Lược sử Giáo xứ Tây Linh

24/02/2020

GIÁO XỨ TÂY LINH

Nhà thờ Tây Linh

LƯỢC SỬ

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Tây Linh, giáo hạt Thành Phố Huế, nằm trên địa bàn phường Thuận Lộc, Kinh thành Huế, phía tây bắc là cửa An Hòa, phía đông là đường Mang Cá và cống Cầu Kho, phía tây là cửa Chánh Tây, cách toà Giám mục Huế khoảng 3,26 km về phía bắc tây bắc, theo đường chim bay. Nhà thờ Tây Linh nằm ở số 139 đường Thái Phiên.

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1. Từ cuộc truyền giáo của các cha Dòng Tên (1624):

Trong lịch sử Giáo phận Huế, họ đạo Cầu Kho[1] (tên cũ của giáo xứ Tây Linh) có lẽ thuộc loại cộng đoàn tín hữu hình thành rất sớm. Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, “năm Giáp Tý (1624) có giáo sĩ tên là Jean Rhodes, người Pháp-lan-tây, đến giảng đạo ở Phú Xuân và lập các giáo đường”[2]. Lập giáo đường (nhà thờ) thì hẳn là đã có tín hữu. Nhưng rồi, các chúa Nguyễn liền cấm đạo gay gắt như chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) với sắc chỉ năm 1625, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) với hai sắc chỉ năm 1639 và 1644, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) với hai sắc chỉ năm 1663 và 1665, chúa Ngãi Nguyễn Phúc Thái (1687-1691) với sắc chỉ năm 1691, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) với sắc chỉ năm 1700, nên các cộng đoàn chẳng còn sinh hoạt nữa.

Đến đời chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), việc cấm hành đạo và bắt người theo đạo bớt nghiêm ngặt, một số giáo sĩ lại vào giảng đạo ở Phú Xuân cho quan lại và dân chúng. Lúc nầy, theo lưu truyền, ở đất Cầu Kho đã có một nhà nguyện bằng tranh.

Trải qua thời kỳ cấm đạo và bắt đạo khắc nghiệt kéo dài từ triều Tây Sơn đến các vua triều Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, ngôi nhà nguyện bằng tranh ấy đã không còn dấu vết. Trong thời này, ông Micae Hồ Đình Hy (1808-1857), quan thái bộc, hàm tam phẩm, thuộc cộng đoàn Cầu Kho, đã đến Cung Quán gần đó, nơi Đức Cha Dominique Lefèbvre (Giám mục Tây Đàng Trong) đang bị vua Thiệu Trị giam giữ tháng 8 năm 1846, để giúp đỡ cho ngài. Nhà ông Micae cũng từng nhiều lần đón Đức Cha François Pellerin (Giám mục Bắc Đàng Trong) đến trú ngụ, suốt thời gian ngài kinh lược giáo phận (từ tháng 3-1848 đến tháng 3-1849). Ông Micae về sau đã tuẫn đạo dưới triều Tự Đức, được phong hiển thánh, và hài cốt hiện được tôn kính tại nhà thờ Tây Linh.

Trong các cuộc bách hại của Văn Thân năm 1885-1886, một số giáo dân đã chạy vào Nội thành tìm chỗ trú an toàn gần nhượng địa của Pháp mới được thành lập (khu vực đông bắc của Thành nội, thường gọi là Mang Cá lớn và Mang Cá nhỏ, tức Trấn Bình đài). Rồi một số gia đình thuộc họ đạo Trài (Cự Lại) từ Thuận An lên đây sinh sống, buôn bán, bồi bếp. Họ làm gia tăng số tín hữu ở Cầu Kho.

Đến thời vua Thành Thái (1889-1907), với sự giúp đỡ nhiệt tình của Lễ bộ Thượng thư Ngô Đình Khả (vị đại thần về sau đã can đảm phản đối quyết liệt việc thực dân Pháp phế và đày vua yêu nước Thành Thái), ngôi nhà nguyện bằng tranh (vì không có phép xây gạch lợp ngói) lại xuất hiện ở Cầu Kho, tại địa điểm nhà thờ Tây Linh hiện thời, để số giáo dân ở Nội thành sớm hôm đọc kinh cầu nguyện. Tiếc thay, nhà nguyện này lại bị các quan trong triều phản đối, nên vua đã cho triệt hạ.

2- Giáo họ trực thuộc Tiên Nộn

Vào năm 1909, cộng đoàn Cầu Kho bắt đầu được sự chăm sóc của một mục tử, trở thành giáo họ trực thuộc giáo xứ Tiên Nộn. Đó là thời cha Pierre Godet (cố Thiện, 1866-1898-1926) làm cha sở Tiên Nộn (1909-1926) kiêm nhiệm Cầu Kho. Giáo dân Cầu Kho khi ấy rất nghèo, nên ngài đã chỉ dạy cho họ trồng rau cao cấp bán cho triều đình Việt và quân đội Pháp: su bắp, su trái, tỏi tây… đồng thời ngài cũng vận động giáo dân xây nhà nguyện.

Lúc bấy giờ giáo họ Cầu Kho có hai gia đình có con làm linh mục là cha Phaolô Văn Đình Vĩnh (1891-1920-1968) và cha Gioakim Võ Quang (1904-1936-1991, thân sinh từ Cự Lại lên). Họ ở hai lô đất lớn bên cạnh nhau trước con sông đào (Ngự Hà). Cả hai đồng thuận mỗi gia đình nhường nửa lô đất để xây dựng nhà nguyện Cầu Kho.

Ngôi nhà nguyện này nằm trên khu đất hiện là trường trung học cơ sở Tố Hữu (xem bản đồ). Năm 1946, cha Anrê Nguyễn Văn Cần (gốc Trường An), chánh xứ Gia Hội kiêm giáo họ Cầu Kho, sửa nhà nguyện thành nhà thờ lợp ngói khá khang trang. Lúc này giáo họ có khoảng 150 người.

3- Thành giáo xứ, có cha quản xứ riêng.

Năm 1950, cha Phaolô Trần Bá Hạnh (gốc Sơn Công, 1897-1926-1984) được vị Giám mục Đại diện Tông toà Huế là Đức Cha J.B. Urrutia (Thi) bổ nhiệm làm quản xứ Cầu Kho. Giáo dân lúc này được khoảng 500 người.

Làm cha sở tiên khởi, công việc đầu tiên của ngài là cơi nới ngôi nhà thờ cũ cho rộng rãi, thông thoáng. Các quan chức địa phương hủ lậu và kỳ thị bèn ra lệnh cho cha Hạnh phải triệt hạ thánh đường vừa mới tu sửa. Cha Hạnh đã nhờ tòa Giám mục xin Thủ hiến Trung Việt can thiệp. Bấy giờ (thời Quốc trưởng Bảo Đại), ông Thủ hiến là dược sĩ Phan Văn Giáo đã xin với chính quyền trung ương cho ngôi thánh đường Cầu Kho tồn tại và đã được chấp nhận.

Kể từ khi chính thức được thành lập giáo xứ, cha sở tiên khởi cùng cộng đoàn đã chọn ngày 15 tháng 8 hằng năm, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời làm bổn mạng cho giáo xứ.

Đến năm 1962, cha Giuse Trần Thắng Trung (gốc Kẻ Văn, 1917-1948-2002) về thay thế. Giáo xứ từ đây đổi tên thành Tây Linh. Thời điểm này, giáo dân vào khoảng 2000 người. Đa số từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, đến sau năm 1954, và một số từ các vùng bị giải tỏa thời ấy. Ngôi nhà thờ lúc đó quá chật hẹp không đáp ứng được điều kiện mục vụ.

Một buổi sáng mùa hè 1962, Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục đến thăm cha sở Giuse, thấy nhà thờ Cầu Kho phía trong là phần cũ mái ngói vách gạch trên nền rất cao vì hay lụt lội, phía ngoài có cái rạp lớn lợp tôn, nền xi-măng rất thấp, chung quanh trống trơn. Chúa nhật cha quản xứ làm lễ nơi bàn thờ tạm đặt ở cửa chính nhà thờ, giáo dân trong nhà thờ quay mặt ra, ngoài rạp quay mặt vô, mặc dầu vậy cũng không đủ chỗ. Câu họ Phan Văn Tìm (Cửu Tìm, ông ngoại cha Phêrô Trần Văn Quí) mới xin Đức cha tìm cách phục hồi ngôi nhà thờ cũ do cụ cố Ngô Đình Khả xây cất mà đã bị triệt hạ.

Nhờ sự giúp đỡ của Đức cha Thục, cha Trung đã xây ngôi nhà thờ mới lớn hơn (trên nền nhà nguyện bằng tranh tre thời cụ Thượng thư, tức địa điểm hiện thời), cách nhà thờ cũ gần 200m về phía tây; còn khu đất cũ thì nhường lại cho các cha dòng Tên xây trường trung học Tín Đức mà sau năm 1975, Nhà nước đã quản lý và đổi thành Trung học cơ sở Tố Hữu.

Bên trong nhà thờ Tây Linh

Ngôi thánh đường mới này dài 43m, rộng 16m, vách kiên cố, mái lợp ngói, tháp cao 30m[3], nằm trên lô đất rộng 10.240m2, khởi công từ năm 1962 đến năm 1964 thì hoàn thành, lấy tên chính thức là nhà thờ Tây Linh.

Cha Giuse Trần Thắng Trung cũng xây một trường tiểu học nằm ở sân nhà thờ, phía trái nhìn từ ngoài cổng. Ngôi trường mang tên người con ưu tú của giáo xứ, thánh tử đạo Micae Hồ Đình Hy. Trường được giao cho các nữ tu Mến Thánh Giá phụ trách.

– Từ 1967-1968: cha Phaolô Nguyễn Kim Bính (gốc Đại Lộc, 1922-1951,1996), kiêm giám đốc Công giáo Tiến hành Giáo phận lần 2. Có cha Antôn Nguyễn Văn Huề ở phó.

Cha Phaolô cai quản giáo xứ đúng vào năm có biến cố Mậu Thân. Phần lớn Thành nội lúc ấy bị Bắc quân xâm chiếm (ngoại trừ đồn Mang Cá ở góc đông bắc vốn bị tấn công quyết liệt). Người dân lúc ấy dĩ nhiên tìm cách chạy thoát ra bên ngoài thành. Người ta còn truyền tụng câu chuyện có một ông già râu tóc bạc phơ đứng trước nhà thờ Tây Linh, trên đường Thái Phiên, nhắc cho đồng bào đừng chạy lên phía Cầu Kho, nơi đang có giao tranh dữ dội, mà hãy chạy về hướng ngược lại. Phải chăng đó là thánh Giuse như nhiều tín hữu đã cảm nghĩ?

– Từ 1968-1970: cha Giacôbê Trần Văn Thời. (gốc Hương Lâm, 1923-1950-1994). Khi xảy ra biến cố Mậu Thân, cha Giacôbê đang là quản xứ Nước Ngọt (từ 1963). Ngài bị bắt lên núi 2 tháng 5 ngày rồi được phóng thích về Huế, lãnh bài sai đi coi xứ Tây Linh từ 14-07-1968.

– Từ 1970-1975: cha Giuse Nguyễn Văn Giáo (gốc Hòa Ninh, 1927-1957-?). Ngài đóng trần nhà thờ, sửa cung thánh và nhà tạm, xây đài Đức Mẹ trước nhà thờ. 1970 là cao điểm của giáo xứ với 4.200 giáo dân. Sau 1975, ngài vào Cam Ranh ở.

– Tháng 5-1975 đến 10-1975: cha Tanítlaô Nguyễn Đức Vệ (gốc Mỹ Đức, Quảng Bình, 1944-1971-nghỉ hưu) coi Tây Linh trong vòng 1 tháng, sau đó đổi qua Gia Hội nhưng kiêm nhiệm xứ cũ cho đến th. 10. Ngôi trường tiểu học Hồ Đình Hy của giáo xứ bị nhà nước quản lý, xây tường, rào thép B40, đổi tên thành Tiểu học số 1 Thuận Lộc, đến nay vẫn chưa trả lại dù giáo xứ yêu cầu. Ngôi trường trung học Tín Đức của dòng Tên ở phía đông nhà thờ, nhìn ra Ngự Hà, cũng bị quốc hữu hóa, biến thành trung học cơ sở Tố Hữu.

Thời gian 1975-2000 là giai đoạn khó khăn nhất của cộng đoàn giáo xứ Tây Linh. Số giáo dân ngày càng sút giảm vì phải đi phương xa cầu thực, sinh hoạt các đoàn thể gặp ngăn trở, cơ sở vật chất của giáo xứ không được bảo dưỡng, trùng tu nên ngày càng xuống cấp. 

– Từ 10-1975 đến 01-1977: cha Phaolô Tống Văn Đơn (gốc Nhất Đông 1918-1951-1988).          Cuối tháng giêng năm 1977, ngài đi mobilette về tòa Giám mục bình yên vô sự. Nhưng một vài giờ sau bị huyết áp cao, đứt mạch máu, lâm cơn bất tỉnh, phải đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế, và từ đó bán thân bất toại, về Nhà chung dưỡng bệnh.

– Từ 1977-1980: Tây Linh được cha Gioakim Lê Thanh Hoàng (gốc Trí Bưu, 1934-1968-nghỉ hưu) quản xứ Tây Lộc, kiêm nhiệm cho đến khi có quản xứ mới.

– Từ 1980-1999: cha Batôlômêô Nguyễn Quang Anh (gốc Lê Xá, 1938-1964-nghỉ hưu). Kiêm Tây Lộc từ 1983 (khi cha Lê Thanh Hoàng vắng mặt), ngài đã trùng tu nhà thờ Tây Lộc lẫn Tây Linh. Ngài cũng xây tường thành bao quanh nhà thờ và nhà xứ Tây Lộc; nhờ vậy khuôn viên thánh đường mới không bị lấn chiếm và giữ được cho đến hôm nay. Ngài cũng xây nhà xứ hiện tồn ở Tây Lộc.

 – Từ 1999-2010: cha Phaolô Nguyễn Văn Hiển (gốc Hà Thanh, 1933-1964-2017). Ngài xây lại các cửa ra vào xung quanh nhà thờ, sơn tường, đóng trần, thay ngói mới nhà thờ và nhà xứ, trùng tu và nâng cấp sở các chị, đúc bê-tông sân nhà thờ rất khang trang, xây 5 phòng học giáo lý trong khuôn viên nhà thờ.

– Từ 2010 đến nay: cha Đôminicô Phan Phước (gốc Mỹ Phước, Quảng Bình 1947-1975-).

Năm 2012, ngài tiếp tục xây tường thành khuôn viên, kho đựng vật dụng của nhà thờ, nhà vệ sinh cộng đồng, sửa lại phòng hội của giáo xứ, đổ bêtông sân nhà xứ.

Ngày 18-6-2014, cha tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm xây nhà thờ giáo xứ. Chủ sự thánh lễ là Đức Tổng Giám mục P.X. Lê Văn Hồng, với sự tham dự của hơn 30 linh mục trong giáo phận, các bề trên hội dòng, các tu sĩ nam nữ, các đại diện giáo xứ: Phủ Cam, Phanxicô, Phường Đúc, Gia Hội, Ngọc Hồ, Tây Lộc, các thành viên hội Đồng hương Tây Linh từ xa về và giáo dân Tây Linh tại chỗ.

Là một linh mục hăng say sinh hoạt hội đoàn, cha Đôminicô hiện là Tổng Tuyên úy của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam, đồng thời là chủ tịch ủy ban Mục vụ Thiếu nhi của Giáo phận.

Tại Tây Linh hiện nay, trong khuôn viên nhà thờ, có quán cơm xã hội, bán cơm giá rẻ cho người nghèo trong khu vực và cung cấp cơm miễn phí cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế. Công trình này do linh mục G.B. Lê Văn Nghiêm (nay đã về hưu) khởi xướng và điều hành từ nhiều năm qua, với sự cộng tác của một số giáo dân thiện nguyện.

III. HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục

– Cha Phaolô Văn Đình Vĩnh (1891-1920-1968).

– Cha Gioakim Võ Quang (1904-1936-1991).

– Cha Phêrô Trần Văn Quí (1944-1973-nghỉ hưu)

– Cha Batôlômêô Phan Trần Thái, Dòng Don Bosco

– Cha Phêrô Nguyễn Quang Long (1984-2019-)

2- Tu sĩ

– Anna Võ Thị Quyền, sn 1906, vk 1945, qđ 1979, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

– Anna Lê Thị Liễu, sn 1917, vk 1946, qđ 2006, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

– Gertrude Văn Thị Vân, sn 1905, vk 1936, qđ 1996, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.        

– Luxia Đặng Thị Hoàng, sn 1915, vk 1942, qđ 1982, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

3- Giáo dân

– Năm 2010:    1130 người

– Năm 2015:    1174 người

– Năm 2020:    871 người.

Giáo xứ chia thành 4 khu vực: Đức Bà, Thánh Giuse, Thánh Tâm, Các Thánh Tử Đạo. Giáo dân đa số nghèo, sinh sống bằng nghề đạp xích lô, xe thồ, trồng rau xanh, buôn bán nhỏ, chằm nón … và một số rất ít là công nhân viên chức nhà nước.

Hội đồng Giáo xứ cũng đã đóng một vai trò quan trọng, cộng tác với cha xứ trong công việc mục vụ, nhất là từ sau Công đồng Vatican II. Lược sử giáo xứ Tây Linh còn ghi lại một vài tên tuổi:

Vị chủ tịch Hội đồng Giáo xứ tiên khởi là ông Nguyễn Văn Đàng, nhiệm kỳ 1966-1969. Đây là nhiệm kỳ thử nghiệm dự thảo qui chế HĐGX. Ông Đàng đã đảm nhiệm chức vụ này rất tận tụy. Là người tu xuất, có kiến thức, có óc tổ chức và nhiều sáng kiến, ông đã cùng với HĐGX giúp cha quản xứ đưa giáo xứ tiến bộ về mọi mặt: đạo, đời, sinh hoạt hội đoàn, sinh hoạt xã hội

Kế tiếp là các vị sau:

– Nhiệm kỳ 1969-1973:           Ông Đỗ Văn Náo

– Nhiệm kỳ 1973-1975:           Ông Trần Công Toản

– Nhiệm kỳ 1975-2005:           Ông Nguyễn Văn Cữu           

Ông Nguyễn Văn Cữu giữ chức chủ tịch HĐGX lâu năm nhất từ trước tới nay, và trong giai đoạn khó khăn về mọi mặt. Ông là người can đảm và nhiệt thành với nhà Chúa, khó có ai sánh kịp. Nhờ sự quả cảm và kiên trì của ông mà nhà thờ Tây Linh, nhà các nữ tu, nhà xứ và bất động sản của giáo xứ tồn tại đến ngày nay (ngoại trừ ngôi trường trong khu vực nhà thờ). Ông mất năm 2010 thọ 98 tuổi.

——————————————————————————-

[1] Họ đạo nằm gần Cầu Kho là một trong năm cầu cổ bắc qua Ngự Hà (dòng sông dành cho vua dạo chơi và để vận chuyển vật liệu trong Nội thành) gồm cầu Vĩnh Lợi, cầu Kho, cầu Khánh Ninh (cống Hắc Báo), cầu Tây Thành Thủy Quan, cầu Đông Thành Thủy Quan (cầu Lương Y). Những cây cầu này có tuổi đời trên 200 năm. 

[2] Jean Rhodes là linh mục Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ), Dòng Tên, sinh ở Avignon, lãnh thổ Tòa thánh trên đất Pháp. Phú Xuân là tên cũ của Kinh đô Huế. Xem Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, quyển II. Bộ Giáo dục, Trung tâm Học liệu, 1971, trang 99.

[3] Lẽ ra tháp phải cao hơn nữa mới cân xứng, nhưng vì gần đó có sân bay quân sự Tây Lộc nên nhà nước không cho.

———————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.