Lược sử Giáo xứ Tân Thủy (Cồn Hến)

22/02/2020

LƯỢC SỬ

GIÁO XỨ TÂN THỦY (CỒN HẾN)

Nhà thờ Tân Thủy, xây từ thời cha Nguyễn Vân Nam năm 2002

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Tân Thủy, giáo hạt Thành Phố Huế, nằm trên địa bàn phường Vỹ Dạ (trong đó có Cồn Hến), thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhà thờ giáo xứ cách tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 2,5 km về phía bắc đông bắc theo đường chim bay, tọa lạc trong thôn Giang Hến, là một trong ba thôn làm nên cái Cồn nổi tiếng này[1].

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Nơi giam tù những đối tượng “Phân sáp”

Ngày 17-1-1860, vua Tự Đức ra sắc dụ Phân sáp. Trước hết là chia rẽ các gia đình giáo dân, phân tán họ vào các làng lương để bị quản lý. Tiếp đó, các tỉnh, phủ, huyện, xã làm những nhà giam ở chỗ đất hoang, để bắt giáo dân người lớn kẻ nhỏ tập trung vào đó và khắc lên má hai chữ “Tả đạo”. Tại Cồn Hến (lúc đó còn gọi là Cồn Soi, tức cồn nổi), có một nhà giam như vậy[2]. Đây là trại tù dành cho các họ đạo huyện Phú Vang, trong đó có Trài (Cự Lại), Chuồn (An Truyền), Sư Lỗ, Ba Châu và một số gia đình lẻ tẻ. Chính bà Tham Giao, vợ ông Tham tri Trần Ngọc Giao người làng Mậu Tài, mẹ của cha Inhaxiô Trần Ngọc Vịnh, và cô Mađalena Trần Thị Phước, con gái của bà cũng bị giam tại Cồn Hến mấy tháng. Ban ngày, các giáo dân lết bộ đi ăn xin, tối về nhà giam ngủ.

Tháng 6-1862, sau khi ký hòa ước Nhâm Tuất với Pháp (5-6-1862) vua Tự Đức ra lệnh ân xá cho những giáo dân bị bắt giam, tất cả được tha về. Không biết sự hiện diện của các Kitô hữu bị cầm tù ở Cồn Hến tác động đến việc truyền đạo như thế nào tại đây, cũng chẳng rõ bắt đầu từ đâu Tin Mừng được loan báo tới vùng đất này. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là tín hữu Tân Thủy đã biết đến đức tin khi còn là dân vạn đò xung quanh Cồn Hến.

2- Giáo họ trực thuộc Tiên Nộn (1896)

Vào triều vua Thành Thái (1889-1907) và thời Đức cha Antoine Caspar (1880-1806), lúc mà sinh hoạt đức tin không còn bị ngăn cấm, tháng 6-1896, giáo họ Tân Thủy được khai lập chính thức, trực thuộc giáo xứ/trung tâm truyền giáo Tiên Nộn (cách Tân Thủy 2km5 về hướng bắc tây bắc), mà cha Đôminicô Lê Văn Phẩm (gốc Sơn Quả, 1861-1892-1934), phó xứ của cha Eugène Allys ở Phủ Cam, đang đặc trách cai quản. Phong trào truyền giáo lúc ấy rất mạnh mẽ trong Giáo phận.

Khi lên bờ sinh sống và dựng nhà thờ, giáo dân ở đây gọi mảnh đất này là Tân Thủy nghĩa là Nước mới. Tên Tân Thủy[3] từ đó cho đến nay chỉ được dùng để chỉ họ đạo tại Cồn Hến, chứ không chỉ địa điểm hành chánh nào.

3- Giáo họ trực thuộc Nam Phổ (1900)

Năm 1900, do số giáo dân vùng Nam Phổ (cũng là một trung tâm truyền giáo khác, trực thuộc giáo sở Phủ Cam và cách Tân Thủy 2km về phía bắc đông bắc) ngày càng đông đảo, nên Đức cha Caspar đã tách Nam Phổ khỏi Phủ Cam và thành lập giáo sở Nam Phổ, bao gồm giáo xứ Nam Phổ, giáo họ Gia Hội, giáo họ Tân Thủy. Cha Đôminicô Lê Văn Phẩm lúc này lại chuyển sang làm quản sở Nam Phổ từ ngày 22-02-1900. Nhà thờ đầu tiên của giáo họ Tân Thủy có lẽ được xây từ năm này, lợp bằng tranh, do giáo dân Tân Thủy góp công góp của, với sự hỗ trợ của Đức cha và cha quản sở. Năm Giáp Thìn 1904, nhà thờ bị cơn bão lịch sử phá hủy.

Sau cha Đôminicô Lê Văn Phẩm quản sở Nam Phổ kiêm Tân Thủy từ 1900-1902, thì đến.

– Cha Marie Lefèvre (cố Lịch)                                    1902-1905.

– Cha Giuse Trương Văn Long (Sơn Quả)                 1905-1911.

Dựng lại nhà thờ Tân Thủy bị phá hủy năm 1904 và lợp ngói, nhờ sự giúp đỡ của Đức Giám mục.

– Cha Matthêu Nguyễn Thanh Bạch (Nhu Lâm)        1911-1914.

– Cha Anrê Huỳnh Văn Ấm (Kim Long)                    1914-1919.

– Cha Matthêu Đỗ Khắc Mỹ (An Vân)                       1919.

– Cha Inhaxiô Đặng Văn Dõng (Dương Lệ)              1919-1929.

Năm 1929, Đức cha Eugène Allys (Lý) nâng Gia Hội lên làm giáo xứ (và giáo sở) vì số tín hữu ngày càng đông, Nam Phổ thì số tín hữu lại giảm nên xuống hàng giáo họ. Cụ thể, ngài chuyển cha Inhaxiô Đăng Văn Dõng từ Nam Phổ đến ở Gia Hội. Từ đây, các linh mục cai quản giáo xứ Gia Hội kiêm nhiệm giáo họ Tân Thủy (đến năm 1999) lẫn giáo họ Nam Phổ (đến năm 1956).

– Cha Inhaxiô Đặng Văn Dõng (Dương Lệ)              1929-1932.

– Cha Phêrô Nguyễn Văn Lành (Kim Long)              1932-1936. Qua đời tại Gia Hội.

– Cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (Kim Long)                   1937 (lần 1)

– Cha GB. Trần Hữu Quý (Phúc Lộc)                        1937-1945.

Trùng tu nhà thờ ngói Tân Thủy mà cha Giuse Trương Văn Long đã xây dựng.

– Cha GB. Bửu Đồng (Phủ Cam)                               1945-1947.

– Cha Anrê Nguyễn Văn Cần (Trường An)                1947-1959.

– Cha GB. Hồ Đắc Liên (An Truyền)             1959-1962.

– Cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (Kim Long)                   1962-1964 (lần 2):

– Cha Antôn Nguyễn Văn Thọ (Bố Liêu)                   1964-1975[4].

– Cha Tanítlaô Nguyễn Đức Vệ (Mỹ Đức)    1975[5]-1999.

Ngài trùng tu nhà thờ Tân Thủy bị bay mái do cơn bão số 8 năm 1985 và tổ chức đại lễ mừng 100 năm thành lập giáo họ Tân Thủy (1996).

Nhà thờ Tân Thủy xưa

4- Thăng trầm giáo xứ – giáo họ.

  Từ năm 1999, Tân Thủy trở thành giáo xứ độc lập, có cha sở riêng:

– Cha GB Lê Văn Hiệp (Trí Bưu)                   1999-2001. Quản xứ tiên khởi.

Ngài xây nhà xứ Tân Thủy và qua đời ngày 24-02-2001 vì bệnh tiểu đường nặng.

– Cha P.X. Nguyễn Vân Nam (Đốc Sơ)         2001-2003.

Cha Nam nhận xứ từ ngày 06-02-2001. Cuối năm 2002, ngài dọn về ở Nam Phổ thế cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp nghỉ hưu, nhưng vẫn coi Tân Thủy đến 02-04-2003.

Thời ngài làm quản xứ, nhà thờ được xây lại. Ngày 29 tháng 6 năm 2002, thánh đường Tân Thủy được Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể cung hiến.

Từ năm 2003 đến 2007, cha Đôminicô Trương Văn Tập (Sơn Quả) giám quản Giáo xứ. Khi bận lên làm mục vụ tại Nam Đông[6], ngài nhờ các cha quản lý Nhà Chung và thư ký tòa Tổng Giám mục đến dâng thánh lễ cho Tân Thủy.

Từ ngày 01-05-2007, Giáo xứ Tân Thủy được giao cho cha Gioakim Lê Thanh Hoàng (Trí Bưu) đang làm quản xứ Phanxicô kiêm nhiệm. Ngài gửi các cha phó đến biệt cư[7] tại Tân Thủy:

– Cha Philipphê Hoàng Linh: 2007-2008[8]

– Cha Phêrô Nguyễn Vũ: 2008-2010[9].

Từ ngày 23-8-2010 đến 09-2018, cha Gioan Nguyễn Đức Tuân (Nghệ An) làm quản xứ Tân Thủy và kiêm nhiệm giáo xứ Nam Phổ, sau đó về hưu dưỡng tại Nhà Chung Tổng Giáo phận…..

Từ 09-2018, cha Phanxicô Xavie Nguyễn Hoàng Hải (An Định, Lệ Thủy, Quảng Bình) làm quản xứ Tân Thủy ……..

Bên trong nhà thờ Tân Thủy hiện nay

 III. HOA TRÁI ĐỨC TIN

Nhờ ơn Thiên Chúa với lời cầu nguyện cũng như hy sinh của các vị phụ trách và cộng đoàn tín hữu, giáo xứ Tân Thủy được khá nhiều hoa trái tốt lành mà Thiên Chúa đã khấn ban cho, đặc biệt trong đời sống dâng hiến. Dù nhỏ bé, một linh mục và năm nữ tu xuất thân từ Giáo xứ này:

1- Linh mục tu sĩ

– Linh mục Phêrô Đặng Quốc Ái, sinh 1965. Sau 1975, cùng gia đình di cư vào Nam, rồi sang Hoa Kỳ, đi vào chủng viện, thụ phong linh mục ngày 26-05-2012. Hiện phục vụ giáo phận Bâton Rouge.

– Nữ tu Matta Nguyễn Thị Lộc, sn: sinh 1922, vk: 1949, qđ: 1992, Dòng CĐMVN Huế.

– Nữ tu Matta Nguyễn Thị Phước, sn: 1925, vk: 1952, qđ: 1975, Dòng CĐMVN Huế.

– Nữ tu Matta Nguyễn Thị Hường, sn: 1942, Dòng Phaolô Đà Nẵng.

– Nữ tu Luxia Ngô Thị Thu Loan, sn: 1979, vk: 2014, Dòng CĐMVN Huế.

– Nữ tu Matta Trần Thị Phương, sn: 1981, vk: 2014, Dòng CĐMVN Huế.

2- Giáo dân:

– Năm 2010:    400 người (Lịch Công giáo Giáo phận Huế)

– Năm 2015:    319 người (Lịch Công giáo Giáo phận Huế)

– Năm 2020:    294 người (Lịch Công giáo Giáo phận Huế)

3- Sinh hoạt

Trước 1975, sinh hoạt của giáo xứ Tân Thủy rất sống động là nhờ việc giáo dân tham gia vào các hội đoàn trong Giáo phận như Thiếu nhi Thánh Thể, Hùng tâm Dũng chí, Legio Mariae, Liên minh Thánh Tâm… Không những thế, tinh thần của giáo dân giáo xứ lên cao đến mức chính tại giáo xứ này mà hội Trái Tim được thành lập và lan tỏa đến các giáo xứ khác như Gia Hội, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Gia Lạc, Tiên Nộn, Bãi Dâu, Sư Lỗ.

Sau biến cố 1975, tất cả các đoàn thể trên không còn sinh hoạt nữa. Trải qua thời kỳ đặc biệt khó khăn đó, đức tin của giáo dân Giáo xứ Tân Thủy vẫn luôn vững vàng. Theo năm tháng, nhất là từ khi có các cha sở trực tiếp coi sóc, các sinh hoạt đạo của giáo xứ Tân Thủy dần dần tái sinh. Nhờ có cha sở hiện tại quan tâm và có các chị dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm hợp tác, nhiều lớp giáo lý đã hình thành đáp ứng nhu cầu tùy theo trình độ và độ tuổi của người giáo dân. Một giáo xứ nhỏ, nhưng có đến 5 lớp giáo lý được chính cha sở và các chị dòng phụ trách: Lớp Đồng cỏ non cho độ tuổi từ 3 đến 6; lớp Sơ cấp từ 7 đến 9; lớp Giáo lý căn bản từ 10 đến 12; lớp Kinh thánh từ 13 đến 15; và lớp Suy niệm Lời Chúa từ 16 tuổi trở đi.

———————————————————————–

[1] Cồn Hến vốn được chia thành ba thôn : Giang Hến, Trung Lưu và Bồi Thành. Có tài liệu viết đó là ba địa thế: Gian Hến (đất lâu năm có đền, chùa), Trung Gian (đất ngụ cư), Bồi Thành (do đất bồi nên). http://tintuc.hues.vn/

[2] Về Phân sáp và nhà giam Cồn Soi, x. Tanítlaô Nguyễn Văn Ngọc & Giuse Nguyễn Văn Hội, Lịch sử Giáo phận Huế qua các Triều đại Vua chúa 1596-1945, Huế, 1993, tr. 264-267.

[3] Theo Tiểu sử các Linh mục Giáo phận Huế, giáo họ Tân Thủy (Cồn Hến) khác với giáo họ Tân Thủy, còn có tên là Trủ, Xóm Chứa, gần Thạch Bình. Tân Thủy này là sinh quán của cha Phêrô Huỳnh Văn Hóa (1903-1934-1987).

[4] Vào thời của cha Antôn Nguyễn Văn Thọ, năm 1967, Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền đã cho cha Micae Hoàng Ngọc Bang (gốc Hội Yên, 1895-1926-1968) về hưu dưỡng tại Tân Thủy. Biến cố Mậu Thân 1968, ngài bị bắt đi từ đây. Người ta tìm được xác ngài cùng với xác cha GB. Bửu Đồng (quản xứ An Truyền) tại vùng Phú Thứ ngày 08-11-1969 (cùng với xác của một tiểu chủng sinh Nha Trang, Nguyễn Văn Lương, nghỉ tết về thăm cha Đồng). 

Năm 1973, cha Tôma Lê Văn Thiện (gốc Ba Ngoạt, 1904-1933-1987) tuổi già sức yếu cũng được phép ở tại giáo xứ Tân Thủy để dưỡng bệnh cho đến năm 1975.

[5] Năm 1975, sau khi giáo dân tản cư trở về, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Hoàng ở Giáo xứ Đại Phong, tạm coi sóc Tân Thủy mấy tháng, cho đến tháng 7 năm 1975 trước khi giao cho cha Tanítlaô Nguyễn Đức Vệ.

[6] Cha Đôminicô Trương Văn Tập vừa giám quản Nam Đông từ Phục Sinh năm 2001, vừa giám quản Tân Thủy từ 11-05-2003 đến 01-05-2007.

[7] Từ “biệt cư” dùng để chỉ việc cha phó được sai đến ở tại giáo họ hay họ nhánh để trực tiếp trông coi nơi đó.

[8] Thời gian đầu, cha Philipphê Hoàng Linh đi đi về về. Từ tháng 4 đến tháng 8 2008, ngài mới đến biệt cư.

[9] Để tạo khí thoáng mát cho Nhà thờ, cha Phêrô Nguyễn Vũ cho thông thêm cửa sổ, sửa chữa lại cung thánh, làm lại cầu thang v.v…

—————————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.