Lược sử Giáo sở Nam Phổ

03/12/2019

GIÁO SỞ NAM PHỔ

GIÁO XỨ NAM PHỔ

GIÁO HỌ AN NHƠN – GIÁO HỌ LA Ỷ

 

Nhà thờ Nam Phổ hiện thời 

GIÁO XỨ NAM PHỔ

Thánh hiệu Bổn mạng: Giuse (lễ 19 tháng Ba)

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÍ

Giáo xứ Nam Phổ, thuộc Giáo hạt Thành Phố[1], trải dài từ Đập Đá xuống đến tận cầu Lưu Khánh của con sông Phổ Lợi. Phía tây được giới hạn bởi sông Hương và sông Phổ Lợi. Phía nam tiếp giáp với đường Hàn Mặc Tử đến chân cầu Vĩ Dạ. Từ đó theo đường Phạm Văn Đồng (bên kia đường Phạm Văn Đồng là thuộc địa giới Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp), xuống đến đường Tùng Thiện Vương, bao trọn các làng Tây Thượng, làng Dương Nỗ Nam cũng như các thôn sát đường Tự Đức.

Nhà thờ Nam Phổ cách tòa Tổng Giám mục chừng 5,5 km về phía bắc, nằm trong thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Từ một phong trào truyền giáo thời Đức Giám mục Louis Caspar (1885).

Vào thời cấm cách của các vua triều Nguyễn, Nam Phổ là nơi các thừa sai ẩn núp để len lỏi hoạt động tông đồ cho kinh thành Huế và các vùng phụ cận, nhưng Tin Mừng chưa được loan báo nơi đây. Mãi đến năm 1885, sau cuộc thảm sát của phong trào Văn Thân, Đức Giám mục Giáo phận Louis Caspar (Lộc), cha Eugène Allys (Lý) lúc đó là quản xứ Phủ Cam, cụ Thượng thơ Ngô Đình Khả và một nhóm giáo dân Phủ Cam mới đứng ra tổ chức một đoàn truyền giáo đem Tin Mừng cho vùng thuộc hai huyện Phú Lộc và Phú Vang hiện giờ. Trong những năm đầu, một số giáo dân đi tiếp xúc với lương dân hai huyện nói trên để giới thiệu đạo. Vì có sự hưởng ứng tại vùng Nam Phổ, nên Đức cha Caspar đã chọn làng Nam Phổ làm trung tâm truyền giáo. Khi đã có một số dự tòng, Đức cha vận động lập vườn, làm nhà thờ và nhà xứ bằng tranh. Năm 1896, lớp giáo lý tân tòng đầu tiên khai mở.

2- Giáo xứ, giáo sở rồi giáo họ với những giai đoạn thăng trầm (từ 1896)

Kể từ năm 1896, giáo xứ Nam Phổ hình thành và trực thuộc giáo sở Phủ Cam (1896-1900). Năm 1897, cha Giuse Nguyễn Văn Linh, phó xứ Phủ Cam, được Đức cha Lộc sai về ở đó trong 3 năm trời. Trong thời gian ấy, ngài rửa tội khá đông người, dù gặp phải nhiều khó khăn đến từ lương dân sở tại[2]. Do số giáo dân vùng Nam Phổ ngày càng đông, vào năm 1900, Đức cha tách Nam Phổ ra khỏi Phủ Cam và thành lập giáo sở[3] Nam Phổ bao gồm giáo xứ Nam Phổ, giáo họ Gia Hội và giáo họ Tân Thủy (Cồn Hến).

Suốt 33 năm đầu kể từ lúc thành lập, Nam Phổ có nhiều linh mục đến trực tiếp coi sóc.

– Cha Giuse Nguyễn Văn Linh           1896-1900.

– Cha Đôminicô Lê Văn Phẩm            1900-1902.

– Cha Marie Lefèvre (cố Lịch)            1902-1905.

– Cha Giuse Trương Văn Long           1905-1911.

– Cha Matthêô Nguyễn Thanh Bạch   1911-1914.

– Cha Anrê Huỳnh Văn Ấm                1914-1918.

– Cha Matthêô Đỗ Khắc Mỹ               1919.

– Cha Inhaxiô Đặng Văn Dõng           1919-1929.

Năm 1929, do giáo dân Gia Hội càng ngày càng đông, số giáo dân ở Nam Phổ lại giảm xuống, cha Inhaxiô Đặng Văn Dõng được Đức cha Allys (Lý) đổi lên ở Gia Hội mà nay trở thành giáo xứ. Kể từ đó đến năm 1956, các cha sở Gia Hội kiêm nhiệm giáo họ Nam Phổ:

– Cha Inhaxiô Đặng Văn Dõng           1929-1932.

– Cha Phêrô Nguyễn Văn Lành:         1932-1936.

– Cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh:              1937.

– Cha GB Trần Hữu Quý:                   1937-1945.

– Cha GB Bửu Đồng:                          1945-1947.

– Cha Anrê Nguyễn Văn Cần:             1947-1956.

Do thuận đường đi lại, từ năm 1956 trở đi, các cha quản xứ Phanxicô (1956-1965) và Đại Phong[4] (1965-1969) trực tiếp kiêm nhiệm giáo họ Nam Phổ thay cho cha quản xứ Gia Hội:

– Cha Ximong Nguyễn Văn Lập:        1956-1958.

– Cha Giuse Ngô Văn Trọng: 1958-1965.

– Cha Antôn Nguyễn Văn Bằng:        1965-1969.

Từ năm 1969, cha Tôma Trần Văn Dụ đến ở và trực tiếp coi sóc giáo xứ Nam Phổ. Ngài kiêm luôn Trưởng ban Truyền giáo của Giáo phận. Biến cố 1975 diễn ra, ngài di cư vào Sài Gòn.

Trong thời gian 5 tháng, Nam Phổ được cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp là quản xứ An Truyền kiêm nhiệm.

Sau đó Đức Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền gởi cha Philipphê Nguyễn Như Danh đến coi sóc Nam Phổ cho tới lúc qua đời vì bệnh năm 1980.

Thêm một lần nữa, cha sở An Truyền là Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp kiêm nhiệm Nam Phổ cho tới khi ngài đến ở tại Nam Phổ ngày 06-01-1996. Trong thời gian quản xứ Nam Phổ, cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp còn coi thêm các giáo họ An Nhơn và La Ỷ.

Trong nhiệm kỳ của ngài, có cha Phêrô Trần Văn Quý (nguyên thư ký Tòa Tổng Giám mục Huế từ 10-3-1980, giúp Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền), bị nhà nước quản chế tại Nam Phổ từ ngày 6-11-1986. Trước đó, ngài bị công an kêu đi làm việc và giữ lại từ 2-11-1986. Ngài được trả tự do về Nhà Chung ngày 6-11-1989[5].

Khi cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp rời Nam Phổ để nghỉ hưu cuối năm 2002, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Vân Nam từ Tân Thủy đến ở Nam Phổ và trực tiếp coi sóc giáo xứ trước khi ngài về hưu năm 2010 tại Nhà Chung.

Kể từ ngày 23 tháng 8 năm 2010 đến tháng 9 năm 2018, cha Gioan Nguyễn Đức Tuân, quản xứ Tân Thủy kiêm nhiệm Nam Phổ, An Nhơn, La Ỷ.

Tháng 9-2018, sau thời gian nghỉ bệnh khá dài, linh mục Giuse Trần Viết Viên được Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh bổ nhiệm làm quản xứ Nam Phổ kiêm hai giáo họ An Nhơn và La Ỷ.

3- Các cơ sở

Ngôi nhà thờ đầu tiên và nhà xứ được Đức cha Caspar (Lộc) vận động xây dựng. Nhà thờ lúc đó được lợp bằng tranh, sau đó được làm bằng gỗ lợp ngói vào năm 1899, bất chấp những khó khăn cản trở do lương dân tại Nam Phổ (x. Báo cáo thường niên năm 1899 của Đức cha). Vào năm 1904, trận bão lớn làm sập nó lẫn nhà xứ. Được sự trợ giúp của hội Từ thiện Công giáo Pháp, cha Marie Lefèvre (Lịch) cho dựng nhà thờ mới và lợp ngói đỏ. Công việc này được hoàn thành vào thời cha Giuse Trương Văn Long. Nhà thờ ngói bị sập đổ trong trận bão số 8 năm 1985. Cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp cho xây dựng lại như đang có hiện thời.

Trong thời gian kiêm nhiệm từ 1956 đến1965, nhờ sự giúp đỡ của Đức cha Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục, cha Giuse Ngô Văn Trọng đã cho xây một trường học gồm 3 phòng và một cơ sở cho các nữ tu trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ. Hai cơ sở này hiện nay vẫn còn, riêng cơ sở cho các nữ tu không có người ở và bị xuống cấp trầm trọng[6]. Căn nhà xứ như có hiện nay được cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Vân Nam xây dựng khoảng năm 2003-2004.

Kể từ sau 1975, nhiều gia đình đến ở xung quanh khuôn viên nhà thờ giáo xứ. Sợ rằng mảnh đất của khuôn viên nhà thờ vốn đã bị thu hẹp, lại càng sẽ thu hẹp hơn nữa, cha Philipphê Nguyễn Thanh Tiếp đã cho xây bức thành ba mặt bao quanh vào tháng 6 năm 1992. Mặc dầu vậy, câu chuyện đất đai chẳng dễ dàng giải quyết một sớm một chiều, nếu không muốn nói là càng ngày càng phức tạp thêm, và vì thế vẫn còn làm trăn trở vị chủ chăn hiện tại của Giáo xứ.

Bên trong nhà thờ Nam Phổ

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN (toàn giáo sở)

Giáo dân:

– Năm 2019: 160 người

Giáo xứ Nam Phổ có số lượng giáo dân còn rất khiêm tốn, bởi vậy, các sinh hoạt của Giáo xứ quy tụ không chỉ giáo dân tại đây, mà còn cả An Nhơn, La Ỷ. Ngoài Thánh lễ hàng tuần vào Chúa nhật, việc giảng dạy giáo lý khi có nhu cầu mục vụ được cha sở và hai chị dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng phụ trách.

Giáo xứ Nam Phổ đón nhận Tin Mừng như thế đã hơn 123 năm (1896-2019). Nhà thờ giáo xứ tọa lạc ở một vị trí khá đông dân cư và là cửa ngõ qua đó từ thành phố đi về các vùng Phú Dương, Phú Thanh, Cửa Thuận. Mặc dù vậy, các biến cố thời cuộc của lịch sử đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đức tin của giáo dân, thậm chí triệt tiêu cả hoa quả đức tin là ơn gọi linh mục và tu sĩ. Tinh thần truyền giáo và tái truyền giáo vốn cần thiết cho mọi nơi, lại rất cần thiết hơn bao giờ hết cho vùng đất và người dân Nam Phổ này.

******************************

GIÁO HỌ AN NHƠN

Thánh hiệu Bổn mạng: Gioan Baotixita (lễ 24 tháng Sáu)

Nhà thờ An Nhơn hiện nay

I- Vị trí địa lý

Giáo họ An Nhơn nằm trên địa bàn thôn Tây Trì Nhơn, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhà thờ giáo họ cách nhà thờ Nam Phổ 900 m về phía bắc tây bắc.

II- Lịch sử hình thành

Theo lời kể của ông Giacôbê Nguyễn Văn Châu, nếu còn sống thì năm nay (2019) đã 95 tuổi, là người lớn tuổi duy nhất còn lại của An Nhơn vẫn giữ đạo, giáo họ An Nhơn được hình thành bắt đầu với câu chuyện của ông Huỳnh Hữu Ngô. Ông Ngô là tộc trưởng họ Huỳnh, họ quan trọng nhất trong 5 họ tại An Nhơn. Nhờ phong trào “Tông đồ Giáo dân” từ Phủ Cam từ năm 1885, ông Ngô là người đầu tiên trong làng trở lại đạo. Việc ông vào đạo không chỉ kéo theo họ Huỳnh trở lại, mà còn cả 4 họ tộc kia nữa của An Nhơn. Sau khi trở lại, cả 5 họ tộc của làng đồng lòng cúng ngôi đình làng với khuôn viên cho Giáo hội làm nhà thờ, và lấy thánh Gioan Baotixita, quan thầy của ông Huỳnh Hữu Ngô, làm Bổn mạng giáo họ.

Về chuyện trở lại này, Báo cáo Thường niên năm 1895 của Đức Cha Caspar có trích dẫn bản tường trình của cha Allys như sau (nguyên văn tiếng Pháp, tạm dịch): “…Tại An Nhơn, xem ra ma quỷ đã muốn làm hết sức để ngăn cản lương dân trở lại Kitô giáo. Hai lần liên tiếp, năm trưởng tộc xin làm dự tòng, đã bị trói chặt, đeo gông và dẫn đi khắp làng lên đến phủ. Ở đó, sau một màn hỏi cung giả vờ, các quan đã tống ngục họ. Vì những khiếu nại của con, viên Công sứ Pháp đã yêu cầu thả họ; nhưng viên tri phủ, giận dữ vì thấy mình thất bại, đã trả thù bằng cách đánh đập dữ tợn người đầu tiên xin tòng giáo. Đối với tân tòng ưu tú của chúng con và các bạn ông, hành vi man rợ này đã là một lý do thêm nữa để nhiệt thành chuẩn bị chịu phép rửa, và việc bách hại mà họ là nạn nhân đã kéo theo nhiều cuộc trở lại. Làng An Nhơn cho tới lúc đó hoàn toàn ngoại đạo, thì nay 2/3 là kitô hữu”

Tiếc thay, một thời gian sau khi trở lại, ông Ngô lấy thêm một vợ khác. Vì luật đạo cấm đa thê, nên ông Ngô cũng như các họ tộc vốn đã theo ông trở lại trước đây, nay bỏ đi nhà thờ, chỉ còn vài gia đình vẫn giữ đức tin.

Cuộc sống của những gia đình còn lại không mấy thuận lợi. Họ bị hiềm khích và kiện cáo từ phía những kẻ đã bỏ đạo. Về sau, vào thời cha Matthêô Nguyễn Thanh Bạch (1911-1914), những gia đình này cũng lơ là hẳn. Sự kiện các họ tộc An Nhơn trở lại và sau đó xa rời đức tin đều diễn ra vào thời Đức cha Allys (Lý)[7].

Nếu câu chuyện được ông Giacôbê Nguyễn Văn Châu kể lại là đúng, thì việc này có thể lý giải con số giáo dân vùng Nam Phổ đột ngột giảm xuống đến mức về sau cha Inhaxiô Đặng Văn Dõng từ Nam Phổ được đổi lên làm quản xứ Gia Hội.

III- Hiện trạng Giáo họ: Nhà thờ và giáo dân

Nhà thờ An Nhơn được kiến thiết theo kiểu nhà xưa : toàn bộ rường cột đều bằng gỗ. Vào khoảng năm 2003-2004, hai hàng cột chính giữa bị cưa ngắn và các cột còn lại được nối bằng thanh sắt kiên cố sơn màu gỗ.

Khuôn viên nhà thờ Giáo họ vuông vức. Hiện có một gia đình đang ở trong đó để trông nom. Giá như mảnh đất bên phải nhà thờ không bị chính quyền địa phương lấn chiếm để xây nhà thể dục thể thao, thì ngôi thánh đường An Nhơn hẳn sẽ nổi bật lên chính giữa và thoáng rộng hơn rất nhiều.

Giáo họ An Nhơn hiện tại chỉ còn 3 gia đình có đạo, tổng cộng tất cả là 13 người. Mọi sinh hoạt thuộc đời sống đức tin đều tập trung về Nhà thờ Nam Phổ.

*****************************

GIÁO HỌ LA Ỷ

Thánh hiệu Bổn mạng: Đức Mẹ Vô Nhiễm (lễ 08 tháng Mười Hai)

Nhà thờ La Ỷ

 I- Vị trí địa lý

Giáo họ La Ỷ nằm trên địa bàn thôn Tây Trì Nhơn, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà thờ giáo họ tọa lạc gần bờ sông Hương, mặt tiền trông ra sông. Từ đây có thể thấy rõ tháp nhà thờ giáo xứ Phú Hậu và dòng CĐMĐV bên kia sông. Từ mé cầu Chợ Dinh phía nam sông Hương men theo bờ sông lên hướng bắc chừng 400 m là đến nhà thờ La Ỷ.

II- Lịch sử hình thành

Không ai biết được giáo họ La Ỷ ra đời trong hoàn cảnh cụ thể nào. Dựa vào bản trích lục của sở địa chính tỉnh Thừa Thiên số 2, hiện vẫn còn được lưu giữ nơi cha quản xứ, xác nhận khuôn viên đất nhà thờ La Ỷ vào năm 1935, ta có thể suy đoán giáo họ này không thể được thành lập muộn hơn năm 1935.

Về việc xây dựng nhà thờ La Ỷ, cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp ghi lại như sau: “Ông Lê Phù trưởng họ La Ỷ là một Kitô hữu nhiệt thành, năng động, có tài làm ảo thuật, được cha GB. Trần Hữu Quý, quản xứ Gia Hội giới thiệu vào nam tổ chức ảo thuật, quyên được một số tiền về xây nhà thờ La Ỷ vào năm 1940. Nhà thờ nầy qua trận bão năm 1985, bị sụp đổ còn lại 2 tấm vách trước sau, nên đã được  đại trùng tu”[8]. Công việc xây dựng lại nhà thờ La Ỷ hoàn thành năm 2002.

Theo trích lục ngày 15-5-1935, khuôn viên nhà thờ La Ỷ có hơn 2,3 héc-ta. Đến năm 2001, diện tích còn lại 1500 m2. Hiện tại, trong khuôn viên có 8 gia đình dựng nhà ở chung quanh nhà thờ.

Đại đa số giáo dân thuộc giáo họ La Ỷ qua các thời kỳ kể từ khi thành lập, đặc biệt sau 1975, đều đã di chuyển nơi khác hoặc vào Nam. Số giáo dân hiện tại khoảng 50 người gồm 9 gia đình. Nay mọi sinh hoạt và thực hành đức tin của họ đều tập trung tại Giáo xứ Nam Phổ.

——————————————————————-

[1] Theo cuốn Lược sử các Giáo xứ, tập I, xuất bản năm 2001 của Tổng Giáo phận Huế, Giáo sở Nam Phổ được xếp vào hạt Hương Phú (x. tr. 351-357). Trong lần tái bản năm 2014, Nam Phổ được đưa vào hạt Thành Phố (Tổng Giáo phận Huế, Lược sử các Giáo xứ. Giáo hạt Thành Phố, 2014, tr. 239-245).

[2] Xem Báo cáo thường niên năm 1899 của ĐGM Caspar gởi hội Thừa sai Paris.

[3] Lúc đó gọi là Địa sở.

[4] Giáo xứ Đại Phong, bây giờ là Phú Hậu.

[5] Cùng thời gian với cha Phêrô Trần Văn Quý, cha Augustinô Hồ Văn Quý, quản sở Bố Liêu cũng bị quản chế tại chỗ.

[6] Hiện tại, căn nhà mục vụ cho các nữ tu nằm ngoài tường bao quanh khuôn viên Nhà thờ Giáo xứ.

[7] Câu chuyện về sự hình thành giáo họ An Nhơn dựa vào lời kể của ông Giacôbê Nguyễn Văn Châu (sinh ngày 24-06-1924), được ghi chép ngày 29-04-2015 tại cư gia của ông (12/1 tổ 8, Tây Trì Nhơn), trước sự chứng kiến của cha sở Gioan Nguyễn Đức Tuân, cha Giacôbê Nguyễn Xuân Lành (người ghi) và bà vợ ông tên Anna Bạch Thị Hương (sinh năm 1928).

Để giải thích lý do mình là người lớn tuổi duy nhất ở An Nhơn còn giữ đức tin, ông Giacôbê Nguyễn Văn Châu tự hào kể: Ông Huỳnh Hữu Ngô có độc một đứa con là con gái. Ông gả con cho lý trưởng làng Phủ Cam tên Viên. Sau khi thấy nhiều người An Nhơn bỏ đạo, theo đề nghị của con gái mình, bà vợ ông Huỳnh Hữu Ngô cùng đứa con nuôi của họ tên Luxia Huỳnh Thị Tam dọn lên ở với con gái ruột và rể tại Phủ Cam. Chính con gái nuôi này về sau sinh ra Anna Bạch Thị Hương và gả cho ông Giacôbê Nguyễn Văn Châu, con của ông Nguyễn Văn Nuôi đang ở An Nhơn, ông Nuôi là con đỡ đầu của ông Gioan Baotixita Huỳnh Hữu Ngô.

[8] Tổng Giáo phận Huế, Lược sử các Giáo xứ, Tập I : hạt Thành Phố, hạt Hương Phú, hạt Hải Vân, 2001, tr. 356 ; hoặc Lược sử các Giáo xứ. Giáo hạt Thành Phố, 2014, tr. 244.

**********************************

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế