Lược sử Giáo sở Tiên Nộn

17/09/2020

GIÁO SỞ TIÊN NỘN

GIÁO XỨ TIÊN NỘN – GIÁO HỌ THANH TIÊN

Nhà thờ Tiên Nộn

Lược sử

GIÁO XỨ TIÊN NỘN

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Tiên Nộn, thuộc hạt Hương Phú, tọa lạc tại thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, bên hữu ngạn sông Hương, đối diện với vùng Bãi Dâu, Bao Vinh, cách tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 4,5km theo đường chim bay về hướng bắc[1].

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN.

1- Tụ điểm truyền giáo (1896)

Tiên Nộn là một trong những giáo xứ hình thành cách đây hơn 120 năm, thời Đức Giám mục Antoine Caspar (Lộc), Đại diện Tông tòa cai quản giáo phận Bắc Đàng Trong (1880-1907). Lúc cha Eugène Allys (cố Lý) làm quản xứ Phủ Cam (1885-1908) kiêm quản hạt Bên Thủy, Tiên Nộn là một trong những tụ điểm rao giảng Tin Mừng thuộc giáo hạt ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Dưới thời vua Thành Thái (1889-1907), phong trào truyền giáo dấy lên khắp cả giáo phận, nhất là ở vùng quê, để khôi phục những gì mất mát sau các cuộc tàn sát của Văn Thân từ 1883 đến 1886. Đức cha Lộc đã đặt cha phó Phủ Cam Đôminicô Lê Văn Phẩm (gốc Sơn Quả) phụ trách tụ điểm truyền giáo Tiên Nộn từ năm 1896 (bao gồm cả Cồn Hến). Trong sổ rửa tội của giáo xứ Cồn Hến (Tân Thủy), còn ghi lại tên một số anh chị em tân tòng đã được rửa tội đời cha Lê Văn Phẩm tại Tiên Nộn. Dần dần khi Tiên Nộn có khá đông giáo hữu, Đức cha mới nâng thành giáo xứ riêng, với quản xứ tiên khởi là cha Jean Laffitte (cố Phi).

2- Giáo xứ độc lập rồi giáo sở (1900-1958)

Làm quản xứ Tiên Nộn (1900-1904), linh mục Jean Laffitte -vốn là tuyên úy tại quân y viện của Pháp ở cửa Thuận An từ 1892 đến 1896- đã đem nhà cha tuyên úy về làm nhà cha quản xứ Tiên Nộn, và đem tượng ảnh trong nhà nguyện của quân y viện về cho giáo xứ Tân Mỹ sau khi quân y viện này được chuyển vào Đà Nẵng, do Thuận An luôn hứng nhiều cơn bão nặng nề [2].

Dưới quyền ngài lúc ấy còn có một số giáo họ trực thuộc như Thanh Tiên, Mậu Tài (cách Tiên Nộn hơn 2km về phía bắc đông bắc). Vào năm 1902, Đức Giám mục bổ nhiệm thêm một phó xứ là cha Đôminicô Lê Xuân Biện (gốc Thạch Hãn), ở giúp tới năm 1904. Giáo xứ Tiên Nộn bấy giờ gồm những người trở lại từ các họ tộc chính như họ Lê, họ Nguyễn, họ Trần, họ Châu và họ Võ. Các họ tộc nầy có nhà thờ ngũ phái chung, nhưng vì nhiều người theo đạo, nên các gia đình tân tòng đã cùng nhau hiến nhà thờ ngũ phái để làm thánh đường bên đạo. Họ đã di dời ngôi nhà ấy sang đất giáo xứ để cha sở làm nhà thờ đầu tiên. Trải qua nhiều năm tháng, một số cha sở đã nâng cấp, sửa chữa nó, nhưng càng lâu nó càng hư hỏng, không đáp ứng được nhu cầu của bổn đạo. Ngôi nhà thờ này tồn tại hết đời cha Gioan Nguyễn Đăng Bình (1994). Từ 1904, Mậu Tài chuyển qua trực thuộc Lại Ân. Giáo sở chỉ còn giáo họ Thanh Tiên, và từ 1972-2004 thì thêm Triều Sơn Nam nữa.

Kế nhiệm cha Laffitte là linh mục Alexandre Allo (cố Thanh), làm quản xứ từ 1904 tới năm 1909 rồi đi Pháp, ở phó có cha Yves Rault (cố Lộ), anh em cô cậu, từ 1905-1909, và cha Banaba Phạm Đình Ngãi (gốc An Bằng, Quảng Trị) từ 1908-1909.

Cha Pierre Godet (cố Thiện) quản xứ từ 1909-1926, ở lâu nhất từ trước tới nay tại Tiên Nộn (cho tới khi qua đời), đồng thời kiêm giáo họ Cầu Kho (Tây Linh tương lai, cách Tiên Nộn gần 2km về phía nam tây nam). Là mục tử nhiệt thành, ngài chú tâm đặc biệt lo cho ơn gọi tu trì. Ngài cũng làm tuyên úy binh lính Pháp trú phòng ở khu Mang Cá (gần giáo họ Cầu Kho) và được họ hết sức thương mến. Ngoài ra, cha có công giúp cư dân trong vùng canh tác hoa màu. Tín hữu Cầu Kho khi ấy rất nghèo, nên ngài đã dạy cho họ trồng rau cao cấp bán cho triều đình Việt và quân đội Pháp: su bắp, su trái, tỏi tây… đồng thời ngài cũng vận động giáo dân nơi đây xây nhà nguyện. Nay ở Tây Linh vẫn còn một số gia đình Công giáo tiếp tục làm nghề nầy. Sự giúp đỡ tận tình của cha được dân gian ghi nhớ trong câu nói ví von mà mấy vị bô lão xưa còn nhắc lại: “Cố Trung, đạo kiện, đạo cáo. Cố Thiện, đạo gạo, đạo tiền[3]

– Cha Giuse Nguyễn Văn Kiểu (gốc Mỹ Hương, Quảng Bình) từ 1927 đến 1933.

– Cha Banaba Phạm Đình Ngãi (gốc An Bằng, Quảng Trị) từ 1933 đến 1936. Ngài từng ở phó cho cha Alexandre Allo tại Tiên Nộn (1908-1909, xem trên), cho cha René Morineau tại Lại Ân (1910), tiếp đó làm quản xứ nhiều nơi như Cao Xá, Tân Mỹ, Cự Lại. Đến 1933 thì về Tiên Nộn.

– Cha Giuse Đỗ Bá Ấn (gốc Kẻ Văn) từ 1936 đến 1937. Sau đó lên nghỉ tại Đá Hàn.

– Cha François Stoeffler (cố Thể) từ 1937 đến 1940. Sau một cuộc đời hoạt động phong phú, từ quản sở Diêm Tụ, đến quản sở Phủ Cam, rồi bề trên tiểu chủng viện An Ninh, cha Stoeffler về Tiên Nộn lúc đã 74 tuổi (ngài sinh năm 1863) và ở đây cho tới lúc qua đời. Ngài là một trong những thừa sai lớn của Giáo phận.

– Cha Elie Reyne (cố Phú) từ 1941 đến 1946. Sau thời gian dài làm quản xứ Dương Sơn (1922-1936) với việc khám phá ra mộ hai tín hữu nơi này bị án thảo tượng thời các chúa Nguyễn, rồi làm quản xứ Cổ Vưu kiêm La Vang và quản hạt Dinh Cát (1936-1941) với việc được tặng Nam Long bội tinh năm 1938, cố Phú được đổi về Tiên Nộn nhỏ bé như một cách lấy lại sức khỏe.

– Cha Gioan Nguyễn Đăng Bình (gốc Ba Ngoạt) từ 1946 đến 1948 (lần 1).

 – Cha Gioakim Võ Quang (gốc Cự Lại) từ 1948 đến 1949.

– Cha Anrê Nguyễn Văn Từ (gốc Đại Lộc) từ 1949 đến 1958.

3- Giáo họ trực thuộc (1958-1972)

Từ năm 1958, Tiên Nộn trở thành giáo họ, trước hết trực thuộc Đại Phong, một giáo xứ mới được thành lập bên tả ngạn sông Hương (quản xứ là cha Tôma Nguyễn Văn Hinh, giáo xứ Phú Hậu hiện thời), rồi từ năm 1960 đến 1972, thực thuộc giáo xứ Lại Ân qua đời các cha sở Tôma Nguyễn Văn Luật và Phaolô Nguyễn Thanh Tiên.

4- Tái trở thành giáo sở (1972 đến nay)     

Năm 1972, Đức Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền bổ nhiệm cha Gioan Nguyễn Đăng Bình làm quản xứ Tiên Nộn (lần 2) cho tới tháng 11 năm 1994. Lúc ấy, ngài đến tuổi về hưu đã lâu nhưng vẫn cố gắng làm việc, vì hoàn cảnh khó khăn, thiếu linh mục. Ngoài Thanh Tiên, nay Tiên Nộn có thêm giáo họ Triều Sơn Nam (cho đến năm 2004). Sau trận bão 1985, quen gọi là trận bão số 8 (tên quốc tế là bão Cécil), nhà xứ và nhà thờ Tiên Nộn xuống cấp trầm trọng.

– Cha Giuse Nguyễn Văn Hội (gốc Tân Mỹ) từ 1994 đến 2007.

Lần đầu tiên đi làm mục vụ xứ đạo kể từ 1975, cha Giuse Nguyễn Văn Hội[4] trước hết trùng tu nhà thờ Tiên Nộn nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan từ thiện Công giáo. Trong thời gian này giáo họ Triều Sơn Nam có những bước phát triển mới, số giáo dân đã tăng lên đáng kể, đang khi đó ngôi nhà thờ cũ ở đây thì nhỏ và xuống cấp. Do đó cha Giuse đã cùng tín hữu Triều Sơn Nam xây một ngôi nhà thờ mới chắc chắn, khang trang và rộng rãi. Nhưng đến năm 2002, do tuổi cao sức yếu, cha Giuse đã phải nhờ cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng quản xứ Phú Hậu (giám mục tương lai) giúp mục vụ tại Triều Sơn Nam. Đến năm 2004, giáo họ này tách ra, trở thành giáo xứ độc lập.

– Cha Gioan Bosco Dương Quang Niệm (gốc Gia Hội) từ 2007 đến 2008.

– Cha Antôn Nguyễn Ngọc Hà (gốc Hà Thanh) từ 2008 đến 2015.

Cha sửa sang lại nhà xứ, phòng hội, sân vườn. Vào tháng 1-2013, cha tiếp tục tạo cơ sở cho giáo xứ bằng cách xây dựng nhà mục vụ, tọa lạc phía sau nhà thờ, nhằm giúp anh chị em giáo dân và nhất là các thiếu nhi có nơi học giáo lý và sinh hoạt.

Trước đó, dịp áp lễ Thánh Gia (30-12-2012), cha Antôn đã cùng giáo dân Tiên Nộn-Thanh Tiên tổ chức đêm “Chợ Quê Giáng Sinh” đầu tiên tại giáo xứ Tiên Nộn. Có nhiều hàng quán bán những món ăn dân dã, đặc sản; nhiều tiết mục múa ca do các thiếu nhi giáo sở trình bày; có sự hiện diện của 2 Đức TGM Têphanô và Phanxicô Xavie cùng một số linh mục, sự tham dự của nhiều đồng bào bên lương như khách mời của mỗi gia đình bên giáo…

– Cha Gioakim Nguyễn Văn Hùng (gốc Hà Thanh) từ năm: 2016….

III. HOA TRÁI ĐỨC TIN:

    • Linh mục

– Cha Nguyễn Văn Đông (đang giúp xứ ở Đà Lạt)

  • Tu sĩ

– Anna Dịch Thị Cúc, sn: 1931, vk: 1971, Dòng Mến Thánh Giá, giáo họ Thanh Tiên.

– Columban Dịch Thị Thơ, sn: 1938, vk: 1963; qđ: 2014, Dòng CĐMVN, giáo họ Thanh Tiên.

– Anna Dịch Dương Thu Thảo, sn: 1970, vk: 2002, Dòng CĐMVN, giáo họ Thanh Tiên.

– Anna Nguyễn Thị Phượng, sn: 1972, vk: 2005, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

– Isave Nguyễn Thị Liên Hương, sn: 1994, nhà tập, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

– Anna Võ Thị Anh Phương, sn: 2000, đệ tử. Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

3- Giáo dân:

2010:   273 người.

2015:   265 người

2020:   270 người

Nhà thờ Tiên Nộn-bên trong.

 *******************************

GIÁO HỌ THANH TIÊN

1- Vị trí địa lý

Giáo họ Thanh Tiên tọa lạc lại thôn Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhà thờ Thanh Tiên cách nhà thờ Tiên Nộn hơn 2km đường bộ về hướng bắc.

2- Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển

Giáo họ Thanh Tiên từng có tín hữu cách đây hơn 100 năm. Hiện tại, đa số người Công giáo nơi này thuộc họ Phạm, bà con với nhau cả[5].

Giáo họ trước đây có một nhà nguyện xuất xứ từ giáo điểm Nam Thanh[6] (thuộc giáo xứ Lại Ân). Khi số người Công giáo ở đây không còn nữa, các mục tử Lại Ân thời đó (cha quản xứ René Morineau [1910-1922] cùng phó xứ là cha G.B. Lương Văn Thể) liền cho dỡ nhà nguyện Nam Thanh về làm tại Thanh Tiên. Hiện nay Thanh Tiên đã có nhà thờ mới, khang trang, được xây dựng dưới thời cha Giuse Nguyễn Văn Hội.

Rồi vào năm 2011, cha sở Antôn Nguyễn Ngọc Hà đã tiếp tục công việc bằng cách xây dựng và thành lập Cộng đoàn con Đức Mẹ Đi Viếng tại đây. Cộng đoàn hiện có 3 chị, giúp cộng tác với cha sở trong công việc mục vụ và truyền giáo cho 2 giáo xứ Tiên Nộn–Thanh Tiên. Ngoài ra, các chị còn có công việc nữa, đó là giữ các em nhỏ, mặc dù vất vả nhưng cũng đem lại nhiều niềm vui và gần gũi hơn với các gia đình lương giáo.

Sở các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng tại Thanh Tiên

————————————————————–

[1] Địa danh Tiên Nộn, theo người dân ở đây cho biết, xuất phát từ cụm từ Tiên Non. Sau này người ta đọc trại chữ Non thành chữ Nộn­­­­­­­­­­­. Tuy nhiên, tiếng Hán cũng có chữ “Nộn” và mang nghĩa là non, chưa chín, mới gây nên.

[2] Như trận bão năm 1897 và năm 1904. Xem tiểu sử linh mục Séraphin Godet (cố Ngọc), tuyên úy quân y viện Thuận An tiếp cha Laffitte, từ 1896-1902, trong tập “101 thừa sai MEP phục vụ Giáo phận Huế từ 1850-1975” do linh mục Tanítlaô Nguyễn Đức Vệ chuyển ngữ.

[3]Cố Trung, tên chính thức là René Morineau, sinh năm 1873, qua Huế truyền giáo từ năm 1898, qua đời năm 1947. Ngài làm cha sở Lại Ân từ năm 1910 đến năm 1922, cùng thời gian với cố Thiện ở Tiên Nộn. Lại Ân cách Tiên Nộn chừng 3,5km về phía bắc. Khi ở Lại Ân, cố Trung vận động với chính quyền địa phương cho đắp con đường chạy từ Chợ Nọ đi qua các làng Mậu Tài, Lại Ân, Vĩnh Lại, Quy Lai, tới quan lộ đi xuống cửa Thuận An (x. Lê Ngọc Bích, Nhân vật Giáo phận Huế, t. 2, tr. 56). Có thể vì đó mà sinh ra sự kiện cáo của những ai mất đất vì con đường chăng?

[4] Vì từng là tuyên úy quân đội từ 1969 đến 1975, nên sau thời điểm này, ngài bị quản thúc tại Nhà chung Giáo phận cho đến tháng 11 năm 1994 mới được nhà nước để cho đi làm mục vụ. Trong 19 năm đó, với khả năng về sử học (từng đậu Cao đẳng Văn khoa Sử địa Đại học Huế trước 1975) cha Hội đã nghiên cứu lịch sử Giáo phận, biên soạn nhiều tác phẩm hữu ích như “Lịch sử Giáo phận Huế qua các triều đại vua chúa 1596-1975” (chung với cha Tanítlaô Nguyễn Văn Ngọc), “Thân thế & Sự nghiệp các vị Thừa sai ngoại quốc phục vụ trong Giáo phận Huế”, “Tìm hiểu về Đức Mẹ La Vang”, tiếp nối các cha Alphonse Delvaux, Gioan Võ Văn Hoằng, PX Nguyễn Văn Thuận làm bộ Tiểu sử các linh mục Giáo phận Huế…

[5] Nghề chủ yếu của dân Thanh Tiên là nông nghiệp. Bên cạnh đó, làng có nghề truyền thống là làm hoa giấy. Làng hoa giấy Thanh Thiên xuất hiện cách đây 300 năm, thời các chúa Nguyễn. Sản phẩm của họ đã nổi tiếng một thời, được vua Gia Long ban chiếu khuyến khích. Trước đây, cứ tới Tết nguyên đán, dân làng làm hoa đủ loại phục vụ cho nhu cầu thờ tự, lễ nghi. Nay thì có nhà quanh năm làm hoa sen giấy, rất giống hoa sen thật, bán cả trong nước và ra hải ngoại. X. https://baomoi.com/hoa-giay-thanh-tien-net-dep-tam-linh-xu-hue/c/31653045.epi.

[6] Trước chiến tranh năm 1945, tại vùng Lại Ân có rất nhiều giáo điểm nhỏ bé, ít giáo dân như : Vân Cù, Nam Thanh, Thủy Tú, Thanh Phước, Triều Ân, Vĩnh Lộc và Hải Trình. Nhưng qua nhiều năm chiến tranh, các giáo điểm đó đã bị xiêu tán, nay chỉ còn Thủy Tú và Thanh Phước thôi. (xem Lược sử giáo sở Lại Ân)

——————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.