Lược sử Giáo sở Kim Đôi

07/11/2019

GIÁO SỞ KIM ĐÔI

GIÁO XỨ KIM ĐÔI VÀ CÁC GIÁO HỌ:

PHÚ NGẠN – TÂY THÀNH – THUẬN HÒA

VÂN QUẬT THƯỢNG – TIỀN THÀNH.  

Nhà thờ Kim Đôi hiện thời 

I- VỊ TRÍ ĐỊA DƯ

Giáo sở Kim Đôi thuộc Giáo hạt Hương Quảng Phong, có địa bàn rộng lớn, với ranh giới phía nam là sông Hương, phía bắc là phá Tam Giang. Khi chảy tới Ngã ba Sình (gần Lại Ân), sông Hương chia làm hai nhánh một lớn một nhỏ. Nhánh lớn đổ ra cửa Thuận An (Giáo xứ Thuận Hòa nằm phía tả ngạn nhánh này, Giáo xứ Tân Mỹ, Quy Lai phía hữu ngạn). Nhánh kia chảy ngược lên, qua cầu Thanh Hà tới phía sau nghĩa địa Giáo xứ Dương Sơn (giáo điểm La Vân nằm bờ sông bên nầy, bên kia là Dương Sơn).

Hiện nay, Giáo sở Kim Đôi[1] gồm 1 giáo xứ, 5 giáo họ, 11 giáo điểm thuộc 3 xã Quảng Thành, Quảng Thọ, Quảng An nằm trong huyện Quảng Điền và xã Hương Phong nằm trong thị xã Hương Trà, với gần 500 giáo dân.

Trên địa bàn xã Hương Phong có 3 giáo họ: Thuận Hòa, Vân Quật Thượng và Tiền Thành, 2 giáo điểm Vân Quật Đông và An Lai. Trong địa bàn xã Quảng Thành có Giáo xứ Kim Đôi và 2 giáo họ Tây Thành + Phú Ngạn, 2 giáo điểm: An Thành và Thành Trung. Trong địa bàn xã Quảng An có 3 giáo điểm: An Xuân, Mỹ Xá, Phước Thanh. Trong địa bàn xã Quảng Thọ có giáo điểm La Vân.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

A- Giai đoạn phôi thai 1896-1915: chỉ 1 giáo xứ và 1 cha sở

Về Giáo sở Kim Đôi, trước tiên phải nói đến Giáo xứ An Thành[2]. Lịch sử cho biết từ năm 1886-1909, Đức cha Caspar Lộc mở thêm 14 giáo xứ và 200 giáo họ mới trong Giáo phận. Có lẽ An Thành xuất hiện vào thời gian này, vì trong danh sách các giáo xứ thời Đức cha Sohier Bình (1867) không có tên đó trên địa bàn giáo phận. An Thành lúc ấy có nhà nguyện và nhà xứ lợp tranh.

– Năm 1896-1897, cha Tôma Nguyễn Khắc Phú (1855-1891-1903)[3], làm Quản xứ tiên khởi.

– Năm 1897-1913, cha Alphongsô Trần Bá Lữ (1845-1884-1913) làm cha sở An Thành kiêm cả giáo sở (trừ Thuận Hòa thuộc Lại Ân). Trong 6 năm đó, ngài đã giúp nhiều cư dân địa phương gia nhập Công giáo.Liber Baptizatorum(Sổ Rửa tội) của Giáo sở Kim Đôi, từ 1904-1911, cho biết cha Lữ đã rửa tội 81 người, đa số là trẻ em[4].

– Cha Giuse Trần Văn Trang(1882-1910-1945) về làm Quản xứ An Thành từ tháng 10-1913 đến tháng 7-1915 kiêm các giáo họ trực thuộc. Hầu hết các giáo họ trực thuộc đều có nhà nguyện khiêm tốn bằng tranh tre để thỉnh thoảng cha đến dâng lễ.

B- Giai đoạn thăng trầm với thời cuộc 1915-2019: 2 giáo xứ, 2 cha sở và 4 giáo họ

1- Giáo xứ Phú Ngạn 1915-1967.

– Năm 1915, cha Giuse Trần Văn Trang làm Quản xứ Phú Ngạn kiêm cả địa bàn giáo sở từ tháng 7-1915 đến năm 1928. Ngài xây nhà thờ và nhà xứ lợp tranh nằm sát bờ sông Phú Ngạn.

Năm 1916, cha Simon Hoàng Văn Tâm, được đặt làm phó xứ đến năm 1922. Năm 1923, cha Lu-y Nguyễn Văn Hoài, kế nhiệm tới năm 1927. Ngài bị bệnh thổ tả và qua đời tại La Vân Thượng. Hiện ngôi mộ ngài nằm phía sau nhà thờ Phú Ngạn thứ 2 (cách nhà thờ đầu tiên khoảng 200 mét). Tại địa điểm mới, nhà thờ và nhà xứ vẫn còn khiêm tốn. Sau khi cha Trang về Kim Đôi (tháng 6-1923), cha phó Hoài vẫn ở đây làm mục vụ.

– Năm 1928, cha Tôma Nguyễn Văn Hinh (1890-1922-1965) làm Quản xứ Phú Ngạn đến tháng 7-1936, kiêm An Thành, Tây Thành, Đông Xuyên, Mỹ Xá, Thanh Hà, Thế Lại, Phú Lương, La Vân, Phước Yên, Tân Xuân Lai. Ngài xây nhà thờ, nhà xứ và nhà các chị bằng gạch lợp ngói. Lúc này tại Phú Ngạn có sở nữ tu Mến Thánh Giá Dương Sơn. (Các cơ sở nầy bị tàn phá trước năm 1968, riêng nhà thờ còn mặt tiền.Các chị cũng từ đấy chấm dứt hoạt động).

Các Quản xứ kế vị đều kiêm các giáo họ như cha Hinh:

– Năm 1936, cha Phaolô Văn Đình Vĩnh (1891-1920-1968), đến năm 1941.

– Năm 1942, cha Micae Hoàng Ngọc Bang (1895-1926-1968), đến năm 1944.

– Năm 1945, cha Giuse Trần Văn Tường (1906-1938-1970), đến 1946.

– Năm 1948, cha Gioan Nguyễn Đăng Bình (1910-1941-2002), đến năm 1950.

– Năm 1964, cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Huệ (1910-1940-2001), đến năm 1967.

Giáo họ Phú Ngạn 1967-2019

– Từ 1967-1975, vì mất an ninh và chiến tranh lan rộng, Phú Ngạn không còn cha sở nên đã trực thuộc Giáo xứ Lại Ân (nằm bên kia sông Hương, chếch về phía nam). Các giáo họ gần Dương Sơn (La Vân, Phước Yên, Phú Lương, Tân Xuân Lai) thì thuộc Dương Sơn.

– Ngày 13-4-1975 Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền bổ nhiệm cha Anrê Ngô Văn Nhơn làm Quản xứ Kim Đôi, kiêm Phú Ngạn, Thuận Hòa và các giáo họ trực thuộc.Vì nhà thờ Phú Ngạn (xây từ thời cha Nguyễn Văn Hinh) chỉ còn mặt tiền và tháp chuông, cha Anrê đành làm tạm một ngôi nhà thờ bằng tranh tre và cột sắt ngay sau mặt tiền này. Sau đó thì lợp ngói.

– Năm 1999, cha Anrê Ngô Văn Nhơn xây 2 trụ cổng, đúc đường và sân nhà thờ bằng xi măng.

– Từ năm 2001, cha Phaolô Ngô Thanh Sơn (được Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể bổ nhiệm làm Quản xứ Kim Đôi ngày 8-2-2001 kiêm Phú Ngạn) thay toàn bộ mái ngói đã bị mục bằng tôn lạnh, làm nhà tạm mới và đóng trần cung thánh, lót gạch men cả cung thánh và đóng 3 tấm tôn lớn che nắng phía bên nữ, làm cổng mới bằng sắt.

– Năm 2011, cha Phaolô Hoàng Nhật (được Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể bổ nhiệm Quản xứ Kim Đôi tháng 9-2008 kiêm Phú Ngạn) đã mở rộng gian cung thánh, hai cánh gà và phòng thánh theo nền nhà thờ cũ (vì trước đây nhà thờ này có 5 gian, nhưng đã bị sập 2 gian sau bão 1985), đồng thời thay một số băng kèo gian cung thánh. Ngài còn làm thêm Nhà tạm, đặt Lời Chúa ngang với Mình Chúa. Sơn mới lại nhà thờ cả trong lẫn ngoài vào năm 2012.

 – Năm 2012, ông Têphanô Trần Văn Thương đã trả lại đất (do chính quyền cấp cho gia đình sau năm 1975) nằm trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ. Cha sở Phaolô đã nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của ông Thương và giao cho sở quản lý Giáo phận cất giữ. Cha tặng lại cho gia đình ông Thương một số tiền như ghi nhận công lao đóng góp của gia đình ông. Cùng năm, cha đã dựng trụ bê-tông bao quanh khuôn viên nhà thờ.

– Năm 2013, cha Phaolô cho đúc đường bê-tông từ cổng phụ bên hông đi vào nhà thờ. Đồng thời, giáo dân Phú Ngạn đã góp công của để xây mới lại ngôi mộ của cha Lu-y Nguyễn Văn Hoài (nằm phía sau).

Mộ cha Nguyễn Văn Hoài sau nhà thờ Phú Ngạn

2- Giáo xứ Kim Đôi (1923-1967 và 1975-2019)

– Năm 1923, cha Giuse Trần Văn Trang làm Quản xứ Kim Đôi từ tháng 6-1923 đồng thời Quản xứ Phú Ngạn cho tới năm 1928. Ngài xây nhà thờ và nhà xứ Kim Đôi. Năm 1924, được Đức Giám mục Eugène Allys ban phép, cha Giuse Trang đã lập một tu hội mang tên là Tu hội Mến Thánh Giá Cải cách Kim Đôi (tiền thân của Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng). Năm 1927, cha Antôn Nguyễn Văn Bằng làm phó cho ngài 12 tháng.

– Năm 1928, cha Đôminicô Nguyễn Văn Trân (1892-1922-1964) Quản xứ Kim Đôi đến năm 1930, kiêm An Xuân, Vân Quật Đông, An Lai, Vân Quật Thượng, Tiền Thành, Thanh Phước, Thành Trung, Thủy Điền. Các quản xứ kế nhiệm cũng kiêm như vậy.

– Năm 1930, cha Tôma Trương Đình Điểm (1883-1912-1932) Quản xứ Kim Đôi đến 1932.

– Năm 1935, cha Tađêô Nguyễn Văn Tuệ (1892-1910-1959) Quản xứ Kim Đôi đến 1942.[5] Ngài xây trường tiểu học, trùng tu nhà thờ, nhà xứ tồn tại cho tới trước năm 1968.

– Năm 1942, cha Giuse Trần Văn Trang về làm Quản xứ Kim Đôi lần 2 từ 21-9-1942 đến 18-3-1945. Ngài qua đời tại đây, được an táng tại vườn nhà thờ và được cải táng lên đồi Thiên Thai (khu mộ các linh mục Giáo phận Huế) ngày 11-4-1987.

– Năm 1946, cha Phaolô Trần Văn Khánh (1902-1932-1999), Quản xứ Kim Đôi đến 1952.

– Năm 1955, cha Phaolô Phan Đình Bố (1897-1926-1969) làm Quản xứ Kim Đôi đến 1964.

Năm 1961, có cha Giacôbê Đỗ Bá Công làm phó xứ. Lúc này cha sở Kim Đôi kiêm thêm Thuận Hòa. Năm 1962, cha Antôn Trần Văn Đức về giúp mục vụ, đặc biệt tại Thuận Hòa. Năm 1963, cha Gioakim Trịnh Văn Sinh về làm phó xứ.

– Năm 1964, cha Phaolô Trần Công Khôi (1919-1950-1995) làm quản xứ Kim Đôi đến 1967, kiêm Thuận Hòa. Năm 1965, do chiến tranh và mất an ninh, ngài đã giúp đưa dòng này từ Kim Đôi lên Phú Hậu theo ý của Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền để dòng xây dựng Nhà mẹ ở đó. Sau khi Nhà mẹ nguyên thủy dời đi, tại Kim Đôi dòng chỉ còn một cơ sở bé nhỏ.

– Từ 1967 đến 1975, vì mất an ninh và chiến tranh lan rộng, Kim Đôi không còn cha sở, nên như Phú Ngạn, đã được cha sở Lại Ân kiêm nhiệm.

– Ngày 13-4-1975 Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền bổ nhiệm cha Anrê Ngô Văn Nhơn làm Quản xứ Kim Đôi, kiêm Phú Ngạn, Thuận Hòa và các giáo họ trực thuộc.

Trong toàn giáo sở vào năm 1975, chỉ còn 3 nhà thờ: Thuận Hòa, Vân Quật Thượng và Tây Thành. Tại Kim Đôi, cha Anrê phải mượn ngôi trường 3 phòng của các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng dành 1 phòng làm nhà xứ, 2 phòng còn lại làm nhà nguyện (1975-1997).

Năm 1985, các nhà thờ đều bị bão sập nhưng cũng dần dần được cha Anrê tu sửa khang trang hơn. Riêng nhà thờ Thuận Hòa nguyên có 5 gian, chỉ tu sửa 3 gian còn lại.

Năm 1996, cha Anrê đã xây dựng chiếc cầu bắc ngang con hói Kim Đôi nối thôn Tiền Thành (xã Hương Phong) và thôn Kim Đôi (xã Quảng Thành). Dù chỉ dành cho người đi bộ, xe đạp và xe máy, đây là cây cầu huyết mạch cho dân địa phương.

Năm 1997, cha Anrê tái thiết nhà thờ, nhà xứ và nhà hội Kim Đôi. Trả lại trường học cho các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng. Bắt đầu sử dụng cơ sở mới (tháng 8/1997).

Nhà thờ Kim Đôi – Bên trong

– Ngày 8-2-2001 Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể bổ nhiệm cha Phaolô Ngô Thanh Sơn làm Quản xứ Kim Đôi.

Cha Phaolô quét sơn nhà xứ (trước đây quét vôi); lót gạch men và đóng trần nhà xứ, lợp mái tôn rộng trước sân nhà xứ để làm nơi giữ xe, xây thêm nhiều gian phòng phía sau dành cho khách trú ngụ cũng như để sinh hoạt; sơn nước nhà thờ Kim Đôi (trước đây chỉ quét vôi).

– Tháng 9-2008, Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể bổ nhiệm linh mục Phaolô Hoàng Nhật về làm cha sở Giáo xứ Kim Đôi và kiêm nhiệm các giáo họ trực thuộc.

– Năm 2010, cha Phaolô đã chuyển mái tôn nhà xe trước nhà xứ Kim Đôi qua hông trái của nhà thờ, xây nhà tứ giác để tạo cảnh quan cho toàn bộ khuôn viên. Ngài cũng lát gạch men nền nhà xứ (tầng trên), phòng hội… và xây dựng các nhà vệ sinh công cộng.

– Năm 2011, cha Phaolô đã xây dựng hang đá Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ và đặt tượng Đức Mẹ La Vang (cao 1,4m do Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể tặng) để giáo dân đến đọc kinh và cầu nguyện chung với nhau ngoài Thánh lễ. Đồng thời tường thành bao quanh khuôn viên nhà thờ cũng được sửa sang, và xây hoàn chỉnh cùng năm.

– Cha Phaolô đã mua xe tang (xe đẩy) cho giáo sở để giáo dân cũng như lương dân dùng đưa tiễn người quá cố đến nhà thờ hoặc nghĩa trang. Ngài cũng liệu cho giáo dân trong mùa mưa lụt có chiếc ghe nhôm để đi lại và làm phương tiện giúp đưa các người già yếu, lương cũng như giáo, đến nhà thờ trú ngụ những lúc ngập lụt lớn.

– Năm 2013, Cha Phaolô cho đúc 2 trụ đèn phía cổng chính nhà thờ và 2 trụ đèn phía hang đá Đức Mẹ.

– Ngày 23-5-2019, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh bổ nhiệm linh mục Bat. Hoàng Quang Hùng về làm cha sở Giáo xứ Kim Đôi và kiêm nhiệm các giáo xứ giáo họ trực thuộc.

Nhà xứ và hang đá Đức Mẹ tại Kim Đôi

3- Giáo họ Thuận Hòa (1953-2019)

Ngay từ đầu, Thuận Hòa trực thuộc Lại Ân, rồi Kim Đôi, sau đó thuộc Lại Ân lần nữa.

– Cha sở Lại Ân Philipphê Nguyễn Văn Tự (1931-1940) đã xây nhà thờ Thuận Hòa, và phó xứ của ngài năm 1936 là cha Tôma Nguyễn Văn Minh đã chết đuối trên sông Hương khi từ Lại Ân qua làm mục vụ tại Thuận Hòa (24-9-1937, thọ 29 tuổi).

– Cũng tại đây, cha Giuse Lê Hữu Huệ, Quản xứ Lại Ân (1940-1948) đã lập sở nữ tu Kim Đôi.

– Thời gian cha Bửu Hiệp làm Quản xứ Quy Lai (1950-1955) kiêm Thuận Hòa, có sở dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân ở đây (nhưng chỉ một thời gian ngắn).

– Năm 1953, cha Anrê Lê Văn Kiệm (1884-1914-1963) làm Quản xứ đến năm 1958.[6]

– Năm 1958, cha Inhaxiô Võ Văn Bảo (1884-1928-1980), làm Quản xứ đến năm 1960.

– Từ năm 1960 đến năm 1967 Giáo xứ Thuận Hòa lại trực thuộc Kim Đôi.

– Từ năm 1968 đến năm 1975, Thuận Hòa trực thuộc Quy Lai. Chính cha Quản xứ Giuse Dương Đức Toại (1972-1975) đã tu bổ nhà thờ Thuận Hòa bị chiến tranh tàn phá trước biến cố 1968. Sở các chị dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng cũng chấm dứt trước năm này.

– Ngày 13-4-1975 Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền bổ nhiệm cha Anrê Ngô Văn Nhơn làm Quản xứ Kim Đôi, kiêm Phú Ngạn, Thuận Hòa và các giáo họ trực thuộc.

– Năm 1985, các nhà thờ đều bị bão sập nhưng cũng dần dần được cha Anrê tu sửa khang trang hơn. Riêng nhà thờ Thuận Hòa nguyên có 5 gian, chỉ tu sửa 3 gian còn lại.

– Cha Phaolô Ngô Thanh Sơn xây mới nhà thờ Thuận Hòa, xây cổng tam quan, xây tường thành chung quanh nhà thờ. Các công trình này đã được khởi sự từ ngày 7-8-2006 và hoàn thành vào ngày 8-8-2007.

– Năm 2012, cha Phaolô Hoàng Nhật đã xây hang đá Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ (phía phải tiền đường) và đặt tượng Đức Mẹ Mân Côi (cao 1,8m) để giáo dân đọc kinh và cầu nguyện chung sau Thánh lễ mỗi Thứ 7 cuối tuần.

4- Giáo họ Tây Thành.

+ Hình thành đức tin

Theo truyền khẩu của giáo dân Tây Thành[7] ban đầu có ba gia đình theo học đạo thuộc họ Lê từ đời thứ 15-16 (hiện tại là đời thứ 22). Sau đó ít lâu có một gia đình họ Trần được biết Chúa.

+ Hình thành nhà thờ

Nhà thờ Tây Thành được hình thành vào cuối XIX đầu thế kỉ XX, trên nền đất được làng cấp (5 sào: 2 sào cạn và 3 sào nước, tức 2500 m2).

Ban đầu nhà thờ được xây dựng thô sơ, chỉ là phên tre mái nứa; qua biến động của chiến tranh giặc giã nhà thờ đãbị tàn phá.

Năm 1955 (sau hiệp định Genève), nhà thờ được xây dựng lại bằng bê tông cốt sắt, trước có ba tháp vươn lên, có đặt tượng Thánh Tâm bổn mạng giáo xứ.

Năm 1999, Cha Anrê Ngô Văn Nhơn xây 2 cổng trụ, đúc đường, đúc sân nhà thờ cách thô sơ bằng xi măng.

Từ năm 2001, Cha Phaolô Ngô Thanh Sơn làm nhà tạm mới và đóng trần cung thánh, lát gạch men và sơn nước Nhà thờ; đóng 3 tấm tôn lớn che nắng phía bên nữ, làm cửa cổng mới bằng sắt.

– Năm 2011, cha Phaolô Hoàng Nhật đã xin UBND xã Quảng Thành trả lại nhà mẫu giáo cho giáo xứ Tây Thành (sau năm 1975, chính quyền dùng làm trường mẫu giáo nhà nước). Bù lại, cha đã đóng góp với địa phương xây đường xóm nhỏ dài 80m phía bên kia sông, đối diện nhà thờ.

– Năm 2013, giáo dân đã góp công của để đúc rộng đường cổng chính đi vào nhà thờ.

5- Giáo họ Vân Quật Thượng.

+ Hình thành đức tin

Hạt giống đức tin tiên khởi đã được gieo vào lòng ba giáo dân uy tín được gửi lên học đạo tại nhà thờ Phú Ngạn, đó là các ông Nguyễn Xá (đứng đầu họ Nguyễn), Trần Văn Thuần, Võ Lăng.

Những ông này đã đi bộ mang theo lương thực lên Phú Ngạn học đạo rồi về hướng dẫn con cháu mình (nay là đời thứ sáu) trở thành Kitô hữu.

+ Hình thành nhà thờ.

– Năm 1894, đình làng Vân Quật Thượng được cất thì cũng ngày hôm đó nhà thờ Vân Quật Thượng được dựng. Bà con lương giáo không phân biệt cùng nhau và cùng lúc xây nơi thờ phượng, thể hiện tinh thần yêu thương hiệp nhất họ làng.

– Mới đầu ngôi nhà thờ được làm bằng phên tre mái lá, nằm trên 1,2 mẫu (#6000 m2) do làng cấp cho họ đạo. Thời gian sau, các cha sở đã mua 1 nhà rường 5 gian 2 chái thế vào.

– Khoảng 1920, nhà thờ lại được trùng tu với hai bức vách bằng bê tông cốt sắt, với mặt tiền theo kiểu ba tháp, phía trước có đặt tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm.

– Sau 1975 nhà nước đã lấy đất nhà thờ cấp cho 9 hộ dân vào sống xung quanh mà chưa được sự đồng thuận của giáo họ. Nay đất nhà thờ chỉ còn khoảng 1000m2 (Trong văn khố của Giáo phận còn trích lục nhà thờ Vân Quật Thượng).

– Năm 1985, mặt tiền và tượng Đức Mẹ đã bị bão đánh sập, hư hại gần như hoàn toàn. Sau đó, giáo dân góp công sức tu bổ lại nhà thờ, làm lại mặt tiền (không có tượng Mẹ) và gác xép để phòng khi mưa lụt nước dâng cao.

– Năm 1999, cha Anrê Ngô Văn Nhơn xây 2 cổng trụ, đúc đường, đúc sân nhà thờ cách thô sơ bằng xi măng.

– Năm 2001, cha Phaolô Ngô Thanh Sơn tô lại vách trong và ngoài nhà thờ, quét sơn nước và mở rộng các cửa sổ, đóng trần phía trên cung thánh và lót gạch cung thánh, xây 2 mái hiên dọc 2 bên nhà thờ, làm lại mặt tiền, dựng cổng sắt, xây một nhà từ mới cạnh nhà từ cũ.

– Năm 2012, cha Phaolô Hoàng Nhật nới rộng gian cung thánh, nới 2 cánh gà, thay mới một số băng kèo và sơn mới lại nhà thờ.

– Hiện tại ngôi nhà thờ Giáo xứ Vân Quật Thượng đã xuống cấp và hư hỏng nặng mặc dù cha sở và giáo dân đã cố gắng tu sửa.

– Tổng số giáo dân hiện tại có 22 hộ gia đình tương đương với 71 nhân khẩu, trong số đó có 16 người đang đi làm ăn xa ở các tỉnh phía nam.

Nhà thờ Vân Quật Thượng – Bên trong

6- Giáo họ Tiền Thành

+ Giai đoạn hình thành

Năm 1897, cha Anphongsô Trần Bá Lữ làm Quản xứ An Thành kiêm cả giáo sở. Năm 1913, cha Lữ mời cha P.Godet về giảng dạy và giải tội cho họ Phú Ngạn. Lúc này có một số bà con vùng Tiền Thành và Vân Quật Thượng được học đạo và rửa tội tại Phú Ngạn (có người thuộc họ Lê phái nhất, cũng có bà con thuộc họ Ngô, họ Phạm và họ Đặng ở Vân Quật Thượng).

Theo lời kể của các cụ lớn tuổi, có một người khá giả thời đó (ông bộ Hương, hiện có lăng mộ kiến trúc theo lối tiền lương hậu giáo) đã dâng cúng 3 sào đất để xây dựng nhà thờ. Tường nhà thờ được xây bằng gạch, cột kèo truyền thống, mái lợp tranh. Vậy là đã có nơi để cha Giuse Trần Văn Trang đến dâng lễ, bà con đỡ phải đi quá xa lên Phú Ngạn. Cha Giuse bấy giờ kiêm nhiệm luôn cả Giáo xứ Kim Đôi và Tiền Thành.

Số giáo dân phát triển nhiều nhất từ năm 1952-1963. Trong giai đoạn này, nhiều người được rửa tội theo phong trào “theo đạo có gạo mà ăn”. Sau đó số theo đạo ít đi vì chiến tranh và biến cố 1963 (Tổng thống Công giáo Ngô Đình Diệm bị lật đổ). Bà con tín hữu tản mác lên Bãi Dâu, Phủ Cam hay vào Nam lập nghiệp.

Nhà thờ Tiền Thành bị sụp đổ do chiến cuộc năm 1968.

+ Giai đoạn khôi phục (1975 – hiện tại)

Năm 1993, Nhà thờ Tiền Thành được tái thiết bởi cha Anrê Ngô Văn Nhơn. Năm 1999, cha Anrê xây 2 cổng trụ, đúc đường, đúc sân nhà thờ cách thô sơ bằng xi măng.

Năm 2005, một ân nhân tại Sài Gòn gốc Tiền Thành đã dâng cúng 2 tượng Phêrô và Phaolô, quan thầy của giáo xứ. Đến năm 2006, cha Phaolô Ngô Thanh Sơn xây dựng thêm 2 hàng hiên 2 bên nhà thờ, làm cổng sắt và mở rộng lối vào, đóng trần phía trên cung thánh, lát gạch men và sơn nước nhà thờ. Năm 2007, tường thành phía sau nhà thờ (dài 52m) giáp với các hộ dân cũng được xây dựng.

Hiện nay nhà thờ đã xuống cấp: Mái ngói mục nát nên khi mưa lớn, nước chảy xuyên qua ngói xuống nền nhà thờ, sân nhà thờ lún sụt.

Mỗi tuần, Tiền Thành chỉ có một Thánh lễ vào ngày thường do cha Quản xứ Kim Đôi dâng.

Giáo họ từ khi hình thành đến nay được 106 năm (1913-2019). Hiện có 13 hộ với 39 giáo dân (trên sổ sách).

Nhà thờ Tiền Thành – Bên ngoài và bên trong

Tưởng cũng cần nói thêm về hai giáo điểm đặc biệt của Giáo sở Kim Đôi

1- Giáo điểm An Xuân.

+ Hình thành đức tin

An Xuân là một giáo điểm có số tín hữu khá đông trước 1975. Tuy nhiên, với thời cuộc biến động chiến tranh giặc giã, một số đã ra đi tứ xứ, số ở lại thì bỏ đạo, chỉ còn bốn hộ nhưng chỉ 6 người giữ đức tin.

Theo các vị cao niên trong làng, nhà thờ An Xuân được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt sắt, tuy nhiên đã bị đổ sập do chiến tranh cũng như do bách hại đạo nên tín hữu ở đây không thể nào dựng lại được.

Hiện chỉ còn đất nhà thờ với 4 gia đình sinh sống trên đó mà một còn giữ đạo.

Phía trước nhà thờ là lăng tử đạo với khuôn viên có tường bao bọc, tuy nhiên lối đi vào cũng đã bị chính quyền cho nhà bên cạnh thuê để làm ăn.

+ Lăng tử đạo

Trong những năm biến động của đất nước (1945-1954), với phong trào Việt Minh bài trừ Công giáo, giáo điểm An Xuân đã không tránh khỏi cuộc bách hại này.

Theo ghi nhớ của gia đình có người bị bách hại thì vào đêm 7-1-1947 (âm lịch), chính quyền Việt Minh đã lùa một số gia đình Công giáo, thuộc họ Hoàng, bất kể già trẻ lớn bé, ra nghĩa địa làng An Xuân, bắt họ đào một cái hố lớn rồi chặt đầu tất cả những ai không chịu bỏ đạo. Theo một người may mắn sống sót kể lại thì giết ai xong, Việt Minh đạp xuống mồ chôn tập thể. Những em nhỏ còn bồng trên tay cũng bị ném xuống hố chôn cùng gia đình. Có 72 người bị giết trong đêm đó, về sau được cải táng và chôn phía trước nhà thờ cũ.

Hiện tại lăng nằm cách cổng làng An Xuân 200m, đi từ ngoài vào thì bên tay phải. Trong lăng có tám nấm mộ nhưng thật ra khi cải táng, các tín hữu nạn nhân chỉ nằm chung trong huyệt tập thể. Hiện tại lăng đã xuống cấp, ít ai biết đến, thân nhân còn sống thì lại chẳng dám về vì nỗi đau quá lớn.

Tổng số giáo hữu của giáo điểm An Xuân chỉ còn lại 6 gia đình nhưng chỉ có 8 người được rửa tội và còn sinh hoạt cùng với giáo sở.

Lăng tử đạo Giáo điểm An Xuân

2- Giáo điểm La Vân Hạ

+ Hình thành đức tin

Giáo điểm La Vân Hạ được hình thành cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, đến nay đã được khoảng 120 năm, theo các ông bà cao niên trong làng họ cho biết. Giáo điểm từng có thời kỳ thuộc về Giáo xứ Phú Ngạn.

+ Hình thành nhà thờ

Ban đầu có nhà thờ được làm bằng gỗ, mái lợp tranh, diện tích (6 x 15), xung quanh có hành lang và bên cạnh có dựng một cây Thánh giá bằng bê tông (đến nay vẫn còn).

Nhà thờ bị chiến tranh tàn phá vào cuối thời kì Pháp sang Việt Nam, sau đó Pháp có bồi thường cho giáo điểm một số tiền.

Từ 1967-1975, cùng với Phước Yên, Phú Lương, Tân Xuân Lai là những giáo họ từng thuộc về Giáo xứ Phú Ngạn, La Vân Hạ được các cha sở Dương Sơn kiêm nhiệm.

Ông Nguyễn Bốc và ông Trịnh Chúc lúc ấy đem gửi lại cho cha sở Dương Sơn số tiền Tây bồi thường. Tuy nhiên vì giặc giã tiếp tục nên không thể xây dựng lại nhà thờ được. Sau đó sổ sách cũng bị mất do chiến tranh và lũ lụt.

Số gia đình Công giáo lúc đó trên 30 hộ. Do cuộc sống khó khăn và thời cuộc biến động nên phần lớn phải tản cư qua Dương Sơn, một số lên thành phố Huế hoặc vào Nam sinh sống,

Sau 1975, đất nhà thờ không có người trông coi, nên nhà nước có ý định lấy. Sợ nhà thờ mất đất, một tín hữu tên Hoàng Công Có đành phải bỏ vườn, nhà của mình nằm đầu làng về ở để giữ lại. Sau Lữ đoàn Công binh 299 đã cấp sổ đỏ cho ông Hoàng Công Có rồi sổ được chuyển lại cho ông Hoàng Công Thông (tức Hoàng Lời). Đất nhà thờ nay là đất ở của Ông Hoàng Công Thông

Hiện giáo điểm chỉ còn lại 5 hộ và 17 khẩu, thuộc Giáo sở Kim Đôi. Nhưng dù sao hoa quả đức tin của giáo điểm vẫn phong phú.

Đất nhà thờ La Vân với cây Thánh giá còn lại

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục

– Anrê Lê Trọng Đinh (1902-1932-1943) (Tiền Thành)

– Đôminicô Nguyễn Văn Nghĩa (1924-1951-2012) (Thuận Hòa)

– Têphanô Lê Công Mỹ (1942-1971-hưu ở Phan Thiết) (Phú Lương).

– Phaolô Phan Hiền (ĐÔ, 1953-1980-) (Hoa Kỳ) (An Xuân).

– Phaolô Trần Hữu Dũng (1954-1994-) (Dòng Chúa Cứu Thế) (An Xuân).

– Đôminicô Phan Hưng (1954-1997-) (Dương Sơn) (An Xuân họ ngoại).

– Antôn Nguyễn Trần Tuấn (1964-2000-) (DCCT) (An Xuân họ ngoại).

– Giuse Đặng Văn Niên (1976-2007-) (Dương Sơn) (La Vân họ ngoại)

– Mátthia Nguyễn Ngọc Thọ (Dòng Xitô), thụ phong năm 2009 (Phú Ngạn)

– Giuse Trương Hoàng Vũ (DCCT), thụ phong năm 2010 (Thuận Hòa họ ngoại)

– Gioan Baotixita Phan Đình Hoài (Nha Trang), thụ phong năm 2010 (Thuận Hòa).

– Phêrô Trần Văn Minh (Xuân Lộc), thụ phong năm 2012 (Thuận Hòa họ ngoại)

– Đôminicô Phan Anh Huy (Xuân Lộc), thụ phong năm 2013 (Thuận Hòa họ ngoại)

– Đôminicô Trần Bá Kha (1983-2017-) (Sơn Công) (La Vân họ ngoại)

2- Nam tu sĩ

– Nguyễn Văn Cầu (Dòng Chúa Cứu Thế) (Tây Thành).

– Phaolô Hoàng Công Du (chức tư, đi giúp xứ Đại Lược và bị giết) (La Vân)

– Phêrô Hoàng Công Phượng (Dòng Tên Sài Gòn) (La Vân).

– Đỗ Bá Dương (Dòng Chúa Cứu Thế) (An Xuân)

– Mátthêu Ngô Thanh Hải (Chủng sinh ngoại trú) (Tiền Thành)

 3- Nữ tu sĩ

– Agatha Huỳnh Thị Trung (nguyên TPT Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng) (An Xuân)

– Joseph Phan Thị Nghĩa (nguyên TPT Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng) (Thuận Hòa).

– Dominique Ngô Thị Ngọc (Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng +1952) (Tây Thành).

– Êmilda Lê Thị Triều (Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng) (Tiền Thành).

– Catarina Nguyễn Thị Sô (Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng) (Thuận Hòa).

– Anê Trương Thị Nồng (Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng) (Thuận Hòa).

– Maria Trương Thị Hòe (Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng +1996) (Thuận Hòa).

– Ysave Trần Thị Mỹ Duyên (Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng) (Thuận Hòa).

– Anna Trần Thị Thúy (Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng) (Thuận Hòa).

– Mácta Hồ Thị Thu Hương (Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng) (Thuận Hòa họ ngoại).

– Alice Nguyễn Thị Bích (Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng) (Thuận Hòa họ ngoại).

– Anna Lê Thị Thu Hằng (Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng) (Thuận Hòa họ ngoại)[8].

– Mácta Đặng Thị Hiền (Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng) (La Vân họ ngoại)

– Anê Đặng Thị Thanh (Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng) (La Vân họ ngoại)

– Têrêxa Phan Thị Dương (Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng) (La Vân họ ngoại)

– Macta Lê Thị Lợi (Dòng Mến Thánh Giá +1972) (Thuận Hòa).

– Catharina Trương Thị Xuân (Dòng Mến Thánh Giá) (Thuận Hòa).

– Cecilia Trương Thị Thưởng (Dòng Mến Thánh Giá) (La Vân)

– Anna Trịnh Thị Hường (Dòng Mến Thánh Giá) (La Vân)

– Matta Trần Thị Thanh Tuyền (Dòng Mến Thánh Giá) (La Vân họ ngoại)

– Anna Nguyễn Thị Vân (Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt) (La Vân họ ngoại)

– Marie Alice Trương Thị Cẩm Y (Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm) (Thuận Hòa).

– ….. Phạm Thị Bông (Dòng Thánh Phaolô) (Tiền Thành).

– ….. Trịnh Thị Loan (Dòng Phaolô Đà Nẵng) (La Vân)

– ….. Trịnh Thị Nhi (Dòng Kín) (La Vân)

4- Giáo dân

Năm 1939: 448 người

Năm 1964: 1001 người          

Năm 1975: 750 người

Năm 1995: 358 người

Năm 1998: 405 người,

Năm 2008: 424 người

Năm 2014: 453 người

Năm 2018: 477 người.

—————————————————

PHỤ CHÚ

Giáo sở Kim Đôi, nếu tính từ khi có cha sở An Thành đầu tiên năm 1896 đến năm 2019 là 123 năm. Trong đó, giáo xứ Phú Ngạn, nếu tính từ cha sở đầu tiên đến nay (1915-2019), là 104 năm; còn giáo xứ Kim Đôi, nếu tính từ cha sở đầu tiên đến nay (1923-2019), là 96 năm.

Nếu tính từ lúc có người trở lại, thì phải trước năm 1896, vì phải có người trở lại mới xuất hiện giáo xứ An Thành, như vậy tính đến nay thì hơn 123 năm.

Các cha sở trước năm 1975, ngoài bổng lễ, sống bằng nghề làm ruộng (thời gian đầu), hoặc nhờ vào ruộng của giáo xứ. Phương cách di chuyển của các ngài, ngoài đi bộ, thì khi bằng ngựa, khi bằng xe kéo, khi bằng xe đò. Cha Phan Đình Bố là người đầu tiên đi xe đạp. Lúc đó, chỉ quan triều đình hay các linh mục mới có xe đạp. Sau năm 1975, ruộng các giáo xứ không còn nữa. Chỉ tại Kim Đôi, vì cha sở thường trú nên được cấp 2 sào ruộng (1.000m2). Đất nhà thờ và nhà xứ Kim Đôi là 4 sào (2.000m2). Hằng năm đóng thuế đất nông nghiệp và đất canh tác.n

—————————————————–

Ghi chú:

– Các tư liệu cũ (từ 1896-1999) được ghi lại từ tập tài liệu viết về giáo sở Kim Đôi, do chaAnrê Ngô Văn Nhơn sưu tầm và biên soạn nhân dịp kỷ niệm 150 năm thành lập Tổng Giáo phận Huế (1850-2000).

– Phần tư liệu thêm (từ 2001-2008) được ghi từ tập tài liệu viết về giáo sở Kim Đôi do một vài linh mục khác, trong đó có cha Phaolô Ngô Thanh Sơn (quản xứ Kim Đôi từ năm 2001-2008) ghi chép và bổ sung.

– Phần còn lại (từ 2008-2019) do linh mục Phaolô Hoàng Nhật và linh mục Bat. Hoàng Quang Hùng, quản xứ Kim Đôi, bổ sung (tháng 8 năm 2019)

——————————————————————-

[1]Đây là vùng đất xưa kia thuộc kinh thành Huế. Hiện còn lưu lại các tên gợi nhớ: Tiền Thành (thành phía trước), Tây Thành (thành phía Tây), Thành Trung (thành ở giữa). Riêng Phước Yên, từ năm 1626-1636, là thủ phủ của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Các cụ cao niên cho biết ngay chữ “Kim”trong Kim Đôi, Kim Thành cũng có gốc gác vương giả (như kim thân) và hiện giờ tại Kim Đôi, người ta còn tôn kính các mộ chúa cùng với mộ các vị khai canh. Rất tiếc các mộ chúa nầy không còn bia nên chẳng rõ danh tánh, niên đại.

Kim Đôi trước đây thường gọi Kim Hai (đôi là hai). Các linh mục đều ghi trong Status Animarum (Sổ giáo dân) là Kim Hai, từ cha Phan Đình Bố (1955) mới ghi Kim Đôi. Gần Tây Thành là Thanh Hà. Trước thời vua Gia Long, tại đây có làng Minh Hương (Hoa kiều) và phố Thanh Hà, nơi đô thị, tàu bè tấp nập trước cả chợ Bao Vinh và chợ Dinh. Xã Quảng An và xã Quảng Thành là nơi xưa kia có vị trí của thành Hóa Châu (thế kỷ XIV).

[2]Địa điểm giáo xứ An Thành: góc đình An Thành (từ cầu Thanh Hà, nhìn về phía phải, bên kia sông; nếu đi từ thành phố Huế về, thấy ngay đình An Thành sát sông). Xưa kia người Pháp mở công ty nấu rượu tại An Thành (gia đình cha Giuse Trần Văn Lộc đã có thời về ở đây).

[3] Khi sau tên các linh mục có 3 niên đại, thì số đầu là năm sinh, số giữa là năm chịu chức, số cuối là năm qua đời. 

[4]Cuối năm 1913, cha Lữ mời cha P. Godet (cố Thiện, quản xứ Tiên Nộn) về giảng và làm phép giải tội cho họ Phú Ngạn. Khi xong việc, ngài tiễn đưa cha Godet xuống đò phía trước nhà nguyện Phú Ngạn. Cha Godet vừa bước chân lên đò thì cha Lữ bị thổ huyết và qua đời mấy phút sau, ngày 2-12-1913, và được an táng tại Sơn Công.

[5]Theo Les Missions Catholiques en Indochine1939, in tại Hongkong, tr. 179, Kim Đôi và Phú Ngạn là 2 giáo xứ biệt lập thuộc giáo hạt Bên Bộ. Kim Đôi có 7 cộng đoàn với 448 giáo dân và Phú Ngạn 14 cộng đoàn với 831 giáo dân.

[6] Khi đồn Thuận Hòa bị tấn công, ngài nấp dưới ao suốt đêm, chịu lạnh ướt, miệng nín thinh, nên không bị phát giác. Riêng cha Đôm. Nguyễn Văn Nghĩa, người địa phương, về thăm nhà đã bị bắt trong dịp này và lâu sau mới được thả.

[7]Tây Thành là một làng cổ trong 59 làng của huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, tỉnh Thuận Hóa. Làng ở sát lũy phía tây của thành cổ Hóa Châu, nên mới có tên gọi là Tây Thành. Làng Tây Thành có 3 họ lớn: Lê, Trần, Huỳnh. Lê là họ lớn nhất và là họ khai canh làng Tây Thành, đến nay đã được 22 đời tương đương trên dưới khoảng 500 năm. Vì thế, có thể làng Tây Thành hình thành vào thế kỷ thứ XV. Ô Châu Cận Lục (ấn hành năm 1555), môn phong tục có viết: “Làng La Vân có nếp văn vật, làng Khúc Ốc có thói xướng ca. Lụa Niêm Phò còn thô, vải Thư Chí đã mịn. Lúa má đầy đồng Đông Giả, gái trai tụ ở Tây Thành. Bác Vọng đóng đăng bắt cá, Thủ Lễ đánh cá bằng lưới giăng, Phò Nam giặt lụa nhiều hồ, Lương Cổ xéo dây to như trướng, trai Lại Bằng nhiều kẻ ăn no, gái Đan Lương (tức Phú Lương) khéo lo chóng đói”.

[8] Thuận Hòa họ ngoại còn có: 1 tập sinh ở DCCT, 1 đại chủng sinh ở Xuân Lộc, vài tập sinh dòng CĐMĐV.

———————————————————————

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.