Tập sách Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang – Chương 5 – Phần 2

26/03/2023

TRẦN QUANG CHU

(Biên soạn)

 

TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG

 

KỶ NIỆM ĐẠI HỘI LA VANG

LẦN THỨ 27 (2005)

CẬP NHẬT ĐẾN ĐÌNH HOÃN ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 32 (2020, 2021)

 

CHƯƠNG NĂM

LỊCH SỬ THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG

I. GIAI ĐOẠN 1900 – 1963: THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG – NỮ VƯƠNG CHIẾN THẮNG.

II. GIAI ĐOẠN 1963 – 1972: THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG – ĐỨC MẸ BAN ƠN (ĐỨC MẸ LA VANG BAN ƠN).

III. GIAI ĐOẠN 1973 – 1998: TRỞ LẠI THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG – NỮ VƯƠNG CHIẾN THẮNG

IV. GIAI ĐOẠN TỪ 1998 ĐẾN 2011: THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG NÉT VIỆT NAM.

Từ năm 1998 đến 2021, có 5 thánh tượng Đức Mẹ La Vang chính thức được tôn kính tại La Vang. Đó là 5 thánh tượng Đức Mẹ La Vang nét Việt Nam, một trong nhà nguyện và 4 tại Linh đài.

1. Thánh tượng Đức Mẹ La Vang nét Việt Nam trong nhà nguyện.

a/ Ý nghĩa, kiểu dáng:

Nhân dịp Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, trong cuộc họp ngày 24-2-1998 tại Hà Nội, Ban Thường vụ HĐGMVN nhận thấy rằng:

+ Tượng ảnh Đức Mẹ La Vang bấy lâu nay cung kính tại Thánh địa La Vang là theo mẫu tượng Đức Bà Chiến Thắng (Notre Dame des Victoires) tại Paris, Pháp.

+ Một số nơi lại làm thêm nhiều mẫu tượng Đức Mẹ La Vang khác nhau, khiến tín hữu cảm thấy không an lòng.

+ Nên chọn một mẫu tượng Đức Mẹ La Vang do Việt Nam sáng tác diễn tả Đức Mẹ La Vang vừa là Người Mẹ Từ Ái vừa là Nữ Vương Uy Linh.

+ Sau khi thận trọng so sánh, cân nhắc, Ban Thường vụ HĐGMVN đã chọn mẫu tượng của họa sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân, Hoa Kỳ, làm thánh tượng Đức Mẹ La Vang chính thức kể từ ngày 1-8-1998.

+ Thánh tượng Đức Mẹ La Vang kiểu mới được diễn tả như sau:

 “Đức Mẹ từ ái vận trang phục hoàng hậu, áo trong trắng ngà, áo ngoài xanh thiên thanh viền vàng, tương ứng với đôi hài màu vàng nhạt. Vương miện diễn tả Đức Maria vừa là Người Mẹ nhân từ vừa là Nữ Vương uy linh. Mẹ bồng Chúa Giêsu Hài Đồng trên tay, đầu Mẹ hơi ngả về phía Con, người Con hơi  nghiêng về  phía Mẹ, diễn tả hai Mẹ Con tâm đầu ý hợp đoái nhìn xuống đoàn con dưới thế. Chúa Giêsu Hài Đồng uy nghi trong bộ áo màu hồng, trước ngực có vòng tròn vàng lồng trong hai chữ ALPHA và OMÊGA (Ta là khởi thủy và là tận cùng). Trong tư thế của Chúa Tình Thương tuyệt hảo, tay trái Chúa chỉ lên Thánh Tâm đầy thương xót của Người. Vì Mẹ La Vang đã nhận lời nên Chúa đưa tay ban phép lành cho con cái Việt Nam và những ai tín thác nơi Người”(6).

BÚT TỰ CỦA ĐTGM TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ

b/ Nguồn gốc(7):

Thánh tượng Đức Mẹ La Vang kiểu mới là một công trình nghệ thuật do họa sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân thực hiện với sự cố vấn của Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể, khởi công từ tháng 3-1998 cho đến khi hoàn tất.

Nhưng trước hết phải kể đến sáng kiến của Hội Đạo Binh Xanh Việt Nam tại Hoa Kỳ mà Chủ tịch hội, ông Nguyễn Văn Hoạt là một nhân tố tích cực. Ông Hoạt cho biết điêu khắc gia Văn Nhân thực hiện một lúc hai thánh tượng giống nhau, một sẽ là tượng Đức Mẹ La Vang thánh du hải ngoại, một được gởi về kính tặng Giáo hội Việt Nam.

Ngày 27-6-1998, một phái đoàn đại diện cho Ban tổ chức Đại hội Thánh Mẫu La Vang tại thủ đô Washington tháp tùng hai thánh tượng Đức Mẹ La Vang về giáo đô La Mã. Phái đoàn gồm có linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Long, linh mục Giuse Nguyễn Phú An, linh mục Giuse Trần Kim Thiện, thầy phó tế Gioan Nguyễn Thành Chung, tu sĩ Nguyễn Đức Toàn, ông bà Nguyễn Văn Hoạt và gần 30 giáo dân đến từ các tiểu bang Louisiana, California, Maryland, Tennessee, Baltimore, Pennsylvania, New Jersay và Washington DC. Tham gia với phái đoàn tại Tòa Thánh La Mã có một số linh mục, nữ tu và giáo dân đến từ Việt Nam, Pháp, Tân Calédonie…

Sáng thứ tư 1-7-1998, trong buổi triều yết chung với Đức Thánh cha Gioan Phaolô II tại Công trường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện đông đảo của các phái đoàn hành hương đến từ các giáo phận và các nước trên thế giới, phái đoàn Việt Nam được xếp chỗ riêng trên khu vực khán đài.

Ngay sau buổi triều yết, Đức Thánh cha đã tiếp riêng phái đoàn Việt Nam và làm phép hai thánh tượng Đức Mẹ La Vang, cùng với tượng ảnh Đức Mẹ và các tràng chuỗi Mân Côi. Một sự may mắn kỳ diệu cần phải được nhắc tới trong biến cố này đó là sự có mặt vào giờ phút chót của hai thánh tượng Đức Mẹ La Vang.

Từ 8 giờ sáng ngày 1-7-1998, phái đoàn Việt Nam đã được hướng dẫn vào chỗ dành riêng để chờ đến giờ khai mạc buổi triều yết lúc 10 giờ 30. Do trở ngại trong việc vận chuyển từ Hoa Kỳ sang Ý nên đến giờ ĐTC Gioan Phaolô II ra khán đài và bắt đầu giờ kinh thường lệ cho buổi triều yết chung, hai thánh tượng vẫn chưa về đến Công trường Thánh Phêrô.

Bỗng trong khi phái đoàn Việt Nam đang sống những giây phút hồi hộp, lo ngại… thì mọi người xôn xao mừng vui khi thấy các viên chức an ninh của Tòa Thánh khiêng hai thùng gỗ lớn đựng hai thánh tượng Đức Mẹ La Vang tiến vào khán đài, đặt xuống và mở ra chờ đợi Đức Thánh cha làm phép.

Trong sự may mắn này không thể không nói đến công lao của Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ đã có mặt kịp thời đưa hai thánh tượng vượt qua nhiều cửa ải hải quan và an ninh phiền phức, đến được khán đài trước lúc ĐTC Gioan Phaolô II làm phép.

ĐTC GIOAN PHAOLÔ II LÀM PHÉP THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG

(Ảnh: Ns. Mẹ Việt Nam. USA)

Sau khi được ĐTC Gioan Phaolô II làm phép, một trong hai thánh tượng được đưa trở lại Hoa Kỳ và được chính thức tôn kính tại Đại hội Thánh Mẫu La Vang tổ chức tại Washington DC vào ngày 22-8-1998. Sau đó lần lượt thánh du đến các cộng đoàn tín hữu Việt Nam khắp nơi ở hải ngoại.

Thánh tượng thứ hai, với sự chấp thuận của HĐGMVN, được đưa về Việt Nam, được nghinh đón trọng thể tại La Vang nhân kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Hiện (2002) đang được đặt bên trái cung thánh Nhà nguyện Đức Mẹ La Vang, tọa lạc trên nền cũ Vương Cung Thánh Đường đổ nát. Giáo hữu hành hương thường đến chiêm ngắm, cầu xin.

THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANGTRONG NHÀ NGUYỆN ĐỨC MẸ – ĐIÊU KHẮC GIA VĂN NHÂN, 1998.

(Ảnh: Trần Quang Chu, 2002)

TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG ĐƯỢC ĐƯA TRỞ LẠI HOA KỲ VÀ ĐƯỢC CHÍNH THỨC TÔN KÍNH TẠI ĐẠI HỘI THÁNH MẪU LA VANG TỔ CHỨC TẠI WASHINGTON DC VÀO NGÀY 22-8-1998.

(Ảnh: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi)

2. Thánh tượng Đức Mẹ La Vang nét Việt Nam tại Linh đài.

a/ Thánh tượng 1:

Trong Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, 1998, khách hành hương vừa hân hoan vừa bỡ ngỡ chiêm ngắm thánh tượng Đức Mẹ La Vang nét Việt Nam tại Linh đài, một mẫu tượng hoàn toàn mới mẻ so với các mẫu tượng Đức Bà Chiến Thắng hay Đức Mẹ Ban Ơn như trước đây.

Đó là bức thánh tượng do Hội đồng Giám mục Việt Nam dâng kính, cùng ý nghĩa, kiểu dáng như bức thánh tượng do điêu khắc gia Văn Nhân sáng tác tại Hoa Kỳ, đã được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II làm phép, nhưng kích thước lớn hơn, do các nghệ nhân ở TP.HCM sáng tác, với đặc điểm khuôn mặt tươi xinh, khăn đóng rộng vành, không nếp gấp, không đính 12 ngôi sao. Tuy nhiên, vì quá mới mẻ, không tránh khỏi một vài khuyết điểm, nhất là nét “rực rỡ” của trang phục khiến người chiêm ngắm dễ dàng liên tưởng tới “cô dâu”. Riêng đối với các nhà chuyên môn thánh tượng còn thiếu “phần hồn” – phần căn bản của mọi thánh tượng, khiến khó cảm nhận.

Lắng nghe những ý kiến trên, lãnh đạo Giáo phận Huế và Trung tâm Thánh Mẫu La Vang quyết định sẽ cho thay thánh tượng mới, nhưng vẫn giữ nội dung tượng Thánh Mẫu La Vang nét Việt Nam, như ý tưởng mà Hội đồng Giám mục Việt Nam đã quyết định chọn lựa.

Công việc quan trọng này một lần nữa lại phải nhờ đến đôi tay tài hoa của điêu khắc gia Văn Nhân hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ.

TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG NÉT VIỆT NAM THỨ NHẤT – HĐGMVN DÂNG CÚNG, 1998.

(Ảnh: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi)

b/ Thánh tượng 2:

Trước Đại hội La Vang lần thứ 26, Đức TGM Huế cùng với Trung tâm Thánh Mẫu La Vang lại nhờ họa sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân thực hiện bức tượng Thánh Mẫu La Vang mới, thay bức thánh tượng cũ ở Linh đài.

Ròng rã 10 tháng trời, bức thánh tượng đã được thực hiện xong, cao 2,74 mét, nặng 400 kg. Để dễ vận chuyển, bức tượng được thiết kế ba bộ phận rời, dễ tháo ráp: một bộ phận đầu và hai bộ phận thân mình. Tất cả được đóng vào hai thùng.

Tháng 5-2002, tin từ Hoa Kỳ cho biết, hai thùng hàng đã rời cảng, dự trù đầu tháng 7 sẽ cập cảng Bến Nghé, TP.HCM. Đúng kế hoạch, người nhà của họa sĩ Văn Nhân từ Vũng Tàu lên nhận hàng rồi gởi thẳng ra Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang.

Ngày 15-7-2002, Trung tâm Thánh Mẫu La Vang nhận được hai thùng hàng. Ngày 20-7-2002 khui thùng và đợi đến 24 giờ đêm hôm đó, chờ cho đến khi giáo dân đọc kinh xong ra về hết, bộ phận chuyên môn mới bắt tay vào công việc thay tượng. Bức thánh tượng cũ được hạ xuống, đem vào cất giữ ở tu viện Mến Thánh Giá La Vang, bức tượng mới, với dụng cụ duy nhất là chiếc bá lan, được đưa dần lên từng bộ phận, lắp ráp và kiềng đế, xong vào lúc 2 giờ 30 sáng ngày 21-7-2002.

Bức thánh tượng mới với y phục đơn giản hơn, lượt bỏ bớt những hoa văn không cần thiết trên lai áo, cũng như giảm thiểu màu sắc lòe loẹt ở phần trang điểm khiến người chiêm ngắm dễ cảm nhận và gần gũi hơn. Khuôn mặt Đức Mẹ vui tươi, hiền hậu, toát lên sự trìu mến của người mẹ hiền Việt Nam: Người Mẹ Từ Ái. Tay Mẹ bồng Chúa Hài Nhi. Chúa Hài Đồng với khuôn mặt hồn nhiên như trẻ thơ khiến thánh tượng càng trở nên thân thiện.

Đặc điểm đáng chú ý hơn cả là chiếc khăn đóng của thánh tượng. Chiếc khăn đóng ở bức thánh tượng cũ cao, không nếp gấp, cùng với màu vàng rực rỡ làm cho người chiêm ngắm dễ dàng liên tưởng đến “cô dâu”. Còn chiếc khăn đóng ở bức tượng mới nhỏ gọn, màu hơi sẫm, trên vành khăn đính 12 ngôi sao, tượng trưng 12 chòm sao lớn trong ngân hà, đồng thời diễn tả, theo sách Khải huyền của thánh Gioan Tông đồ: “Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12, 1). Phục trang khăn đóng kiểu này chỉ thấy ở nơi các bà hoàng, bà chúa, bà thái hậu: Nữ Vương Uy Linh.

Trong dịp Đại hội La Vang lần thứ 26 (2002), hàng vạn giáo dân có dịp chiêm ngắm và cầu nguyện với Đức Mẹ La Vang qua bức thánh tượng mới. Không khó khăn để có thể cảm nhận rằng Đức Mẹ La Vang vừa là Nữ Vương Uy Linh vừa là Người Mẹ Từ Ái, như chủ ý của Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể và của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Bức thánh tượng này, mặc dù kích thước lớn hơn, nhưng cơ bản là bản sao của bức thánh tượng Thánh Mẫu La Vang đã được ĐTC Gioan Phaolô II làm phép năm 1998, cùng tác giả Văn Nhân, nên vẫn mang ý nghĩa như bức thánh tượng cũ.

TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG NÉT VIỆT NAM THỨ HAI – ĐIÊU KHẮC GIA VĂN NHÂN, 2002

 (Ảnh: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi)

c/ Thánh tượng 3:

Lúc 8 giờ 30 sáng Chúa nhật lễ Mân Côi, 7-10-2007, Đức TGM PX. Lê Văn Hồng chủ tế thánh lễ cầu nguyện cho việc trùng tu Linh đài.

Linh đài Đức Mẹ La Vang, theo đồ án tổng thể của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và mô hình “Ba cây đa nhân tạo” của điêu khắc sư Nguyễn Văn Thế, đã thực hiện xong phần thô bằng bê tông cốt thép, chưa tạo dáng mỹ thuật, nhưng do biến cố ngày 1-11-1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Đức TGM Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục ở Rôma không thể trở về Việt Nam nên công trình bị đình đốn, đến nay đã 44 năm (1963-2007). Nay bề trên quyết định cho trùng tu, theo đó ba cây đa nhân tạo được tạo dáng mỹ thuật như cây đa thật. Riêng phần sảnh và khuôn viên Linh đài được nới rộng và lát đá cẩm thạch, thuận tiện cho việc tổ chức các cuộc lễ lớn và thuận tiện cho khách hành hương quy tụ khấn nguyện ngày đêm.

Công trình trùng tu Linh đài kéo dài trong 8 tháng.

Trước ngày hoàn thành, thánh tượng Đức Mẹ La Vang mới được đặt lên thay thánh tượng cũ. Đây là thánh tượng Đức Mẹ La Vang nét Việt Nam thứ ba, từ 1998, được tôn kính tại Linh đài. Kích thước, kiểu dáng và ý nghĩa tương tự thánh tượng cũ nhưng khuôn mặt Đức Mẹ thánh tượng mới vui tươi hơn, hiền hậu hơn.

Ngày 13-6-2008, ngày hoàn thành cũng là ngày phái đoàn Tòa Thánh do Đức ông Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh, dẫn đầu kính viếng Đức Mẹ La Vang, cử hành thánh lễ tại Linh đài và trao hào quang mặt nhật của Đức Thánh cha Bênêđictô XVI ban tặng.

TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG NÉT VIỆT NAM THỨ BA – 2008.

(Ảnh: Trần Quang Chu 2008)

d/ Thánh tượng 4:

+ Nguyên tác:

Trong Đại hội La Vang lần thứ 29 – Đại lễ Bế mạc Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam (4-1 – 6-1-2011), muôn khách hành hương sững sờ chiêm ngắm thánh tượng Đức Mẹ La Vang mới tại Linh đài.

Đây là bức tượng Thánh Mẫu La Vang nét Việt Nam thứ tư tại Linh đài, kể từ Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, 1998.

Tác giả của bức thánh tượng trên là điêu khắc gia Võ Tấn Tánh, xuất thân trường Mỹ Thuật Huế, theo lời mời của Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể.

Đây là pho thánh tượng bằng đá bán quý, cao 4,20m, từ đế mây lên đến đỉnh đầu (tượng = 2,90m + đế = 1,30m), được tạc bằng đá trắng Quỳ Hợp, Nghệ An, ghép thêm đá bán quý (casedol) bên ngoài. Để có thể tạc bức tượng lớn, phải đặt mua khối đá với kích cỡ 6,00m X 1,70m X 1,70m. Khối đá được vận chuyển về La Vang và nhóm điêu khắc gia, nghệ nhân 6 người thực hiện ròng rã trong 6 tháng trời.

Phần căn bản vẫn dựa theo mẫu pho tượng cũ, có sáng tạo thêm phần mây phía dưới chân Mẹ, vừa tạo được sự  liên  kết  giữa  tượng và mây (đế tượng), vừa tạo được sự hòa sắc của chất liệu đá bán quý thạch anh trắng và thạch anh ám khói. Những đám mây được khắc trên thạch anh trắng, tà áo xanh của Mẹ phải dùng đá bán quý Pakistan (ở Việt Nam không có loại đá này), còn khuôn mặt thánh tượng được dùng thạch anh hồng(8).

 

TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG NÉT VIỆT NAM THỨ TƯ BẰNG ĐÁ BÁN QUÝ – ĐIÊU KHẮC GIA VÕ TẤN TÁNH

 (Ảnh 1: Trần Quang Chu, 2012)

TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG NÉT VIỆT NAM THỨ TƯ BẰNG ĐÁ BÁN QUÝ – ĐIÊU KHẮC GIA VÕ TẤN TÁNH

 (Ảnh 2: Ban Truyền thông TGP Huế, 2013)

Họa tiết trang trí trên áo Mẹ và tượng Chúa Giêsu được tạo dáng hoa văn mây nhẹ nhàng, trên áo Mẹ được khắc bằng những hạt nhỏ thạch anh hồng.

Bức tượng hoàn tất vào nửa đêm trước ngày khai mạc Đại hội La Vang 29, được đưa lên vị trí ở Linh đài. Tuy khó khăn và nặng nhọc nhưng không có gì đáng tiếc xảy ra, dù là một vết trầy xước.

Tượng Thánh Mẫu La Vang mới đã được ĐHY Ivan Diaz, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, Đặc sứ của ĐTC Bênêđictô XVI, làm phép lúc 15 giờ 30 chiều ngày 5-1-2011 trong nghi lễ đón tiếp và chào mừng phái đoàn Tòa Thánh và các vị thượng khách tại Linh đài, dịp Đạihội La Vang 29 (2011) – Đại lễ Bế mạc Năm Thánh của Giáo hội Việt Nam.

+ Phục dựng, chỉnh sửa.

Những năm gần đây, do tình hình dịch bệnh COVID-19, Đại hội La Vang phải đình hoãn, chúng tôi không có cơ hội trở lại La Vang. Nay, đọc thông tin trên mạng mới biết Trung Tâm Hành Hương La Vang, kết hợp với đơn vị BECONI đã thực hiện việc “Phục dựng, chỉnh sửa chân dung bức tượng Đức Mẹ La Vang, Quảng Trị”, do kỹ sư trưởng Lê Nhất phụ trách dự án. Theo đó:

“Bức Tượng Đức Mẹ La Vang ở trên Đài Đức Mẹ được làm bằng đá, sau nhiều năm do tác nhân từ môi trường, cái nắng cái gió của Quảng Trị đã làm phai màu, hư hại, mọc rêu… Nhưng với chất liệu đá cẩm thạch và resin thì để sửa chữa, phục dựng, tôn tạo và làm mới lại phải cần đến một nguồn nguyên liệu bồi cực tốt. Cũng như người thợ có đủ tay nghề, năng lực để có thể thực hiện tốt công việc ở độ cao 8 mét”.

TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG – CHỤP CẬN CẢNH SAU KHI ĐƯỢC PHỤC DỰNG, CHỈNH SỬA

(Ảnh: Nguyễn Cường)

TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG – CHỤP TOÀN CẢNH SAU KHI ĐƯỢC PHỤC DỰNG, CHỈNH SỬA

(Ảnh: Nguyễn Thiêm)

Kết luận:

Kể từ Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, 1998, những bức thánh tượng Đức Mẹ La Vang nét Việt Nam là mẫu tượng chính thức được tôn kính tại La Vang, đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam công nhận, thay cho mẫu tượng cũ Đức Mẹ Ban Ơn hay Đức Mẹ La Vang Nữ Vương Chiến Thắng.

Đã qua thời kỳ các thành phần Dân Chúa có một cái nhìn bỡ ngỡ, xa lạ, đôi khi phản ứng về các bức thánh tượng Đức Mẹ La Vang kiểu mới.

Cẩn thận suy xét, ai cũng nhận thấy kiểu tượng mới, từ nghệ thuật đến màu sắc, mẫu mã đều gần gũi với người Việt Nam hơn. Nhìn mẫu tượng mới ta dễ cảm thụ hơn, dễ yêu mến hơn, và chính nhờ hình thức ảnh tượng mà một chân lý mới được khám phá: Đức Mẹ La Vang là Đức Mẹ Việt Nam.

Điều này phù hợp với đường lối mà Thư Chung mà Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 đã dạy:

“Chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam. Chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc, hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước…, đồng hành với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người. Đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa….”.

Hình ảnh thánh tượng Đức Mẹ La Vang với trang phục hoàng hậu đã không còn là vấn đề thời sự nữa, ngược lại đã được các thành phần Dân Chúa chấp nhận, mạnh mẽ chấp nhận, hãnh diện chấp nhận, vì thánh tượng Đức Mẹ La Vang không chỉ là một kiệt tác nghệ thuật, trung gian đưa con người đến sự cảm nghiệm “Đức Mẹ La Vang vừa là Người Mẹ Từ Ái, vừa là Nữ Vương Uy Linh”, mà còn là một sự đột phá mạnh mẽ theo hướng hội nhập văn hóa dưới ánh sáng Công đồng Vaticanô II và theo tinh thần Thượng Hội đồng Giám mục Á châu.

Đặc biệt gây ấn tượng là thánh tượng Đức Mẹ La Vang rất Việt Nam. Đấng hiền mẫu vừa từ ái vừa uy nghi. Chân dung bậc mẫu nghi thiên hạ. Bức thánh tượng hội nhập này đã một thời gây ngỡ ngàng cho những tín hữu vốn quen với ảnh tượng cũ. Bây giờ thì khác, nhất là từ khi bức tượng Thánh Mẫu La Vang bằng đá bán quý được thay thế bức tượng cũ cùng kiểu dáng, mọi người mạnh mẽ chấp nhận như một báu vật linh thiêng không thể thiếu tại La Vang. Hiện nay, lan tỏa đi khắp nơi trong và ngoài nước, hầu hết các giáo xứ Việt Nam đều rước mẫu thánh tượng này về tôn kính tại giáo xứ mình, và nhiều cá nhân, đoàn thể đi hành hương tranh nhau đến gần nhìn ngắm tượng Mẹ, nhiều người còn chụp ảnh làm hình nền điện thoại để mỗi ngày chiêm ngưỡng.

Và, cũng từ ý tưởng hội nhập văn hóa mạnh mẽ của Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể mà Ủy ban Nghệ thuật thánh của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chọn “Đồ án Thiết kế Vương Cung Thánh Đường La Vang” theo mẫu đình làng, dù biết sự lựa chọn này không khỏi gây chút ngỡ ngàng nơi các tín hữu vốn quen nhìn nhà thờ theo lối kiến trúc phương Tây.

“Bất cứ sự lựa chọn nào cũng bao hàm một định hướng, một giới hạn, không thể đáp ứng hết mọi quan điểm, nhất là trong lãnh vực nghệ thuật”(9)

Vương Cung Thánh Đường La Vang, thánh tượng Đức Mẹ La Vang có lẽ cũng không ngoại lệ. Nhưng hội nhập văn hóa dân tộc sẽ là điều tất yếu nếu mọi tín hữu đồng thuận theo con đường mà HĐGMVN đã vạch ra: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

(6) Bút tự giải thích ý nghĩa bức tượng Thánh Mẫu La Vang của Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể.

(7) Lm. Giuse Trần Kim Thiện: Thánh tượng Đức Mẹ La Vang đi vào lịch sử Giáo hội Việt Nam. Ns. Mẹ Việt Nam. Số 102, ngày 15-8-1998, tr.46-51.

(8) Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1971, th.8.2014, tr.18.

(9) Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, GM Quy Nhơn, Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật thánh trực thuộc HĐGMVN: Lời giới thiệu. Trích trong Đồ án Thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang. 15-8-2012.

=> Tài liệu dạng Word, nhấn vào đây để tải Chương 5 – Phần 2