Lược sử Giáo sở Mỹ Chánh

30/11/2019

GIÁO SỞ MỸ CHÁNH

GIÁO XỨ MỸ CHÁNH

GIÁO HỌ BẾN ĐÁ – GIÁO HỌ HÀ LỘC

GIÁO HỌ TÂN TRUNG – GIÁO HỌ TÂN TRƯỜNG

Lược sử

GIÁO XỨ MỸ CHÁNH

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:

Nhà thờ giáo xứ Mỹ Chánh nằm trên địa bàn xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 40km về hướng tây bắc; cách Linh địa La Vang khoảng 17km về hướng đông nam và cách Quốc lộ I 150m.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Từ cuộc di cư của giáo dân Quảng Bình với vị quản xứ (1954)

Giáo xứ Mỹ Chánh được thành lập vào ngày 27-07-1954, lúc có một số giáo dân cư trú tại tỉnh Quảng Bình, thuộc giáo xứ Bình Thôn, Trung Quán – Mỹ Duyệt và Tam Tòa, di cư vào miền Nam sau khi chia đôi đất nước. Linh mục quản xứ Mỹ Duyệt là cha Tađêô Nguyễn Văn Tin (gốc Kim Long, 1889-1920-1963) đã đi theo để phục vụ cả tinh thần lẫn vật chất cho họ. Cha đã dẫn đoàn chiên vào định cư tại đồi đất làng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Số giáo dân nầy cọng với số giáo dân vùng lân cận di cư đến Mỹ Chánh, lên tới 3.000 người, lập thành giáo xứ Mỹ Chánh. Trước đó, vào khoảng năm 1950, nơi đây là trại lính của quân đội Pháp, và năm 1952 ông Thiếu tá Nguyễn Hữu Dư đã cho xây một nhà nguyện nhỏ rồi mời linh mục về dâng thánh lễ cho binh lính thuộc trại.

Cha sở đầu tiên ấy xây dựng 1 nhà thờ nho nhỏ (15m x 6m x 3m) lợp tôn rất thô sơ. Trải qua thời gian, các linh mục quản xứ kế tiếp đã tu sửa tôn tạo thêm. Nhà thờ được xây trên đồi dốc, nước lụt không lên thấu được. Giáo dân bấy giờ ở chung quanh, trên vùng đất rộng 30ha. Đất đai khô cằn, cây cối bụi bờ tứ phía, chẳng có ruộng. Phải khai phá trồng khoai sắn, đậu mè, rau cải. Nhưng vì kinh tế chật vật, đời sống kham khổ nên giáo dân dần dần đem nhau vào miền nam sinh sống từ năm 1965. 90% tín hữu gốc Quảng Bình di cư vào Pleiku, Vũng Tàu, Lâm Đồng và Xuân Lộc.

Thời buổi sơ khai ấy, vùng Mỹ Chánh trường cấp II rất hiếm, nên cha Tin đã dựng một ngôi trường gọi là trung học Tân Dân. Đầu tiên chỉ có lớp 6, lớp 7. Về sau, xây thêm phòng lớp 8 và lớp 9. Cha G.B Lê Văn Nghiêm (khi chưa vào chủng viện) từng là thầy dạy Toán lý ở đây các năm 1967 và 1968.  Học sinh khá đông, đại đa số bên lương. Dạy miễn phí. Cha sở phải trả tiền lương cho cô thầy cả 4 lớp.

Trường học của giáo xứ Mỹ Chánh trước năm 1975

2- Các vị quản xứ kế tiếp (từ 1963)

Sau khi cha Tađêô Tin đổi vào Thừa Lưu, Nước Mặn, cha Tôma Trần Văn Dụ (gốc An Lộng, 1916-1943-2019) đến làm quản xứ thứ hai (1963-1967). Ngày 7-1-1963, cha đã xin chính quyền xã Hải Chánh và chức sắc làng Mỹ Chánh lập giấy thuận nhượng đất làng cho giáo xứ. Giấy này chỉ rõ mốc giới đông, tây, nam, bắc gần 30ha, và còn lưu chiếu tại văn phòng giáo xứ. (Song từ năm 1975 đất giáo xứ chỉ còn 1.000m2). Cha Tôma tăng cường việc đạo đức cho giáo hữu và củng cố việc giáo dục như vị tiền nhiệm. Cha dùng mọi phương tiện để phục vụ đồng bào lương giáo cả  vùng[1]. Cha cũng đã khôn khéo, dẫn dắt giáo xứ trải qua mọi thử thách gian truân, đặc biệt nhân biến cố 1-11-1963 (ngày sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm, gốc Quảng Bình và là vị tổng thống đã hỗ trợ di dân từ miền Bắc).

Cha Giuse Nguyễn Như Tự (gốc Ba Ngoạt, 1933-1959-1997) kế nhiệm cha Tôma Dụ, làm quản xứ thứ ba của Mỹ Chánh từ 19-7-1967. Là một nhà trí thức lớn (đỗ tiến sĩ thần học, chuyên ngành giáo lý tại Rôma năm 1962), ngài đã giữ giáo dân giáo xứ và học sinh trường Tân Dân trong kỷ luật nghiêm chỉnh. Giáo dân có công ăn việc làm, sống thư thái hơn trước.

Từ năm 1972, cha Phêrô Hoàng Kính (gốc Loan Lý, 1913-1941-2007) quản xứ thứ tư, thay thế cha Giuse Tự, tiếp tục mọi công việc đạo đời của các vị tiền nhiệm, coi sóc giáo xứ Mỹ Chánh và 5 giáo họ: Tân Lương[2], Tân Trung, Tân Trường, Hà Lộc và Bến Đá. Mỹ Chánh lên hàng giáo sở. Cha Phêrô sửa chữa, chỉnh đốn lại nhà thờ Mỹ Chánh; xây dựng 2 nhà thờ mới cho giáo họ Tân Lương và Hà Lộc; lập 2 sở nữ tu Mến Thánh Giá cho Mỹ Chánh và Tân Lương để dạy mẫu giáo và giữ trẻ, đại đa số là trẻ con ngoại đạo (90%).

Nhà thờ Mỹ Chánh thời cha quản xứ Hoàng Kính

Sau 1975, nhà nước độc quyền quản lý giáo dục, các phòng học văn hóa trường Tân Dân trở nên nơi dạy giáo lý và hội quán của giáo sở. Số giáo dân giáo sở còn lại khoảng 600 người, song dần dần cũng đi vào nam làm ăn, vì ở địa phương không sống khấm khá được.

Đầu tháng 5-2007, cha Phêrô lâm bệnh nặng, phải từ giã giáo sở. (Ngài qua đời ngày 29-06-2007, đạt kỷ lục linh mục thọ nhất trong giáo phận cho tới bấy giờ).

3- Ước vọng và dự tính xây nhà thờ mới

Ngày 20-08-2007, cha Giorgiô Nguyễn Thành Phương (1966-2003-) được bề trên bổ nhiệm làm quản xứ. Lúc này, giáo họ Tân Lương lại trở thành giáo xứ biệt lập với cha sở Giuse Nguyễn Điền. Dù chỉ ở với giáo dân Mỹ Chánh một thời gian ngắn (20 tháng), ngài cũng đã sửa chữa nhà thờ giáo họ Hà Lộc (mở rộng cung thánh và mặt tiền), xây đài và đặt tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm (cao 2,3m) cho giáo họ Bến Đá, sửa chữa nhà và các phòng học ở nhà xứ Mỹ Chánh. Do nhu cầu mục vụ, ngài đã chuyển đến giáo xứ Ngọc Hồ tháng 4-2009.

Ngày 28-04-2009, cha Phêrô Hoàng Minh Tuân (1977-2008-) kế nhiệm. Thấy ngôi thánh đường cũ đã xuống cấp trầm trọng, mong muốn xây dựng nhà Chúa mới, ngài đã xin được một số kinh phí và ngày 29-06-2012, Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể đã ra đặt viên đá đầu tiên xây mới nhà thờ Mỹ Chánh. Nhưng do nhiều yếu tố khách quan nên công việc chưa thực hiện được.

Bên trong nhà thờ Mỹ Chánh ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường mới 29-06-2012

Ngày 28-07-2015, cha Phaolô Trương Minh Tiên (1976-2007-) được bản quyền giáo phận bổ nhiệm làm quản xứ Mỹ Chánh, kiêm 4 giáo họ: Bến Đá, Hà Lộc, Tân Trung, Tân Trường. Lúc ấy, duy Mỹ Chánh và Hà Lộc còn có nhà thờ. Nhưng nhà thờ Mỹ Chánh chuẩn bị phá bỏ xây mới, còn nhà thờ Hà Lộc xuống cấp thì đã được cha vội vàng cho sơn sửa, làm cửa mới, lót gạch men, dựng tháp chuông, xây đài Đức Mẹ, kinh phí cũng hơn 200 triệu.

Nhà thờ Hà Lộc sau khi được cha Trương Minh Tiên trùng tu

Sau hơn 3 năm lo thủ tục giấy tờ, đền bù nhà cửa đất đai, di dời mồ mả, cầu nguyện và chờ đợi, ngày 26-12-2018, giáo xứ Mỹ Chánh cùng cha sở vui mừng phấn khởi với Thánh lễ khởi công xây dựng ngôi thánh đường mới. Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ, đại diện nhiều giáo xứ, giáo họ cùng quý ân nhân xa gần và tôn giáo bạn đã đến tham dự thánh lễ và chúc mừng.

Dưới đây là mô hình nhà thờ Mỹ Chánh trong tương lai.

Nhưng dù nhỏ bé và nghèo nàn, giáo xứ Mỹ Chánh, ngay từ thời cha quản xứ Phêrô Hoàng Kính, đã có một đội trống cà rùng, gồm 24 em thiếu nhi nam nữ (10-15 tuổi), hằng năm đều tham gia cộng tác vào cuộc rước kiệu tại Thánh địa La Vang và tỏ ra rất nổi bật.

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN  

1- Nam nữ tu sĩ

1- Maria Lê Thị Mary, sinh: 11-9-1981, vĩnh khấn: 19-07-2014, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng

2- Maria Lê Thị Thà, sinh: 10-05-1973, vĩnh khấn: 13-09-2003, Dòng Mến Thánh Giá Huế.

2- Giáo dân:

– Năm 2010:    257 người.

– Năm 2015:    268 người.

– Năm 2019:    268 người.      

————————————————————————–

[1] Từ năm 1969-1975, cha làm trưởng ban truyền giáo giáo phận.

[2] Tân Lương vốn là một giáo xứ nằm về phía tây tây nam Mỹ Chánh (xem bản đồ), được thành lập từ năm 1914 với nhiều đời quản xứ, nhưng rồi có lúc thành giáo họ được các cha xứ Mỹ Chánh kiêm nhiệm, mở đầu là cha Kính.

**********************************

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế