Lược sử Giáo xứ Phước Môn

18/11/2020

LƯỢC SỬ

GIÁO XỨ PHƯỚC MÔN

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Phước Môn, Giáo hạt Quảng Trị, thuộc xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, cách Trung tâm Thánh mẫu Toàn quốc La Vang gần 4km theo đường bộ về hướng Tây Tây Nam, cách Tòa TGM Huế hơn 52km theo đường chim bay về hướng Tây Tây Bắc.

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Từ sáng kiến di dân lập ấp của cụ Nguyễn Hữu Bài (1911)

Năm 1911 Quận công Thượng thư Phêrô-Giuse Nguyễn Hữu Bài (1863-1935) qui dân lập ấp Phước Môn với vỏn vẹn 6 gia đình Công giáo. Nơi đây, cụ có dựng một căn nhà để ở mỗi khi ra thăm. Cụ còn lập một trường sơ cấp và một nhà dục anh nuôi chừng 100 trẻ mồ côi, do 8 nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm phụ trách. Tất cả mọi kinh phí đều do cụ chi trả[1]. Cộng đoàn nhỏ bé này lúc ấy trực thuộc Giáo xứ Trí Bưu và được Cha phó Mátthêu Nguyễn Linh Giáo (gốc Phủ Cam) đặc trách từ 1911 đến 1914.

2- Trở thành Giáo xứ độc lập (1914)

Năm 1914, theo bộ Tiểu sử các Linh mục Giáo phận Huế, Phước Môn trở thành Giáo xứ với vị Quản xứ tiên khởi là Cha Tađêô Đỗ Văn Cử (gốc Bích Khê, Quảng Trị, bia mộ ghi là Đỗ Thiên Cử). Coi cho tới năm 1916 thì ngài đổi đi Đồng Giám.

Kế nhiệm là Cha Matthêu Nguyễn Thanh Bạch (gốc Nhu Lâm, sinh 1879, lm 1906, mất 1945[2]). Cha Bạch ở Phước Môn 2 lần. Lần nhất từ 1916 đến 1923.

Cha GB Ngô Văn Học (gốc Kim Long, bác ruột 2 Cha Ngô Văn Triệu và Ngô Văn Trọng sau nầy) làm Quản xứ Phước Môn từ 1923 đến 1932.

Từ 1932 đến 1941, Phước Môn ở dưới sự chăm sóc của Cha Trần Văn Sanh (gốc Tân Mỹ). Trong giai đoạn này, có Cha Đôminicô Huỳnh Văn Thượng (gốc Di Loan) về đó dưỡng bệnh một thời gian ngắn từ 1936 đến 1938.

Năm 1934, lúc dân số tăng lên 80 gia đình, cụ Nguyễn Hữu Bài đã xin phép Tòa Giám mục cho xây dựng Nhà thờ, kinh phí do cụ hoàn toàn tài trợ. Là cháu nội của Thánh Tử đạo Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, cụ do đó có ý định dành Nhà thờ này dâng kính các Thánh Tử đạo Việt Nam[3]. Lễ đặt viên đá xây dựng do Đức Giám mục E.M. Allys (Lý) chủ sự. Việc hướng dẫn kỹ thuật và thi công do Cha Placido Dòng Phước Sơn phụ trách điều hành. Công trình xây dựng còn dở dang thì cụ Thượng Bài ngã bệnh và qua đời năm 1935. Cụ được chôn cất trên núi cách Nhà thờ chừng 2km. Nhà thờ phải tạm hoãn 12 tháng, đến năm 1936 lại tiếp tục và hoàn thành. Nhưng cuộc chiến năm 1945 đã tàn phá Nhà thờ, làm nó hư hại nặng.

Cha Anrê Lê Văn Kiệm (gốc An Vân) coi sóc Phước Môn vài tháng (từ 25-12-1941 đến 28-06-1942) thì đồi đi Xuân Hòa.

Cha Mátthêu Nguyễn Thanh Bạch làm quản xứ Phước Môn lần 2 (1942-1945). Ngài qua đời tại Phước Môn ngày 19-6-1945, an táng tại đó[4]. Phước Môn lúc ấy là vùng xôi đậu.

Bia mộ Cha Nguyễn Thanh Bạch ở nhà thờ Phước Môn, nhưng ghi sai năm sinh và năm mất.

Kế nhiệm ngài là Cha Mátthêu Nguyễn Linh Giáo, người từng phụ trách Phước Môn khi còn làm Phó xứ Trí Bưu (xem trên). Ngài trông coi Giáo xứ cho tới khi qua đời tại Phủ Cam ngày 30-01-1950.

Cha Phaolô Lê Quang Tuyến (gốc Kim Long) tiếp nối cai quản Phước Môn đến khi về hưu năm 1955.

1955-1957: Cha Anrê Nguyễn Văn Trúc, gốc Sáo Cát (Quảng Bình).

1957-1962: Cha Phêrô Huỳnh Đình Kinh, gốc Phủ Cam. Cuối thời quản xứ của ngài, Đức Cha Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục cho sửa chữa Nhà thờ Phước Môn và khánh thành. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bom đạn của cuộc chiến tranh Đông Dương khốc liệt, nhất là biến cố Mùa hè Đỏ lửa 1972, Nhà thờ bị sập hoàn toàn, chỉ còn lại những tảng đá được chạm trổ hoa văn.

1962-1964, Cha Gioan Nguyễn Đăng Bình (gốc Ba Ngoạt).

Sau biến cố 1-11-1963 (Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ), Phước Môn càng trở nên bất an, dân chúng bỏ đi dần, nên có lẽ vì thế Bề trên Giáo phận không còn đặt Mục tử sau Cha Bình. Đến biến cố Mậu Thân 1968 và Mùa hè Đỏ lửa 1972, phần lớn giáo dân đã di cư vào miền Nam, sống rải rác ở các Giáo xứ khác như Quảng Thuận, Tấn Linh, Long Khánh, Cam Ranh, Cù Bị v.v… Số gia đình con dân làng Phước Môn tha hương khá đông, ước tính khoảng 500 hộ.

3- Trở thành Giáo họ của Giáo xứ La Vang (1975)

Sau năm 1975, còn lại ít gia đình giáo dân sống tại Phước Môn. Không Nhà thờ, không Mục tử, tín hữu đi về sinh hoạt với Giáo xứ La Vang dưới sự dẫn dắt của Cha Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang, Quản xứ Diên Sanh kiêm La Vang, trong những năm tháng khó khăn về mọi mặt.

Tháng 10/1995–3/2006, Cha Giuse Dương Đức Toại được đặt làm Quản nhiệm Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang. Chăm sóc mục vụ cho giáo dân Phước Môn, ngài tạo công ăn việc làm cho anh chị em nghèo khổ bằng cách giao họ phục vụ các đoàn hành hương và quét dọn vệ sinh tại Linh địa để có thêm thu nhập, vì họ chỉ sống nhờ vào việc trồng trọt.

Tháng 3-2006, Cha Giacôbê Lê Sĩ Hiền được bổ nhiệm làm Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu. Ngài tiếp tục chăm sóc mục vụ cho giáo dân Phước Môn. Đặc biệt, để ghi nhớ công đức của cụ Thượng Bài đã lập làng lẫn xây dựng Nhà thờ (bị phá hủy), và để giáo dân có nơi cử hành phụng vụ cho xứng đáng, Cha Giacôbê muốn xây dựng lại ngôi Thánh đường trên nền cũ.

Sau bao ngày trăn trở, nhờ hồng ân của Mẹ La Vang, với sự trợ giúp của các ân nhân trong và ngoài nước, ngày 28-9-2007, tại chính trên nền Nhà thờ cũ, Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể đã chủ sự nghi lễ Đặt viên đá đầu tiên xây dựng Thánh đường Phước Môn. Và ngày 29-6-2010, lễ kính trọng thể hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, Đức Tổng Giám mục đã cắt băng khánh thành và dâng lễ tạ ơn trong ngôi Nhà thờ mới, dâng kính các Thánh Tử đạo Việt Nam.

Tháng 4-2018, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã bổ nhiệm Cha Micae Phạm Ngọc Hải, nguyên Giám đốc Tiền Chủng viện, làm Quản nhiệm Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang, thay thế Cha Giacôbê Lê Sĩ Hiền nghỉ hưu. Cha tân Quản nhiệm đã nhận nhiệm sở ngày 01-5-2018, trong Thánh lễ khai mạc tháng Hoa kính Đức Mẹ và mừng Lễ Thánh Giuse Thợ.

Đối với Giáo họ Phước Môn, Cha Micae đã tiếp tục công việc của các vị tiền nhiệm là quan tâm đến các hội đoàn: Lễ sinh, Legio Mariae, Giáo lý. Ngài đã cho phép lập nhóm Gia Đình Trẻ tại đây.

Lễ khánh thành Nhà thờ Phước Môn ngày 29-06-2010.

Bắt đầu từ năm 2004, La Vang có các Cha phó và các ngài đặc trách Phước Môn.

Cha Giorgio Nguyễn Thành Phương (2004-2007),

– Cha Phêrô Nguyễn Văn Phước (2007-2008),

– Cha G.B Phạm Xứ (2008-2010),

– Cha Giuse Huỳnh Đình Hào (2010-2013),

– Cha Đôminicô Lê Duy Khánh (2012-2014),

– Cha Anrê Lê Minh Phú (2014-2015)

– Cha Bat. Hoàng Quang Hùng (2015-2019)

– Cha Phêrô Nguyễn Quang Long (2019-2020)

Dưới thời Cha Giuse Toại, Cha phó Nguyễn Thành Phương đến dâng lễ cho giáo dân Phước Môn vào thứ tư hằng tuần tại nhà ông Hòa, xóm trưởng. Chúa nhật, giáo dân đi về La Vang tham dự thánh lễ. Chiều Chúa nhật hằng tuần, các chị Mến Thánh Giá đến giúp các mẹ gia đình sinh hoạt, học hỏi giáo lý và lần hạt chung. Các em thiếu nhi và thiếu niên, đi về La Vang tham dự thánh lễ và học giáo lý mỗi chiều Chúa nhật.

Dưới thời Cha Giacôbê Lê Sĩ Hiền, sau khi Nhà thờ được xây dựng lại năm 2010, các Cha phó đến dâng lễ Chúa nhật và một số ngày thường trong tuần. Các chị Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng thay các chị MTG giúp các mẹ gia đình Phước Môn. Tới nay vẫn như vậy.

Dưới thời Cha Micae Phạm Ngọc Hải, các Cha phó cũng đến dâng lễ Chúa nhật và một số ngày thường trong tuần. Các chị Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng tiếp tục giúp các Mẹ gia đình Phước Môn và vài hội đoàn khác.

4- Tái trở thành Giáo xứ độc lập (2020)

Đầu tháng 11-2020, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã quyết định cho Phước Môn trở thành Giáo xứ độc lập. Và Cha Giuse Nguyễn Văn Tiến (gốc Tân Lương, sinh 1976, chịu chức 2008) đang ở Trụ sở Huế tại Sài Gòn đã được đặt làm Quản xứ Phước Môn. Bài sai được trao cho Cha (cùng với nhiều vị tân Quản xứ và tân Phó xứ khác) tại Linh đài Đức Mẹ La Vang vào cuối Tuần tĩnh tâm Thường niên của Linh mục đoàn Giáo phận Huế (sáng ngày 06-11-2020).

III- HOA QUẢ ĐỨC TIN

– Cha GB-Maria Lê Văn Thí (1918-1949-1997). Dòng Chúa Cứu Thế. Từng đặc trách Trung tâm Gia đình Mục vụ, mở lớp dự bị hôn nhân nổi tiếng một thời.

Hiện tình Giáo xứ

Năm 2016, Giáo xứ có 48 hộ gia đình Công giáo, tương đương 184 nhân khẩu. Họ đều nghèo, làm nông sinh sống, một số làm việc phục vụ tại Trung tâm Hành hương La Vang.

Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, đến nay Giáo xứ Phước Môn như được hồi sinh. Đặc biệt, thế hệ trẻ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn tiếp xúc với văn minh thời đại, được học hành và phát triển hơn.

——————————————————-

[1] Sau một thời gian vận động và khuyến khích di dân lập làng Phước Môn, khai khẩn được chừng 100 mẫu ruộng và 1000 mẫu rừng, Cụ Nguyễn Hữu Bài còn lập thêm các làng Phước Sa, Phước Sơn, Phước Tuyền, Phước Nguyên, gọi chung là Ngũ Phước.

[2] Niên biểu trên là của bộ Tiểu sử các Linh mục Giáo phận Huế (do các cha Adolphe Delvaux, Gioan Võ Văn Hoằng, Giuse Nguyễn Văn Hội, Tanítlaô Nguyễn Đức Vệ biên soạn). Nhưng bia mộ của cha Nguyễn Thanh Bạch tại Nhà thờ Phước Môn thì ghi: sinh năm 1877, linh mục năm 1906 và qua đời năm 1954. Bia mộ không đúng.

[3] Cụ Bài cũng là một tâm hồn nặng lòng với Mẹ La Vang, Nữ vương các Thánh Tử đạo Việt Nam (x. Nguyệt san Đức Mẹ La Vang, Bộ II, số 1-1962 từ trang 37-42).

[4] Ngài bị ai đó chặt đầu rồi đem đầu đi mất. Xác vùi chung với nhiều nạn nhân khác trong một hố tập thể. Người ta nhận ra ngài nhờ tu phục.

—————————————————-

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.