CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH NĂM C: Ga 14,23-29
23Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. 24Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây là không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. 25Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. 26Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
27“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. 28Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. 29Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”
THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN VÀ BAN BÌNH AN
Cho tới đây, Đức Giê-su của Gio-an đã nói nhiều về đức tin, về ánh sáng và sự sống: “Nếu anh em đã biết Thầy, nếu anh em đã thấy Thầy, nếu anh em đã tin Thầy…” Bây giờ Người nói đến tình yêu: “Nếu anh em yêu mến Thầy… Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”, và đến bình an: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.”
1…. Nếu chúng ta tuân giữ giới răn Đức Ki-tô
“Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” Làm sao nghe điều đó mà không mơ mộng? Nhưng Đức Giê-su lay giũ các giấc mơ này. “Kẻ yêu mến Thầy ư ? Đó là những kẻ nhận lấy các lệnh truyền của Thầy và tuân giữ.”
Chúng ta luôn bị cám dỗ nhảy phóc lên và đi ngay đến lời hứa hẹn: Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Và chúng ta thất vọng vì đã chẳng suy nghĩ đủ về các điều kiện của việc Thiên Chúa cư ngụ như thế trong chúng ta. Tuy nhiên, Đức Giê-su rất chính xác: “Kẻ yêu mến Thầy, chính là kẻ trung tín với lời Thầy.” Nghĩa là kẻ nghe lời đó cách rất chăm chú và làm điều mình được yêu cầu, dù với bất cứ giá nào đi nữa.
Điều này có vẻ rất đơn giản, nhưng thực tế chúng ta vẫn ở trong mơ mộng. Chúng ta thấy rất rõ những việc cần làm, rất muốn làm những việc này, nhưng chúng ta vẫn đứng bên bờ mà chẳng nhảy xuống. Nhiều chuyện vĩ đại nằm ở tầm tay ta, nhưng mỗi lần đều bị chắn ngang bởi một chữ “nếu” to tướng: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.”
Như đã thấy, câu nói này đưa chúng ta lên tới nhiều đỉnh cao, vào trong lắm êm dịu, nhưng có bốn từ gắn chúng ta với thực tế mà chúng ta không muốn nghe: “sẽ giữ lời Thầy.”
Giữ lời, hay giữ các lệnh truyền, không phải là một loại hậu quả ít nhiều tùy tiện của nhiệt tình chúng ta đối với Đức Giê-su. Thậm chí đó cũng chẳng phải là một kết luận hợp lý: nếu yêu mến Đức Giê-su, thì tôi sẽ giữ các giới răn của Người. Từ “nếu” liên kết mạnh mẽ hơn nhiều ước muốn yêu mến Đức Giê-su của chúng ta với thái độ của chúng ta trong cuộc sống: tôi chỉ yêu mến khi vâng lời Người, bởi lẽ tình yêu đích thực, cụ thể của tôi, đó là những gì tôi làm.
Các thất bại của chúng ta bắt nguồn nơi đây: từ khước nhìn thấy rằng tình yêu không phải là một từ ngữ, một ước mơ, một rung động con tim, nhưng là một thái độ sống, một cách ăn ở. Khi suy niệm với thánh Gio-an, thái độ sống này rất rõ rệt: “Chúng ta phải mến thương anh em” với tình yêu Đức Giê-su đã dùng để thương mến, tình yêu được kín múc và sống trong mối quan hệ với Chúa Cha. Cách cư xử huynh đệ của chúng ta kéo dài những gì được sống trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
Mối dây mạnh mẽ liên kết ước muốn yêu Chúa rất thật của chúng ta với cái chúng ta làm cụ thể từ sáng tới chiều bằng trí tuệ và đôi tay mình, qua những cuộc gặp gỡ huynh đệ là như thế đấy. Nếu trong tất cả những điều đó không có tình yêu, thì đừng nói đến lòng mến Thiên Chúa. “Chính khi thương anh em, Đức Giê-su bảo, mà con yêu chính Thầy.”
Dưới ánh sáng ấy, bản văn hôm nay, được lấy cách rộng rãi từ câu 15 đến câu 29, cho chúng ta thấy làm sao sự khiếm diện bên ngoài của Thiên Chúa vẫn có thể là một kinh nghiệm liên tục về việc Người hiện diện… Hiện diện bộ tam, hiện diện ba ngôi, như đã được xác định từ đầu: “Nếu anh em yêu mến Thầy, Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban Thần Khí cho anh em.” Khi gia tăng các kinh nghiệm về tình bác ái huynh đệ, chúng ta cảm nếm nỗi êm dịu được sống với Đức Giê-su chính kinh nghiệm làm Con của Người, trong luồng tình yêu mầu nhiệm mà chúng ta gọi là Thần Khí.
Nhưng tất cả cái đó có thể chỉ cho một cảm giác khiếm diện cách tàn nhẫn nếu chúng ta không quyết chí tìm sự hiện diện của Chúa trong thái độ sống thường nhật của chúng ta. Mỗi lần muốn suy niệm về mối tương quan của chúng ta với Cha, Con và Thần Khí, hãy bắt đầu bằng cách ngồi lọt thỏm trong các mối tương quan huynh đệ của chính mình. Chính các mối tương quan này bảo đảm cho ta thực sự tiếp cận Thiên Chúa. Người ta chỉ có thể kinh nghiệm về việc Chúa hiện diện trong kinh nghiệm của giới răn tình yêu.
Mà chỉ có một tình yêu đích thực: thường xuyên để mình bị kích thích bởi hai câu hỏi nhỏ rất ngờ nghệch, nhưng duy chúng mới có sức mạnh kéo ta khỏi những ý hướng mơ hồ: Đức Ki-tô nơi anh em đợi gì ở tôi trong lúc này ? Phải chăng trong lúc này tôi làm điều đó? Mà trong lúc này, anh em tôi, cộng đoàn tôi, dân nước tôi ở trong hoàn cảnh ra sao?
2.… Nếu chúng ta chiến thắng xao xuyến và sợ hãi
Đi kèm sự hiện diện của Ba Ngôi trong tâm hồn kẻ yêu mến Đức Giê-su cách cụ thể chính là nỗi an bình: “Thầy để lại bình an cho anh em.”
Đối với người quen thuộc Thánh Kinh, bình an không chỉ là vắng bóng tranh chấp, tĩnh lặng tâm hồn, mà nhất là được dồi dào sức khỏe, sung mãn hạnh phúc, dư tràn ơn cứu độ. Và chỉ duy mình Thiên Chúa mới có thể ban bình an ấy. Vì đó là phúc lộc tuyệt vời nhất: “Triều đại Người, đua nở hoa công lý; và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn” (Tv 72,7). Đức Giê-su, Đấng Chúa Cha sai đến, là Trung gian của bình an, nên Người có thể ban bình an. Không phải là thứ bình an giả tạo mà nhiều lần các ngôn sứ đã cảnh giác và Đức Giê-su đã từ chối đem xuống mặt đất, nhưng là bình an đích thực của Thiên Chúa, mà để ban cho thế gian, Đức Giê-su đã hy sinh mạng sống mình.
“Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.” Tại sao lại là bình an của Thầy ? Đức Giê-su xác định điều này bằng cách thêm: “Anh em đừng xao xuyến.” Các thứ bình an khác, “bình an của thế gian”, không thoát những xao xuyến. Chính Đức Giê-su đã nếm biết bao xao xuyến trước cái chết của La-da-rô, ở vườn Ghét-sê-ma-ni, trên cây thập tự. Ở đây, ngay trước cái chết của mình, Đức Giê-su nói đến bình an của mình như đến một xác tín về chiến thắng cuối cùng trên mọi xao xuyến. Chính bình an này được thánh Phao-lô đưa ra như một thách thức sau khi đã liệt kê mọi lo âu sầu khổ của đời chúng ta: “Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta hoàn toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,38).
Bình an của Đức Ki-tô là một thứ bình an nội tâm đến độ không gì có thể thực sự đe dọa nó bao lâu nó gắn kết với niềm xác tín mình được Người yêu thương. Khi Đức Giê-su nói: “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em”, điều đó có nghĩa: Thầy yêu thương anh em, không gì nghiêm trọng sẽ có thể động tới anh em nếu anh em tin vào tình yêu của Thầy. Vì cần phải tin! Hễ còn sợ, dù ít dù nhiều, là chúng ta như muốn nói với Đức Giê-su: con không thật sự tin rằng Chúa là Đấng chiến thắng, Chúa có thể làm cho chúng con thành những kẻ chiến thắng.
Khi mở đầu triều đại giáo hoàng của mình, Đức Gioan-Phaolô 2 đã kêu mời tín hữu Công giáo: “Đừng sợ hãi!” Trong tông thư “Ngàn năm thứ ba đã khởi đầu”, Thánh Giáo hoàng cũng lặp lại y như vậy. Cố Giáo hoàng Phanxicô cũng vừa nói trong thông điệp “Dilexit nos” (Người đã yêu thương chúng ta) số 215: “Chúa Giêsu sai bạn đi làm sứ mạng trong thế giới này, và thi hành sứ mạng đó một cách tin tưởng, quảng đại, tự do và không sợ hãi. Nếu bạn vẫn bị mắc kẹt trong khu vực dễ chịu của riêng mình, bạn sẽ không bao giờ thực sự tìm thấy sự yên ổn; những nghi ngờ và sợ hãi, buồn phiền và lo lắng sẽ luôn rình rập ở chân trời.” Với Đức Ki-tô Phục Sinh, chúng ta không có gì để sợ. Thế nhưng, biết bao môn đệ của Đấng chiến thắng thế gian vẫn còn kinh hãi trước thế gian, trước bạo quyền. Bình an họ mong được không phải là thứ “bình an của Thầy” (thứ bình an họ phải chinh phục nhờ chiến đấu với thế gian tội lỗi và nhờ chấp nhận thập giá đau khổ), nhưng là sự yên thân, an nhàn, chẳng bị thế gian quấy rối, phiền nhiễu, chẳng bị thế gian cất mất các ân huệ nhỏ giọt, những ân huệ được khôn khéo ban cho để bảo đảm nơi họ thái độ cam chịu, thụ động, cầu an, ù lì. Bình an của họ là thứ bình an của “im lặng đồng lõa”, của “chịu đấm ăn xôi”, của “khôn ngoan nín tiếng”, của “lì lợm ngậm miệng”, của “bắt tay thỏa hiệp”, mặc bao ngôn sứ đang cô đơn gào thét, mặc bao nạn nhân anh em của họ đang đau xót kêu trời, mặc bao bất công tệ nạn đang tung hoành trong xã hội họ hiện cư ngụ!
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi