Lược sử Giáo sở Thành Công

25/08/2020

GIÁO SỞ THÀNH CÔNG

GIÁO XỨ THÀNH CÔNG

GIÁO HỌ VĨNH TRỊ – GIÁO HỌ THAI DƯƠNG

Nhà thờ Thành Công (trùng tu năm 2020)

GIÁO XỨ THÀNH CÔNG

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Thành Công, giáo hạt Hương Quảng Phong, nằm trên địa bàn xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa Tổng Giám mục hơn 18km theo đường chim bay về hướng Bắc Tây Bắc.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Từ cuộc mở đạo của các vị Quản sở Thanh Hương (1888)

Từ năm 1888, các vị Quản sở Thanh Hương[1], gồm Cha Joseph Grosjean (Cố Gioang, 1888-1891), Cha Joseph Gontier (Cố Công, 1892-1910) cùng các phó sở như Cha Phêrô Phan Văn Bá, Cha Phêrô Trần Văn Tự đã ra sức mở đạo dọc theo sông Ô Lâu và phá Tam Giang, xuống tận Cửa Thuận (từ Đa Nghi, Hội Yên, Kim Giao, qua Đại Lược, Thế Chí, đến tận Linh Thủy, Thành Công).

Vào thời điểm Linh Thủy được lập thành Giáo xứ rồi Giáo sở dưới quyền cai quản của Cha Louis Darbon (Cố Triết) vào năm 1899, thì Thành Công cũng trở thành Giáo họ trực thuộc Linh Thủy với khoảng 100 gia đình. Sau đó là Vĩnh Trị và Thai Dương Thượng (hay Mũi Động) khoảng năm 1908[2]. Lịch sử cho biết người tín hữu Thành Công đầu tiên là cụ Lê Đình Ngạn, có lẽ đã được Cố Gioang làm phép rửa. Năm 1909, Cha Henri de Pirey (Cố Huề) kế nhiệm một thời gian ngắn.

2- Giáo họ trực thuộc Linh Thủy (1899)

Giáo họ Thành Công đã chọn Thánh Giuse làm Bổn mạng, cùng nhau tụ họp trong ngôi nhà nguyện bằng tranh thô sơ, sớm tối thờ phượng Chúa.

Khi Cha Gioakim Nguyễn Văn Dụ (gốc Đốc Sơ) về thay Cố Huề làm Quản sở Linh Thủy từ năm 1910, thì Giáo họ Thành Công có Cha Phêrô Tống Văn Hộ (phó Linh Thủy) biệt cư cai quản.

Thời gian sau, Cha Hộ lên Quản xứ Linh Thủy (từ 1927-1933), Cha Phaolô Văn Đình Vĩnh (gốc Cầu Kho) về Thành Công kế nhiệm (1927-1931). Mong muốn có một Giáo đường khang trang đẹp đẽ bề thế hơn, Cha Vĩnh đã chuẩn bị một số gỗ, còn cổ động giáo dân chăn nuôi kiếm lời để đóng góp tài lực…. Nhưng niềm mơ ước chưa thành thì Cha Vĩnh được bổ nhiệm đi nơi khác (Giáo xứ Tuần, vùng Lăng Cô).

Đến khi Cha P.X. Nguyễn Cao Đẳng (Dương Lộc) về thay Cha Hộ coi Giáo sở Linh Thủy (1933-1941), thì hoài bão của Cha Vĩnh có đôi chút thực hiện: Nhà thờ Thành Công được sửa sang lợp ngói.

Năm 1941, Cha Giuse Trần Văn Tường (An Ninh) về thay Cha Đẳng, Quản sở Linh Thủy.

Năm 1945, Cha Giacôbê Phan Văn Cơ (Phú Xuân, Phú Mỹ) thay Cha Tường. Ngài sửa sang Nhà thờ Thành Công cho lớn hơn, nhờ giáo dân đóng góp và ân nhân giúp đỡ.

Năm 1946, Cha Tường lại phải về thay Cha Cơ chạy giặc. 

Năm 1948, Cha Phaolô Trương Công Giáo (Ngọc Hồ) về làm Quản sở đến năm 1959.

Từ 1959 đến 1964, lúc Cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiên (Phủ Cam) coi sóc, là thời hưng thịnh của Giáo sở Linh Thủy. Nhà thờ Thành Công được xây dựng khang trang như hiện tồn. Các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng cũng về hoạt động tại đây năm 1959, với chị trưởng sở tiên khởi là Anna Huỳnh Thị Lựu. Dòng còn hoạt động cho tới hôm nay (2020, phục vụ cả Vĩnh Trị và Thai Dương Thượng).

Sau Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mỹ (Phủ Cam) (1964-1967) là đến Cha P.X. Lê Văn Cao (gốc An Vân) (1967-1970). Năm 1967 Hải Nhuận, một xứ đạo bên bờ biển, chính thức trở thành giáo họ của Linh Thủy, và Thai Dương Thượng lại trở về làm Giáo họ Linh Thủy. Năm 1969, Cha Giuse Trần Thế Hưng biệt cư Thành Công cho đến năm 1972.

Đang khi đó, thay nhau làm Quản sở Linh Thủy là các Cha Giuse Trần Đức Tuyên (Thai Dương Thượng) (1970-1971), Cha Giuse Dương Đức Toại (An Ninh) (1971-1972), Cha Giacôbê Lê Sỹ Hiền (Kẻ Văn) (1972-1973), Cha Gioan Nguyễn Đức Tuân (Nghệ An) (1973-1975).

Giáo sở Linh Thủy lúc ấy vẫn gồm Giáo xứ Linh Thủy và 5 Giáo họ: Thế Chí Đông, Hải Nhuận, Thành Công, Vĩnh Trị và Thai Dương Thượng.

Sau biến cố tháng 4-1975, Cha Gioan Baotixita Lê Xuân Mầng (Trí Bưu) về làm Quản sở nhưng chỉ ở tới tháng 1-1976. Có Cha Phaolô Tống Thanh Trọng ở phó.

Cha Phaolô Tống Thanh Trọng (Ngọc Hồ) lên làm Quản sở từ tháng 1-1976 khi Cha Mầng bỏ đi. Ngài lợp lại Nhà thờ Linh Thủy, sửa chữa Nhà thờ Hải Nhuận, trùng tu các Nhà thờ Thành Công, Thai Dương Thượng. Năm 1996, tu sửa nhà xứ Linh Thủy.

Tháng 10-1998, Cha Giuse Nguyễn Điền (Kẻ Bàng) về thay thế Cha Trọng làm Quản sở Linh Thủy cho tới năm 2007.

3- Thành Giáo xứ độc lập và Giáo sở (2004)

Ngày 14-05-2004, Giáo họ Thành Công được tách ra làm Giáo xứ với 2 Giáo họ Vĩnh Trị và Thai Dương Thượng, Cha GB Nguyễn Thế Tòng (Nước Ngọt) làm Quản sở tiên khởi.

Giáo xứ Thành Công trở nên sinh động hơn, ngôi Thánh đường được khoác lên bộ áo mới, đẹp đẽ, sáng sủa từ trong ra ngoài. Khu đất trống bên cạnh Nhà thờ cỏ mọc um tùm nay nổi lên nhà Cha sở khang trang mát mẻ. Tháp chuông cũng được xây dựng để sớm tối mời gọi tín hữu đến cầu kinh, dâng lễ. Rồi tượng đài Đức Mẹ với hòn non bộ mỹ thuật được xây dựng bên phải Nhà thờ (nhìn từ cổng).

Ngày 15-11-2012, có sự hoán đổi giữa 2 Quản xứ Phường Tây và Thành Công: Cha GB Nguyễn Thế Tòng về cai quản Phường Tây và Cha Đôminicô Trương Văn Quy (Ngọc Hồ) lên Thành Công làm Quản sở, một chủ chăn bình dị, vui tính và dễ gần gũi. Ngài xây tượng đài thánh Giuse, bên trái Nhà thờ, gần ngoài cổng.

Tháng 4-2019, Cha Đôminicô Trương Văn Quy được bổ nhiệm làm Quản xứ Chánh Xuân, nhường Giáo sở Thành Công cho Cha Micae Nguyễn Văn Hưng (Thuận Nhơn).

Ngày 28-3 đến 28-6-2020, Cha Micae đã khởi công đại trùng tu Nhà thờ Thành Công: nới dài thêm 3,5m, nâng cao mái, đóng trần mới, sửa lại Cung thánh, lát lại gạch sàn. Ngôi Nhà Chúa trở nên thoáng mát, sạch sẽ và xinh đẹp.

Nhà thờ Thành Công, bên trong (trùng tu năm 2020)

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục

Giuse Trần Đức/Văn Tuyên (1939-1969-2010). Thai Dương Thượng

Bênêđíctô Ngô Văn Hài (1974-2008-)

2- Tu sĩ

Têrêxa Hồ Thúy Liễu, sn: 1939, vk: 1969. Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

Mađalêna Dương Thị Hương, sn: 1949; vk: 1974. Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

Lucia Ngô Thị Thiệp, sn: 1976; vk: 2007. Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

Maria Ngô Thị Thúy, sn: 1983; vk: 2018. Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

Lucia Ngô Thị Thành, sn 1979. Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương.

Maria Hồ Thị Hương. Dòng Đức Mẹ Người Nghèo

3- Giáo dân

– Năm 2010: 213 người.

– Năm 2015: 193 người.

– Năm 2020: 154 người. (Thành Công: 98, Vĩnh Trị: 14, Thai Dương: 43)

Trải qua bao thăng trầm biến đổi, có một số gia đình vì hoàn cảnh nào đó đã cải giáo hoàn lương, một số vì lý do kinh tế tha phương cầu thực, một số đi ra nước ngoài, tính đến nay, hiện tại Giáo xứ có 37 hộ gia đình, 101 người, có khoảng 16 người già cả thì trong đó hết 14 người neo đơn, tự thân lo cuộc sống cho mình.

****************************

GIÁO HỌ VĨNH TRỊ VÀ THAI DƯƠNG

Nhà thờ Thai Dương Thượng, năm 2020

1- Vị trí địa lý:

Giáo họ Thai Dương (còn gọi là Thai Dương Thượng) nằm bên bờ phá Tam Giang, gần cửa Thuận An, trên địa bàn xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhà thờ Thai Dương cách Nhà thờ Thành Công hơn 7,3km về hướng Đông Đông Nam.

2- Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển

a- Từ một ông câu họ.

Giáo họ Thai Dương bắt nguồn từ một ông câu trưởng tên là Trần Văn Niên, sinh năm 1872.

Là một lương dân, quê ở làng Thai Dương Thượng, mồ côi cha mẹ năm lên 7 tuổi, được một ông chú trong họ tộc nuôi dưỡng và hết lòng thương yêu. Nhưng rồi chàng thanh niên tha phương cầu thực, lạc loài đến đất Cồn Cỏ (tức họ đạo Tân Mỹ ngày nay). Tại nơi này, anh Niên được ông câu tên Hiền nhận làm con nuôi, cho học chữ và học đạo.

Năm lên 25 tuổi, anh Niên lập gia đình, được cha nuôi cho ra ở riêng với một chiếc đò để làm ăn sinh sống. Anh hướng đò thẳng về Linh Thủy hành nghề đánh cá rồi gia nhập họ đạo này. Thời ấy, Cố Triết (Cha Louis Darbon) đang coi sóc Linh Thủy. Không bao lâu, anh được Cố yêu mến và thâu dụng để giúp mình trong công việc chăm sóc xây dựng Nhà thờ Linh Thủy (1906).

b- Thành Giáo họ trực thuộc Linh Thủy (1908)

Năm 1907, Cố Triết buộc ông Niên về quê nhà là làng Thái Dương Thượng để sinh sống và lập họ đạo. Ông vâng lời. Công việc đầu tiên là tìm cách gây ảnh hưởng tốt để lôi kéo được năm ba gia đình theo đạo. Liền sau đó, tiến hành dựng lên một Nhà thờ tạm, chất liệu bằng tre và lợp tranh trên một nơi còn là hoang địa, mang tên Cồn Cát, sát bờ phá Tam Giang. Cố Triết đặt ông làm câu trưởng. Họ đạo Thai Dương Thượng coi như thành hình năm 1908, được Cố Triết kiêm nhiệm, và mỗi lần về dâng Thánh lễ Cố thường đi bằng ngựa.

Năm 1910, khi Cha Gioakim Nguyễn Văn Dụ về thay Cố Triết làm Quản sở Linh Thủy, thì  ông câu trưởng Niên vẫn giữ chức vụ và cộng tác với các Cha cho đến cuối đời Cha PX Lê Văn Định (Cổ Vưu), Quản xứ Vĩnh Trị (1921-1934)[3].

c- Giáo họ trực thuộc Vĩnh Trị (1912)

Năm 1912, do số tín hữu Giáo sở Linh Thủy quá đông, lên tới 2692 người, Đức Giám mục Giáo phận Eugène Allys đã nâng Giáo họ Vĩnh Trị (nằm giữa Thành Công và Thai Dương Thượng) lên hàng Giáo xứ, với Cha Mátthêô Nguyễn Văn Thăng (Sáo Bùn, Tam Tòa) làm Quản xứ. Thai Dương Thượng chuyển sang trực thuộc Vĩnh Trị.

Nhiệm kỳ Cha Thăng mới được 3 năm thì xảy ra tai họa nạn đói thê thảm, Giáo phận và Giáo xứ bèn ra tay cứu giúp, nên có vô số người theo đạo. Mỗi năm có đến ba kỳ ban phép Rửa tội. Họ Thai Dương vào những năm nầy lên đến 200 giáo dân lớn bé già trẻ.

Năm 1921, Cha PX Lê Văn Định từ Phó xứ Linh Thủy đổi về làm Quản xứ Vĩnh Trị. Hai năm sau, Cha cho xây dựng nhà xứ và xây dựng lại Thánh đường, với vách tường bằng gạch, bốn vài cột bằng gỗ, hai mái lợp ngói, có tháp cao. Cha ở đây cho tới năm 1934.[4]

Năm 1934, Cha Inhaxiô Võ Văn Bảo (Kẻ Bàng) về kế nhiệm và sẽ ở Vĩnh Trị cho tới năm 1939. Phải nói rằng vào thời của Cha, do có sự xích mích giữa giáo dân nên người ta bỏ đạo dần dần, chỉ còn lại một số ít ỏi kiên trì giữ vững đức tin.

Năm 1939, Cha Anrê Nguyễn Hữu Tường (An Vân) coi sóc Vĩnh Trị đến năm 1941.

Từ 1941-1946, Cha Gioakim Võ Quang (Cự Lại) coi sóc. Đó cũng là thời điểm chiến tranh loạn lạc. Giáo xứ Vĩnh Trị năm 1947 không còn Cha xứ nên cũng biến mất từ từ, chỉ còn lại ngôi Nhà thờ xây năm 1923 và lèo tèo vài tín hữu.

d- Giáo họ trực thuộc Tân Mỹ (1946)

Năm 1946, Giáo họ Thai Dương chuyển sang trực thuộc Giáo xứ Tân Mỹ (nằm ở cửa sông Hương, cách Thai Dương khoảng 3km về phía Đông Nam), lúc ấy đang ở dưới sự cai quản của Cha Anrê Lê Văn Kiệm (An Vân) (1946-1953).

Năm 1950, do ảnh hưởng cuộc chiến Pháp-Việt, vấn đề đi lại tham dự Thánh lễ rất khó khăn, nên hết thảy giáo dân họ Thai Dương phải di cư qua Tân Mỹ.

Năm 1953, một trận bão lụt nặng nề làm vỡ cửa Thuận An. Nhà thờ họ Thai Dương bị sụp đổ một căn, tháp Nhà thờ thì hư hại nặng vì chiến tranh bom đạn. Lúc ấy có một sự kiện lạ lùng do người lương kể lại: Vào ban đêm, họ thường trông thấy một ông già mặc áo trắng toát, hình dáng giống như cụ cố Câu trưởng, đi quanh Nhà thờ, cúi xuống lượm từng viên gạch bỏ vào hai bên vách Nhà thờ. Sự lạ ấy đã làm cho họ hết sức sợ hãi khi màn đêm buông xuống.

Thai Dương tiếp tục trực thuộc Tân Mỹ dưới thời Cha Giuse Ngô Văn Trọng (Kim Long) (1953-1956).

Năm 1956, giáo dân Thai Dương hồi cư. Cha Phaolô Lê Quang Luyến (Kim Long), đang hưu trí ở quê nhà đã về giúp Thành Công, Vĩnh Trị, Thai Dương Thượng. Ngài dựng một nhà vách cạnh Nhà thờ, nhưng chỉ ở khoảng 1 năm 8 tháng.

e- Giáo họ tái trực thuộc Linh Thủy (1959).

Thai Dương lại tái trực thuộc Linh Thủy thời Cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiên (1959-1964), Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mỹ (1964-1967), Cha P.X. Lê Văn Cao (1967-1970).

Nhà thờ Vĩnh Trị, xây dựng năm 1923, trùng tu năm 2020.

Năm 1967, Cha Cao trùng tu Nhà thờ Vĩnh Trị; năm 1968, trùng tu Nhà thờ Thai Dương Thượng với hình thức như sau: gỡ bỏ phần trên của tháp chuông cho thấp hơn, tháo gỡ 4 vài cột và thay vào đó 4 vài băng kèo bằng sắt, hai mái ngói thay thế bằng hai mái tôn.

Vào năm 1972-1975, có Cha Giuse Trần Thế Hưng (gốc Tân Mỹ) đang hưu trí ở quê nhà, đã đến Thai Dương Thượng làm mục vụ. Ngài xây một trường mẫu giáo miễn phí để trẻ em giáo lẫn lương trong khu vực đỡ đi tới trường mẫu giáo của nhà chùa xa gần một km và cách một cánh đồng thường bị ngập lụt.

Dưới thời Cha Quản sở Linh Thủy Phaolô Tống Thanh Trọng (1975-1998), vào năm 1985, do ảnh hưởng của cơn bão nặng nề, Nhà thờ Thai Dương Thượng bị sập hai mái tôn, toàn bộ cửa chung quanh hư hại rách nát. Cha Trọng đã trùng tu bằng cách thay thế toàn bộ cửa chung quanh Nhà thờ bằng gỗ kiền kiền mới, lợp lại tôn cũ còn tốt và mua thêm một số tôn mới, tân trang bục giảng sách và tòa giải tội.

Năm 1999, thời Cha Giuse Nguyễn Điền (1998-2007), cơn lụt lịch sử với sức tàn phá mãnh liệt đã cuốn trôi và làm hư hỏng một số bàn ghế, giá đèn, giá sách, tượng ảnh. Phía trước sân Nhà thờ bị sạt lở nghiêm trọng. Cha sở trùng tu như sau: bên trong Nhà thờ: một bộ ghế băng ngồi gồm 12 chiếc và 2 băng quỳ; hai tủ thờ Thánh Giuse và Đức Mẹ; hai pho tượng Thánh Giuse và Đức Mẹ. Bên ngoài Nhà thờ: một bức tường thành dài 45m chống đỡ sóng nước kiên cố.

f- Giáo họ trực thuộc Thành Công (2004)

Ngày 14-05-2004, khi Giáo họ Thành Công được tách ra làm Giáo xứ, với Cha GB Nguyễn Thế Tòng (Nước Ngọt) làm Quản xứ tiên khởi, thì Vĩnh Trị và Thai Dương Thượng trở thành Giáo họ của Giáo sở mới này. Ngài xây đài Đức Mẹ tại Nhà thờ Thai Dương Thượng phía bên trái, nếu nhìn tử cổng.

Hai Giáo họ tiếp tục ở dưới sự coi sóc của vị Quản sở ở Thành Công là Cha Đôminicô Trương Văn Quy từ năm 2012, rồi Cha Micae Nguyễn Văn Hưng từ năm 2019.

Cha Micae đã xây thêm đài Thánh Giuse ở Nhà thờ Thai Dương Thượng phía bên phải. Như thế, cả hai tượng đài nằm ở phần sân trước, rất mỹ thuật. Hai bên nhà thờ, Cha cũng làm hai mái che tôn rộng rãi.

Về Giáo họ Vĩnh Trị, Cha Micae cũng đã xây tường rào 110 mét bao quanh khuôn viên Nhà thờ. Ngày 25-5-2020 Cha khởi công xây dựng tháp chuông cao 13m, cùng hai đài Đức Mẹ và Thánh Giuse hai bên nhà thờ. Hiện nay, nơi thờ tự của Giáo họ Vĩnh Trị thật khang trang, sạch sẽ và uy nghi, như khoác trên mình chiếc áo mới xinh đẹp.

Nhà thờ Thai Dương Thượng – Tượng đài Thánh Giuse. (Phía sau là nhà Cha Trần Văn Tuyên)

———————————————————

[1] Giáo sở Thanh Hương theo thời gian, thường gồm 3 Giáo xứ chính: Nhất Đông, Nhất Tây và Hương Lâm. Nhưng có lúc các Giáo xứ này lại tách rời nhau thành những Giáo xứ biệt lập.

[2] Năm 1912, do số tín hữu giáo sở Linh Thủy quá đông, lên tới 2692 người (xem Báo cáo Thường niên 1922 của Đức Giám mục Allys gởi Hội Thừa sai Hải ngoại Paris), Đức Cha đã nâng Giáo họ Vĩnh Trị (nằm giữa Thành Công và Thai Dương Thượng) lên hàng giáo xứ, với Thai Dương Thượng là Giáo họ và cha Mátthêô Nguyễn Văn Thăng (gốc Sáo Bùn, Tam Tòa) là quản xứ.

[3] Cụ Câu trưởng Trần Văn Niên này là ông nội của linh mục Giuse Trần Văn Tuyên. Ngôi nhà của cha Tuyên hiện nằm bên phải, hơi chếch về phía sau nhà thờ Thai Dương Thượng

[4] Tiểu sử các Linh mục Giáo phận Huế cho biết từ 1920 đến 1923, có cha Tôma Trương Đình Điểm (gốc Nam Tây) cai quản Vĩnh Trị. Phải chăng tạm thế cha Lê Văn Định?

——————————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.