Chúa Nhật (21-04-2024) – Trang suy niệm

20/04/2024

Lời Chúa Hôm Nay

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

BÀI ĐỌC I: Cv 4, 8-12

“Ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô được đầy Thánh Thần, đã nói: “Thưa chư vị Thủ lãnh toàn dân và Kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ danh Đức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng ta, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây. Chính người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Đá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng, không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để phải nhờ Danh đó mà chúng ta được cứu độ”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 117, 1 và 8-9. 21-23. 26 và 28cd và 29

Đáp: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường (c. 22).

Hoặc đọc: Alleluia.

1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa ở loài người. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương.

2) Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe con, và đã trở nên Đấng cứu độ con. Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.

3) Phúc đức cho Đấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài. Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Ngài muôn thuở.

BÀI ĐỌC II: 1 Ga 3, 1-2

“Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, các con hãy coi: tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và sự thật là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con cái Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 10, 14

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 10, 11-18

“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta”. Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

21/04/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 4 PS – B

Chúa Chiên Lành. Cầu cho ơn thiên triệu

Ga 10,11-18

ĐẸP NGƯỜI ĐẸP ĐẠO

“Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại.” (Ga 10,32)

Suy niệm: Chúa Cha luôn hài lòng về Người Con vì Người Con ấy lúc nào cũng hiếu thảo, tìm mọi sự làm vinh danh Cha, thậm chí đến độ hy sinh mạng sống. Người Con ấy là người đẹp, vì biết làm đẹp lòng Chúa Cha; do đó, cũng làm đẹp Đạo Trời, Đạo do Cha thiết lập và sai Con đến loan báo, thiết lập, phát triển. Các linh mục và tu sĩ, những người anh em với Chúa Giê-su, bước theo chân Ngài, muốn theo gương Thầy Chí Thánh cũng phải sống theo mẫu gương ấy. Đành rằng cùng đích tối hậu của mọi Ki-tô hữu phải là tôn vinh Thiên Chúa và cứu độ con người, thế nhưng, với các linh mục, tu sĩ, cùng đích ấy phải được nhấn mạnh, ghi nhớ, thực hiện với tất cả khả năng trong đời thường mỗi ngày. Đòi hỏi này xem ra quá sức con người, nhưng với tình yêu,  ân sủng Chúa ban, họ có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh.

Mời Bạn: “Hy sinh mạng sống” theo nghĩa đen là tử đạo. Ngoài ra hạn từ này còn bao hàm sự từ bỏ triệt để, chết cho trần thế, chết cho những đam mê bất chính, tội lỗi… hầu toàn tâm toàn ý bước theo Chúa Giê-su.

Sống Lời Chúa: Đời linh mục, tu sĩ sống thánh hiến cần lời cầu nguyện, sự nâng đỡ vật chất và tinh thần từ cộng đồng dân Chúa. Lời mời gọi này hằng năm được khơi lại trong Chúa nhật Chúa Chiên Lành hôm nay. Mong ông bà và anh chị em tích cực hưởng ứng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy sai đi khắp cõi dương trần muôn nghìn sứ giả Phúc âm. Xin cho các linh mục, tu sĩ nam nữ tại Việt Nam luôn hy sinh quên mình cho cánh đồng truyền giáo hôm nay, nhờ vậy có mùa bội thu. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Nơi bìa trước của cuốn Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo
có một hình vẽ bằng những nét phác họa đơn sơ.
Hình này dựa trên bức khắc của một phiến đá ở ngôi mộ cổ,
trong hang toại đạo ở Rôma, vào cuối thế kỷ thứ ba.
Ta thấy hình một người chăn chiên đang ngồi.
Một con chiên nằm ở kề bên, quay mặt vào anh.
Người chăn chiên tượng trưng cho Đức Giêsu Mục tử.
Tay trái Ngài cầm chiếc gậy để dẫn dắt và bảo vệ chiên,
Tay phải Ngài cầm chiếc sáo đưa gần miệng,
thu hút con chiên với cung điệu du dương.
Cả người chăn chiên và con chiên đều ở dưới bóng cây.
Đây là “cây sự sống”, cây Thánh giá cứu chuộc nhân loại.
Hình ảnh Người Mục tử an bình bên cạnh con chiên
cho thấy linh hồn người đã khuất cũng mong được an nghỉ
trong hạnh phúc của cuộc sống vĩnh hằng.

Trong bài Tin Mừng hôm nay,
hai lần Đức Giêsu ví mình với người mục tử tốt (Ga 10,11.14).
Năm lần Ngài nhắc lại nét đặc trưng của người mục tử:
đó là hy sinh mạng sống cho đàn chiên (Ga 10,11.15.17.18).
Ai cũng quý mạng sống mình hơn nhiều thứ khác.
Đức Giêsu khẳng định: chỉ ai yêu bằng tình yêu lớn nhất
mới dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu (Ga 15,13).
Như thế mục tử tốt là người coi chiên như bạn,
và yêu chiên bằng một tình yêu lớn lao.
Đàn chiên “thuộc về” người mục tử, là một với người ấy,
nên người mục tử dám sống chết với đàn chiên.
Đây là điểm khác biệt giữa vị mục tử và anh chăn thuê:
Anh chăn thuê không quan tâm đến chiên,
vì chiên “không thuộc về” anh, nhưng thuộc về ông chủ.
Vì không chút gắn bó với chiên, nên khi sói dữ đến,
anh chăn thuê bỏ chiên mà chạy, mặc đàn chiên tan tác.
Anh ta coi mạng sống mình trọng hơn chiên.
Còn người mục tử tốt thì coi chiên trọng hơn mạng sống.

Trong Cựu Ước, Đấng Mêsia bởi dòng Đa vít là một mục tử.
Người mục tử có nhiều trách nhiệm với chiên:
săn sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng chiên là đoàn dân thánh,
nhưng không thấy Cựu Ước nói đến chuyện hy sinh mạng sống.
Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia, vị Mục tử do Cha sai đến.
Trong cuộc chiến bảo vệ chiên chống lại sói dữ,
vị Mục tử Giêsu có vẻ như đã thua cuộc,
thậm chí, Ngài đã chết trong cuộc chiến ác liệt này.
Nhưng Đức Giêsu cho thấy Ngài không thua cuộc.
Ngài chết không phải vì ở thế yếu,
nhưng để vén mở một tình yêu tự nguyện:
“Mạng sống này, không ai lấy đi khỏi tôi,
nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình (Ga 10,18).
Cái chết không phải là một thất bại,
nhưng là để cho thấy quyền năng của Đấng phục sinh:
“Tôi có quyền hy sinh mạng sống, và có quyền lấy lại.
Đó là mệnh lệnh tôi đã nhận từ Cha tôi.”
Cứ sự thường, khi mục tử chết thì đàn chiên cũng tan.
Nhưng Mục tử Giêsu chết để đàn chiên được nguyên vẹn:
“Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,28).
Ngài chết để quy tụ những chiên chưa thuộc về ràn,
những chiên chưa nhận biết được tiếng của Ngài.
Ước mơ của Ngài là sẽ chỉ có một đoàn chiên và một Mục tử.

Trong Chúa nhật hôm nay, khi chiêm ngắm Chúa Giêsu Mục tử,
chúng ta cầu cho các vị mục tử trong Hội Thánh
được ơn hiểu biết nhu cầu của chiên và quan tâm đến chiên,
dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi và bảo vệ chiên khỏi sói dữ,
đưa chiên lạc về một ràn và hy sinh mạng sống mình vì chiên.
Nhờ đó cả nhân loại thành đoàn chiên của Thiên Chúa.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
Xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời đang gần bên. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

21 THÁNG TƯ

Thiên Chúa Của Những Kẻ Sống

“Đây là ngày Chúa đã làm ra” (Tv 118,24). Ngày này luôn luôn xác nhận với chúng ta một sự thật đặc biệt rằng: Thiên Chúa không chịu thua trước sự chết của con người.

Đức Kitô đã đến thế gian để bày tỏ cho chúng ta sự thật quan trọng này, một sự thật mở ra cho thấy tình yêu của Chúa Cha. Đức Kitô đã chết trên Thập Giá và đã được mai táng trong ngôi mộ đá để làm chứng cho sự thật đầy khích lệ rằng: Thiên Chúa không chịu thua trước sự chết của con người.

Thực vậy, “Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của người sống” (Mt 22,32). Nơi Đức Kitô, sự chết đã bị thách đố. Đức Kitô đã vượt thắng sự chết bằng chính cái chết của Người.

Đây là ngày Chúa đã lập ra. Đây là ngày hiển thắng của Thiên Chúa – hiển thắng trên tội lỗi và sự chết của con người. Con người đành chịu thua số phận của mình ư? Con người đành khuất phục trước sự chết ư?

Hay con người sẵn lòng dự phần trong cuộc hiển thắng này?

Con người đành thua sự chết khi họ chỉ hướng đến những gì thuộc hạ giới. Vì không có mầm bất tử nơi hạ giới này.

Vâng, đáng buồn biết bao, người ta vẫn chứng tỏ mình đành thua sự chết. Người ta không chỉ chấp nhận chết mà còn bức tử kẻ khác nữa. Người ta thường bức tử những kẻ không hiểu biết, những kẻ ngây thơ, thậm chí những đồng loại chưa được sinh ra của mình.

Người ta không chỉ đành thua sự chết. Người ta còn đặt cuộc hiện sinh của mình trong chính cấu trúc của sự chết. Đây há không phải là cách mà chúng ta áp đặt cái chết cho đồng loại chúng ta đó sao: bạo lực, tranh giành quyền lực một cách khát máu, thu tóm của cải một cách ích kỷ, đấu tranh chống lại sự cùng khổ bằng cách nuôi dưỡng lòng đố kỵ và quyết liệt báo thù, đe dọa và lăng nhục, tra tấn và khủng bố? Có điều, dù đành chịu thua sự chết, con người vẫn khiếp sợ nó.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 21/4

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

Chúa Nhật Chúa Chiên Lành

(Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ)

Cv 4, 8-12; 1Ga 3,1-2; Ga 10, 11-18.

Lời suy niệm: “Tôi là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10,11)

          Điều Chúa Giêsu đang giới thiệu về chính Người, cũng là điều Người muốn những người môn đệ của Chúa phải xem đó là mẫu gương để học và làm theo. Đoàn chiên mà Chúa muốn nói đến là Giáo Hội của Chúa trong hiện tại, rất cần những chủ chăn đầy nhiệt tình chăm sóc và bảo vệ bằng một tình yêu thương và rộng lòng tha thứ, đặc biệt là thích gần gũi với những con chiên lạc, con chiên đau yếu, bệnh tật, đói khát…

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho Giáo Hội Chúa có những mục tử nhân lành, để gìn giữ nâng đỡ đoàn chien mà Chúa đang giao phó sớm đến nơi bình an. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 21-04: Thánh ANSELMÔ
Gíam mục, Tiến Sĩ  (1033 – 1109)

Thánh Anselmô chào đời năm 1033 tại Aosta, trong một gia đình quí phái. Mẹ Ngài, một người rất đạo đức lãnh trách nhiệm huấn luyện Ngài theo đàng nhân đức. Từ nhỏ, Ngài đã được theo học những bậc thầy danh tiếng. Bởi thế, Ngài đã mau mắn tiến triển cả về học vấn lẫn đức hạnh. Vào tuổi 15, thánh nhân đã biết chán ghét danh vọng giả trá thế trần và quyết theo đuổi đời sống tu trì, nhưng cha Ngài chống lại ý muốn này, thánh nhân buồn rầu ngã bệnh. Nhiệt tình theo đuổi đời sống tu trì không kéo dài bao lâu, nhất là bà mẹ đạo đức qua đời.

Anselmô rơi vào tình trạng nguội lạnh, nhiệt tình tuổi trẻ bị lôi cuốn vào những hấp dẫn thế trần. Cho đến lúc này, Anselmô vẫn còn thần tượng của cha Ngài, nhưng Thiên Chúa đã tha phép cho tình âu yếm của ông biến thành cay cú, đòi hỏi và cứng cỏi, đến nỗi Anselmô đã phải bỏ nhà trốn đi. Ngài từ giã không phải khỏi nhà cha mẹ mà thôi, nhưng còn bỏ luôn quê hương xứ sở cho tới tận miền Bourgogne. Tại đây, Ngài lấy lại nhiệt tình ban đầu. Ba năm sau, Ngài đến thụ huấn với tu viện trưởng Lanfrane ở Bec.

Một ngày kia, Anselmô xét thấy mình đã khổ cực để nên thông thái nhiều hơn là để nên đạo đức. Ngài đến quì dưới chân thày và nói : – Con có ba đường để theo : hoặc là trở thành tu sĩ phải Bec, hoặc sống ẩn tu, hoặc ở giữa thế gian để phân phát cho người nghèo gia sản của cha con để lại.

Đức Tổng giám mục giáo phận Rouen khuyên Ngài theo đuổi đời sống tu trì. Thế là Anselmôgia nhập tu viện Bec. Lúc ấy Ngài được 27 tuổi, Ngài đã dồn nỗ lực để nghiên cứu thần học và đời sống khiêm tốn vâng phục. Năm 1072, Đức Đan viện phụ Lanfrane được đặt làm tổng giám mục Canterbury. Anselmô được cử lên thay thế làm tu viện trưởng rồi làm Đan viện phu.

Sự đơn sơ và nhân hậu của Ngài đã đánh tan mọi ghen tương nghi kỵ. Hơn nữa sự thánh thiện và trí thông minh của thánh nhân đã khiến cho Ngài trở thành danh tiếng không những đối với các vị vua Chúa và các đức giám mục mà cả với thánh giáo hoàng Grêgôriô nữa. Tu viện Đức Bà ở Bec trở thành nơi trung tâm của phong trào trí thức thế kỷ XI năm 1087. Vua Willian I nước Anh từ trần. William Rufus lên kế vị. Nhà độc tài này không muốn có những chủ chăn mới và sang đoạt được nhiều tài sản của Giáo hội, nên khi Đức tổng giám mục Lanfrane qua đời, tòa giám mục Canterbury bị trống ngôi, năm 1093 khi thánh Anselmô viếng thăm Anh quốc, Rufus trong cơn trọng bệnh đã xin thánh nhân lãnh nhiệm vụ cai quản giáo phận Canterbury. Thánh nhân đã từ chối, nhưng rồi cũng phải lãnh nhận vì sự nài nỉ của các giám mục và nhất là vì sự chỉ định của đức Giáo hoàng Urbanô II.

Nhưng rồi khi nhà vua bình phục, ông hối tiếc vì việc sám hối của mình. Khi bị Đức Anselmô buộc phải chấp nhận quyền của Đức Urbanô, ông đã gây áp lực để truất phế đức tổng giám mục. Đức Giáo hoàng không nhận những giáo dân có thế giá cho biết sẽ không tha thứ cho việc truất phế thánh nhân, nhưng rồi năm 1097, sau nhiều cuộc cãi vã liên tục và vô hiệu, thánh Anselmô tự ý xin đi lưu đày, Rufus ưng thuận.

Thánh Anselmô trở về Roma và được khen ngợi vì sự can đảm của Ngài sau khi tham dự cộng đồng Bari và Roma. Thánh nhân tìm về đời sống tu viện tại dãy núi Apennins. Nơi đây Ngài hoàn thành tác phẩm: tại sao Thiên Chúa làm người. Ngài tuân thủ từng chi tiết của lề luật như một tập sinh. Ngài nói : – Cuối cùng tôi gặp được chốn nghỉ ngơi.

Năm 1100, Rufus qua đời trong một cuộc đi săn. Henri em vua lên kế vị, nhà vua mới triệu vời vị tổng giám mục trở về giáo phận. Năm 1106 Ngài trở về điều khiển Giáo hội tại Anh quốc.

Trải qua biết bao thăng trầm thánh nhân vẫn giữ được tâm hồn bình lặng. Ngài không bỏ qua công cuộc tìm kiếm thần học. Bởi đó, Ngài đã thành chiến sĩ đầu tiên của Giáo hội sau những thế kỷ đen tối. Luận chứng của Ngài nhằm chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa nay vẫn còn được biết đến. Thần học của Ngài là một phần linh đạo đặt trên sự cảm thông với những đau khổ của Chúa Kitô.

Với tư cách Tổng giám mục Canterbury Ngài đã chấm dứt việc bôi nhọ các thánh quê mùa của nước Anh quốc và góp phần khơi dậy cảm tình những gì truyền thống nước Anh từ xưa để lại. Đây là việc làm có giá trị lâu bền vì sửa lại được tình cảm phân rẽ và cuộc chinh phục của William gây nên.

Năm 1109, thánh Anselmô qua đời. Một con người đã luôn biết tìm kiếm Chúa. “Tôi không tìm hiểu để tin nhưng tin để mà hiểu biết”, cuối cùng Ngài đã tìm về được ánh sáng vĩnh cửu.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

21 Tháng Tư

Món Quà Sinh Nhật

Một bác nông phu tên là Donningos sinh sống bên Brazil bằng nghề trồng bắp. Một buổi sáng nọ, trên con đường đi ra đồng làm việc, ông được đứa con trai mừng sinh nhật thứ 10 chạy theo căn dặn: “Ðừng quên mang về hai con chim nhỏ làm quà sinh nhật cho con cha nhé!”. Người cha vốn rất vui tính và thương con nở nụ cười tươi, gật gù dưới chiếc nón rộng vành cho con yên dạ.

Sau một ngày lao động mệt nhọc trên cánh đồng, thấy mặt trời chưa lặn hẳn, bác Donningos vội đi qua cánh rừng gần đấy gom một mớ củi. Ðang lúc bó củi, bỗng bác nhớ lại lời hứa mang đôi chim về làm quà sinh nhật thứ 10 cho con. Bác bỏ vội bó củi bên đường, tiến sâu vào rừng, trèo nhanh lên gành đá của một ngọn đồi, nơi chim thường làm tổ. Tìm được một tổ chim có tiếng chim con kêu, bác cẩn thận luồn tay vào, nhưng vừa đụng những chim con, bác vội rụt tay về, vì nghe đau nhói như bị kim đâm. Nhìn kỹ đó là vết thương hai lỗ có máu rỉ ra. Chưa định thần thì một con rắn đầu có hình chữ thập trườn ra ngoài, vươn đôi mắt ngê rợn chực tiếp tục tấn công. Ðó là con rắn nổi tiếng được dân địa phương gọi là “uturu des sétao”. Nổi tiếng vì nọc nó vô phương cứu chữa.

Bác nông phu vội rút chiếc dao cán dài ra khỏi thắt lưng, nhắm đầu rắn chặt nhanh. May cho bác, nhát dao giết chết được con rắn, nhưng bàn tay bị rắn cắn bỗng vụt sưng lên. Không chần chừ, bác kê tay lên gốc cây và mạnh tay chặt luôn hai nhát, cắt lìa bàn tay. Buộc xong vết thương bằng chiếc áo và dùng răng phụ chiếc tay còn lại xiết chặt, bác dùng sức tàn chạy nhanh về nhà, nhưng vẫn không quên cầm hai chú chim làm qua sinh nhật cho con.

Bạn có tin câu chuyện có thực này không? Nếu bạn không tin thì làm sao bạn tin được một sự thật khác còn to lớn hơn: Thiên Chúa chúng ta, không những cho chúng ta bàn tay của người, nhưng đã trao ban cho chúng ta trọn Con Một yêu dấu của Người.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật IV – Năm B – Phục Sinh 

Bài đọc: Acts 4:8-12; I Jn 3:1-2; Jn 10:11-18.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những nguồn sức mạnh vô biên tiềm ẩn nơi các tín hữu.

             Người Kitô hữu, tuy bề ngoài cũng giống như bao nhiêu con người khác, nhưng họ có những nguồn sức mạnh vô biên đang tiềm ẩn nơi con người của họ; mà chính họ nhiều khi không ý thức là mình có hay không biết cách xử dụng chúng. Khi các tín hữu biết xử dụng các nguồn sức mạnh này, họ có thể chữa lành bệnh tật, cho người chết sống lại, khai trừ ma quỉ, vượt qua các khó khăn của cuộc sống, và đạt được đích điểm là cuộc sống muôn đời mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho họ.

            Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong các nguồn sức mạnh vô biên đang tiềm ẩn nơi các tín hữu. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Công Vụ Tông Đồ nhấn mạnh đến Danh Đức Kitô mà các Kitô hữu tin tưởng, và mầm sống Phục Sinh mà họ đang mang trong mình. Thánh Phêrô dùng Danh Đức Giêsu Kitô để chữa lành người bại liệt, và Ngài quả quyết con người phải tin vào Danh này mới được ơn cứu độ. Trong Bài Đọc II, thánh Gioan đề cập đến đặc quyền làm con Thiên Chúa của các tín hữu, và gia tài họ sẽ được thừa hưởng sau này. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là Mục Tử Tốt Lành, Ngài đến để qui tụ tất cả con chiên lạc để bảo vệ chúng, và làm cho chiên được sống dồi dào. Người Kitô hữu có một người bảo vệ uy quyền, yêu thương, và sẵn sàng hy sinh tính mạng cho họ.

 KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Các tín hữu mang Danh Đức Kitô và mầm sống Phục Sinh nơi mình.

            Người Kitô hữu chúng ta có một danh thánh quyền năng, mà không một danh nào trên địa cầu này có uy quyền như danh thánh đó. Danh mà thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Philipphê xác tín: “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Phi 2:10-11). 

1.1/ Nhân Danh Đức Kitô, Phêrô chữa lành bệnh: Thượng Hội Đồng chất vấn hai ông Phêrô và Gioan: “Các ông lấy quyền năng nào và nhân danh ai để chữa bệnh?” Bấy giờ, ông Phêrô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ: “Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Israel biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị.” Người Kitô hữu chúng ta không phải ai cũng có thể chữa bệnh như Phêrô, cha Piô, hay cha Bửu Diệp; nhưng niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô có thể giúp chúng ta tránh những nguy cơ của bệnh tật và giúp chúng ta vui sống bình an với mọi người.  

1.2/ Chỉ nhờ danh Đức Kitô, con người mới được cứu độ: Trên đồi Calgary, những người trong Thượng Hội Đồng tưởng rằng họ đã loại trừ Chúa Giêsu và tránh được hậu quả mà họ lo sợ là dân chúng bỏ họ mà theo Ngài, nhưng Phêrô nhắc nhở cho họ biết sự sai lầm của họ: “Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” Chính Chúa Giêsu đã từng mặc khải điều này cho các môn đệ: “Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Jn 6:40). Bằng niềm tin vào Danh Đức Kitô, người tín hữu bảo đảm được hưởng cuộc sống muôn đời. 

2/ Bài đọc II: Các tín hữu được hưởng đặc quyền làm con Thiên Chúa. 

2.1/ Người tín hữu là con Thiên Chúa: Bằng niềm tin nơi Đức Kitô và chịu Phép Rửa, người tín hữu trở thành con Thiên Chúa, như thánh Gioan xác nhận: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Jn 1:12). Người Kitô hữu được hưởng đặc quyền này không phải do liên hệ máu mủ hay họ hàng, cũng không phải vì họ tốt lành hay đã làm nên công trạng gì; nhưng đơn giản là vì Thiên Chúa yêu họ, ban cho họ Người Con Một của Ngài là Đức Kitô, để họ có thể trở thành những người con nuôi của Ngài nhờ niềm tin vào Đức Kitô, như Gioan cắt nghĩa: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.”

            Người tín hữu không phải là con của thế gian: Thế gian ở đây hiểu là những người không tin và chống lại Thiên Chúa. Khi người tín hữu tin Đức Kitô, họ đã thắng thế gian vì thế gian không tin Người; nhưng giá họ phải trả giá là thế gian sẽ ghét và truy tố họ, vì họ không chịu sống theo những tiêu chuẩn của thế gian. Đức Giêsu nhắn nhủ các môn đệ điều này trước Cuộc Thương Khó của Ngài: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Jn 15:18-19). 

2.2/ Quyền lợi của những người con Thiên Chúa: Gioan tóm gọn trong một câu đơn giản: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.”

            Trước tiên, người tín hữu được bảo đảm quyền sống lại và mang một thi thể Phục Sinh bất tử như Đức Kitô. Điều này gợi lại ý hướng của Thiên Chúa khi dựng nên con người giống hình ảnh và những đặc tính của Thiên Chúa (Gen 1:26), mà tội lỗi đã bôi bẩn và làm hoen ố con người. Đức Kitô đến không những để cất đi tội lỗi, mà còn thánh hóa các tín hữu bằng ơn thánh qua các Bí-tích, và khôi phục lại hình ảnh tốt lành và thánh thiện nguyên thủy của con người.

            Thứ đến, các tín hữu được thừa hưởng những kho tàng vô cùng quí giá do Chúa Giêsu để lại. Chúng ta có thể tóm gọn trong 4 gia tài thánh:

(1) Toàn bộ Thánh Kinh về Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa. Đây là một kho tàng khôn ngoan mà không một Sách nào hay tất cả các khôn ngoan của thế gian có thể so sánh được. Nó cung cấp cho người tín hữu mọi giải đáp cho cuộc đời.

(2) Thánh Thần là nguồn mạch 7 ơn thiêng. Ngài họat động trong tâm hồn các tín hữu, và sẽ giúp các tín hữu hiểu sự thật, sống sự thật, và có can đảm làm chứng cho sự thật, giữa bao nhiêu sai trá và cám dỗ của thế gian.

(3) Thánh Giá là khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Thánh Giá giúp các tín hữu nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, và thúc đẩy họ chấp nhận và đi đường gian khổ như Chúa Giêsu, để mang sự sống cho bản thân và cho tha nhân.

(4) Thánh Thể là nguồn sức mạnh nuôi dưỡng các tín hữu, giúp họ luôn có cuộc sống thần linh trong tâm hồn, để có thể vượt qua mọi khó khăn và trở ngại trong cuộc sống.

3/ Phúc Âm: Các tín hữu được bảo vệ bởi Người Mục Tử Nhân Lành.           

3.1/ Mục Tử Tốt Lành sẵn sàng hy sinh tính mạng cho đòan chiên: Trong Tân Ước, Chúa Giêsu ví các tín hữu như chiên và Ngài như người chăn chiên hay Mục Tử. Trong Cựu Ước, tiên tri Ezekiel đã ví Israel như chiên và Thiên Chúa như người Mục Tử (Eze 34). Theo tiên tri, không phải các mục tử đều tốt lành, có những mục tử trong Israel không săn sóc và hướng dẫn chiên, mà chỉ để ý đến lông chiên và thịt chiên. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa quở trách họ và Ngài muốn chính Ngài là Mục Tử để chăn dắt chiên. Ba đặc tính về Mục Tử Tốt Lành Chúa muốn nêu bật trong trình thuật hôm nay:

            (1) Sự khác biệt giữa Mục Tử Tốt Lành và người chăn chiên: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói rình đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên.”

            (2) Mục Tử Tốt Lành biết tất cả chiên của mình: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”

            (3) Mục Tử Tốt Lành đến để tìm kiếm các chiên thất lạc và đưa về một đàn: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.”

            Người tín hữu phải biết mình có một Mục Tử Tốt Lành luôn chú tâm săn sóc, hướng dẫn, và bảo vệ họ mọi giây phút trong cuộc đời. Điều cần là họ phải luôn lắng nghe, vâng lời, và làm theo những gì Ngài chỉ dạy, thì mới có thể được nuôi dưỡng, an vui, và tránh khỏi nguy hiểm. 

3.2/ Mục Tử Tốt Lành có uy quyền hy sinh và cũng có uy quyền lấy lại sự sống: Các tín hữu không chỉ có một Mục Tử Tốt Lành, mà Ngài còn là một Mục Tử uy quyền. Chúa Giêsu cắt nghĩa: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”

            Nếu chúng ta chỉ có Mục Tử Tốt Lành biết yêu thương và hy sinh cho đoàn chiên thôi, điều đó chưa đủ, vì khi thế gian giết người Mục Tử Tốt Lành, đoàn chiên sẽ tan tác; nhưng chúng ta cần có một Mục Tử Tốt Lành và uy quyền, Ngài có thể tự mình sống lại và cứu đòan chiên khỏi chết. Chúa Giêsu là Mục Tử vừa tốt lành vừa uy quyền; Ngài yêu thương con người tới độ sẵn sàng hy sinh chết vì tội lỗi con người, và Ngài có uy quyền để sống lại từ cõi chết và phục hồi sự sống vĩnh cửu cho con người.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

            – Chúng ta phải nhận ra và biết cách xử dụng những nguồn năng lực vô biên mà Thiên Chúa ban tặng, để sinh ích cho cá nhân, gia đình, xã hội và Giáo Hội.

            – Chúng ta đừng khinh thường những sức mạnh mà mình đang mang trong mình; chúng có thể giúp chúng ta làm những điều vượt quá sức con người, như Sách CVTĐ đã chứng minh.

            – Chúng ta là con Thiên Chúa, không phải là con cái thế gian; nên đừng sống theo tiêu chuẩn của thế gian. Với những nguồn sức mạnh của Thiên Chúa ban, chúng ta có khả năng chiến thắng mọi cám dỗ của ma quỉ và thế gian. Đừng sợ bất cứ một quyền lực nào, vì chúng ta được bảo vệ bởi người Mục Tử Tốt Lành, sẵn sàng thí mạng để bảo vệ chúng ta. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************