Lược sử Giáo sở Tân Mỹ

19/02/2020

GIÁO SỞ TÂN MỸ

GIÁO XỨ TÂN MỸ – GIÁO HỌ THUẬN AN 

Nhà thờ Giáo xứ Tân Mỹ, xây từ thời cha Phaolô Phạm Ngọc Chiếu

GIÁO XỨ TÂN MỸ

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Tân Mỹ, thuộc Giáo hạt Hương Phú, là một làng Công giáo toàn tòng ở thôn Tân Mỹ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa Tổng Giám mục chừng 14 km về hướng bắc đông bắc.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH & QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1. Xóm đạo “Cồn Cỏ” thời khai sinh (1885)

Lịch sử Giáo phận Huế cho biết: vào các năm 1883-1886, do chủ trương “Bình Tây Sát Tả” (dẹp Pháp thực dân, giết quân Tả đạo) của nhóm Văn Thân, nhiều xứ đạo vùng nam và tây Thừa Thiên, bắc Quảng Trị và nam Quảng Bình lâm cơn bách hại nặng nề. Chính trong bối cảnh đó, tháng 9 năm 1885, giáo sở Thanh Hương, huyện Phong Điền (gồm các giáo xứ Nhất Đông, Nhất Tây và Hương Lâm) vốn quy tụ những cư dân nghèo, sống bằng chăn nuôi và làm ruộng, đã phải dắt díu nhau dưới sự hướng dẫn của linh mục quản sở Jean Bonnand (cố Bổn, 1854-1880-1919), dùng ghe đò men theo sông Ô Lâu rồi phá Tam Giang chạy vào cửa Thuận An, nơi có một đồn lính Pháp, để lánh nạn hầu bảo tồn đức tin và dòng dõi. Vài tháng sau, cha sở và phần lớn giáo dân trở lại Thanh Hương.

Nhưng trong cuộc lưu di ấy, một số gia đình thuộc 4 tộc họ Trần, Hồ, Nguyễn, Đoàn là Trần Văn Linh, Hồ Văn Thanh, Nguyễn Văn Mẫn, Đoàn Văn Nở, làm nghề nuôi vịt và ở đò, đã cùng dừng chân tại cồn hoang đầy cỏ dại bờ nam phá Thuận An, làm chốn mưu sinh, vì thấy ở đấy mọc loại cỏ vịt có thể ăn cầm hơi đợi mùa lúa gặt. Từ đó, hình thành một xóm đạo nhỏ toàn tòng, được cư dân bản địa gọi là “Xóm đạo Cồn Cỏ”.

Thực ra, Cồn Cỏ xưa kia là Cồn Lũy, một đồn canh của triều Nguyễn để trấn giữ cửa Thuận An. Về sau, do không còn tác dụng (bị quân Pháp của đô đốc Amédée Courbet nã pháo tháng 8-1883), đồn bị bỏ phế thành cồn hoang cỏ dại.

Khi xóm đạo Cồn Cỏ được hình thành, các tín hữu ở đây được các thừa sai MEP đang làm tuyên úy cho đồn binh và quân y viện Pháp ở cửa Thuận An giúp đỡ về mặt thiêng liêng. Linh mục Jean Renauld (cố Đồng, tuyên úy từ 1888-1892) cải danh là “Họ đạo Tân Hưng”, vì “Cồn Cỏ” gợi nhớ tên lũy đồn xưa và có âm hưởng khinh thị. Đến thời linh mục Jean Laffitte (cố Phi, tuyên úy từ 1892-1896) thì lấy lại tên Cồn Cỏ và sau đó, linh mục Séraphin Godet (cố Ngọc, tuyên úy từ 1896-1902) đặt tên là “Họ đạo Tân Mỹ”. Danh hiệu “Tân Mỹ” có từ đó, nhưng trong dân gian, tên Cồn Cỏ vẫn tồn tại song song mãi đến thập niên 1950-1960.

Cha Godet có xây cho họ đạo một ngôi nhà thờ chắc chắn, còn đứng vững trong trận bão lớn ngày 15-10-1897 vốn làm sập cả nhà nguyện của quân y viện.

2. Tân Mỹ, giáo xứ rồi giáo họ của Lại Ân (1902-1923)

Năm 1902, bề trên Giáo phận nhận thấy họ đạo Cồn Cỏ-Tân Mỹ lớn mạnh đủ để trở thành một giáo xứ nên đã đặt linh mục Giuse Trương Văn Long (gốc Sơn Quả, 1865-1897-1947) làm quản xứ tiên khởi (1902-1904).

Thời cha Giuse Trương Văn Long làm quản xứ, cơn bão khủng khiếp (Giáp Thìn 9-1904) kèm theo sóng thần tràn qua vùng này, tàn phá dữ dội và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đa số cư dân nghèo, sống bằng nghề nông sông nước và chăn thả vịt bầy, chịu thiệt hại rất lớn về nhân mạng và tài sản. Giáo xứ Tân Mỹ mất tới 40 người. Gia đình cha Phaolô Trần Văn Sanh (1879-1908-1963) chết hết, chỉ còn mình ngài sống sót vì đang ở đại chủng viện. Nhiều người sau đó đã bỏ xứ để đi lập nghiệp nơi khác. Giáo xứ Tân Mỹ ngày càng thưa dần. Sau trận bão, cha Long khiếp sợ, bỏ Tân Mỹ lên Huế rồi xin Đức cha đổi đi nơi khác. Bề trên đặt ngài làm quản xứ Nam Phổ kiêm An Truyền.

Tân Mỹ từ đó trở thành giáo họ của giáo sở Lại Ân, do các cha quản sở Lại Ân coi sóc, như cha Batôlômêô Nguyễn Phùng Nhơn (1904-1909), cha René Morineau (cố Trung) (1910-1922). Chính cố Trung đã kêu gọi dân chúng “lên bờ”, đắp đê bao quanh làng chống lũ lụt và ngăn nước mặn để biến đất trũng cồn hoang chua phèn thành ruộng lúa. Ngài cũng can thiệp xin làng Thuận Hoà (phía tây Tân Mỹ) nhường cho Tân Mỹ hơn 100 mẫu thổ canh và thổ cư để dân phát triển. Nhiều người bỏ xứ ra đi sau trận bão Giáp Thìn, nay cũng dần trở về. Họ đạo trở nên đông hơn.

3. Giáo xứ biệt lập, xây dựng và phát triển (từ 1923 đến nay)

Năm 1923, khi Tân Mỹ đã ổn định và lớn mạnh, bản quyền Giáo phận sai linh mục Alexandre Allo (cố Thanh, 1871-1896-1924) về làm quản xứ chính thức (1923-1924). Từ đó, Tân Mỹ lại được nâng lên hàng giáo xứ, chẳng còn trực thuộc Lại Ân, để bước vào giai đoạn mới xây dựng và phát triển. Các vị quản xứ kế nhiệm nhau đều tận tâm chăm sóc, dày công giáo huấn, củng cố xây dựng và vun trồng đức tin, làm cho họ đạo Cồn Cỏ-Tân Mỹ ngày càng thêm khởi sắc.

Tiếp bước cố Thanh là cha Phaolô Võ Văn Thới (gốc Dương Lệ, 1878-1904-1932, quản xứ từ 1925 đến 1928). Chính ngài đã lấy giống cây phi lao từ vùng Hà Úc–Hà Thanh lên, rồi đốc thúc dân chúng trồng tại cồn cát trước mặt làng để ngăn nước chặn gió và làm nơi neo đậu ghe thuyền vào mùa mưa lụt. Hiện nay, bãi dương vẫn còn giá trị chắn sóng thuở ban đầu và như một dấu tích khiến thôn dân không quên công ơn vị mục tử có đầu óc xã hội.

Tiếp đó là cha Barnabê Phạm Đình Ngãi (gốc An Bằng, 1873-1906-1958), cai quản Tân Mỹ từ 1928 đến 1932. Ngài dựng tháp chuông cho ngôi nhà thờ đã xây từ thời cố Ngọc.

Kế nhiệm là cha Giuse Trương Văn Long, đến làm quản xứ lần 2 từ 1932 tới 1937.

Cha Phaolô Phạm Ngọc Chiếu (gốc Phủ Cam, 1876-1906-1958, quản xứ từ 1937-1941) đã cho xây ngôi thánh đường mới, mang nét cổ điển còn tồn tại đến nay, với bộ giàn trò của nhà thờ Tam Toà (Quảng Bình) cũ. Trước tiền đường, trên cao, có đặt tượng Đức Mẹ Ban Ơn với hai chữ Stella Maris (Sao Biển, Hải Tinh), cùng câu đối do linh mục Giuse Nguyễn Văn Thích đề tặng: “Hải bất dương ba phi khổ hải / Tinh năng sinh nhật tối minh tinh” (Biển không tài dậy con sóng phải đâu biển khổ / Sao có thể sinh mặt trời là thực tinh sao).

Cha Chiếu còn mở trường tiểu học Mai Khôi, lập sở các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (1940) để giúp mục vụ, làm y tá, phụ trách việc dạy dỗ trẻ em. Và đó là nơi đã đào tạo nhiều thế hệ thành đạt chữ nghĩa về sau cho dân làng. Nay trường được xây dựng lại đồ sộ hơn, nhưng chỉ được dạy mẫu giáo.

Để có ngân quỹ lo cho các chị, đồng thời giúp các gia đình trong giáo xứ có công ăn việc làm thường xuyên, cha Chiếu cho canh tác ruộng đất ở làng họ Tân Mỹ. Sở ruộng “Bàu Cột” là công trình khai hoang của ngài, đem lại nhiều lợi ích cho các gia đình.

Cha cũng ấn định lấy lễ Đức Mẹ Camêlô (16/7) hằng năm làm ngày bổn mạng giáo xứ, có rước kiệu Đức Mẹ quanh làng và hôm sau (17/7) là ngày “Chạp mả-Giỗ kị” để tưởng nhớ các bậc tiền nhân. Điều này đã trở thành định lệ truyền thống hằng năm của dân làng.

Cha Matthêô Nguyễn Thanh Bạch (gốc Nhu Lâm, 1897-1906-1943) quản xứ Tân Mỹ từ tháng giêng đến tháng 4 năm 1942, tạm thế cho cha Gioan Võ Văn Hoàng đã được bổ nhiệm nhưng bị đau phải xin đi chữa bệnh.

 

Bên trong nhà thờ Tân Mỹ hiện nay

Cha Gioan Võ Văn Hoằng (gốc Kẻ Bàng, 1883-1912-1962) lành bệnh thì về nhận nhiệm sở Tân Mỹ tháng 4-1942. Ngài tiếp tục hoàn tất nhà thờ do cha Chiếu để lại dang dở: sắm bộ bàn quỳ-ghế ngồi của giáo dân, cho sơn quét cột và tường trong ngoài, nhưng việc nầy gây bất bình nơi một số chức việc. Theo các ông, cột nhà thờ bằng gỗ lim, kiền kiền, sơn đi mất giá trị, để vậy trông đẹp mắt hơn. Cha Hoằng không chịu cứ cho tiến hành sơn cột. Hai bên hục hặc với nhau. Ngài xin đổi đi giáo xứ khác. Đức cha đặt ngài coi họ Bác Vọng (1943).

Cha Đôminicô Lê Hữu Luyến (gốc Di Loan, 1894-1926-1969). Ngài coi sóc Tân Mỹ cũng ngắn hạn: 1943-1945.

Cha Giuse Trần Phan (gốc Tân Mỹ, 1883-1912-1948). Cha ngài là ông Trần Văn Linh, một trong những tộc trưởng (Tứ tộc) đầu tiên của làng họ Tân Mỹ. Tuy hưu trí tại quê nhà từ 1944-1947, nhưng trong thời gian nầy, ngài có làm cha sở từ 1945-1946 và tiến hành công tác xây cất la thành nghĩa trang Tân Mỹ, quen gọi là Mả Thánh. Chương trình nầy do cha Phạm Ngọc Chiếu trước đây đã dự định.

Cha Anrê Lê Văn Kiệm (gốc An Vân, 1884-1914-1963), quản xứ từ 1946 đến 1953. Thời giặc giã này, ngài giúp đỡ cho họ làng Tân Mỹ nhiều. Trong lúc ấy ngài cũng kiêm luôn giáo xứ Mũi Động, tức Thai Dương Thượng (cách Tân Mỹ 3km về phía tây bắc, sát cửa Thuận An), quê hương cha Giuse Trần Văn Tuyên sau này.

Cha Giuse Ngô Văn Trọng (gốc Kim Long, 1916-1946-2009), làm quản xứ từ 1953 đến 1956, kiêm luôn Thai Dương Thượng

Cha Phaolô Tống Văn Đơn (gốc Nhất Đông, 1918-1951-1988) từ 1956 đến 1962. Tháng 6-1957 ngài đã cùng các vị hữu trách giáo xứ xây hang đá Đức Mẹ Lộ Đức tại bãi dương trước làng. Sự hiện diện của Mẹ nơi “đầu sóng ngọn gió” nhắc nhở mọi người nhớ Mẹ hằng bảo bọc chở che đoàn con trước bao thăng trầm của cuộc đời. Nay hang đá bãi dương đã thành di tích cổ đầy ắp những kỷ niệm cho mọi tín hữu Tân Mỹ gần xa. Cha Đơn cũng xây la thành quanh sân nhà thờ phía trước.

Cha Phaolô Trần Văn Khánh (gốc Dương Sơn, 1903-1932-1999) từ 1962 đến 1965.

Cha Phaolô Ngô Văn Triệu (gốc Kim Long, 1909-1939-1991, anh ruột cha Trọng) từ 1965 đến 1972.

Cha Phaolô Lê Văn Đẩu (gốc An Vân, 1912-1941-1996) từ 1972 đến 1975.

Cha Phaolô Mai Xuân Hiến (gốc Tam Tòa, 1912-1940-1985) từ 1975 đến 1985. Ngài cũng bắt đầu kiêm giáo họ Thuận An (mà từ nay thuộc về Tân Mỹ, xin xem dưới).

Cha G.B. Phạm Ngọc Hiệp (gốc Phủ Cam, 1949-1975-hưu trí) từ 1987 đến 1999, kiêm giáo họ Thuận An. Kể từ 1989, cha cũng giúp mục vụ cho giáo sở Cự Lại (thay cha quản sở PX Nguyễn Văn Huy vắng mặt vì lý do sức khỏe), rồi còn xin được ân nhân tài trợ để xây nhà cha sở và nhà giáo lý cho Cự Lại và Kế Sung. Các cơ sở này đã được hoàn thành tốt đẹp thời cha Phêrô Lê Văn Ngọc kiêm nhiệm.

Cha Phêrô Lê Văn Ngọc (gốc An Vân, 1920-1948-hưu trí), từ 1999 đến 2003. Trong thời gian này, ngài cũng kiêm giáo họ Thuận An và giáo sở Cự Lại.

Cha Bênađô Trần Lương (gốc Kẻ Văn, 1955-1994-2013) từ 2003-2008. Kiêm giáo họ Thuận An. Tại Tân Mỹ, ngài trùng tu hội quán năm 2004, nới rộng nhà thờ năm 2006, trùng tu nhà xứ, hang đá Đức Mẹ bãi dương năm 2007.

Cha P.X. Nguyễn Hoàng Hải (gốc Lệ Thủy, Quảng Bình, 1947-1974-) từ tháng 9-2008 đến tháng 7-2015. Ngài tổ chức lễ kỷ niệm 125 năm thành lập giáo xứ ngày 16-07-2010.

Cha Phaolô Nguyễn Trọng (gốc Diên Sanh, 1950-1976-) từ tháng 7-2015…. Ngài mở rộng cầu đi vào giáo xứ năm 2015, nâng cấp bến nước nhà thờ và kè bãi dương hang đá Đức Mẹ năm 2015. Tháng 5-2019 nâng cấp và lót nền sân nhà thờ, xây thành khuôn viên nhà thờ, sơn sửa, đại tu nhà thờ.

Năm 2019, chấm dứt hai cơ sở bác ái tại giáo xứ, đó là Nhà Hoàng Hôn nuôi các cụ già neo đơn và Nhà Bình Minh nuôi các em mồ côi. Hai nhà này được thành lập cách đây nhiều năm do một cựu giáo dân Tân Mỹ là ông Trần Tiến Đức, một người chuyên hoạt động xã hội sống ở Sài Gòn. Cả hai nhà này từng do các thành viên nữ Tu hội Thánh Tâm Chúa Giêsu phụ trách.

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN :

1- Linh mục:

  1. Cha Micae Nguyễn Văn Cẩm (1876-1904-1959)[1]
  2. Cha Giuse Trần Phan (1883-1912-1948)
  3. Cha Phaolô Trần Văn Sanh (1897-1908-1963)
  4. Cha Giuse Trần Thế Hưng (1912-1940-1981)
  5. Cha Giuse Nguyễn Văn Hội (1936-1967-2006)
  6. Cha Giuse Trần Văn Phước (1944-1973-2007)
  7. Cha Phaolô Trần Khôi (1953-1996-)
  8. Cha Giuse Hồ Thứ (1959-2000-). Giám đốc Đại chủng viện Huế
  9. Cha Đôminicô Đoàn Thanh Sơn (1977-2012-) Xuân Lộc
  10. Cha Phêrô Hoàng Linh Sơn (1972-2003-) Hoa Kỳ
  11. Cha Inhaxiô Trần Thu (1958-1986-) Canada.
  12. Cha Giuse Hồ Khanh (1960-1990-) Hoa Kỳ.

2- Nam nữ tu sĩ:

1- Phaolô Trần Văn Hiền, Dòng Thánh Tâm, sn: 1917, qđ: 2007.

2- Maria Têrêxa Trần Thị Thanh, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, sn: 1906; vk: 1944; qđ: 1991.

3- Côlombanô Trần Thị Kiệm, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, sn: 1917; vk: 1947; qđ: 1992.

4- Matta Hồ Thị Mến, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, sn: 1937; vk: 1966; qđ: 2007.

5- Matta Trần  Thị  Như Ý, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, sn: 1929; vk: 1956.

6- Matta Trần Thị Khoa, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, sn: 1943; vk: 1969; qđ: 2020. Nguyên Tổng phụ trách.

7- Anna Hồ Thị Tuyền, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, sn: 1949; vk: 1975.

8- Maria Nguyễn Thị Bích, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, sn: 1946; vk: 1976.

9- Matta Hồ Thị Thu Hương, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, sn: 1953; vk: 1985.

10-Madalena Đoàn Thị Dương Sơn, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, sn: 1976; vk: 2008.

11-Matta Đoàn Thị Hồng Ân, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, sn: 1996; Đệ tử

12- Anê Nguyễn Thị Hương, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, sn: 1998; Đệ tử

13- Matta Đoàn Thị Hậu, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, sn: 1926; vk: 1953; qđ: 201.1

14- Phanxica Trần Thị Vang, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, sn: 1925; vk: 1952; qđ: 2009.

15- Anna Đoàn Thị Viên, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, sn: 1926; vk: 1953; qđ: 1983.

16- Anê Trần Thị Thuần, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, sn: 1930; vk: 1957.

17- Anê Đoàn Thị Kim, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, sn: 1938; vk: 1964.

18- Fidès Nguyễn Thị Tài, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, sn: 1938; vk: 1964.

19- Catarina Đoàn Thị Trinh, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, sn: 1943; vk: 1969.

20- Anna Nguyễn Thị Trâm, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, sn: 1952; vk: 1983.

21 Isave Đoàn Thị Thuỳ Liên, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, sn: 1968; vk: 1999.

22- Marie Ange Nguyễn thị Nhạn, Dòng Kín Camêlô. Mẹ bề trên.

23- Anna Trần Thị Sanh, Dòng Mến Thánh Giá, sn: 1893, vk: 1969. Qua đời.

24- Catarina Trần Thị Mỹ Hương, Dòng Mến Thánh Giá, sn: 1971; vk: 2003

3- Giáo dân:

– Năm 1975: 1300 người.

– Năm 2010: 823 người[2]

– Năm 2015: 1010 người

– Năm 2020: 1035 người

Các hội đoàn đạo đức: Thiếu nhi Thánh thể, Legio Mariae, Huynh đoàn Cácmêlô, Anh em Vinh Sơn, Gia trưởng và Hiền mẫu, Giáo lý viên, Lễ sinh, Tu sinh và các cấp Giáo lý phổ thông dành cho Thiếu nhi và Giới trẻ. Về phương diện văn hóa thì cấp I có 385, cấp II có 180, cấp III có 50 và cấp Đại học có 15 (năm 2015)

*******************************

GIÁO HỌ THUẬN AN

 1- Vị trí địa lý

Giáo họ Thuận An nằm bên kia cầu Thuận An, thuộc xã Hải Tiến, huyện  Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà nguyện của giáo họ tọa lạc trên đường Hoàng Sa, xã Hải Tiến, ở tọa độ 16.5591 107.6495.

 2- Hình thành và phát triển

Tiền thân giáo họ Thuận An là một trại định cư, gọi là trại định cư Thuận An, được hình thành từ sau chiến cuộc Tết Mậu Thân 1968, do cha Đôminicô Nguyễn Văn Nghĩa quản xứ Cự Lại (1967-1968) thành lập. Trại quy tụ những giáo dân thuộc các giáo xứ Hà Thanh, Kế Sung, Cự lại, Quy Lai, Thuận Hòa, An Truyền, Thanh Hương và Hương Lâm.

Ngày 01-05-1968, ĐTGM Philipphê Nguyễn Kim Điền đã đặt cha Phaolô Trần Công Khôi lo trại định cư (1968-1972). Cha Phaolô đã xin phép tòa Giám mục cho trại định cư trở thành giáo xứ với tên gọi là Giáo xứ Tân Thuận.

Cha Phaolô đã cho dựng một ngôi nhà thờ tạm cả mái và vách bằng tôn, nền láng xi măng. Nhà thờ rộng 18 mét, dài 36 mét, bên trái đường cũ dẫn ra bãi tắm Thuận An. Ngài đã mời các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng đến lập một sở để giúp lo mục vụ. Một trường tiểu học cũng đã được xây dựng và giao cho các chị trông coi, điều khiển.

Năm 1969, cha Phaolô đã cho xây lại nhà thờ kiên cố và khang trang hơn.

Năm 1968-1969, có cha Giuse Dương Đức Toại làm phó xứ.

Năm 1969-1970, có cha Tôma Nguyễn Ngọc Thanh làm phó xứ.

Năm 1971, tình hình an ninh các vùng chiến sự tạm ổn định, giáo dân đã được kêu gọi trở về nguyên quán của mình. Từ đó, giáo xứ Tân Thuận chỉ còn lại một số ít tín hữu.

Năm 1972, cha Phaolô Nguyễn Văn Hiển được bổ nhiệm làm quản xứ thay cha Phaolô Trần Công Khôi. Cha Hiển còn kiêm luôn giáo xứ Cự Lại và Kế Sung (được tái lập).

Từ biến cố 1975, vì vấn đề an sinh, hầu hết giáo dân Tân Thuận sơ tán vào Nam, chỉ còn một vài gia đình ở lại; các cơ sở vật chất đều hư hại nên đất đai bị nhà nước trưng thu. Do đó, giáo xứ đổi tên thành giáo họ Thuận An và được các cha quản xứ Tân Mỹ coi sóc cho đến bây giờ.   Trong suốt mấy chục năm nay, Thánh lễ hằng tuần và Chúa nhật đều được cử hành tại nhà riêng của ông Phaolô Phan Lu (đã qua đời), thân phụ của cha Giuse Phan Miên (nằm phía tây địa điểm nhà thờ cũ vài chục mét).

1- Cha Phaolô Mai Xuân Hiến            1975-1985

2- Cha G.B. Phạm Ngọc Hiệp            1987-1999

3- Cha Phêrô Lê Văn Ngọc                1999-2003

4- Cha Bênađô Trần Lương                2003-2008

5- Cha P.X. Nguyễn Hoàng Hải         2008-2015

6- Cha Phaolô Nguyễn Trọng             2015-……

3- Hoa trái Đức tin:

1- Linh mục Giuse Phan Miên : 1961-2000-2013

2- Nữ tu Luxia Nguyễn Thị Thu Thủy, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, sn: 1967; vk: 1997.

3- Nữ tu Maria Phan Thị Thu Sương, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, sn: 1986; vk: 2013.

4- Giáo dân: 100 người

Nhà nguyện giáo họ Thuận An, đặt tại sân nhà ông Phaolô Phan Lu

—————————————————————————————–

[1] Số đầu: năm sinh, số giữa: năm chịu chức linh mục; số cuối: năm qua đời

[2] Lịch Công giáo Tổng giáo phận Huế 2010-2011 ghi là 1010 người

————————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.