Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
Ban Nghiên Huấn
**********
THƯỜNG HUẤN GIÁO DÂN THÁNG 5/2025
ĐỜI SỐNG CHỨNG NHÂN VÀ TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN
BÀI 1 – CHỨC TƯ TẾ CHUNG CỦA NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN
Theo giáo lý của Giáo hội Công Giáo thì khi chịu phép rửa tội người được rửa tội cũng được xức dầu thánh để lãnh nhận ơn riêng của Chúa Thánh Thần, nhờ đó “trở thành một Kitô hữu”, nghĩa là được xức dầu, gia nhập vào Thân Thể Chúa Kitô là Đấng đã được xức dầu để làm tư tế, ngôn sứ và vương đế” (x. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1241).
1/ Sự khác biệt giữa chức tư tế chung và tư tế thừa tác
Chức Tư Tế Thừa Tác: Khi nói đến chức tư tế là nói đến Chức Linh Mục duy nhất của Chúa Kitô, Vị Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê (Dt 5:10). Nghĩa là chỉ có Chúa Kitô là Thầy Cả hay Linh Mục Thượng Phẩm duy nhất đã dâng Hy Tế đền tội thay cho nhân loại một lần xưa trên thập giá. Khi đó, Người vừa là Bàn Thờ, vừa là Của Lễ và là Linh Mục. Chúa Kitô vẫn tiếp tục dâng Hy Tế này cách bí nhiệm qua tác vụ của Giáo hội, cụ thể qua thừa tác vụ của các giáo sĩ có chức thánh như Giám mục và Linh Mục, là những người nhờ Bí tích truyền chức thánh mà được phép nhân danh Chúa Kitô để “làm việc này mà nhớ đến Thầy” nghĩa là cử hành Thánh lễ Tạ Ơn hàng ngày ở khắp mọi nơi trong Giáo hội. Đây là chức tư tế của hàng giáo sĩ phẩm trật hay thừa tác xuất phát từ bí tích truyền chức thánh.
Chức tư tế chung của mọi Kitô hữu hay giáo dân là chức phát sinh từ bí tích Rửa tội và Thêm sức, chứ không phải từ bí tích truyền chức thánh. Vì thế, giáo dân không được phép cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Chỉ trừ trường hợp nguy tử, khi không tìm được các thừa tác viên có chức thánh (Giám mục, Linh mục, Phó tế) giáo dân mới được phép cử hành bí tích Rửa tội mà thôi. Chức tư tế chung của người tín hữu chỉ cho phép mọi tín hữu được hiệp thông với các tư tế thừa tác trong việc dâng đời sống của mình với mọi vui buồn, sướng khổ để kết hợp với Hy tế của Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa để xin ơn cứu chuộc cho mình và cho người khác trong Thánh lễ.
2/ Sự bổ trợ giữa chức tư tế chung và tư tế thừa tác
Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn cả về yếu tính nghĩa là về bậc sống, chức tư tế thừa tác đòi hỏi người lãnh nhận phải hoàn toàn dâng hiến cuộc đời cho một mình Thiên Chúa trong đời sống độc thân thánh hiến, còn với chức tư tế chung thì giáo dân không bị đòi buộc sống độc thân như hàng giáo sĩ. Về yếu tính khác nhau vì phát sinh từ hai bí tích khác nhau, bí tích Truyền chức và bí tích Rửa tội. Tuy khác nhau nhưng cả hai bổ túc cho nhau, cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình. Tư tế thừa tác, nhờ có quyền do chức thánh đóng vai trò Chúa Kitô cử hành Hy tế tạ ơn và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân Chúa. Phần tín hữu, nhờ chức tư tế chung, cộng tác dâng thánh lễ và thi hành chức vụ đó trong việc lãnh nhận các bí tích, khi cầu nguyện và tạ ơn, bằng đời sống chứng tá thánh thiện, bằng sự từ bỏ và bác ái tích cực (x. Hiến chế Lumen Gentium, số 10).
Sự liên đới giữa hai chức tư tế chung và thừa tác: Chức tư tế chung của người giáo dân hoàn toàn khác với chức tư tế thừa tác của hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, sự khác biệt này không có nghĩa là ai cao trọng hơn ai, mà chỉ nói lên sự khác nhau về chức năng để chu toàn các nhiệm vụ theo ơn gọi riêng của mỗi bậc sống mà thôi. Điều quan trọng là mọi thành phần dân Chúa trong Giáo hội, (giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân) tất cả đều được mời gọi nên thánh và có trách nhiệm loan báo Tin mừng Cứu độ của Chúa Kitô cho mọi người, mọi dân tộc trên toàn thế giới. Vai trò khác nhau chỉ nói lên bổn phận khác nhau phải chu toàn mà thôi. Các bổn phận này cũng chỉ phát xuất từ một sứ mạng duy nhất là loan báo Tin mừng. Chức tư tế thừa tác trao ban chức tư tế chung cho tín hữu qua Bí tích Rửa tội và nuôi sống tín hữu qua các bí tích đặc biệt là Bí tích Giao hoà và Thánh Thể, và cùng nhau cầu nguyện cho thế giới, thánh hóa con người qua sự hy sinh phục vụ làm chứng cho Tin mừng Cứu độ của Chúa Giêsu Kitô.
3/ Chức tư tế chung trao trách nhiệm thánh hóa thế giới cho giáo dân
Người giáo dân sống trong thế giới và giữa những thực tại trần gian với ơn gọi thánh hóa những gì trần tục. Chính ơn gọi này và cuộc sống của họ gắn liền với những thực tại trần thế, bối cảnh xã hội, không gian sống đã định hướng cho đời sống của giáo dân là nên thánh và làm cho mọi thực tại xã hội gắn liền với mình nên thánh. Một khi mang trên vai sứ vụ như thế, người giáo dân rõ ràng đã được thúc đẩy bởi lệnh sai đi vào giữa thế gian của Đức Kitô (x. Ga 17,18). Được sai đi như thế, một mặt người giáo dân phải sống theo Tin mừng của Đức Kitô, một mặt phải chấp nhận hòa mình vào dòng chảy của cuộc đời. Sống như thế, không phải là đi tìm một lối sống hai mặt trái nghịch nhau, nhưng luôn phải nỗ lực không ngừng để ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Sống ở thế gian mà không thuộc về thế gian là một thách đố lớn cho người Kitô hữu, vì những giá trị thế gian rất hấp dẫn, cần thiết cho cuộc sống nhân sinh nhưng chạy theo nó thì dễ làm cho người giáo dân từ chối con đường Tin mừng. Thách đố này đòi hỏi người giáo dân phải biết sống và chọn lựa những giá trị cuộc sống theo ánh sáng Tin mừng.
Kết luận
Trong tiến trình hiệp hành của Giáo hội hiện nay, tính hiệp hành biểu thị một lối sống và cách thực thi sứ vụ của Giáo hội, nó diễn tả bản chất của Giáo hội là Dân Thiên Chúa cùng nhau lữ hành và tập họp thành cộng đoàn, được Chúa Giêsu thiết lập trong quyền năng của Chúa Thánh Thần để loan báo Tin mừng. Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội trong đó mọi thành phần giáo sĩ, giáo dân đều tham gia và đồng trách nhiệm. Tính hiệp hành mời gọi sự tham gia của tất cả mọi tín hữu tuỳ theo ơn gọi, bậc sống và sứ vụ của mỗi người. Sự tham gia dựa trên nền tảng là ơn gọi của Bí tích Thanh tẩy, ơn gọi làm cho người giáo dân thực sự trở nên con Thiên Chúa và là dân của Chúa, Dân Tư Tế, là thành phần làm nên Giáo hội, Nhiệm thể của Chúa Kitô. Giáo sĩ và giáo dân đều có chung một sứ mạng là hoạt động tích cực để mở mang “Nước Chúa” trên trần thế, hầu cho nhiều người được hưởng ơn Cứu độ của Chúa Kitô. Tất cả đều có chung một khát vọng là được nên thánh như Cha trên trời là Đấng Chí Thánh, mặc dù khác nhau về địa vị và phương thức thi hành sứ mạng của mình trong Giáo hội. Sự khác biệt này không làm thương tổn đến địa vị của một thành phần nào trong Giáo hội, mà chỉ nói lên tính đa dạng của ơn gọi phục vụ mà thôi.
Hồi tâm
1) Anh chị em hiểu như thế nào về chức tư tế chung và thừa tác trong Giáo hội Công giáo?
2) Anh chị em đã và đang thi hành chức tư tế chung như thế nào?
3) Với chức tư tế chung anh chị em có nhận ra trách nhiệm phải thánh hóa bản thân và thế giới không?
Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng
Nguồn: hdgmvietnam.com