Lược sử Giáo sở Nước Ngọt

11/12/2019

GIÁO SỞ NƯỚC NGỌT

GIÁO XỨ NƯỚC NGỌT – GIÁO HỌ ĐẬP

GIÁO XỨ NƯỚC NGỌT

Nhà thờ Nước Ngọt 

Lược sử

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Nước Ngọt, Giáo hạt Hải Vân, nằm trên địa bàn xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa Giám mục khoảng 42km theo đường chim bay về hướng đông đông nam.

Giáo sở Nước Ngọt trước đây bao gồm giáo xứ Nước Ngọt và các giáo họ Thủy Yên, Thủy Cam, Phú Xuyên, Phước Hưng và Đập. Nhưng từ tháng 2-2005, theo quyết định của toà TGM Huế, giáo sở được chia làm ba: Giáo sở Thủy Yên gồm Thủy Yên và Thủy Cam (2005); Giáo sở Phú Xuyên gồm Phú Xuyên và Phước Hưng (2006); Giáo sở Nước Ngọt gồm Nước Ngọt và Đập.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Được các linh mục hội Thừa sai Hải ngoại Paris thành lập

Theo lịch sử, tên cộng đoàn Nước Ngọt được nhắc đến lần đầu tiên trong nhật ký mà Đức cha Armand François Lefèbvre (1709-1743-1760), Đại diện Tông tòa Giáo phận Đàng Trong, từ Huế gởi cho giáo sĩ J.B. Maigrot của hội Thừa sai Paris (MEP) ở Macao năm 1747. Nhật ký này ghi lại chuyến kinh lý của Đức Khâm sai Hilario Costa di Jesu từ Đàng Ngoài vào Huế tháng 6-1747 để phân chia vùng cho các nhóm thừa sai đang tranh chấp nhau lãnh thổ. Lúc ấy có ba nhà thờ ở Cầu Hai, Nước Ngọt, Hói Mít mà ban đầu Đức Khâm sai trao cho các linh mục người Ý (thuộc bộ Truyền bá Đức tin) nhưng sau đó đã lấy lui để trả lại cho các linh mục hội Thừa sai Hải ngoại Paris vì chính các ngài, cụ thể là cha Jean-Antoine de la Court và cha Guillaume Rivoal đã và đang lui tới coi sóc cùng chịu đau khổ ở đó.[1] Như thế, giáo xứ Nước Ngọt có thể đã do chính các cha MEP thành lập trước năm 1747, và số giáo dân Nước Ngọt ở thời điểm này là 50 người[2]. Đó là vào đời chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát (1714-1738-1765).

2- Lớn lên trong gian khổ và bách hại.

Năm 1750, chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát ra tay bách hại đạo, dù từ năm 1741, ông đã lần lượt chọn 2 cha dòng Tên Jean Siebert rồi Jean Koeffler làm “thày toán học” trong triều. Một trong những lý do là nhiều thương gia ngoại quốc có những hành động xấc ngược, chọc giận nhà chúa và các quan. Như Le Poivre, thành viên công ty Đông-Ấn thuộc Pháp, vì không hài lòng trong việc điều đình, đã bắt cóc Micae Cường, thuộc hạ của chúa, làm con tin năm 1749. Triều đình liền tống giam 3 thừa sai cho đến khi Micae được trả về. Sau đó Võ vương ra sắc chỉ cấm đạo, lệnh cho các quan trấn đi bắt các thừa sai tập trung về Kinh đô và Quảng Nam. Tháng 8-1750, 27 thừa sai và 2 Đức Cha chánh phó Armand Lefèbvre và Edmond Bennetat phải lên tàu Bồ Đào Nha về Macao.

Điều đó khiến cho các họ đạo ở Đàng Trong, cụ thể là Giáo phận Huế, trong đó có Nước Ngọt, chẳng còn mục tử lui tới chăm sóc nữa.

Đến thời vua Tự Đức, cơn bắt đạo càng rõ rệt và tàn bạo hơn nữa, như vụ Phân sáp xảy ra năm 1860. Giáo dân vùng Phú Lộc như Truồi, Cầu Hai, Châu Mới, Hói Mít và Nước Ngọt, dù nằm nơi hẻo lánh, cũng bị bách hại. Thời kỳ Phân sáp nầy, nhiều tín hữu thuộc các xứ đạo trên đây bị tập trung về nhà giam ở Phú Lộc, tại Cồn Cát[3], trên bờ sông Nước Ngọt. Đến năm 1863, nhà vua mới tha đạo.

Khi Giáo hội được tự do, Đức Giám mục Joseph Hyacinthe Sohier (Bình) mới sắp xếp lại Giáo phận, phân định giáo sở, giáo xứ và phân nhiệm các mục tử. Nghĩa là mỗi vùng hay mỗi giáo xứ một cha sở, thường xuyên lo mục vụ trong địa bàn giáo xứ mình, không còn lưu động như trước đây nữa.

Từ đó, 1868, cả vùng Phú Lộc có Quản xứ chính thức đầu tiên là cha Têphanô Đặng Văn Hiệp, gốc người An Vân (1836-1867-1903). Ngài cai quản Châu Mới kiêm Nước Ngọt, có lẽ cho tới 1880.

Từ năm 1880, cha Giuse Tống Văn Vĩnh (1825-1879-1883) được Đức Giám mục Pontvianne (Phong) bổ nhiệm làm Quản xứ Nước Ngọt kiêm Châu Mới. Tháng 12-1883, với chủ trương Bình Tây Sát Tả (đánh Pháp giết Đạo), quân Văn Thân ở vùng nam Thừa Thiên, dưới cái tên “Đoàn Kiệt Sĩ” và dưới sự điều khiển của phò mã Cát, quyết tàn sát lẫn cướp bóc các họ đạo Truồi, Cầu Hai, Châu Mới, Nước Ngọt. Cha xứ Giuse biết được tin này, vẫn nhất định ở lại với nhà thờ và xứ đạo. Ngài tập trung giáo dân và nói với họ: “Anh chị em ai muốn trốn thì trốn, còn tôi già rồi, đành ở lại”. Suốt đêm đó, cha ngồi tòa giải tội. Đến sáng, lúc cha đang chuẩn bị dâng lễ thì quân Văn Thân đến. Vừa thấy cha, chúng dùng mã tấu chém ngay đầu. Cha Vĩnh chết ngay tại chỗ và bị ném xuống giếng gần đó. Chúng còn thiêu sát 44 giáo dân trong nhà thờ.

Sau sự biến trên, năm 1885, cha Anphong Trần Bá Lữ (1845-1884-1913), phó Phủ Cam, được phái về Nước Ngọt qui tụ giáo dân bị tản mác và củng cố họ đạo, dựng một nhà thờ mới bằng tranh tre bên cạnh nền nhà thờ cũ, đồng thời cũng kiêm luôn Châu Mới, thậm chí còn lo mục vụ cả vùng phía nam Giáo phận từ Cầu Hai trở vào và phía biển như Hà Úc, Diêm Tụ v.v… Vị mục tử “bao sân” này hoạt động cho tới năm 1890.

Năm 1890, Đức Cha Caspar đặt cha Giuse Nguyễn Thế Chánh (1852-1889-1918), phó xứ Diêm Tụ dưới quyền chánh xứ François Antoine Stoeffler (Cố Thể), phụ trách các họ đạo vùng Phú Lộc, trong đó có Cầu Hai, Châu Mới và Nước Ngọt.

3- Tái thiết và phát triển

Có thể nói từ năm 1894, Nước Ngọt liên tục có các quản xứ của riêng mình.

3-1. Từ 1894 đến 1915, cha Giuse Nguyễn Thế Chánh làm quản xứ Nước Ngọt kiêm Cầu Hai, Châu Mới như những giáo họ. Trong thời gian này, ngài đã cho dời xác cha Giuse Tống Văn Vĩnh cùng 44 giáo dân và cải táng tại lăng tử đạo[4] Nước Ngọt. Lăng tử đạo này xây trên nền nhà thờ cũ (đã bị Văn Thân đốt), nằm sâu trong làng, giữa một vùng cát trắng phau, dân cư thưa thớt, bên cạnh đó là nghĩa trang giáo xứ hiện thời[5].

 

Lăng Tử đạo giáo xứ Nước Ngọt được trùng tu 24-11-2000

3-2. Tháng 4-1915 cha Nguyễn Thế Chánh được đổi đi làm Quản xứ Sư Lỗ. Thay thế ngài là cha Jules Jos. Montagnon (cố Minh, 1873-1899-1926), trông coi Nước Ngọt cho đến năm 1918.

3-3. Kế nhiệm là cha Matthêô Nguyễn Linh Giáo (1882-1912-1950). Từ 1918 đến 1920.

3-4. Cha GB. Nguyễn Văn Hân (1889-1915-1962) về Nước Ngọt từ đầu năm 1921. Ngài dời nhà thờ ra chỗ quang ánh hơn (địa điểm hiện thời) và khởi công xây dựng nhà thờ mới nhưng chưa hoàn thành thì đến tháng 9-1925, ngài đổi ra làm giáo sư tiểu chủng viện An Ninh.

3-5. Cha Raphael Fasseaux (cố Phương, 1896-1923-1969) lần 1 (1925-1933)

Năm 1925, vừa về nhận xứ, cố đã bắt tay vào xây dựng và hoàn thành nhà thờ (hiện tồn). Cố còn để lại nhiều công trình vật chất cũng như tinh thần cho Giáo sở Nước Ngọt nói riêng và lương dân trong vùng nói chung: nhà xứ; trường học do các chị Dòng CĐMVN phụ trách và lưu trú.

Ngài mở rộng mô hình nầy ra các làng lân cận (sau nầy thành các giáo họ): Thủy Yên, Thủy Cam, Phú Xuyên và Phước Hưng và Đập. Như xây bệnh xá, vận động kinh phí ở quê nhà (Bỉ) để mua ruộng đất cho giáo sở và sở các nữ tu, ngõ hầu có phương tiện sinh hoạt.

3-6. Cha Jean Viry (cố Vị, 1902-1926-1986). Từ 1933 đến 1934, thế cha Fasseaux được điều về đại chủng viện. Cha Cha Vinhsơn Nguyễn Thế Thảo làm phó xứ.

3-7. Cha Vinhsơn Nguyễn Thế Thảo (1900-1932-1947) kế nhiệm, coi sóc từ 1934 đến 1937.

3-8. Cha Raphael Fasseaux (cố Phương) lần 2 (1937-1942). Thành lập giáo họ Đập (mà từ gốc là Đập Pasteur. Xem dưới).

3-9. Cha Anrê Nguyễn Văn Cần (1904-1934-1993), từ 1942 đến 1946.

3-10. Cha GB. Trần Hữu Quí (1905-1936-1953). Anh ruột của cha Trần Hữu Tôn và Trần Hữu Thanh. Quản sở từ 1946 đến 1953. Ở đây, ngài trổ tài kinh doanh, khai thác gỗ trong rừng.

3-11. Cha Antôn Nguyễn Văn Bằng (1896-1926-1983). Từ 1953 đến 1955. Có cha Phaolô Tống Văn Đơn ở phó.

3-12. Cha Giuse Lê Văn Hộ (1907-1936-1969), từ 1955 đến 1959. Lập trường tiểu học Mẫu Tâm tại Cầu Hai.

3-13. Cha Giuse Trần Thế Hưng (1912-1940-1981), từ 1959 đến 1963.

3-14. Cha Giacôbê Trần Văn Thời (1923-1950-1994), từ 1963 đến 1968. Vụ Tết Mậu Thân (1968) ngài bị bắt đem lên núi 2 tháng 5 ngày rồi được thả về Huế, lãnh bài sai, đi coi xứ Tây Linh.

3-15. Cha Stanislao Nguyễn Văn Ngọc (1910-1942-1992). Từ 1968 đến 1975, kiêm hạt trưởng Thủy Nam. Vào linh mục đoàn, Hội đồng Mục vụ từ 1968 đến 1975.

3-16. Cha Phaolô Nguyễn Văn Hiển (1933-1964-2017) từ 1975 đến 1999.

Trong giai đoạn đầy khó khăn của thời cuộc này, ngài đã để lại cho giáo sở nhiều công trình giúp ích cho giáo sở và xã hội: tháp chuông nhà thờ Nước Ngọt; tường rào nhà thờ (một phần); những cây cầu ở Thủy Yên (cầu Rào Bại), Mụ Rết, Đập; những con đường: Thủy Yên, Thủy Cam, Đập; đập nước Thủy Yên (lấy nước cho ruộng đồng cả vùng).

Trong quá khứ, dân 3 phường Cam Thủy (nay là Thủy Cam), Thủy An (Thủy Yên) và Bái Đáp đắp đập ở dòng sông Phú Xuyên để lấy nước tưới ruộng.[6] Năm 1993, cha Phaolô Nguyễn Văn Hiển đã phục hồi và cho xây đập để lấy nước tưới ruộng, giải quyết vấn đề thiếu nước vào các tháng khô hạn. Đập gồm đập tràn và đập ngăn có tay quay bằng sắt. Nước được dẫn vào các con mương dài cả cây số, chạy dọc dài theo các chân ruộng và tưới đều các ruộng nầy. Kinh nghiệm làm ruộng người xưa được lặp lại ở đây.

3-17. Cha Giuse Nguyễn Văn Chánh (1948-1975-) từ 1999 đến 2001.

Cha về giáo xứ vỏn vẹn 02 năm nhưng đã để lại các công trình: gác đàn ca đoàn; nhà hội; lăng Tử đạo (trùng tu) tại nền nhà thờ cũ; cung thánh nhà thờ giáo họ Đập (mở rộng); chia giáo sở thành 7 khu vực để sinh hoạt.

3-18. Cha Giacôbê Lê Sĩ Hiền (1942-1972-) từ 2001 đến 2006.

Là một con người năng động và thích kiến thiết, ngài đã để lại các công trình: cầu Ri lên vùng kinh tế mới; văn phòng hội đồng Giáo xứ; nhà thờ Phú Xuyên; nhà thờ Thủy Yên; chặng đàng Thánh giá lộ thiên; tấm bia ở Lăng Tử đạo; cánh gà bên trái nhà thờ; một phần tường thành nhà thờ.

Từ tháng 2-2005, theo quyết định của Đức Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể, giáo sở được chia làm ba: giáo sở Thủy Yên gồm Thủy Yên và Thủy Cam (2005); giáo sở Phú Xuyên gồm Phú Xuyên và Phước Hưng (2006); giáo sở Nước Ngọt gồm Nước Ngọt và Đập.

3-19. Cha Phaolô Nguyễn Trọng (1950-1976-) Từ 2006 đến 2015.

Là một con người luôn nhạy cảm với nỗi đau khổ của đoàn chiên, ngài đã thực hiện các công trình: xây hàng chục căn nhà tình nghĩa cho người nghèo không phân biệt lương giáo; đổ bê-tông con đường vào lăng Tử đạo, vào giáo họ Đập; xây một phần tường thành quanh khuôn viên nhà thờ; xây hai đài Thánh Giuse và Đức Mẹ; xây nhà xứ mới; tu sửa và tân trang nhà thờ: lát gạch nền nhà thờ, ốp gỗ trụ và sàn cung thánh, sửa sang cung thánh. Nới rộng hành lang hai bên nhà thờ.

3-20- Cha Phanxicô Xaviê Hồ Văn Uyển (1977-2007-). Từ tháng 07-2015….

Đặt tượng đài Lòng Chúa Thương xót. Xây dãy nhà giáo lý.

 

Bên trong nhà thờ Nước Ngọt

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục:

1) Phaolô Trần Văn Lượng (1915-1947-1974)

2) Matthêô Trần Thanh Minh (1926-1953-2005).

3) Phêrô Nguyễn Quang Duy  (1944-1975-) : Dòng Chúa Cứu Thế.

4) Giuse Nguyễn Như Bích (Hoa Kỳ)

5) Cha Nguyễn Văn Tin (Hoa Kỳ)

6) Gioan Baotixita Nguyễn Thế Tòng (1968-2004-)

7) Phêrô Nguyễn Bính (1979-2015-)

8) Micae Nguyễn Văn Huy (1981-2016-)

9) Giuse Nguyễn Hữu Quốc Huy (1981-2016-)

10) Matthêu Phan Văn Tuyên (1984-2018-)

11) Gioan Baotixita Nguyễn Như Tuấn (1986-2019-)

2- Đại chủng sinh:

– Giacôbê Nguyễn Ngọc Tuấn

– Giuse Nguyễn Minh Hải

– Matthêu Nguyễn Thành

– Giacôbê Trần Minh Quý      

3- Tu sĩ:

– Nam:

– Matthêu Nguyễn Khẩn (Dòng Thánh Tâm)

– Giuse Nguyễn Quang Phúc (Dòng Chúa Cứu Thế)

– Phêrô Nguyễn Quang Phùng (Dòng Chúa Cứu Thế)

– Giuse Nguyễn Hữu Quốc Vương (Dòng Tên)

– Nữ   

* Dòng Mến Thánh Giá

– Matta Nguyễn Thị Thiên (sn: 28-05-1928; vk: 23-01-1973)

– Têrêxa Nguyễn Thị Lý (sn: 20-12-1929; vk: 03-06-1971)

– Têrêxa Nguyễn Thị Biên (sn: 21-10-1946; vk: 14-07-1976)

– Maria Trần Thị Thanh Bình (sn: 28-12-1970; vk: 16-06-2008)

– Matta Nguyễn Thị Nhật Thúy (sn: 08-10-1984; vk: 15-06-2015)

– Agata Nguyễn Thị Kim Tuyến (sn: 02-11-1990; tk: 15-06-2016

– Isave Nguyễn Thị Nguyện (sn: 21-09-1989 ; tk: 15-06-2015)

* Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm

– Julienne Maria Trần Thị Thương (sn: 13-07-1913; vk: 05-08-1942; qđ: 09-03-2003)

– Anna Trần Thị Hiến (sn: 1949; vk: 1983)

– Mađalêna Nguyễn Thị Điệp (sn: 1963; vk: 1997)

– M. Catarina Nguyễn Thị Tâm Anh (sn: 1978; vk: 2009)

– Catarina Trần Thị Kim Sa (sn: 1980; vk: 2012)

– Maria Trần Thị Loan (sn: 1977; vk: 2010)

– Catarina Nguyễn Thị Tâm Anh (sn: 1978; vk: 2009)

* Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng

– Maria Nguyễn Thị Phú (sn: 01-11-1956; vk: 31-05-1987)

– Anna Huỳnh Thị Thành (sn: 01-11-1955; vk: 30-05-1987)

– Têrêxa Trần Thị Kim Ánh (sn: 22-05-1960; vk: 22-08-1997)

– Maria Huỳnh Thị Bích Thủy

– Maria Nguyễn Thị Hải Dương

* Dòng Thánh Phaolô

– Matta Nguyễn Thị Xuân.

– Nguyễn Thị Minh.

 4- Giáo dân:

Năm 1747:      50 người.

Năm 1937:      500 người.

Năm 1939:      1902 người.

Năm 1994:      1500 người.

Năm 1999:      3503 người.

Năm 2000:      3940 người.

Năm 2016:      2.383 người

Năm 2018:      2.678 người

Năm 2020:      2.456 người

Đa số giáo dân Nước Ngọt đều sống bằng nghề làm ruộng, trồng khoai sắn, đốn củi, đốt than, cưa xẻ gỗ…..

******************************************

GIÁO HỌ ĐẬP

1. Vị trí địa lý

Giáo họ Đập ở cách nhà thờ Nước Ngọt khoảng 2,5km về phía đông nam, thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

2. Nguồn gốc hình thành và nguồn gốc tên gọi

Từ xa xưa, vùng nầy gọi là xóm Giáp Đông, thuộc làng Thủy Yên.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phong trào truyền giáo ở khu vực Nước Ngọt khá phát triển nên “hạt giống Tin mừng” đã được gieo trên vùng đất nầy.

Trong khoảng thời gian ấy, người Pháp đã xây một cái đập để giữ nước tưới tiêu cho vùng nông nghiệp rộng lớn nơi đây, với tên gọi là “Đập Pasteur”.

Năm 1937, cha Raphael Fasseaux (cố Phương) trở lại làm quản xứ Nước Ngọt lần thứ 2 (1937-1942) kiêm xóm Giáp Đông. Với phương thức truyền giáo bằng cách lập nhà thương, phát thuốc men, xây trường học, cha đã khiến nên nhiều người tin theo Chúa. Khi số tín hữu khá đông, ngài đã cho xây dựng nhà thờ và thành lập giáo họ lấy tên là giáo họ Đập Pasteur. Nhưng về sau người ta đã bỏ chữ “Pasteur”, còn lại chữ “Đập” mà thôi.

Về ngôi nhà thờ, nó cùng chung số phận với các nhà thờ Thủy Yên, Thủy Cam, bị bình địa trong biến cố Mậu Thân năm 1968. Nền nhà thờ và đất vườn vẫn còn đó, nhưng không thể sử dụng được, nên giáo họ mượn nhà nguyện của các chị Dòng CĐMVN làm nhà thờ để sinh hoạt phụng vụ.

Từ năm 1995, đường dây điện cao thế 500KW quốc gia đi ngang qua trên nền đất và vườn nhà thờ nầy, nên không thể xây lại nhà thờ được.

3. Sinh hoạt giáo họ Đập

Cuộc sống ở đây rất cơ cực, nhất là sau biến cố 1975, nên nhiều người dân đã lưu tán khắp nơi để làm ăn. Số còn lại thì ít học, lao động chân tay, nhưng có tấm lòng nhiệt thành. Họ là những người mới theo đạo.

– Có 58 hộ, khoảng 295 người (8/2016).

– Có 2 nữ tu Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm giúp xứ và dạy giáo lý.

– Mỗi tuần có Thánh lễ vào chiều Thứ hai, Thứ tư và Chúa nhật vào lúc 09g00.

**********************************************

Phụ lục[7]

VỊ TÔNG ĐỒ GIÁO SỞ NƯỚC NGỌT.

 

Chân dung Linh mục Raphaël Antoine Fasseaux (Cố Phương)

Theo dòng thời gian hơn nửa thế kỷ trôi qua, mọi người lương giáo ở tại vùng Nước Ngọt, Lộc Thuỷ, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế không ai không biết đến hai vị tiền bối khả kính là Linh mục Raphaël Fasseaux (Cố Phương, Hội Thừa sai Paris) và Nữ tu Anna Đỗ Thị Uyển (O Benoîte, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm). Đây là hai nhà truyền giáo đã khó nhọc và dày công khai sáng, ươm mầm và xây dựng đức tin cho vùng Nước Ngọt, đồng thời cũng là ân nhân cứu khổ, cứu nạn cho cư dân bản địa trong thời gian khó khăn chiến tranh đầu thế kỷ 20. Về mặt tôn giáo, Cố Fasseaux là một khuôn mặt mục tử điển hình của giáo phận Huế. Nhiều giáo dân và linh mục Huế nói rằng: Cố Fasseaux là “một ông thánh sống”[1]. Cố có một đời sống đạo đức, bác ái, đơn sơ, khó nghèo, và là người phục vụ công cuộc truyền giáo tại Thừa Thiên không biết mệt mỏi.

1- Tiểu sử [2] :

Cha mẹ Cố Fasseaux [3] là người Bỉ, sống ở Strée, một làng của miền Hainaut, thuộc giáo phận Tournai, nước Bỉ. Họ di cư qua Canada lập nghiệp. Cố Fasseaux sinh ngày 20 tháng 1 năm 1896 tại Saint-Jean de la Grande-Clairière, giáo phận Manitoba, miền trung nước Canada. Sau khi đứa con đầu của họ qua đời, cha mẹ Cố Fasseaux về lại quê cũ.

Từ năm 1900 đến 1906 ngài học cấp I tại Strée. Sau đó, ngài theo anh mình vào tiểu chủng viện giáo phận Cambrai, bắc nước Pháp và học cấp II tại đó. Anh của ngài thụ phong linh mục cho giáo phận Cambrai, còn ngài vẫn thuộc về giáo phận Tournai, Bỉ. Ngày 18 tháng 9 năm 1913, ngài xin vào học chủng viện của hội Thừa sai Paris. Trong thời gian Thế chiến thứ I, ngài về quê giúp cha mẹ và cuối năm 1918 vào lại chủng viện. Ngài chịu chức cắt tóc ngày 20 tháng 12 năm 1919, các chức nhỏ ngày 24 tháng 9 năm 1921, chức phụ phó tế ngày 11 tháng 3 năm 1922, chức phó tế ngày 23 tháng 9 năm 1922, chức linh mục ngày 23 tháng 12 năm 1922, và ngày 5 tháng 2 năm 1923, ngài được gởi qua phục vụ giáo phận Bắc Đàng Trong (Huế bây giờ). Ngày 16 tháng 4 năm 1923 ngài đến nhiệm sở.

Khi Cố Fasseaux tới Huế, Đức cha Allys (Lý, 1852-1936) niềm nở đón ngài và bổ nhiệm ngài dạy văn chương Pháp và nhạc lý… ở tiểu chủng viện An Ninh. Vì vào thời gian này, Pháp ngữ là một ngôn ngữ phổ thông trong các trường học, nhất là các trường Công giáo, nên dù chưa học tiếng Việt, Cố Fasseaux cũng chẳng gặp khó khăn gì nhiều trong công việc. Tuy nhiên, do tính khí hoạt động của ngài không thích hợp với môi trường chủng viện, nên Đức Giám mục đã gởi ngài cho vị quản xứ Phủ Cam là cha François Antoine Stoeffler (Cố Thể, 1863-1940) để ngài học tiếng Việt mà đi truyền giáo. Cố Thể đặt tên Việt cho ngài là Phương. Sau một thời gian ngắn ngài đã nói được tiếng Việt chuẩn một cách dễ dàng.

Khoảng tháng 9 năm 1925, ngài được bổ nhiệm làm cha sở Nước Ngọt, một giáo xứ cách Huế 50km về phía nam (nay thuộc xã Lộc Thuỷ, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế). Ngài xây dựng một nhà thờ xinh đẹp mà chiến tranh đã không phá hủy, làm một trường học với một nhà dành cho nữ tu. Sau khi đã có cơ sở ổn định, ngài mời các chị Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đến phục vụ vào năm 1927.

Trong thời gian này, tình trạng y tế của địa phương đã thúc đẩy ngài xây dựng một bệnh xá với nhiều phòng cho bệnh nhân tá túc rồi giao cho các nữ tu y tá coi giữ. Nhờ những hoạt động tôn giáo lẫn xã hội đó, mà trong cuộc kinh lý của mình, Đức Giám mục de Guébriant, Đặc sứ Toà thánh, đã ở lại nhà Cố Fasseaux.

Năm 1933 ngài được bổ nhiệm làm giáo sư Đại chủng viện Huế và đã ở đó đến tháng 4 năm 1936, lúc được cha Audigou thế chỗ.

Ngày 24 tháng 4 năm 1936 ngài rời Đà Nẵng đáp tàu thủy đưa Đức cha Chabanon (Giáo, 1873-1936) đau yếu về Pháp. Ngài đã ban các phép sau hết cho Đức cha trên tàu.

Ngài trở lại Huế ngày 7 tháng 1 năm 1937 và sung sướng nhận lại giáo sở Nước Ngọt. Tháng 12 năm 1937 ngài tạm giúp cha Etchebarne, quản lý địa phận đang gặp khó khăn.

Năm 1938, ngài xây dựng thánh đường, trường học và nhà nữ tu ở Thủy Cam và Thủy Yên. Ngài cũng làm như thế vào năm 1939 ở làng Đập. Năm 1940, Nước Ngọt và các giáo họ trực thuộc có 4 trường học và 1 bệnh xá. Một nhà hộ sinh và 1 nhà thương được nhà nước công nhận, đón nhiều bệnh nhân mỗi ngày. Năm 1942, các làng Phú Xuyên và Phước Hưng cũng có trường học. Năm 1944, tại Tam Vị (ngày nay là vùng biển Bình An, cảng Chân Mây, cách Nước Ngọt 10km), Cố Fasseaux đã chọn một đám đất rộng và xây dựng một ngôi nhà lớn dành cho những nữ tu đang được đào tạo, để họ có dịp tiếp xúc với dân chúng.

Là công dân Bỉ, Cố Fasseaux đã không gặp nhiều khó khăn trong các sự kiện năm 1945. Nhưng từ tháng 12 năm 1946 đến tháng 2 năm 1947, thành phố Huế có nhiều biến động, các cha Thừa sai bị đưa ra Vinh [4]. Do chiến tranh, Giáo sở Nước Ngọt bị chia thành hai khu vực, không có an ninh và bị ảnh hưởng của hoạt động du kích. Lao nhọc, Cố Fasseaux nghỉ hưu vào tháng 5 năm 1947. Ngày 8 tháng 11 năm 1947 ngài rời Việt Nam đi Hồng Kông và ở đó từ 13 tháng 12 năm 1947 đến 9 tháng 8 năm 1950, làm việc tại nhà in Nazarét. Cuối cùng, ngài về lại Bỉ, trải qua một cuộc giải phẫu và làm cha sở giáo xứ Fontaine-Valmont, thuộc địa phận Tournai.

Ngày 1 tháng 8 năm 1956, cha Fasseaux lên tàu “Vietnam” sang Việt Nam lại. Ngài nhận giáo xứ Mai Xá (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), một giáo xứ có số giáo dân khoảng 600, gần vĩ tuyến 17. Ngài bắt đầu xây cất một trường học lớn, giao cho các nữ tu Mến Thánh Giá phụ trách với một bệnh xá và một nhà nguyện. Ngài cũng làm như vậy ở Vĩnh Quang, Lâm Xuân, Lại Ân, rồi tại Chợ Hôm, một giáo họ mới ở trên bờ biển ở Quảng Trị, gần Cửa Việt. Tại đó, Ngài xây một nhà xứ kiên cố, một trường học đồng thời cũng làm nhà nguyện, rồi nhường giáo xứ Mai Xá lại cho cha Pierre Poncet.

Năm 1962, ngài được đặt làm cha sở xứ An Đôn, gần thị xã Quảng Trị, đồng thời làm hạt trưởng một giáo hạt có 11.000 tín hữu với 700 tân tòng và dự tòng. Ở đó, ngài xây hai trường học lớn. Năm 1963, lại thành lập một trung tâm truyền giáo mới với bệnh xá, phòng phát thuốc, trường học, trú sở cho nữ tu và sau đó xây một nhà thờ, hạt nhân của một giáo xứ mới.

Cuối năm 1964, vì lý do sức khoẻ, ngài được Đức Giám mục Nguyễn Kim Điền mời về làm việc tại Huế, giúp đào tạo các đệ tử Dòng Mến Thánh Giá Thừa sai. Tháng 6 năm 1966, do suy nhược kiệt sức trầm trọng, ngài buộc phải trở về Bỉ.

Sau khi hồi hương một thời gian, ngài được bổ nhiệm làm cha sở giáo xứ Ragnies, cách Strée, sinh quán của ngài 4km. Ngài đã trùng tu ngôi nhà thờ vốn được xếp hạng như một di tích lịch sử. Ở đó, ngài đã trở thành kẻ phục vụ mọi người, nhất là người già lão và bệnh tật. Tháng 10 năm 1969, ngài trải qua một cuộc giải phẫu vì nghẽn sỏi thận tại bệnh viện Gilly Charleroi, thuộc tỉnh Hainaut, bên bờ sông Escaut. Tại đó, ngài đã từ giã cuộc đời khoảng 12 giờ trưa ngày 12 tháng 10 năm 1969, thọ 73 tuổi, với 43 năm làm linh mục, phục vụ giáo phận Huế 29 năm, Hồng Kông và Bỉ 14 năm. Do nguyện vọng được chôn cất như một kẻ nghèo, thi hài ngài đã an nghỉ tại nghĩa trang giáo xứ Ragnies, vương quốc Bỉ.

2- Đời sống phục vụ truyền giáo:

Qua tiểu sử của Cố Fasseaux ở trên, chúng ta thấy rõ rằng: phần lớn đời linh mục của Ngài cống hiến cho xứ truyền giáo đất Việt (14 năm rời Việt Nam là do chiến tranh và bệnh tật). Ngài đặt chân đến đâu trên nước Việt cũng đem tin yêu và hy vọng đến đó. Mọi nơi Ngài đi qua đều để lại trong lòng người lương giáo sự quý trọng, kính yêu vô vàn. Đặc biệt trong đời hoạt động tông đồ của Ngài là đến đâu cũng xây dựng nhà thờ, trường học, trạm xá và đặt một nền móng đức tin vững chắc cho nơi ấy.

Ngài đến vùng Lộc Thuỷ, Phú Lộc và đảm nhận giáo xứ đầu tiên trong đời linh mục của mình là Nước Ngọt, một giáo xứ thôn quê nghèo nàn và thiếu thốn mọi phương diện. Tại đây, phục vụ trong cương vị quản xứ hai lần tổng cộng 15 năm (1925-1933 rồi 1937-1942), Ngài đã xây dựng một thánh đường lớn có nội thất bằng gỗ rất xinh đẹp còn tồn tại đến ngày nay, dù có chút thay đổi. Ngôi thánh đường này là một công trình đồ sộ với ngọn tháp cao trên đó có 3 cái chuông nổi tiếng trong toàn Giáo phận (một của hội Thừa sai Paris tặng, một của gia đình Cố Fasseaux tặng và một của Hoàng hậu Nam Phương tặng. Cả 3 chuông này đều được đem về từ Pháp)[5]. Ngoài ra Ngài đã tạo lập 5 họ đạo mới với 5 ngôi nhà thờ nữa là: Thủy Yên, Thủy Cam, Phú Xuyên, Phước Hưng và Đập. Tại mỗi nơi đều có trú sở cho nữ tu và trường học, riêng Nước Ngọt có thêm bệnh xá và nhà hộ sinh để phục vụ y tế miễn phí cho cư dân trong vùng. Sau khi có đủ cơ sở, với sự khôn ngoan xếp đặt của mình, Cố đã mời các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân Huế về cộng tác phục vụ dạy học, phát thuốc, chăm sóc bệnh nhân và sản phụ….

Cũng tại giáo xứ Nước Ngọt, là trung tâm Công giáo của vùng, Cố còn trưng rất nhiều đất cho giáo dân sống chung quanh nhà thờ, và bảo họ cứ cha truyền con nối mà ở, không được bán, hằng năm chỉ đóng góp ít nhiều để lo việc phụng tự. Bên cạnh đó, để cải thiện đời sống, tạo công ăn việc làm, “xoá đói giảm nghèo” cho cư dân, Cố đã lặn lội tìm cách ngoại giao, xin đấu thầu cung cấp củi đốt lò cho đầu máy xe lửa, tìm mua hơn 100 mẫu ruộng tốt, tạo lập đồn điền rồi giao cho giáo dân, người nghèo canh tác. Tất cả những điều này, Cố làm hoàn toàn vì đức bác ái Công giáo chứ không phải như một địa chủ phát canh cho tá điền. Nhờ đó, đời sống giáo hữu cũng như cư dân vùng này được cải thiện hơn về mọi mặt. Các nhà thờ mỗi giáo xứ và các cơ sở nữ tu, mỗi đơn vị đều được Cố mua cho ruộng riêng để làm hầu tự túc tài chính mà tự duy trì và phục vụ sinh hoạt.

Ngoài ra, tại Tam Vị, năm 1944 Cố còn xây dựng một cơ sở rất lớn dành cho những nữ tu đang được đào tạo, để họ có dịp tiếp xúc với dân chúng. Tuy nhiên, sau hai cuộc chiến, thì cơ sở này đã bị tàn phá bình địa, giờ không còn dấu tích gì ngoài một lăng Tử đạo và một ít giáo dân nay thuộc giáo xứ Thừa Lưu mà thôi.

Tất cả tiền bạc chi phí cho công cuộc truyền giáo này, Cố Fasseaux đã vận động các nhà hảo tâm ở Bỉ và ở Pháp giúp đỡ.

Như thế, qua hai lần về làm cha sở Nước Ngọt và sống với dân ở vùng này, Cố đã giúp cho học sinh được đi học, bệnh nhân có nơi chữa trị và thuốc men miễn phí, dân làng có việc để làm, tín hữu có nơi thờ tự…. Các cụ từ 60 tuổi trở lên ở vùng này biết chữ được cũng đều đã qua trường Mai Khôi sáu sở do Cố lập: Nước Ngọt, Thủy Yên, Thủy Cam, Đập, Phú Xuyên và Phước Hưng. Nhiều người đang giúp ích cho xã hội tại địa phương cũng đã nhờ công trình của Cố.

Dù ruộng đất hiện nay đã bị sung công, nhiều trường học và công trình phúc lợi chẳng còn nữa, nhưng ký ức kỷ niệm về Cố nơi các cụ lương cũng như giáo vẫn tồn tại. Các cụ luôn kể cho con cháu nghe để nhắc nhớ và biết ơn một con người từ phương xa mà đến nhưng rồi đã trở thành thân thuộc của dân làng, trở thành vị cứu tinh cứu giúp, cứu khổ cứu nạn cho bao dòng tộc trong cơn khốn khó.

Còn về đức hạnh của Cố Fasseaux, có thể nói được là “ngoài sức của người đời” [6]. Cuốn “Nhân Vật Giáo Phận Huế” của giáo sư Lê Ngọc Bích và các bài viết tay kể về Cố của các bô lão ở Nước Ngọt đã thu thập được đều cho hay rằng: Cố Fasseaux sống như một nhà khổ hạnh. Trong việc đi lại nơi này đến nơi khác, Cố luôn dùng chiếc xe đạp bánh cao su đặc nổi tiếng làm phương tiện duy nhất. Còn khi ở trong vùng, từ Nước Ngọt đi làm lễ tại xứ nhánh thì Ngài thường đi bộ. Là ngoại nhân xứ sở văn minh, thế mà Cố đã hoà nhập với đời sống dân quê Việt Nam hết sức nhanh chóng và sâu đậm, từ nói năng, ăn uống đến mọi sinh hoạt khác.

Cố Fasseaux (Phương) thương yêu tất cả mọi người, ngài thường xuyên đi thăm viếng giáo dân, những kẻ nghèo khổ bần cùng và tật nguyền bệnh hoạn, động viên an ủi giúp đỡ họ cả vật chất lẫn tinh thần. Ngoài giờ mục vụ tại giáo xứ, Cố thường đến thăm các giáo họ, tham gia lao động với những người giúp việc của các nữ tu, bày vẽ cách trồng trọt, tự cầm cuốc để vun vồng đậu, vồng khoai như một nông dân lành nghề.

Cuộc sống của Cố thật giản đơn, thức ăn chỗ ngủ thì rất khắc khổ. Là người châu Âu nhưng vẫn thích nghi với ẩm thực của người Việt. Mỗi lần đi lao động ở đồn điền Tam Vị (cách xa Nước Ngọt 10km) hay đi truyền giáo, Cố thường mang theo chỉ một mo [7] cơm gạo lức (gạo đỏ của địa phương) độn khoai sắn, khoai không cạo vỏ. Thức ăn thường là cá khô kho, muối mè hay muối đậu phụng, đặc biệt Cố thường dùng một cục đường đen để ăn với cơm. Làm việc hết giờ thì ăn trưa, nghỉ trưa tại chỗ. Các nữ tu thương muốn chăm sóc nhưng Cố đều từ chối.

Chỗ ngủ của Cố là một tấm ván đơn sơ gác trên hai con bò chạm gỗ, gối kê đầu là một viên gạch hoặc một khúc gỗ khoét lõm hình bán nguyệt. Lối sống khắc khổ như vậy khiến người dân yêu mến, quý trọng, và họ so sánh lối sống của ngài với lối sống khổ hạnh của cha Henri Denis (Cố Thuận), tổ phụ Dòng Phước Sơn. Ngày nay, giáo dân bô lão các xứ đạo Nước Ngọt, Thủy Yên, Thủy Cam, Đập vẫn luôn nhắc đến đức hạnh của Cố Phương, nói ngài là một ông thánh sống.

Trong những năm 1933-1936, khi làm giáo sư tại đại chủng viện Phú Xuân Huế, vào các Thứ năm, Chúa nhật và các ngày lễ nghỉ, Cố đến bệnh viện để giúp đỡ các bệnh nhân nghèo khổ, tứ cố vô thân. Các bệnh nhân này -những người bình dân lao động bần cùng trong xã hội- được cho nằm trong căn phòng mấy chục giường mà hồi bấy giờ người ta gọi là “nhà thương thí”. Cố Fasseaux đến với họ, giúp đỡ họ bằng những hành động cụ thể, như dìu các cụ già, các bệnh nhân yếu trong việc tiểu tiện. Ngài còn làm nhiều việc khác như giặt giũ quần áo cho họ.

Thiên hạ thấy một ông Tây, ông Cố đạo mà phục vụ người Việt nghèo hèn bệnh hoạn như thế thì rất bỡ ngỡ thán phục. Mà Cố làm những công việc này cách thật lòng như một người thân, rất tự nhiên, khiêm tốn, đầy lòng nhân hậu. Về sau, khi có các nữ tu Dòng Thánh Phaolô phục vụ trong bệnh viện, ngài mới giao lại việc chăm sóc cho các chị.

Vì thời gian và điều kiện không cho phép nên người viết chẳng đến được giáo xứ Mai Xá, giáo xứ An Đôn để gặp các cụ bô lão ở đó mà nghe kể về vị thừa sai vĩ đại này. Nhưng những gì thu góp được qua các linh mục lão thành, các ông bà cao niên tại Nước Ngọt, Đập, Thủy Yên, Thủy Cam và các tài liệu của Giáo phận Huế về đời sống và công việc của Ngài ở giáo xứ Nước Ngọt cũng đủ cho thấy ngài là một linh mục gương mẫu, thánh thiện, đầy lòng yêu mến Thiên Chúa, yêu mến con người. Ngài đi qua nơi đâu thì đều để lại một nền móng vững chắc cho cộng đoàn Kitô hữu. Dù nhiều người ngày nay không biết đến Cố linh mục Fasseaux, lịch sử truyền giáo đất Việt chẳng nhắc đến nhiều công lao của ngài, nhưng những gì ngài đã sống đã làm cho công cuộc rao giảng Tin Mừng cũng đủ để cho thế hệ con cháu, tầng lớp hậu bối noi gương ngưỡng mộ. Giờ đây, xin mời đọc những mẩu chuyện về Cố qua truyền khẩu và chứng từ sống như sau:

3. Những câu chuyện truyền khẩu và chứng từ sống về Cố Fasseaux ở Nước Ngọt:

(Chứng từ của cụ Hoài Ân trong tập “Hành trình 125 năm” của giáo sở Nước Ngọt).

Tôi sinh năm 1938, vào thời Cố Phương làm Cha sở Nước Ngọt. Lớn lên nghe người trước kể nhiều mẩu chuyện về Cố, tôi vô cùng ngưỡng mộ và kính mến ngài. Nhân dịp mừng kỷ niệm 125 năm thành lập họ đạo và 80 năm xây dựng thánh đường (do bàn tay Cố), tôi mạo muội ghi lại vài mẩu chuyện truyền khẩu với tâm tình tưởng nhớ biết ơn vị đại ân nhân của giáo sở nói chung và của giáo xứ Nước Ngọt nói riêng.

a. Thưởng phạt phân minh:

Vào năm 1925, khi vừa đổi về, Cố liền xây dựng thánh đường mới. Cột, kèo, xiên, trính rất lớn. Ngày dựng thánh đường do một ông thợ cả (thợ Cương) điều khiển; phương tiện để đưa lên lắp ráp như trục quay, đòn bẩy…. toàn thủ công. Khi đang vận chuyển từ dưới lên, chẳng may do lỏng dây, một cây xiên (nặng 2-3 người khiêng) rơi ngược xuống.

Một giáo hữu trẻ nhanh nhẹn nhảy lên giàn đỡ lấy, nâng lên, móc dây vào kéo về vị trí lắp ráp. Xong việc, Cố gọi người thanh niên đó lại, bảo nằm xuống đánh 3 roi, phạt tội “dại rủi chết thì sao”. Đồng thời vào phòng lấy ra 3 quan tiền thưởng “lòng can đảm và sức mạnh”. Người bị đánh đã không buồn giận mà ngược lại còn cảm phục và thương kính Cố nhiều hơn nữa.

b. Sức mạnh và lòng thương người:

Chuyện kể rằng một hôm Cố đi dâng lễ họ nhánh về, dọc đường thấy một người chặt tre, ông ta đang ì à ì ạch lôi mà không nổi vì đọt (ngọn) cây tre vướng quá nhiều cành. Cố dừng lại, nắm lấy ngay đọt tre kéo ngược trở lại, lôi ra quá dễ. Lần khác đi ngang qua làng Phú Cường, thấy nhà ông Độ bị cháy (nhà ông buôn xăng sơ ý phực lửa). Cố xông vào chữa cháy cứu mạng ông ta, còn điều khiển và bày cách chữa cháy cho dân địa phương lúc đó. Bản thân Cố mang bốt (ủng) xông vào đạp trên lửa, giựt cửa tủ, lấy vật dụng tiền bạc ra giúp. Gói bạc đã cháy hết một góc, Cố đích thân lên kho bạc nhà nước đổi cho gia chủ (hồi đó thời Pháp thuộc, các Cố Tây rất có uy quyền). Khi Cố đã qua đời, hằng năm ông Độ đều vào nhà thờ xin lễ cầu hồn cho Cố, mặc dù ông ta không có đạo.

c. Đức khiêm nhường:

Một hôm đi công việc, Cố bới (mang) theo một mo cơm, bên trong có gói một cục đường. Khi đến nơi, phát hiện thấy cục đường bị rơi mất, Cố lui lại để tìm. Gặp một bà đi ngược chiều, Cố hỏi bà ấy có lượm được cục đường không, cho Cố xin lại. Bà ấy thưa: “Con không thấy”. Nhưng lòng Cố cứ đinh ninh bà ấy lượm. Đi một đoạn nữa thì thấy cục đường. Thế là Cố tức tốc bắt kịp bà ta để xin lỗi vì đã nghĩ lầm cho bà… !

Những mẫu chuyện trên đây chỉ nghe qua truyền khẩu, có thể không đúng 100%. Vậy ai đã nghe rồi xin thông cảm.

d. Tinh thần hy sinh mục tử [8]:

Tui sống với Cố Phương 7 năm trời, thấy không có ai như Cố, một con người đạo đức và nhân ái. Cố ăn uống kham khổ lắm và chẳng hề đòi hỏi gì, chỉ biết hy sinh cho con chiên bổn đạo. Tui không quên được khi ông ngoại tui đau bệnh liệt giường, Cố tới thăm và thấy ông tui áo không đủ ấm, Cố bèn cởi áo mình ra mà mặc cho ông. Chừ tui 87 tuổi rồi nhưng vẫn không quên được hành động đó. Rồi khi ông ngoại tui qua đời không có vải liệm, Cố Phương lại tìm cách mua cho. Cố làm cha xứ hồi Pháp là oai và uy lắm, thế mà ai cần giúp điều gì là Cố sẵn sàng, không hề bực bội buồn phiền gì cả. Gia đình tui biết ơn Cố lắm.

Đại Chủng Viện Huế, 1-5-2011. Nk 2010-2011

Phêrô Nguyễn Bính + Giuse Nguyễn Hữu Tâm (Lớp Thần học I).

Cả hai nay đã làm linh mục

——————————————————————

Chú thích

[1] Theo tài liệu: Lê Ngọc Bích, Nhân vật giáo phận Huế, tập II, lưu hành nội bộ, 2000, trang 61.

[2] phỏng theo: 1) http://www.mepasie.org:80/?q=fasseaux; 2) LÊ NGỌC BÍCH, Nhân vật giáo phận Huế, tập II, 2000, trang 61-64; 3) Việt Nam Công Giáo, Niên giám 1964, in tại nhà in Nguyễn Bá Tòng Sài Gòn, trang 211- 226; 4) Hành trình 125 năm, Địa sở Nước Ngọt, từ trang 12-13; và theo sử liệu khác của giáo xứ Nước Ngọt nói về Cố Phương.

[3] Tên đầy đủ: Raphaël, Antoine, Marie, Joseph, François-Xavier FASSEAUX.

[4] Do cuộc đảo chính của Nhật, biến động chính trị. Xem thêm phần “Lịch sử của Tổng giáo phận Huế” trong cuốn “Việt Nam Công Giáo, Niên giám 1964, in tại nhà in Nguyễn Bá Tòng Sài Gòn, trang 211.

[5] Theo lời của cha Quản Xứ Nước Ngọt đương nhiệm Phaolô Nguyễn Trọng.

[6] Theo lời cụ chủ tịch HĐGX Nước Ngọt đương nhiệm: Matthêu Nguyễn Quang Tấn

[7] Bẹ cây cau phơi khô vừa rất dẻo, sạch và đẹp, dân quê dùng bới cơm mang theo khi đi làm xa đến bữa không về nhà được.

[8] Chứng từ của cụ Ngữ 87 tuổi ở giáo xứ Thủy Yên

[1] A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques II, Paris, Téqui 1924, tr.166. Nhưng xin lưu ý là giáo xứ Cầu Hai thì đã do cha Emmanuen Bổn thành lập vào thời chúa Ngãi Nguyễn Phúc Thái (1687-1691).

[2] A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques II, Paris, Téqui 1924, tr.188. (Hoặc) Lm. St. Nguyễn Văn Ngọc và Giuse Nguyễn Văn Hội, Lịch sử Giáo phận Huế qua các triều đại vua chúa, tr.131.

[3] Cồn Cát nay còn đó, dù khó xác định được địa điểm nhà tù (lúc ấy được làm bằng tranh tre, để dễ bề đốt cháy mà thiêu sống các tín hữu bị giam khi có lệnh), nhưng nơi nầy đã được ghi vào thiên hùng sử của Giáo hội Việt Nam.

[4] Lăng tử đạo được trùng tu đời cha sở Giuse Nguyễn Văn Chánh (năm 2000) nhưng không được phép đặt bia mang tên “Lăng tử đạo” vì chính quyền ngăn cản và buộc giáo xứ phải ký văn thư “không đặt bia lăng tử đạo”. Đến thời cha Giacôbê Lê Sĩ Hiền quản xứ (năm 2002) thì ngài đã âm thầm dựng bia vào một buổi chiều mưa tầm tã tháng 11. Sau đó chính quyền huyện Phú Lộc biết được đã yêu cầu cha đập bỏ tấm bia, nhưng cha trả lời: “Khi gắn bia thì tôi làm cách âm thầm, nhưng bây giờ đập bỏ thì tôi phải làm công khai cho mọi người biết, nên xin chính quyền cho một văn bản viết rằng chính quyền huyện Phú Lộc đề nghị cha Gc Lê sĩ Hiền quản xứ Nước Ngọt đập bỏ bia lăng tử đạo. Có được giấy rồi, thì tôi sẽ thi hành ngay bằng cách quy tụ 4600 giáo dân giáo sở Nước Ngọt với khăn tang trên đầu cùng với tôi mang lễ phục tím và chính tôi cầm búa để đập phá. Tôi sẽ mời người quay phim chụp hình để phổ biến cho toàn thế giới”. Nghe thế, chính quyền ngưng lại việc cấm đoán của họ!!!

[5] Về cái giếng nơi cha Vĩnh bị vứt xác xuống, thì cách địa điểm nhà thờ cũ khoảng 100 mét, về phía tây nam, trước đây có một cái giếng nằm sát một bụi tre nhỏ. Được biết quanh đó không có giếng nào khác. Như vậy giếng nầy có thể là nơi cha Vĩnh bị quăng xuống. Giếng thuộc vườn của một giáo dân và bị lấp đất vì nước ít không đủ dùng (1994).

[6] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí. T1, trang 192. Nxb Thuận Hóa, 1992.

[7] Nguyên bản Phụ lục này nói về hai nhân vật tại Nước Ngọt. Chúng tôi chỉ trích đăng phần nói về cố Phương. Nguyên bản đăng trên https://antontruongthang.com/than-h%E1%BB%AFu-chung-s%E1%BB%A9c/c%E1%BB%91-ph%C6 %B0%C6%A1ng-va-o-uy%E1%BB%83n-t%E1%BA%A1i-giao-x%E1%BB%A9-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ng%E1%B B%8Dt-giao-ph%E1%BA%ADn-hu%E1%BA%BF/

**********************************

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế