Lược sử Giáo xứ Thạch Hãn

29/02/2020

LƯỢC SỬ

GIÁO XỨ THẠCH HÃN

Nhà thờ Thạch Hãn xây dựng năm 2001

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Thạch Hãn, giáo hạt Quảng Trị, nằm trên địa bàn phường 3, thị xã Quảng Trị, phía tây giáp sông Thạch Hãn, phía nam giáp quốc lộ 1A, phía đông và đông nam giáp làng Long Hưng, phía bắc giáp giáo xứ Trí Bưu. Ngôi nhà thờ của giáo xứ ở số 74 đường Hai Bà Trưng, phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Khai sinh trong cơn bách hại và lớn lên giữa cơn thử thách

Giáo xứ Thạch Hãn đã được hình thành cách đây gần 275 năm do các linh mục Dòng Tên thành lập. Bằng chứng là biên bản cuộc điều tra dân số có đạo năm 1747[1]. Lúc đó là vào thời của Đức Giám mục Đại diện Tông tòa Armand François Lefèbvre (1709-1743-1760). Cuộc điều tra này xảy ra nhân chuyến kinh lý vào giáo phận Đàng Trong của Đức Khâm sai Tòa thánh Hilario Costa di Jesu vốn đang làm chủ chăn giáo phận Đông Đàng Ngoài. Ngài tiếp nối Đức Khâm sai Elzéar-François des Achards de la Baume (vốn đã tới Thuận Hóa năm 1739) để giải quyết cho xong những tranh chấp về địa giới mục vụ và truyền giáo của các hội dòng (như Dòng Tên, Dòng Phanxicô, hội Thừa sai Hải ngoại Paris, nhóm thừa sai do thánh bộ Truyền bá Đức tin gởi). Họ đạo Thạch Hãn lúc ấy xuất hiện lần đầu dưới cái tên Da-han (Đá Hàn[2]), có 30 giáo dân, thuộc giáo hạt Dinh Cát và ở dưới sự chăm sóc của các cha Dòng Tên (bên cạnh Cổ Vưu, Ba Lòng, Nhu Lý, Dương Lệ….)

Bấy giờ là thời chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), với sắc chỉ cấm đạo năm 1750 (triệt hạ nhà thờ, cấm trưng ảnh tượng, bắt bớ các thầy giảng, trục xuất các thừa sai). Tiếp đó là thời chúa Định Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) với sắc chỉ cấm đạo năm 1767 (bắt và đem tín hữu ra tòa xét xử, buộc chối đạo bằng việc đạp lên ảnh tượng, ai cố chấp thì phải lưu đày chăn voi suốt đời). Thạch Hãn dĩ nhiên lúc ấy chưa có hoặc không thể có nhà thờ, các thừa sai lén lút ở lại được phải kín đáo cử hành Thánh lễ tại nhà giáo dân; tuy vậy, địa điểm cũng luôn thay đổi. Tín hữu rất khổ cực về đời sống vật chất lẫn tinh thần, nhưng vẫn luôn trung thành với đạo và con số cũng tăng dần theo thời gian.

Năm 1798 -dưới thời vua Cảnh Thịnh- đạo Công giáo lại bị cấm ngặt, giáo dân càng chịu bách hại dưới nhiều hình thức khác nhau: người thì bị lưu đày hay tống ngục, người thì bị tra tấn đến chết. Trước tình cảnh đó, một số giáo dân thuộc giáo hạt Dinh Cát (trong đó có giáo xứ Cổ Vưu/Trí Bưu và Thạch Hãn) đã lẩn tránh cơn bắt đạo bằng cách trốn lên rừng La Vang (thuở ấy gọi là phường La Vang) và được diễm phúc nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra ủi an nâng đỡ.

Thời Gia Long (1802-1820), cuộc sống tinh thần tương đối dễ chịu, nhà thờ đã được dựng lên tại Thạch Hãn bằng vật liệu thô sơ để làm nơi thờ phượng. Một số giáo dân tự nguyện dâng cúng đất đai để dựng lên nguyện đường tại khu vực nay nằm trên đường Quang Trung. Nhưng tai họa lại tiếp tục đổ xuống trên đạo dưới triều Minh Mạnh, Thiệu Trị và Tự Đức.

Vào thời Văn Thân bách hại Công giáo tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên với chiến dịch “Bình Tây Sát Tả (1883-1886), thì vào nửa đầu tháng 9-1885, giáo xứ Trí Bưu và các giáo họ trực thuộc như Hạnh Hoa, Tri Lễ, Ngô Xá, Thạch Hãn, Chợ Sãi đã là nạn nhân của họ. Ngoài 630 giáo dân Trí Bưu bị thiêu sát tại nhà thờ, thì trong số 400 giáo dân thuộc các giáo họ, chỉ còn sống sót 80 người thôi[3]. Dĩ nhiên các nhà thờ ở giáo sở này đều bị Văn Thân đốt cháy.

2- Trở thành khi thì giáo xứ khi thì giáo họ.

Sau thời Văn Thân, đạo được tự do phát triển. Theo tư liệu các vị thừa sai MEP, nhà thờ mới Thạch Hãn do cha Claude Bonin (cố Ninh, lúc ấy là quản xứ Trí Bưu 1895-1904 kiêm quản hạt Dinh Cát) cổ võ cha Laurent Guichard (cố Ngãi, kiêm nhiệm hoặc biệt sở Thạch Hãn?) xây dựng từ năm 1900 và hoàn thành năm 1901. Tại Báo cáo Thường niên 1902 gởi hội Thừa sai Paris, Đức cha Antoine Caspar cho biết: năm 1901 linh mục Guichard đã cho xây nhà thờ Đá Hàn (Thạch Hãn) và một nhà nguyện tại Nhan Biều (bên kia sông Thạch Hãn), kiểu gô-tích, nơi có mộ phần 2 thánh Tử đạo là Lm François Jaccard (cố Phan) và chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện. Cha Bonin cũng mở một trường học ở Thạch Hãn với số học sinh chẳng bao lâu vượt quá một trăm. Mỗi ngày cha đi từ Cổ Vưu đến trường Thạch Hãn để dạy toán, văn phạm. Cha phó Adolphe Delvaux (cố Văn) phụ trách lớp nhất. Có hai giáo viên và một giáo sư chữ Hán trợ lực.

Tháng 03-1904, cha Claude Bonin đến ở Thạch Hãn, trở thành quản xứ tiên khởi của giáo xứ này, và ở lại đây 17 năm (đến 1921, với một vài lúc gián đoạn vì đi Hồng Kông hay Ấn Độ, đành nhờ cha François Lemasle chánh xứ Trí Bưu tạm quản). Ngài tiếp tục duy trì ngôi trường đã mở; mỗi chúa nhật, lại dạy giáo lý tại nhà thờ cho những người lớn tham dự đông đúc và đều đặn. Đây là một trong những họ đạo sốt sắng nhất của toàn vùng lúc ấy.

Tiếp đến là giai đoạn giáo họ trực thuộc Trí Bưu, dưới sự kiêm nhiệm của cha René Morineau (cố Trung) từ 1922 đến 1934, cha André Chapuis (cố Châu) từ 1934 đến 1936, cha Antoine Reyne (cố Phú) từ 1936 đến 1940, cha André Eb (cố Hương) từ 1940 đến 1945.

Năm 1945, lúc thừa sai André Eb bị Nhật rồi Việt Minh tập trung ở Huế (cùng mọi thừa sai người Pháp khác), Thạch Hãn lại trở thành giáo xứ với cha Alexi Phan Đức Sắc (Dương Sơn). Ngài trông coi tới năm 1948. 

Tiếp đó là cha GB. Trần Hữu Quý (Phúc Lộc, anh ruột cha Trần Hữu Tôn và cha Trần Hữu Thanh). Ngài có dự án làm lại nhà thờ Thạch Hãn rộng lớn hơn thì đùng một cái bổ xuống đau và tạ thế (vì bệnh kiết lỵ) ngày 7-10-1953, thọ 48 tuổi, 17 năm linh mục, an táng tại Thạch Hãn.

Thời linh mục Philipphê Nguyễn Như Danh (gốc Nhu Lâm) chánh xứ Thạch Hãn (1953-1968), ngài cho xây lại ngôi nhà thờ khác, được khánh thành ngày 20-08-1957. Ngôi nhà thờ mới này vẫn tọa lạc tại địa điểm nhà thờ cũ (đường Quang Trung), nhưng trên một vùng đất rộng lớn hơn gần 3 mẫu, bao gồm cả trường trung học Phước Môn do các sư huynh Thánh Tâm điều khiển, trường tiểu học Têrêxa do các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Trí Bưu quản lý. Thời gian này, giáo dân Thạch Hãn đã lên tới con số 5.000 người bao gồm cả khu vực thị xã Quảng Trị.

Từ đây nhà thờ Thạch Hãn được xem là nhà thờ thị xã. Do nhu cầu của giáo dân nên mỗi Chúa nhật có tới 3 thánh lễ vào buổi sáng, được chia theo từng giới để tiện việc giảng dạy. Năm 1960, khi Đức Tổng Giám mục Máctinô Ngô Đình Thục về nhận nhiệm sở Tổng Giáo phận Huế, ngài đã chuyển thủ phủ giáo hạt Dinh Cát (giáo hạt Quảng Trị ngày nay) từ giáo xứ Trí Bưu về giáo xứ Thạch Hãn và đặt linh mục quản xứ Philipphê Nguyễn Như Danh làm hạt trưởng.

Kế nhiệm cha Philipphê là cha Phêrô Trần Hữu Tôn (gốc Phúc Lộc, em ruột cha Trần Hữu Quí). Dưới thời ngài, các năm 1970-1972, số giáo dân Thạch Hãn và thị xã Quảng Trị lên đến 7000 người, sinh hoạt đạo đức rất nề nếp, tốt đẹp.   

Trong cuộc chiến năm 1972 (Mùa hè Đỏ lửa), đạn bom đã trút xuống, biến tỉnh Quảng Trị thành bình địa, nhà thờ Thạch Hãn và hai trường học của giáo xứ cũng sụp đổ. Giáo dân Thạch Hãn như đàn chim vỡ tổ, bay đi trăm ngả đất trời, đa phần vào nam sinh sống, có người xuôi lạc ra hải ngoại, không ít người vĩnh viễn nằm yên trong lòng đất.

Năm 1975, đất nước thống nhất. Một số giáo dân nặng tình quê hương đã hồi cư về Thạch Hãn đổ nát để xây dựng lại một nhà nguyện nhỏ bé với hai mái tôn tại địa điểm mới, thuộc khu vực đường Hai Bà Trưng. Giáo họ, lúc ấy khoảng trên 400 người, được cha Tôma Lê Văn Cầu (gốc Trí Bưu) quản xứ Trí Bưu (1975-1985) kiêm nhiệm. Còn khu đất rộng rãi của Thạch Hãn tại đường Quang Trung trước đây thì đã bị nhà nước quản lý rồi cho xây trường học và công sở.

Nhà nguyện Thạch Hãn (sau năm 1975)

Thời gian sau, vì già yếu, cha Tôma đã được đưa về nghỉ hưu tại Nhà chung Huế[4] và cha phó Antôn Dương Quỳnh (gốc Loan Lý, QT) lên làm quản xứ Trí Bưu, kiêm nhiệm Thạch Hãn

Năm 1997, cha Antôn Dương Quỳnh đi du học Pháp và được thay thế bởi cha Antôn Nguyễn Ngọc Hà (gốc Hà Thanh).

Đầu năm 1999, cha Antôn Hà được điều về tòa Tổng Giám mục. Cha Gioan Baotixita Lê Quang Quý (gốc Kim Long) kế nhiệm Trí Bưu và kiêm nhiệm Thạch Hãn.

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 2000, cha GB, quản xứ kiêm nhiệm và toàn thể giáo dân Thạch Hãn đã quyết tâm xây dựng lại ngôi nhà thờ như đang tọa lạc tại số 74 đường Hai Bà Trưng, phường 3, Quảng Trị, vì nhà nguyện cũ quá chật hẹp và đã xuống cấp trầm trọng.

Sau một năm đầy nỗ lực của chủ chăn lẫn đàn chiên, một ngôi nhà thờ mới (dài 35m, rộng 20m, có 2 hành lang 2 bên) với dáng vẻ Á đông, hội nhập văn hóa dân tộc, đã được dựng lên. Ngày 20-06-2001, Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể đã đến dâng thánh lễ làm phép, thánh hiến tân thánh đường mà còn tồn tại đến hôm nay.

 

Bên trong nhà thờ Thạch Hãn hiện nay (cha Trần Sơn Lâm mới tu sửa lại)

Ngày 01-10-2008, Đức Tổng Têphanô lại bổ nhiệm linh mục Phanxicô Xaviê Trần Phương (gốc Hòa Vang, Quảng Nam) đến làm quản xứ Thạch Hãn và cho phép giáo xứ tách ra khỏi giáo sở Trí Bưu. Sau một năm tách xứ, cùng với nỗ lực vươn lên của giáo dân, vị quản xứ mới đã tiến hành xây dựng thêm Nhà Mục vụ của giáo xứ khang trang và rộng rãi (sau nhà thờ). Cơ sở này vừa dùng làm nhà cha xứ, vừa dùng làm nhà sinh hoạt của các đoàn thể, nhà giáo lý của các em thiếu nhi, và thậm chí nhà nghỉ lại cho những khách viếng thăm giáo xứ hay đi hành hương La Vang. Sau đó, cha xứ và giáo xứ tiếp tục xây lại đài Đức Mẹ, làm sân Nhà Mục vụ và nhà để xe.

Ngày 30-7-2015, giáo xứ Thạch Hãn đón một tân quản xứ vừa mới vừa trẻ là linh mục GB Trần Sơn Lâm (gốc Phủ Cam, sinh 1978, chịu chức 2012). Cha đến thay thế cha Trần Phương bị bệnh nặng phải về Nhà chung Tổng Giáo phận để hưu dưỡng. (Cha Phương qua đời ngày 23-09-2018, thọ 62t).

Ưu tư của cha quản xứ hiện thời là giáo dục đức tin và thăng tiến văn hóa cho thế hệ trẻ. Với sách báo do vị tiền nhiệm để lại cộng thêm những ấn phẩm mới cả đời lẫn đạo, cha GB đã lập một thư viện nhỏ với hy vọng thu hút chúng đến với mình, bớt sa đà vào những phương tiện hiện đại (như internet, điện thoại thông minh) vốn dễ làm cho trí óc nên hời hợt và tâm hồn ra cằn cỗi.

3- Tổng lược danh sách các linh mục quản xứ hay kiêm nhiệm.

1) Claude Bonin (cố Ninh) 1904-1921.

2) René Morineau (cố Trung) 1922-1934, quản xứ Trí Bưu kiêm nhiệm.

3) André Chapuis (cố Châu) 1934-1936, quản xứ Trí Bưu kiêm nhiệm.

4) Antoine Reyne (cố Phú) 1936-1940, quản xứ Trí Bưu kiêm nhiệm.

5) André Eb (cố Hương) 1940-1945, quản xứ Trí Bưu kiêm nhiệm.

6) Alexi Phan Đức Sắc (Dương Sơn) 1945-1948. 

7) GB. Trần Hữu Quý (Phúc Lộc) 1948-1953).

8) Philipphê Nguyễn Như Danh (Cây Da) 1953-1968.

9) Phêrô Trần Hữu Tôn (Phúc Lộc) 1969-1972.

10) Tôma Lê Văn Cầu (Trí Bưu) 1975-1985, quản xứ Trí Bưu kiêm nhiệm.

11) Antôn Dương Quỳnh (Loan Lý QT) 1985-1997, quản xứ Trí Bưu kiêm nhiệm.

12) Antôn Nguyễn Ngọc Hà (Hà Thanh) 1997-1999, quản xứ Trí Bưu kiêm nhiệm.

13) GB Lê Quang Quý (Kim Long) 1999-2008, quản xứ Trí Bưu kiêm nhiệm.

14) PX Trần Phương (Hòa Vang) 2008-2015.

15) GB Trần Sơn Lâm (Phủ Cam) 2015….

Đài Đức Mẹ La Vang với 2 thánh Tử đạo Tôma Thjện và Jaccard Phan

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN.

  1. Linh mục:

1) Lm … Hòa, trước 1828, chôn ở Mỹ Hương.

2) Đôminicô Lê Xuân Biện (1838-1884-1921).

3) Gioakim Nguyễn Định (1918-1949-…..) Dòng Chúa Cứu Thế.

4) Gioakim Nguyễn Tư (1921-1950-1996).

5) Giacôbê Lê Văn Mẫn (1922-1951-2001) Giám mục.

6) Batôlômêô Nguyễn Văn Phước (1924-1951-2002).

7) Antôn Nguyễn Văn Trông (1927-1953-2009) (em ruột cha Phước).

8) Phêrô Nguyễn Văn Đệ (1946-1977-) Dòng Don Bosco, Giám mục.

9) Giuse Lê Thiện Vang (1955-1995-) Giáo phận Nha Trang.

10) Anrê Đoàn Văn Điểm (1958-2002-). Giáo phận Quy Nhơn.

11) PX Nguyễn Thiện Nhân (1975-2008-).

12) Batôlômêô Hoàng Quang Hùng (1982-2015-)

2- Tu sĩ nam nữ

1) Nicôla Thể Lê Anh Tuấn, Dòng Thiên An Huế

2) Philipphê Nguyễn Văn Hoàng, sn: 1968, vk: 2004. Dòng Thánh Tâm Huế         

3) Maria Nguyễn Thị Thảo, sn: 1980, vk: 2010. Dòng Mến Thánh Giá Huế

4) Anê Lê Thùy Linh, sn: 1988, vk: tk: 2014. Dòng Mến Thánh Giá Huế

5) Maria Nguyễn Thị Thanh Thủy, sn: 1970, vk: 2019. Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

3- Giáo dân

Năm 1968:      5000 người.

Năm 2010:      550 người.

Năm 2015:      648 người.

Năm 2020:      551 người.                  

——————————————————————

[1] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques II (1728-1771). Paris, Téqui, 1924. Trang 187.

[2] Đá Hàn này hoàn toàn khác với giáo xứ Đá Hàn tại Thừa Thiên-Huế.

[3] Theo Lê Ngọc Bích, Nhân vật Giáo phận Huế, 2000. Tập 1, tr. 64-66

[4] Cha Tôma Lê Văn Cầu cai quản Trí Bưu đến năm 1985, thì bị nhà nước quản chế tại giáo xứ Phan Xá cho đến năm 1987. Ngày 3-7-1987, ngài bị mù mắt và ngất xỉu, nên được phép về Nhà chung chữa bệnh.

—————————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.