Lược sử Giáo xứ Nam Tây

09/12/2019

LƯỢC SỬ

GIÁO XỨ NAM TÂY

Nhà thờ giáo xứ Nam Tây

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Nam Tây (xưa có tên là Mai Xá Rú), thuộc Giáo hạt Quảng Trị, nằm trên địa bàn 3 xã Gio Sơn, Hải Thái, Linh Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ngôi nhà thờ của giáo xứ tọa lạc tại thôn Xuân Tây, xã Linh Hải.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Đón nhận Tin Mừng từ các Thừa sai ngoại quốc

Theo tài liệu lịch sử, cư dân Nam Tây đã đón nhận đức tin từ trước năm 1685, khi các linh mục dòng Tên (1615-1783[1]) rồi các linh mục hội Thừa sai Paris (từ 1659…) hoạt động tại Đàng Trong, đặc biệt tại vùng Dinh Cát (Quảng Trị). Linh mục Charles-Marin Labbé, trong một bản tường trình năm 1685 gởi Đức cha Giám quản Louis Laneau (đang ở Xiêm), cho biết ngài đã có tới thăm bổn đạo vùng Bái Trời (nơi có cộng đoàn Nam Tây).[2]

Khi ấy, dù có thành lập cộng đoàn hoặc xây được nhà nguyện cho tín hữu, các thừa sai vẫn là những mục tử lưu động. Đấy là vùng đất tràn đầy sức sống đức tin. Lịch sử cho biết tại huyện Gio Linh từng có nhiều nhà thờ được xây dựng như nhà thờ Quán Ngang, Nam Tây, An Hòa, Vạn Kim, Quảng Xá, Nam Đông (không phải Nam Đông của Thừa Thiên-Huế).

Đến thời Đức Giám mục Joseph Hyacinthe Sohier (Bình) cai trị Giáo phận Huế (lúc ấy còn gọi là Bắc Đàng Trong) (1851-1876), mới có sự phân định rõ ràng ranh giới giáo xứ và xác định rõ ràng nhiệm vụ của các mục tử, kể từ năm 1864. Do đó, sau thời điểm này, giáo xứ Nam Tây mới có các linh mục đến coi sóc.

2- Dưới sự chăm sóc của các vị quản xứ người Việt[3]

1- Cha Mactinô Nguyễn Văn Thanh (1820-1848-1869), gốc An Vân, vị thừa sai gánh nước thuê nổi tiếng ở Gia Hội, từng làm chủ tế ngày Đức cha Sohier ra mắt tại Kim Long sau thời gian dài trốn cơn bắt đạo, được đặt làm quản xứ Nam Tây từ 31-12-1866 cho tới lúc qua đời và an táng tại đây ngày 5-2-1869 (thọ 49 tuổi, làm linh mục được 21 năm).

2- Tiếp đó là cha Tađêô Huỳnh Văn Khâm (1837-1869-1877), gốc Di Loan, làm quản xứ Nam Tây có lẽ từ sau năm 1869. Ngài qua đời tại Nam Tây ngày 15-8-1877 và cũng an táng trong nhà thờ giáo xứ này, thọ 40 tuổi, 8 năm linh mục.

3- Kế nhiệm ngài là cha Gioan Trần Minh Châu (1838-1868-1885), gốc Liêm Công, làm quản xứ Nam Tây từ năm 1877… Lúc đó có cha Giuse Dương Đức Thành (1837-1884-1885) ở phó cho ngài ngay sau ngày chịu chức linh mục (29-3-1884). Đầu tháng 9-1885, Văn Thân nổi dậy tấn công các giáo xứ vùng Quảng Trị, trong đó có Nam Tây ngày 08-09-1885. Cha Châu trước đó đã dẫn giáo dân chạy về lánh nạn tại giáo xứ Bái Sơn (tổng An Mỹ Thượng, huyện Gio Linh) của cha Phaolô Lê Viết Luận.

Vì mắc mưu “giảng hòa” của Văn Thân, cha Châu cùng 5 giáo dân Bái Sơn trong đoàn đàm phán đã bị họ bắt và chém đầu ngày 10-10-1885 tại một nơi gọi là Hồ Cút. (Xem Phụ lục).

4- Cha Phaolô Lê Viết Luận (1832-1872-1925), gốc Phủ Cam, kế nhiệm cha Châu từ cuối năm 1887 và ở Nam Tây cho đến 1895. Chính ngài, sau tết nguyên đán 1889, đã quy táng hài cốt cha Gioan Châu và 5 nạn nhân về Bái Sơn.[4]

5- Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Hữu Tân (1854-1889-1941), gốc Kim Long, làm quản xứ Nam Tây và Gia Bình năm 1895-1912. Có cha Gioakim Nguyễn Văn Khiết, gốc Hương Lâm rồi cha Trần Văn Sanh, người Tân Mỹ ở phó.

Báo cáo Thường niên năm 1909 của Đức Cha Allys gởi hội Thừa sai Paris viết: … Các giáo dân của vùng Bái Trời chia làm 4 giáo xứ. Đầu tiên là giáo xứ Nam Tây do cha Tân và cha Sanh điều hành. Chắc chắn đây là giáo xứ sốt sắng nhất. Các kitô hữu thường xuyên đến lãnh nhận các bí tích. Nhưng các sự chăm sóc chuyên cần mà hai linh mục này dành cho con chiên của mình không cho phép các vị quan tâm như mong muốn đến đông đảo lương dân bao quanh họ”

6- Cha Giuse Nguyễn Ngọc Quyền (1868-1900-1917), gốc Phù Việt (Quảng Bình), quản xứ Nam Tây 1913-1917, sau đó vào Ngọc Hồ nhưng chỉ vài tháng thì qua đời.

7- Cha Phêrô Nguyễn Văn Lập (1877-1904-1941), gốc An Thuận, làm quản xứ Nam Tây kiêm Bái Sơn (Bái Trời) từ 1917 thế cha Giuse Nguyễn Ngọc Quyền. Cha Lập qua đời tại Nam Tây ngày 5-10-1941, an táng tại nhà thờ Nam Tây. Thọ 64 tuổi, 37 năm linh mục, 24 năm làm cha sở xứ này. Có cha Antôn Nguyễn Đức Tú (1867-1897-1934), gốc Bái Sơn, làm phó từ năm 1927.

8- Cha Matthêô Đỗ Khắc Mỹ (1879-1906-1952), gốc An Vân, cai quản Nam Tây tháng 11-1941. Tháng 3 năm 1952, quân kháng chiến Việt Minh tấn công Nam Tây, nhà xứ bị cháy, và cha quản xứ Matthêô bị bắt đưa lên chiến khu Ba Lòng. Sau một phiên tòa với đủ thứ tội danh gán ghép, vị linh mục già yếu 73 tuổi bị xử tử ngày 2-12-1952 gần nhà thờ Cùa (Cam Lộ, Quảng Trị).

9- Cha Mathêô Lê Văn Thành (1919-1945-1999), gốc Trí Bưu, quản xứ Nam Tây từ 7-10-1954 đến 1959 kiêm giáo họ An Hòa và Gia Bình. Cùng với cha Anrê Bùi Quang Tịch, ngài lập hội Đạo binh Đức Mẹ (Legio Mariae) tại Vạn Thiện và Nam Tây. Nhiều thành viên hội này đã lôi kéo được trên 300 lương dân tại làng Lâm Lăng (gần Đông Hà) theo đạo. Cha Thành còn làm được 40km đường cho bà con trong vùng Mai Xá.

10- Cha Phaolô Trương Công Giáo (1911-1941-2002), quản xứ Nam Tây, thay cha Lê Văn Thành (vào làm giáo sư tiểu chủng viện Phú Xuân) từ năm 1959. Tiếp đó coi luôn trại định cư Hà Thanh (Quảng Trị), gần Đông Hà trên đường ra Bến Hải một đoạn. Trại nầy cũng gọi là Quán Ngang, cho đến năm 1967.

3- Tan tành vì chiến tranh và tái lập sau hòa bình

Đến năm 1968, chiến cuộc Mậu Thân, rồi 1972, chiến cuộc Mùa hè đỏ lửa, Nam Tây không còn quản xứ, giáo dân phải di tản đi nơi khác lánh nạn, và kể từ đó giáo xứ bị xóa sổ vì quân đội miền bắc và miền nam giao tranh nhau nơi này. Điều đó dễ hiểu vì Gio Linh thuộc địa bàn vĩ tuyến 17, nơi gần sông Bến Hải là ranh giới phân chia 2 miền nam bắc một thời.

Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, một số giáo dân Nam Tây trở về nơi chôn nhau cắt rốn, xây dựng lại quê hương, sống lại đức tin ban đầu của tiên tổ. Huyện Gio Linh (lúc ấy và tới nay) chỉ có duy nhất một giáo xứ Nam Tây trong tổng số 21 xã với hơn 72.000 dân. Vì không có nhà thờ và cha xứ nên giáo dân ở đấy thường cố gắng đi bộ hoặc đạp xe đến dự thánh lễ Chúa nhật tại các giáo xứ khác ở cách xa từ 17 đến 30km.

Đến năm 2003, cha Phanxicô Xavie Nguyễn Đức Hòa, gốc giáo xứ Mẹ Hằng Cứu Giúp, được bổ nhiệm làm quản xứ Phước Tuyền (huyện Cam Lộ), kiêm Nam Tây.

Ngày 10-11-2011, giáo xứ Nam Tây chính thức được tái thành lập do lệnh Đức Tổng giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể. Trước đó, từ tháng 9-2011, cha Nguyễn Đức Hòa đã dựng một nhà nguyện này bằng tre (chỉ đủ chỗ ngồi cho vài trăm người) trên nền đất mượn của một cư dân địa phương để dâng Thánh lễ cho giáo dân vào các ngày thứ 2, 4, 6 và Chúa nhật. Bởi lẽ nền móng của nhà thờ cũ (trước 1968) đã bị người dân địa phương lấn chiếm gần hết, chỉ còn 420 m2.

Nhà nguyện bằng tre do cha PX. Nguyễn Đức Hòa dựng tạm

May thay, giáo dân đã đóng góp tiền mua thêm đất để mở rộng diện tích trước khi xây nhà thờ. Và vào ngày 01-4-2013, nghi thức đặt viên đá đầu tiên đã được cử hành, đánh dấu bước khởi đầu mới cho việc xây dựng lại nhà thờ Nam Tây.

Ngày 25-6-2013, cha Phêrô Huỳnh Văn Nguyên được bổ nhiệm làm quản xứ Phước Tuyền, kiêm Nam Tây. Ngài tiếp tục gánh vác công việc xây dựng nhà thờ Nam Tây cho đến khi hoàn thành.

Ngày 28-4-2015, Đức TGM Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng đã chủ tế Thánh lễ cung hiến bàn thờ và làm phép nhà thờ giáo xứ Nam Tây. Cùng đồng tế trong Thánh lễ này, còn có sự hiện diện của linh mục Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh, quý cha triều và dòng trong giáo phận[5].

Bên trong nhà thờ Nam Tây ngày cung hiến bàn thờ và làm phép nhà thờ

Ngày 2972015, linh mục Micae Ngô Quang Danh làm lễ nhậm chức quản xứ Phước Tuyền, nên linh mục Phêrô Huỳnh Văn Nguyên cũng chính thức trở thành quản xứ Nam Tây cùng hôm đó. (x. trang web của Tổng giáo phận Huế). Từ đó đến nay, cha đã

  1. Làm đài Thánh Giuse và đài Đức Mẹ (năm 2016)
  2. Làm Nhà Mục vụ (năm 2017)
  3. Xây Lăng Tử Đạo ở giáo xứ Gia Môn (cũ) (năm 2018)
  4. Lấy lại đất và xây khuôn viên nhà thờ Nam Đông (cũ) (năm 2018)

Đài Đức Mẹ

Lăng Tử đạo

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

A- Linh mục:

Nam Tây là giáo xứ cống hiến cho Giáo hội nhiều linh mục đạo đức, thông minh, hầu hết đều cùng thuộc họ Bùi, bà con với nhau.

1- Cha Bùi Văn Chỉnh (?–lm trước 1828–mất khoảng 1838). Ngài ở vùng Kẻ Sen, Kẻ Bàng (Quảng Bình) khá lâu, đỡ đầu chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện. A. Launay, Les 52 Serviteurs de Dieu (52 Tôi tớ Chúa), Paris, Téqui, 1893, trang 90 có ghi: “Cậu Tôma Thiện làm học trò cha Bùi Văn Chỉnh. Khi ngài chết, cậu mới được nhập tiểu chủng viện Di Loan”. Vậy có thể ngài đã qua đời trước hoặc gần năm 1838 là lúc Tôma Trần Văn Thiện tử đạo. Truyền khẩu còn cho rằng: cha Bùi Văn Chỉnh chết rũ tù tại Quảng Ngãi.

2- Cha Gioan Baotixita Bùi Văn Ngôn (?–1832–1859). Bác ruột của cha Bùi Quang Lợi sau nầy. Ngài được cử đi tham dự Công đồng Gò Thị năm 1841, là linh mục đã giải tội và trao Mình Thánh Chúa cho thánh Anrê Trần Văn Trông (năm 1835) cũng như giải tội thiêng liên cho thánh Simon Phan Đắc Hòa (năm 1840) trước khi 2 vị chịu tử đạo.

3- Cha Tôma Maria Bùi Văn Hữu (1824–1853–1858). Anh ruột của cha Giuse Bùi Văn Tuyển, từng làm thư ký cho Đức cha Pellerin trước khi thụ phong linh mục. Mất sớm vì bệnh tật.

4- Cha Giuse Bùi Văn Tuyển (1835–1867–1922). Học trò thánh tử đạo Gioan Đoạn Trinh Hoan, em ruột cha Tôma Bùi Văn Hữu. Tháng 9-1885, khi đang làm quản xứ Kẻ Văn, ngài truyền lệnh cho con chiên mình di tản vào Kim Long để tránh quân Văn Thân sát hại. Nhưng vì quá chậm trễ, dù cha Bonnand (Bổn) đã biết trước và thúc giục, giáo dân Kẻ Văn đã bị giết tới 264 người.

5- Cha Gioan Baotixita Bùi Quang Lợi (1836–1867–1911). Rất giỏi chữ Hán và đã có công soạn nhiều kinh mà hiện nay giáo dân vẫn còn đọc, như kinh “Ngợi khen ông Thánh Giuse”, “Bảy sự buồn cùng bảy sự vui ông Thánh Giuse” và nhiều kinh nữa. Ngài cũng rất giàu lòng ái quốc. Hễ ai có dự tính giải thoát VN khỏi ách nô lệ ngoại bang thì ngài vội vàng ủng hộ.

6- Cha Anrê Bùi Quang Lược (1877–1907–1936). Có đời sống thánh thiện. Hồi còn học ở chủng viện, ngài được bạn bè tặng cho biệt danh “Đức Mẹ” vì (1) khuôn mặt đơn sơ như Đức Mẹ, (2) giọng nói, cử chỉ, điệu bộ như phụ nữ, (3) lối sống hằng ngày rất nhiệm nhặt, (4) cách ăn mặc cũng giản dị: bộ quần áo vải dù cũ, một cái mũ trắng méo xiên méo xẹo, một cái dù đen rách nát.

7- Cha Tôma Trương Đình Điểm (1883–1912–1932). Trước có tên là Đức (Đức Võ) sau đổi lại thành Điểm. Nguyên hồi ấy ở tiểu chủng viện An Ninh có 2 chú Đức: Đức An Vân và Đức Nam Tây. Để khỏi nhầm, cha giám đốc Antoine Stoeffler (cố Thể) đặt Đức An Vân là Đức Văn vì thông thạo chữ nho, còn Đức Nam Tây gọi là Đức Võ, vì có đôi chút võ nghệ.

8- Cha Anrê Bùi Quang Tịch (1895–1926–1977). Được khen ngợi vì đã làm giáo sư và giám đốc Tiểu chủng viện Huế 27 năm trời (1930-1953, 1958-1961). Tiếp đến làm quản xứ Trí Bưu (1961-1968). Ngài có cuộc sống rất nhiệm nhặt, khó nghèo, món ăn thường ngày rất thanh đạm: rau muống và muối cà. Những khi ngồi cầu nguyện lâu giờ trong nhà thờ, không bao giờ dựa lưng vào thành ghế. Sau đó ngài gia nhập Đan viện Xitô Phước Sơn (1968), bị nhà nước giam tù một thời gian sau năm 1975, và nêu gương thánh thiện cho đến hết đời.

B- Tu sĩ nam nữ

  1. Simon Lê Hân (Dòng Con Thiên Chúa)
  2. Giuse Lê Hiến (Dòng Xitô)
  3. Phaolô Lê Duy Hùng (Dòng Gioan Thiên Chúa, Phillipin)

C- Giáo dân qua các thời kỳ           

– Năm 2011: 543 người.

– Năm 2015: 600 người.

– Năm 2020: 601 người

***************************************

PHỤ LỤC

GIÁO XỨ NAM TÂY – HỒNG ÂN TỬ ĐẠO NĂM 1885

Cuộc tuẫn giáo năm 1885 là biến cố lớn nhất suốt mấy trăm năm từ ngày giáo xứ Nam Tây thành lập cho đến bây giờ.

Tháng 9 năm 1885, quân Văn Thân đã thực hiện một cuộc tàn sát người Kitô hữu rất quy mô, vô cùng dã man và rùng rợn tại Quảng Trị, với con số 8.585 giáo dân bị giết : tại vùng Đất Đỏ có 1.666 người, vùng Bái Trời có 2.013 người, vùng Dinh Cát có 4.642 người và vùng Thanh Hương có 264 người.

Tóm tắt về cuộc tàn sát tại vùng Bái Trời (Nam Tây-Bái Sơn) như sau :

Sau khi thực hiện xong cuộc thảm sát 500 giáo dân giáo xứ Gia Bình[6] và các giáo họ, ngày 8 tháng 9 năm 1885, một ngàn quân Văn Thân kéo qua giáo xứ Nam Tây (lúc ấy nằm trong xã Nam Dương Tây, tổng An Mỹ Thượng, huyện Gio Linh, phía tây bắc Quảng Trị, mạn bắc Cam Lộ).

Trước đó, sáng ngày 06-09-19885, cha phó Nam Tây Giuse Dương Đức Thành vào Quảng Trị để dò xem tình hình. Trên đường tới Quảng Trị, cha Thành bị viên chánh tổng tên Mũng bắt tại một quán cơm gần Ái Tử cạnh quốc lộ. Hắn ta đoạt con ngựa của cha rồi lôi cha vào Quảng Trị. Tại đây, cha bị đánh đập tra khảo, bắt phải nhận tội liên lạc với Tây. Cha cương quyết phủ nhận. Quân Văn Thân dẫn cha Thành đi tới phía ngoài Cửa Hậu Cổ Thành rồi hạ sát nơi gọi là Lò Rèn sáng ngày 07-09-1885.

Nhờ biết tin sớm và có thời gian chuẩn bị, cha quản xứ Gioan Trần Minh Châu đã tỉnh táo hướng dẫn giáo dân Nam Tây chạy qua Bái Sơn lánh nạn. Vì vậy khi quân Văn Thân kéo đến thì Nam Tây chỉ còn là nơi vườn không nhà trống, nên họ đã phóng hỏa đốt nhà thờ. Họ cũng đã chuẩn bị một số người theo sau với nhiều quang gánh để có thể mang đi tất cả những tài sản của giáo dân Nam Tây : lúa thóc, trâu bò, heo gà, bàn ghế, chén bát, nồi niêu, soong chảo, rồi còn chặt cây, dỡ nhà lấy gỗ ván. Sau khi vơ vét xong, họ phóng hỏa đốt trụi tất cả những gì không thể mang đi được.

Vài ngày sau, thầy Sáu Cang cùng giáo dân Nhu Lý Rú, một giáo họ của Nam Tây, cũng có mặt. Rồi đến các giáo họ xa gần trong giáo hạt Bái Trời đều tập trung về Bái Sơn để cùng nhau tự vệ. Cha Gioan Trần Minh Châu, cha Phaolô Lê Viết Luận và thầy Sáu Cang họp thành “bộ chỉ huy lâm thời”.

Bái Sơn ngày ấy là một giáo xứ xinh đẹp nằm trên cao nguyên Cùa thơ mộng (tổng An Mỹ Thượng, huyện Gio Linh). Chưa kể giáo họ An Hòa, Bái Sơn lúc đó có hơn 500 giáo hữu. Linh mục quản xứ Phaolô Lê Viết Luận đã ngoài 50 tuổi vẫn còn năng nổ, tháo vát, tích cực trong việc tổ chức phòng vệ chống Văn Thân.

Quân Văn Thân vùng Cam Lộ được sự yểm trợ của quan binh sở tại, quyết làm cỏ Bái Sơn. Họ dồn dập mở nhiều đợt tấn công nhưng đều thất bại. Trong tuần lễ đầu tự vệ, các giáo dân ở Bái Sơn hiên ngang trong hàng ngũ của mình, chưa hề sơ sẩy. Chỉ có điều làm cho “Bộ chỉ huy” lo lắng là số giáo dân quá đông đảo, mà lương thực quá giới hạn.

Ngày 14-9-1885 một cựu chủng sinh đại chủng viện ở Tân Yên (Cam Lộ, một giáo họ của Nam Tây) đưa tin cho các cha : một toán đông Văn Thân được đại đồn Tân Sở vũ trang đang nhắm hướng Bái Sơn tiến về. Lực lượng tự vệ lập tức triển khai. Quá ngọ, Văn Thân đã bao vây khu vực nhà thờ, lính vũ trang đi trước bày la liệt nào giáo mác, súng thần công, vũ khí đạn dược… Phụ nữ và người nhà của họ theo sau, gồng quang gánh chờ vơ vét tài sản mang về, vì họ tin cuộc tấn công sẽ tất thắng. Văn Thân nã đại bác phá rào ải, giáo dân ở Bái Sơn với vũ khí thô sơ có phần nao núng. Gần tối thì sự kháng cự đã trở thành vô hiệu, Bái Sơn hấp hối trước các loạt đại bác ghê hồn. Hai cha và thầy Sáu Cang dự đoán sẽ một cuộc thàm sát tập thể thảm khốc. Việc các ngài có thể làm được là cử hành “Thánh lễ Ly biệt”. Vì vậy, các ngài cho dọn bàn thờ ngay trước tiền đường, vì giáo dân quá đông nhà thờ nhỏ không chứa hết. Đèn đuốc thắp lên, hai cha mặc áo lễ đỏ từ phòng áo bước ra. Cha Phaolô Luận mời gọi giáo dân ăn năn tội cách trọn, dọn mình chết lành, rồi hai cha đứng trước tiền đường giải tội lòng lành cho họ.

Văn Thân đã phá được một mảng hàng rào định xông vào chém giết, bỗng thấy trước nhà thờ đèn đuốc sáng choang, người người lố nhố, có cả mấy ông Tây (linh mục Luận có bộ râu xồm, mặc áo lễ, đứng xa trông như Tây!), một người trong bọn la lớn : “Ớ bây có Tây, có Tây!” rồi tất cả nhao lên: “Tây tới! Tây tới! Rút lui!”. Văn Thân hoảng hốt tháo chạy. Tự vệ Bái Sơn thừa cơ đuổi theo thu được một số vũ khí, đạn dược và lương thực. Hai vị linh mục quá hăng hái đuổi theo Văn Thân, khi qua suối bị vướng víu mới nhớ ra mình đang mặc áo lễ.

Với số vũ khí thu được, tự vệ Bái Sơn đẩy lùi được nhiều cuộc tấn công của Văn Thân. Cuộc chiến dằng dai hơn một tháng bất phân thắng bại. Nhưng Bái Sơn không thể trụ mãi vì lương thực cạn dần, nhiều giáo dân lẻn ra ngoài kiếm sắn khoai đều bị giết, tình cảnh Bái Sơn thật éo le thê thảm. Cha Gioan Châu cử vài liên lạc viên về tỉnh thành Quảng Trị nhưng không thấy hồi báo. Cuối cùng thầy Sáu Cang được cử vượt vòng vây về Quảng Trị xin viện binh. Một đoàn viện binh, có cha Emile Mathey (cố Thiện, quản xứ Trí Bưu) đi theo, khởi hành ngày 12-10-1885 trên 30 ghe tam bản ngược sông Cam Lộ lên Bái Sơn cứu viện.

Nhưng trước đó ở Bái Sơn tình hình diễn biến theo hướng khác. Ngày 10-10-1885 Văn Thân cử phái đoàn sang nghị hòa, mang theo cả lương thực làm tặng phẩm chứng tỏ lòng thành của họ. Họ đổ lỗi việc ngu dại của mình là do Tôn Thất Thuyết ép buộc, bây giờ nhận ra sự thật nên lấy làm áy náy, xin được giải hòa xóa tan hiềm khích. Văn Thân còn mời các cha đến dự tiệc, tiếp tục bàn chuyện nghị hòa ở địa điểm khe suối, ranh giới giữa An Hòa và Bái Sơn. Dĩ nhiên các mục tử không mong muốn gì hơn là cuộc chiến kết thúc và toàn thể giáo dân được lành lặn, nên cha quản xứ Nam Tây Gioan Châu, dẫu có nghi ngờ dã tâm của họ, cũng vui vẻ cùng 5 sứ giả hòa đàm (Thầy Xuân, Trùm Nhung, Thợ Giả và hai giáo dân khác) lên đường phó hội. Trước khi đi cha còn dặn tự vệ phải kiên cường phòng thủ, bất luận thế nào cũng không mở cửa cho ai vào, chờ viện binh.

Quả thật Bái Sơn đã trúng kế: cha Gioan Châu và 5 thành viên bị bắt, Văn Thân dùng sinh mạng các ngài buộc Bái Sơn đầu hàng. Việc bất thành, cai tổng Mũng ra lệnh hành quyết 6 cha con ở nơi gọi là Hố Cút, rồi đem bêu đầu trước nhà thờ Bái Sơn.

Không chờ được viện binh, lương thực hết, đêm ấy cha Phaolô Luận cùng 60 giáo dân bỏ Bái Sơn, vượt rào trại chạy về tỉnh Quảng Trị, 600 giáo dân như rắn mất đầu túa vào rừng lánh nạn. Rạng ngày hôm sau (11-10-1885) Văn Thân tràn vào Bái Sơn chém giết hơn 200 sinh mạng, gồm toàn là người già cả ốm đau không chạy được, rồi phóng hỏa đốt nhà thờ, nhà cửa và rào trại, vơ vét tài sản mang đi.

Khi viện binh đến nơi thì Văn Thân đã rút lui, chỉ còn vài thủ lĩnh lảng vảng đâu đó dò xem tình hình…

Khoảng 8 tháng sau biến cố diệt chủng này, kiểm tra kỹ lưỡng sổ sách các giáo xứ và giáo họ thuộc hạt Bái Trời, người ta biết số giáo dân chết và mất tích lên tới 2013 người !

Sau tết Nguyên Đán 1889, tức là khoảng ba năm rưỡi sau, cha Phaolô Lê Viết Luận tổ chức truy tìm hài cốt cha Gioan Châu, đồng thời qui tập hài cốt giáo dân các họ thuộc hạt Bái Trời đưa về qui táng trong lăng tử đạo Bái Sơn.

Tổng hợp bài viết của Lê Thiện Sĩ và Lê Ngọc Bích

————————————————————————-

[1] 1615: linh mục dòng Tên đầu tiên Diego de Carvalho đến ; 1783: linh mục dòng Tên cuối cùng Amoretti mất.

[2] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques I (1658-1728). Paris, Téqui, 1923, tr. 333

[3] Theo “Tiểu sử các linh mục Huế” của các cha A. Delvaux và Giuse Nguyễn Văn Hội

[4] Theo Lê Ngọc Bích, Nhân vật Giáo phận Huế, 2000, tập I, tr. 78-82

[5] Khi cha Nguyễn Đức Hòa chuẩn bị đi Pháp (tháng 6-2013 để gia nhập hội Thừa sai Hải ngoại Paris), ngài cho dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng 1 ngôi nhà ở Cam Lộ và quý chị đã ra đó ở cùng giúp mục vụ. Vì ở Cam Lộ đã dòng Mến Thánh Giá phục vụ rồi nên cộng đoàn Con Đức Mẹ Đi Viếng đến Nam Tây. Trong dịp khánh thành nhà thờ Nam Tây, quý chị đã dàn dựng chương trình diễn nguyện rất vui vẻ. Hiện tại, qua sự giới thiệu của cha Huỳnh Văn Nguyên, dòng đã mua đưc một lô đất sát bên nhà thờ Nam Tây và nay đang được cha lẫn giáo xứ giúp xây nhà ở cho cộng đoàn các chị. Như vậy dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng đã làm mục vụ ở đó cũng được 4-5 năm rồi.

[6] Giáo xứ Gia Bình thuộc tổng An Định, huyện Gio Linh, trong địa bàn Bái Trời (Cồn Tiên), một vùng núi non gần hai đại đồn Văn Thân ở Cam Lộ và Yên Dã (theo Lê Ngọc Bích, Nhân vật Giáo phận Huế t. I, 2000, tr. 77).

**********************************

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế