Lược sử Giáo xứ Ngọc Hồ

17/12/2019

Lược sử

Giáo xứ Ngọc Hồ

 Nhà thờ Ngọc Hồ, với mặt tiền mới từ 2017

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:

Giáo xứ Ngọc Hồ, Giáo hạt Thành Phố, nằm trên địa bàn phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách Toà Giám mục Huế hơn 4 km (đường chim bay) về phía tây nam[1].

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1. Từ những tín hữu Dương Sơn lánh cơn bách hại

Theo lời kể của những bậc cao niên ở Ngọc Hồ, thời giáo xứ Dương Sơn bị bách hại thì một số tín hữu ở đây đã bỏ trốn đến thôn Long Hồ sinh sống làm thuê, rửa chén bát, nhưng bị người ta chèn ép nhiều điều nên đã tìm đến Ngọc Hồ định cư[2]. Mà theo lịch sử, giáo xứ Dương Sơn bị bách hại từ thời chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) hay trễ lắm cũng từ thời vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản (1783-1802).

Vào khoảng đầu thế kỷ 19, có một gia đình Công giáo ở Ngọc Hồ sinh được một người con trai sau trở thành linh mục đầu tiên của giáo xứ. Đó là cha Phanxicô Xavie Trương Văn Thường, sinh khoảng năm 1806 và chịu chức linh mục 1849. Thợ Đúc là nhiệm sở cuối cùng của đời ngài và ngài đã qua đời tại đây ngày 20-7-1892, hưởng thọ 86 tuổi, làm linh mục được 43 năm.

Như vậy, chắc chắn Ngọc Hồ đã có người Công giáo ít ra vào cuối thế kỷ 18.

Vào năm thứ 14 và 15 triều vua Tự Đức (1847-1883), tức 1861-1862, dù ở nơi hẻo lánh, cộng đoàn Ngọc Hồ cũng đã bị bách hại nặng nề do lệnh Phân sáp. Linh mục Bernard, hội Thừa sai Paris, trong tập sách “Những người tuyên xưng đức tin từ 1848-1862 của Bắc Đàng Trong” đăng trong Biên niên sử của hội năm 1918, đã ghi nhận 10 danh tính và trường hợp tử đạo tại Ngọc Hồ[3]. (Xem Phụ lục)

2. Thành giáo họ rồi giáo xứ

Trước cuộc cấm phòng năm lịch sử (tháng 1-1864) ở Kim Long thời Đức Giám mục Hyacinthe Sohier (Bình), tại Ngọc Hồ cũng như bao vùng khác thuộc Giáo phận Huế, các linh mục hoạt động mục vụ và truyền giáo không có giới hạn địa bàn cụ thể. Nhưng kể từ lúc tình hình tôn giáo khả quan hơn (vua Tự Đức chẳng còn bắt đạo), Đức Cha có ý định chia các giáo xứ (có thể kèm các giáo họ), giao mỗi giáo xứ cho một linh mục coi sóc, gọi là cha sở, có “bài sai” trong đó ghi rõ địa giới làm mục vụ của mỗi vị. Thông lệ này kéo dài cho tới ngày nay.

Vì thế sau đó Đức Cha đã ra một thông cáo, xin các cha cho biết các xứ đạo trong toàn giáo phận, nhằm kiểm kê để dễ bề phân định. Kết quả là Ngọc Hồ thuộc giáo sở Phủ Cam, gồm giáo xứ Phủ Cam và 4 giáo họ: Trường An (Phường Đúc), Đá Hàn, Buồng Tằm và Ngọc Hồ.

– Quản xứ chính thức đầu tiên của cả giáo sở là cha Inhaxiô Nguyễn Ngọc Tuyên (1866-1880), người Phủ Việt, Quảng Bình.

– Sau đó cha Luca Nguyễn Hữu Tín, gốc Mỹ Hương, Quảng Bình. Ngài từ An Vân (1864-1871) về thế cha Tuyên, bớt một phần đất của cha nầy. Coi Ngọc Hồ và Đá Hàn từ năm 1871.

– Tiếp đến là cha Inhaxiô Trần Ngọc Vịnh, chịu chức năm 1875, ở Ngọc Hồ có lẽ tới năm 1879 (sau đó đổi ra Đại Lộc và bị Văn Thân sát hại ở Dương Lộc, Quảng Trị tháng 9-1885). Ngài là cậu ruột của 3 anh em linh mục gốc Ngọc Hồ: Nguyễn Văn Chuyên, Nguyễn Văn Chính và Nguyễn Văn Mầu.

– Rồi tới cha Anrê Trần Văn Doãn, người Da Môn (Quảng Trị), quản xứ Ngọc Hồ và Đá Hàn khoảng từ 1879-1881.

– Cha Giuse Hồ Đình Tính, con thánh Micae Hồ Đình Hy, người Nhu Lâm. Cha Tính ở Ngọc Hồ là nơi cuối cùng của đời mình. Ngài đã mất nơi đây ngày 3-4-1891 và an táng tại chỗ.

– Cha Anrê Nguyễn Văn Định, người Thợ Đúc, làm quản xứ Ngọc Hồ từ 1891 đến 1894. Ngài nhiệt thành chăm lo mục vụ, thích học hỏi Kinh Thánh, nhất là thư của Thánh Phaolô mà ngài thuộc gần hết. Ngài dọn bài giảng viết ra từng quyển lớn, sau nầy cha Phaolô Nguyễn Văn Chuyên (gốc Ngọc Hồ) có cho xuất bản ở Hồng Kông. Ngài qua đời và cũng an táng tại Ngọc Hồ (1894).

– Cha Têphanô Lê Văn Ấn, cũng người Thợ Đúc, ở Ngọc Hồ từ 9-1894 và tạ thế ngày 27-10-1897 tại Phủ Cam. Sau đó xác ngài đem chôn tại Ngọc Hồ.

– Cha Giuse Bùi Văn Tuyển, từ 11-1891 là quản xứ Sơn Quả. Sau đó về làm quản xứ Ngọc Hồ từ thời điểm nào chưa rõ, cho tới năm 1914. Rồi ngài xin hưu trí tại tiểu chủng viện An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị.

– Cha Phanxicô Salêdiô Trần Văn Đông, gốc Bố Liêu, ở Ngọc Hồ từ 1914 đến 1917.

– Cha Giuse Nguyễn Ngọc Quyền, làm quản xứ Ngọc Hồ từ năm 1917 và qua đời tại đây ngày 10-3-1917, được an táng trong nhà thờ.

– Cha Micae Nguyễn Văn Cẩm, người Tân Mỹ, quản xứ từ 1917 đến 1921. Ngài đã xây dựng ngôi nhà thờ trong hai năm (1918-1919), còn tồn tại đến nay, từ bộ giàn trò bằng gỗ lim, với các cột lớn có đường kính gần 30 cm, mua lại của một vị quan và chuyển lên Ngọc Hồ theo đường thủy. Đây là một trong ba nhà thờ Công giáo kiểu nhà rường Huế, vẫn còn tồn tại ở đất Thần Kinh (cùng với nhà thờ An Vân và Đốc Sơ), dù trải qua năm tháng chiến tranh, bom đạn.

Nhà thờ Ngọc Hồ với mặt tiền được xây dựng từ thời cha Nguyễn Văn Cẩm

– Cha Louis Bertin (cố Khánh) làm quản xứ từ 1922 đến 1933, sau đó đổi lên Đá Hàn và ở đó 11 năm. Hai làng này hầu như toàn tòng, gồm những cộng đoàn những người đạo gốc, ít pha trộn với những làng lương quanh vùng.

– Cha Matthêô Nguyễn Văn Thăng, gốc Sáo Bùn (Tam Tòa), cai quản từ 1933 đến 1938.

– Cha Tađêô Đỗ Văn Cử, gốc Bích Khê (Quảng Trị) 1938-1939. Trong thời gian này, có cha Phaolô Nguyễn Văn Chính, gốc Ngọc Hồ, cháu ruột cha Trần Ngọc Vịnh, về nghỉ tại quê nhà từ 1937 đến 1939, sau đó đi làm quản xứ Cầu Hai từ 9-4-1939.

– Cha Georges Lefas (cố Phước) 1939-1940. Đang dạy ở trường Providence (Thiên Hựu), ngài được phái lên Ngọc Hồ để trau dồi tiếng Việt, dưới sự dẫn dắt của cha Louis Bertin (ở giáo xứ Đá Hàn kề cận).

– Cha Phêrô Trần Văn Lượng, gốc Nhất Đông, 1940-1941.

– Cha Louis Bertin (Khánh) đang ở Đá Hàn có về kiêm Ngọc Hồ cho tới cuối năm 1944, rồi về Sư Lỗ. Sau đó Nhật đảo chánh, Việt Minh lên, ngài bị quản thúc rồi đưa ra Vinh.

+ Từ 1945 đến 1948, không rõ cha nào làm quản xứ. Có một điều chắc chắn, vào thời điểm nầy, ở Huế, các vùng quê như Ngọc Hồ là nơi gặp nhiều khó khăn do chiến tranh gây nên. Có thể các gia đình Công giáo đã bỏ quê hương đi nơi khác để làm ăn sinh sống, nên quản xứ vắng mặt.

– Nhưng từ 1948-1949, Ngọc Hồ lại có quản xứ mới là cha Phêrô Ngô Văn Hiến, gốc Kim Long. Ngài bị Tây bắn vì ngộ sát. Xác được an táng tại vườn nhà thờ Ngọc Hồ. (Năm 2007 cha Phêrô Lê Văn Ngọc đã dời xác ngài lên nghĩa trang của giáo xứ)

– Cha Tôma Trần Văn Dụ, gốc An Lộng, 1949-1952.

– Cha Lôrensô Trương Văn Vệ, gốc Ngọc Hồ, 1952-1963.

+ Năm 1963, chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Kể từ ngày đó cho tới năm 1975, tình hình an ninh ở vùng này không được bảo đảm. Đa phần giáo dân đi lánh nạn các nơi khác, nhất là về Phủ Cam. Quản xứ cũng vắng mặt.

3- Tái lập trong hòa bình

– Sau 3-1975 người dân hồi hương, Đức Tổng Giám mục Philiphê Nguyễn Kim Điền lại đặt cha Micae Nguyễn Văn Tường, gốc Hương Lâm, làm quản xứ Ngọc Hồ từ 1975-1980.

– Cha Giuse Nguyễn Văn Chánh, quê Phủ Cam, thay thế cha Tường nghỉ hưu. Cha Chánh làm quản xứ từ 1980-1999. Năm 1989 ngài đã cho tu sửa nhà thờ, xây một dãy nhà 4 phòng để học giáo lý. Từ 1998, giáo xứ tiếp nhận điện lưới quốc gia, cuộc sống có phần văn minh hẳn.

– Cha Batôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ, gốc Mỹ Duyệt (Quảng Bình), quản xứ từ đầu năm 1999 đến 2002, rồi về hưu trí tại Nhà Chung. Sau đó, trong khoảng 6 tháng chờ đợi, cha Gioakim Nguyễn Chí Hữu, gốc Gia Hội, lên làm quản nhiệm.

– Cha Phêrô Lê Văn Ngọc từ 2003-7/2008. Nhờ sự giúp đỡ của góa phụ bác sĩ Nguyễn Quý Thể (Hoa Kỳ), các công trình đài Đức Mẹ Fatima, lầu chuông, nhà hội, bến nước, đã được xây dựng. Sau lễ ngọc khánh linh mục 29-6-2008, cha già Ngọc về hưu.

– Trong thời gian 9 tháng không có quản xứ, các cha Bacnabê Trần Đình Phục, gốc Dương Sơn, Antôn Nguyễn Văn Thăng, gốc Lương Văn, và Giuse Phan Miên, gốc Cự Lại, lần lượt đến làm mục vụ (dâng lễ Chúa nhật).

– Cha Gio-gi-ô Nguyễn Thành Phương, quê Phủ Cam, quản xứ từ 29-04-2009 đến 5-11-2012: đại tu nhà thờ: lợp ngói, mở rộng cung thánh và hai cánh nhà thờ. Tôn tạo đài Đức Mẹ trên núi Ngọc Hồ (phía sau). Dựng bia tưởng niệm tiền nhân.

– Cha Bênêđíctô Ngô Văn Hài từ 7-11-2012 …. dựng 14 chặng đàng Thánh giá ngoài trời, đài thánh Giuse, xây thêm một phần nhà xứ mới, thay đổi hoàn toàn mặt tiền nhà thờ.

Nhà thờ Ngọc Hồ – bên trong hiện nay

III. HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục:

1- Phanxicô Xavie Trương Văn Thường: sinh 1806 – lm 1849 – mất 1892

2- Phaolô Nguyễn văn Chính:  sinh 1878 – lm 1907 – mất 1961

3- Phaolô Nguyễn Văn Chuyên: sinh 1883 – lm 1915 – mất 1965

4- GB Nguyễn Văn Mầu: sinh 1891 – lm 1920 – mất 1949

(Ba cha Chính, Chuyên, Mầu là anh em ruột)

5- GB Nguyễn Văn Huệ: sinh 1910 – lm 1938 – mất 2001

6- Phaolô Trương Công Giáo: sinh 1911 – lm 1941 – mất 2002

7- Phaolô Tống Thanh Trọng: sinh 1941 – lm 1975 – hưu 2016

8- Phêrô Phan Văn Lợi: sinh 1951 – lm 1981

9- Phêrô Trương Văn Thường: sinh 1961 – lm 1999 (Hoa Kỳ)

10- Đôminicô Trương Văn Quy: sinh 1967 – lm 2004

(Hai cha Thường và Quy là anh em ruột).

11- Phêrô Phan Trợ: sinh 1967 – lm 2011 (Hoa Kỳ).

12- Đôminicô Đoàn Thanh Sơn: sinh 1977 – lm 2012 (họ ngoại Ngọc Hồ)

13- Phaolô Võ Hữu Thọ: sinh 1979 – lm 2018 (họ ngoại Ngọc Hồ) Giáo phận Ban Mê Thuột

2- Tu sĩ :

1- Maria Phan Thị Tính (sn: 1913; vk: 1975; đã qua đời)

2- Maria Tống Thị Tin (sn: 1916; vk: 1983; đã qua đời).

3- Uxula Nguyễn Thị Thanh (sn: 1919; vk: 1976; đã qua đời)

4- Anê Trần Thị Hiệp, Dòng MTG (sn: 1933; vk: 1983)

5- Maria Phan Thị Thu Hồng, Dòng MTG (sn: 1970; vk: 2005)

6- Mátta Tống Thị Linh, Dòng CĐMVN (sn: 1913; vk: 1940; qđ: 2004)

7- Nguyễn Thị Hảo, Dòng CĐMVN (sn: 1964; vk: 1997)

8- Nguyễn Thị Thu Huyền, Dòng CĐMVN (sn: 1969; vk: 2005)

9- Trần Thị Ánh Nguyệt, Dòng CĐMVN (sn: 1985; vk: 2019)

10- Maria Hoàng Thị Kim Trâm, Dòng CĐMVN

11- Matta Trần Thị Hồng Linh, Dòng CĐMVN

12- Madalena Trần Thị Kim Oanh, Dòng CĐMĐV (sn: 1968; vk: 2003)

13- Anna Trương Thị Kim Anh, Dòng CĐMĐV (sn: 1971; vk: 2002), em cha Thường và cha Quy.

14- Maria Trần Thị Hoàng Hà, (Nhà Thử) Dòng CĐMĐV

3- Giáo dân

Năm 2010:      455 người.

Năm 2015:      480 người.

Năm 2020:      424 người.

Giáo dân Ngọc Hồ làm nông nghiệp, chủ yếu canh tác hoa màu, trồng cây ăn trái, khai thác nương rẫy, đi rừng đốt củi làm than.

Một số đi vào miền Nam làm ăn đến dịp Tết mới về. Còn buôn bán thì lẻ tẻ, chủ yếu đem hoa màu, rau cải, trái trăng địa phương về thành phố Huế bán cho thị dân. Đổi lại họ mua các món hàng khác mà địa phương không có về bán lại trong làng. Dân chúng có vẻ bận rộn từ sáng tới tối, bằng các nghề trên. Thôn Ngọc Hồ chỉ có một con đường duy nhất, đã được bêtông hoá, chạy dọc theo bờ sông. Ở đây chưa có chợ. Cách nhà thờ 3 km về phía Tây có chợ xép Hương Hồ (họp ban sáng), nằm trên đường dọc theo tả ngạn sông Hương đi về Huế.

***************************

PHỤ LỤC

NHỮNG CHỨNG NHÂN ĐỨC TIN TẠI NGỌC HỒ THỜI PHÂN SÁP

Trích Linh mục Bernard, hội Thừa sai Paris, “Những người tuyên xưng đức tin từ 1848-1862 của Bắc Đàng Trong, IV- Cộng đoàn Ngọc Hồ”, đăng trong Biên niên sử của hội năm 1918, trang 508-517 (nguyên văn tiếng Pháp). 

1. Bà góa Matta Sâm, 72 tuổi, trước tiên bị giam giữ vì đức tin tại huyện đường, trong lúc chờ đợi người ta chỉ định nơi nào bà phải bị lưu đày đến cùng với thân thuộc của bà. Nơi đó là làng Lại Bằng[4]. Bà chết ở đây vì kiệt lực và vì bệnh tật trong tù, 7 ngày sau khi tới, tháng thứ 9 năm 14 triều Tự Đức. Xác bà được chôn cất trong chính làng đó, nhưng không quan tài, vì chẳng ai có phương tiện để sắm nó cho bà, ngoài lòng ao ước thôi.

2. Phêrô Kiểng, cha gia đình, 40 tuổi, bị lưu đày cùng với vợ và các con, do lòng thù ghét đạo, tháng thứ 8, năm 14 triều Tự Đức. Trước tiên ông bị giam giữ tại làng Xước Dũ[5] trong 3 tháng, rồi tại làng La Khê, không mang gông cũng chẳng đeo còng. Về sau ông phải qua một huyện khác và rồi một huyện thứ ba, mà số phận vẫn chưa được quyết định; thời gian không di chuyển thì phải nằm tù. Cuối cùng, ông bị lưu đày dứt khoát tới làng Mỹ Xuyên[6]; cha mẹ ông phải mang ông đến đó, vì tật nguyền của ông không cho phép ông tới nơi bằng cách nào khác. Tại đó người canh gác các tù nhân và các chức sắc của làng thúc giục ông bỏ đạo, bằng cách dọa đánh roi ông và hứa trả tự do cho ông, nếu ông chịu theo lời khuyên dỗ của họ; ông vẫn kiên vững mặc dầu bệnh nặng. Ông được chôn cất không quan tài, tại làng Mỹ Xuyên, gần bên đường cái quan.

3. Giuse Đặng, con của ông Kiểng, sinh ra và chết một tháng sau, trong nhà tù Mỹ Xuyên, nơi cha mẹ em bị cầm giữ. Xác em được chôn cất cùng một chỗ và cùng một cách như Phêrô Kiểng.

4. Philipphê Đoan, 30 tuổi, con của thầy giảng đứng đầu cộng đoàn, trước tiên bị dẫn đi giam giữ tại huyện, rồi được chuyển đến làng Lai Thành[7] một mình; mãi về sau vợ và các con ông, bị lương dân kéo lê, mới tới với ông ở đó (tháng thứ 8, năm 14 triều Tự Đức). Tại đây, ông thường phải mang gông; những cố gắng lặp đi lặp lại của các chức sắc trong làng để làm cho ông chối đạo luôn bị thất bại. Nhà giam từ đó bị chuyển ra ngoài làng đã làm tổn hại sức khỏe của Philipphê Đoan khiến ông ngã bệnh nặng (tháng thứ 3 năm 15 triều Tự Đức). Ông mất ngày 25 cùng tháng; xác ông được chôn cất ở chân núi gần Lai Thành.

5. Anna Thân, con gái ông Đoan, 2 tuổi, chết vì bệnh đậu mùa trong nhà tù, nơi cha em bị giam giữ, ngày mồng 2 tháng thứ 9 năm 14. Em được chôn cất trong bụi bờ làng Lai Thành.

6. Philipphê Chung, góa vợ, 70 tuổi, sinh tại An Vân nhưng ở Ngọc Hồ, đã bị giam giữ tại huyện đường tháng thứ 8 năm thứ 14 triều Tự Đức, trong khi chờ phân sáp. Mười ngày sau, ông lần bước đến làng Tây Thành[8]. Vì tuổi già, ông đã không phải mang gông cũng chẳng bị xiềng xích. Nhiều lần lương dân thúc đẩy ông chối đạo mà chẳng bao giờ thành công. Ông chết vì kiệt lực do đói trong nhà giam, nơi ông đã chẳng bao giờ ra khỏi, tháng 11 cùng năm. Xác ông được chôn cất ở làng Tây Thành.

7. Maria Tài, 8 tuổi, con gái độc nhất của vợ chồng ông Huồn, bị lưu đày cùng với họ ở làng Tây Thành, tháng thứ 8 năm thứ 14 triều Tự Đức, chết vì đói trong tù, tháng thứ 11 cùng năm. Xác em được chôn cất tử tế cùng nơi đó. Người ta nghi ngờ không rõ bé đã biết dùng trí khôn chưa.

8. Maria Thìn, 30 tuổi, trước tiên bị giam giữ 20 ngày tại huyện đường (tháng thứ 8 năm 14), sau đó được chuyển đến làng Buông, rồi làng Lai Thành. Ngoài gông mang lúc này lúc khác rồi về sau mang hẳn, người ta còn thêm xiềng xích trong một vài đêm. Ba lần bị đe dọa và được mời gọi bỏ đạo, bà đã từ chối với một sự kiên quyết cao thượng. Chuyển qua nhà giam mới ở ngoài làng, người ta dùng đến roi đòn để ép buộc bà chối bỏ đức tin, nhưng cũng chẳng kết quả hơn trước. Mười ngày sau đó, bà có vẻ chối đạo vào cú roi thứ 10. Làng liền dẫn bà về huyện đường, để bà thực hiện điều đó đúng luật trước mặt quan. Chẳng may bà đã làm chuyện này. Dầu thế bà vẫn bị dẫn về lại nhà giam. Bà đã chết ở đó 3 ngày sau, trong cơn khóc lóc vì lỗi lầm của mình. Người ta đã vội chôn bà không quan tài, tại chân núi gần đó.

9. Phêrô Tư, 50 tuổi, kết hôn với một bà lương, cũng đã muốn được coi như một người lương, bằng cách đặt trong nhà mình một bàn thờ và nhiều thứ dị đoan như dân ngoại, thậm chí còn hết sức xúc phạm Kitô giáo. Viên quan không vì thế mà tin nên đã đày ông đến làng La Khê, ông ở đấy luôn phải mang gông cùm. Từ nơi đó, một tháng sau bị chuyển về làng Thủ Lễ, ông chối đạo ở đây 2 lần trước lời mời gọi đơn giản của lương dân, mà chẳng vì thế được lại sự tự do đã hứa cho sự hèn nhát của ông. Thấy vậy, bị cắn rứt lương tâm, ông suy nhược chỉ trong vài ngày rồi chết mà không có vẻ mang bệnh gì khác. Ông được chôn cất tại chỗ (năm 14 triều Tự Đức). Xem ra ông đã không tỏ dấu hoán cải rõ ràng.

10. Maria Sáu, em bé 6 tuổi, con gái vợ chồng ông Nhượng, bị đày với cha mẹ đến làng La Ỷ, tháng thứ 9 năm 14, chết trong tù tại đó, ngày 16 tháng thứ 6 năm sau (năm 15 triều Tự Đức). Xác của bé được chôn gần những người quá vãng thuộc gia đình ở Thành Lồi.

Nguồn: https://archives.mepasie.org/fr/annales/confesseurs-de-la-foi-de-1848-a-1862-2-suite

———————————————————————————

[1] Đi theo đường thủy (ghe máy) trên sông Hương, từ cầu Phú Xuân lên đến nhà thờ Ngọc Hồ mất khoảng nửa giờ. Đối diện nhà thờ bên kia sông là bến đò, có thể từ đó đi bộ thăm lăng vua Tự Đức. Từ nhà thờ Ngọc Hồ đi lên khoảng 1km men theo bờ sông, có một danh lam thắng cảnh khác nổi tiếng là điện Hòn Chén.

[2] Thôn Long Hồ nằm về phía tây tây bắc và sát thôn Ngọc Hồ, ngay chỗ sông Hương rẽ ngoặt để chảy về thành phố. Nhiều người họ Phan ở Ngọc Hồ cho biết tổ tiên mình từ Dương Sơn qua và hiện còn có bà con ở làng này.

[3] M. Bernard, Confesseurs de la foi de 1848 à 1862. Cochinchine Septentrionale. Chrétienté de Ngoc Ho. https://www. irfa.paris/fr/annales/confesseurs-de-la-foi-de-1848-a-1862-3-suite

[4] Làng Lại Bằng, xã Hương Vân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, được hình thành cách đây hơn 500 năm, vào thế kỷ XV, thời vua Lê Thánh Tôn (1460-1497).

[5] Làng Xước Dũ, thuộc xã Long Hồ (nay là phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế).

[6] Làng Mỹ Xuyên, thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế.

[7] Làng Lai Thành, thuộc xã Hương Vân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế

[8] Làng Tây Thành, thuộc xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

**********************************

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế