Chúa Nhật V Mùa Thường Niên C – Đánh Bắt Con Người – Giải thích bản văn Tin Mừng

07/02/2019

Lc 5,1-11: Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Đức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.

 Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

Đoạn tin mừng Luca 5,1-11 nằm trong văn mạch của 5,1-6,16 trình bày sự can thiệp của Chúa Giêsu vào cuộc đời của một số người, và cách họ đáp lại Người. Đoạn nầy mở đầu với trình thuật kêu gọi Simôn, Gioan và Giacôbê và các đồng nghiệp của ông (5,1-11), và kết thúc với việc thành lập nhóm Mười Hai (6,12-16). Phần giữa đoạn là trình thuật về những việc Chúa Giêsu đã làm cho một số người; và qua đó Luca cho thấy thái độ của họ, hoặc đi theo Người hoặc tiếp tục chống đối Người: bệnh nhân và tội nhân được chữa lành (5,12-16; 17-26; 27-39); người Pharisêu từ chối tin vào Người (6,1-5; 6-11). Đoạn 5,1-11 có thể phân chia cách tổng quát làm hai: 1- Giảng dạy dân chúng (5,1-3). 2- Mẻ cá đầy và kêu gọi làm kẻ đánh bắt người (5,4-11). Hạn từ “Chiếc thuyền” ở khởi đầu và ở câu cuối đóng khung câu chuyện (5,2.11). Kết cấu câu chuyện xoay quanh chiếc thuyền của Simon. Chính ông cũng là nhân vật chính trong câu chuyện nầy (5,3.4.5.8.10[2X]). Hai phần liên kết với nhau nhờ “chiếc thuyền”: cũng một chiếc thuyền của Simon, Chúa Giêsu ngồi trên đó để rao giảng (5,3), rồi bảo Simon thả lưới bắt cá (5,4) và bỏ chiếc thuyền ấy mà đi (5,11). Chủ đề chính của đoạn 5,1-3 là Chúa Giêsu giảng dạy dân chúng; và đoạn 5,4-11 là Chúa mời gọi Simôn và bạn đồng nghiệp của ông đi đánh bắt người. Hai trình thuật nầy được liên kết với nhau để cho thấy ơn gọi các tông đồ không thể tách rời việc giảng dạy.

Khung cảnh của trình thuật ngắn 5,1-3 là bờ biển, ở đó đã thấy dân chúng chen lấn nhau, sự hiện diện của Chúa Giêsu và hai chiếc thuyền. Dân chúng đến để lắng nghe (5,1), còn Chúa Giêsu thì giảng dạy họ (5,3), và phương tiện nối kết hai bên là chiếc thuyền của Simôn (5,3). Lần đầu tiên Luca trình bày dân chúng xô lấn nhau bên Chúa Giêsu để nghe Người giảng dạy. Ước muốn nghe Người chạy dài suốt tin mừng Luca (x. 5,15; 6,17; 15,1; 19,48; 20,45; 21,38). Đối tượng của việc lắng nghe là lời Thiên Chúa (5,1; 8,11.21; 11,28). Nhiệm vụ rao giảng Lời Thiên Chúa cũng là ưu tiên một trong sứ vụ của các tông đồ (x. Cvtđ 6,2). Nhờ đó, dân ngoại được nghe và đón nhận Lời Thiên Chúa (x. Cv 11,1). Như thế, sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu sẽ được chuyển sang cho các tông đồ. Trong trình thuật nầy Luca cho thấy Chúa Giêsu đang chọn người tiếp nối làm công việc cao cả đó.

Trong đoạn tiếp theo (5,4-11), kết cấu dựa trên hai sáng kiến Chúa Giêsu. Người bảo Simôn thả lưới bắt cá (5,4) và sau đó mời gọi ông đi theo Người để làm nghề đánh bắt con người (5,10). Phía Simôn, ông đáp lại bằng hai hành động là thả lưới vì lời Người dạy (5,5) và bỏ thuyền mà đi theo Người (5,11). Chúa Giêsu ra mệnh lệnh thả lưới bắt cá như một người có uy quyền. Trong lời đáp Simôn gọi Người là “Thầy” (epistatēs). Chữ nầy chỉ được dùng trong Luca và không ngụ ý Người là thầy dạy, mà là người chỉ huy có uy quyền. Thông thường người ta dùng danh xưng nầy khi kêu xin Người làm một phép lạ (x. 5,5; 8,24, 45; 9,33, 49; 17,13). Bởi đó, lý do Simôn đưa ra là suốt đêm không bắt được con cá nào và bây giờ ông vẫn thả lưới là vì ông vâng lệnh và tin tưởng tuyệt đối vào “Thầy”; điều nầy được diễn tả trong cụm từ “theo lời Người” (x. 1,38; 2,19). Luca đặt trọng vị trí của Simôn, nên trong câu đáp lại ông đã dùng ngôi thứ nhất “tôi sẽ thả lưới” (5,5) như thể ông sẽ làm đại diện một cộng đoàn; trong khi Chúa Giêsu dùng ngôi thứ hai số nhiều “các anh/ông” (5,4). Kết quả của sự tín thác ấy là mẻ cá bắt được lạ lùng: cả hai thuyền đầy cá, lưới bắt đầu rách và thuyền gần chìm (x. 5,6-7).

“Nhìn thấy” thế, Simôn nhận ra vị Thầy (5,5) nầy là Chúa (5,8). Luca cho thấy Simôn đã đi từ nhận thức về Chúa Giêsu như một vị Thầy, người lãnh đạo theo nghĩa thông thường đến một vị Chúa mà ông phải sấp mình trước mặt Người (x. 5,12; 7,39; 8,28; 23,47). Simôn nhận ra một tương phản tận căn giữa Người và ông. Người là thánh thiện vì là Chúa và ông là người tội lỗi. Do đó, hành vi đầu tiên là quỳ gối trước mặt Người, vì ông sợ hãi hơn là thờ lạy Người như là Chúa. Điều nầy được minh chứng trong trấn an của Chúa Giêsu sau đó: “Đừng sợ!” (5,10).  Ông sợ hãi vì đang đối diện với Chúa. Ai thấy Thiên Chúa mà không phải chết (x. Xh 3,6; Quan án 13,22). Hơn thế nữa, vì ông là người tội lỗi.

Hành vi hợp lý tiếp theo là xin Người đi khỏi ông (5,8). Thay vì dịch “tránh xa con”, nên hiểu sát nghĩa của động từ nầy hơn. Động từ nầy ở thể mệnh lệnh thường được dùng để yêu cầu đi khỏi một nơi chốn nào đó (13,31; 14,21.23), hoặc ra lệnh cho ma quỉ xuất khỏi người bị chúng ám (4,35). Do đó, yêu cầu của Simôn được diễn tả cách cụ thể là ông yêu cầu Chúa Giêsu ra ngay khỏi thuyền của ông và đi xa khỏi ông; ngay cả chỉ tạm thời cho đến lúc thuyền vào bờ, ông không chịu nỗi sự hiện diện của Người bên ông. Người là Đấng Thánh, còn ông là người tội lỗi. Cả hai không thể ở chung trong một con thuyền, dù chỉ một chốc lát. Như thế Simôn đã được Chúa Giêsu tỏ mình và đã có kinh nghiệm về bản thân mình như Isaia: sợ hãi và thấy mình bất xứng (x. Is 6,5). Kinh nghiệm cũng bắt lấy cả những người chung quanh ông: Giacôbê và Gioan và các đồng nghiệp (5,9).

Lời thứ hai của Chúa Giêsu ngỏ với Simôn là “Đừng sợ!” (5,10). Lời trấn an nầy có nghĩa là không phải chết vì đã thấy Thiên Chúa. Trái lại, Thiên Chúa sẽ gia ân cho ai đã thấy được Người (x. 5,12-13). Bởi đó, sau lời nầy là một loan báo và một lời hứa (x. 1,13; 1,30; 5,10; 8,50; 12,32). Lời hứa cho Simôn ở đây là lời mời gọi chuyển nghề sang đánh bắt con người. “Đánh bắt” đây là “đánh bắt sống” không phải những con cá, mà là những con người không giới hạn. Chính Chúa Giêsu truyền nghề cho ông và ông đã chấp nhận. Trong Luca không có tiếng mời gọi trực tiếp từ Chúa Giêsu “Hãy theo Tôi” (x. Mt 4,19; Mc 1,17; Lc 5,27; 9,59: 18,22), có thể vì kinh nghiệm trực tiếp vừa xảy ra đã chuẩn bị cho Simôn, như Maria (1:30), Phaolô (Cvtđ 18,9), một sự sẵn sàng cho bất cứ ý muốn nào của Thiên Chúa. Chỉ còn lại là sự đáp trả của ông: bỏ chiếc thuyền và tất cả lại đàng sau và đi theo Người (5,11).

Chiếc thuyền ở khởi đầu trình thuật nằm bên bờ và di chuyển ra biển sâu. Ở cuối trình thuật nó nằm lại trên bãi, người đánh cá tiến sâu vào đất liền và để nó lại đàng sau lưng. Simôn và đồng nghiệp đã bỏ lại tất cả nghề đánh cá để chuyển sang hướng khác là đánh bắt con người, nên họ phải tiến sâu vào đất liền với Chúa Giêsu của họ.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến