca, qua sự hòa tấu của của dàn nhạc dân tộc và ca đoàn liên tu sĩ TGP Huế.

Đại hội thành công tốt đẹp về mọi mặt.

Hết Chương 24.

Xem tiếp Chương 25.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –  – – – – – – – – – –

(14) Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang (chủ biên): Nội san Sống Tin Mừng. Số 61, th.8-2005.

(15) 1/ Têphanô Nguyễn Như Thể (Huế). 2/ Giuse Ngô Quang Kiệt (Hà Nội), 3/ Phaolô Cao Đình Thuyên (Vinh), 4/ Giuse Trần Xuân Tiếu (Long Xuyên), 5/ Giuse Vũ Duy Thống (Phụ tá Sài Gòn), 6/ PX. Lê Văn Hồng (Phụ tá Huế), 7/ Micae Hoàng Đức Oanh (Kontum), 8/ Giuse Vũ Văn Thiên (Hải Phòng), 9/ Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (Đà Lạt), 10/ Phêrô Trần Đình Tứ (Phú Cường), 11/ Phaolô Bùi Văn Đọc (Mỹ Tho), 12/ Tôma Nguyễn Văn Trâm (Xuân Lộc), 13/ Đa Minh Nguyễn Chu Trinh (Phụ tá Xuân Lộc), 14/Antôn Vũ Huy Chương (Hưng Hóa), 15/ Têphanô Tri Bửu Thiên (Phụ tá Cần Thơ), 16/ Phêrô Nguyễn Soạn (Quy Nhơn), 17/ Phaolô Nguyễn Văn Hòa (Nha Trang), 18/ Giuse Nguyễn Văn Yến (Phát Diệm) và Đan Viện phụ Thiên An Têphanô Huỳnh Quang Sanh.

(16) Lời cha Giuse Dương Đức Toại, quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang, phát biểu trước lễ bế mạc.

=> Tài liệu dạng Word, nhấn vào đây để tải Tập 5 – Chương 24 – Phần 2