Lược sử Giáo xứ Loan Lý

26/11/2019

LƯỢC SỬ

GIÁO XỨ LOAN LÝ

Nhà thờ Loan Lý, hoàn thành năm 1996.

Tháp chuông, hoàn thành năm 2014.

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:

Giáo xứ Loan Lý hiện thời, thuộc Giáo hạt Hải Vân, nằm trên địa bàn thôn Loan Lý, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Phía nam giáp Giáo xứ Sáo Cát, phía bắc giáp đèo Phú Gia, phía đông giáp Đông hải, phía tây giáp đầm Lập An, dọc theo quốc lộ 1A, có chiều dài khoảng 3km. Cách Tòa Tổng Giám mục chừng 56km (đường chim bay) về hướng đông đông nam.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Loan Lý vùng bắc Quảng Trị

1.1- Từ hoạt động truyền giáo của các linh mục Dòng Tên.

Công cuộc truyền giáo tại Giáo phận Huế bắt đầu với các linh mục Dòng Tên vào thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Cha Francesco Buzomi được coi là người đầu tiên đến xứ Ðàng Trong, ngài có mặt tại Hội An vào năm 1615 và giảng đạo tại Quảng Ngãi, Quy Nhơn, sau đó ra Thuận Hóa, Quảng Trị, tới tận biên giới lãnh thổ Trịnh-Nguyễn là bờ nam sông Gianh (1619).

Tiếp nối ngài là linh mục Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ), đến Đàng Trong năm 1624. Qua bản tường thuật về các cuộc hành trình của mình khoảng năm 1643[1], nhà truyền giáo Dòng Tên này có nói tới một ngôi làng ở Cửa Tùng, vùng Đất Đỏ, phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, tên là Liêm Công[2]. Đây là nơi mà sau khi lập ra hội Thầy giảng tháng 7-1643 để có những trợ tá tông đồ, cha đã sai một thầy giảng lớn tuổi, sinh năm 1610, từng làm quan, tên là Inhaxiô, nguyên quán làng đó[3]làm đoàn trưởng về truyền giáo ngay tại quê hương. Inhaxiô đã rửa tội cho 293 người.

Với những bước đi đầu tiên ấy, tại Cửa Tùng, bắc Quảng Trị, chỗ đổ ra biển của sông Hiền Lương, đặc biệt là các thôn sát biển như An Hòa, Hòa Lý… đã có những họ đạo khá lớn tương đương với các họ đạo vùng Dinh Cát, nam Quảng Trị. Trong các họ đạo đó, nổi tiếng nhất là Giáo xứ Di Loan do các cha Dòng Tên thành lập vào khoảng giữa thế kỷ 17[4]. Nhờ có đủ điều kiện về nhân lực vật lực, lại thêm đức tin anh dũng kiên cường (như sẽ thấy về sau), Giáo xứ Di Loan đã được các thừa sai (Đức cha Jean Labartette) quyết định chọn làm nơi thành lập Dòng Mến Thánh giá Di Loan năm 1780, rồi chủng viện Di Loan-Hòa Ninh năm 1784. Với vài lúc gián đoạn, chủng viện này tồn tại đến năm 1801. Năm 1837, chủng viện Di Loan lại được cha Jean Candahl thành lập nhưng cũng chỉ sống có12 tháng. Đến năm 1849, Đức cha François Pellerin tái lập chủng viện Di Loan và đến cuối năm 1858 thì phải giải tán cơ sở này do tình hình bắt đạo.

Như vậy, trong 2 thế kỷ 17-18, ngoài giáo hạt bề thế là Dinh Cát (Triệu Phong, nam Quảng Trị), Công giáo đã phát triển khá mạnh tại khu vực bắc Quảng Trị, hình thành Giáo hạt Đất Đỏ (Vĩnh Linh).

Chính trong bối cảnh ấy mà Giáo xứ Loan Lý ra đời. Ban đầu đó chỉ là một xóm đạo, sau thành họ đạo Luân Lý, cuối cùng là giáo họ Loan Lý, nằm về phía bắc Giáo xứ Di Loan và trực thuộc Giáo xứ Di Loan, Giáo hạt Đất Đỏ. Giáo dân Loan Lý thời bấy giờ do từ hai làng hợp lại, trong đó 2/3 là người Di Loan (họ Hoàng và họ Lê) và 1/3 là người An Do Bắc (họ Dương, họ Nguyễn và họ Phùng). Cũng trực thuộc Giáo xứ Di Loan là Giáo họ Hòa Ninh cận kề.

Khi Giáo phận Huế được thành lập năm 1850, Đức cha Pellerin (Phan) đã đặt làm Quản xứ Di Loan kiêm Loan Lý và Hòa Ninh các vị linh mục sau đây:

– Cha Máctinô Nguyễn Văn Thanh (1820-1848-1869) năm 1850.

– Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Đạt (1818-1849-1889) từ 1851-1853.

Trong thời gian này, có cha chính Joseph Sohier lánh nạn ở Di Loan và ngày 17-08-1851, chính tại đây, ngài được phong Giám mục phó. Cũng từ đây, ngày 17-09-1851, Đức cha chính Pellerin gửi lá thư mục vụ đầu tiên cho riêng các linh mục và giáo sĩ của Giáo phận.

– Cha Gioan Nguyễn Hòa Hưởng (1825-1853-1861) từ 1853-1855.

– Cha Phêrô Đỗ Khắc Nhơn (1821-1855-1874) từ 1955-1962 (có gián đoạn một thời gian).

– Cha Anrê Nguyễn Ngọc Thoại (1828-1858-1902) từ 1857-1861 (thế cha Nhơn vài năm).

– Cha Anrê Nguyễn Phước Nghi (1799-1843-1875) từ 1862-1867 (?)

– Cha Têphanô Lê Văn Ấn (1829-1867-1897) từ 1867-1876. Cha GB Nguyễn Văn Mộ ở phó (1868).

– Cha Louis-Étienne Dangelzer (cố Đăng, 1839-1863-1904) từ 1882-1886 (thời Văn Thân sát hại các Giáo xứ tại Quảng Trị, xem dưới). Ở phó có cha GBLê Văn Huấn năm 1882, cha Đôminicô Nguyễn Văn Cửu năm 1885.

– Cha Alfred Barthélémy (cố Mỹ, 1852-1877-1918) từ 1887-1908.

Năm 1890, ngài khởi công xây dựng nhà thờ ngói kiểu gô-tích thuần khiết, thay thế cho nhà thờ tranh đã bị Văn Thân đốt. Công trình này gần 2 thập niên sau mới hoàn thành. Dài 32m50, rộng12m60, cao 14m, chưa kể tháp. Nhà thờ Di Loan từng được coi là một trong những thánh đường đẹp nhất miền Trung đầu thế kỷ 20. Nay thì nó đã hoàn toàn biến mất do chiến tranh và bom đạn.

Làm phó cho cố Mỹ và coi sóc hai Giáo họ Loan Lý và Hòa Ninh, có cha Gioan Lê Văn Dưỡng năm 1895, cha Inhaxiô Đặng Văn Dõng năm 1900, cha Giuse Nguyễn Ngọc Quyền năm 1903, cha Matthêu Đỗ Khắc Mỹ năm 1906.

Nhà thờ Di Loan do cha Alfred Barthélémy (cố Mỹ) xây dựng 1890-1908

– Cha Alexandre Chabanon (cố Giáo,1873-1896-1936) từ 1908-1918, kiêm hạt trưởng Đất Đỏ, tiếp đó làm cha chính (Tổng Đại Diện, về sau làm Giám mục Giáo phận).

Các họ nhánh Loan Lý và Hoà Ninh lúc ấy chỉ có nhà nguyện là những căn trại nghèo nàn; ngài đã xây dựng cho họ hai nhà thờ lớn lợp ngói và đẹp đẽ. Ngài cũng đã nới rộng nhà xứ Di Loan, để có thể dễ dàng tiếp đón các thừa sai và các linh mục bản xứ thường đến đông đúc. 

Ở phó cho cố Giáo có cha Matthêu Đỗ Khắc Mỹ năm 1908, cha Antôn Nguyễn Văn Triều năm 1913, cha Phaolô Nguyễn Văn Chuyên năm 1916, cha Philipphê Lê Thiện Bá năm 1918.

– Cha Léopold Cadière (cố Cả, 1869-1892-1955) từ 1918-1945 (gián đoạn 1928-1930 đi dưỡng bệnh), kiêm hạt trưởng Đất Đỏ. Bị Việt Minh giam giữ tại Vinh 7 năm trời (1946-1953).

Nhà văn hóa kiệt xuất của Giáo phận Huế và của khu vực Bình-Trị-Thiên. Đặt công tác giáo dục, văn hóa lên hàng đầu, cha đã xây trường mẫu giáo tại Di Loan, giao cho các chị Mến Thánh Giá phụ trách. Cha giúp cho các chị có nghề dệt tơ lụa thay vì dệt vải thô. Cha cũng xây trường mẫu giáo tại Loan Lý và Hòa Ninh rồi mời các chị Di Loan coi sóc.

Ở phó cho ngài có cha Philipphê Lê Thiện Bá năm 1918, cha Giuse Nguyễn Văn Kiểu năm 1924, cha Anrê Bùi Quang Tịch năm 1927, cha Antôn Nguyễn Văn Bằng năm 1931, cha Giacôbê Nguyễn Văn Phượng năm 1932, cha Antôn Nguyễn Văn Sản năm 1936, cha Phạm Văn Yến năm 1938, cha Phêrô Trương Văn Thiên năm 1940.

Đặc biệt có hai phó xứ biệt cư Loan Lý là cha Matthêô Nguyễn Hữu Giáo (1921-1923), cha Giuse Phạm Hữu Huấn(1923-1928),

Thời gian cố Cả đi dưỡng bệnh ở Pháp (1928-1930) thì có cha Giuse Trần Văn Trang thay thế làm Quản xứ và Quản hạt.

1.2- Lớn lên trong gian khổ

Tuy nhiên, qua 311 năm theo đạo(1643–1954), người Công giáo thuộc Giáo hạt Đất Đỏ, Vĩnh Linh, Cửa Tùng nói chung và Di Loan, Loan Lý nói riêng, đã chịu nhiều gian nguy khổ nạn do các sắc lệnh bắt đạo dưới các triều Cảnh Thịnh (Tây Sơn), Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức (nhà Nguyễn); đặc biệt vụ Văn Thân tàn sát nhiều người Công giáo vùng Đất Đỏ – Vĩnh Linh năm 1885. Công sứ Jabouille (tác giả) và linh mục Adolphe Delvaux (dịch giả, bổ chính và chú thích), qua bài “Một trang huyết lệ trong lịch sử tỉnh Quảng Trị tháng 9 tây năm 1885” (viết năm 1923) cho biết về vụ đó tại Di Loan (10+13-9-1885) như sau (trích)[5]:

“Giáo xứ Di Loan và hai giáo họ (chú thích của Nhóm Biên sử: Loan Lý và Hòa Ninh) gồm có hơn 1500 giáo dân ở rải rắc trên vùng đất dài ba cây số và rộng hơn một cây số, dọc theo bờ sông. Giáo xứ ấy là giáo xứ đẹp nhất cả Giáo phận, vì cách tổ chức hoàn toàn và có những di tích quan hệ. Cố chính Đăng (ct: Louis-Étienne Dangelzer, 1839-1863-1904) coi sóc Giáo xứ Di Loan và làm bề trên Giáo hạt Đất Đỏ gồm có 5000 giáo dân.

“Giáo xứ Di Loan thành lập đã hơn 100 năm, hương chức trong làng là người Công giáo. Người ta nói và đoán rằng: Giáo xứ ấy phong phú tích lắm của quí. Nhưng những làng lân cận không ghét giáo dân bao nhiêu. Phái Văn Thân hết sức cổ động các làng ấy, khi thì hứa hẹn nọ kia, lúc lại hăm doạ để họ sợ mà khuấy nhiễu tàn phá giáo dân. Ngày 8-9-1885, cố chính Đăng làm lễ lần đầu trong nhà thờ mới cấu tạo. Lễ ấy cũng là lễ sau hết. Những tin khủng bố đã đến tận Di Loan, nên lúc nào người ta cũng sợ quân Văn Thân đến đánh phá. Xung quanh Di Loan, người ta nghe tiếng của những đoàn người la kêu inh ỏi. Không còn hồ nghi nữa, quân Văn Thân sắp đến!

“Những người có của vội vàng chôn của. Một ngàn giáo dân khởi sự xây dựng lũy ải xung quanh làng, còn con nít vào nhà thờ đọc kinh. Lúc mặt trời đã lên cao, phái Văn Thân đợi những toán quân từ Gia Môn qua, rồi bắt đầu đánh. Một số đông gần 2000 chia ra làm ba toán, do những tướng Văn Thân chỉ huy và có lính sành nghề ở Cùa đến trợ chiến.

“Khi thấy họ đến, cố chính Đăng bảo rung chuông báo hiệu và thu họp giáo dân. Những người ấy ra sức lui về ngả nhà thờ, nhưng cũng bị thiệt hại ít nhiều; còn những người trì hoãn chưa bỏ nhà lánh nạn, thì bọn Văn Thân chém giết. Thấy được thắng lợi một cách dễ dàng, giặc Văn Thân phá lũy ải, lấy những đầu họ chém mà quăng trên giáo dân. Nhưng giáo dân cũng không nao núng, cứ kháng cự hăng hái đến đỗi đánh lui được quân Văn Thân phải chạy tán loạn và có lúc đuổi họ đến tận cuối làng. Toán quân thứ nhứt bỏ chạy, hai toán kia cũng bắt chước. Trong cơn hỗn loạn, họ bỏ lại nhiều khí giới đạn dược. Chiều lại làng lương dân Tùng Luật, trước có giúp Văn Thân, đến xin giải hoà với giáo dân và giao kết rằng họ không làm hại Di Loan nữa.

“Ngày 9 tháng 9 tây, quân Văn Thân trở lại đánh, mà cũng có dân làng Tùng Luật trợ chiến. Giáo dân tức giận vì bị đánh lừa, nỗ lực kháng cự rất hăng hái rồi xuất chiến rất lanh chóng. Phái Văn Thân kinh khiếp bỏ chạy tán loạn. Giáo dân đuổi đến tận làng Tùng Luật, họ nhất định đại phục thù trị dân Tùng Luật bội tín, nhưng cố chính Đăng hạ lệnh thu quân và cấm nhặt giáo dân không được đi quá làng mình (……)

“Ngày 12 tháng 9 tây, quân Văn Thân nhờ quân cứu viện và dân Tùng Luật trợ chiến, ra sức đánh một hồi lâu, để phá huỷ rào ải Di Loan. Giáo dân lần nầy phải giữ thế thủ mà không khởi thế công như mấy lần trước để đánh lui quân địch. Vả lại những nhà rải rác của giáo dân bị đốt phá. Mục kích như thế, giáo dân khỉ sự thối chí. Trong lúc hỗn chiến, vài giáo dân bỏ chạy lên An Ninh trốn, còn những người khác thì nhảy xuống đò do đường biển ra Đồng Hới hoặc vô Huế trốn.

“Cố chính Đăng thấy tình thế càng lâu càng éo le, quyết định bảo một ngàn rưỡi giáo dân phải tập trung về ngả chủng viện An Ninh, cách đó hơn một cây số. Đoàn lánh nạn khởi hành như sau: 600 đàn bà con nít đi trước với 60 chị nhà phước, còn những người đàn ông cường tráng đi theo sau để phòng hộ vệ và đánh trả quân Văn Thân. Nhưng sự lánh nạn nầy thực hành một cách quá vội vàng, nên không có thì giờ đem theo những vật quí của giáo xứ: ảnh tượng, sổ sách, tiền bạc.

“Ngày hôm sau, là ngày 13 tháng 9 tây, khi quân Văn Thân đến tận Di Loan, họ thấy làng không người, nên chỉ cướp phá và thiêu huỷ hết thảy nhà ở và nhà thờ. Cũng một ngày ấy Giáo họ Hoà Ninh bị cướp phá và thiêu huỷ. Giáo họ Loan Lý, ngày 10 tháng 9, cũng đã chịu một số phận ấy. Hai giáo họ nầy thuộc Giáo xứ Di Loan, thiệt hại hết 100 giáo dân bị tiêu sát”.

Năm 1886, đền và lăng tử đạo Loan Lý được xây dựng tại thôn Hòa Lý, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, sau đó bị tàn phá vì bom đạn chiến tranh, hiện đã được con cháu từ Loan Lý (nam Thừa Thiên) phục dựng với tấm bia tưởng niệm.

1.3 Thành Giáo xứ chính thức

Mãi đến năm 1928 Giáo họ Loan Lý mới chính thức được tách thành một Giáo xứ riêng biệt, có cha sở cư trú và làm  mục vụ:

– Cha Phêrô Nguyễn Văn Oai, Quản xứ tiên khởi (1928-1930).

– Cha Phêrô Đỗ Khắc Tuế (1930-1936).

– Cha Giuse Nguyễn Văn Kiểu, phó xứ Di Loan, biệt cư Loan Lý (1936-1937)

– Cha Đôminicô Phạm Văn Yến, phó xứ Di Loan, biệt cư Loan Lý (1937-1941)

– Cha Phanxicô Xaviê Trương Văn Lương (1941-1947)

– Cha Giacôbê Phan Văn Cơ (9/1947-8/1954).

2- Loan Lý vùng nam Thừa Thiên.

Từ cuối tháng 7-1954, sau hiệp định Genève phân chia đất nước ở vĩ tuyến 17 với sông Hiền Lương làm ranh giới, xảy ra cuộc di cư ồ ạt của các họ đạo miền bắc vào miền nam, trong đó có 19 giáo xứ giáo hạt Đất Đỏ thuộc Giáo phận Huế. Đa số họ đạo vùng này vào định cư tại La Vang, Quảng Trị, và sau Mùa hè đỏ lửa 1972 thì chuyển vào miền nam.

Riêng Giáo xứ Loan Lý, vì phần lớn làm nghề đánh cá biển, nên đã vào định cư tại vùng biển và đầm Lăng Cô thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên (tên gọi lúc bấy giờ) và vẫn giữ nguyên danh xưng Loan Lý cho tới ngày nay. Ngoài ghe noốc và những đồ dùng thiết yếu của gia đình, giáo dân lúc ấy còn mang theo những vật dụng của giáo xứ, như bàn thờ bằng gỗ mít được chạm trổ công phu, tượng Ba đấng, Thánh giá, 14 Chặng đàng, 2 tòa giải tội, quả chuông và khăn, áo, cờ. Hiện tại bàn thờ, chuông và tượng Ba đấng đang được sử dụng.

Từ đó đến nay, các linh mục sau đây được bổ nhiệm làm cha sở:

Cha Giacôbê Phan Văn Cơ tiếp tục Quản xứ (1954-1957): Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn của thời gian đầu di cư. Phải kiếm đất dựng chòi cho dân. Giúp dân tiếp tục nghề nghiệp lưới chài. Rồi dựng nhà nguyện tạm để mỗi ngày đọc kinh dâng lễ. Năm 1955, ngài đã mời được các nữ tu thuộc cộng đoàn Mến Thánh Giá Tam Tòa (vốn cũng di cư) đến giúp việc mục vụ, đặc biệt dạy văn hóa và giáo lý cho các em nhỏ. Nhà nguyện thuở ban đầu nằm cận đầm Lập An thấp trũng và luôn ngập úng khi thủy triều lên. Vì vậy cùng với giáo dân, cha Giacôbê tiếp tục canh phá đồi rú phía bờ đông giáp biển để có mặt bằng. Và năm 1956 ngài đã cho xây dựng ngôi nhà thờ mới bằng gạch đá kiên cố trên đồi ở vị trí hiện nay, với thánh hiệu “Nữ Vương Hòa Bình” (Regina Pacis). Công lao của ngài thật lớn lao cho giáo dân Loan Lý ! Nhờ nền móng đó mà các cơ sở vật chất cũng như tinh thần mỗi ngày mỗi phát triển tốt đẹp.

Còn khoảng đất làm lều tạm cho việc thờ phượng khi mới tản cư vào, vốn rất trũng thấp, đã được bồi đắp rồi được xây dựng trên đó một ngôi nhà dài với 3 phòng, dùng dạy giáo lý và văn hóa cho con em trong giáo xứ.

Song song việc ổn định cho người sống, giáo xứ cũng lo toan cho người chết. Theo truyền thống công giáo, ở đâu có giáo xứ, ở đó có Đất thánh (nghĩa trang). Giáo xứ cũng đã khai hoang 1 khu đất dọc quốc lộ 1A cách nhà thờ khoảng 1km về phía bắc làm nghĩa trang giáo xứ chôn cất người qua đời, với chiều dài 180m, chiều rộng 125m. Hiện có gần 600 ngôi mộ tại nghĩa trang này và vẫn đang còn sử dụng.

Nhà thờ Loan Lý do cha Giacôbê Phan Văn Cơ xây năm 1956

– Cha Phêrô Trần Văn Điển (1957-1958)

– Cha Gioan Baotixita Trương Văn Thắng (1958-1963)

– Cha Phaolô Ngô Văn Triệu (1963-1965)

– Cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Cần (1965-1966)

– Cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (1966-1969)

– Cha Phêrô Huỳnh Văn Hóa (1969-1972)

– Cha Giuse Ngô Văn Trọng (1972-1975)

– Cha Anrê Nguyễn Văn Trúc (1975) ở một ít tháng rồi về Sáo Cát nghỉ dưỡng bệnh.

– Cha Batôlômêô Nguyễn Văn Phước (1975-1978) Quản xứ Sáo Cát kiêm nhiệm Loan Lý.

Thời gian này, mọi đoàn thể của giáo xứ đều ngưng sinh hoạt và tan rã, việc sống đạo được thực hiện âm thầm với các nhóm nhỏ, điển hình là nhóm “Vui Hát Tin Mừng” do chủng sinh Đaminh Hoàng Văn Chỉ chủ xướng. Nhóm “Suy niệm và sống Lời Chúa” do chủng sinh Giuse Phùng Văn Phụng hướng dẫn. Hai chủng sinh này nay đã thành linh mục và hoạt động ngoài giáo xứ.

– Cha Giuse Cái Hồng Phượng (1978-2008):

Được bổ nhiệm Quản xứ Loan Lý sau nhiều năm vắng chủ chăn trực tiếp, lại gặp thời khốn khổ nhất về kinh tế và xã hội đối với những họ đạo, đặc biệt những họ đạo di cư 1954 như Loan Lý, cha Quản xứ Giuse chịu không ít khó khăn, gian khổ. Chính trong thời gian này, nhiều gia đình đã phải rời giáo xứ để đi kinh tế mới trong miền nam.

Mãi đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi chính sách kinh tế được cởi trói, cuộc sống vật chất của người dân khấm khá lên, cha Quản xứ Giuse nghĩ ngay đến việc xây dựng nhà thờ mới vì nhà thờ cũ từ thời cha Phan Văn Cơ đã xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng.

Nhờ lòng quảng đại hy sinh của giáo dân Loan Lý trong và ngoài nước cũng như các ân nhân xa gần, giáo xứ đã xây dựng được ngôi thánh đường khang trang đẹp đẽ, khánh thánh ngày 23-5-1996 với thánh hiệu “Chúa Hiển Linh”. Có thể nói đây là nhà thờ được xây dựng quy mô và to lớn đầu tiên trong Giáo phận Huế vào thời điểm năm 1995, khi đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn vất vả. Đến năm 2007 cha Giuse xây dựng đài Đức Mẹ phía nam khuôn viên nhà thờ và đài Thánh Giuse trước tiền đường nhà thờ sát quốc lộ.

Bên trong nhà thờ Loan Lý-Ngày kỷ niệm 65 năm định cư (11-08-2019).

Về cơ sở tinh thần, đến tháng 5-1980, cha Giuse bắt đầu mở lại các lớp Giáo lý Khai tâm và Thêm sức. Cũng thời gian này, Nhóm Gia đình Hy Vọng Tông đồ được thành lập, rồi dưới sự hướng dẫn huấn luyện liên tục của các linh mục Tu hội Hy Vọng, nhóm này đã sinh hoạt cho tới hôm nay. Năm 1982, một số anh em thiện nguyện lập “Hội Chạp Mộ Mồ Côi”, để chăm sóc các phần mộ không có thân nhân. Tháng 5-1998, tái lập hội Legio Mariae, hiện nay có 50 hội viên đang sinh hoạt. Năm 2000 lập lại phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể cho các em trong giáo xứ. Tháng 5-2005 lập nhóm Junior (của Legio Mariae), hiện có 20 hội viên. Tháng 12-2005, hình thành Hội Đồng Tâm để giúp đỡ những người gặp khó khăn hoạn nạn. Giai đoạn 2004-2005 một số gia đình tham gia Chương trình Thăng tiến Hôn nhân Gia đình.

 – Cha Phaolô Ngô Thanh Sơn (2008-2015), xây dựng Nhà Mục vụ (một phần) phía sau khuôn viên nhà thờ vào năm 2014 với 4 phòng học giáo lý khang trang, tiện nghi. Cha Phaolô cũng đã cho xây tháp chuông mới tách ra khỏi tiền đường nhà thờ năm 2014.

Trong thời của ngài, xảy ra một chuyện đáng lưu ý. Số là ngôi nhà dài có 3 phòng, đối diện với nhà thờ và nằm bên kia quốc lộ, mà cha Phan Văn Cơ đã xây, thì sau năm 1975 bị chính quyền trưng dụng để dạy văn hóa trong tuần cho học sinh tiểu học ở địa phương, và Chúa nhật thì giáo xứ dạy giáo lý cho trẻ nhỏ. Nhưng đến tháng 9 năm 2009, chính quyền cưỡng chế, tịch thu, không cho giáo xứ dùng nó nữa. Đây là đất do giáo xứ khai hoang và nhà do giáo xứ xây dựng từ năm 1954. Hiện cơ sở này cùng hội quán của Loan Lý đã bị chính quyền chiếm dụng, xây bức tường cao bịt kín mặt tiền phía QL1A và trổ cổng trường ra phía đầm Lập An, trong biến cố đêm 13 tháng 9 năm 2009.

– Cha Phaolô Nguyễn Luận (từ 8/2015 …), tiếp nối cai quản giáo xứ.

Năm 2016, ngài quy tụ một số em trong Hội Giúp lễ và Ca đoàn nhỏ làm thành Nhóm Tìm Hiểu Ơn Gọi tu trì. Năm 2017, một số anh chị tự nguyện quy tụ đọc Kinh Lòng Chúa Thương Xót mỗi ngày lúc 3 giờ chiều; đến nay đã có khoảng 30 hội viên LCTX. Tháng 3-2019 có thêm Gia đình “Mến Thánh Giá tại thế” gồm 20 hội viên. Chương trình Thăng tiến Hôn nhân Gia đình (còn gọi  là Song Nguyền) nay càng phát triển mạnh, nhờ cha sở đang là Linh nguyền (Tuyên úy) của chương trình. Hiện các đoàn thể vẫn sinh hoạt đều đặn.

Năm 2017, cha Phaolô xây thêm một tầng cho Nhà Mục vụ, để phục vụ sinh hoạt của các lớp giáo lý và các hội đoàn. Cũng trong năm này, ngày 7 và 8 tháng 8, các giáo lý viên và huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể đã làm một chuyến “Về nguồn”, ra tận Loan Lý gốc, dựng bia tưởng niệm các vị tử đạo của giáo xứ.

Ngày 11+12/8/2019, giáo xứ đã mừng kỷ niệm 65 năm thành lập và định cư tại Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế. Nhiều sinh hoạt phụng vụ và lễ hội đã được tổ chức linh đình, kèm theo việc ấn hành một cuốn kỷ yếu dày tới 312 trang.

Cha Phaolô cũng đang tiến hành xây dựng nhà xứ mới.

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục & Phó tế

a- Phục vụ tại TGP Huế :

Stt Tên thánh – Họ và tên Năm sinh Linh mục Địa chỉ hiện nay
01 Tôma Nguyễn Văn Luật 1901 1932 + 1972
02 Phêrô Hoàng Kính 1913 1941 + 2007
03 Giuse Hoàng Cẩn 1942 1973 Nhà Hưu dưỡng – Gp. Huế
04 Antôn Dương Quỳnh 1949 1975 Gx. Phanxicô – Gp. Huế
05 Đaminh Nguyễn Tưởng 1957 1996 Gx. Kế Sung – Gp. Huế
06 Giuse Hoàng Quốc 1970 2002 Gx. Triều Sơn Nam, Gp. Huế
07 Phaolô Hoàng Nhật 1969 2004 Gx. Kim Đôi – Gp. Huế
08 Philipphê Hoàng Linh 1978 2007 Gx Phù Lương – Gp.Huế
09 Phêrô Hoàng Minh Tuân 1977 2008 Gx. Phú Xuân – Gp. Huế
10 GB. Hoàng Thanh Tùng 1984 2018 Gx. Đại Lộc – Gp. Huế

b- Phục vụ ngoài TGP Huế:

Stt Tên thánh – Họ và tên Năm sinh Linh mục Địa chỉ hiện nay
01 Phêrô  Phùng Chí 1952 1990 Hoa Kỳ
02 Giacôbê Hoàng Gia Công 1945 1998 Dòng Thánh Tâm – Huế
03 Giuse Phùng Văn Phụng 1956 2000 Hoa Kỳ
04 Giuse  Lê Thu 1973 2003 Hoa Kỳ
05 Matthêô Hòang Trường Sơn 1972 2005 Gp Nha Trang
06 Đaminh Hoàng Văn Chỉ 1950 2006 Gp. Phú cường
07 Simon Hoàng Thời, SVD 1964 2007 Hoa Kỳ
08 Giuse Nguyễn Trần Vĩnh Linh 1970 2007 Gp. Xuân Lộc
09 JB Hoàng Thanh Hoàn 1979 2011 Gp. Xuân Lộc
10 Giuse Hoàng Kim Sơn 1977 2012 Gp. Đà Lạt
11 Phêrô Trần Xuân Sơn 1979 2013 Gp Bà Rịa
12 Phaolô Hoàng Kim Trọng 1980 2014 Gp Đà Lạt
13 Phanxicô Nguyễn Kim Phú     CSJB – Hoa Kỳ
14 Ts Phó tế Lorensô Hoàng Trương     OSB – Thiên Hòa, BMT
15 Ts. Phó tế Pacôm Nguyễn Danh 1954 2017 OSB – Thiên Hòa, BMT

            2-Chủng sinh:

Stt Tên thánh Năm sinh Lớp Địa chỉ hiện nay
01 Giuse Hoàng Thanh Gia 1988 Thần học IV Đại Chủng Viện – Huế
02 Phaolô Hoàng Thanh Hưng 1988 Thần học III Đại Chủng Viện – Huế
03 Giuse Hoàng Thanh Huynh 1991 Thần học I Đại Chủng Viện – Huế
04 Giuse Nguyễn Trần Vĩnh Thiện 1974 Triết II ĐCV Huế – Gp. Kontum

3- Nam Tu sĩ

Stt Tên thánh – Họ và tên Năm sinh Khấndòng Địa chỉ hiện nay
01 Thầy Pl. Hoàng Văn Cường, osb   2016 Thiên An – Huế
02 Thầy Phabiano Hoàng Ngọc Phi   2010 Xitô Phước Sơn – VT
03 Tôma Becket Nguyễn Học Tuyển   2016 Xitô Phước Sơn – VT

4- Nữ tu

Stt Tên thánh – Họ và tên Năm Sinh Khấn Dòng Địa chỉ hiện nay
01 Chị Nguyễn Thị Hiến (+)     Mến Thánh Gía Huế
02 Chị Dương Thị San (+)     Mến Thánh Gía Huế
03 Chị Hoàng Thị Thiệp (+)     Mến Thánh Gía Huế
04 Chị Hoàng Thị Tu (+)     Mến Thánh Gía Huế
05 Chị Hoàng Thị Pha (+)     Mến Thánh Gía Huế
06 Chị Nguyễn Thị Máy (+)     Mến Thánh Gía Huế
07 Chị Madalêna Hoàng Thị Liên (+)     Mến Thánh Gía Huế
08 Cêxilia Nguyễn Thị Nhuận (+)     Mến Thánh Gía Huế
09 Lucia Nguyễn Thị Bình 1933   Mến Thánh Gía Huế
10 Maria Lê Thị Tiên 1940 1967 M. Thánh Gía Huế, Pháp
11 Maria Hoàng Thị Lê 1941 1968 M. Thánh Gía Huế, Rôma
12 Mad. Hoàng Thị Hoàn 1941 1969 Mến Thánh Gía Huế
13 Maria Hoàng Thị Huệ 1944 1970 Mến Thánh Gía Huế
14 Mad. Nguyễn Thị Phiến 1943 1969 Mến Thánh Gía Huế
15 Matta Nguyễn Thị Thương 1945   Mến Thánh Gía Huế
16 Maria Phùng Thị Thức 1945 1967 Con ĐM Vô Nhiễm Huế
17 Agata Nguyễn Thị Thùy Trâm   1987 Nữ tì CGLM – XL
19 M.Madalêna Bùi Thị Phụng 1968 2001 Con ĐM Vô Nhiễm Huế
19 Maria Bùi Thị Kim Phụng 1968 2005 TH. GĐ Mẹ Thăm Viếng
20 Matta Hoàng Thị Tố Trinh 1981 2003 TS Tình Thương – XL
21 Anna Hoàng Thị Liên     Dòng Phaolô Đà Nẵng
22 Mad. Nguyễn Thị Thùy Quyên 1978 2004 M. Thánh Gía Huế, Rôma
23 Maria Phùng Thị Hồng Diệp 1981 2008 Con ĐM Vô Nhiễm Huế
24 Madalêna Lê Thị Mỹ Hương 1956 2005 Tu Hội Hi Vọng Huế
25 Maria Ng. Thị Hồng Nguyên 1984 2008 Mến Thánh Gía Huế
26 Cecilia Nguyễn Thị Kim Hương 1983 2009 Mến Thánh Gía Huế
27 Mad. Nguyễn Thị Mỹ Thắm 1985 2009 Mến Thánh Gía Huế
28 M. Agata Võ Thị Thu Lệ 1984 2010 Con ĐM Vô Nhiễm Huế
29 Mad. Nguyễn Thị Hồng Đoan 1991 2016 Mến Thánh Gía Huế
30 Mad. Nguyễn Phan Thanh Lan 1983 2017 Mến Thánh Gía Huế
31 Mad. Hòang Thị Ngọc Phượng   2017 Đa Minh – Đồng Nai

5- Tuyển viện

Stt Tên thánh – Họ và tên Năm sinh Thời gian Địa chỉ hiện nay
01 Maria Nguyễn Thị Mỹ Xoa 1993 Tập sinh Con ĐMVô Nhiễm Huế
02 Mad. Hoàng Thị Thanh Bình 1993 Tập sinh Dòng Phaolô – Đà Nẵng
03 Mad. Nguyễn Thị Phương Thảo 1995 Nhà Thử Nữ tỳ CGS Linh Mục
04 Anna Trần Thị Hồng 1997 Nhà Thử Mến Thánh Gía Huế
05 Madalêna Nguyễn Hòang Nhã 1996 Đệ Tử viện Mến Thánh Gía Huế
06 Luxia Nguyễn Thị Kim Ngân 1997 Đệ Tử viện Mến Thánh Gía Huế
07 Agata Hoàng Thị Hồng Nhiên 1997 Đệ Tử viện Con ĐM Đi Viếng Huế

6- Giáo dân:

– Năm 2010:    988 người

– Năm 2015:    994 người

– Năm 2019:    994 người.

Giáo xứ hiện chia làm 5 khu vực gọi là giáo xóm : xóm La Vang, Fatima, Hằng Cứu Giúp, Lộ Đức và Giuse Thợ (gồm các xóm Ngang, Thiện Loại, Lập An trước đây). Mỗi giáo xóm có ban điều hành riêng; ngoài ra trong giáo xứ hiện có 3 ca đoàn và các ban ngành đoàn thể để phụ giúp các công việc của giáo xứ như HĐGX, Ban Trật tự, Ban Chung sự Hiếu đạo, Ban Tẩm liệm v.v…

Danh xưng “Loan Lý” là danh xưng duy nhất trong số 19 giáo xứ của giáo hạt Đất Đỏ – Cửa Tùng sau biến cố di cư 1954 còn tồn tại. Các giáo xứ khác đã tản mác khắp nơi hòa vào các giáo xứ địa phương.

Tuy nhiên, trước cơn lốc duy vật và hưởng thụ ngày nay, nhất là trước cơn sốt thị trường địa ốc của thị trấn Lăng Cô “tấc đất tấc vàng”, nhiều người lớn tuổi đang âu lo cho tương lai của giáo xứ! Đất đai bị chiếm dụng để bán và xây các khu nghỉ dưỡng. Người dân phải tái định cư nơi khác…

****************************************

Phụ lục

SỰ HIỆN DIỆN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA CÁC NỮ TU MẾN THÁNH GIÁ

Khi cha Leopold Michel Cadière về coi sóc giáo xứ Di Loan (1918-1945) kiêm nhiệm các giáo họ Loan Lý, Hòa Ninh, ngài mở trường nhận các em 5-6 tuổi và giao cho các chị MTG Di Loan dạy. Từ Di Loan các chị hằng tuần đến họ đạo Loan Lý vừa dạy văn hóa vừa dạy giáo lý cho các trẻ. Nên có thể nói, từ rất sớm các nữ tu MTG đã hiện diện và phục vụ tại Loan Lý – Cửa Tùng.

Sau khi di cư vào vùng đất Lăng Cô tháng 8-1954, thì qua năm 1955, cha xứ Giacôbê Phan Văn Cơ cũng đã mời các nữ tu MTG Tam Tòa (cũng di cư vào) đến làm việc mục vụ.

+ Từ năm 1955–1975 có các nữ tu :

1/ Chị Đặng Thị Nhất, dì ruột của cha Giuse Cái Hồng Phượng.

2/ Chị Lucia Nguyễn Thị Bình.

3/ Chị Anê Vinh, Chị Lượng, Chị Thởi, Chị Sao…

+ Từ năm 1975 đến nay có các nữ tu :

1/ Chị Madalêna Hoàng Thị Hoàn (1975-1998) và chị Madalêna Nguyễn Thị Phiến : cải tạo, trùng tu nhà ở cho cộng đoàn và phòng trẻ.

2/ Chị Maria Đỗ Thị Dung (1998-2004)

3/ Chị Maria Phan Thị Hoàng Anh (2004-2014)

4/ Chị Anna Phan Thị Thứ (2014 …), cháu ruột của cha Giacôbê Phan Văn Cơ và em gái của cha Đôminicô Phan Sa (Hoa Kỳ). Năm 2016 chị đã xây thêm 1 căn nhà khang trang cho cộng đoàn.

Cơ sở cộng đoàn Mến Thánh Giá Loan Lý

——————————————————————————–

[1] Theo linh mục Léopold Cadière, Bulletin des Amis du Vieux Hué, 1921, bài “Plage de Cửa Tùng” (Bãi biển Cửa Tùng), tr. 231.

[2]Nay tại xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có 5 thôn: Hiền Lương, Liêm Công Phường, Liêm Công Tây, Liêm Công Đông, Tân Trại.

[3]Trong tương lai, thầy giảng Inhaxiô sẽ chịu tử đạo cùng thầy giảng Vinhsơn, nguyên quán Quảng Ngãi năm 1645, đúng một năm sau cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê Phú Yên (26-07-1644).

[4]Trong một tường trình khác vào năm 1686, thừa sai MEP Marin Labbé có nhắc tới các cộng đoàn Kitô ở Đơn Duệ, Yên Tri, An Do thuộc Giáo hạt Đất Đỏ. Ngày 13-09-1740, Đức Giám mục Khâm sai Tông tòa Elzéar de la Baume des Achards có viếng thăm cộng đoàn Kitô Di Loan. Xem A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques II 1728-1771. Paris, Téqui 1924. Trang 72.

[5] Chúng tôi xin phép thống nhất một số từ (giáo họ, giáo xứ, giáo hạt) mà dịch giả Delvaux dùng khá tự do.

**********************************

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế